Lỡ Bao Nuôi Phải Đại Gia Đích Thực, Làm Sao Bây Giờ?

Chương 36: Chần chờ




Tôi thực hành ý định của mình. Tôi bỏ ăn, lười ngủ. Người tôi bơ phờ gầy sút thấy rõ. Ban đầu, mẹ tôi thấy sự xuống sắc của tôi, nhưng bà lờ đi. Chỉ có chị Liễu là chăm sóc và lo ngại cho tôi. Nhưng sự săn sóc trìu mến của chị đối với tôi không còn đủ nghĩa nữa. Tôi lặng câm, thù hằn cho dù chị cố dịu dàng an ủi.

Làn da thường ngày của tôi hồng hào đã trở nên xanh mét. Tôi ốm và cằn cỗi đi. Mẹ tôi đã không còn làm "tỉnh" được nữa. Lòng thương con bao giờ cũng chiến thắng. Và tôi đã quay đi để dấu nụ cười mãn nguyện, khi lần đầu tiên từ khi tôi bệnh, bàn tay ấm mềm của mẹ đặt lên trán tôi âu yếm.

Mẹ tôi không hứa gì với tôi cả, nhưng nhìn ánh mắt mẹ, tôi hiểu mẹ đang nghĩ gì. Những ngày gần đây, mẹ tôi tỏ ra dễ dãi với chị Liễu hơn, điều này trước kia hẳn làm tôi sung sướng lắm, nhưng giờ thì không, tôi hoàn toàn không muốn thế, tuy nhiên tôi nghĩ rằng: có thể mẹ tôi đang "đền bù" cho chị Liễu những thiệt thòi mà chị sắp phải chịu. Chị Liễu có vẻ sung sướng và cảm động nhiều về sự thay đổi lối cư xử của mẹ tôi.

Tôi trở lại trường học theo lời mẹ. Các bạn xúm quanh tôi hỏi han tíu tít. Tôi cười, tôi chợt thấy hồn nhiên trở lại, thơ ngây chưa hoàn toàn đi vắng trong tôi. Sâm nói nhỏ với tôi rằng: mấy hôm tôi nghỉ học, anh Nhật vẫn xuống hỏi thăm luôn. Tụi nó trêu anh (con Thụy có fiancé rồi), anh cười buồn mà không nói gì cả.

Tôi chợt nghe nao nao. Lần đầu tiên tôi nghĩ đến người con trai dễ mến đó với một cơn sóng xao động nhỏ. Nhưng tôi không muốn phân tách gì thêm... có lẽ tôi sợ mình sẽ lại lầm lẫn...

Tan trường, Nhật đón tôi ngoài cổng. Tôi chào anh. Nhật hỏi:

- Mấy hôm nay Thụy bịnh phải không? Anh có hỏi thăm mấy chị dưới lớp.

- Sao anh không đến thăm Thụy? Lỡ Thụy bịnh đến chết rồi anh cũng không biết.

Lời trách đầy vẻ nũng nịu hờn dỗi của tôi làm mắt Nhật sáng lên. Anh nói nhỏ:

- Anh muốn đến thăm chứ, nhưng sợ Thụy không bằng lòng.

Tự dưng tôi tỏ ra dễ dàng nghe Nhật bộc lộ tình cảm. Tôi tự hỏi sao lâu nay tôi không nhận ra vẻ dễ thương của người con trai đó? Có lẽ tại sự gặp gỡ thường xuyên trong một môi trường quá trong sáng làm tôi nhạt nhòa đi những cảm nghĩ bâng khuâng. Xa Nhật mấy ngày, gặp lại tôi thấy vui vui, tiếng Nhật trầm ấm bên tai tôi:

- Thụy đã khỏe hẳn chưa?

Tôi không trả lời mà hỏi lại:

- Tụi bạn Thụy có nói gì về Thụy với anh không?

Như đoán biết câu hỏi của tôi từ trước, Nhật đáp ngay:

- Anh nghe các chị ấy bảo là... Thụy có fiancé rồi, thế thôi.

Tôi tinh nghịch:

- Chỉ có thế thôi sao? Không có gì quan trọng à?

Nhật dừng lại. Ánh mắt anh nhìn tôi chờ đợi:

- Thụy nói thế có nghĩa là...

Tôi nghe thương hại Nhật. Tôi đã hiểu thế nào là đau khổ trong tình yêu, tôi cười dòn như pha lê vỡ:

- Nghĩa là... không có gì hết. Có vậy mà anh cũng không biết.

Tôi nghe tiếng Nhật thở ra nhẹ nhõm. Tôi chợt thấy mình trở nên một nhân vật quan trọng, có quyền quyết định sự buồn vui cho người con trai này, không như với Phong, tôi phải khổ công tranh đấu mà anh không thèm biết đến.

***

Khi mẹ tôi chính thức nói cho chị Liễu biết, ba mẹ quyết định gả chị cho thầy giáo Tân, tôi biết mình là kẻ chiến thắng. Nhưng không hiểu sao tôi không còn cảm thấy ham thích sự chiến thắng đó nữa. Có lẽ sự mòn mỏi tranh đấu và những suy tư đã làm tôi chán nản. Tôi cũng không buồn đặt câu hỏi xem tôi có còn yêu anh Phong không? Nhưng tôi xót xa khi nhìn chị Liễu mặt tái xanh như tàu lá, lảo đảo đi xuống.

Lẽ ra tôi phải vui mừng trước sự gục ngã của kẻ mà tôi coi như "tình địch". Nhưng không. Tôi cũng không thể hiểu sự mâu thuẫn phúc tạp có trong tâm hồn mình nữa.

Những ngày kế tiếp, chị Liễu như một cái xác không hồn, dù mẹ tôi có đối xử trìu mến với chị. Chị không tiếng nói, quần quật làm việc suốt ngày. Nét tươi trẻ thường ngày mất hẳn ở chị.

Một buổi chiều, tôi xuống phòng chị Liễu, chị nằm vùi cả ngày vì sốt. Cơn sốt thật sự chứ không phải là một sự "đóng kịch" như tôi. Tôi hiểu rằng sự đau khổ và lo lắng thái quá đã biến chị tôi thành bệnh hoạn.

Tôi ngồi xuống cạnh giường, đặt tay lên trán chị. Chị Liễu quay lại nhìn tôi:

- Thụy!

Đã ít lâu nay tôi trở nên gắt gỏng với chị hơn cả mẹ; bây giờ, có lẽ cử chỉ của tôi làm chị ngạc nhiên. Tôi hỏi nhỏ:

- Chị bệnh sao vậy? Chị đã uống thuốc chưa?

- Có. Dì cho chị uống thuốc rồi.

Tôi nắm bàn tay nhỏ nhắn nóng hổi của chị:

- Chị buồn lắm phải không? Mẹ làm khổ chị phải không?

Chị Liễu lắc đầu:

- Không phải tại dì đâu. Dì vô tình, chỉ muốn lo cho cuộc đời của chị. Chị khổ là tại số chị như thế. Em đừng nói thế mà chị mang tội với dì.

Tôi lắc đầu nhè nhẹ. Tôi hiểu hơn ai hết là mẹ tôi không vô tình đâu, hoặc nếu có thì cũng chỉ vô tình lúc đầu thôi. Quyết định của mẹ là vì thương con, chiều con. Tôi thấy mọi tội lỗi đều do tôi gây ra. Nếu tôi đừng vướng vào thứ tình cảm nông nổi thì chị Liễu đâu ra nông nỗi này! Niềm hối hận tràn ngập trong lòng tôi, tôi thấy không thể dấu chị Liễu, không cần dấu chị nữa. Tôi gục đầu xuống ngực chị nghẹn ngào:

- Chị Liễu tha tội cho em...tất cả đều tại em hết.

Mặt chị Liễu tròn lên kinh ngạc:

- Em nói gì hở Thụy? Chị không hiểu gì cả.

Phải, chị Liễu ơi! Chị hiểu làm sao được. Làm sao chị biết rằng trong tâm hồn của đứa em gái bé bỏng của chị đã nổi loạn, đã mang những ẩn ức về tình yêu. Chị làm sao hiểu được em đã có lần trở nên tàn nhẫn đối với chị. Muốn cướp người yêu của chị... Phải, chị làm sao hiểu được chị Liễu ơi! Chị thương em, tâm hồn chị bình thản, khoan dung, chị đâu thể nào nghi ngờ con bé Thụy của chị hôm nay đã không còn là con bé Thụy ngày xưa...

Miên man trong ý nghĩ ăn năn, tôi không biết chị Liễu đã lập lại câu hỏi bao nhiêu lần. Tôi tức tưởi:

- Tại em... má mới nhất định gả chị cho ông Tân. Em... yêu anh Phong... Em năn nỉ má...

- Trời ơi! Thật vậy sao Thụy?

Chị Liễu buông ra tiếng kêu đầy ngạc nhiên lẫn tuyệt vọng. Hai tay chị xuôi xuống, toàn thân bất động như người kiệt sức. Tôi hốt hoảng:

- Chị Liễu làm sao thế?

Chị mệt nhọc lắc đầu:

- Không... chị không sao cả... Thôi em ra ngoài chơi đi.

Tôi biết chị Liễu muốn đuổi tôi. Có lẽ chị không ghét tôi, nhưng sự thất quá phũ phàng vừa do chính tôi nói ra khiến chị tê dại, mất cảm giác. Tôi ngồi nán lại, tha thiết:

- Em biết lỗi rồi... chỉ là thứ tự ái mù quáng của tuổi trẻ... Em sẽ nói lại với mẹ cho chị.

Chị Liễu nói nhỏ:

- Thụy không có lỗi gì cả? Em cứ im lặng, mọi việc sẽ diễn tiến êm đẹp... đừng lo gì cả, để đó cho chị.

Nhưng tôi không ngờ quyết định của chị Liễu là sự ra đi. Chị đi để lại cho ba má tôi một lá thư dài, nói rằng chị không thể nào lấy ông Tân được, nhưng chị cũng không muốn làm khổ tôi, đứa em gái mà chị thương mến nhất. Có nghĩa là... chị... nhường lại cho tôi cái hạnh phúc của chị. Chị Liễu nói nhiều lắm. Chị xin lỗi ba mẹ là đã bất hiếu ra đi. Chị nói khi nào đám cưới chúng tôi chị sẽ về.

Ba tôi buông lá thư của chị Liễu, yên lặng thở dài. Mẹ tôi dàn dụa nước mắt nói với tôi:

- Con đã thấy hậu quả sự rồ dại của con chưa?

Tôi chỉ biết khóc. Ít lâu nay tôi đã khóc nhiều hơn cười. Tôi nhìn ba mẹ với tia mắt van xin sự tha thứ. Mẹ tôi hỏi:

- Con có biết địa chỉ của cậu Phong không?

Tôi run giọng:

- Dạ biết.

- Vậy thì con đi đánh gấp cho cậu ấy cái điện tín rằng chị Liễu đau nặng, về gấp.

Tôi ngạc nhiên, nhưng biết là không phải lúc để hỏi lại. Tôi làm theo lời mẹ mà hoang mang không biết mẹ muốn gì.

Hai ngày sau khi tôi đánh điện tín, anh Phong về tới. Tôi nhìn anh với nhiều ngỡ ngàng hơn là vui mừng. Tình cảm trong tôi thật lạ. Mới đây mấy ngày nghe nhớ nhung ray rứt, mà bây giờ dửng dưng như không. Tôi không hiểu nổi mình và cũng không buồn tìm hiểu nữa. Gương mặt anh Phong đầy vẻ lo lắng. Anh hỏi tôi:

- Liễu bịnh sao đó Thụy?

Tôi chưa biết trả lời sao thì mẹ tôi từ trong phòng bước ra. Anh Phong bối rối cúi chào. Mẹ tôi chào lại rồi bảo tôi:

- Con ra nhà sau, để mẹ nói chuyện với cậu Phong.

Tôi "dạ" nhỏ rồi lui ra. Tôi muốn nghe câu chuyện giữa mẹ tôi và anh Phong, nhưng không dám. Mẹ tôi nói chuyện lâu lắm. Khi mẹ tôi xuống nhà sau, tôi thấy nét mặt có vẻ thoải mái nhiều.

Mẹ tôi gọi tôi vào phòng. Tôi hồi hộp đi theo. Khi hai mẹ con cùng ngồi xuống giường, mẹ tôi nói bằng giọng hết sức dịu dàng:

- Những chuyện vừa qua là một bài học vô cùng quý giá cho con. Con nên hiểu rằng khi tình cảm đặt không đúng chỗ thường đưa đến đau khổ. Ở lứa tuổi con, chỉ nên có tình bạn mà không nên có tình yêu vội, nếu muốn tránh đổ vỡ hay tai hại do sự mù quáng gây ra.

Mẹ tôi ngừng một lát như để dò phản ứng của tôi. Tôi vẫn im lặng, mẹ tiếp:

- Mẹ nhận thấy là đối đãi bất công với con Liễu, cũng do một sự ích kỷ đàn bà mà ra. Khi mẹ vừa cảm thấy sự bất công của mình và muốn đền bù cho nó, thì lại đến phiên con làm khổ nó.

Tôi cảm thấy sung sướng trước tình thương mẹ tôi dành cho chị Liễu. Nhưng chị đã đi rồi, tìm chị ở đâu bây giờ? Tôi lo ngại hỏi mẹ:

- Mình làm sao tìm chị ấy được hở mẹ?

Mẹ tôi gật đầu:

- Mẹ lo rồi. Nội trong ngày mai chị con sẽ trở về.

Tôi rộn ràng với sự thoải mái lâng lâng trong tâm hồn. Đã khá lâu rồi, tôi mới tìm thấy lại sự thoải mái đó, niềm vô tư, yêu đời mà suýt nữa tôi đã đánh đổi bằng một giá quá đắt.

Buổi chiều tôi đến trường với vẻ giản dị ngày xưa. Mới trải qua một thời gian ngắn đổi thay mà tôi cảm tưởng mình già hẳn đi, như vừa trải qua một cơn bịnh nặng. Tôi nhìn tụi bạn và cảm thấy sung sướng như chưa bao giờ tôi sung sướng đến thế.

Khi tôi ra khỏi lớp, tôi lại bắt gặp tia nhìn trìu mến của Nhật. Tôi đáp lại ánh mắt anh không lảng tránh. Tôi đến gần anh, nói nhỏ:

- Mai mốt Thụy mời anh đi dự đám cưới nghe?

Mặt người con trai thoáng tái đi:

- Đám cưới ai thế Thụy?

Biết Nhật hiểu lầm, tôi vội nói:

- Đám cưới chị Liễu của Thụy. Anh đến dự nghe.

Anh Nhật cười thật dễ thương:

- Anh sẽ đến nếu Thụy cho phép.

***

Ngày hôm sau chị Liễu trở về đúng như lời mẹ tôi nói, nhưng chị không về một mình mà với anh Phong. Nhìn hai người sóng đôi thật xứng, tôi chợt hiểu sứ mạng mà mẹ tôi đã giao cho anh Phong hôm nọ.

Tôi chạy lên phòng khách đón chị Liễu. Chị ôm tôi vào tay, cúi xuống nói nhỏ:

- Thụy hư lắm nghe. Để rồi chị đánh đòn em đó.

Tôi hỏi chị thật khẽ như sợ có người nghe thấy:

- Chị đừng nói cho anh Phong biết gì hết nghe... em... không dám nhìn ảnh nữa à.

Chị Liễu gật đầu. Mắt chị sáng ngời niềm hạnh phúc. Tôi thấy chị đẹp hẳn ra, má chị hồng, môi chị mọng. Tôi nghĩ thầm "Tình yêu đặt đúng chỗ thường mang đến hạnh phúc".

Mẹ tôi đứng bên cửa tự bao giờ. Chị Liễu ngước nhìn mẹ bằng tia nhìn cảm kích. Giọng chị như lạc đi:

- Con cám ơn mẹ đã nghĩ đến hạnh phúc của chúng con.

Tiếng "mẹ" chị Liễu vừa dùng để gọi mẹ tôi nghe tha thiết quá. Mẹ tôi tiến đến bên chị, trìu mến:

- Thôi con vào thay đồ đi cho khỏe. Ba cũng sắp về rồi đấy.

Và mẹ tôi quay sang nói với anh Phong:

- Cám ơn Phong nhé. Con đã đưa em về dùm bác. Bác trai gặp con sẽ vui lắm.

Tôi nũng nịu nói với mẹ:

- Con đi theo chị Liễu nghe mẹ. Xa chị ấy có mấy ngày mà nhớ ghê đi.

Mẹ tôi âu yếm:

- Còn cô nữa. Đây rồi mai mốt lo cho chị cô xong tôi cũng kiếm đám nào tử tế... tống phứt cô đi cho rồi. Nuôi con gái lớn trong nhà không khác gì chứa bom nguyên tử.

Má tôi ửng hồng... tôi vừa chợt nhớ đến Nhật...

HẾT

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.