Lạc Vào Cổ Đại Hạnh Phúc Sinh Hoạt

Chương 5: 5: Viện Bảo Tàng




– Noah, con về rồi đấy à?

Bà Thu Hiền vẩy nước ướt trên tay, tháo chiếc tạp dề kẻ sọc đỏ trắng treo lên mắc và trở ra ngoài gian chính. Qua ô cửa sổ, bà thấy thấp thoáng bóng dáng chàng trai trẻ Noah bước qua cái cổng sắt nhỏ đặt tại hàng rào. Nhưng, Noah về một mình, không hề có bóng dáng con gái bà.

– Ơ Noah, Anh Đào đâu cháu?

Noah ngơ ngác nhìn quanh.

– Anh Đào kêu con về trước. Không lẽ ẻm chưa về ạ?

– Không, bác hôm nay ở nhà suốt, đã thấy con bé đâu!

Noah nhướn mày, rồi rút điện thoại, cho bà Thu Hiền xem tin nhắn anh nhận được từ số của Anh Đào. Trên màn hình, nội dung tin nhắn ghi “Em về nhà rồi. Anh cũng về đi nhé!” Bà Thu Hiền lắc đầu. Số điện thoại thì đúng là của con gái bà, nhưng cả ngày nay bà chưa gặp con bé.

– Lạ nhỉ? Bình thường con bé đi đâu cũng nhắn bác. Con thử giúp bác gọi điện xem sao ha!

Noah bấm máy, bật cả loa ngoài để bà Thu Hiền nghe cùng, nhưng đầu dây bên kia lập tức vang lên giọng nói của tổng đài. Anh Đào đã tắt máy nên họ không thể gọi điện cho cô. Bà Thu Hiền gắng thử thêm vài lần trong lo lắng, không có gì thay đổi! Thấy bà Thu Hiền mặt mày cau có, Noah cũng theo đó đứng ngồi không yên.

– Anh Đào đi đâu hở bác? Còn cách nào để liên lạc với Anh Đào không ạ?

– Con… con cứ lên nhà, kiểm kê đồ đạc với ba con rồi tối còn ra sân bay. Để hai bác đi tìm con bé. – Bà Thu Hiền vỗ vai Noah trấn an, nhưng chính mình đang không giấu nổi vẻ hoảng sợ.

– Có chi bác báo con sớm sớm nha!

Chờ Noah đi lên dãy cầu thang vừa trải lại thảm mới, bà Thu Hiền day day vùng thái dương, vuốt gương mặt mệt mỏi. Nhận cuộc gọi của vợ, ông Thanh Tùng tức tốc về nhà, không quên nhờ trợ lý điều người giúp ông tìm Anh Đào.

Ở lan can lầu hai, Vân Vân đứng lặng lẽ nhìn xuống ba mẹ mình đang nói chuyện. Cả hai đều lo lắng vì Anh Đào đột ngột không nghe điện. Một lúc, ông Thanh Tùng khuyên bà Thu Hiền nên lên tầng ngồi với Vân Vân để bình tĩnh lại; có tin gì mới ông sẽ báo cho bà biết.

Thay vì lên phòng Vân Vân, bà Thu Hiền tạt ngang qua phòng của Anh Đào. Bà sợ, sợ những dư ảnh quá khứ trong câu chuyện của Cẩm Tú tìm về, khơi gợi nỗi đau tột cùng cả nhà đã khó khăn lắm mới vượt qua. Vân Vân lần chần không muốn bước vào, chỉ đứng ngoài đợi xem mẹ thế nào.

Bà Thu Hiền mở chiếc hộp bọc vải nhung đỏ trên mặt bàn học của Anh Đào, ngón tay miết nhẹ lên sợi dây chuyền của bà ngoại mà cô giờ đã không còn đeo bên người. Hiện tại, cuộc sống của con gái bà đang rất tốt, nên không ngạc nhiên khi Anh Đào lựa chọn cất sợi dây ở nhà. Khổ nỗi, vừa mới bỏ ra không lâu mà giờ đã nảy sinh rắc rối. Bà Thu Hiền không muốn mê tín, nhưng quá nhiều sự ngẫu nhiên khiến bà không thể nghĩ khác.

*

Bác Phan và Noah phải ra sân bay để bắt chuyến bay đêm về Sài Gòn. Do chưa tìm được con gái, ông Thanh Tùng đành cáo lỗi với hai vị khách, không thể ra tiễn tận nơi. Bác Phan còn giúp ông Thanh Tùng gọi điện cho người quen bên an ninh, nhằm thúc đẩy cuộc tìm kiếm nhanh chóng. Mỗi tội, cả đêm hôm ấy, gia đình ông Thanh Tùng không nghe ngóng được tin tức gì. Bà Thu Hiền khóa cửa, nằm một mình trong phòng Anh Đào, còn ông Thanh Tùng gần như thức trắng, đứng lên ngồi xuống ở bàn làm việc.

Mãi đến giữa trưa hôm sau, hai vợ chồng mới nhận được một cuộc điện thoại. Có điều, tin tức không hề như mong đợi…

Bà Thu Hiền thấy Vân Vân vẫn ngủ bèn để lại mảnh giấy nhắn nhắc con ở yên trong nhà chờ ba mẹ về và tự lấy đồ trong tủ lạnh ra ăn. Bà cùng chồng bắt taxi đi đến đồi thông hai mộ, vừa ngồi trên xe vừa thấp thỏm không yên. Cũng nhớ hôm trước con bé nói sẽ đưa Noah đến đồi thông hai mộ, giờ bên công an lại báo cùng vị trí ấy, lẽ nào cả ngày hôm qua Anh Đào không hề rời khỏi đó? Vậy tại sao Noah nhận được tin nhắn đã về nhà của Anh Đào?

Người ta dẫn hai vợ chồng bà tới gặp một người đàn ông trung niên, ăn mặc rách rưới, ngồi vất vưởng bên rìa đường. Bà Thu Hiền hốt hoảng nhận ra điện thoại của con gái đang nằm trong tay người đàn ông; song, chưa kịp hỏi rõ sự tình thì lại có người tới báo tìm thấy tư trang của Anh Đào rơi trong con hẻm đối diện bãi đỗ xe – đúng bộ quần áo ông Thanh Tùng mô tả.

Bà Thu Hiền khuỵu chân xuống, ôm mặt nức nở. Ở nơi thanh vắng không người qua lại, tại sao con gái bà mất tích mà để lại bộ quần áo? Bà không muốn nghĩ đến điều tồi tệ có thể đã xảy đến với con.

– Ông kia, làm sao ông có điện thoại của con gái tôi?! – Bà Thu Hiền gào lớn, tay chỉ vào người đàn ông, buộc ông Thanh Tùng phải giữ lại từ phía sau.

– Mong chị bình tĩnh! – Một viên cảnh sát làm nhiệm vụ ra sức trấn an. – Chính người đàn ông này đã giúp công tác của chúng tôi được tiến triển nhanh. Ông ấy đã cung cấp thông tin để chúng tôi báo về gia đình.

– Con gái tôi đâu…?! Anh Đào nhà tôi đâu?! Làm ơn đưa con gái tôi về! – Bà Thu Hiền khóc lóc, van lơn.

– Mất rồi… – Người đàn ông rách rưới giờ mới lên tiếng, giọng bất lực.

Bà Thu Hiền vùng khỏi vòng tay của chồng, lao đến túm áo người đàn ông lay mạnh, luôn miệng gọi tên Anh Đào và hỏi về tình hình con bé. Người đàn ông chép miệng, lắc đầu, đặt vào tay bà Thu Hiền chiếc điện thoại tắt ngúm. Rồi, ông ta ra hiệu cho bà Thu Hiền đi theo mình, bước thẳng đến ngôi nhà đổ sụp trong con hẻm nơi người ta tìm thấy đồ đạc của Anh Đào. Người đàn ông chỉ vào chiếc nồi nhôm chứa chuột chết, bà Thu Hiền cau mày, vội bịt mũi. Ngay khi thấy dưới đáy nồi có một đốt ngón tay cái thâm tím, phần da thịt bị cắt nham nhở như thể có ai hay sinh vật nào dùng răng cắn và nhai ra, bà Thu Hiền ôm miệng, rên rỉ trong đau đớn.

Người đàn ông đoán đây là ngón tay cái của con gái bà, còn ai hay kẻ nào làm thì họ sẽ không bao giờ tìm thấy, bởi những người ấy đều không còn thuộc về thế giới này.

– Chị cứ gọi tôi là Phụng. Chuyện ở ngôi nhà này, tôi đã từng nghe và trải qua, nên tôi hiểu cảm giác của chị. – Người đàn ông tên Phụng bắt đầu kể lể, giọng điệu buồn bã và cảm thông.

Ngôi nhà này có từ mấy chục năm trước, thuở những ngôi mộ ở đồi thông hai mộ chưa được di dời hoàn toàn. Năm ấy, người ta điêu đứng và say mê vẻ đẹp của cô thiếu nữ tên Tường Vy – đôi mắt bồ câu đưa tình và giọng nói lanh lảnh, trong trẻo như tiếng chim họa mi.

Ngặt nỗi, gia cảnh của Tường Vy khốn khó, thậm chí bị người đời gièm pha do tin đồn mẹ cô bán thân, lỡ không may chửa nên phải sống đơn độc, không ai dám rước về nhà. Khi mẹ mất vì đau ốm, họ hàng chẳng ai nhận nuôi, Tường Vy phải bỏ học, tự nuôi thân giữa bao vất vả và cay nghiệt. Người ngoài xã hội chẳng mấy tốt đẹp, gợi ý cô sử dụng vẻ đẹp của mình để kiếm sống, và Tường Vy nghe theo. Quả thực, nhan sắc của Tường Vy sớm đưa cô đến cuộc sống khác, tuy chẳng vẻ vang nhưng cũng không đói khổ như ngày bé.

Vì mang danh gái bán hoa, không một người đàn ông nào dám hứa hẹn tương lai xa vời với cô. Họ chỉ chơi bời qua đường, rồi bặt vô âm tín ngay ngày hôm sau. Dần dà, Tường Vy cũng chẳng quan tâm nữa, chỉ cần có tiền để sống qua ngày là đủ.

Năm Tường Vy tròn hai mươi tuổi, cuộc gặp gỡ với anh công nhân tên Thuyên đã thay đổi cuộc đời cô. Thuyên yêu Tường Vy thật lòng, không quan tâm chuyện quá khứ nhơ nhuốc, một mực muốn cưới và rước cô về ở cùng trong ngôi nhà một tầng xập xệ. Khổ nỗi, Thuyên thô kệch, nóng tính, đôi lần làm phật lòng Tường Vy. Lâu dần, cay cú sau mỗi lần cãi vã, lại bất mãn với cuộc sống hiện tại, Tường Vy liền ngựa quen đường cũ, mặc kệ lời cầu xin của Thuyên.

Hôm ấy, Tường Vy mặc một bộ váy xẻ vai màu xanh gợi cảm, lén rời nhà đi khách. Nào ngờ, Thuyên bắt gặp tại trận. Vừa đau khổ vừa tức giận, anh trói Tường Vy vào chân giường, mài sắc dao, khoét sâu hai đầu v* của cô, rồi cắt cả bộ phận nhạy cảm. Tường Vy đau, mất nhiều máu nên sớm bất tỉnh, không thể kêu cứu. Thuyên đem phần thịt vừa cắt từ người Tường Vy bỏ vào túi bóng, buộc quanh người cô rồi lôi cô ra vứt ngoài gần chỗ đồi thông hai mộ. Sau đó, anh về, đốt nhà, gieo mình trong ngọn lửa đầy oán hận. Lúc dập được lửa thì người đã chẳng còn nữa.

– Hồi ấy tôi lái xe thuê… – Phụng kể. – … đêm đi qua khu vực này. Lúc ấy chẳng biết lé mắt thế nào, nhìn ra cửa xe lại thấy có bóng người giơ tay xin giúp đỡ. Tôi tạt xe vô bãi mới biết tình trạng của cô Tường Vy ấy. Khắp người bê bết máu, phần trên hay dưới đều đã bị cắt khoét thô bạo. Tệ hơn, cái anh Thuyên kia lại còn bỏ phần đã bị cắt vô túi bóng, buộc chặt quanh người cổ và vứt ra ngoài đường trơ trọi. Khổ nỗi, lúc tìm thấy thì người đã chẳng còn. Hai người họ chết thảm vậy, e là linh hồn chưa siêu thoát, chị ạ.

– Ý ông nói là Anh Đào nhà tôi bị ma dẫn đi sao?! Thật hoang đường! – Bà Thu Hiền thảng thốt.

– Vợ tôi cũng bị họ rước đi, sau khi tụi tôi kết hôn được ba tháng. Từ bấy, tôi ăn không ngon ngủ không yên, công việc chẳng giữ được. Ngày ngày tôi chỉ biết lang thang ở đây, sợ họ lại bắt thêm người chỉ vì mối oán hận không thể dứt bỏ… Tưởng yên bình được mấy năm, nào ngờ…

– Nhưng vì sao?! Vì sao lại là con gái tôi?!

– Tôi nghe các cụ kháo nhau, cô Tường Vy muốn được tự do, cậu Thuyên thì muốn có được tình yêu. Thế nên, cô Tường Vy sẽ bắt những cô gái đang yêu để bù đắp lại cho tình cảm của cậu Thuyên, cũng như mong mỏi mình sớm thoát những xiềng xích vô hình của cậu ấy.

– Bao giờ… cô ấy mới chịu dừng?

– Các cụ đồn là ba, bù lại cho quãng thời gian cổ sống bên cái cậu Thuyên đó. Sau con gái của chị, tôi đoán Tường Vy sẽ dừng lại…

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.