Mạt Thế Phu Phu Hiện Đại Làm Ruộng Hằng Ngày

Chương 12




Tôi ngán ngẩm ngồi xuống, ôm đầu vẻ bực bội:

- Hai anh em cậu làm sao thế? Sau khi rời khỏi Đại Đô, không ai thèm để ý đến tôi. Hai người cứ đùn đẩy tôi qua lại thế là thế nào?

Kháp Na giật mình, nhìn tôi dò hỏi:

- Đại ca bảo em đến chỗ ta ư?

Tôi ngồi xổm, đập tay vào đầu:

- Hai người cứ tiếp tục thế này, tôi sẽ bỏ về núi Côn Luân ngay, từ nay không làm phiền hai người nữa!

- Đừng đi, Tiểu Lam! – Kháp Na hốt hoảng tung chăn, chân trần nhảy xuống giường, ôm chầm lấy tôi, giọng nói cuống quýt, tha thiết. – Em bảo rằng sẽ theo chúng tôi suốt đời. Em đã hứa mãi mãi không rời xa ta kia mà!

Tôi cảm nhận được nỗi lo sợ khôn xiết trong giọng nói gấp gáp của cậu ấy, thấy thương vô chừng. Tôi vùi đầu vào khuôn ngực của cậu ấy, âm thầm sung sướng. Tôi đã giao hẹn với đại sư Ban Trí Đạt kia mà, chỉ cần họ còn sống, tôi sẽ đi theo họ, không bao giờ rời ra. Nhưng tôi vẫn giả bộ đáng thương, chớp chớp mắt, ngước nhìn Kháp Na:

- Cậu đừng xua đuổi tôi nữa! Tự tôi sẽ quyết định lúc nào ở bên cậu, lúc nào ở bên Lâu Cát, được không?

Kháp Na gật đầu lia lịa, siết tôi chặt hơn nữa:

- Ta nào muốn xua đuổi em, chẳng qua là...

Cậu ấy buông lửng câu nói, ánh mắt đột nhiên đượm buồn, không biết đang suy nghĩ chuyện gì rồi thở dài não nề. Tôi sợ cậu ấy để chân trần lâu sẽ cảm lạnh, bèn giật giật tay áo, nhắc nhở cậu ấy nằm xuống giường. Lúc này cậu ấy mới chợt nhớ ra mình đang ôm riết lấy tôi, lập tức buông tôi ra. Cậu ấy nghiêng sang bên, ho dữ dội, gương mặt đỏ rần.

Đầu tháng Chín, sau gần một tháng trèo đèo vượt núi, muôn phần vất vả, cực nhọc, cuối cùng thì những trảng cỏ rộng lớn mênh mông cũng xuất hiện trước mắt chúng tôi. Hồ Zaling và hồ Eling nơi thượng nguồn sông Hoàng Hà mênh mông, bát ngát càng tôn thêm vẻ đẹp hùng vĩ, tráng lệ của đỉnh núi Anemaqen dưới nền trời xanh ngắt. Những đám mây lơ thơ, bầu bạn với lớp tuyết trắng ngàn năm tuổi trên đỉnh núi, chẳng thể phân biệt nổi đâu là mây, đâu là tuyết. Núi tuyết sừng sững, hồ nước bát ngát, những đồng cỏ trải dài bất tận, những đàn dê, đàn cừu nhẩn nha gặm cỏ, khung cảnh thơ mộng như tiên cảnh khiến những con dân của vùng đồng bằng phải thốt lên kinh ngạc.

Chúng tôi đi giữa không gian thần tiên ấy chừng mười hai ngày thì đến vùng Kapayu thuộc Dogans. Nơi đây chính là huyện Ngọc Thụ, tỉnh Thanh Hải ngày nay, cũng là một trạm nghỉ trên đường đi Tây Tạng. Hệ thống trạm nghỉ mà Bát Tư Ba xây dựng từ hai, ba năm trước nay đã đi vào hoạt động ổn định. Chế độ trạm nghỉ, với chức năng cung cấp lương thực, vật dụng cần thiết và nơi ăn chốn ở cho lữ khách tốt hơn nhiều so với việc đi đến đâu phải dựng lều trại đến đó. Bởi vậy, Bát Tư Ba đã hạ lệnh dừng lại nơi đây nghỉ ngơi dăm bữa để đoàn người được giải lao, hồi sức sau chặng đường mệt nhọc.

Trong thời gian đoàn chúng tôi dừng chân tại đây, một nhà sư đã đến xin được đi theo Bát Tư Ba. Người đó tên gọi Dampa, hồi nhỏ từng tới Sakya, theo đại sư Ban Trí Đạt học đạo. Trước khi đi Lương Châu, ngài Ban Trí Đạt đã cử nhà sư trẻ này tới Thiên Trúc tu học. Học xong, Dampa trở về sinh sống tại quê hương. Nghe nói Bát Tư Ba trên đường hồi hương có ghé qua Kapayu, Dampa liền đến xin gặp mặt. Cậu ta vốn là tín đồ của giáo phái Sakya, lại tinh thông Phật điển, kiến thức Phật pháp uyên thâm và chỉ hơn Bát Tư Ba bảy tuổi nên hai người trò chuyện rất tâm đầu ý hợp. Bát Tư Ba quyết định giữ Dampa lại.

Dampa ngỏ ý mời Bát Tư Ba tổ chức pháp hội trong thời gian đoàn chúng tôi lưu lại Kapayu. Tin tức này vừa truyền đi, người Tạng ở khắp nơi lập tức thông báo cho nhau. Ngày tổ chức pháp hội, hơn một vạn tăng nhân, tín đồ và thường dân nườm nượp đổ về nơi Bát Tư Ba đăng đàn thuyết pháp. Lúc này, Kapayu chỉ là một thị trấn nhỏ trên vùng thảo nguyên bao la, dân số chỉ là một nghìn người. Phần lớn tăng ni, Phật tử đổ về đây trong ngày pháp hội là người từ những thôn làng, thị trấn ở vùng lân cận. Một số tín đồ ở những nơi xa xôi hơn cũng vội vã lên đường, đi suốt ngày đêm không ngừng nghỉ để kịp dự pháp hội.

Để kỷ niệm sự kiện trọng đại này, về sau, địa danh Kapayu được đổi thành “Chindu”, trong tiếng Tạng có nghĩa là “vạn người tụ hội”. Nơi đây chính là khu tự trị Chindu của tộc người Tạng ở huyện Ngọc Thụ ngày nay.

Cuối tháng Chín, nhiệt độ tiếp tục giảm mạnh, những đợt tuyết nhỏ bắt đầu lả tả rơi trên thảo nguyên vùng cao giá lạnh. Bát Tư Ba chào từ biệt Chindu để lên đường đi La-ta. Lúc này, đoàn chúng tôi đã ở trên cao nguyên được hơn hai tháng, khi cả đoàn còn chưa kịp thích nghi với hiện tượng sốc độ cao thì một thử thách khác đã xuất hiện: băng giá.

Nhiệt độ càng ngày càng xuống thấp, thảo nguyên đìu hiu, cỏ cây héo úa, lạc đà và ngựa chẳng kiếm nổi thức ăn. Cuối tháng Mười, thời tiết bắt đầu bước vào kỳ đại hàn. Thường mỗi sớm tinh mơ, khi thức giấc và mở cửa lán trại, chúng tôi đã thấy lớp tuyết dày ngang bụng người tích tụ bên ngoài. Tuyết dày phủ kín đường, việc đi lại vô cùng khó khăn. Binh lính thường phải xúc tuyết, dọn đường cho cả đoàn người ngựa. Ngày lại ngày di chuyển trong mù trời tuyết trắng, trên cao nguyên mênh mông băng giá không có lấy một bóng người, cũng may trước đó chúng tôi đã tích trữ lương thực, thuốc men đầy đủ. Nhưng ngày nào cũng phải gặm thịt bò khô và những miếng bánh nướng rắn đanh, nguội ngơ nguội ngắt, quả thực là bụng dạ rất khổ sở. Nước rất khó sôi, chúng tôi phải đun rất lâu mới có được một nồi canh thịt bò nho nhỏ. Nồi canh quý hiếm ấy, Bát Tư Ba chẳng nỡ ăn, chàng dành cả cho em trai đang đau ốm.

Hành trình gian nan, khắc nghiệt là thế, cộng với căn bệnh sốc độ cao mãi không khỏi, không chống đỡ nổi, cuối cùng Kháp Na đổ bệnh. Bát Tư Ba, lòng như lửa đốt, quyết định dừng lại nghỉ ngơi nhiều ngày tại trạm nghỉ ở Xương Đô và cho người tìm thầy thuốc người Tạng khắp nơi, tìm mua cho Kháp Na những thứ thuốc quý nhất. Chỉ cần có thể chữa khỏi bệnh cho em trai, chàng không tiếc bất cứ thứ gì.

- Kháp Na, uống chút canh thịt bò nào!

Thời gian này, tôi thường xuyên hóa phép giấu đi màu mắt xanh và tóc xanh, cải trang thành người hầu đi theo Kháp Na và Bát Tư Ba. Sức khỏe của Kháp Na không tốt nên dọc đường đi, tôi luôn ở bên, chăm sóc cậu ấy. Tôi đỡ Kháp Na ngồi dậy, tựa lưng vào gối, đút cho cậu từng thìa canh thịt bò nhỏ. Nhìn gương mặt suy nhược vì đau ốm, hai má hóp lại và chiếc cằm lún phún râu của cậu ấy, tôi không khỏi xót xa:

- Cậu gầy đi trông thấy!

Cậu ấy vừa ho khan vừa uống canh thịt bò hầm đông trùng hạ thảo. Chừng như đắng miệng, cậu ấy ngậm một lúc mới gắng gượng nuốt vào bụng. Tôi lựa lời động viên:

- Dù thế nào cũng phải cố gắng ăn thật nhiều, nếu không, cậu không đủ sức để chống chọi với bệnh tật đâu.

Loài người thật yếu ớt, cuối cùng cậu ấy cũng uống hết bát canh, sắc mặt hồng hào lên đôi chút. Cậu ấy lấy hơi, nhìn tôi, hỏi:

- Có phải đại ca đã ra lệnh cho cả đoàn dừng lại không?

Tôi gật đầu:

- Chàng sai Senge đi tìm thêm Hồng Cảnh Thiên.

Kháp Na lắc đầu, xoay người, muốn rời khỏi giường:

- Chúng ta đã tới Xương Đô, chỉ còn khoảng một tháng nữa là tới La-ta. Đại ca vẫn muốn đến La-ta vào dịp năm mới của người Tạng, ta không thể cản trở kế hoạch của huynh ấy.

Tôi vội kéo cậu ấy lại:

- Cậu làm gì thế?

Chỉ mới cử động đôi chút mà cậu ấy đã thở không ra hơi, nhưng vẫn cố chấp đòi ra ngoài:

- Nói với đại ca tiếp tục lên đường, đừng vì ta mà kéo dài thời gian.

Tôi vừa bực mình vừa lo lắng, giữ cậu ấy lại:

- Cậu cứ như vậy thì hồi phục sao được?

Cậu ấy quay lại nhìn tôi, đôi đồng tử đen sẫm thấm đẫm nỗi bi ai:

- Tiểu Lam à, ta vốn chẳng giỏi giang, tài cán gì, ta chỉ muốn nhân chuyến đí này, dốc sức trợ giúp đại ca. Nếu cơ thế tàn tạ này của ta trở thành vật cản huynh ấy, ta thà bỏ nó đi còn hơn!

Tôi thở dài, níu lấy tay áo cậu ấy:

- Cậu ngang ngạnh quá đấy! Đành vậy! Cậu ngồi xuống đây, tôi có cách giúp cậu bình phục.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.