Làm Lão Đại Tại Thế Giới Huyền Học

Chương 194: Lợi Hại Tiểu Hồ Già Của Ta 57




Ba ngày sau, Doãn Yên và bà Kiều bắt đầu vào guồng quay bận rộn. Chỉ mỗi việc dọn dẹp hành lý của Doãn Yên thôi mà điều hết hơn nửa người hầu trong nhà. Doãn Yên cực kỳ cứng đầu —— thứ gì cũng muốn đem theo, không nỡ bỏ lại hay vất đi. Sở Vọng không khỏi cảm thái, xem ra chứng ái vật của cô nàng là bẩm sinh mà có, sống thêm mấy năm cũng không đổi.

Chuyến này đi Thượng Hải, Lâm Du mời rất nhiều bạn bè thân thích đến biệt thự nhà mình ở tô giới công cộng, coi như là tiệc nhà quy mô lớn. Vì thế nên Kiều Mã Linh và anh Hoàng cũng muốn đi cùng. Có điều tháng trước chị và anh Hoàng đã đến khu định cư Eo biển Singapore*, nên hai người sẽ đi thuyền từ Singapore đến thẳng Thượng Hải, tới lúc đó mới gặp nhau.

(*Các khu định cư Eo biển là một nhóm các lãnh thổ của Anh nằm tại Đông Nam Á từ 1826–1942, gồm có bốn khu định cư riêng biệt: Malacca, Dinding, Penang và Singapore.)

Con thuyền mang số hiệu Tử Tước lần này là thuyền của Anh Quốc, vẫn là khoang hạng nhất, có điều rộng hơn con thuyền Nhật Bản nhiều. Bà Kiều ở chung một gian với Doãn Yên, còn Sở Vọng và Chân Chân ở gian khác, một gian khác nữa là của vú già. Sóng gió trên biển lặng hơn lần trước, nhưng Doãn Yên vẫn nôn nhiều. Nôn ba ngày liền, đến bà Kiều cũng không chịu nổi, “Sau này phải băng qua Ấn Độ Dương và biển Đỏ mất gần một tháng, ở đấy sóng to gió lớn, đến lúc đó biết làm thế nào đây?”

Tiết Chân Chân nhìn Doãn Yên ở bên ngoài, rồi quay sang nói với Sở Vọng như bắn súng liên thanh: “Nước ngoài có nhiều đồ ngon chơi vui, lại còn có trai đẹp nước Pháp, vì sao em không đi? Em không đi mà ở lại đây làm gì? Hưởng thụ Hương Cảng một năm hai mùa rõ rệt à?”

Sở Vọng thở dài, đầu tiên là nói: “Em ở lại chơi với chị.”

Sau đó bảo, “Đến Anh cũng không có bốn mùa rõ rệt đâu.”

Cuối cùng thản nhiên nói, “Trai đẹp người Pháp thì thôi đi, không phải còn có vị hôn phu đó sao?”

Bớt đi một Doãn Yên ở bên cạnh ỡm ờ õng ẹo, ba ngày nay trên thuyền vô cùng thoải mái, có điều cô phải chịu đựng màn tra khảo của Tiết Chân Chân.

Đến khi thuyền cập bến, Chân Chân mới thổ lộ tiếng lòng, “Em cố ý ở lại chơi với chị, là vì sợ chị cô đơn một mình ở biệt thự đúng không?”

Sở Vọng tiếc nuối nói: “Không phải chỉ vì mình chị đâu.”

Chân Chân thở dài, “Chị vui lắm.”

Tại bến cảng thuê người đến chuyển hành lý xuống thuyền, vú già đỡ Doãn Yên đi cạnh bà Kiều, còn Sở Vọng và Chân Chân lê bước chậm rãi theo sau. Nười trên thuyền dỡ hàng chuyền cho người nhận hàng trên bến, xe hơi chậm rãi chạy ra chạy vào – giao thông trở nên hỗn loạn. Tiết Chân Chân nhác thấy ông Tiết, đứng trên bậc thềm nhảy cẫng lên: “Cha ơi!”

Sở Vọng nhìn sang bên kia: Ông Tiết đi cùng Lâm Du tới. Lâm Du cao gầy, nét mặt trang nghiêm, đeo kính tròn, mặc kiểu áo Tôn Trung Sơn màu nâu nhạt – trông rất truyền thống cũ kỹ, làm nổi bật ông Tiết có phong cách riêng vô cùng sinh động bên cạnh – âu phục giày da mũ phớt rất phương Tây, mặt to bóng loáng, đầu trọc, bụng tròn vo đội cả hàng nút áo com lê.

Đỗ bên cạnh hai người là xe Ford và Buick, ngoài ra còn có hai chiếc xe đưa đón. Tuy trước đó đã gọi điện cho bà Kiều, song khi hai người cha tận mắt thấy số hành lý có quy mô của Doãn Yên thì vẫn hoảng hốt.

Tiết Chân Chân muốn ngồi cùng xe với Sở Vọng, nhưng bà Kiều, Doãn Yên và Sở Vọng phải đi xe nhà họ Lâm, người hầu thì lên xe đưa đón ở phía sau, dĩ nhiên không còn chỗ cho Chân Chân. Ông Tiết khuyên hết lời, cuối cùng mới khuyên được cô lên xe nhà mình, đồng ý lát nữa sẽ dẫn cô đến biệt thự nhà họ Lâm chơi.

Mấy người lên xe, xe từ bến cảng Jardine đi qua cầu lớn, rồi từ đường cái rộng thênh thang dần tiến vào tô giới công cộng. Sở Vọng nhìn lướt qua, để ý trên bảng tên con đường trước đó viết “Kiukiang road”. Hiếm có dịp Lâm Du đến tầm mắt cô, giải thích nói: “Đây là đường số 2.”

Lúc này không biết vì sao Lâm Doãn Yên lại hỏi: “Thế còn đường số 4 đâu ạ?”

Lâm Du đột nhiên nhìn bà Kiều: “Nghe ai nói vậy?”

Bà Kiều gượng gạo đáp: “Cháu ngoại chị lớn lên ở Thượng Hải, từ nhỏ đã nghịch ngợm, có lẽ lúc mới đến Hương Cảng đã nghe con bé nói…”

Dĩ nhiên Sở Vọng không biết đường số 4 là đường gì, mà cũng không thể hỏi được, chỉ thán phục trí nhớ siêu việt của Doãn Yên —— ba năm trước Tiết Chân Chân chế giễu cô nàng lúc bị say sóng, thế mà đến giờ cô ấy vẫn còn nhớ.

Lâm Du nói sang chuyện khác: “Sở Vọng, con không định đi châu Âu với cha, có thể nói cho cha biết vì sao không?”

Sở Vọng mỉm cười: “Không có gì, chỉ là con không muốn phải trì hoãn chuyện học hai năm. Sau này vẫn còn nhiều cơ hội đi châu Âu mà.”

Lâm Du nghe vậy thì đáp được, khen cô: “Có chủ kiến riêng cũng không tệ.”

Sở Vọng nghe thế cũng không nói gì thêm, quay đầu nhìn ra ngoài cửa xe – nhà cao tầm san sát nhau dần biến mất, từ xa dần đi vào đường lớn ở khu dân cư. Vì trời mưa nên cô không thấy rõ cột mốc đường. Giữa một dãy các tòa nhà màu trắng, đột nhiên xen vào một khu đất trống – là một bãi cỏ rộng lớn, đằng sau bãi cỏ là ngôi nhà cực to màu xám, nhà gắn cửa thông gió màu xanh nhạt. Có cảm giác đây không phải ở Trung Quốc mà đang ở nước ngoài, bề ngoài rạp hát Vienna có lẽ cũng giống thế này.

Trong lúc ngẩn người thì xe đã dừng lại cạnh tòa lầu nhỏ màu trắng sữa bình thường cạnh ngôi nhà màu xám kia. Hai người hầu đi ra chỉ huy đỗ xe gỡ hành lý, còn bà Kiều đỡ Doãn Yên xuống xe. Cô nàng cũng nhìn căn nhà lớn màu xám kia, hỏi: “Cha, đó là biệt thự nhà họ Tư đúng không ạ?”

Lâm Du đáp: “Đúng thế. Hôm qua cậu Tư mới về, sinh bệnh trên đường đi. Nhưng khi nghe bảo hôm nay hai đứa tới, nhất quyết đòi ra bến đón, cha phải khuyên một hồi mới chịu ở nhà. Để cậu ấy dưỡng bệnh khỏe lên rồi hai hôm nữa sẽ lại nhà ăn bữa cơm.”

Sở Vọng dỏng tai nghe, đi theo bà Kiều bước vào cánh cổng biệt thự nhà họ Lâm. Bấy giờ là bốn giờ chiều, trong nhà đã lên đèn. Nhà họ Lâm không có nữ quyến nên không có cảnh các bà mặc sườn xám ngồi lại với nhau đánh mạt chược. Tuy Lâm Du từng đi du học nhưng tác phong vẫn khá bảo thủ – hầu hết đồ gia dụng đều làm bằng gỗ sơn đen, mà cũng không có quá nhiều đồ đạc, cứ như chuyển nhà họ Lâm vắng lặng ở Thiệu Hưng đến một nơi nửa hiện đại hóa vậy.

Hai căn phòng trên tầng hai có ban công đối diện với bãi cỏ được dùng làm phòng ngủ tạm thời cho Sở Vọng và Doãn Yên. Sở Vọng chỉ đem theo vài bộ quần áo, vừa vào phòng đã giang tay giang chân nằm phịch xuống giường, trong tiếng di chuyển hành lý ầm ĩ ở bên cạnh, cô ngẩn ngơ một hồi.

Đợi đến khi cái người phòng bên dọn dẹp gần xong thì cũng tới giờ ăn tối. Ở Hương Cảng ăn cơm Tây ba năm đến phát ngán, nên khi món canh ngó sen hầm xương vừa được nấu xong, Sở Vọng lập tức đi theo mùi hương xuống lầu, Doãn Yên cũng đi sát theo sau. Hai ngày nữa nhà họ Lâm sẽ mở tiệc thiết đãi bạn bè thân thích, mà bây giờ trong nhà vẫn đang thiếu nhiều đồ, thế là Lâm Du nhờ bà Kiều mua đồ giùm mình. Sở Vọng và Doãn Yên uống canh hầm xương, còn bà Kiều dặn vú già đem giấy bút đến để lên danh sách mua hàng.

Một lúc sang điện thoại reo lên. Nữ giúp việc đi đến nghe máy, sau đó nói, “Cô Tiết mời hai cô nhà mình tối nay đến Đại Thế Giới* chơi.”

(*Đại Thế Giới là trung tâm giải trí lớn nhất Thượng Hải thời bấy giờ. Ảnh.)

78034506_548378489330944_2889041766340624384_n

Bà Kiều nói: “Thế cũng được, đỡ lo không có ai dẫn hai đứa đi chơi.”

Lâm Du cười nói: “Đúng thật là, ba đứa này vừa đến nơi đã lại đi chơi.”

Một lúc sau, ông lại nghĩ đến điều gì đó, “À… Vừa nãy bác Tư có gọi điện đến nói lát nữa cậu Tư sẽ đến nhà mình. Hầy, lớn tuổi rồi nên cứ hay quên.”

Ông vừa dứt lời thì chuông cửa vang lên. Khi người giúp việc đi ra mở cửa, Doãn Yên chợt nói: “Chị không đi Đại Thế Giới nữa.”

Quả nhiên, giúp việc đứng ở cửa nói: “Là ông Tư và cậu Tư đến ạ.”

Lâm Du và bà Kiều đứng dậy ra đón, Sở Vọng ăn hết miếng ngó sen cuối cùng rồi đi đến sau lưng Doãn Yên. Tư Ưng tuy gầy song vẫn tuấn tú, năm nay đã gần bốn mươi nhưng vẫn có thể được xem là mỹ nam, mỗi một động tác đều thể hiện rõ sự mạnh mẽ trong tác phong làm việc của ông. Nghe nói năm ngoái ông mới cưới một bà vợ Nhật Bản, có người đẹp bầu bạn nên mặt mũi càng thêm hồng hào.

Hai ông bạn già đứng ở cửa trò chuyện một hồi, sau đó mới nhìn sang Tư Ngôn Tang đứng sau lưng Tư Ưng —— vẫn áo sơ mi và áo gi–lê màu than như trước, có lẽ vì trời mưa làm nhiệt độ giảm nên anh khoác thêm tây trang màu đen, gài kín cúc áo. Vì bị bệnh nên sắc mặt vẫn không được tốt lắm, chỉ đứng sau lưng Tư Ưng mỉm cười với Sở Vọng.

Tư Ưng cũng phát hiện ra, quay đầu nhìn con trai mình, cười mắng: “Thằng nhóc này, hôm qua về bị ốm, hôm nay đã ồn ào đòi ra bến đón em gái nhà mình.”

Lúc này Tư Ngôn Tang mới thôi cười, chào hỏi Lâm Du và bà Kiều, sau đó nói: “Em hai, em ba…” Nói đoạn, hai mắt anh sáng rực như bó đuốc, nhìn Sở Vọng chằm chặp: “… Đã lâu không gặp.”

“Đã lâu không gặp.” Sở Vọng bất đắc dĩ cười nhìn trời.

“Anh Ngôn Tang, nghe nói anh bị bệnh trên thuyền về nước hả? Bây giờ sao rồi, đã khỏe lên chưa?”

“Đã đỡ hơn nhiều rồi, cám ơn em hai đã quan tâm.” Anh đáp, sau đó lại cười nhìn Sở Vọng.

Doãn Yên ân cần hỏi han: “Hai ta cũng coi như cùng bị bệnh rồi, mấy hôm trước em cũng nôn một trận trên thuyền, vì thế nên hôm nay vẫn chưa khỏe lắm.”

“Chưa khỏe?” Lúc này Tư Ngôn Tang mới giả vờ nghiêm túc nhìn mặt Doãn Yên, “Ừm? Anh thấy sắc mặt rất tốt, có vẻ đen đi nhỉ?” Chợt anh phì cười thành tiếng, “Sao lại đen thế này?”

Anh vừa dứt lời, mặt Doãn Yên càng đen thêm.

Bà Kiều cười nói: “Có một thời gian ở Hương Cảng thịnh hành trào lưu con gái để da ngăm, thế mới đẹp. Cậu Tư đang khen cháu đấy.”

“À? Là vậy sao.” Tư Ngôn Tang khách khí cười, “Thì ra ngày trước em hai gửi thư có nhắc đến chuyện này hả? Anh nên đọc mới phải, xin lỗi xin lỗi.”

Tư Ưng nghe vậy thì hỏi: “Chỉ mới nghe nói cháu ba và thằng nhóc nhà tôi thư từ qua lại. Nó viết thư cho tôi, khen cháu ba thông minh hiếu học. Thì ra cháu hai cũng viết thư à?” Ông đưa mắt hỏi Ngôn Tang, “Sao không nghe con nói năng gì?”

Lâm Du nghe Tư Ưng nói thế, lập tức nhìn sang bà Kiều và Doãn Yên. Bà Kiều không lên tiếng, còn Doãn Yên cúi gằm đầu, tay siết chặt vạt áo sườn xám.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.