Mộng Hoa Xuân

Chương 4




Ý chỉ Hoàng hậu trừng phạt hai vị công chúa vừa được truyền khắp hậu cung, đám công chúa, phi tần, thái giám và cung nữ trông thấy lầu gác trong cung điện của công chúa Vĩnh Thuần và Vĩnh Phúc đèn đóm ảm đạm, có kẻ lắc đầu thở dài, có kẻ hả hê vui sướng. Nhưng chẳng mấy chốc, một ý chỉ khác của Hoàng thượng lại được truyền tới, phủ công chúa lại rực rỡ sáng trưng, mọi chi tiêu bị cắt giảm và thị tì bị rút đi đều được trả lại, còn đại tổng quản La Tường của phủ Nội vụ thì bị người của thống lĩnh thân quân Hoàng đế là Dương Lăng bắt đi, cách chức để điều tra.

Không ai nghĩ ra được Dương Lăng đã dùng cách nào mà phản kích nhanh như vậy. Nhưng khắp trên dưới hậu cung đều biết rằng hai vị công chúa và Uy Vũ hầu gia của ngoại đình qua lại thân mật, mà Uy Vũ hầu gia là tâm phúc số một của Hoàng thượng. Vì vậy trong trận đấu này, Hoàng hậu đã thua.

Sai người tức tốc vào cung truyền chỉ xong, Chính Đức vẫn chưa nén được giận, hắn căm hận mắng tiếp:

- Đồ khốn kiếp! Ngự muội của trẫm muốn dùng mấy ngọn nến đều phải đếm lên đếm xuống, vậy mà mấy vạn lượng bạc hắn nói tham ô là cứ tham ô, uổng cho trẫm luôn coi hắn là người tốt.

Dương Lăng vội khuyên nhủ:

- Hoàng thượng! Ngài cũng không cần phải quá tức giận. Hai vị công chúa bị nhốt trong cung nhiều năm, nỗi buồn khổ ấy Hoàng thượng ngài là người hiểu rõ nhất. Hoàng thượng thương cảm công chúa, dẫn các ngài ra ngoài giải khuây vốn là có ý tốt, cũng do thần không để ý đến những lễ nghi rườm rà dẫn đến việc vi phạm luật lệ trong cung...

Chính Đức vẫn chưa hết giận, khoát tay bảo:

- Chuyện này không can hệ gì tới khanh, chính là Hoàng hậu muốn làm trẫm bị mất mặt thôi. Cũng tốt, không làm vậy thì trẫm đã không nhìn thấy được lòng muông dạ thú của La Tường!

Dương Lăng thừa dịp vội thưa:

- Hoàng thượng! Hoàng hậu nương nương mới vừa hạ ý chỉ liền bị bác bỏ như vậy, mặt mũi nhất định sẽ rất khó coi. Nương nương là bậc mẫu nghi thiên hạ, là chủ nhân của sáu cung nên cũng không thể khiến Hoàng hậu nương nương bị khó xử được. Lúc thần cung thỉnh hai vị công chúa, vì ngại Hoàng thượng phải đợi lâu, đằng trước cổng cung lại đông mệnh phụ, trong lúc lo vội nên thần đã sơ sót chưa kịp xin phép nương nương, chung quy vẫn là lỗi ở thần.

Vả lại, mấy ngày nay tấu chương tố cáo thần cũng không ít, hai vị đại nhân Lưu Đại Hạ và Mã Văn Thăng bị mất chức, số người bất mãn trong quần thần nhất định rất nhiều. Chi bằng Hoàng thượng hạ chỉ trách phạt vi thần, một là giữ được thể diện cho nương nương, hai là có thể dẹp yên cơn giận của quần thần một chút, ba...

Chính Đức vừa nghe liền nổi ngạo khí, trợn mắt bảo:

- Đâu lại có lý lẽ như vậy! Trẫm đưa ngự muội ra ngoài du ngoạn, cô ta làm khó trẫm mà trẫm lại phải cẩn thận bồi thường ư? Phạt cái gì mà phạt?! Trẫm sẽ không phạt, ngược lại trẫm muốn xem coi ai dám động vào khanh!

Dương Lăng vội khuyên:

- Hoàng thượng, ngài đã quên rồi sao? Đợi khi tổng binh tứ trấn dẫn quân vào kinh, thần còn phải theo hoàng thượng diễn võ luyện binh nữa đó! Hoàng thượng tín nhiệm vi thần, giao phó cho thần rất nhiều chức vụ, nhưng như vậy một khi công việc bộn bề khó tránh sẽ xuất hiện sai lầm, vậy chẳng phải sẽ phụ lòng tín nhiệm của Hoàng thượng, khiến người ngoài nhìn thấy mà chê cười sao? Ý của thần là... giao ti Thuế Giám ra, để Bộ Hộ và ti Lễ Giám cùng cai quản, điều thứ ba đó... là để thần mới có thể theo Hoàng thượng luyện binh, phò tá Hoàng thượng hoàn thành bá nghiệp chứ.

Nghe y nói xong, Chính Đức chuyển giận thành mừng, bảo:

- Nói đúng lắm! Ta thực quên mất. Nếu để Dương khanh bận tâm đủ chuyện thì sẽ không có thời gian giúp trẫm luyện binh. Nhưng mà... ti Thuế Giám vốn thuộc sự quản hạt của ti Lễ Giám, trước đây vì lão thất phu Vương Nhạc lừa trên gạt dưới, trẫm không yên tâm mới chuyển giao cho khanh, nay cớ gì cần có Bộ Hộ nhúng tay vào, chẳng lẽ Lưu Cẩn cũng không đáng tin sao? Ái khanh có điều không biết, mỗi lần trẫm đòi tiền ở chỗ Hàn Văn, lão ấy lúc nào cũng than nghèo tố khổ với trẫm, trẫm thật không muốn để ý tới lão ấy.

Lúc này vẫn chưa phải là thời cơ để lật đổ Lưu Cẩn, từ chuyện Chính Đức xử lý Cốc Đại Dụng là có thể thấy ngay. Mối họa mà Cốc Đại Dụng gây nên còn lớn gấp mười lần La Tường mà chẳng phải tiểu hoàng thượng còn muốn che chở lão ta sao? Vị hoàng đế này trọng tình hơn là trọng lý, trừ khi anh làm tổn thương đến người thân thiết và tin cậy nhất của hắn, phản bội sự tín nhiệm của hắn, bằng không với tính tình của hắn, cho dù anh có phạm phải tội lỗi tày trời hắn cũng sẽ gánh vác thay cho anh.

Biết rõ điểm này, Dương Lăng bèn nghiêm mặt đáp:

- Thần không dám cam đoan cho mai sau, nhưng có thể khẳng định rằng hiện tại Lưu công công hết dạ trung thành làm việc cho Hoàng thượng. Thần có gì mà không tin ông ấy chứ? Thần làm vậy là để đôi bên cân bằng và kềm chế lẫn nhau, phòng tai họa mai sau thôi.

Cái gốc của việc trị nước nằm ở chỗ pháp luật công bằng, chế độ nghiêm minh, chính sách rõ ràng, cân bằng chu đáo. Thần hi vọng Hoàng thượng làm vậy, không phải là vì Lưu công công không đáng tin, mà do cần tính toán cho lâu dài mai sau mà hình thành chế độ kềm chế nhau. Như vậy mai sau sẽ không xảy ra chuyện lỡ việc do người, cũng không sợ có kẻ dối gạt Hoàng thượng, lại xuất hiện những kẻ như La Tường vậy.

Rồi y mỉm cười nói tiếp:

- Cứ lấy thần ra làm ví dụ, Hoàng thượng ăn thịt, thần cũng muốn húp được chút canh. Chúng thần phò tá Hoàng thượng đến lúc đầu bạc chân run, có con, có cả cháu rồi, không chừng cũng sẽ nảy lòng tham, không chừng cũng sẽ ăn chặn tiền bạc của Hoàng thượng, xà xẻo trên người Hoàng thượng. Nhưng nếu như có một đám người cứ nhìn thần trừng trừng, lúc nào cũng chuẩn bị tố cáo với Hoàng thượng thì thần làm sao còn dám làm bậy chứ?

Chính Đức bị y chọc cười, cười nói:

- Đừng làm ra vẻ đáng thương với trẫm, con của khanh cũng là con nuôi của trẫm đó, còn lo nó sẽ chịu uất ức hay sao? Ừm... Có điều khanh nói vậy cũng có lý, Bộ Hộ của ngoại đình và ti Lễ Giám của nội đình giám sát lẫn nhau, thuế khoá của thiên hạ sẽ không chảy vào túi của riêng ai, sau này có giao công việc này cho người khác, khi trao lại giang sơn này cho con cháu cũng sẽ không sợ có kẻ thủ lợi từ trong ấy. Cứ làm như vậy đi, ngày mai giao cho nội các thương nghị, xem thử quyền bính này phân chia như thế nào. Có điều...

Chính Đức áy náy nhìn Dương Lăng, rồi vỗ vai y an ủi:

- Có điều ái khanh chịu tội thay trẫm. Ôi! Thật uất ức cho khanh rồi.

*****

Dương Lăng và Tiêu Phương ngồi cùng xe ngựa đi đến Ngọ môn.

Sắc trời chưa sáng, xuân lạnh se sắt. Chiếc xe được chăm sóc cực tốt, trục xe chỉ hơi phát ra tiếng cút kít, đi trên con đường rộng lớn và bằng phẳng của kinh sư không hề bị xóc nảy.

Tiêu Phương vận chiếc quan bào màu đỏ thắm, ngồi trên chiếc đệm lót mềm, vân vê chòm râu:

- Đại nhân! Hôm qua môn hạ cũng không được ngủ ngon, tuy rằng rất nhiều việc hiện vẫn đang trong giai đoạn bàn bạc, nhưng có quá nhiều việc cần làm, tỉ như việc giao dịch thông thương cùng Đoá Nhan Tam Vệ, nuôi ngựa, tiếp đãi sứ giả Nhật Bản, chọn người thương nghị cùng sứ giả. Ngoài ra, những việc như vạch kế hoạch thành lập thủy quân, ti Thị bạc và hải quan, chọn người phụ trách cùng với những việc như thiết lập nha môn, xây dựng xưởng thuyền, vân vân..., đại nhân giao gửi xuống, môn hạ chỉ lo chỗ nào đó có sơ suất, cho nên không dám qua loa chút nào.

Dương Lăng đã thấy vẻ mệt mỏi trên mặt lão, trong mắt lão cũng đã hơi đo đỏ do thiếu ngủ, nghe xong bèn khuyên nhủ:

- Các lão phải biết bắt lớn thả nhỏ, lấy nặng bỏ nhẹ. Ôm đồm tất cả mọi việc là bầy tôi hiền, nhưng tuyệt không phải là bầy tôi tài giỏi. Nếu muốn thúc đẩy chính sách này của chúng ta, để quan viên địa phương đừng đi lạc hướng, thì phải dựa vào một đám quan viên đáng tin cậy.

Dương Lăng khẽ liếc Tiêu Phương, mỉm cười nói:

- Nghiêm Tung có chính tích xuất sắc, sớm nên được thăng chuyển. Lần này dâng sớ lập thêm công to, nhưng Các lão lại vẫn không trọng dụng hắn. Ha ha... phải chăng bởi hắn là người Giang Tây?

Tay Tiêu Phương chợt cứng đờ, khuôn mặt già nua đỏ lên, lão ấp úng:

- Đại nhân, môn hạ...

Dương Lăng vỗ nhẹ lên tay lão, khuyên giải:

- Bản quan cũng có nghe chuyện hoạn lộ của Các lão ba chìm bảy nổi, uất ức lâu năm. Phương nam vốn đông tài tử, kẻ làm quan cũng rất nhiều, đúng lúc gặp phải mấy đại thần đố kị kẻ hiền tài, thích chọn dùng người đồng hương, cũng khó trách Các lão căm phẫn. Nhưng Các lão đã trải nghiệm sâu sắc sự việc tai hại ấy, cớ gì hôm nay quyền cao chức trọng lại cũng làm giống những kẻ mà mình khinh thường và căm hận năm xưa?

Đoạn y mỉm cười nói tiếp:

- Các lão là tể tướng đương triều, thì nên mang lòng dạ của tể tướng. Nay chính là lúc dùng người, đừng nói Nghiêm Tung là người của chúng ta, cho dù không phải đi chăng nữa, chỉ cần hắn hết lòng vì nước, một lòng vì dân, nghiêm túc chấp hành nghiệp lớn của chúng ta, thì Các lão cũng nên trọng dụng hắn.

Y dừng lại, thoáng trầm ngâm, rồi nói tiếp:

- Theo ý bản quan, việc xây dựng xưởng thuyền và thủy quân có thể mạnh dạn giao cho bộ Công, bộ Binh và ti Nam trấn phủ phụ trách, chỉ cần chọn lấy một người đáng tin cậy làm thượng thư bộ Binh. Còn việc chọn chỗ, dùng người, thiết lập nha môn quan lại, đặt ra điều lệ quy định này nọ, Các lão hoàn toàn có thể buông tay, chỉ cần nắm lấy đại cục là được, bằng không sẽ tự khiến mình mệt đến thổ huyết thôi. Cho dù là kế hoạch được vạch ra cẩn thận đến đâu, nếu không có quan lại tài giỏi thúc đẩy thì cũng khó mà làm đến nơi đến chốn.

Y tự tin mười phần:

- Xưởng thuyền Tùng Hoa Giang liền kề rừng rậm nguyên sinh, xưởng thuyền Kim Lăng đã trồng nghìn mẫu cây to hơn trăm tuổi, hai nơi ấy đều có thể sử dụng vật liệu tại chỗ. Còn khung thuyền cỡ lớn cho xưởng thuyền Tuyền Châu có thể sẽ cần phải vận chuyển từ phương bắc về. Những việc này cứ giao cho bộ Công đi làm, Các lão cũng không cần lo lắng.

Dương Lăng có thể định liệu trước như vậy là vì y đã xem qua bản đồ hàng hải của Trịnh Hoà mà Lưu Đại Bổng Chùy lục được từ kho vũ khí của bộ Binh.

Ban đầu y tưởng rằng bản đồ hàng hải của Trịnh Hoà chỉ là mấy tấm giấy ghi lại những tuyến đường biển đi đến Tây Dương mà thôi, nào ngờ tài liệu mà Lưu Đại Bổng Chùy tìm được từ bộ Binh lại chứa đầy trong chín rương to. Sau khi xem xong tư liệu trong mấy cái rương đó, Dương Lăng mới biết rằng Lưu Đại Bổng Chùy đã đào được một núi vàng đem về.

Ban đầu y đã suy nghĩ quá đơn giản về việc xây dựng thủy quân, hơn nữa còn hăng hái một cách hồ đồ. Nếu không nhìn thấy những tài liệu này, không hiểu biết được về kết cấu công năng của từng chiến hạm và chiến đội phối hợp, thì có thể thấy trước được rằng cái gọi là thủy quân của y một khi tạo thành sẽ phải đổ biết bao xương máu và thậm chí là có nguy cơ dẫn đến toàn quân bị diệt mới có thể trưởng thành và hoàn thiện.

Trong chín cái rương đó, ngoại trừ bản đồ những tuyến đường hàng hải, tài liệu trân quý về điều kiện tập quán, chính trị và khu vực của các quốc gia dọc đường, còn có cách chế tạo các loại bảo thuyền (*), thuyền đô đốc, thuyền chở ngựa, thuyền chở lương thực, chiến thuyền, thuyền canh gác, thuyền truyền lệnh cho cả một hạm đội tàu chiến khổng lồ có các công năng chỉ huy, chiến đấu, cấp dưỡng lẫn vận chuyển. Ngoài ra còn có các bản vẽ chi tiết cho các loại khí giới cho thủy chiến và lục chiến, cùng với các kiều phối hợp bộ đội tác chiến và phương thức liên lạc thông tin ban ngày lẫn ban đêm khi tác chiến trên biển.

(*):宝船 [bǎo chuán]: loại thuyền buồm lớn nhất trong hạm đội vượt biển của Trịnh Hòa.

Hiện tại không những Đại Minh không có nhân tài toàn năng để có thể chế tạo một hạm đội tàu chiến đủ các loại công năng, và cũng không có một tướng lĩnh thủy quân hiểu rành mạch toàn bộ các loại tàu chiến mà hạm đội cần để ra khơi tác chiến. Song thông qua những bản vẽ về các loại tổ chức hạm đội và trang bị, một tướng lĩnh chỉ huy có kinh nghiệm sẽ có thể dễ dàng đoán ra tác dụng của chúng, và có thể mau chóng nắm bắt kinh nghiệm tác chiến ngoài khơi đã được tích lũy một cách phong phú. Nếu như hết thảy những thứ này phải bắt đầu từ con số không tròn trĩnh, phải học từ đầu, thì phải bỏ ra biết bao xương máu mới có thể tích lũy được những kinh nghiệm và tri thức như thế này?

Thế nên Dương Lăng thực vui mừng quá đỗi. Trong những tài liệu này thật sự có quá nhiều những kỹ thuật mà chỉ cần thay đổi một chút là có thể sử dụng được. Vốn dĩ y đã đánh giá thấp tính phức tạp trong việc xây dựng thủy quân. Sau khi xem xong kỹ lưỡng những tài liệu này y mới biết rằng nếu không có những tấm bản vẽ, sơ đồ hàng hải này, thì việc chế tạo từ đầu một đội thủy quân có thể ra khơi tác chiến và huấn luyện những nhân viên thích hợp sao cho kỹ thuật, thông tin và chỉ huy hàng hải cùng với việc tạo đội hình chiến thuật đạt tới mức độ khoa học sẽ phải cần tới ít nhất cả chục năm mò mẫm mới có thể hoàn thiện.

Điều mà y không biết là, vào trăm năm trước những kỹ thuật này đã đi trước thế giới bảy tám mươi năm, cho dù hiện tại đem ra sử dụng y nguyên, tuy không dám nói là tiên tiến hơn, nhưng quyết không lạc hậu hơn so với thế giới. Có được những tấm bản đồ bị "đánh mất" này sẽ tiết kiệm được cho Đại Minh ít nhất mấy nghìn vạn lạng bạc trắng. Hiện Dương Lăng đang tập trung bộ Công, cục Quân Khí cũng như một số nhân viên Nội xưởng tham gia vào việc sửa sang, phân loại sổ sách đồng thời sao chép lại từ đầu.

Nhờ có những tài liệu đầy đủ và chi tiết này, Dương Lăng mới tự tin nói chuyện với Tiêu Phương như vậy.

Y suy nghĩ một chút, rồi nói:

- Các lão nên nhớ kỹ rằng, ngài chỉ cần nắm chắc ba chuyện, hơn nữa tuyệt đối không được buông tay: một là nhân sự cho thủy quân, ti Thị Bạc, ti Thuế Giám, hải quan, và nha môn buôn bán; nhất thiết phải có người chúng ta tin tưởng được, dùng được và đứng vững được!

Hai là về ti Thuế Giám. Trách nhiệm thiết lập quy định thuế khoá, luật về thuế, các loại thuế, giám sát thu thuế nhất định phải giao cho bộ Hộ, còn việc thu thuế và nộp thuế thì giao cho ti Lễ Giám; việc xử lí tố tụng trong giao dịch, hàng hải và thu thuế thì giao cho bộ Hình. Ba bộ phận này sẽ kiềm chế lẫn nhau, quyền hạn cân bằng.

Thứ ba, đối với thuế giao dịch. Có thể áp theo hạn ngạch giao dịch, số lượng giao dịch và sản phẩm đặc thù của từng vùng hoặc có quan hệ đến quốc kế dân sinh mà phân định ra một phần do quan phủ nơi đó trưng thu sử dụng trực tiếp mà không cần phải nộp lên triều đình rồi mới phân phát trở lại. Một là tránh khỏi sự phiền phức trong việc thu nạp và vận chuyển; hai là có thể đạt được sự ủng hộ và yêu thích của quan viên vùng ấy, để bọn họ tận sức mà làm, tránh cho quan phủ địa phương bằng mặt mà không bằng lòng; ba là thông qua việc chia tách trưng thu thuế khoá cho các loại hàng hoá khác nhau mà dẫn lối cho quan phủ địa phương phát triển hàng hoá sản phẩm tương ứng, do đó việc thực thi chính sách tại nơi ấy đều sẽ phát sinh ảnh hưởng tương đối.

Làm được việc này, sẽ nắm được toàn cuộc, nắm được bánh lái con thuyền. Nắm được bánh lái con thuyền, thì mặc sóng to gió lớn, thuyền cũng sẽ khó mà chệch hướng.

Tiêu Phương nghe mà tinh thần chấn động, trong lòng rất đỗi ngạc nhiên. Có lúc vị Dương đại nhân này trên quan trường hết sức ấu trĩ, có những cạm bẫy mà chỉ cần lăn lộn trên quan trường vài năm liền thấy được lợi-hại, thiệt-hơn, thậm chí có thể nhận thấy bẫy rập rất rõ ràng, song vị đại nhân này lại hết sức ngây thơ; nếu không nhờ Hoàng thượng không bớt tin yêu, thì y sớm đã bị người ta hại đến ngóc đầu lên không nổi. Nhưng có lúc chính kiến, tính toán mà y thuận miệng nói ra lại có tầm nhìn rất xa, nói trúng trọng tâm, chú ý đến rất nhiều khía cạnh, suy xét tỉ mỉ không chút sơ hở, ngay cả bầy tôi lâu năm như lão cũng tự thẹn không bằng.

Tiêu Phương liên tục gật đầu khen phải. Không lâu sau xe đến ngự đạo, Dương Lăng xuống kiệu, cưỡi ngựa rồi cùng đi đến trước cổng Ngọ môn. Trước cổng Ngọ môn đã có không ít quan viên đang đứng tụm ba tụm bảy nói chuyện trên trời dưới đất trong lúc chờ vào chầu.

Trời vừa tờ mờ sáng, không biết ai nhanh nhẩu thạo tin đã nghe nói đêm qua trong cung Hoàng hậu nương nương vì rung cây nhát khỉ, sai khiến La Tường trong nhóm Bát hổ chế tài hai vị công chúa, Dương Lăng phản kích lột bỏ chức vụ của La Tường, nhưng bản thân cũng không ngăn nổi nội đình và ngoại đình đồng thanh chỉ trích, bất đắc dĩ đành giao trả đại quyền khống chế thuế khoá của thiên hạ.

Tin tức lập tức được rất nhiều quan viên nhanh chóng truyền bá ra ngoài. Việc này khiến cho đám quan viên đang ủ rũ bởi hai vị thượng thư bị miễn chức cũng như quốc sách mở biển thông thương được thi hành đã trở nên phấn khởi, cực kì sảng khoái trong lòng.

Thế nhưng ngay cả nguyên lão bốn đời như Lưu Đại Hạ và Mã Văn Thăng cũng đều bị bãi quan miễn chức cho nên bọn họ ít nhiều cũng kiêng kị, trông thấy Dương Lăng cưỡi ngựa tới, Tiêu Các lão cũng từ trong kiệu bước ra, bọn họ bất giác thu lại vẻ tươi cười, âm thanh trò chuyện cũng nhỏ đi.

Hôm nay Dương Lăng vào triều là để đi cùng Thượng thư Vương Hoa của bộ Lễ ra ngoài thành nghênh tiếp sứ thần quốc vương Nhật Bản, cho nên y cũng đến rất sớm. Dương Lăng phát hiện ra rằng quan viên sĩ tử Đại Minh đều có một tâm lý hết sức lạ lùng, một mặt bọn họ tự cho mình là thiên triều thượng quốc, bốn rợ (gọi chung Nhung Di Man Địch - ND) đều là dân tộc biên hoang, nhỏ bé và thấp hèn trước mặt thiên triều, như thể vốn không đáng để được xem trọng, thế nhưng bọn họ lại đối đãi phiên bang đến triều cống hết sức lễ phép: bất kể là chỗ ở, ăn uống, hay lễ vật biếu tặng đều gấp mười lần số triều cống, nhằm biểu thị sự giàu sang sung túc và đại nghĩa của thiên triều.

Bọn họ thà chịu vì chuyện sứ giả phiên bang nên quỳ hai gối hay một gối mà tranh luận đến đỏ mặt tía tai, quyết không nhượng bộ, nhưng lại ngại không muốn so đo với những yêu sách của sứ giả đòi tăng quà biếu lên đến mấy lần.

Khi lật xem tiền lệ tiếp đãi sứ giả các nước An Nam, Lưu Cầu và Cao Ly và thấy thái độ ngoại giao của những nước này đối với Đại Minh "thực dụng" như vậy, Dương Lăng thật sự nghĩ nát óc cũng không biết bọn họ đã suy nghĩ như thế nào, bèn vịn cớ rằng do sau này dân chúng được tự do buôn bán giữa các nước, phái đoàn sứ giả mai kia đến viếng ắt hẳn là vì mục đích mậu dịch thương mại. Nếu đã không phải là kỳ hẹn triều cống do Đại Minh quy định, nhân số sứ giả không theo quy định triều cống, vậy hết thảy không thể lấy lễ quốc khách mà tiếp đãi.

Vương Hoa cũng không phải là kẻ ngu dốt hủ lậu, cũng biết rằng một khi Dương Lăng trình kiến nghị lên ắt sẽ được Hoàng thượng chấp thuận, bèn sảng khoái đồng ý. Có điều vì để có chứng cứ khi tra xét, lão vẫn lấy danh nghĩa bộ Lễ dâng sớ lên cho Hoàng thượng.

Đến trước cổng cung, trông thấy Vương Hoa đang đứng ở một góc trò chuyện cùng mấy vị đại thần, Dương Lăng vừa định bước sang chợt thấy tình hình bỗng dưng khác thường. Quan viên đứng rải rác khắp nơi đều cảm nhận thấy không khí chợt nhiên yên tĩnh lại, ánh mắt đồng loạt hướng về một phía.

Dương Lăng chăm chú nhìn theo. Y thấy một lão già áo vải tóc bạc, thân thể cường tráng hiên ngang bước về phía Ngọ Môn.

Trong đám quan viên đang đứng bên cạnh to nhỏ thì thầm có người khẽ thốt:

- Là Thượng thư bộ Binh Lưu đại nhân.

- Ông ấy vẫn chưa rời kinh ư? Chẳng phải nghe nói Hoàng thượng hạ chiếu rất nhanh, bộ Lễ đã đặt lệnh ban ơn, hôm qua đã sai sở Dịch thừa đưa về quê nhà rồi sao?

- Xì! Biết ngay là ông không đi đưa tiễn rồi. Đó là Mã đại nhân. Mã đại nhân tuổi đã bát tuần, vốn không được khỏe, mấy ngày nay phiền muộn mà sinh bệnh. Nghe nói lúc đến trường đình nghỉ chân cũng không xuống xe, chỉ trò chuyện với mấy người bạn tri giao vài câu qua rèm rồi giũ áo đi luôn. Than ôi, thượng thư đứng đầu lục bộ đó, chậc chậc chậc!

- Cũng phải, với phẩm trật và chức hàm này của tôi, hơn nữa lại không phải là quan viên do Mã đại nhân đề bạt, tôi đi làm gì, có đi người ta cũng sẽ chẳng thèm để ý tới tôi. Ôi! Nói vậy ông có đi à?

- Tôi...., suỵt! Lưu đại nhân tới rồi, đừng ồn ào, có trò hay xem đây! Không chừng lão đại nhân sẽ cùng Dương đại nhân... hừm hừm...

Quần thần rầm rì bàn tán.

Dương Lăng chăm chú nhìn Lưu Đại Hạ. Ông lão này vận áo vải, chân mang đôi giày mũi tròn đế vải, râu tóc bạc trắng, mặc cho hai bên có không ít đồng liêu hảo hữu gật đầu chào hỏi, ân cần hỏi thăm, lão vẫn chăm chăm nhìn thẳng, không nói lời nào.

Lão rảo bước tới trước cổng cung, nheo mắt ngẩng đầu nhìn lên, cung điện nguy nga, tường cung lầu điện nối nhau san sát, một tia nắng sớm vén mây hiện ra, rọi lên bức tường và nóc cổng cung điện màu đỏ ở phía trước. Ngói lưu ly vàng, bình phong và đầu thú bằng đồng lấp lánh ánh vàng rực rỡ dưới ánh mặt trời ban mai, huy hoàng chói lọi.

Lưu Đại Hạ sụp người quỳ xuống, vái lạy trước cổng cung to lớn, đầu chậm chạp chạm xuống bụi đất...

Thực hiện xong đại lễ ba quỳ chín lạy, Lưu Đại Hạ chợt trào lệ, khóc không ra tiếng:

- Tiên hoàng...

Quỳ sấp người nức nở hồi lâu, Lưu Đại Hạ mới cất cao giọng:

- Tình cảm và ơn nghĩa của tiên đế to lớn biết dường nào, lão thần có dốc hết mạng này cũng khó mà báo đáp một phần. Sao mà trời không toại lòng người, tiên hoàng ơi...

Rồi lão gạt lệ đứng lên, cung tay nói:

- Các vị đồng liêu! Lão phu tiết tháo trung trinh, người và trời cùng chứng giám, mà sao nay không đường báo quốc? Lão phu nay chỉ là một kẻ áo vải mà thôi, nhưng một kẻ áo vải vẫn có thể nói có đầu có đuôi, làm tới nơi tới chốn, nghèo hèn không đổi thay, vinh nhục không sợ hãi. Các vị đồng liêu hãy tự giải quyết cho ổn thỏa, lão phu đi đây!

Lưu Đại Hạ vái chào một vòng, quắc mắt nhìn Dương Lăng, mày ngài xếch ngược, chợt nạt lớn:

- Mọt nước sâu dân, đất trời không dung thứ. Thiện ác đều có quả báo, nhân quả tuần hoàn, lão phu sẽ mở to hai mắt xem ông trời trừng trị ngươi như thế nào!

Dương Lăng nghe vậy chỉ biết cười gượng gạo. Mọi việc làm, hành động lẫn suy nghĩ của ông lão ở trước mặt y đây thật khiến người ta không biết nên khóc hay nên cười. Nhưng thái độ và tính cách của lão lại khiến người ta hết sức tôn kính. Mưu tính sâu xa khổ sở của mình, lão ấy hiểu được sao?

Cái sách lược chính trị của mình mà trong mắt lão ấy là đại nghịch bất đạo, hại nước hại dân ấy, có lẽ phải mất rất nhiều năm sau mới có thể nhận được sự nhất trí công nhận của dân chúng Đại Minh. Có lẽ suốt cuộc đời này, trong mắt Lưu Đại Hạ, cụ già đáng nhận được sự tôn kính tự đáy lòng của mình song lại bất đắc dĩ bị mình trục xuất khỏi triều đình để ngăn trở hành vi ngu xuẩn của lão, mình sẽ mãi là một tên nịnh thần lộng quyền.

Ánh nắng rắc lên người Dương Lăng, sắc mặt của y vẫn điềm đạm nhưng trong lòng lại hơi hiu quạnh. Y khẽ cụp đôi mi không nhìn thẳng vào lão, chỉ khẽ đáp lại:

- Độ hết chúng sinh, mới chứng cõi Phật. Địa ngục chưa trống, thề không thành Phật. Thiên đường, không đi cũng được! Lưu đại nhân, dụng tâm sâu xa của bản quan, thật sự khó lòng bộc bạch trước mặt đại nhân... Ôi! Đại nhân đi đường bảo trọng.

Dương Lăng chậm rãi chắp tay vái thật sâu, thật lâu sau mới thẳng lưng lại. Trước mặt y trống trơn, chung quanh bá quan thinh lặng, Lưu Đại Hạ đã giũ áo bỏ đi.

Gió mát thong thả tiễn đưa, tiếng chuông Cảnh Dương khoan thai vọng lại...

*****

Dương Lăng và Vương Hoa ngồi trong trường đình chờ đoàn sứ giả. Tuy có kẻ cho rằng nghi thức nghênh tiếp như thế này quá long trọng, nhưng xét thấy sứ giả là đại biểu cho quốc vương của một nước, vả lại lần triều cống này có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với Chính Đức. Từ khi hắn chính thức kế vị đến nay đã một quốc gia từ lâu không thần phục nay đến triều cống trở lại, thừa nhận địa vị mẫu quốc của thiên triều; đây chính là thành tích chính trị trọng đại của hoàng đế Chính Đức, khó trách hắn rất đỗi hài lòng và coi trọng.

Thám mã hồi báo rằng phái đoàn sứ giả đã đến ngoài hai mươi dặm, Dương Lăng vung tay bảo lui, cười nói với Vương Hoa:

- Thượng thư đại nhân, đại sứ của Nhật Bản đã sắp tới rồi. Lần này nhờ thượng thư đại nhân hết sức chống đỡ mà việc dỡ bỏ cấm biển mới có thành quả ngày hôm nay. Dương mỗ thật phải cảm tạ ngài.

Vương Hoa cười đáp:

- Dương đại nhân chớ nên khách sáo. Lão phu nhà ở Giang Nam, biết rõ tuy triều đình cấm biển cả trăm năm nay, nhưng thế gia vọng tộc hai tỉnh Chiết-Mân cùng Nhật bản đã buôn bán qua lại từ rất lâu. Sau khi triều đình ngưng việc cấp phép mậu dịch, nạn buôn lậu ở dân gian càng hoành hành thêm tợn, cấm biển sớm đã không còn giá trị gì, ngược lại chỉ khiến cho lượng lớn thuế khoá triều đình rơi vào tay các gia tộc phú hào địa phương mà thôi.

Vương Hoa thở dài nói tiếp:

- Chỉ có điều... Vương mỗ tự biết một cây làm chẳng nên non, không cách nào xoay chuyển được lệnh cấm; chỉ mong có ngày thời thế thay đổi, phát triển để triều đình có thể hưởng ứng ý dân mà dỡ bỏ cấm biển. Không ngờ đại nhân lại có sự kiên quyết như vậy, lão phu đương nhiên dốc sức giúp đỡ.

Dương Lăng biết vị Vương học sĩ này mặc dù bác học đa tài nhưng tính tình đạm bạc, có phần an phận. Tuy nhiên những điều ông nói cũng là sự thật, nếu không phải vì mình phải giở ra muôn vàn thủ đoạn, mà để cho một vị "quân tử thanh cao" như ông đi đầu đề xuớng bỏ cấm mở biển, thì mười phần hết chín sẽ không thành công, không khéo lại sẽ giống như Hoàng Kỳ Dận năm xưa, bị giai cấp thống trị hiện tại vứt bỏ.

Vương Hoa mỉm cười:

- Những nhu yếu phẩm mà Nhật Bản cần đều phần lớn được sản xuất từ triều ta. Tỉ như đồ gốm ở Nhiêu Châu, bông tơ ở Hồ Châu, mũ ô sa ở Chương Châu, vải bông ở Tùng Giang, cùng với sách vở, tiền đồng, tranh chữ, buôn tới Nhật Bản thu được lãi lớn, so với giao dịch cùng Lữ Tống(*) phải cao hơn gấp bội, quả thật là chuyện tốt cho nước cho dân.

(*): Đảo lớn thuộc quần đảo Philippin. Xưa, người Trung quốc gọi Lũ Tống thay cho Philippin.

Vì để chuẩn bị cho việc mở biển, không biết Dương Lăng đã thực hiện biết bao cuộc điều tra và chuẩn bị, cho nên y rất tường tận những chuyện này. Nghe vậy y bèn cười đáp:

- Đúng vậy! Nhật Bản chỉ có lác đác mấy loại hàng hoá như đao, kiếm, lưu huỳnh và quạt giấy để giao dịch với Đại Minh ta, còn lại đều chỉ có thể dùng bạc mà đổi lấy. Triều ta thiếu hụt bạc trắng, lượng lớn vàng ròng bạc trắng mà Nhật Bản sản xuất sẽ có thể vì vậy mà chảy vào triều ta, làm dịu nhu cầu dùng bạc của dân chúng. Hơn nữa vàng thật và bạc trắng tự có giá trị của nó, có thể lưu hành khắp thiên hạ, hết sức có ích trong việc tích góp sức nước cho triều ta đấy.

Hai người nói chuyện hết sức hợp, sau khoảng hai nén nhang mới trông thấy một đội nhân mã thong dong đi tới. Thấy thế, Dương Lăng nhíu mày:

- Người đưa tin của bản quan không nói cho bọn họ là thượng thư Bộ Lễ và bản quan nghênh tiếp ở đây hay sao? Sao lại chậm trễ như vậy?

Vương Hoa liếc đội kị mã hơn sáu chục người trước mắt, mỉm cười:

- Bọn lùn vẫn luôn tự cao tự đại, tự coi mình là cao quý, xưa nay đều vậy. Hơn nữa còn hết sức hám lợi, tâm cơ xảo quyệt, chớ cho bọn chúng cậy nhờ triều ta nên từ xa đến để triều cống; đến dưới chân thiên tử rồi mà bọn chúng vẫn còn muốn ra vẻ ngạo mạn đấy.

Đám người Nhật Bản ra vẻ cao quý, cố ý đi thật chậm rãi, Dương Lăng và Vương Hoa cũng không đứng dậy thu xếp đội nghi trượng chuẩn bị nghênh đón mà vẫn ngồi đó trò chuyện cười đùa. Vương Hoa liếc đội kị mã, hậm hực:

- Ắt vì triều ta thiếu hụt thuỷ quân, để giặc lùn hoành hành trên biển khiến ta bó tay chịu thua nên mới khiến đám lùn này mang lòng khinh rẻ.

Năm xưa bọn lùn sai trình quốc thư cho sứ giả nhà Tùy, từng tự xưng là "Thiên tử nơi mặt trời mọc" mà gọi vua Tùy là "Thiên tử nơi mặt trời lặn", ngoài mặt là để phân chia hai vùng đông tây, còn xem như đối đãi bình đẳng. Nhưng đến lần sau lại tự xưng là "Đông thiên hoàng" mà gọi vua Tùy là "Tây hoàng đế". Ha ha, một kẻ là Thiên hoàng, một người là Hoàng đế, chỉ đổi có một chữ liền đã đè lên đầu vua Tùy rồi.

Về sau nhà Đường phù trợ Tân La, còn nước chúng thì phù trợ Bách Tế(1). Hai bên đánh một trận lớn, hơn nghìn chiếc chiến thuyền lớn nhỏ của chúng lại bị một trăm bảy mươi chiếc tàu chiến của thủy quân Đại Đường đánh cho đại bại, từ đó chúng cam tâm xưng thần. Đại Đường lấy vị thế thượng quốc mà ban cho chúng quốc hiệu là "Nhật Bản", chúng cũng vui vẻ tiếp nhận, đủ thấy người nước chúng chỉ biết ức hiếp kẻ yếu mà e sợ kẻ mạnh.

Dương Lăng nghe vậy bật cười. Hoá ra sự thù ghét giữa hai bên đã bắt nguồn từ xa xưa chứ không phải đến thời cận đại mới có.

Lúc này đội kị mã đã đến gần, trong đội ngũ có vài chiếc xe ngựa chở lễ vật. Biết Thành Khởi Vận có mặt trong phái đoàn sứ giả, Dương Lăng bèn căng mắt lên nhìn. Y thấy trên mấy thớt ngựa dẫn đầu có hai vị là quan viên do Bộ Lễ phái ra, mà hình dáng của một vị thư sinh vận áo dài trắng đi bên cạnh lại vô cùng quen thuộc, liền không khỏi mừng rỡ.

Những người trong đoàn sứ giả theo hai quan viên bộ Lễ xuống ngựa bước tới. Khi còn cách tầm hơn chục trượng, Dương Lăng và Vương Hoa mới đứng dậy bước ra khỏi trường đình, mỉm cười nghênh đón.

Dương Lăng không nhìn về phía sứ giả Nhật Bản đi về phía mình, ánh mắt của y bất giác hướng về phía thư sinh áo dài trắng ở phía sau. Tuy người ấy bận nam trang, nhưng cặp mắt đa tình dịu dàng thật thân thuộc xiết bao.

Dương Lăng bỗng phát hiện thấy trong mắt nàng hiện lên hai đốm sáng trong vắt, là ánh nắng phản chiếu trong mắt nàng ư?

Dương Lăng đang chờ để nhìn cho kỹ thì Thành Khởi Vận chợt cúi đầu, ngón tay thon dài láng muốt như ngọc nhón lấy góc áo trắng tinh phẩy nhẹ lên má và dừng lại bên môi. Dương Lăng không nhìn thấy môi nàng, nhưng từ biểu hiện trên khuôn mặt nàng y lại có thể cảm nhận rõ cánh môi xinh đẹp của nàng khẽ nhếch lên cười ngọt ngào với y. Bất chợt một cảm giác choáng ngợp chạm vào tâm hồn như một hòn đá ném xuống mặt nước hồ; mặt hồ chợt lăn tăn gợn sóng.

Chú thích:

(1) Tân La (Silla) và Bách Tế (Baekje) là hai trong số ba nước Hàn Quốc xưa. Nước còn lại là Cao Câu Li (Koguryo)

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.