Mây Đen Gặp Trăng Sáng

Chương 63: Vị khách trước khi đi




Editor: Kaori0kawa

Beta: Mai_kari



Mười sáu tuổi, thời trẻ ngông cuồng luôn nghĩ tương lai có thời gian vô hạn, lúc nào bắt đầu nỗ lực cũng không là quá trễ. Ba tôi khôn khéo, có khả năng, là một trong nhóm những người giàu đầu tiên khi kinh tế phát triển. Trong lúc người đời còn vì “Vạn nguyên hộ” (1) mà ngưỡng mộ không ngớt thì ba đã vô thanh vô tức có trăm vạn thân gia (2). Có điều kiện gia đình tốt như thế khiến tôi không cảm thấy cần phải nỗ lực, làm nhị thế tổ, học hành qua loa, tương lai con nối nghiệp cha, tôi cứ thờ ơ như thế ra kế hoạch cho tương lai.

Mười tám tuổi, tôi thi đậu khoa Công nghệ thông tin ở một đại học hạng hai, chỉ vì đó là một ngành đứng đầu, có khả năng phát triển rất cao, đây là ba chọn cho tôi. Mà bản thân thì lại không có ngành gì theo đuổi hay muốn học, học tập chỉ là hợp thức hóa bằng cấp. Cho dù là đại học hạng hai, ba cũng rất vui mừng, còn cố ý đặt tiệc rượu chiêu đãi thân thích, bạn bè.

Hai mươi mốt tuổi, gia đình biến đổi. Ba ở bên ngoài mua một căn nhà, nuôi một người… đàn ông. Theo cách nói của mẹ, là đĩ đực, đồng tính luyến ái, thứ dâm đãng không biết xấu hổ. Vốn là thanh niên bình thường, tôi rốt cục đem “Đồng tính luyến ái”, cái từ xa xôi như trong truyền thuyết chuyển sang hiện thực bên cạnh mình.

Sau khi mẹ tụ tập thân thích đánh người đàn ông đó đến trọng thương, ba dùng tiền ép mẹ phải ly hôn. Tôi bị tòa phán về bên ba, em gái về bên mẹ. Chiếm được một khoản tiền bồi thường, mẹ cười nhạt với ba trước cửa tòa án, nói ông hãy chờ coi, bà sẽ tìm một người đàn ông tốt gấp trăm lần ông mà tái giá. Trong lúc đó, bà không nhìn tôi lấy một lần. Có lẽ vì tôi đã không nói những lời nhục mạ ba mà bà muốn tôi nói trước phiên tòa, tôi đối với những câu nói đó ấn tượng vẫn còn khắc sâu.

Tôi tự nhiên bất mãn với ba, thế nhưng tôi sẽ không đem chuyện nhà oang oang nói ra đường, cho dù họ ly hôn, họ vẫn là ba mẹ tôi. Sau đó mẹ lục tục tìm về vài tên trai bao, cũng lục tục bị lừa đi không ít tiền bạc. Với chuyện này, tôi không có gì phẫn nộ, nhưng tôi phẫn nộ bà căn bản mặc kệ em gái tôi, để nó vốn được nuông chiều, không ham học đi theo lũ lưu manh đầu đường xó chợ. Tôi nỗ lực khuyên bảo mẹ, dạy dỗ em gái, nhưng mẹ lúc nào cũng chỉ chăm chăm đổi câu chuyện về vấn đề tôi được thừa kế từ ba bao nhiêu tiền, em gái thì bảo tôi đừng xen vào chuyện người khác, nó nói chúng tôi đã không còn là người một nhà nữa rồi.

Hai mươi hai tuổi, tốt nghiệp đại học, tôi làm việc trong công ty của ba. Nhưng tôi không ở cùng với ông, tôi luôn coi thường gã đàn ông sống cùng ba tôi, Từ Khiêm. Hắn là người không có lấy một sai sót cho người khác bới móc, bởi vậy cho dù hắn là đồng tính luyến ái, tôi cũng không có cảm giác ghê tởm với hắn như lúc ban đầu vừa nghe cái từ ấy, nhưng tôi không thể không hận hắn. Sao tôi có thể không hận hắn, tôi hận hắn đến thấu xương, gia đình của tôi tan nát, người nhà trở mặt với nhau đều do hắn. Sự ngây thơ hồn nhiên của tôi vì hắn mà đã sớm tan biến.

Quả thật, tôi rất bất mãn với ba, tôi đổ nguyên nhân ba mẹ ly hôn lên người Từ Khiêm. Nhưng tôi chưa bao giờ nỗ lực hàn gắn ba mẹ lại với nhau.

Từ khi tôi còn rất nhỏ, tình cảm giữa ba mẹ đã rất tệ, không phải cãi nhau thì cũng là đánh nhau. Sau đó, ba có tiền, mẹ liền nghỉ việc, mỗi ngày ở nhà đánh mạt chược, thuận tiện khoe khoang sự giàu có của gia đình.

Những thứ này cũng không phải nguyên nhân, nguyên nhân chân chính là sự hung ác, ích kỷ mà tôi từng nhìn thấy trong đáy lòng bà, bà không hề nhục nhã dạy tôi nói những từ ngữ hạ lưu, dạy tôi dùng những mánh khóe ác độc, thậm chí bà còn muốn tôi bỏ thuốc độc vào cơm nước của ba và người đàn ông kia.

Vào lúc đó, tôi chẳng nhìn ra bà có chút suy nghĩ, lo lắng gì của một người làm mẹ cho tôi, con của bà. Bà thậm chí chẳng lo đến việc tôi có thể vì thế mà ở tù.

Từ đó về sau, tôi không còn mẹ nữa, tôi tự nói với chính mình.

Hai mươi sáu tuổi, em gái giả vờ bị bắt cóc lừa ba trả tiền chuộc. Nhưng những thằng mà nó gọi là bạn cũng chẳng phải hạng thiện lương, bắt cóc giả thành bắt cóc thật. Ba bởi vì an toàn của nó mà không dám báo cảnh sát, hai chúng tôi đi giao tiền chuộc, kết quả, bọn bắt cóc bắn một phát, ba bị tôi đưa vào bệnh viện cấp cứu một đêm, ông mất.

Tôi không nhìn ra chút áy náy nào trên mặt em gái, nó vẫn nhuộm tóc, trang điểm, lắc lư đi theo sau mẹ, tựa như đi thăm một người hàng xóm không liên quan đến nó. Mà mẹ lại hỏi tôi, tài sản của ba sẽ chia như thế nào?

Sau khi tôi tốt nghiệp đại học được một năm, ba đã ở trước mặt tôi và người đàn ông kia lập di chúc, nhà ở và 300.000, ông để cho người đàn ông kia. Tất cả còn lại, kể cả nhà máy của ba đều là của tôi. Kỳ thực bởi vì scandal ba sống chung với một người đàn ông bị phát hiện, việc buôn bán của nhà máy đã không còn được như xưa, thêm những khoản phụ cấp ly hôn cho mẹ, tiền chuộc cho em gái, nhà máy ấy chỉ còn lại một cái xác. Thế nhưng chỉ cần tôi nỗ lực, chung quy vẫn có ngày nhà máy khôi phục lại như xưa.

Những gì ba cho người đàn ông ấy cũng không nhiều, chỉ đủ để hắn đảm bảo cuộc sống. Thế nhưng mẹ vẫn bất mãn, bà cưu chiếm thước sào, vào ở trong căn nhà ba để lại cho hắn, bà gọi tôi tới, ngoại trừ muốn tôi gửi cho bà phí phụng dưỡng ra, bà còn muốn tôi đánh đuổi hắn ra đường.

Tôi không muốn. Ngay cả khi tôi hận người đàn ông đó, tôi cũng không muốn làm trái di nguyện của ba.

Trên người em gái đã không còn chút gì cho thấy nó từng được ăn học tử tế, mở miệng ngậm miệng là những lời nói hạ lưu so với những lời mẹ dạy tôi còn hung ác hơn, nó tát thẳng mấy bạt tai vào mặt Từ Khiêm, mặt hắn đã sưng đến không nhìn ra dạng. Trong khi đánh hắn, nó đâm một con dao gọt trái cây vào bụng Từ Khiêm.

Sau khi cảnh sát tới, em gái đổ cho tôi đã giết Từ Khiêm, mẹ phụ họa theo.

Từ đó về sau, tôi đã không còn em gái.

Đương nhiên không phải hai người họ nói cái gì thì là cái đó, nhất là tiếng tăm của hai người trong cái thành phố nhỏ này cũng chẳng tốt lành gì, mà tôi là thanh niên ưu tú tốt nghiệp đại học, chưa từng phạm tội. Điều tra lấy chứng cứ chừng mười tháng, ở thành phố nhỏ, lấy dấu vân tay tra đầu mối chứng cứ gì đó đều khá phiền phức, quá trình phá án cũng dài dằng dặc. Đủ loại thẩm vấn, thậm chí tra tấn, tôi đều đã trải qua. Trong lúc phá án, tôi bị nhốt, trong cái góc hắc ám tối tăm của xã hội này, học được rất nhiều thức.

Nhưng những việc này vẫn không làm tôi dao động. Bị thân nhân bán đứng, mới là hắc ám đáng sợ nhất. Còn có cái gì có thể so sánh với cái này? Thậm chí khi tôi biết mẹ và em gái đút lót tiền cho cảnh sát, kiểm sát trưởng để tôi chịu không ít vị đắng trong tù, tôi cũng chẳng còn gì để khổ sở nữa.

Tôi đã hiểu những chuyện trước kia tôi không thể hiểu, nếu như tôi không sao, mẹ chỉ có thể lấy của tôi một chút tiền phụng dưỡng nhưng nếu tôi ngồi tù thay cho em gái, tất cả mọi thứ sẽ là của hai người họ. Đương nhiên còn bởi vì em gái không muốn ngồi tù hay dựa cột.

Sau khi tôi vô tội được thả, tôi mới phát hiện nhà ở đã bị mẹ bán đi, tiền gởi ngân hàng cũng bị rút hết. Nhà máy vốn có thể miễn cưỡng chống đỡ cũng vì cái chết của ba và cái án sát nhân của tôi mà không còn ai quản lý, triệt để phá sản.

Tôi không còn lòng dạ nào đi nghe buổi tuyên án của em gái, cũng không quan tâm mẹ sẽ sống như thế nào. Hai người họ đã không còn bất cứ ý nghĩa gì với tôi nữa, họ chỉ còn là một từ mà thôi, “Ác độc”. Bán đi nhà máy, chuyển sang thành phố khác, tôi một lần nữa bắt đầu cuộc sống.

Ba mươi sáu tuổi, tôi nỗ lực làm việc mười năm, công ty nhỏ thành lập trong cảnh cạnh tranh khốc liệt miễn cưỡng thắng lợi, rốt cuộc trở thành một “người thành đạt”.

Quá khứ, tất cả tựa như một giấc mộng. Nhưng tôi hiểu, nửa đêm mộng về, ác mộng về mẹ về em gái lại đến với tôi. Vết thương trong lòng, vĩnh viễn không khép lại.

Tuy rằng tất cả đều bởi vì ba có người bên ngoài mà bắt đầu, nhưng…. tôi chỉ có mình ông là người thân. Cho dù ông đã mất, ông vẫn là thân nhân duy nhất mà tôi thừa nhận. Mặc kệ chuyện ông làm là đúng hay sai, đối với tôi mà nói, ông là một người cha tốt, thế là đủ rồi. Tôi đứng trước mộ ông, yên lặng thuật lại cuộc sống của mình những năm qua.

Sau đó bỗng nhiên từ trong mộng giật mình tỉnh giấc, tỉnh lại vẫn là mùa hè năm mười sáu tuổi.

Chỉ là hoàng lương nhất mộng (3)?

Thế nhưng tất cả những gì tôi đã trải qua đều là thật, những kinh nghiệm, học thức tôi học được đều là thật, những sự việc tôi đã trải qua đều là thật, những vết thương trong lòng cũng đều là thật cả. Mẹ, em gái, tôi thà rằng không nhìn thấy họ nữa.

Thế nhưng ba vẫn còn sống. Ba vẫn sống. Đây là điều tốt….

Tại mùa hè ấy, tôi vào lớp 11. Tôi mặt áo thun, quần jean ra khỏi phòng, mẹ còn đang chơi mạt chược, xem ra lại đánh suốt một đêm. Em gái thì đang ở trước gương, cầm từng cái từng cái váy càng lúc càng ngắn mà ướm ướm thử thử. Ba hẳn là đã tới nhà máy.

Mẹ liếc tôi một cái,  “Không có làm điểm tâm, mày tự ra ngoài ăn đi. Thuận tiện mua cho tụi tao nữa.”

Tôi gật đầu, rửa mặt đi ra khỏi cửa, thở dài một hơi. Tôi thật phục chính mình, không ngờ tôi có thể bình tĩnh khi đối mặt hai người bọn họ. Kỳ thực ngay cả cùng tồn tại với hai người trong cùng một căn phòng cũng làm tôi thấy khó thở.

Ra ngoài đường ăn chút gì đó, tôi không muốn về nhà, tôi chậm rãi bước đi trong cái thành phố này. Trong Viện mỹ học, tôi thấy người đàn ông mà tôi hận thấu xương ấy, Từ Khiêm. Hắn đang cùng người khác kết bạn đi chơi, dáng cười điềm đạm, khí chất ôn hòa.

Đúng thế, hắn vốn là thầy giáo dạy vẽ Viện mỹ học, tôi biết, hắn còn có một người yêu đồng tính là thanh mai trúc mã.

Sau đó tình nhân của hắn muốn kết hôn, bọn họ chia tay. Thế nhưng vợ của người yêu hắn không vì thế mà buông tha cho hắn, cô ta viết rất nhiều thư nặc danh gửi cho giáo viên trong trường, phụ huynh của học sinh, bêu rếu hắn là đồng tính luyến ái, khiến hắn phải bỏ việc. Cha vợ của tình nhân hắn là một quan chức nhỏ, quan dù nhỏ nhưng vẫn đủ sức trừng trị một gã thất nghiệp không thân không thích trong cái thành phố này. Hắn không tìm được công việc, đành sắm một cái sạp hoành thánh, cũng bị người phụ nữ ấy phá, không thể buôn bán.

Sau đó, hắn vào làm cho nhà máy của ba, cứ như thế hắn gặp ba.

Lúc hắn cùng một chỗ với ba năm hắn ba mươi mốt tuổi, như vậy năm nay hẳn là hai mươi sáu tuổi.

Tôi quan sát hắn vài lần, quay đầu rời khỏi. Cho dù tôi nghĩ thay đổi mọi thứ, lúc này cũng không thể làm được điều gì. Tôi không quyền, không thế, tiền trong nhà cũng là của ba, muốn làm gì, bây giờ đều không được.

Vẫn phải đợi.

___________

(1) Vạn hộ nguyên: Gia đình có tiền gửi ngân hàng hay thu nhập trên 10.000 NDT. Từ này ra đời từ cuối những năm 70 của thế kỷ 20, ý chỉ những gia đình cực kỳ giàu có, mức thu nhập cao. Với mức giá lúc đó, giá gạo là 0.14 NDT, thịt là 0.95 NDT, thăm người thân tặng lễ chừng 2 NDT, lì xì khoảng 0.1 đến 0.2 NDT thì 10.000 NDT có giá trị to lớn đến chừng nào, khỏi nói chắc mọi người cũng hiểu.

2) Trăm vạn thân gia: Mức tiền còn khủng hơn nữa, thu nhập trên 1.000.000 NDT.

(3) Hoàng lương nhất mộng: Câu chuyện “Hoàng lương nhất mộng” (giấc mộng kê vàng) bắt nguồn từ truyện “Chẩm trung ký” của Trầm Ký Tế đời Đường. Chuyện kể rằng, có một chàng thư sinh nghèo họ Lư. Một hôm, nhân chuyến đi chơi, anh vào nghỉ trong một quán trọ. Lúc chủ quán trọ bắc nấu một nồi kê vàng, thì chàng trai lên giường đi ngủ. Trong giấc ngủ, chàng trai mộng thấy mình lấy vợ và sinh con, sự nghiệp thuận buồm xuôi gió, tận hưởng vinh hoa phú quý, và cuộc sống sung sướng, thoải mái ấy kéo dài cho đến lúc già chết. Nhưng khi tỉnh dậy, kê vàng vẫn còn chưa chín. Sự gợi ý của câu chuyện này là: Đời người như giấc mộng, tất cả sang hèn, giàu nghèo, đều như mộng, như huyễn.


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.