Mộng Chiếu

Chương 16: Nếu như không thể, ngươi về nhà đơn độc biểu diễn cho ta xem cũng được




Trần Dương vốn không phải tên Trần Dương mà tên Trần Diệm Diệm. Cái tên chẳng hề tương xứng với vẻ bề ngoài cao lớn anh tuấn, sức sống ngời ngời ấy là do một người lành nghề trong thôn đặt cho anh.

Chuyện là, vào ngày Trần Dương được sinh ra, vừa thấy đó là một thằng cháu trai thì bà nội anh vui mừng khôn kể, bà bèn lập tức chạy đến trước điện thờ thắp một nén nhang, rồi vừa vái vừa nói mãi “Tổ tông phù hộ, tổ tông hiển linh”. Sau khi vái xong, bà mới bế Trần Dương chỉ mới vừa sinh đến con phố cách cả dặm tìm thầy tướng số phê bát tự.

Sinh con rồi tìm thầy tướng số phê bát tự là một trong những truyền thống nơi Trần Dương sống. Với những đứa bé được bồng bế tới, những thầy tướng số ấy cũng phần lớn là lượm lặt vài lời may mắn dễ nghe nói ra, để các bậc cha mẹ có con trai mong con thành rồng, có con gái mong con thành phượng ấy sẽ vừa lòng, thế là lúc trả tiền sẽ vui vẻ mà cho nhiều thêm một ít.

Bà nội Trần Dương đã tìm đến thầy tướng số nổi danh nhất địa phương, người thường nói ra những lời rất đanh thép ngay thẳng.

Thầy tướng số ấy gọi là Mao lão tiên. Ông cầm một quyển sách đã rách, nắm lấy tờ giấy ghi bát tự của Trần Dương tính toán rất lâu, càng tình đôi mày càng nhíu chặt. Bà nội Trần Dương ở bên cạnh đợi mãi một lúc lâu, thấy gương mặt ông nặng nề thì lo lắng ôm chặt cậu cháu trai đang ngủ say, hỏi, “Mao sư phụ, rốt cuộc thì mệnh cháu tôi thế nào?”

Mao lão tiên ngẩng đầu, nhìn Trần Dương hãy còn đang quấn tã, lắc đầu, “Mệnh cháu bà cứng quá. Trong bát tự, kim đức chiếm giữ năm phần, mặt mũi lại mang theo sát khí trời sinh, là thứ sát tính nặng xâm chiếm bào thai con dâu bà, lại còn sinh vào đúng giữa trưa ngày năm tháng năm – thời điểm dương khí mạnh nhất. Nhất định là kẻ khắc hết họ hàng thân thích, không cha không mẹ, không vợ không con.”

Nghe những lời ấy đánh xuống, bà nội Trần Dương tối tăm mày mặt. Bà ôm cháu trong tay, lảo đảo, chỉ thiếu chút nữa đã ngã quỵ xuống đất. Mao lão tiên vội đỡ bà, va phải Trần Dương. Cu cậu vẫn còn chưa mở mắt đã siết chặt bàn tay nhỏ, khóc váng lên.

Bà Trần vữa dỗ cháu vừa quệt nước mắt, van xin Mao lão tiên, “Mao sư phụ, ông tính lại đi, tính nữa đi, sao có thể như vậy, nhà họ Trần chúng tôi khó khăn lắm mới có người nối dõi, sao lại như vậy được.”

Mao lão tiên phất tay, “Mệnh chỉ có thể tính một lần, càng tính sẽ càng lệch.”

Van xin Mao lão tiên không được, bà nội Trần Dương đành bế cháu ra ngoài.

Ra khỏi cửa rồi thì bà bế ngay Trần Dương đến thầy tướng số khác. Tuy rằng láng giềng chòm xóm xung quanh ai cũng bảo Mao lão tiên tính toán rất chuẩn xác, nhưng con người luôn có lúc sai lầm. Thế nên bà nghĩ, nếu Mao lão tiên không chịu giúp tính mệnh lại lần nữa cho cháu bà thì bà sẽ tìm người khác, cháu trai bà gương mặt lớn góc cạnh sao có thể là loại mệnh này chứ!

Mà kể cũng lạ, ngày hôm ấy bà nội Trần Dương đã đến tất cả thầy tướng số trên phố, những thầy tướng số ấy đều trăm miệng một lời bảo rằng cháu trai mà là mệnh khắc hết họ hàng.

Bà lảo đảo xiêu vẹo bước ra khỏi nhà vị thầy tướng số cuối cùng, sắc mặt xám ngoét như thể cha mẹ mất hết, mãi tới lúc trời tối đen mới bế Trần Dương đã đói đến mức òa khóc thật to về nhà.

Mẹ Trần Dương hãy còn nằm trên giường, bắt gặp Trần Dương khóc nhiều đến mức mặt mũi đỏ bừng thì cũng có chút giận mẹ chồng. Thằng bé mới vừa sinh đã bồng ra ngoài, mà đi thì cứ đi thôi vì ai cũng làm thế, nhưng nào có chuyện bồng thằng bé đi cả ngày như vậy, lại còn để nó đói đến mức này nữa. Có phải đã vui đến mức hồ đồ rồi không!

Mẹ Trần Dương kéo áo xuống cho con bú, sau đó vỗ về lưng Trần Dương vì bú qua nhanh mà hơi sặc một cách đầy yêu thương, rồi mới kêu ba anh đang ngồi bênh cạnh đang ngây ra cười đi làm cơm.

Bữa cơm còn chưa kịp dọn lên bàn, bà nội Trần Dương còn đang tinh thần hoàng hốt đột nhiên bật dậy, giành lấy Trần Dương từ tay mẹ anh rồi bỏ lại một câu, “Mẹ đưa nó đến nhà Đông lão tiên, các con ăn trước đi đừng lo cho mẹ.” Mẹ Trần Dương thở dài vài tiếng, nhưng do không thể xuống giường được nên chỉ có thể nhìn mẹ chồng bế con mình đi mất.

Bà nội anh chạy vội đến nhà Đông lão tiên, gõ cửa xong thì quỳ giữa gian nhà chính.

Khi đó Đông lão tiên còn trẻ, chắc chỉ độ khoảng bốn mươi tuổi mà thôi. Gương mặt gầy sắc da vàng vọt, mắt hình tam giác, tròng trắng mắt thì phần nhiều là màu đen. Ông mặc một bộ đạo phục không cũ không mới, con mắt đưa qua đưa lại, điềm nhiên ngồi trên chiếc ghế bành nơi nhà chính, chẳng nói chẳng rằng nhìn bà nội Trần Dương.

Bà đang vừa dập đầu với ông vừa lấy một cái bọc giấy. Bên trong cái bọc ấy nặng trịch, chẳng biết cất thứ gì. Đông lão tiên cầm cái bọc ấy, ước lượng, sau đó lay lay bà Trần, ý bảo chừng này chưa đủ.

Bà không nói thêm gì, chỉ run rẩy moi ra từ ngực một cái bao trong suốt được gói ghém kỹ lưỡng, sau đó đưa cho Đông lão tiên. Đông lão tiên cầm, lấy tay sờ, cuối cũng cũng vừa lòng gật đầu.

Bà Trần nhẹ nhàng thở phào, ngồi bệt xuống đất, sau đó để Trần Dương đã ăn no ngủ say lên bàn thờ giữa nhà chính. Tiếp đó nữa, Đông lão tiên phẩy tay ngăn lại, “Bà ra ngoài trước đi, lúc ta hành sự người ngoài không được nhìn.”

Bà nội Trần Dương bèn cẩn thận từng bước một, còn đóng luôn cả cửa lại.

Bên trong lặng ngắt chẳng vang lên tiếng động nào, chỉ có ánh đèn lập lòe lộ ra giữa khe hở của cánh cửa mà thôi. Chẳng biết qua bao lâu, bà mới nghe thấy tiếng khóc đứt quãng của Trần Dương. Tiếng khóc ấy khiến bà bất chợt hoảng sợ, thế là bà chấp tay liên tục cầu nguyện với ông bà tổ tiên, với cả quỷ thần tiên nhân khắp bốn bể.

Rồi cũng chẳng rõ thời gian đã qua bao lâu, trăng cũng đã treo giữa trời, gió đêm lạnh buốt đảo qua từng trận. Mọi thứ xung quanh đều im ắng, chỉ có cạnh nhà Đông lão tiên, mỗi gốc cây hòe, hàng liễu, cành cây, bóng lá chập chờn như chuyển động.

Lúc này, cánh cửa kẽo kẹt nhẹ nhàng mở ra.

Đông lão tiên bế Trần Dương đứng tại ngưỡng cửa, bà Trần lập tức bước tới trước mặt ông ta, không đầu không đuôi hỏi một câu, “Đông sư phụ, tốt đẹp rồi?” Đông lão tiên gật đầu, trả Trần Dương cho bà nội anh, “Thằng nhóc này ngày sau tên Trần Diệm Diệm, chữ Diệm do ba chử Hỏa mà thành, hỏa có thể khắc kim, có thể trấn mệnh nó.”

Bà nội bế Trần Dương về nhà. Lúc mẹ Trần Dương sắp xếp lại quần áo cho anh thì phát hiện một mảnh vải, trên mảnh vải viết ba chữ Trần Diệm Diệm và ngày tháng năm sinh. Mẹ anh cũng chẳng nhìn kỹ, do nghĩ rằng đó là bát tự mà mẹ chồng mình có được sau một ngày bế Trần Dương ra ngoài, thế nên đã cẩn thận cất vào tủ quần áo.

Vì thế, trước kia Trần Dương có tên Trần Diệm Diệm. Đợi anh lớn hơn một chút, hiểu chuyện rồi thì bắt đầu nhận thức rằng cái tên này nữ tính quá, ba lần bốn lượt nói muốn đổi tên với bà nội thì đều bị bác bỏ. Chẳng còn cách nào, Trần Dương cũng đành tạm thời chấp nhận.

Cuối cùng, anh cũng không như bát tự Mao lão tiên phê cho anh, khắc hết họ hàng.

Chỉ có điều kể từ sau khi anh sinh ra, mẹ Trần Dương cũng có mấy lần hoài thai nhưng không sinh được. Mẹ anh cũng nghĩ thoáng, chẳng mong mỏi có thêm con trai hay con gái gì, thế là Trần Dương thành con một, từ nhỏ đến lớn nhận hết yêu thương trong gia đình.

Thời gian nhảy vọt tới lúc Trần Dương mười bốn tuổi.

Khi đó Trần Dương cao gần 1m7, vóc người cao lớn, cơ thể cường tráng, đã là một cậu trai trẻ rồi. Bởi do được nuông chiều từ bé nên không sợ trời không sợ đất, lớn gan đến mức dám đánh cược nửa đêm chạy đến giữa mồ hoang gào thét inh ỏi.

Ngay tại một hai năm này, nhà họ Trần xảy ra rất nhiều chuyện.

Mọi chuyện bắt đầu từ hôm Trần Dương cưỡi xe đạp đến trường. Lúc học tiểu học thì còn có thể học gần nhà, tới lúc sơ trung thì nhất định phải đến trấn trên, thế nên nhà nào nhà nấy đều chuẩn bị cho con mình một chiếc xe đạp.

Chiếc xe đạp của Trần Dương là được mua lại, chiếc xe lúc đầu vốn dĩ anh mới dùng một năm mà đã gần như hư hại cả, mà trên đường đến trấn trên sẽ đi qua một bãi tha ma với mấy chục ngôi mộ, rồi còn cả một gò núi nhỏ, trên gò núi ấy lại cũng cây cối đầy cả ra. Chắc chừng do sợ cây cối cao quá sẽ chặn tầm ngắm phong cảnh của tổ tiên, thế nên những thế hệ sau sẽ đốn cây hoặc cắt bỏ bớt cành lá.

Trần Dương thành tích nửa vời, học xong sơ trung thì cũng chẳng định tiếp tục học lên nữa. Người nhà cũng đã sớm bảo đợi anh tốt nghiệp thì sẽ đưa anh tới thành phố học sửa xe, có cái nghề kiếm sống lo bữa cơm thì ngày sau mới có cuộc sống tốt đẹp được. Đối với an bài của người nhà Trần Dương cũng không có ý kiến gì, nếu không phải ba bắt ép anh phải học cho xong thì ngay cả sơ trung anh cũng chẳng thèm học.

Mấy ngày nay, cứ ba ngày là hai bận anh trốn học, bởi anh mới quen được một người săn thú trên núi.

Anh gọi người đó là bác Ngô. Bốn mùa hằng năm bác ấy luôn cầm theo một cái bẫy sắt và cây súng thô sơ, trước tiên sẽ tìm nơi hay có thỏ hoang hay hoẵng thường lui tới mà đặt bẫy, còn nếu may mắn nữa thì cầm cây súng đi loanh quanh trong rừng, thế là cả ngày hoặc ít hoặc nhiều cũng có thể bắt được một hai con mồi gì đó. Thường thì sẽ bắt được thỏ, còn hiện tại thỏ đã ít đi, thì bác ấy chuyển qua bắt lợn rừng. Lúc ấy Trần Dương rất hứng thú với việc này, mà lại có thằng nhóc nào không hứng thú với việc ấy chứ?

Ngày đó vừa đúng lúc Trần Dương cúp học, anh và vài người bạn cược với nhau, rằng nếu anh dám một mình đến bãi tha ma kia ở lại một ngày thì bọn chúng sẽ thua anh hai mươi đồng tiền, chưa kể chúng còn phải mời anh đến trấn trên chơi thỏa thuê đến khi anh chán mới thôi. Nghe thế, Trần Dương háo hức lắm, không nói hai lời đã phăm phăm đi ngay.

Bãi tha ma ấy nằm gần trường, có thể nhìn thấy từ cửa sổ phòng học. Trần Dương bò đến bãi tha ma, còn vẫy vẫy tay với mấy thằng bạn. Chúng bạn thì cứ la to với gọi anh, hò hét inh ỏi, mãi đến lúc giáo viên chủ nhiệm tới mới yên ắng.

Chờ chủ nhiệm cũng nhìn ra ngoài cửa sổ thì Trần Dương đã sớm trốn đi mất.

Lúc ấy đang là mùa hạ nắng gay nắng gắt, xung quanh đều là mồ mả, Trần Dương tìm gốc cây nằm xuống dưới bóng râm. Ngọn núi này bình thường chẳng ai dám tới, trừ mấy thằng loai choai của ngôi trường gần đó thỉnh thoảng nổi hứng đến thử can đảm thì chẳng còn ai. Chỉ là trong mấy thằng nhóc ấy thì đa phần chỉ đến một lần mà không dám đến nữa, hỏi vì sao thì chúng đều mặt mày trắng bệnh chẳng hé răng lấy một lời.

Nên ai cũng xem như chúng nhát gan bị dọa sợ, ít nhiều cũng lấy chuyện đó ra cười nhạo chúng.

Rốt cuộc có thể gặp được gì chứ? Nằm dưới bóng cây, Trần Dương gà gật ngủ.

Anh ngáp ngắn ngáp dài. Lúc sắp chảy cả nước mắt thì thấy một người đang lén lén lút lút trước một phần mộ, không biết đang làm gì. Đang buồn chán vô vị, thấy vậy Trần Dương lập tức can đảm hẳn lên, anh khom người, cũng lén lút đi qua, vỗ cái bộp lên vai người nọ, “Bác Ngô à, bác làm gì đó?”

Bác Ngô cũng đã năm mươi mấy tuổi, do phơi nắng phơi gió nên da mặt sạm đen, cả đời không cưới xin mà trông coi căn nhà ngói ba gian thô sơ, trải qua những ngày no bụng không lo đói, hiện đang ở làng Vọng của thôn Trương gia.

Bác Ngô bị anh làm hoảng sợ, “Thằng nhãi ranh này, con thỏ ta đuổi theo cả ngày trời mém chút bị cháu dọa chạy mất.” Trần Dương cũng ló đầu vào cái hang trước nấm mộ, “Đây ấy à?” Bác Ngô gật đầu, “Vừa chui vô đó, để ta tìm cách dụ nó ra.”

Trần Dương đứng lên, suy nghĩ một chút rồi hềnh hệch cười, “Cháu có cách, chắc chắn là được.”

Anh kéo bác Ngô lên núi tìm mấy cành cây khô đã phơi nắng hồi lâu rồi chất thành đống trước cửa hang động, rồi lại bỏ lên đống củi ấy vài cành cây ẩm ướt, sau đó đốt lửa. Chẳng bao lâu sau, khói đã xông lên dày đặc, Trần Dương cầm một phiến lá vừa to vừa lớn ra sức quạt bên đống lửa.

Bác Ngô trông coi bên cạnh, luôn chú ý tới cái hang kia, chờ con thỏ ấy không chịu được từ trong chui ra.

Đúng thật một con thỏ hoang vừa to vừa lớn chui ra khỏi cái lỗ, thế là bị bác Ngô tóm ngay lấy. Sau khi bắt được nó rồi thì bác Ngô bật ngón cái khen Trần Dương, Trần Dương chẳng chút khách sáo nhận lời khen ấy, rồi lại càng hăng hái ra sức quạt. Và rồi không chỉ một con thỏ, một lúc sau lại thêm một con nữa.

Hôm ấy, họ bắt được đến ba con thỏ hoang, xem như thu hoạch lớn. Bác Ngô đưa một con khá mập mạp cho Trần Dương, anh cũng nhận lấy chẳng hề khách sáo. Sau đó hai người cũng chẳng thèm quan tâm đến ngọn lửa đã gần như dập tắt trước ngôi mộ kia, cùng nhau xuống núi.

Sau khi cả hai đã rồi đi, từ trong cái hang ấy lại chui ra thêm một con thỏ nữa.

Con này còn lớn hơn cả con mà Trần Dương đang cầm, e là nặng đến ba mươi cân. Sau khi chui ra nó đi vài vòng quanh đống lửa, lại nhìn về phía bóng dáng hai người đang xuống núi, tiếp theo, chân sau đứng lên, chân trước ngắn nhỏ hướng về nấm mồ, hướng về phía bốn phía, hướng về phía Trần Dương, bái lạy từng cái từng cái một.

Hành động của con thỏ ấy mang tính người đến mức nếu có ai đó gần đó trông thấy, chắc chừng sẽ bị hù chết.

Trần Dương mang theo thịt thỏ về nhà được bà nội và mẹ khen ngợi. Mẹ anh đem con thỏ đến phòng bếp, còn bà nội thì hỏi anh từ đâu ra. Trần Dương mặt mày hớn hở kể chuyện đã xảy ra cho bà nghe, vừa nghe bà đã đánh lên lưng anh, “Đã dặn cháu phải lo mà về nhà đừng đi mấy chỗ tà ma như thế, sao không chịu nghe lời.”

Trần Dương cười đùa ngồi xổm xuống trước mặt bà nội, “Bà à, con thấy là bác Ngô nên mới giúp đó chứ, có phải tự đi đâu. Với lại đang giữa trưa mà, chẳng có việc gì cả đâu.” Anh giấu nhẹm chuyện đánh cược ra bãi tha ma với lũ bạn, nếu chuyện này mà để bà biết thì chắc chắn không phải chỉ bị đánh một cái nhẹ đơn giản vậy đâu, nhất định bà sẽ cho ba anh biết rồi để ba dạy dỗ anh.

Rốt cuộc vẫn cưng cháu, nội anh nói thêm vài ba câu rồi cũng bỏ qua cho anh.

Chuyện cứ thế mà qua.

Một năm sau, lúc ra ngoài thăm người thân, ba mẹ Trần Dương xảy ra tai nạn giao thông, hai người tử vong ngay tại chỗ. Nghe tin dữ, nội anh gào khóc rồi chạy đến nhà Đông lão tiên gõ cửa rầm rầm.

Chẳng thèm mở cửa, Đông lão tiên chỉ nói một câu, “Mệnh một khi đã định, chỉ thoát được nhất thời chứ không trốn được cả đời, mười mấy năm trước ta sửa mệnh cho cháu bà, con trai và con dâu bà mới sống thêm được mười lăm năm, hưởng hết tình cảm ruột rà, cũng nên thấy đủ.”

Bà Trần nằm tì lên cửa, nghe xong khóc than không thôi. Trần Dương đi bên cạnh bà nội, từ lúc nghe báo tin dữ kia thì anh lúc nào cũng thần người, chỉ trong một đêm mà long trời lở đất, anh phản ứng không kịp, đầu óc trống rỗng. Đả kích quá mức nặng nề khiến Trần Dương hãy vẫn còn là một cậu nhóc chưa lớn mông lung, nghe Đông lão tiên nói thế anh cũng chẳng hiểu được chuyện gì.

Mệnh, rốt cuộc là mệnh gì?

Mà cái gì lại là mệnh!

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.