Mối Tình Tay Ba Của Hai Người

Chương 105: Ngoại truyện 5




Đám người di động, đám người đi tha phương cầu thực bây giờ đã trở thành đám người di tản. Cho tới nay các gia đình đã từng sống trên một khoảnh đất, đã từng sống và chết trên bốn mươi mẫu, đã từng nuôi sống mình hoặc chịu chết đói với sản phẩm của bốn mươi mẫu đất - các gia đình đó bây giờ đã có cả toàn bộ miền tây làm chốn đi lang thang phiêu bạt. Và họ đảo qua hết nơi này đến chỗ khác, để tìm công ăn việc làm, từng làn sóng người ùn ùn trên các con đường cái, và các dòng người dừng lại trên bờ các mương các rãnh. Phía sau họ, lại thêm những đám khác đổ tới. Các đường cao tốc cuồn cuộn dòng thác những dân di tản. Cho tới nay ở miền tây - Trung và tây - Nam, vẫn có một dân cư nông nghiệp bình thường chưa từng biến đổi vì công cuộc kỹ nghệ; những người nông dân bình thường chưa từng biết canh tác với máy móc hoặc biết đến uy lực và mối nguy hiểm của máy móc trong tay cho một con người. Họ không lớn lên trong những cảnh nghịch lý của kỹ nghệ hoá, và vẫn giữ được một đầu óc sắc bén để phân biệt được tất cả các phi lý của đời sống kỹ nghệ.

Thế mà bất thình lình, máy móc đẩy họ ra khỏi nhà, đẩy họ đi từng đoàn đông đúc trên đường cái. Sự di động đã thay đổi họ; đường cái, các trại dọc đường, nỗi sợ cái đói và chính cái đói đã khiến họ thay đổi. Lũ con cái không có gì ăn đã làm họ thay đổi; sự di chuyển không ngừng không nghỉ đã làm họ thay đổi. Họ đã trở thành những người di tản. Và sự thù nghịch họ gặp phải khắp nơi đã khiến họ thay đổi, gắn bó họ lại, đoàn kết họ lại. Cũng chính sự thù nghịch kia đã thúc đẩy dân cư thành thị bé nhỏ tụ họp lại, cầm lấy vũ khí như để đẩy lùi kẻ xâm lăng - có toán thì cầm cán cuốc, những chủ tiệm và nhân viên bán hàng thì cầm súng săn - để bảo vệ thế giới chống lại chính đồng bào ruột thịt của mình.

Một nỗi hoang mang, sợ hãi bao trùm lên miền tây thì làn sóng người mỗi ngày càng đổ thêm lên đường cao tốc. Các điền chủ kinh hoảng cho tài sản của họ. Những kẻ không bao giờ biết đói đang nhìn thấy những đôi mắt của cái đói. Những người 586 chưa từng phải thèm muốn thứ gì đang nhìn thấy ánh lửa của sự thèm khát loé sáng trong những đôi mắt của người di tản. Và để tự vệ, người dân thành phố liên kết với người dân một vùng ngoại ô ôn hoà, và chẳng khác gì những con người trước khi vào cuộc chiến. Họ tự trấn an mình bằng cách cứ mải nhắc đi nhắc lại rằng họ là những người tốt, còn bọn xâm lăng là lũ người xấu xa độc ác. Họ nói: cái bọn Okies khốn khiếp đó bẩn thỉu và ngu muội, là những bọn thoái hoá, bọn người phát điên vì thú nhục dục. Bọn Okies khốn kiếp là bọn trộm cắp. Chúng trộm cắp bất cứ thứ gì. Chúng không có một ý thức gì về quyền tư hữu.

Không có ý thức về quyền tư hữu, điều này thì đúng, bởi lẽ một con người không có tài sản làm sao hiểu được nỗi đau nhức nhối của các điền chủ? và những người đứng ra để tự vệ nói: chúng mang theo bệnh tật, nom chúng ghê tởm. Chúng ta không thể nhận chúng vào nhà trường của chúng ta. Chúng là những bọn nước ngoài. Lẽ nào ông lại muốn em gái ông đi lại với một đứa trong bọn chúng?

Dân địa phương tự quất vào tâm địa mình và kích động lẫn nhau để rồi ai nấy phải khuôn theo sự tàn bạo mà hành động. Thế là họ lập đoàn lập toán, vũ trang cho chúng bằng dùi cui, bằng lựu đạn hơi cay, bằng súng. Xứ sở thuộc của chúng ta. Chúng ta không thể buông lơi thả lỏng nó cho bọn Okies khốn kiếp kia. Những con người được người ta vũ trang đâu có phải những người có ruộng đất, nhưng mãi rồi họ cũng nghĩ rằng đất ruộng thuộc của họ. Những người nhân viên bán hàng ban đêm tập luyện sử dụng vũ khí, họ chả có gì là của riêng; những chủ tiệm nhỏ chỉ có một ngăn kéo ngập đầy những món nợ, nhưng ngay dù nợ thì cũng đã là cái gì của mình rồi; ngay dù một chỗ làm ăn cũng đã là cái gì thiết thân rồi. Gã nhân viên nghĩ: mỗi tuần mình lĩnh được mười lăm đôla, nếu có một thằng Okies chết tiệt nào đó nhận làm với mười hai đôla, thì sẽ sao đây? Còn tay chủ tiệm nho thì nghĩ; không bao giờ mình có thể cạnh tranh với một kẻ không có nợ nần gì hết. Những người di cư cuồn cuộn trên những con đường cái và cái đói hiện ra trong đôi mắt họ, sự túng thiếu khó khăn in trong đôi mắt của họ. Họ không có lý lẽ về họ, không có phương pháp, họ chỉ có số đông và những nhu cầu. Khi có công ăn việc làm cho một người, thì mười người đổ tới đánh nhau để giành giật nó - đánh nhau bằng những cú tiền công thấp hơn. Nếu gã kia nhận công ba mươi xu, tôi sẽ chỉ lấy hai mươi lăm xu.

Mà nếu hắn nhận hăm lăm xu? Thì tôi nhận hai mươi xu.

Đừng, thuê tôi đây. Tôi đang đói. Tôi xin làm với mười lăm xu. Tôi xin làm không công, chỉ xin thức ăn thôi. Bọn trẻ nhỏ. Nếu ông trông thấy bọn trẻ nhỏ? Thảm thương chưa! Người mọc đầy nhọt, chúng khó có thể chạy nhảy được. Tại cho chúng ăn nhiều quả rụng, bây giờ bụng chúng trương lên. Lấy tôi đây. Tôi làm, đổi lấy một miếng thịt.

Chu quá đi rồi, vì tiền công hạ dần mà giá cả lại đứng vững. Bọn đại điền chủ xoa tay và lại gửi thêm những tờ quảng cáo để kéo nhiều người đến nữa. Tiền công hạ mà giá hàng vẫn cao. Chả mấy chốc chúng ta sẽ lại có nông nô như xưa.

Tới đó rồi, các đại điền chủ và các công ty phát minh một phương pháp mới. Một đại điền chủ mua một xưởng làm đồ hộp. Khi đào và lê đã chín, y bèn đánh sút giá quả cây, thấp hơn vốn chi phí cho cây quả. Và với tư cách là chủ xưởng đồ hộp, y mua trái cây với giá thấp, nâng giá các đồ hộp lên, và nhờ đó mà lãi to. Thế là các trại chủ nhỏ vì không có xưởng đồ hộp, đành chịu mất trang trại, họ rơi vào tay các đại điền chủ, các nhà ngân hàng, các công ty có xưởng chế đồ hộp. Thời gian trôi qua, các trang trại càng ít đi. Các trại chủ nhỏ di chuyển vào ở thành thị một thời gian, một thời gian đủ để dốc kiệt vốn liếng, để biến thành gánh nặng cho bè bạn, cho bà con. Và đến lượt họ, họ cũng trôi dạt lên đường cái. Và các ngả đường lại kìn kịt những con người đói khát công ăn việc làm, giết người vì công ăn việc làm.

Và các công ty, các ngân hàng ra tay tự tiêu diệt mình, nhưng họ đâu có biết thế. Đồng ruộng ngập trái cây, đường sá nườm nượp người di tản đói ăn. Các vựa thóc đầy ăm ắp còn con cái người nghèo khổ lại trở nên còi cọc, da thịt nổi đầy mụn nhọt. Các công ty lớn không biết rằng ranh giới giữa cái đói và cái giận là một ranh giới mỏng manh. Và tiền của có thể bỏ ra cho tiền công, thì lại đổ vào lựu đạn hơi, vào súng, vào cai, vào mật thám, vào sổ đen, vào sự tập tành rèn luyện. Tràn các đại lộ, người người lang thang như lũ kiến và tìm kiếm công ăn việc làm, tìm kiếm cơm ăn. Cơn uất giận bắt đầu lên men.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.