Một Hồ Sen Xanh Đợi Trăng Lên

Chương 36




Chiến tranh chấm dứt, mọi người trở về với cuộc sống bình thường. Lính tráng trở về quê nhà, cưới những phụ nữ họ đã chia tay khi ra đi, hoặc những người mới họ gặp trong những năm chiến tranh. Họ quay lại với công việc cũ, cuộc sống cũ. Khắp nơi trên đường, người ta gặp những người tàn tật, què quặt, đi chống nạng, ngồi trên xe lăn với chân tay cụt hay với chân tay giả. Nhiều khi trông có vẻ như cả một nửa đàn ông ở châu Âu đều bị què, nhưng ít ra họ vẫn còn sống. Những người không trở về được thì được mọi người thương nhớ để tang. Annabelle thường nghĩ đến các bạn học cũ không trở về. Ngày nào nàng cũng nhớ Marcel, ngay cả Rupert, người đã hành hạ nàng không thương tiếc trong những tháng đầu tiên ở lâu đài và cuối cùng đã trở thành bạn tốt của nàng.

Những người mới đến xuất hiện đều đặn, vào mùa xuân tại lâu đài có sáu mươi sinh viên, họ rất hăng hái, quyết tâm cao, muốn trở thành bác sĩ để phục vụ mọi người. Annabelle vẫn là sinh viên nữ duy nhất và mọi người đều thương Consuelo. Ngày lễ sinh nhật đầu tiên của bé, gồm có sáu mươi mốt sinh viên y khoa dễ thương đến dự, vào ngày hôm sau, bé bắt đầu biết đi. Bé được mọi người yêu mến, ngay cả bác sĩ Graumot nghiêm nghị mà thỉnh thoảng cũng xúc động. Khi mẹ bé bắt đầu lên năm thứ ba, bé được mười bảy tháng. Đặc biệt, Annabelle không cho bé tiếp xúc với người lạ vì dịch cúm đang hoành hành khắp nơi trên thế giới. Khi ấy đã có rất nhiều người chết vì bệnh này.

Trường y đã trở thành ngôi nhà lý tưởng cho cả Annabelle lẫn Consuelo, với sáu mươi ông cậu đáng yêu, mỗi khi có dịp là họ nô đùa với bé. Họ mua quà nhỏ cho bé, chơi với bé, một vài người thường ẵm bé, để bé ngồi trên gối rồi nẩy lên nẩy xuống cho bé vui. Cuộc sống của bé rất hạnh phúc.

Cuối cùng Annabelle phải chia tay với ngôi nhà ở Antibes, vì chủ nhà quyết định bán nó. Nàng rất buồn khi chia tay với Gaston và Florine. Nhưng Brigitte vẫn ở với hai mẹ con nàng, ngôi nhà trong khuôn viên của tòa lâu đài rất tuyệt, vừa vặn cho họ.

Thỉnh thoảng, khi nhìn Consuelo, Annabelle nghĩ đến chuyện liên lạc với gia đình của huân tước. Bây giờ bé là đứa con riêng của nàng, nàng tự hỏi không biết gia đình anh ta có muốn sự liên hệ cuối cùng của con trai họ qua con gái của anh ta hay không. Nhưng nàng không muốn tiếp xúc với họ. Nàng không muốn chia sẻ Consuelo với ai hết. Cô bé trông rất giống nàng, như thể không có ai cùng nàng đã tạo ra bé. Mọi người thấy bé đều nói rằng bé là hình ảnh của Annabelle về mọi mặt.

Những năm học tập ở trường y của nàng đã trôi qua rất nhanh. Nàng rất bận bịu, để hết tâm trí vào công việc, đến nỗi nàng cảm thấy thời gian học tập của nàng chỉ trong nháy mắt là hết, mặc dù nàng đã làm việc cật lực để đi đến đích.

Annabelle được 30 tuổi khi nàng tốt nghiệp trường y của bác sĩ Graumont và trở thành bác sĩ. Vào tháng tư, Consuelo được năm tuổi. Rời trường y, rời ngôi nhà họ đã sống, nàng cảm thấy như rời xa quê hương vậy. Nó vừa có cảm giác hưng phấn, lại vừa đau đớn. Annabelle quyết định đi Paris, nộp đơn xin làm việc cho bệnh viện Hotel Dieu của Paris, gần nhà thờ Notre Dame ở tại Ile de la Cité. Đây là bệnh viện lâu đời nhất của thành phố. Nàng có kế hoạch sẽ mở phòng mạch để khám đa khoa. Nàng thường hy vọng sẽ được làm với bác sĩ De Bré, nhưng ông ta đã qua đời vào mùa xuân trước. Và mối liên hệ cuối cùng của nàng với quê nhà đã bị cắt đứt một tháng trước khi nàng tốt nghiệp. Nàng đã nhận được bức thư của chủ tịch ngân hàng của bố nàng, báo cho nàng biết rằng Josiah đã chết ở Mexico vào tháng hai và Henry Orsen chết sau đó một thời gian ngắn. Người đàn ông giải quyết công việc của nàng tại ngân hàng nghĩ rằng, chắc nàng muốn biết và đã gửi kèm bức thư mà Josiah để lại cho nàng. Josiah được 49 tuổi.

Cái chết của chàng, bức thư của chàng gợi lại trong nàng bao nhiêu kỷ niệm với nhiều nỗi buồn da diết. Từ khi chàng bỏ nàng đến nay đã tám năm và nàng đã đến châu Âu bảy năm từ ngày họ chính thức ly dị nhau. Bức thư của chàng rất dịu dàng, luyến tiếc. Chàng viết bức thư vào lúc gần lâm chung. Chàng nói chàng được sung sướng với Henry ở Mexico nhưng chàng luôn luôn nghĩ đến nàng với bao thương nhớ, và ân hận vì chàng đã đem đến cho nàng những điều khủng khiếp. Chàng hy vọng nàng cũng tìm được hạnh phúc và một ngày nào đó sẽ tha thứ cho chàng. Đọc thư, nàng cảm thấy như thể thế giới nàng khôn lớn và sống với chàng không có thực. Nàng không có sự ràng buộc nào đối với thế giới đó nữa. Đời nàng là ở Pháp, với con nàng và với nghề nghiệp của nàng. Những sợi dây liên hệ với quá khứ đã bị đốt cháy từ lâu. Điều duy nhất nàng còn lại ở Hoa Kỳ là ngôi nhà ở Newport, ngôi nhà để trống đã tám năm, vẫn được các gia nhân trung thành của bố mẹ nàng chăm sóc. Nàng không tin nàng sẽ thấy lại ngôi nhà, nhưng chưa có lòng dạ nào để bán nó đi và nàng cũng không muốn bán. Bố mẹ nàng đã để lại cho nàng nhiều của cải dư sống và bảo đảm tương lai của Consuelo với tương lai nàng. Một ngày nào đó, khi nàng có đủ can đảm, nàng sẽ bán ngôi nhà nghỉ hè cũ của bố mẹ. Hiện nàng không thể nhẫn tâm làm việc đó. Cũng như nàng không thể cho phép mình tiếp xúc với bố mẹ của anh chàng huân tước sai trái kia. Nàng và Consuelo sống với nhau côi cút trong thế giới riêng của mình.

Thật là đau đớn khi rời trường y và những bạn bè ở đấy. Tất cả những người bạn tốt nghiệp đều phân tán khắp nơi trên nước Pháp. Nhiều người ở lại miền Nam, còn người duy nhất đi Paris thì nàng không chơi thân.

Trong những năm nàng ở châu Âu, nàng không có quan hệ tình ái với ai. Nàng quá bận bịu trong công việc giúp đỡ những người lâm chiến, rồi lo học và lo nuôi con. Nàng xứng danh là bà góa phụ trẻ cao quí và bây giờ là người bác sĩ tận tụy trong nghề. Nàng không có chỗ dành cho bất cứ cái gì và nàng muốn cuộc sống như thế. Josiah đã làm tan nát trái tim nàng, còn bố Consuelo tàn phá phần còn lại của lòng nàng. Nàng không muốn người đàn ông nào trong đời và không muốn ai ngoài con gái mình. Nàng chỉ cần Consuelo và công việc của mình.

Annabelle và Consuelo đi xe lửa lên Paris vào tháng sáu với Brigitte. Cô gái rất sung sướng vì được đi theo họ đến thành phố. Annabelle không đến Paris đã lâu, bây giờ nàng thấy thành phố rất nhộn nhịp. Họ đến nhà ga Lyon, đi taxi đến khách sạn ở trên tả ngạn. Annabelle đã đặt chỗ ở trước tại khách sạn này. Đây là khách sạn nhỏ do bác sĩ Graumont giới thiệu, khách sạn rất thích hợp cho hai phụ nữ và một bé gái. Ông ta đã căn dặn nàng rất nhiều về những sự nguy hiểm ở Paris. Annabelle nhận thấy rằng người tài xế lái xe taxi của họ là người Nga, ông ta có vẻ rất đặc biệt. Nhiều người Nga trắng quí phái hiện đã đến Paris để lái taxi hoặc làm những công việc khác, sau khi cách mạng Bolshevik thành công và gia đình Nga hoàng bị sát hại.

Nàng rất sung sướng khi đăng ký vào ở trong khách sạn với danh hiệu “Bác sĩ Worthington”. Mắt nàng sáng như mắt một em bé. Trông nàng vẫn còn trẻ đẹp như hồi mới đến châu Âu và khi nàng chơi với Consuelo, trông nàng như thiếu nữ. Nhưng dưới cái vỏ trẻ trung ấy là tinh thần trách nhiệm, sự chững chạc, mọi người đều tin tưởng nàng, phó thác sức khỏe và sinh mạng của mình trong tay nàng. Cách đối đãi với bệnh nhân của nàng khiến cho các sinh viên cùng lớp và đồng nghiệp ghen tỵ và làm cho các giáo sự phải kính nể. Bác sĩ Graumont nghĩ rằng nàng sẽ là người thầy thuốc xuất sắc và là vinh dự của trường ông.

Họ vào ở trong khách sạn. Khi nào tìm được nhà, bác sĩ Graumont sẽ gửi đồ đạc của họ đến sau. Annabelle muốn có ngôi nhà để mở phòng mạch, khám cho các bệnh nhân.

Ngày hôm sau khi họ đến Paris, nàng đến bệnh viện Hotel Dieu để xem thử họ có cho phép mình khám bệnh nhân ở đấy không, trong khi đó, Brigitte đưa Consuelo đi thăm vườn Luxembourg. Cô bé tóc vàng vỗ tay sung sướng khi gặp mẹ trở về khách sạn.

- Chúng con đã xem con lạc đà mẹ à! - Consuelo nói, bé miêu tả con vật, Brigitte và mẹ cô cười lớn. - Con muốn cưỡi nó, nhưng họ không cho, - bé nũng nịu nói, rồi phá lên cười. Bé rất vui.

Nhờ có bác sĩ Graumont giới thiệu, nên bệnh viện Hotel Dieu chấp nhận nàng vào làm việc. Đây là bước đầu rất quan trọng trên con đường sự nghiệp của Annabelle. Nàng đưa Brigitte và Consuelo đi ăn tối ở Hotel Meurice, xem như đây là buổi tiệc ăn mừng, rồi sau đó nàng thuê tài xế taxi người Nga lái xe đưa họ đi quanh thành phố về đêm trong ánh đèn sáng trưng.

Quang cảnh rất khác xa với cảnh lúc nàng mới tới đây trong thời chiến tranh và khi nàng đang sống trong cảnh đau lòng, bị mọi người ở New York xua đuổi. Đây là sự bắt đầu một cuộc sống mới, nàng đã phải chiến đấu hết mình mới có được cuộc sống như hôm nay.

Đến mười giờ, họ trở về khách sạn và Consuelo đã ngủ trên xe. Annabelle bế bé lên lầu, để bé vào giường. Khi nàng trở về phòng mình, nàng đến đứng ở cửa sổ, nhìn Paris về đêm. Từ lâu bây giờ nàng mới thấy mình trẻ trung và háo hức như thế này. Nàng mong đợi đến lúc bắt tay vào công việc, nhưng nàng phải tìm ra một ngôi nhà để ở.

Trong ba tuần lễ tiếp theo, Annabelle phải đi khắp Paris để xem nhà, nhất là ở phía tả ngạn và hữu ngạn Paris, trong khi đó thì Brigitte đưa Consuelo đi xem các công viên ở Paris: Công viên Bagatelle, vườn Luxembourg, Bois de Boulogne và đi xe quay ở trong công viên. Tối nào cả ba cũng đi ăn ở ngoài. Đây là thời gian vui nhất của Annabelle trong nhiều năm nay và đối với nàng đây là cuộc sống có ý nghĩa trong đời mình.

Thời gian không đi xem nhà, Annabelle đi mua sắm áo quần mới, vừa nghiêm trang cho hợp với danh vị bác sĩ, lại vừa hợp thời trang với phụ nữ Paris. Việc này nhắc nàng nhớ lại những giây phút đi mua đồ lặt vặt với mẹ trước khi về nhà chồng. Nàng nói cho Consuelo nghe về chuyện này. Cô bé thích nghe chuyện về bà ngoại, ông ngoại và cậu Robert. Những câu chuyện này giúp bé có cảm giác ngoài mẹ ra, mình còn có nhiều người thân thương nữa và cũng chính điều này làm cho Annabelle đau đớn trong lòng, vì nàng không cho bé biết gì về gia đình bên nội của bé. Nhưng hai mẹ con có nhau, nàng thường nhắc Consuelo nhớ rằng họ chỉ cần có thế. Consuelo có ý kiến một cách trang trọng rằng họ cũng cần có một con chó. Mọi người ở Paris đều có chó, nên Annabelle hứa rằng khi nào tìm ra được nhà, họ sẽ mua một con. Ba người sống hạnh phúc bên nhau, Brigitte rất vui, cô ta đang tìm hiểu một anh lao công trong khách sạn. Cô ta đã được 21 tuổi và rất xinh đẹp.

Vào cuối tháng bảy, Annabelle cảm thấy thất vọng vì không tìm được nhà. Những nhà nàng đến xem, cái thì quá lớn, cái thì quá nhỏ, không thể dùng để mở phòng mạch được. Nàng có cảm giác như thể sẽ không bao giờ tìm được nhà vừa ý. Và rồi cuối cùng, nàng tìm được nhà vừa ý trên một con phố nhỏ ở quận 16. Ngôi nhà nhỏ nhưng đẹp, có sân trước, vườn sau và có nơi riêng biệt để nàng khám bệnh. Điều kiện rất tốt, ngôi nhà do một ngân hàng bán. Annabelle thích ngôi nhà vì nó có vẻ trang nhã, rất phù hợp với một bác sĩ. Bên cạnh nhà lại có công viên để cho Consuelo có thể vui chơi với các trẻ con khác.

Annabelle mua ngôi nhà ngay, trả đúng giá ngân hàng ấn định và cuối tháng tám nàng nhận nhà. Trong lúc chờ đợi, nàng đặt mua bàn ghế, vải vóc, đồ sứ, một ít đồ cổ dễ thương cho trẻ con để trang hoàng phòng của Consuelo và một số đồ đẹp đẽ để dùng cho các phòng của nàng, một số đồ giản dị cho Brigitte. Nàng cũng mua một số bàn ghế có vẻ trang trọng để dùng trong phòng khám, và dành cả tháng chín để mua sắm các thiết bị y khoa dùng trong phòng mạch. Nàng đến nhà in thuê in một số giấy dùng trong văn phòng và thuê một thư ký y khoa, người này cho biết đã làm việc ở tu viện Abbaye de Royaumont, mặc dù Annabelle không hề gặp bà ta. Bà ta tên là Hélène, đã lớn tuổi và tính tình trầm lặng. Bà đã từng làm việc cho nhiều bác sĩ trước chiến tranh và rất sung sướng được giúp Annabelle khởi đầu phòng mạch.

Vào đầu tháng mười, Annabelle đã chuẩn bị sẵn sàng để mở cửa phòng mạch. Công việc chuẩn bị mất thời gian khá lâu, nhưng nàng muốn mọi việc đều phải tốt đẹp. Tay run run, nàng đóng bảng hiệu và hồi hộp chờ đợi. Nàng chỉ cần có người bước qua cửa, rồi sau đó người ta đồn miệng nhau về nàng, đưa khách hàng đến cho nàng. Nếu bác sĩ De Bré còn sống, ông ta sẽ chuyển khách hàng đến cho nàng, nhưng ông ta không còn nữa. Bác sĩ Graumont đã viết thư đến cho nhiều bác sĩ ông quen biết ở Paris, yêu cầu họ chuyển khách hàng đến cho nàng, nhưng nàng chưa thấy kết quả gì.

Suốt ba tuần đầu, hoàn toàn không có gì thay đổi. Annabelle và Hélène thư ký của nàng, ngồi nhìn nhau với hai bàn tay không, chẳng có gì để làm. Hàng ngày nàng lên phần chính của ngôi nhà để ăn trưa với Consuelo. Rồi cuối cùng, vào đầu tháng mười một, một phụ nữ đi vào văn phòng nàng, với cổ tay bị bong gân và một người đàn ông có ngón tay bị đứt nặng. Từ đó, như có phép lạ, trong phòng đợi của nàng luôn luôn có nhiều khách ngồi chờ. Bệnh nhân này giới thiệu bệnh nhân khác. Họ mắc những căn bệnh không nặng, chỉ nhẹ thôi, dễ chữa. Nhưng thái độ nghiêm túc, khả năng và sự dịu dàng của nàng đối với bệnh nhân đã chinh phục được họ ngay. Chẳng bao lâu sau, bệnh nhân từ các bác sĩ khác chuyển đến khám nơi nàng, họ giới thiệu bạn bè đến, đưa con đến khám, tham khảo ý kiến của nàng về những thương tật nặng hay nhẹ. Đến tháng giêng, nàng luôn luôn có bệnh nhân đầy phòng. Lúc nào nàng cũng say mê với công việc. Nàng cám ơn những bác sĩ khác đã chuyển bệnh nhân đến cho nàng, luôn luôn tôn trọng ý kiến ban đầu của họ, như là không làm cho họ có vẻ đã chữa trị sai, mặc dù họ đáng phải chê trách vì tội định bệnh không đúng. Annabelle rất tỉ mỉ, khéo léo và có thái độ thăm khám lâm sàng rất dễ thương. Mặc dù nàng đẹp, có vẻ trẻ trung, nhưng nàng rất nghiêm túc trong công việc, các bệnh nhân hoàn toàn tin tưởng vào nàng.

Vào tháng hai, nàng chuyển con trai của một bệnh nhân vào bệnh viện. Cậu bé mới 12 tuổi, cậu ta mắc bệnh sưng phổi nặng. Mỗi ngày hai lần Annabelle đến bệnh viện thăm cậu bé và có lúc nàng rất lo cho bệnh tình của cậu. Nhưng rồi cậu bé đã qua khỏi và mẹ cậu rất cảm ơn nàng. Annabelle cố ứng dụng một số kỹ thuật mới mà người ta đã áp dụng từ bệnh viện ở Villers Cotterêts cho binh sĩ và nàng thường sáng tạo trong việc kết hợp những phương pháp chữa trị tân kỳ với những phương pháp chữa trị cổ xưa. Nàng nghiên cứu và học tập mỗi đêm về các thành tựu y học mới. Nàng rất cởi mở trước những tư tưởng mới, nên có nhiều tiến bộ trong nghề nghiệp và luôn luôn đọc bất cứ thứ gì đăng trong các tạp chí y học. Nàng thức khuya để đọc, thường đọc trong khi âu yếm Consuelo trên giường và cô bé bắt đầu nói bé cũng muốn sau này sẽ làm bác sĩ. Những cô bé khác đều muốn làm y tá, nhưng trong gia đình Annabelle họ có tiêu chuẩn cao. Nhiều lúc Annabelle tự hỏi không biết mẹ nàng có nghĩ đến điều này không. Nàng biết mẹ nàng không bao giờ muốn nàng làm bác sĩ, nhưng chắc bà sẽ rất tự hào về nàng. Nàng nghĩ, chắc mẹ sẽ rất đau đớn về việc Josiah ly dị nàng và nàng tự hỏi nếu mẹ chưa chết, không biết bà có đau đớn không. Nhưng bây giờ nước đã tràn qua đập. Nếu chàng yêu Henry suốt đời, mà nàng vẫn sống với chàng với tư cách là vợ, thì có tốt lành gì không? Chắc nàng sẽ không sung sướng gì. Nàng không khắt khe gì về việc này, nhưng nàng sẽ rất buồn. Bất cứ khi nào nghĩ đến chuyện này, nàng cũng rất đau đớn trong lòng, nàng không tin mình chịu đựng được cảnh ấy suốt đời.

Điều duy nhất không làm nàng buồn là Consuelo. Cô bé sung sướng, có làn da rám nắng, vui vẻ và yêu thương mẹ. Cô bé nghĩ mình là trung tâm của vũ trụ và Annabelle đã nghĩ ra cho bé một ông bố thật tuyệt, để bé khỏi thất vọng. Nàng nói bố bé là người Anh, rất tuyệt vời, xuất thân trong một gia đình quí tộc, bố bé đã chết như một vị anh hùng ngoài mặt trận khi bé chưa chào đời. Cô bé chưa bao giờ hỏi về gia đình của bố. Bé biết tất cả những người thân thuộc của mẹ đều đã qua đời, nhưng Annabelle không hề nói về gia đình của Harry, Consuelo không đề cập đến chuyện này, bé chỉ chăm chú nghe. Thế nhưng một hôm, trong khi ăn trưa, Consuelo hỏi không biết “bà nội” của bé từ bên Anh có đến thăm bé hay không. Annabelle nhìn con qua bàn ăn như thể có quả bom vừa nổ, nàng không biết nói sao. Annabelle không ngờ hôm nay lại có chuyện như thế này, nàng chưa hề chuẩn bị câu trả lời. Consuelo đã lên sáu, bạn bè của bé trong công viên đều có bà ngoại bà nội, vậy tại sao các bà của bé không đến thăm bé.

- Mẹ... ờ... phải, bà ở bên Anh. Từ lâu rồi mẹ không nói chuyện với bà... ờ mà thực ra - nàng ghét nói dối trẻ con. - Chưa bao giờ... mẹ không gặp bà. Bố con và mẹ yêu nhau, lấy nhau trong thời chiến, rồi bố con chết, nên mẹ không biết họ. - Nàng tìm từ ngữ để nói với Consuelo, còn bé thì nhìn nàng.

- Bà không muốn gặp con à? - Consuelo hỏi có vẻ thất vọng, Annabelle cảm thấy buồn da diết. Nàng đã gây nên cảnh khó xử này, đáng ra nàng nên nói thẳng cho con gái biết ông bà của bé không biết có bé hiện hữu trên đời, cho nên bây giờ nàng không biết phải nói sao. Nhưng nàng không muốn bị bắt buộc phải tiếp xúc với họ. Nàng đã rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan.

- Mẹ tin là bà sẽ muốn gặp con, nếu bà có thể... nghĩa là, nếu bà không bệnh tật hay sao đó... có lẽ bà đã quá già. - Rồi Annabelle thở dài, lòng nặng trĩu, nàng hứa: - Mẹ sẽ viết thư cho bà, rồi chúng ta sẽ biết bà nói sao.

- Tốt. - Consuelo tươi cười đáp ở phía bên kia bàn. Sau đó, Annabelle trở lại phòng làm việc, lòng thầm nguyền rủa Harry Winshire, từ lâu nàng đã thôi không nguyền rủa anh ta như thế.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.