Lộ Trình Minh Giới

Chương 280: Cửu diệp chi lan (2)




Hà Sư Tham tự Tử Túc làm phòng học ở phía đông Thiều Khê (ở núi Thiên Mục tỉnh Chiết Giang). Cửa nhà học nhìn ra cánh đồng rộng, xế chiều ngẫu nhiên ra ngoài thấy có người đàn bà cưỡi lừa đi tới, một thiếu niên theo sau. Người đàn bà khoảng năm mươi tuổi, phong thái nhàn nhã, thiếu niên thì khoảng mười lăm mười sáu, phong tư xinh đẹp còn hơn cả giai nhân. Hà sinh vốn có bệnh thích đàn ông, thấy thiếu niên điên đảo cả thần hồn, nhón chân nhìn theo đến khi mất hút mới trở về. 

Hôm sau lại ra đứng đón, đến sẩm tối thiếu niên mới tới. Sinh niềm nở bước ra đón, cười hỏi đi đâu về, thiếu niên đáp là từ nhà ông ngoại về. Sinh mời vào nghỉ chân, thiếu niên từ chối nói là không rảnh, sinh lôi kéo mãi bèn vào, ngồi giây lát lại đứng lên cáo từ, không thể giữ lại được. Sinh dắt tay đưa ra, ân cần dặn lúc nào tiện đường cứ ghé chơi, thiếu niên dạ dạ rồi đi. Sinh từ đó cứ ngơ ngẩn nhớ nhưng, ra vào trông ngóng cả ngày. 

Một hôm lúc mặt trời đang lặn thiếu niên chợt tới, sinh cả mừng mời vào, sai tiểu đồng dọn rượu tiếp đãi. Hỏi tên họ, thiếu niên đáp là họ Hoàng, bày vai thứ chín, vì còn nhỏ nên chưa có tên tự. Hỏi sao hay qua lại đường này, thiếu niên đáp "Mẹ ta ở bên nhà ông ngoại, hay có bệnh nên ta phải qua thăm”. Rượu được vài tuần thì cáo từ ra về, sinh nắm tay giữ lại, khóa chặt cửa, Cửu lang không biết làm sao, bẽn lẽn ngồi xuống lại. Sinh thắp đèn cùng trò chuyện, thấy thiếu niên nhỏ nhẻ như con gái, buông lời chọc ghẹo thì càng có vẻ thẹn thùng, quay mặt vào vách. Lát sau cùng đi ngủ, sinh ôm chặt lấy vuốt ve mơn trớn đòi này nọ. Cửu lang tức giận nói "Ta cho rằng ông là kẻ sĩ phong nhã nên mới qua lại, nay lại làm như thế thật chẳng khác gì cầm thú”. Không bao lâu, sao trời chỉ còn thưa thớt, Cửu lang bỏ về. Sinh sợ Cửu lang sẽ tuyệt giao, lại ra cửa chờ, qua lại đăm đăm trông ngóng. 

Qua mấy hôm Cửu lang mới tới, sinh ra đón tạ lỗi, ép kéo vào nhà, giục ngồi trò chuyện cười nói, thầm lấy làm may mắn vì Cửu lang không để bụng chuyện cũ. Cửu lang nói "Tình thương yêu của ông ta đã khắc sâu vào lòng, nhưng thân ái đâu cứ phải làm thế". Rồi đang đêm ra về, sinh buồn bực như mất vật quý, quên ăn bỏ ngủ, ngày càng héo hắt, chỉ hàng ngày sai tiểu đồng ra cổng chờ đợi. Một hôm Cửu lang ngang qua cổng, định đi thẳng luôn nhưng tiểu đồng ra nắm áo kéo vào. Thấy sinh tiều tụy, Cửu lang kinh sợ hỏi han. Sinh kể thật đầu đuôi, nước mắt rơi lã chã. Cửu lang nói nhỏ "Cái ý thương mến nhau ấy thật đáng cảm kích, nhưng đã chẳng ích lợi gì cho đệ mà còn làm hại cho ông, nên không muốn thôi. Chứ nếu ông đã thích thì ta có tiếc gì". 

Sinh cả mừng, Cửu lang đi rồi thấy bệnh tật phút chốc tiêu tan. Vài hôm hoàn toàn bình phục rồi quả nhiên Cửu lang lại tới, cùng nhau vui vầy rồi nói "Nay nể lòng chiều ông, xin đừng làm như thế nữa". Kế nói "Có việc muốn nhờ, không biết ông có chịu giúp không", sinh hỏi việc gì, Cửu lang đáp “Mẹ ta bị đau tim, chỉ có Tiên thiên đan của quan Thái y Tề Dã Vương chữa được, ông chơi thân với ông ấy chắc sẽ xin được", sinh hứa sẽ xin cho. Lúc Cửu lang ra đi lại dặn dò, sinh bèn vào thành xin thuốc, chiều tối mang về. Cửu lang mừng rỡ cảm ơn ca ngợi, nói "Xin tìm cho ông một mỹ nhân, còn hơn đệ gấp vạn lần". Sinh hỏi là ai, Cửu lang đáp "Đệ có người biểu muội xinh đẹp vô song, nếu ông ưng thuận đệ sẽ làm mai cho". 

Sinh cười khẽ không đáp, Cửu lang cầm thuốc về. Ba hôm sau lại tới xin thuốc, sinh giận vì tới muộn, lời lẽ có ý bực túc. Cửu lang nói "Bản ý vốn không muốn làm hại ông nên không tới thường, nay ông đã không rộng lượng cho, thì xin đừng hối hận". Từ đó tối nào cũng vui vầy với nhau, mà cứ ba ngày lại xin thuốc một lần. Tề lấy làm lạ vì cứ xin mãi, nói "Thuốc này ai uống ba lần cũng khỏi bệnh, sao lâu quá vẫn không khỏi thế?", rồi lấy ba tễ trao cả cho, lại nhìn sinh nói "Ông khí sắc tối tăm, có bệnh phải không?", sinh đáp "Không". Tề bèn cầm tay bắt mạch, giật mình nói "Ông có quỷ mạch, bệnh ở mạch Thiếu âm, nếu không tự gìn giữ thì chết đấy”. 

Sinh về kể lại, Cửu lang than "Quả thật là danh y, nói thật ta là hồ, sợ không phải là điều may cho ông". Sinh ngờ là dối trá nên giấu bớt thuốc lại không đưa hết vì sợ Cửu lang không tới nữa. Không bao lâu quả nhiên sinh bị bệnh, rước Tề tới xem, Tề nói "Trước đây ông không nghe ta, nay thần khí đã tan tác, thầy giỏi nào chữa được nữa?”. Cửu lang hàng ngày tới chăm sóc, nói "Không nghe lời ta, quả đến nông nỗi này", kế sinh chết, Cửu lang khóc lớn rồi đi. 

Trước là trong huyện có Thái sử Mỗ lúc trẻ cùng học với sinh, năm mười bảy tuổi đã làm Hàn lâm. Lúc ấy phiên vương đất Tần (tỉnh Thiểm Tây) tham bạo mà thích ăn của đút, các quan trong triều không ai dám nói. Ông bèn dâng sớ hặc tội, bị kết tội quá phận cách chức. Phiên vương lại được thăng chức Tuần phủ tỉnh ấy, hàng ngày cứ rình ông sơ hở để bắt tội. Ông lúc trẻ có tiếng tài giỏi, có một phiên vương làm phản coi trọng, lúc ấy Tuần phủ bắt được thư từ qua lại giữa đôi bên đem tới uy hiếp, ông sợ treo cổ tự tử, phu nhân cũng tự thắt cổ chết. 

Qua đêm chợt ông sống lại nói “Ta là Hà Tử Túc”. Người nhà hỏi han thấy đều nói chuyện nhà họ Hà, biết là Hà mượn xác hoàn hồn, giữ lại không được bèn cho về nhà cũ. Tuần phủ ngờ là gian trá, cũng muốn đẩy vào chỗ chết bèn sai người tới đòi ngàn vàng, sinh giả vâng dạ nhưng vô cùng lo lắng. 

Chợt Cửu lang tới, cùng nhau mừng rỡ trò chuyện, vừa mừng vừa tủi. Kế lại muốn cùng vui vầy với nhau, Cửu lang nói "ông có tới ba mạng sống à?", sinh đáp "Ta hối vì sống lo chẳng bằng chết sướng”, nhân kể lại chuyện oan khổ. Cửu lang nghĩ ngợi rồi nói "May mà ông còn sống lại gặp nhau. Ông còn chưa có vợ, trước ta đã nói biểu muội xinh đẹp đa mưu, có thể giúp ông". Sinh muốn gặp mặt một lần, Cửu lang nói "Không khó, ngày mai nàng cùng tới thăm mẹ ta, cũng đi qua đây, ông giả làm anh của đệ, ta sẽ giả khát vào xin nước uống. ông cứ nói Lừa chạy mất rồi, thế là xong”. Bàn tính xong Cửu lang ra về. 

Gần trưa hôm sau quả nhiên Cửu lang cùng một nữ lang đi ngang cổng, sinh ra chắp tay trò chuyện dằng dai, liếc thấy nữ lang mắt phượng mày ngài, quả thật xinh đẹp như tiên. Cửu lang đòi uống trà, sinh mời vào nhà, Cửu lang nói “Tam muội đừng ngại, đây là anh em kết nghĩa của anh, ghé vào nghỉ một chút không hề gì", rồi đỡ nàng xuống, buộc lừa ngoài cổng cùng vào. Sinh tự pha trà mời, đưa mắt nhìn Cửu lang nói “Trước đây ông nói chưa đủ đâu, hôm nay đúng là ta được chỗ để chết rồi". Cô gái như biết nói tới mình, rời ghế đứng phắt dậy, khẽ nói "Đi thôi". 

Sinh nhìn ra ngoài nói "Lừa chạy mất rồi". Cửu lang vội vàng chạy ra. Sinh ôm cô gái đòi giao hoan, cô gái đỏ bừng cả mặt mày, lính quýnh như con chó bị nhốt, gọi Cửu huynh nhưng không thấy đáp, bèn nói "Chàng đã có vợ rồi, sao lại làm mất danh tiết người ta", sinh bèn phân trần rằng mình không có vợ, nàng nói “Nếu dám thề rằng không phụ rẫy nhau, thì thiếp xin vâng lời". Sinh bèn chỉ lên mặt trời thề thốt, cô gái bèn không chống cự nữa. Xong đâu đấy rồi Cửu lang bước vào, cô gái hầm hầm nét mặt trách mắng, Cửu lang nói "Đây là Hà Tử Túc, trước là danh sĩ, nay là Thái sử, chơi thân với anh. Người này có thể nương tựa được, nếu cậu mợ nghe thấy chắc cũng không phiền giận gì đâu”. Trời xế chiều, sinh giữ lại không cho đi, cô gái sợ cô lo lắng, Cửu lang nhận sẽ lo hết rồi lên lừa ra đi. 

Được vài hôm, có người đàn bà dắt một tỳ nữ tới, tuổi trạc bốn mươi, phong nhã xinh đẹp giống hệt Tam nương. Sinh gọi cô gái ra xem thì quả là mẹ nàng. Bà nhìn con gái kinh ngạc hỏi sao lại ở đây, nàng thẹn thùng không đáp, sinh bèn mời vào lạy chào rồi kể rõ. Người đàn bà cười nói "Cửu lang thật là tính khí trẻ con, sao không bàn trước". Cô gái vào bếp làm thức ăn mời mẹ, bà ăn xong rồi về. Sinh từ khi lấy được vợ đẹp trong lòng vui sướng, nhưng nỗi lo lắng còn dó nên thường chau mày nghĩ ngợi. Cô gái hỏi, sinh kể rõ đầu đuôi, nàng cười nói “Chuyện đó thì một mình Cửu huynh cũng giúp được, chàng việc gì phải lo". Sinh hỏi nguyên do, nàng đáp "Nghe nói quan Tuần phủ thích thanh sắc, chuyện thằng nhãi con ngu ngốc ấy thích đều là sở trường của Cửu huynh. Đem cái y thích mà dâng, thì thù oán gì mà y không bỏ qua". Sinh sợ Cửu lang không chịu, cô gái nói "Phải năn nỉ thôi”. 

Qua hôm sau, sinh thấy Cửu lang tới, bèn khép nép ra đón, Cửu lang ngạc nhiên nói "Hai đời giao du đã biết rõ nhau, dù cho tan xương nát thịt cũng không dám tiếc, sao lại đối xử với nhau như thế?”. Sinh kể lại việc mình và vợ bàn tính, Cửu lang có vẻ ngần ngừ, cô gái nói "Thiếp thất thân với Hà lang là vì ai gây nên? Nếu để Hà lang nửa đường đứt gánh thì thiếp sẽ ra sao?", Cửu lang bất đắc dĩ phải ưng thuận. Sinh bèn cùng Cửu lang bàn tính, gởi thư tới bạn thân là Vương Thái sử, lại gởi gắm Cửu lang. 

Vương hiểu ý, mở tiệc lớn mời Tuần phủ tới, sai Cửu lang mặc y phục đàn bà ra múa khúc Thiên ma vũ, xinh đẹp như con gái. Tuần phủ thích lắm, xin Vương cho trả nhiều tiền để mua Cửu lang nhưng vẫn sợ không được. Vương làm ra vẻ nghĩ ngợi như khó xử, ngần ngừ hồi lâu rồi tỏ ý sinh muốn dâng Cửu lang. Tuần phủ vui mừng không căm giận gì sinh nữa, từ khi được Cửu lang, ăn ngủ gì cũng có nhau, có hơn mười người thiếp trẻ đẹp đều coi như đất bùn, cung phụng cái ăn cái mặc cho Cửu lang như bậc vương giả, ban cho vàng bạc hàng vạn lượng. Được nửa năm Tuần phủ ngã bệnh, Cửu lang biết là sắp chết bèn chở hết vàng bạc gấm vóc về nhà sinh. Kế Tuần phủ chết, Cửu lang bỏ tiền ra xây nhà cửa mua tôi tớ, mẹ con cùng cậu mợ đều tới đó ở chung. Mỗi khi Cửu lang ra đường thì mặc áo cừu cưỡi ngựa béo rất sang trọng, mọi người không ai biết là hồ. 

(Mỗi khi Cửu lang ra đường thì mặc áo cừu cưỡi ngựa béo rất sang trọng, mọi người không ai biết là hồ). Ta có đùa bình một bài, cũng chép cả vào đây. 

Trai gái ở chung, là đạo thường chồng vợ, khô ướt thông suốt, ấy khiếu chính âm dương. Chờ trăng đón gió* còn chuốc danh nhơ, cắt áo chia đào**, khó che tiếng xấu. Người đều là lực sĩ, đường chim bay mới được mở ra, động chẳng phải Đào Nguyên, sào ngư phủ sao cho chọc xuống. Nay Mỗ theo lối dưới mà quên trở lại, bỏ đường chính mà chẳng đi theo. Mây mưa chưa hừng, trên dưới liền tay sờ mó, âm dương ngược thế, trong ngoài cứ thế làm gian. Ao hoa thành chốn không dùng, nói bậy sư già nhập định, động Mán là vùng không cỏ, lại sai tướng chột vung gươm. 

* Chờ trăng đón gió: nguyên văn là “nghênh phong đãi nguyệt", chữ trong câu thơ của Thôi Oanh Oanh thời Đường "Đãi nguyệt Tây sương hạ, Nghênh phong hộ bán khai” (Chờ trăng hiên thấp mái, Đón gió cửa không cài), đây chỉ việc hẹn hò trai gái. 

** Cắt áo chia đào: nguyên văn là “đoạn tụ” và "phân đào” Hán Ai đế sủng ái Đổng Hiền, có lần ngủ chung trở dậy thấy Đổng Hiền nằm đè lên tay áo mình, bèn cắt tay áo để Đổng Hiền không bị mất giấc ngủ. Vệ Linh công sủng ái Di Tử Hà, có lần cùng dạo trong vườn, Di Tử Hà hái một trái đào chín, cắn một miếng rồi đút cho Vệ Linh công. Đây chỉ việc đàn ông thích đàn ông. 

Buộc Xích thố ngoài viên môn, như toan bắn kích*”, mò cung lớn trong quốc khố, những muốn phá rào**. Hay là nhà Giám mộng cá vàng***, thăm tri giao đêm trước, rõ ràng họ Vương dùi mận đỏ****, đòi báo đáp kiếp sau. Rừng Hắc Tùng người ngựa thường qua, vốn là yên ổn, phủ Hoàng Long nước triều chợt tới, lấy gì chặn ngăn. Phải chặt đứt cây gậy đâm xoi, mà nút kín con đường đưa đón. 

*Buộc Xích thố... bắn kích: lấy tích Lữ Bố thời Hậu Hán bắn kích giải hòa cho Lưu Bị và Kỷ Linh tướng của Viên Thuật, nghĩa bóng chỉ quan hệ tình dục không lành mạnh giữa đàn ông với đàn ông. 

**Mò cung lớn... phá rào: lấy tích Dương Hổ thời Xuân thu lấy trộm cung lớn trong quốc khố, nghĩa bóng chỉ quan hệ tình dục không lành mạnh giữa đàn ông với đàn ông. 

*** Nhà Giám mộng cá vàng: Nhĩ đàm chép Vương Tế tửu ở Nam Kinh thân thiết với một viên Giám sinh, người ấy nằm mơ thấy có con cá chiên vàng từ đũng quần rơi ra, kể lại với bạn bè. Đám Giám sinh đùa nói "Giấc mơ của Mỗ rất nhiêu khê. Chuyện cá chiên vàng xoi vào mông rất đáng ngờ, chắc là Vương học sĩ đang đêm tới thăm người thương”.

**** Họ Vương dùi mận đỏ: Tấn thư, Vương Nhung truyện chép nhà Vương Nhung có cây mận ngon, Vương hái quả bán nhưng sợ người ta lấy giống, nên trước khi bán là dùng kim đâm phá hỏng hạt mận, nghĩa bóng chỉ quan hệ tình dục không lành mạnh giữa đàn ông với đàn ông.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.