Không Muốn Gặp Chàng

Chương 14: Vấn đề




Phần XVIII: Đường tới hạnh phúc không còn gập ghềnh

Buổi sáng ở trong doanh không yên tĩnh, đầu tiên là tiếng đánh kẻng, sau đó là tiếng bước chân rầm rầm của đoàn quân đi ra thao trường. Ồn ào làm Tiểu Long Nhi thức giấc. Thằng bé chép miệng, dụi mắt, mơ màng không biết mình đang ở đâu. Cái giường này không êm ái như giường ở nhà, lại còn chật chội chật chội... Cu cậu ngọ ngoạy bò dậy, sửng sốt phát hiện ở trên giường có thêm “người lạ”. Nhóc sợ sệt nhích mông tránh xa một chút, thấy người kia ngủ rất sâu thì nảy sinh lòng tò mò. “Đây là ai? Vì sao ôm mẹ mình thế kia?”

Kể cũng lạ, bình thường Long Nhi gặp ai cũng nghi ngờ đây là cha nó, tới lúc gặp Ca Dương thì không nghĩ như vậy. Tràn đầy hiếu kì, thằng bé giơ ngón tay đụng vào người hắn, thấy hắn không phản ứng thì bạo dạn hơn, bắt đầu lần mò muốn bò lên ngực. Đối với cậu bé hai tuổi, thân thể của cha to như ngọn núi, leo rất vất vả! Tay chân ngắn cũn hì hục dùng sức, cuối cùng nó cũng nằm sấp trên bụng Ca Dương, gác cằm lên ngực hắn lén lút rình xem. Tay nhỏ đưa lên, sờ mũi một chút, lại sờ tai một chút, cu cậu thầm đắc ý vì làm chuyện xấu không bị ai phát hiện. Nó làm sao biết được với thói quen cảnh giác của Ca Dương thì từ lúc nó vừa thức giấc hắn đã sớm biết nhưng lại giả vờ ngủ, muốn nhìn xem con trai sẽ làm gì. Kết quả bánh bao nhỏ này nghịch ngợm hơn hắn tưởng, vậy mà dám leo lên người hắn sờ hết chỗ nọ tới chỗ kia.

Ca Dương nén cười thật lâu, sau đó mở mắt ra. Long Nhi đang loay hoay cái mông, da thịt người này quá cứng, nó ngồi không thoải mái. Cu cậu ngẩng đầu lên, lại sửng sốt lần thứ hai trong ngày. Mắt to nhìn chằm chằm mắt nhỏ, sau đó mắt nhỏ chớp chớp nhìn mắt to. Huyết thống là một sự liên kết kỳ diệu, lúc này Tiểu Long Nhi không hoài nghi gì nữa, linh cảm mách bảo nó biết, người này chính là vị cha trong truyền thuyết của cu cậu!

Thằng bé lo lắng ưỡn ngực, hồi hộp gọi một tiếng:

- Cha...

Âm thanh non nớt, phảng phất sự chờ mong, sự thân thiết và cả sự buồn tủi của một đứa bé không được yêu thương trọn vẹn. Ca Dương cảm giác có dòng suối ấm chảy qua, hòa tan tất cả lạnh lùng uy nghiêm của hắn. Hắn nâng tay xoa đầu con trai, hiền từ đáp:

- Uhm, ta là cha con...

Tương Tư từ trong giấc nồng tỉnh lại, theo thói quen tìm kiếm Long Nhi, kết quả chạm vào nửa chiếc giường trống trải. Nàng giật mình ngồi dậy, hoàn cảnh xa lạ nhắc nàng nhớ nơi đây là Đề Lô, cách Sa Đà xa lắm. Tương Tư bước xuống giường, mái tóc rối và đôi chân trần nhẹ nhàng giẫm lên thảm lông. Nàng nép sau tấm bình phong ngăn cách hai gian lều, mỉm cười nhìn cảnh tượng ấm áp bên trong.

Ca Dương đang chăm chú đẽo con ngựa gỗ, bàn tay khéo léo điều khiển mũi dao, vụn gỗ lất phất rơi xuống. Vẻ mặt hắn nghiêm túc trịnh trọng cứ như sắp đưa ra quyết định ảnh hưởng đến vận mệnh quốc gia. Lùn như cây nấm ngồi ở bên cạnh là bạn nhỏ Long Nhi. Cu cậu hết sức im lặng, ngoan ngoãn trật tự trong tư thế xếp bằng, lưng thẳng, đầu không nghiêng. Tiểu Long Nhi nhìn cha với cặp mắt sùng kính, như thể nó đã tìm ra thần tượng vĩ đại trong cuộc đời mình!

Ngồi sát một bên nhưng cao gấp ba thằng bé là con chó Nha Nha. Nó cũng học theo cậu chủ nhỏ, nghiêm chỉnh đặt mông, chống cao chân trước, ưỡn bộ ngực oai vệ. Mặc dù cố gắng không động đậy nhưng cứ ít phút nó lại chịu không nổi, phải đưa cái đuôi to xù ra, rào rào quét đám vụn gỗ tập trung thành một núi nhỏ. Khóe mắt Ca Dương thấy hết biểu hiện khôi hài của “hai đứa”, hắn nén cười, thổi thổi thành phẩm, lau thật sạch rồi thả vào tay Long Nhi. Thằng bé kinh ngạc cầm đồ chơi, lần đầu tiên không công mà được phần thưởng.

Cứ như vậy, hai cha con không ai bảo ai, một người nghiêm túc làm việc, một người nghiêm túc quan sát. Điểm thiện cảm gia tăng vùn vụt. Tương Tư lưu luyến không nỡ xen vào, nàng trộm nhìn rất lâu, nhìn đứa con trai chưa từng ngoan ngoãn tập trung như vậy, nhìn vị hoàng đế mặc dù không cười nhưng xung quanh tỏa ra khí chất ôn hòa, yên tĩnh hiền lành như con hổ ngủ đông.

Động tác của Ca Dương vốn nhịp nhàng dứt khoát, thế nhưng trong một lần đưa dao không biết sơ hở thế nào lại cứa vào da. Ngón tay nhói đau, Ca Dương hơi nhíu mày, ném con dao xuống đỡ lấy bả vai. Hắn thấy con trai rõ ràng đang lo lắng nhìn mình, cười thầm một tiếng bế nó vào lòng.

- Cha không sao... Nhưng mà ngựa của con hỏng rồi!

Tiểu Long Nhi cúi đầu nhìn con ngựa cụt chân, chẳng mấy quan tâm. Bé lại nhìn ngón tay chảy máu của cha, chân mày nhíu lại như hai con sâu róm. Ca Dương yêu chết biểu cảm trên khuôn mặt nhỏ, chính thức vứt bỏ hình tượng, hôn lên trán con chụt chụt.

Lúc này Tương Tư bước vào, cao giọng gọi Hạnh Hoa Sương Hoa. Hai a hoàn bế tiểu điện hạ đi, Nha Nha ngúng nguẩy chạy theo. Trong phòng chỉ còn lại hai người, Tương Tư quay sang cởi ngoại bào của Ca Dương.

- Nàng làm gì vậy?

Hắn giữ chặt cổ tay mảnh khảnh, nghiêng người tránh né.

- Để em xem! Chàng bị thương ở đâu?

- Vết thương nhỏ thôi, đã lành rồi, nàng muốn xem cái gì?

Còn lâu Tương Tư mới tin. Vừa nãy nàng thấy rõ, tay hắn run làm hỏng ngựa gỗ, đánh rơi con dao rồi đỡ bả vai, lúc ôm Long Nhi tuy rằng vui vẻ nhưng sắc mặt tái nhợt. Nhớ lại biểu hiện tối hôm qua, mỗi lần nàng muốn ôm đều bị hắn nắm tay đè xuống, vốn tưởng hắn giở thói xấu thích kiềm kẹp, hóa ra hắn chỉ không muốn nàng chạm vào nơi nào đó mà thôi.

Tương Tư kiên quyết không lui, bướng bỉnh muốn cởi áo Ca Dương ra cho bằng được. Hết cách, hắn đành chiều theo ý nàng. Tương Tư lột lớp ngoài, tiếp tục kéo lớp trong, cho đến khi thấy tấm lưng trần. Động tác của nàng đình chỉ, mắt nhanh chóng ửng đỏ. Nhớ năm đó trên U Trì, trong xe ngựa, ôm người đàn ông này, thân thể không chút sứt sẹo, cái lưng trơn bóng cường tráng hữu lực. Thế mà bây giờ mới qua hai năm, thân thể hắn lưu lại bao nhiêu vết tích lớn nhỏ, có cái đã nhạt, có cái còn mới. Tương Tư nhìn chằm chằm lớp vải băng, chắc chắn hoàng thượng bị trúng tên chỗ này, vết thương chưa lành, còn đang ứa máu. Nàng không dám chạm vào, cũng không nỡ nhìn lâu.

Ca Dương cảm giác trên da ấm áp, có thứ nước nóng ẩm chảy xuống, nàng úp mặt vào lưng hắn im lặng khóc. Ca Dương thở dài xoay người lại, ngón tay chìm vào suối tóc đen mượt, hắn kéo nàng vào lòng nhỏ giọng nói:

- Mấy hôm trước đã kết da non, lẽ ra không chảy máu nữa. Có điều tối qua... Uhm... Không cẩn thận làm rách miệng vết thương...

Hắn nhớ lại tình huống kịch liệt mất kiểm soát, bật cười cảm thấy chút hậu quả này đáng giá. Tương Tư vừa ngượng vừa giận, há miệng cắn bắp tay ai kia. Ca Dương bóp giữ cằm nàng, nhíu mày không đồng tình:

- Đau răng đấy!

Hai người đùa giỡn đùa giỡn, chẳng biết từ khi nào thảm biến thành giường. Tóc hắn chảy xuống rơi chung một chỗ với tóc nàng, đan xen lẫn lộn khó phân biệt sợi to sợi nhỏ. Tương Tư mơ màng bị sự dịu dàng này mê hoặc, còn chưa phát hiện ra âm mưu của hắn. Mãi đến khi sói vào tận cửa, nàng mới giật mình la lên:

- Không được! Vết thương!

Ca Dương lại đè tay nàng xuống, khàn giọng đáp:

- Sáng nay thái y đã băng lại rồi, không sao...

- Vậy cũng không được!

Tương Tư vặn vẹo muốn thoát ra. Ca Dương nào buông tha dễ dàng như vậy, hắn nắm chân nhỏ kéo trở lại, Tương Tư thấy mình trượt xuống rồi bị hắn ngang ngạnh xông vào, thực ra trong chuyện chăn gối nàng ít khi từ chối được... Với Vĩnh Khang ngày xưa cũng vậy, Ca Dương bây giờ cũng thế!

Gạo nấu thành cơm, cơm nhừ thành cháo, gấu xám thỏa mãn ôm con thỏ trắng uất ức, liên tục liếm láp an ủi. Lông thỏ bị liếm ướt sũng, run run phản kháng:

- Không được, để dành cho con...

Gấu xấu xa híp mắt đe dọa:

- Tối qua đã bàn xong rồi.

Thỏ trắng sợ sệt thỏa hiệp:

- Vậy... Vậy... Một nửa thôi... Bên này thôi...

Gấu cười trầm, lại nhịn không được làm chuyện ác.

Khi Tiểu Long Nhi gặp lại cha mẹ thì đã trễ giờ cơm trưa. Cu cậu nếm qua tôm ướp lá dâu, sớm quên cơn thèm sữa. Ca Dương bế thỏ con áo lông trắng muốt, lại dắt tay thỏ mẹ bộ dạng giống hệt. Cả nhà tình tang đi chơi. Thời tiết vào cuối thu, Đề Lô thường nắng nhạt, gió khô lạnh, trời quang mây. Những ngày này chiến sự lắng xuống, hiếm khi tiền tuyến có giây phút bình yên.

Buổi trưa lính trong doanh thưa thớt, vài tiểu tướng nhìn thấy bệ hạ đi qua hành lễ, mắt thành thật không dám ngó nghiêng lung tung. Ca Dương dẫn Tương Tư đến chuồng ngựa, Tiểu Bạch hí vang một tiếng, đạp cửa chạy ra. Nó rất tò mò nhìn “sinh vật nhỏ nhiều lông” dính trên người ông chủ. Long Nhi còn tò mò hơn, cu cậu ló mặt ra khỏi áo choàng, xuýt xoa xem hàng trăm con ngựa, chẳng biết có nhiều bằng ngựa gỗ của cậu không?

Nha Nha chạy vòng quanh, sủa ầm ĩ, Tiểu Bạch giậm giậm chân trước, khịt mũi. Đó là cách hai đứa nó nhận bạn cũ. Ca Dương thả con trai xuống, bế Tương Tư lên ngựa trước. Sau đó hắn một tay ôm Long Nhi, một tay cầm dây cương nhảy lên, động tác dứt khoát vững vàng. Thằng bé trải qua pha mạo hiểm, cười khanh khách ôm chặt cha nó. Cứ như vậy, hắn ôm Long Nhi ngồi ở trước, Tương Tư dựa sát phía sau, Tiểu Bạch đi chầm chậm, Nha Nha chạy lon ton, cả đội tiến ra cổng doanh.

Long Nhi đã ngồi xe ngựa nhưng chưa từng cưỡi ngựa, nhóc học theo cha nắm một đoạn dây cương, chân ngắn như củ sen đung đưa, là lá la hát bài du xuân mẹ dạy. Đối với cu cậu, thế giới này không có gì phiền lo, xung quanh đây không có gì nguy hiểm, đói có thể tìm mẹ, mệt có thể dựa cha, yên tâm đi chơi thôi! Ca Dương ôm chặt con trai, Tương Tư đưa tay qua người hắn sửa mũ lông bị lệch của bé. Cha mẹ nhìn đứa con hồn nhiên vui vẻ, ánh mắt mềm mại nhu hòa.

Thị trấn gần thành Đề Lô nhất có tên Cổ Miếu, bởi vì xây dựng bao quanh một ngôi miếu cổ thờ Thần Rồng. Dân cư trong trấn ngày xưa đông đúc, sau khi chiến tranh quét qua đã không còn mấy người. Nhiều gia đình bỏ quê đi tha hương tứ xứ rồi thất lạc nhau, người ở lại chủ yếu là trẻ em cụ già. Chợ nhỏ không họp, nhà cửa bỏ hoang, chó mèo mồ côi chết chủ đánh nhau giành giật cái ăn. Thị trấn thơ mộng chìm trong không khí ảm đạm buồn thương...

Ngựa đi rất chậm, Ca Dương đưa mắt nhìn ngôi miếu đổ nát, khẽ tự trách:

- Là lỗi của trẫm, đế vương vô đức bất tài, không bảo vệ được thần dân của mình...

Nghe hắn nói vậy Tương Tư rất đau lòng, nàng áp má vào tấm lưng vững chãi, an ủi bờ vai trĩu nặng vì gánh cả giang sơn.

- Bệ hạ tốt lắm, lúc trước đem Khương La xưng bá một phương, bây giờ toàn tâm bảo vệ. Công đức hai đời, còn ai xứng làm đế vương hơn ngài?

Ca Dương ngửa đầu ra sau tìm hơi ấm của nàng, cảm thấy cõi lòng bình yên trở lại. Tiểu Long Nhi nghe mà không hiểu, vẻ mặt ham học hỏi ngước nhìn cha:

- Đế vương là gì ạ?

Tương Tư nghe hắn cười trầm nói với con trai:

- Đế vương ấy à? Là một loại trách nhiệm, rất nặng nề nhưng rất vĩ đại. Trẫm sẽ dạy cho con. Hoàng nhi có muốn không?

Thằng bé không quen cách xưng hô này nhưng đại khái đoán được cha đang nói mình. Chẳng biết nhóc hiểu bao nhiêu mà giòn giã đáp:

- Muốn ạ!

Ca Dương cười sảng khoái vỗ đầu nó khen ngợi:

- Giỏi lắm! Thế mới là con trai ta!

Ngựa đi lòng vòng thị trấn rồi dừng lại trước một tiệm giày tên gọi “Cây Bạch Quả”, chắc là vì trước ngõ trồng hàng bạch quả vàng rực. Ca Dương ôm hai mẹ con xuống, nhìn biển hiệu cũ kĩ nói với Tương Tư:

- Ở trấn Cổ Miếu có hai chỗ nổi tiếng. Thứ nhất là miếu Thần, thứ hai là tiệm giày này. Nghe nói tay nghề của ông chủ rất tuyệt, gia truyền mười đời đã đóng mấy vạn đôi giày. Nàng nhìn tấm biển này xem, tổ tiên nhà họ phải là một người bất phàm mới viết ra nét chữ hùng cường mà thanh lệ, thoát tục giữa phong trần, trong tĩnh có động, trong dũng có mưu, trong bạc nhược lại rất đa tình... Trẫm thừa nhận mình thua một bậc, thật tiếc hận vị này sinh không cùng thời, nếu có duyên hội ngộ nhất định phải làm bạn không thể kết thù!

Tương Tư không giỏi thư pháp nhưng nàng cũng cảm thấy chữ này quá đẹp, giống như rồng bay phượng múa, nhìn vào có thể mường tượng ra lúc vị kia đưa bút có bao nhiêu tâm cao khí ngạo, trầm tĩnh như linh thần nhìn xuống khói lửa dân gian. Không ngờ ở một thị trấn hẻo lánh như vậy cũng có kì quan mỹ cảnh để người ta ngắm nhìn.

Ca Dương vừa ôm Long Nhi vừa dắt Tương Tư đi dưới tán bạch quả mát dịu. Cửa tiệm này rất đặc biệt, bước vào liền thấy tĩnh tâm thư thái. Sân gạch quét tước sạch sẽ, bàn ghế ngay ngắn, trên sào tre treo lủng lẳng mấy xâu cá khô. Trước nhà trồng ít hoa cỏ, chẳng phải mẫu đơn thược dược, chỉ là loài hoa đồng nội hương sắc mộc mạc nhưng ong bướm vờn quanh. Gió đưa lá cây du dương lào xào, côn trùng vỗ cánh vo ve, nước chảy từ ống tre tí tách. Khung cảnh bình yên khiến quan khách ghé lại không muốn đi nhanh...

- Có ai ở nhà không? Chúng tôi đến mua giày!

Ca Dương nhìn vào trong nhà gọi lớn. Lát sau có bà cụ mái tóc bạc phơ chống gậy gỗ đào bước ra. Bà lão có khuôn mặt phúc hậu, dáng đi khỏe khoắn nhưng đôi mắt mơ màng. Nhìn kĩ mới biết, hóa ra bà bị mù.

- Xin hỏi khách phương nào? Muốn mua giày gì?

- Chúng tôi từ xa đến, muốn mua giày cho bé trai hai tuổi.

Bà cụ gật đầu, thong thả bước xuống thềm nhà.

- Mời vào, mời ngồi. Lão chồng mụ sẽ tới ngay!

Bà không nói rõ muốn khách ngồi ở đâu, chính mình thì tọa xuống ván gỗ trải chiếu tre.

- Ái chà, hơn năm nay không có ai tới mua giày. Thời bình người ta đi giày da giày vải, thời loạn bó giày rơm mà chạy. Thời bình dư tiền thích sắm đôi giày mới, thời loạn thiếu tiền lo bữa đói bữa no... Khách quan đây không sang cũng quý, chẳng hay có thể cho mụ xem chân?

Bà cụ nói vui miệng, lời lẽ kì lạ, yêu cầu cũng kì quái. Ca Dương và Tương Tư nhìn nhau, cuối cùng vẫn bế Long Nhi cho bà lão xem chân. Tiểu Long Nhi ngồi trên chiếu, chân trắng nhỏ giơ ra, ngón chân không tình nguyện co quắp lại. Vừa thấy bà cụ vươn tay tới, cu cậu dịch chân sang trái một chút. Bà đưa tay tìm bên trái, cậu lại nhích chân qua phải. Có trời mới biết nhóc rất sợ nhột!

Thấy thằng bé không phối hợp, bà lão lại bị mù, Tương Tư không nỡ làm khó người già, nàng nắm chân nó đặt vào tay bà. Ca Dương đứng phía sau cười mắng:

- Nghịch ngợm!

Bà cụ tóm được bàn chân nhỏ, cười ha ha xoa nắn.

- Xem nào... Cỡ số hai, không biết cháu bé thích giày mũi vuông hay mũi tròn?

Cu cậu chớp mắt hỏi:

- Hình tam giác được không ạ?

Bà lão bật cười:

- Được, vậy thì mũi nhọn. Thế muốn đế mềm hay đế cứng?

Cu cậu càng bướng bỉnh:

- Cái nào cũng không muốn!

- Ồ, thế làm cho cháu loại đế đặc biệt, chắc chắn cháu sẽ thích!

Lúc này chồng bà cụ, cũng là chủ hiệu giày đi ra. Ông ôm theo dụng cụ đóng giày, mấy cuộn da bò, một cây búa lớn. Bà lão nghe tiếng bước chân quen thuộc, vừa nói vừa ra dấu bằng tay:

- Cỡ số hai, mũi nhọn, đế khí. Lấy cho cháu bé này loại da tốt nhất.

Hóa ra ông cụ bị câm điếc, ông cười hề hề ngồi tại sân gạch bắt đầu làm giày. Hai ông bà sống với nhau như vậy đã nhiều năm. Mắt ông nhìn đường cho bà, tai bà nghe ngóng thay ông. Họ không có con cái nên nghề làm giày truyền đến đời này là hết. Rất có thể đôi giày của Tiểu Long Nhi sẽ là sản phẩm cuối cùng.

Ca Dương và Tương Tư đều tò mò quan sát động tác của ông cụ. Thấy ông cắt đo, đóng ghép rất thành thục, tỉ mỉ từng chi tiết, đúng thật hiệu giày Cây Bạch Quả là danh bất hư truyền. Lúc này cậu nhóc Tiểu Long Nhi vô cùng buồn bực, chân nó vẫn nằm trong tay bà, rút ra mấy lần không được. Cảm thấy đứa trẻ không kiên nhẫn, bà lão cười đôn hậu tặng que kẹo mạch nha.

- Không vội, không vội... Bà chưa xem xong, cái chân nhỏ này có rất nhiều huyền bí, để bà nói cháu nghe!

Tay bà cụ sờ mu bàn chân, lại sờ từng ngón chân. Long Nhi ngậm kẹo cười khúc khích, nhột quá đi mất!!?

- Ừ, coi nào... Thật là kì diệu... Thật là hi hữu... Thật là xảo hợp! Mệnh này thiên sát cô tinh, mười hai hoàng đạo đều rơi nhầm chỗ! Thế nhưng có long thân bảo hộ, trời đất vị tha. Mệnh này nằm ngoài quy luật của tạo hóa, vĩnh cửu trường tồn, tương lai con giỏi hơn cha!

Tiểu Long Nhi chẳng hiểu cái chi, ngốc nghếch liếm kẹo que, nghiêng đầu nhỏ nhìn cha mẹ. Ánh mắt Tương Tư hoang mang, ánh mắt Ca Dương sắc bén, hai người vô thức nắm chặt tay nhau, không nói lời nào.

Bà cụ lại sờ lòng bàn chân, thở dài bảo:

- Nước chảy về nguồn, lá rơi về cội, người ta sinh ra ai cũng có gốc gác, không được tổ tông thừa nhận là một thiệt thòi. Các vị đến đây chắc nhìn thấy ngôi miếu cổ ở đầu thôn nhỉ? Lát nữa đóng giày xong hãy dẫn đứa bé này vào tham quan một chút, biết đâu hít được khí lành, sau này không bệnh không tai!

Long Nhi rất thích đôi giày mới. Giày ôm vừa chân, chất liệu nhẹ, cảm giác thoải mái, đặc biệt đế giày đệm hơi, gắn chiếc còi nhỏ, mỗi bước đi phát ra tiếng bíp bíp vui tai. Từ khi mang giày vào chân, cu cậu không cần ai ôm nữa, một bên nắm tay cha, một bên nắm tay mẹ, nhảy chân sáo tung tăng.

Tương Tư ra đến đầu ngõ, bất chợt nhìn lại hàng bạch quả vàng rực, xa xa có đôi vợ chồng già đứng trong sân gạch mỉm cười tiễn đưa. Ca Dương nắm tay nàng dịu dàng nói:

- Họ rất kì lạ phải không? Thật ra trên đời này có lắm chuyện kì lạ, việc ta gặp nàng cũng là một trong số đó!

.

.

.

.

Hoaban: Nói thiệt là tới đây mình không nỡ viết nhiều. Truyện sắp hết rồi, lẽ ra nên vui mà vẫn thấy buồn...

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.