Năm Năm Sau Kéo Em Lên Giường

Chương 14-2




Kiều Phi

Ngày hôm sau đi làm, lại có rất nhiều văn bản phải dịch, đều là những tài liệu dùng trong cuộc họp về việc giảm thiểu thiên tai sắp tới. Trong tài liệu bên phía Châu Phi gửi tới còn kèm theo một bức ảnh về nạn châu chấu hoành hành. Những cánh đồng bạt ngàn bị đàn châu chấu đến hơn một tỉ con phá hỏng hết. Xóm làng bị bao phủ bởi nạn đói và nỗi kinh hoàng, những đứa bé mang đầy ruồi trên người đang khóc thút thít trên vai ngươi mẹ ăn mặc rách rưới.

Tâm trạng như bị đè nén, tôi bèn đứng dậy, bước ra phía cửa sổ.

Còn có gì đáng để chúng tôi oán trách ở đây chứ? Ăn no, mặc ấm, trong tiết xuân ấm áp, được làm những việc mình đã muốn làm từ rất nhiều năm nay. Thỉnh thoảng, dẫu có vấp phải khó khăn cũng như những buồn phiền trong chuyện tình cảm thì tất cả cũng chỉ để cuộc sống của chúng ta thêm sinh động và đáng nhớ hơn mà thôi.

Cho nên, tôi vẫn là người rất may mắn.

Còn Gia Dương của tôi, anh đang ở Châu Phi, liệu hai bố con anh có hoàn thành nhiệm vụ một cách tốt đẹp không? Anh có thể hiện tốt tước bố mình không? Có phải anh sắp về nhà không? Trong hoạt động ngoại giao, luôn có những việc phát sinh ngoài dự kiến. Chắc Gia Dương đang bận rộn với công việc, cho nên tới tận lúc này, anh vẫn chưa gọi điện về cho tôi.

Trình Gia Dươngspan>

Điện thoại của tôi bỗng rơi xuống đất, cạnh chân của một đứa bé da đen. Thằng bé đó chỉ khoảng bốn, năm tuổi, có vẻ khỏe mạnh, ánh mắt sáng long lanh, tay cầm đồ ăn của hai bố con tôi.

Nó bỏ đồ ăn xuống đất rồi nhặt điện thoại của tôi lên, nhìn ngắm hồi lâu rồi hỏi cộc lốc: “Cái gì đây?”

“Điện thoại”. Tôi giật lấy điện thoại, bật màn hình lên. Trong hoang mạc làm gì có tín hiệu, nhưng hình nền điện thoại là ảnh Phi Phi, điều này rất quan trọng với tôi.

Thằng bé lại hỏi tiếp: “Ai đấy?”

“Vợ chú”.

Bố tôi đứng phía sau. Ông nhìn thật kỹ, cuối cùng cũng phát biểu một câu: “Con bé này cũng xinh đấy”

“Đương nhiên rồi”, tôi nói, nhìn thấy thằng bé cười lộ cả hàm răng trắng. Tôi hỏi: “Cháu tên gì vậy?”

“Kazan”. Một người khác trả lời thay cậu bé. Đó chính là thiếu tá Kofi, anh ta vừa bước vào lều, một tay ôm đứa bé rồi quay lại trả lời tôi: “Con trai tôi đấy”.

Anh ta mang nước tới đặt ở bên cạnh đồ ăn mà Kazan mang tới rồi mời hai bố con tôi uống.

Bố tôi nói: “Cảm ơn”. Ông ngồi xuống, uống một ngụm nước rồi hỏi thẳng Kofi, “Kiếm được chút nước này cho chúng tôi chắc cũng không dễ dàng gì, anh muốn đổi lại cái gì đây?”

“Các chiến hữu của tôi. Họ đang ở trong tay quân đội của Chính phủ, chúng tôi giữ hai người lại đây để đổi lấy bọn họ”. Anh ta đứng dậy nhìn bố tôi, “Tôi biết ông là nhân vật cấp cao, có điều chiến hữu của tôi quan trọng hơn, tôi chỉ cho Chính phủ cũng như hai bố con ông thời hạn là hai ngày”.

Nói rồi anh ta bỏ đi, bố tôi liền giục: “Gia Dương à, mau ăn cơm, uống nước đi con”.

Bố tôi không uống nhiều nước lắm, ông nhường cho tôi. Tôi uống một ngụm, bỗng cảm thấy cay cay nơi khóe mắt. Tôi nhìn ông, nghẹn ngào nói: “Bố à, bố đã già rồi, đừng như vậy”.

Ông cười, vỗ vai tôi và không nói gì.

Thời tiết trên hoang mạc rất khắc nghiệt, nhiệt độ ban ngày và ban đêm chênh lệch nhau rất nhiều. Tôi và bố nằm trong chiếc lều được binh lính giám sát, lạnh run lên.

Cậu bé Kazan bước vào, trên tay cầm một chiếc thảm. Đưa cho tôi xong, cậu vẫn không chịu đi, cứ đứng đó nhìn tôi.

Tôi lấy thảm đắp lên người bố, rồi quay sang hỏi cậu bé da đen: “Sao vậy?”

Nó không trả lời, vẫn nhìn tôi chằm chằm.

Tôi đoán được cậu muốn gì, liền rút chiếc điện thoại nhấn nút mở màn hình. Cậu hí hoáy nghịch ngợm, ấn bàn phím làm nó phát ra tiếng, điều này khiến cậu bé vô cùng thích thú.

Tôi hỏi: “Kazan có nghĩa là gì?”

Có lẽ cậu bé không hiểu câu tiếng Pháp này lắm, cậu ta nghĩ một chút rồi trả lời: “Cỏ xanh”.

Tôi gật đầu: “Thế ư? Mẹ cháu đâu?”

Nó nhìn tôi, trả lời tôi bằng tiếng Pháp một cách rõ ràng: “Mẹ bị bọn da trắng và bọn phản bội giết rồi”.

Lúc Kazan về, cậu bé trả điện thoại cho tôi. Tôi nằm bên cạnh bố, trong lúc nước sôi lửa bỏng thế này mà ông vẫn ngủ say.Tôi cảm thấy thật sự mệt mỏi, từ từ nhắm mắt lại. Lúc đang mơ màng thiếp đi, bỗng loáng thoáng nghe thấy giọng hát bằng tiếng thổ dân của đàn ông. Tôi không hiểu ý nghĩa của bài hát đó, chỉ cảm thấy giai điệu của nó rất trầm lắng và bi thương. Tôi có cảm giác nỗi khổ của hàng trăm năm dường như đang được tái hiện trong giọng hát của một người còn sống sót.

Hôm sau, ánh nắng trở nên rất gay gắt, nhìn bóng nắng có thể đoán được là đã gần trưa rồi. Kazan đưa cơm tới, cậu bé đi cùng bố mình. Thiếu tá Kofi cầm một chiếc đài casset nhỏ và cũ kĩ tới, sau đó ra lệnh cho chúng tôi: “Hai người nói vào đây, chúng tôi sẽ gửi tới chính phủ và Đại sứ quán”.

Bố tôi nhất quyết không nói.

Tôi khâm phục sự bình tĩnh của ông, nhưng lại không có được sự kiên cường như vậy. Tôi có rất nhiều lời muốn nói với một người. Tôi đã muốn thổ lộ từ lâu, giờ đây, tôi nhất định phải nói cho cô ấy biết.

Tôi hướng về phía chiếc đài và lên tiếng: “Kiều Phi à, anh là Gia Dương đây...”

Thổ lộ hết nỗi lòng với Phi, tôi mới nhận ra, nước mắt mình đã tuôn rơi từ lúc nào.

Kofi ra lệnh cho cấp dưới đưa chiếc băng đi. Anh ta nhìn tôi rồi hỏi: “Ông Trình là bố anh à?”

“Đúng vậy”.

“Hai bố con anh không hề giống nhau”.

“Không chỉ có anh nhận xét như vậy”.

“Tôi thấy anh là người kiên cường, rất có khí phách, rõ ràng có thể đi được, vậy mà lại ở đây cùng ông ấy”.

“Vâng, tôi là người như vậy”.

“Ban nãy anh nói chuyện với ai vậy?”

“Vợ tôi”

Anh ta nhìn tôi, gật đầu hỏi tiếp: “Kết hôn bao lâu rồi?”

“Vẫn chưa, vốn dĩ định sau lần này về sẽ cưới”.

“Đã nói những gì vậy?”

Tôi nghĩ một lát rồi nói: “Bất luận xảy ra chuyện gì, anh vẫn mong em sống vui vẻ như trước kia, còn có một chuyện, anh vẫn chưa thổ lộ cùng em, anh yêu em”.

Kofi nói: “Vốn dĩ cuộc sống rất tốt đẹp, không nên để mất niềm tin”.

Tôi nhìn vào đôi mắt đen của anh ta, hỏi tiếp: “Thế còn anh? Anh sống thế nào? Người của anh sống thế nào? Các anh đã khiến người khác sống cuộc sống thế nào?”

Kofi đáp: “Cuộc sống của chúng tôi đã từng rất thanh bình. Ăn cơm, đi ngủ, trồng trọt, ân ái, sinh con. Cho đến khi người da trắng tới. Họ lấy đi dầu mỏ, kim cương và vàng. Họ còn bắt chúng tôi theo tôn giáo của họ, đem vũ khí, vòng tránh thai tới, còn xúi giục chúng tôi tàn sát lẫn nhau, kích động nội chiến”.

“Chúng tôi tới đây chỉ là để sửa đường sắt thôi mà”.

“Không cần khuấy động sự yên tĩnh ở đây”. Anh ta đứng dậy đi tới cửa, vẫn xoay lưng nói với tôi: “Cái băng đó, vợ anh sẽ nhận được”.

Kiều Phi

Đã ba ngày nữa trôi qua. Tính từ ngày anh đi, tổng cộng đến giờ đã là tám mươi hai tiếng đồng hồ.

Tôi vẫn chưa nhận được tin tức gì của Gia Dương.

Trong văn phòng, trong Cục, trong Bộ, chẳng có ai bàn tán, dò hỏi, cũng chẳng có ai nói cho tôi bất cứ điều gì.

Tôi biết thi thể của hai kĩ sư tử nạn đã được chuyển về, nhưng Gia Dương và bố anh ấy vẫn đang ở bên đó.

Tôi uống trà, ăn cơm, làm việc, nuôi hai con rùa mà Gia Dương mua. Tôi thay nước cho chúng, còn giúp Ba Ba tìm studio chụp ảnh cưới.

Tôi cho cô ấy xem nhẫn cưới của mình rồi hỏi: “Thế nào? Có đẹp không?”

Cô ấy kinh ngạc thốt lên: “Chao ôi, cậu câu được chàng rùa vàng này từ lúc nào vậy?”

“Cậu nói đúng đấy, một chàng rể quý”, tôi cười hì hì đáp lại. “Cậu còn nhớ Trình Gia Dương không?”

Cô ấy càng kinh ngạc hơn, nghĩ một lát nữa rồi lắc đầu liên tục: “Kiều Phi, mình không tin nổi đâu”.

Tôi “hừm” một tiếng rồi nói tiếp: “Cậu cứ chờ đấy, anh ấy sắp đi công tác ở Châu Phi về rồi, mình sẽ cưới trước cậu cho mà xem”.

Tôi nhìn cô ấy rồi lại nhìn mình trong gương, cũng không hiểu đang nói với ai nữa: “Cậu cứ chờ mà xem”.

Hôm khai mạc cuộc họp về vấn đề giảm thiểu thiên tai, tôi và chị cùng phòng kết hợp dịch cabin cho các đại biểu khu vực nói tiếng Pháp. Chúng tôi đã chuẩn bị đầy đủ, tâm trạng cũng rất tốt, tới giờ nghĩ trưa, trưởng phòng bước tới bắt tay tôi. Đầu tiên ông nói chúc mừng, sau đó mới nói nhỏ vào tai tôi: “Kiều Phi, có người muốn gặp em đấy”.

Tôi đi cùng trưởng phòng tới văn phòng ở góc khuất trong trung tâm hội nghị, đẩy cửa ra thì phát hiện là người quen.

Trình Gia Minh và mẹ anh ấy.

Gia Minh nói: “Kiều Phi à, ngồi đi em”.

Tôi đáp: “Lát nữa có buổi tiệc, em phải tháp tùng lãnh đạo”.

Mẹ Gia Minh bèn bảo: “Kiều Phi à, cháu ngồi xuống đi”.

Giọng bà không hách dịch như lần trước gặp tôi, lúc này tôi nhận thấy giọng bà rất hiền dịu, pha chút mệt mỏi nữa.

Tôi thực sự cảm thấy lo sợ.

Hai người này định nói gì với tôi đây?

Tôi không muốn ngồi ở đây, trước khi Gia Dương về, tôi không muốn gặp hai người này chút nào.

Tôi muốn đi.

Đột nhiên tôi nghe thấy giọng của Gia Dương.

Tôi mơ hồ không hiểu, nhưng đúng là giọng anh ấy.

“Phi, anh là Gia Dương đây, xin lỗi đã đeể em phải chờ, anh sẽ nhanh chóng về thôi...”

“Nếu như không thể, anh mong em vẫn tiếp tục sống vui vẻ”.

“Em phải biết rằng, được ở cùng em là khoảng thời gian hạnh phúc nhất trong cuộc đời anh”.

“Còn nữa, anh quên không nói với em, anh yêu em”.

Tôi sững sờ đứng chôn chân tại chỗ.

Gia Minh bước tới cạnh tôi, nói: “Gia Dương và bố anh đang bị giam giữ chỗ phiến quân chống Chính phủ. Cả nhà đã mất liên lạc, đây là chiếc băng bọ chúng gửi cho chúng ta. Sau khi đã phân tích kĩ thì thấy đúng là giọng của Gia Dương”.

Tôi thấy mình không còn hiểu Gia Minh đang nói gì nữa, bèn hỏi lại: “Đúng vậy, em biết đó là Gia Dương. Bây giờ anh ấy đang ở đâu vậy?”

“Hiện tại, Chính phủ TQ, Chính phủ nước sở tại và quân đội vẫn đang tích cực tìm cách giải cứu”.

Tôi quay lại nhìn Gia Minh rồi hỏi tiếp: “Thế hả anh?”

Gia Minh gật đầu.

Tôi vươn vai nói: “Em lại cứ tưởng sao cơ, chẳng phải họ đang tìm cách giải cứu đấy thôi?”

Tôi nhìn mẹ của Gia Dương: “Nếu cứu được anh ấy ra, nhờ bác bảo anh ấy gọi điện cho cháu”.

Tôi chuẩn bị đi thì nghe thấy tiếng của mẹ Gia Dương: “Kiều Phi à, chúng ta muốn cho cháu biết chuyện này, bởi vì cháu có quyền được biết. Trong lòng cháu có cảm thấy sốt ruột, buồn bã không? Nếu cháu cảm thấy quá hoang mang thì nghỉ một lát đi, rồi bảo phiên dịch khác làm thay cho”.

Đây là những lời nói đầy sự quan tâm, khiến người ta ấm lòng, nhưng tôi cảm thấy không cần thiết phải nghỉ.

Bà không biết cách làm việc của tôi.

Tôi nói rành rọt: “Cảm ơn bác. Đúng là cháu có bối rối đôi chút, nhưng nếu đó là Trình Gia Dương thì giờ phút này anh ấy vẫn đang tiếp tục tìm cách đúng không ạ?”. Tôi bước về phía cửa rồi tiếp tục nói với họ: “Cháu là người làm trong ngành này, cháu là phiên dịch chuyên nghiệp cơ mà”.

Trình Gia Dương

Kofi đưa tôi ra khỏi lều, anh ta nói với hai bố con tôi: “Xin lỗi, Chính phủ vẫn chưa có động tĩnh gì về việc thỏa hiệp cả, cho nên sẽ phải giết người này”. Anh ta nhìn tôi, “Tôi không định nói xin lỗi anh, tôi không làm gì sai với anh cả”

.

Bố tôi đúng là hảo hán, tới lúc này mà mặt ông vẫn không biến sắc, tim vẫn đập bình thường, ông chỉ nhấn mạnh từng từ với Kofi: “Anh chỉ cần tự mình biết hậu quả thế nào là tốt rồi, tôi sẽ bắt anh phải đền gấp mười lần những gì anh đã gây ra”. Sau đó ông đưa mắt nhìn tôi, rất lâu, ánh mắt lấp lánh: “Gia Dương à, con là con ngoan của bố mẹ”.

Tôi không nói gì, chỉ mỉm cười với bố.

Đi được mấy bước ra bên ngoài, sựa nhớ ra điều gì, tôi quay sang hỏi Kofi: “Anh đã gửi cuốn băng đó chưa?”

“Gửi rồi”.

“Thế thì tốt”

Họ sẽ mang tôi đi đâu để hành hình đây? Tôi tiếp tục bị tay thiếu tá da đen đẩy về phía trước.

Tôi bất chợt nhìn thấy Kazan đang đứng ở đằng xa. Tôi nói với Kofi: “Tôi muốn nói chuyện với con trai anh”.

Kofi trầm ngâm, cuối cùng anh ta cũng vẫy tay gọi con trai tới, tôi đặt chiếc điện thoại di động vào tay nó rồi nói: “Cái này, cháu giữ lấy, cháu cũng giống với vợ của chú, tên của cô ấy cũng là cỏ xanh”.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.