Khẩu Thị Tâm Phi

Chương 9: Đạm mạc, Quan tâm




Tình hình trên các đảo cực kỳ nguy hiểm do cảm giác tự do giả tạo mà đám tù nhân được hưởng. Tôi buồn khi thấy mọi người đều thu xếp cảnh sinh hoạt để sống cho thật an nhàn. Người thì đợi ngày mãn hạn tù, kẻ thì chẳng làm gì, chỉ ngập ngụa trong những thói hư tật xấu của mình. Đêm đó, tôi nằm dài trên võng, phía cuối phòng có một sòng bạc lớn đến nỗi cả hai bạn tôi, Carbonieri và Grandet, phải cùng điều khiển mới nổi. Một người trông không xuể. Tôi thì đang ôn lại những hồi ức của dĩ vãng. Những kỷ niệm ấy không chịu đến với tôi: cứ như thể chưa hề bao giờ có cái phiên tòa đại hình ấy. Tôi cố hết sức làm cho sáng tỏ những hình ảnh mơ hồ của cái ngày tiền định nọ, nhưng vẫn không thấy rõ nét một nhân vật nào. Chỉ có viên chưởng lý hiện ra với tất cả sự thật tàn nhẫn.

Tiên sư đời. Tôi tưởng đã hoàn toàn thắng được số kiếp khi tôi đến Trinidad, ở với gia đình Bowen. Mi đã yểm bùa gì cho ta để đến nỗi sáu chuyến vượt ngục rồi mà ta vẫn chưa được tự do, hỡi quân đểu cáng? Qua chuyến thứ nhất, khi nhận được tin tức của ta do phạm nhân kể lại, mi có ngủ yên được không? Ta muốn biết, mi có sợ không hay mi chỉ bực tức vì thấy con mồi của mi đã sổng chuồng sau 43 ngày đi trên đường đến cái nơi thối nát mà mi đày ta đến? Tôi đã phá được cái lồng. Nghiệp chướng nào đã đeo đuổi tôi để tôi phải trở về nhà tù này mười một tháng sau? Có thể Trời đã trừng phạt tôi vì đã dám khinh thường cuộc sống nguyên thủy nhưng đẹp đẽ biết bao mà tôi có thể kéo dài mãi mãi chừng nào tôi còn muốn? Lali và Zoraima, hai mối tình của tôi, cái bộ lạc không có cảnh sát, không có luật lệ gì ngoài sự hiểu biết lẫn nhau tường tận giữa những con người làm thành viên của nó. Phải, tôi về đây chỉ tại tôi thôi, nhưng tôi cũng chỉ tự cho mình phải nghĩ đến một điều duy nhất là vượt ngục, vượt ngục hay là chết: Nếu như mi biết rằng ta đã bị bắt và phải trở lại nơi lưu đày, mi sẽ lại nở nụ cười chiến thắng như tại phiên tòa đại hình nọ và mi sẽ thầm nhủ: "Thế là đẹp rồi, nó lại phải đi trên con đường đến nơi ruỗng nát mà ta đã đặt nó vào!". Nhưng mi đã lầm. Không bao giờ tâm hồn ta, trí óc ta thuộc về con đường ô nhục ấy đâu. Mi chỉ nắm được thân thể ta thôi, những tên lính gác của mi, cả hệ thống lao tù của mi mỗi ngày hai lần ghi nhận là ta có mặt; với mi, thế là đủ.

Sáu giờ sáng: "Papillon đâu?" - "Có tôi". Sáu giờ chiều: "Papillon? – "Có tôi". Mọi việc thế là ổn rồi. Chúng ta tóm được nó đã gần sáu năm, chắc nó đã bắt đầu rữa ra rồi, chỉ cần chút xíu nữa là có ngày chuông sẽ gọi lũ cá mập đến tiếp nhận nó với đầy đủ nghi thức, trong bữa tiệc hàng ngày mà chế độ đào thải theo lối giũa cho mòn của mi vẫn cho không lũ cá nọ. Mi nhầm rồi, những tính toán của mi không đúng đâu. Sự hiện diện về vật chất của ta không liên quan gì đến sự tồn tại về tinh thần của ta. Mi có muốn ta nói cho mi biết điều này không? "Tôi không thuộc về chốn lao tù này, tôi không bị đồng hóa chút nào với những thói quen của các bạn tù, ngay cả với những bạn tù thân thiết nhất. Tôi là người luôn luôn có mặt trong các chuyến vượt ngục".

Tôi đang đối thoại với kẻ buộc tội tôi ở tòa đại hình thì có hai người đến gần võng tôi.

- Cậu ngủ à, Papillon?

- Chưa.

- Chúng tớ muốn nói chuyện với cậu.

- Cứ nói đi, không có ai ở đây, nói nho nhỏ, không ai nghe được đâu.

- Thế này nhé. Chúng tớ đang chuẩn bị một cuộc nổi loạn.

- Kế hoạch của các anh ra sao?

- Chúng tớ giết hết bọn A-rập, bọn lính gác, tất cả vợ con bọn lính vì đấy là những mầm mống của sự thối nát. Để làm được như vậy, tớ đây, Arnaud, bạn tớ, Hautin, và bốn người nữa, đã thỏa thuận sẽ tấn công kho vũ khí của bọn chỉ huy. Tớ làm việc ở đấy, tớ chuyên bảo trì vũ khí cho tốt. Có hai mươi ba khẩu súng máy và hơn tám mươi khẩu súng trường mút-cơ-tông và Lebel. Chúng tớ bắt đầu hành động từ...

- Thôi, đừng nói thêm gì nữa. Tôi không tham gia đâu Tôi cảm ơn các anh đã tin tôi nhưng tôi không tán thành.

- Bọn tớ nghĩ cậu sẽ nhận chỉ huy cuộc nổi loạn này. Cậu cứ để tớ nói hết các chi tiết bọn tớ đã nghiên cứu và cậu sẽ thấy là không thể nào thất bại được. Chúng tớ chuẩn bị việc này đã năm tháng nay. Đã có hơn năm mươi người tán thành chúng tớ.

- Đừng kể tên ai ra, tôi từ chối việc chỉ huy, và cũng không muốn tham gia vào việc này.

- Sao vậy? Cậu phải giải thích cho bọn tớ sau khi bọn tớ đã tin cậu và kể hết cho cậu nghe.

- Tôi không yêu cầu các anh kể cho tôi nghe dự định của các anh. Sau nữa, ở đời, tôi chỉ làm điều gì người khác muốn. Vả lại, tôi cũng không phải là một kẻ giết người hàng loạt. Tôi có thể giết chết kẻ nào làm điều gì có hại đối với tôi chứ tôi không giết đàn bà trẻ con, họ chẳng làm gì hại đến tôi cả. Điều nghiêm trọng nhất, các anh không thấy ra, và tôi sẽ nói cho các anh thấy là: dù cuộc nổi loạn của các anh đạt được kết quả, các anh cũng thất bại.

- Sao vậy?

- Bởi vì việc chính, tức thoát ra khỏi chốn lao tù, sẽ không thực hiện được. Cho là có một trăm người tham gia cuộc nổi loạn, họ sẽ đi bằng cách nào? Trên đảo chỉ có hai chiếc xuồng. Cả hai chiếc chở hết mức cũng không được hơn bốn mươi người. Còn sáu mươi người còn lại, các anh tính sao? Chúng ta sẽ ở trong số bốn mươi người đi trên hai chiếc xuồng đó. Các anh tưởng thế thôi. Những người khác không ngốc hơn các anh đâu, họ cũng có súng như các anh, và nếu mỗi người ấy biết suy nghĩ một chút xíu, thì khi anh nói với những người ấy rằng họ sẽ bị bỏ lại, hai bên khắc sẽ bắn nhau để dành quyền được đi trên xuồng. Điều quan trọng hơn nữa là hai chiếc xuồng đó sẽ không có nước nào muốn nhận, vì điện tín sẽ báo tin này cho tất cả các nước mà các anh có thể đến được, và báo ngay từ trước khi các anh đến nữa, nhất là với số người chết đông đảo mà các anh để lại. Các anh đến đâu cũng sẽ bị giữ lại lại và bị trao trả cho nước Pháp. Các anh biết là tôi từ Colombia trở về chứ, tôi biết rõ điều tôi nói. Tôi bảo đảm với các anh là sau chuyện ấy, ở đâu người ta cũng trả các anh về.

- Thôi được. Thế là cậu từ chối phải không?

- Phải.

- Lời cuối cùng của cậu đấy chứ

- Quyết định không thay đổi của tôi đấy.

- Vậy chúng tớ chỉ còn rút lui thôi.

- Chờ một chút đã, Tôi xin các anh đừng nói về dự định ấy với bất cứ bạn nào của tôi.

- Sao vậy?

- Vì tôi biết trước là họ sẽ từ chối, cho nên các anh đừng nói mà mất công.

- Được lắm.

- Các anh không thể từ bỏ kế hoạch này được sao?

- Thật tình mà nói, không được đâu, Papillon ạ.

- Tôi không hiểu nổi lý tưởng của các anh là gì, bởi vì tôi đã nói một cách rất đứng đắn với các anh là dù cuộc nổi loạn có thành công, các anh cũng không được tự do.

- Chúng tớ chỉ muốn trả thù. Và bây giờ cậu đã giải thích cho chúng tớ thấy là không thể đến đâu được, rằng không nước nào tiếp nhận chúng tớ, vậy, chúng tớ sẽ vào rừng và tụ tập thành một toán ở rừng vậy.

- Tôi hứa với các anh là sẽ không nói việc này ra với ai, ngay cả bạn chí thân.

- Chúng tớ cũng tin như vậy.

- Tốt. Một điều cuối cùng nữa: các anh tin cho tôi biết trước tám ngày để tôi đến đảo Saint-Joseph chứ không ở đảo Royale khi sự việc xảy ra.

- Cậu sẽ được báo trước kịp thời để có thể chuyển đến đảo khác.

- Tôi không thể làm gì để các anh thay đổi ý kiến được sao? Các anh có thể phối hợp với tôi làm điều gì khác được không? Chẳng hạn, ăn cắp bốn khẩu súng trường, và vào một đêm nào đó, tấn công vọng gác ca-nô, không giết ai cả, chỉ lấy một chiếc xuồng rồi cũng nhau trốn đi.

- Không, chúng tớ đã chịu đựng quá nhiều rồi. Cái chính đối với chúng tớ là trả thù, dù có phải chết.

- Thế còn những đứa nhỏ, những người đàn bà thì sao?.

- Tất cả đều cùng một lò, cùng một giòng máu mà ra. Tất cả phải chết.

- Thôi đừng nói chuyện này nữa.

- Cậu không chúc chúng tớ được may mắn?

- Không, tôi chỉ nói với các anh là hãy thôi việc ấy đi, có nhiều việc đáng làm hơn cái chuyện tồi tệ đó.

- Cậu không chấp nhận quyền được trả thù?

- Có chứ, nhưng không phải là bằng cách sát hại những người vô tội. Chào các anh.

- Chào cậu. Vậy là chúng ta không hề nói gì với nhau đấy nhé, phải không, Papi?

- Đồng ý.

Cả Hautin và Arnaud đã rút lui.

Chuyện này thật là tức cười. Hai thằng cha đúng là khùng, ngoài ra lại còn năm sáu chục thằng khác có liên can, rồi đến giờ H số ấy còn lên tới một trăm nữa. Thật là chuyện quái đản. Trong số các bạn tôi không hề có ai đả động gì đến việc này. Như vậy là hai thằng cha nọ chắc chỉ bàn với bọn trưởng giả thôi. Không hề có những tay thuộc giới giang hồ tham gia vụ này. Điều nghiêm trọng hơn nữa, là những kẻ trưởng giả giết người lại là những tên sát nhân thật sự, những kẻ giết người trong giới giang hồ thì khác hẳn.

Trong tuần này, tôi đã điều tra rất kín đáo về Arnaud và Hautin. Hình như Arnaud lãnh oan án chung thân về một tội không đáng tới mười năm tù. Các bồi thẩm kết tội hắn nặng như vậy do năm trước, anh của hắn đã bị chết chém vì giết một cảnh sát. Còn hắn thì do công tố viên nói nhiều đến người anh của hắn để tạo một không khí thù địch, nên hắn bị xử án nặng ghê gớm đến thế. Hắn lại còn bị tra tấn rất tàn nhẫn trong lúc bị bắt, cũng vẫn do những việc làm của người anh. Hautin chưa được hưởng tự do bao giờ, hắn ở tù từ năm lên chín. Vào hồi mười chín tuổi, hắn đã giết một người ngay trước khi ra khỏi nhà trừng giới một ngày để đăng lính hải quân, với mục đích thoát khỏi tù. Hắn ta có lẽ cũng hơi điên, vì dự định của hắn hình như là sang Venezuela, vào làm việc tại một mỏ vàng bên đó rồi sẽ tìm cách tự làm cho gẫy một chân để được hưởng một khoản tiền bồi thường lớn. Cái chân đó bị tê cứng do hắn tự chích thuốc gì tôi không rõ, từ hồi ở Saint- Martin de-Ré.

Có sự thay đổi bất ngờ. Sáng nay, trong buổi điểm danh, Arnaud, Hautin và em của Matthieu Carbonieri đã bị gọi đi.Cậu em tên Jean, là thợ làm bánh mì, nghĩa là làm việc tại bến cảng, gần nơi thuyền đậu. Họ bị chuyển đi đảo Saint Joseph mà không được giải thích gì, và cũng không có lý do rõ rệt. Tôi cố tìm hiểu. Không ai biết chút gì, thế mà Arnaud trông coi vũ khí đã bốn năm rồi, còn Jean Carbonieri là thợ làm bánh mì đã năm năm. Không thể là chuyện ngẫu nhiên. - Chắc phải có rò rỉ ở đâu, nhưng rò rỉ như thế nào và đến mức nào? Tôi quyết định bàn chuyện đó với ba người bạn thân: Matthieu Carbonieri, Grandet và Galgani. Cả ba đều không biết chút gì. Thế là Arnaud và Hautin chỉ rủ rê những tay sừng sỏ không thuộc giới giang hồ.

- Vậy thì sao bọn họ lại nói với tớ?

- Bởi vì tất cả ai ai cũng biết là cậu tính vượt ngục với bất kỳ giá nào.

- Nhưng không phải với giá đó.

- Bọn ấy không hiểu nồi sự khác biệt.

- Thế còn thằng Jean, em cậu?

- Làm sao mà biết được vì lý do gì nó lại đâm đầu vào làm cái việc ngu ngốc đó.

- Có thể có thằng kéo nó vào cuộc rồi quay ra giao động, và thằng em cậu không biết gì cả chăng?

Sự việc diễn biến thật mau lẹ.

Đêm ấy Girasolo bị giết khi vào nhà cầu. áo của anh da đen chăn trâu người Martinique có dính máu. Mười năm ngày sau một cuộc điều tra chớp nhoáng diễn ra và qua lời khai của một tên da đen khác bị cách ly, anh chăn trâu bị một tòa án đặc biệt kết án tử hình. Một gã giang hồ nhiều tuổi, tên là Garvel, dân Savoie, đến nói chuyện với tôi ở chỗ giặt áo quần ở ngoài sân.

- Papi này, tớ khó chịu quá vì tớ đã giết Girasolo. Tớ muốn cứu thằng nhỏ nhưng lại sợ bị chặt đầu. Phải trả cái giá ấy, thì tớ không nói đâu. Nếu nghĩ lại cái mẹo nào chỉ bị độ ba hay năm năm thì tớ tự thú rồi.

- Án khổ sai của anh là bao nhiêu?

- Hai mươi năm.

- Anh đã ngồi được bao nhiêu lâu rồi?

- Mươi hai năm.

- Anh hãy bằng lòng chịu án chung thân đi, như vậy anh không phải vào nhà lao cấm cố.

- Biết làm sao bây giờ?

- Cứ để tôi nghĩ đã. Đêm nay tôi sẽ nói với anh.

Tối đến, tôi nói với Garvel:

- Anh không thể tự thú và nhận đã làm việc đó được!

- Sao vậy?

- Anh có thể bị án tử hình. Chỉ có một cách để tránh nhà lao cấm cố là lĩnh án chung thân. Anh cứ tự thú đi. Lý do: lương tâm anh không cho phép anh để một người vô tội bị chết oan. Anh hãy tìm một cảnh binh người Corse để nhờ bào chữa cho anh. Tôi sẽ nói cho anh biết tên người đó, để tôi hỏi ý nó trước đã.

- Phải làm mau mau mới được. Không nên để thằng cha bị chặt đầu quá nhanh.

- Anh hãy cho hai ba ngày nữa.

Tôi đã bàn việc này với viên giám thị Collona. Anh ta đã mách cho tôi một ý kiến: tôi sẽ dẫn hắn đến gặp thiếu tá chỉ huỵ Và tôi nói là Garvel xin tôi bênh vực hắn, đưa hắn đến gặp ông để nhận tội. Tôi bảo đảm với hắn rằng, với hành động cao thượng này, không thể kết án tử hình hắn được, nhưng hắn cũng biết trường hợp của hắn là nghiêm trọng, và đã tính trước là sẽ lãnh án chung thân.

Mọi việc đều diễn ra một cách ổn thỏa. Garvel đã cứu được cậu oẳn da đen, cậu này được thả ngay lập tức. Kẻ làm chứng giả để buộc tội hắn lãnh một năm tù còn Garvel thì chung thân.. Hai tháng đã trôi qua. Bây giờ, khi mọi việc đã chấm dứt, Garvel mới kể cho tôi nghe đầu đuôi câu chuyện Girasolo, sau khi nhận lời tham gia cuộc nổi loạn và được biết những chi tiết của âm mưu này, đã tố cáo Arnaud, Hautin và Carbonieri, may mà nó không biết thêm tên ai. Được nghe tố cáo cái chuyện tầy đình này, bọn cảnh sát không tin. Tuy vậy, để phòng ngừa, chúng cũng chuyển đi Saint-Joseph ba tên tù bị nêu tên đó, nhưng không nói gì với chúng, không lục vấn chúng và không làm gì cả.

- Còn cậu, Garvel, vì sao cậu giết nó?

- Tớ viện cớ là nó đã ăn cắp plan của tớ. Rằng chỗ tớ nằm đối diện với chỗ nó - đó là sự thật - và ban đêm, tớ lấy plan ra giấu vào cái mền vẫn để gối đầu. Có đêm tớ đi cầu, khi tớ về chỗ thì plan của tớ bị mất. Lúc bấy giờ, quanh chỗ tớ, chỉ có một người thức, đó là Girasolo. Bọn lính tin cách giải thích của tớ. Họ cũng không nói cho tớ biết là nó đã tố giác một vụ nổi loạn.

- Papillon! Papillon ra điểm danh! - Ngoài sân có tiếng gọi.

- Có tôi đây

- Thu xếp đồ đạc. Lên đường đi Saint-Joseph ngay bây giờ.

- Chà! Mẹ kiếp!

Chiến tranh vừa nổ ra ở Pháp. Tình hình buộc phải có một kỷ luật mới: những viên chức đầu ngành mà để xảy ra một cuộc vượt ngục là bị cách chức ngay. Tù nhân nào bị bắt khi đang vượt ngục, sẽ bị tử hình. Việc vượt ngục bị coi như có động cơ muốn gia nhập các lực lượng của phe Nước Pháp Tự do đang phản bội tổ quốc. Việc gì cũng có thể dung thứ được, chứ vượt ngục thì dứt khoát là không. Thiếu tá Prouillet đi đã được hai tháng. Tôi chưa biết người chỉ huy mới, mà cũng chẳng biết làm gì. Tôi chào các bạn. Tám giờ, tôi đã ở trên tàu đi Saint-Joseph. Bố của Lisette không còn ở trại Saint-Joseph nữa. Tuần qua, ông đã cùng gia đình dời đi Cayenne. Chỉ huy tàu giao ngay tại bến cho tên lính trực cùng với giấy tờ kèm theo.

- Anh là Papillon hả?

- Thưa thiếu tá, vâng.

- Anh là một nhân vật kỳ cục lắm - Ông ta vừa nói vừa lật giấy tờ của tôi ra xem.

- Tại sao tôi lại là kỳ cục?

- Bởi vì một mặt, anh bị ghi là nguy hiểm về mọi phương diện, nhất là có một lời ghi chú bằng mực đỏ : "thường xuyên chuẩn bị vượt ngục" rồi lại, có ghi thêm: "bị cá mập bao vây, vẫn cố cứu con gái thiếu tá chỉ huy đảo Saint-Joseph". Tôi có hai con gái nhỏ, Papillon à, anh có muốn gặp chúng không?

Ông gọi hai đứa trẻ, lên ba và năm tuổi vào phòng làm việc của ông. Cả hai đều có mái tóc vàng, đi vào theo sau chúng là một tên A-rập còn trẻ, mặc toàn trắng và một phụ nữ tóc đen, rất xinh.

- Em ơi, em thấy người này không, anh ta đã cố cứu Lisette, con đỡ đầu của em, đấy.

- Ôi! Cho tôi được bắt tay anh nào, - người thiếu phụ nói.

Bắt tay một người tù khổ sai! Tính hồn nhiên và cái cử chỉ tự phát của bà ta làm tôi cảm động.

- Phải, tôi là mẹ đỡ đầu của Lisette. Chúng tôi rất thân với gia đình Frandoit. Thế mình có định làm gì cho anh này không, hả mình?

- Anh ta phải về trại giam đã. Rồi anh sẽ cho tôi biết anh muốn tôi phân cho anh việc gì nhé.

- Xin cảm ơn thiếu tá, cảm ơn bà. Xin ông cho tôi biết lý do vì sao tôi phải chuyển đến Saint-Joseph. Đối với tôi, đó gần như là một hình phạt.

- Theo tôi nghĩ thì không có lý do gì. Chẳng qua ông chỉ huy mới sợ anh vượt ngục.

- Ông ấy nghĩ không sai.

- Các hình phạt đối với những ai để tù vượt ngục đã được tăng lên. Trước chiến tranh, có khả năng bị mất một lon; bây giờ, đó là điều tất nhiên rồi, chưa kể các hình thức khác nữa. Vì vậy ông ta đưa anh đến đây, ông ta thà để anh vượt ngục từ Saint-Joseph không thuộc phạm vi của ông, còn hơn là từ Royale là nơi ông phải chịu trách nhiệm.

- Thưa thiếu tá, ông phải ở đây bao nhiêu lâu?

- Mười tám tháng.

- Tôi không thể nào chờ lâu đến thế được, nhưng tôi sẽ kiếm cách trở về Royale để khỏi phương hại đến ông.

- Cám ơn anh, - vợ ông ta nói. - Tôi rất sung sướng thấy anh xử sự cao thượng như vậy. Anh cần gì, cứ đến đây đừng ngần ngại. Ba này, ba ra lệnh cho vọng gác để Papillon có thể đến gặp em khi nào anh ta yêu cầu nhé.

- Được thôi, em yêu. Mohammed, đi theo Papillon về trại, còn anh, anh có thể chọn phòng anh muốn ở.

- Ồ, tôi thì rất dễ: tôi xin ở nhà giam những tù nguy hiểm.

- Điều đó không khó, thiếu tá cười, đoạn viết mấy chữ vào một tờ giấy đưa cho Mohammed.

Tôi rời căn nhà vừa là nhà ở vừa là văn phòng của thiếu tá bên bến tàu, đó là nhà ở trước đây của Lisette. Tôi đi về trại, theo sau là tên A-rập trẻ. Chỉ huy trạm gác là một người Corse, rất hung hãn, y là tay chuyên giết người mà ai cũng biết. Tên y là Filissari.

- Papillon, anh đến rồi đấy hả? Anh biết tính tôi đấy, tốt thì thật tốt, xấu cũng thật xấu. Anh đừng giở trò vượt ngục với tôi nhé, vì anh mà thất bại là tôi giết anh như giết con dán vậy. Hai năm nữa, tôi sẽ về hưu. Vì vậy bây giờ không phải là lúc gặp chuyện phiền toái.

- Ông biết rằng tôi vốn là bạn của tất cả những người Corse. Tôi không nói với ông là tôi sẽ không vượt ngục, nhưng nếu tôi vượt ngục, tôi sẽ thu xếp để việc đó không xảy ra vào phiên trực của ông.

- Vậy thì được, Papillon. Chúng ta không phải là kẻ thù của nhau rồi. Anh cũng hiểu đấy, bọn trẻ họ có thể chịu đựng những chuyện bực mình do một cuộc vượt ngục gây ra, còn tôi thì anh lạ gì? Với tuổi tôi, lại sắp về hưu nữa! Rồi, thế là hiểu nhau nhé. Còn bây giờ thì về chỗ ở đã chỉ định.

Thế là tôi lại vào trại, trong một văn phòng giống y như ở đảo Royale, chứa từ một trăm đến một trăm hai tù nhân. Ở đấy có thằng Pierrot rồ, Hautin, Arnaud và Jean Carbonieri. Đáng lẽ tôi phải về cùng nhóm với Jean vì nó là em Matthieu nhưng Jean không có cỡ như Matthieu, và do nó đánh bạn với Hautin. Arnaud tôi thấy không hợp. Cho nên, tôi gạt nó ra và về ở với Carrier, người Bordeaux, còn gọi là thằng Pierrot rồ.

Đảo Saint-Joseph hoang đã hơn đảo Royale, hơi nhỏ hơn Royale một chút nhưng vì dài hơn, nên trông như lớn hơn. Trại ở lưng chừng cao điểm của đảo, giữa hai khoảng đất bằng làm thành hai tầng kế tiếp nhau. Trại giam ở tầng thứ nhất; còn ở tầng trên là nhà lao cấm cố trứ danh mà mọi người ghê sợ. Nhân tiện cũng xin nói là phạm nhân bị giam cấm cố hàng ngày vẫn được đi tắm một giờ. Hy vọng rằng việc đó sẽ còn tiếp tục.

Hàng ngày, vào buổi trưa, tên A-rập làm việc cho thiếu tá đưa đến cho tôi ba cái cà-mèn xếp lồng vào một miếng sắt dẹt ở đầu có tay xách bằng gỗ. Hắn để ba ngăn cà-mèn lại và lấy những ngăn cà-mèn hôm trước về. Bà mẹ đỡ đầu Lisette hàng ngày gửi cho tôi những món mà bà đã nấu nướng cho gia đình bà ăn. Chủ nhật, tôi đến thăm và cảm ơn bà. Tôi ở đấy cả buổi chiều để chuyện trò với bà và chơi với các con bà, vuốt mớ tóc vàng của chúng, tôi tự nhủ, nhiều khi khó mà biết đâu là bổn phận của mình. Nguy cơ đang đè nặng lên gia đình này trong trường hợp hai thằng ngu kia vẫn giữ ý định thật là ghê gớm. Girasolo đã tố giác câu chuyện ra rồi mà bọn lính chẳng tin. Đến nỗi chúng không chịu tách mấy thằng kia ra, mà chỉ chuyển chúng đến Saint-Joseph. Nhưng nếu tôi nói thêm một câu để người ta tách chúng riêng ra từng thằng một, hóa ra tôi lại xác nhận sự kiện là có thật, cùng tính chất nghiêm trọng của chuyện tố giác nọ. Nếu thế thì phản ứng của cai tù sẽ ra sao? Tốt hơn cả là câm miệng lại.

Ở trại, Arnaud và Hautin hầu như không nói với tôi Thế lại hóa hay, chúng tôi đối xử với nhau nhã nhặn nhưng không thân mật, Jean Carbonieri không nói chuyện với tôi, nó tức vì tôi đã không về ở cùng nhóm với nó. Chúng tôi có bốn người: Pierrot rồ, Marquetti, đã từng đoạt giải nhì trong cuộc thi vĩ cầm ở Roma, nhiều khi cậu ta chơi đàn mấy giờ liền, làm tôi cũng buồn mang mác, và cả Marsori, dân Corse, vùng Sète, cũng vậy. Tôi không nói gì với ai, tôi có cảm giác là ở đây cũng không ai biết gì về cuộc chuẩn bị nổi loạn bị dang dở ở đảo Royale. Họ còn giữ những ý định ấy không? Cả ba đang làm lao dịch nặng nhọc. Họ phải kéo lê dưới nước những tảng đá to để xây một hồ bơi ngoài biển. Một tảng đá to được buộc chặt bằng xích, một sợi dây khác từ mười lăm đến hai mươi mét được nối vào đấy ở bên phải và bên trái. Mỗi tù nhân chẳng dây kéo của mình vào thân hay vào vai, móc đây đó vào một khâu của sợi xích dài. Rồi cùng một lúc, y như những con vật, họ phải kéo các tảng đá đến nơi đã định. Dưới trời nắng chói chang, đấy là một công việc nặng nhọc và chán ngấy.

Có tiếng súng trường, súng mút-cơ-tông và súng ngắn nổ vang ở phía bến tàu. Tôi hiểu ngay, lũ điên khùng đã hoạt động. Việc gì đã xảy ra vậy? Ai thắng? Tôi ngồi trong phòng, không động đậy. Những tay tù sừng sỏ đều nói: "Họ nổi loạn rồi!".

- Nổi loạn à? Nổi loạn thế nào? - Tôi cố tình tỏ ra cho mọi người thấy là tôi không biết gì. J

ean Carbonieri hôm đó không đi làm, sáng lại gần tôi, mặt tuy rám nắng mà vẫn tái mét như đã chết rồi. Nó nói lí nhí, "Nổi loạn đấy, anh Papi ạ". Tôi lạnh lùng hỏi nó: "Loạn gì? Tao không biết". Tiếng súng mút-cơ-tông vẫn tiếp tục nổ. Pierrot rồ chạy vào phòng.

- Nổi loạn nhưng hình như thất bại thì phải. Thật là một lũ điên? Papillon, mở dao ra đi, ít ra ta cũng phải giết được thật nhiều lính rồi có chết mới chết.

- Phải, - Carbonieri nói, - phải giết càng nhiều lính càng tốt.

Chissilia lấy ra một con dao cạo. Người nào cũng lăm lăm một con dao đã mở sẵn. Tôi nói với họ:

- Đừng có xử sự như những thằng ngu. Chúng ta có bao nhiêu mống?

- Chín.

- Bảy cậu hãy bỏ vũ khí xuống. Cậu nào hăm dọa lính gác, tôi sẽ giết ngay. Tôi không muốn bị bắn như thỏ trong căn phòng này. Cậu có tham gia vào vụ này không?

- Không.

- Còn cậu?

- Cũng không.

- Thế cậu này?

- Tôi chẳng biết nếp tẻ gì cả.

- Tốt. Chúng ta ở đây đều là dân giang hồ, không ai biết gì về cuộc nổi loạn của bọn trường giả cả. Hiểu không nào?

- Được rồi. Đứa nào đi tố giác và nhận rằng có biết ít nhiều điều gì là sẽ bị bắn chết ngay đấy. Bởi vậy, thằng nào ngờ nghệch nói ra là chẳng ăn cái giải gì đâu. Các cậu vứt cả vũ khí vào thùng phân đi. Bọn lính chắc cũng sắp đến đây rồi.

- Thế nhỡ cánh tù thắng thì sao?

- Nếu cánh tù thắng, ta cứ để cho chúng thu xếp và hoàn thành chiến thắng của chúng bằng một cuộc vượt ngục. Còn tôi, với cái giá này, tôi không ham. Các cậu thì sao?

- Chúng tôi cũng vậy, - tám người kia cùng đồng thanh nói, kể cả Jean Carbonieri.

Tôi không ho hé về những gì tôi vừa nhận thấy: không còn tiếng súng nổ nữa, và như thế nghĩa là cánh tù đã thất bại.

Quả thật là cuộc tàn sát đã được dự tính từ trước chưa thể nào mới đến giờ này mà đã xong xuôi được. Bọn lính vừa chạy như điên đến, vừa dùng báng súng, gậy, và chân thúc mấy người tù đi chuyển đá về. Chúng lùa họ vào căn nhà kế bên rồi cũng vào trong đó luôn. Đàn ghi-ta, măng-đô-lin, bàn cờ vua, cờ đam, đèn dầu, ghế băng, các chai đựng dầu, đường, cà phê, quần áo trắng, tất cả đều bị chà đạp phá hủy và bị vất ra ngoài. Bọn lính đập phá tất cả những gì mà quy chế không chính thức cho phép các phạm nhân được giữ. Có hai tiếng súng nổ, chắc chắn là tiếng súng ngắn.

Trại giam có tám tòa nhà. Bọn lính hành động như vậy ở cả tám tòa nhà, thỉnh thoảng còn dùng bán súng để phá. Một người trần truồng, rõ ràng là bị bọn lính giải về xà-lim để đánh cho nhừ tử, đã chạy về phía nhà giam. Bọn chúng đã đến các nhà ở phía trước và bên phải chỗ chúng tôi. Bây giờ chúng đang ở nhà thứ bảy. Chỉ còn lại căn nhà của chúng tôi. Cả chín đứa chúng tôi ai nấy đều vẫn ngồi yên ở chỗ của mình. Những người đi làm ở ngoài cũng chưa ai về. Người nào cũng chết dí tại chỗ của người nấy. Không ai nói gì. Miệng tôi khô rang, tôi đang nghĩ: "Mong cho đừng có thằng khốn nào lợi dụng lúc hỗn quân hỗn quan này để hạ thủ mình một cách vô tội vạ".

- Chúng nó đến đây rồi kia, - Carbonieri nói, hắn không còn hồn vía nào nữa.

Bọn lính, hơn hai mươi tên, ùa vào, súng mút cơ- tông hay súng ngắn lăm lăm trong tay sẵn sàng nhả đạn. Filissari la lối:

- Này, chúng mày chưa cởi hết quần áo ra à? Còn chờ gì nữa, đồ chó chết? Chúng mày sẽ bị bắt cả lũ.

- Cởi hết quần áo ra, chúng ta không muốn lột quần áo ở xác chúng mày ra.

- Thưa ông Fillissari...

- Câm mồm đi, Papillon. Đừng có xin tha tội ở đây. Cái chuyện chúng mày bày đặt ra nó quá ư nghiêm trọng. Ở trong phòng tù nguy hiểm này, chắc chắn cả bọn chúng mày đã tham gia.

Mắt y trợn trừng lên vằn đỏ những tia màu, ánh mắt tràn đầy sát khí.

- Chúng tôi có quyền, Pierrot nói.

Tôi quyết định đánh bài liều.

- Tôi ngạc nhiên thấy một người Corse như ông mà lại đi tàn sát những người vô tội? Ông muốn bắn hả? Được, không cần phải dài giòng làm gì, chúng tôi không thiết nữa đâu. Ông bắn đi, bắn cho mau đi. Trời đất ơi! Tôi tưởng ông cũng là một con người chứ, ông Filissari kia, một đệ tử chân chính của Napoléon! Nhưng tôi đã lầm. Cũng chẳng sao. Thậm chí tôi cũng những muốn nhìn thấy ông khi ông bắn chúng tôi nữa cơ. Tôi quay lưng lại đây. Này, các cậu quay lưng cả lại để người ta không nói là chúng mình định tấn công họ.

Và tất cả mọi người như một, đã quay lưng lại bọn lính. Bọn họ sững sờ trước thái độ của tôi, càng ngạc nhiên hơn vì trước đấy (việc này về sau tôi mới biết) Filissari đã bắn chết hai phạm nhân ở các nhà khác.

- Mày còn muốn nói gì nữa không, Papillon?

Vẫn quay lưng lại, tôi đáp:

- Chuyện nổi loạn này, tôi không tin chút nào. Sao lại nổi loạn? Để giết lính à? Rồi vượt ngục? Rồi đi đâu? Tôi đây, là chuyên viên vượt ngục, tôi từ ở rất xa, tận Colombia trở về. Tôi thử hỏi có nước nào lại chứa chấp những kẻ giết người rồi vượt ngục? Tên cái nước ấy là gì vậy? Đừng có ngu như thế, không một ai xứng đáng với danh hiệu một con người lại dính vào chuyện này làm gì.

- Mày, thì may ra có thể như thế, nhưng còn Carbonieri. Tao chắc chắn nó có tham gia, vì sáng nay thằng Arnaud và thằng Hautin ngạc nhiên thấy nó báo bệnh để không đi làm.

- Ông tưởng thế thôi, tôi bảo đảm là như vậy.

Và tôi quay mặt lại với y

- Tôi nói để ông hiểu ngay nhé. Carbonieri là bạn tôi, anh ta biết mọi chi tiết về chuyến vượt ngục của tôi, anh ta không có ảo tưởng gì hết, anh ta biết rõ hậu quả của một cuộc vượt ngục bằng cách nổi loạn.

Đúng lúc đó, thiếu tá chỉ huy đến. Ông ta đứng bên ngoài. Filissari đi ra. Thiếu tá gọi:

- Carbonieri.

- Có tôi

- Cho nó vào xà lim nhưng không được ngược đãi. Giám thị này, đi theo nó. Tất cả đi ra ngoài hết, chỉ các giám thị trưởng ở lại đây thôi. Đưa tất cả các tù nhân còn rải rác ở đảo về trại. Không được giết ai, cho tất cả về trại, không trừ một ai.

Thiếu tá chỉ huy trại, viên chỉ huy phó và Filissari cùng bốn lính gác bước vào phòng giam. Thiếu tá nói.

- Papillon, có một việc rất nghiêm trọng vừa xảy ra. Với tư cách chỉ huy trại giam, tôi có trách nhiệm rất nặng nề. Trước khi có vài biện pháp đối phó, tôi cần biết ngay một số tin tức. Tôi biết là trong thời điểm ngặt nghèo này, anh sẽ từ chối không nói chuyện riêng với tôi, vì thế, tôi đã đến đây. Giám thị Ductos đã bị giết. Bọn chúng còn muốn lấy vũ khí cất ở nhà tôi, đây là một cuộc nổi loạn. Tôi chỉ có vài phút thôi, tôi tin anh. Tôi hỏi ý kiến anh về việc này, thế nào?

- Nếu có nổi loạn, sao chúng tôi không biết gì cả? Sao không ai nói gì với chúng tôi? Có bao nhiêu người liên quan đến vụ này? Tôi đặt ra ba câu hỏi đó với ông thiếu tá và tôi sẽ trả lời, nhưng trước tiên, ông phải cho tôi biết, là sau khi họ giết giám thị và đoạt được súng của ông ấy rồi, tôi đoán chắc vậy, có bao nhiêu người đã hành động?

- Ba người.

- Đó là những ai?

- Arnaud, Hautin và Marceau.

- Tôi hiểu rồi. Dù ông muốn hay không, ông nghĩ thế nào tùy ý nhưng không có cuộc nổi loạn nào cả.

- Papillon, anh nói láo. - Filissari nói - Cuộc nổi loạn này đáng lẽ xảy ra ở đảo Royale, Girasolo đã tố giác, chúng tôi không tin là có. Nhưng bây giờ, rõ ràng những gì nó nói ra là đúng. Vậy là anh có ý bịp chúng tôi Pappillon!

- Nếu như ông nói là đúng, thì tôi đây, tôi là thằng đi tố cáo chăng, rồi cả Pierrot rồ nữa, rồi Carbonieri và Galgani cùng tất cả cánh lục lâm Corse ở đảo Royale, rồi cả cánh giang hồ nữa. Bất chấp những sự việc đã xảy ra, tôi vẫn không tin vào chuyện ấy. Nếu có cuộc nổi loạn, thì chúng tôi cầm đầu chứ không có ai khác.

- Anh nói chuyện gì mà lạ vậy? Không có ai liên quan đến việc này sao? Vô lý.

- Thế hành động của những kẻ khác là thế nào? Có ai ngoài ba thằng khùng ấy làm gì không? Ở đây, có ai nhúc nhích chân tay để chiếm vọng gác có bốn giám thị có súng, lại có cả ông xếp Filissari cũng có súng mút-cơ-tông nữa không? Có bao nhiêu tàu ở Sain- Joseph nào? Chỉ có một chiếc sà-lúp thôi? Thế là một sà-lúp dùng cho sáu trăm người à? Chúng tôi có ngu đâu? Rồi giết người để vượt ngục? Cứ cho là có hai mươi người đi được, thì rồi cũng sẽ bị bắt và phải đầu hàng ở bất cứ chỗ nào. Thưa thiếu tá, tôi không biết người của ông hay chính tay ông giết bao nhiêu tù, nhưng gần như chắc chắn đấy là những người vô tội. Và bây giờ lại đi phá tất cả các đồ đạc mà chúng tôi có được là nghĩa lý gì? Các ông tức giận có lý đấy, nhưng xin các ông đừng quên rằng ngày mà các ông không để cho đời sống của tù nhân được dễ chịu đôi chút, thì ngày đó đúng là sẽ có một cuộc nổi loạn, một cuộc nổi loạn của những kẻ tuyệt vọng, nổi loạn để cùng tự vẫn với nhau, đã chết thì chết chùm cả một thể: lính cũng như tù. Thưa ông Dutain, tôi nói với ông hết sức thành thật đấy, tôi cho là ông đáng được đối xử như vậy, chỉ vì ông đã đến tìm chúng tôi hỏi rõ tình hình trước khi quyết định. Xin ông để cho chúng tôi được yên.

- Thế còn những thằng đã liên quan đến vụ này? Filissan lại nói.

- Đó là việc các ông phải tìm ra. Chúng tôi không biết gì cả, về chuyện này, chúng tôi không giúp được gì cho các ông đâu. Tôi xin nhắc lại, đây là chuyện điên rồ của những thằng trưởng giả, chúng tôi không dính dáng vào đấy.

- Ông Filissarn, khi nào người ở phòng tù nguy hiểm này về hết, ông khóa cửa lại cho đến khi có lệnh mới. Đặt hai người gác ở cửa, không được đánh đập ai và đừng có phá phách các thứ của họ. Đi thôi!

Nói đoạn ông ta bỏ đi cùng với cả bọn cảnh sát. Phào! Phào! Hú vía! Vừa đóng cửa lại. Filissari vừa nói với tôi:

- Phúc tổ cho mày là tao lại là dân Corse!

Chưa đầy một giờ sau, gần hết những người thuộc căn nhà của chúng tôi đã về cả. Chỉ thiếu mười tám người: bọn gác đã nhận ra rằng trong lúc hốt hoảng cuống quít họ đã nhốt lầm mấy người này vào một nhà khác.

Khi tất cả đã cùng trở về, ở đâu về đó, chúng tôi mới biết rõ sự việc đã xảy ra như thế nào, vì tất cả những người đó đều đang đi làm cỏ-vê. Một anh kẻ trộm người Saint-Etienne đã thầm thì kể với tôi:

- Papi này, anh thử tưởng tượng là chúng tôi đang kéo một tảng đá nặng gần một tấn trên quãng đường dài gần bốn trăm mét. Con đường kéo đá không có đoạn nào gay go lắm, và chúng tôi đến một cái giếng cách nhà trại trưởng chừng năm mươi mét. Cái giếng vẫn là nơi nghỉ chân từ trước đến nay. Nó vừa có bóng dừa mát, lại ở giữa đoạn đường phải đi tiếp. Cho nên chúng tôi đã dừng lại như mọi ngày, chúng tôi kéo một xô nước giếng mát lịm lên uống, có mấy thằng thấm nước vào khăn để che lên đầu.

Mỗi lần nghỉ thường là mười phút, thằng lính gác cũng đến ngồi ở thành giếng. Hắn bỏ mũ ra, đang lấy khăn tay ra lau đầu và mặt thì Arnaud từ đằng sau tới tay cầm một cái cuốc, buông thõng xuống cho nên không ai biết mà báo cho thằng lính đề phòng. Giơ cuốc lên và dùng phía lưỡi bén bổ vào giữa đầu người lính chưa mất đến một giây đồng hồ. Đầu bị tách ra làm hai mảnh, người lính ngã sóng soài ra đất không kêu được một tiếng. Hautin đã đứng sẵn từ trước ở đó, chộp ngay lấy khẩu mút-cơ-tông, còn Marceau thì cởi thắt lưng và lấy khẩu súng ngắn.

Có súng trong tay, Marceau quay lại nói với cả bọn tù: "Đây là một cuộc nổi loạn, ai theo chúng tôi, thì đi cùng chúng tôi". Không có một tên giữ chìa khóa nào nhúc nhích hay kêu la, không có tù nhân nào tỏ ý muốn theo họ" – Cậu ta kể tiếp: -Arnaud nhìn chúng tôi khắp lượt rồi nói: "Đồ hèn! Cả lũ chúng mày ấy. Rồi chúng tao sẽ cho chúng mày thấy đã làm người thì phải thế nào?"

Arnaud lấy khẩu mút-cơ-tông từ tay Hautin rồi cả hai chạy về phía nhà thiếu tá. Marceau ở lại nhưng đứng tách riêng ra một bên. Cậu ta cầm một khẩu súng ta và ra lệnh: "Không được động đậy, không được nói, không được la hét. Còn bọn A-rập kia, nằm úp sấp xuống đất". Ở chỗ tôi đứng, tôi nhìn thấy rõ lắm.

Arnaud đang lên bậc thềm nhà thiếu tá thì thằng A-rập giúp việc ở đấy mở cửa đi ra, với hai đứa bé gái, một đứa dắt tay, một đứa bế bên hông. Cả hai bên đều sửng sốt, thằng A-rập đang bế đứa bé đá cho Arnaud một cái. Arhaud muốn giết hắn nhưng hắn đã thẳng tay đưa đứa bé ra để đỡ. Không ai kêu la, cả thằng A-rập lẫn những người khác. Khẩu mút-cơ-tông chĩa vào thằng A-rập đến bốn năm lần, ở đủ các góc độ khác nhau. Cứ mỗi lần như thế là đứa bé lại bị giơ ra trước nòng súng. Hautin không leo lên bậc mà đứng bên kéo ống quần của thằng A-rập.

Thấy mình sắp ngã đến nơi, nó quẳng cả đứa bé gái vào khẩu mút-cơ-tông của Arnaud. Bị mất thăng bằng trên bậc thang, Arnaud, đứa bé gái, thằng A-rập bị Hautin kéo chân, tất cả đều ngã đè lên nhau lỏng chỏng. Lúc đó mới có những tiếng la hét đầu tiên, trước hết là của hai đứa bé, rồi của thằng A-rập, rồi tiếng chửi rủa của Arnaud và Hautin. Thằng A-rập, nhanh tay hơn hai gã kia, đã nhặt được khẩu súng nhưng nó chi nắm được cái nòng, lại nắm bằng tay trái. Hautin lại tóm được cẳng hắn. Còn Arnaud thì nắm lấy cánh tay phải của hắn và bẻ xoắn lại. Thằng A-rập ném khẩu mút-cơ-tông ra cách xa mười mét.

Trong khi cả ba xông tới để cướp khấu mút-cơ- tông, thì có tiếng súng nổ lần đầu tiên, do người lính coi tù đi quét lá bắn tới. Ông thiếu tá hiện ra ở cửa sổ và bắn phát một, vì sợ bắn phải thằng A-rập, nên ông ta chỉ nhằm vào chỗ khẩu mút~cơ-tông rơi. Hautin và Arnand chạy trốn về phía trại theo con đường ven bờ biển, và vẫn bị súng bắn theo. Hautin chân bị tê cứng nên chạy không được nhanh, và đã bị hạ trước khi tới mép nước. Còn Arnaud thì lội xuống nước, khoảng giữa chỗ tù tắm và hồ bơi của lính. Chỗ ấy lúc nào cũng đầy cá mập. Arnand bị bao vây giữa những phát súng của một tên lính nữa vừa đến trợ lực và một tên lính coi tù đi quét lá. Y nấp sau một tảng đá to.

- Đầu hàng đi, sẽ được sống, - bọn lính kêu to.

- Không bao giờ, - Arnaud đáp lại, - tao thà cho cá mập phanh thây còn hơn là nhìn thấy bộ mặt khả ố của chúng mày.

Và y lội xuống biển, thẳng vào chỗ lũ cá mập tập trung ở đấy. Hình như y bi trúng một viên đạn vì y có dừng lại một lát. Thấy thế, bọn lính tiếp tục bắn. Arnaud lại đi chứ không bơi, thân bên trên y còn nhô lên trên mặt nước thì lũ cá mập đã tấn công y. Trông rất rõ y đâm một con cá mập đã phóng nửa người lên mặt nước để lao vào y. Rồi y đã bị phanh xác ra - hiểu theo nghĩa đen - vì lũ cá mập kéo tứ phía mà không cắn đứt chân tay y ra được. Chưa đầy năm phút sau y đã biến mất. Bọn lính đã bắn ít ra là một trăm phát súng xuống chỗ Arnaud và lũ cá mập đang quần nhau. Chỉ có một con cá mập bị chết; nó đã dạt vào bờ, ngửa bụng lên.

Thấy bốn phía đều có cảnh binh kéo tới, Marceau vất súng xuống giếng, hòng cứu lấy mạng mình, nhưng bọn A-rập đã đứng lên, dùng gậy và tay đấm, chân đá, dồn hắn về chỗ bọn lính, nói rằng nó có ở trong cuộc. Tuy hắn bê bết máu và đã giơ tay lên, bọn lính cũng dùng súng lục và mút-cơ-tông bắn vào hắn, và cuối cùng, một tên lính còn cầm đầu nòng khẩu mút-cơ-tỏng phang báng súng vỡ đầu ra cho chết hẳn. Bọn cảnh binh cũng xả đạn vào Hautin. Có cả thảy ba mươi tên, mỗi tên bắn sáu phát, và chúng đã cho cậu này ăn trước sau hơn một trăm hai mươi phát đạn. Filissari bắn chết những đứa bị bọn A-rập tố cáo là đã nhúc nhích định theo Arnaud nhưng sau lại chùn bước. Đó là chuyện bịa đặt một trăm phần trăm vì tuy có thể có những thằng đồng lõa, song không hề có một ai cựa quậy cả.

Đã hai ngày hôm nay, tất cả những tù nhân bị nhốt trong mấy căn phòng giam dành riêng cho từng loại rồi không ai được ra đi làm. Ở cửa, linh gác cứ hai giờ thay phiên một lần. Giữa các nhà, lại có những lính gác khác. Cấm nói từ nhà này sang nhà kia. Giữa hai hàng võng là lối đi; đứng tại lối đi đó, hơi chếch một chút,có thể nhìn ra sân qua cửa sát. Có cả những cảnh binh được đưa từ đảo Royale đến để tăng cường. Không một tù nhân nào được ở bên ngoài. Kể cả bọn A-rập giữ chìa khóa cũng vậy. Tất cả đều bị nhốt. Thỉnh thoảng, có một người trần truồng theo sau là lính, bị đưa đến khu xà lim giam tù bị phạt nhưng không thấy có tiếng kêu la hay tiếng đánh đập. Bọn lính thường đứng nhìn vào trong qua các cửa sổ bên hông nhà. Ở mỗi cửa ra vào, có hai lính gác, một ở bên trái, một ở bên phải. Thời gian gác ngắn, chỉ hai giờ nhưng họ không bao giờ ngồi, cũng không đeo súng lên vai: khẩu mút-cơ-tông tì vào cánh tay trái, luôn sẵn sàng nhả đạn. Tù nhân quyết định đánh bài poker, từng nhóm năm người một. Không đánh bài Marseillaise, cũng không chơi những thứ bài ăn lớn vì như thế quá ồn ào.

Marquetti đang kéo một bài sonate của Beethoven cũng bị ngăn lại. - "Không được chơi thứ nhạc ấy nữa, lính chúng tôi đang có tang". Một không khí căng thẳng khác thường đè nặng không phải chỉ trên trại giam mà trên toàn trại. Không có cà phê, không có xúp. Buổi chiều chỉ có một mẩu bánh mì, trưa thịt hộp, chiều thịt hộp, bốn người một hộp. Vì các thứ đồ lề của chúng tôi không bị phá hủy, nên chúng tôi có cà phê và thực phẩm: bơ, dầu, bột mì, v.v... Các nhà khác không còn gì. Khi chúng tôi đun nước pha cà phê và khói ở trong nhà xí bay ra, một tên cảnh binh bắt tắt lửa đi. Người đun nước là một tù nhân thuộc giới giang hồ trở về già, người Marseille, tên là Niston, thường pha cà phê để bán. Lão đã trả lời lính gác một cách xấc xược: - "Anh có muốn tắt lửa thì vào mà tắt lấy đi". Thế là tên lính bắn qua cửa sổ mấy phát súng. Cà phê và lửa đành biến vội. Niston bị trúng đạn vào chân.

Mọi người đều cảm thấy quá căng và tưởng lính bắt đầu bắn chúng tôi nên ai nấy liền nằm sấp xuống đất. Chỉ huy phiên gác vào giờ đó lại vẫn là Filissari. Y chạy như điên đến, theo sau có bốn lính. Người lính vừa bắn xong, gốc vùng Auvergne, đang trình bày sự việc xảy ra. Filissari chửi anh ta bằng tiếng Corse, còn anh nọ không nghe được gì, chỉ biết nói: - "Tôi không hiểu gì cả". Chúng tôi lại lên võng ngồi. Chân Niston bị chảy máu.

- Đừng nói là tôi bị thương. Chúng nó sẽ khử tôi luôn ở ngoài đó mất.

Filissari đến gần cửa sắt. Marquetti nói gì với y bằng tiếng Corse.

- Cứ làm cà phê, chuyện này sẽ không xảy ra nữa.

Nói xong y bỏ đi. May cho Niston là viên đạn không nằm trong chân: gặp đoạn cơ bắp, nó ra ở phía nửa chân bên kia. Bọn tôi buộc ga rô cho lão, máu ngưng chảy và sau đó lão được băng bó với nước giấm.

- Papillon, ra đây.

Lúc bấy giờ đã tám giờ rồi: bên ngoài trời tối đen.. Tôi không biết mặt người lính đã gọi tôi, có thể đấy là một người gốc Bretagne.

- Tại sao tôi lại phải ra ngoài vào giờ này? Tôi chẳng có việc gì ở ngoài ấy cả.

- Thiếu tá muốn gặp anh.

- Bảo ông ta đến đây. Tôi không ra đâu.

- Anh từ chối không đi hả?

- Phải, tôi từ chối không đi đấy.

Các bạn tôi vây thành một vòng quanh tôi. Người gác nói qua cánh cửa vẫn đóng kín. Marquetti ra cửa nói:

- Chúng tôi không để Papillon ra khỏi đây nếu không có thiếu tá.

- Thì chính ông ta cho kiếm Papillon đấy mà.

- Vậy thì bảo ông ấy cứ lại đây.

Một giờ sau. hai tên lính trẻ đến trước cửa phòng có tên A-rập giúp việc ở nhà thiếu tá đi theo. Tên này đã cứu ông và ngăn chặn được cuộc nổi loạn.

- Papillon ơi, tôi là Mohammed đây. Tôi đến tìm anh, thiếu tá muốn gặp anh, ông ấy không thể đến đây được.

Marquetti nói với tôi:

- Papi này, thằng cha ấy mang súng mút-cơ-tông đấy.

Tôi ra khỏi vòng người do các bạn tôi quây thành và lại gần cửa. Quả thật Mohammed đang cầm trong tay một khẩu súng trường. Một tên tù khổ sai lại được chính thức mang súng trường? Chuyện khó tin lại có thật.

- Đi thôi, tên A-rập nói. Tôi đến đây để cùng đi theo anh và để bảo vệ anh, nếu cần.

- Nhưng tôi không tin là cần.

Tôi ra ngoài, Mohammed đi cạnh tôi, có hai tên lính đi theo sau. Tôi đến sở chỉ huy. Đi ngang qua vọng gác ở ngoài cổng trại. Filissari nói với tôi:

- Papillon, tôi mong anh không có gì phải phàn nàn về tôi đấy.

- Riêng tôi thì không có gì, trong phòng giam tù nguy hiểm cũng không ai có gì phàn nàn về ông. Còn ở chỗ khác thì tôi không biết.

Chúng tôi đi xuống nhà thiếu tá. Căn nhà và bến tàu được thắp đèn đất cốt tỏa ánh sáng ra xung quanh nhưng chẳng được bao nhiêu. Trong khi đi đường. Mohammed đưa cho tôi một bao thuốc lá Gauloises. Khi bước vào gian phòng được hai cây đèn đất chiếu sáng, tôi thấy có thiếu tá chỉ huy đảo Royale, viên chỉ huy phó của ông ta, thiếu tá chỉ huy Saint-Joseph, viên chỉ huy và viên chỉ huy phó của nhà lao cấm cố trên đảo Saint-Joseph. Bên ngoài tôi thấy bốn tên A-rập, và có bốn cảnh binh giám sát. Tôi nhận ra hai tên thuộc toán cỏ-vê hữu quan.

- Papillon đến rồi ạ - Tên A-rập nói.

- Chào anh, Papillon, - thiếu tá trại trưởng Saint- Joseph nói.

- Chào ông.

- Anh ngồi xuống ghế này.

Tôi ngồi đối mặt với tất cả mọi người. Cửa phòng để mở, trông vào bếp, tôi thấy bà mẹ đỡ đầu Lisette giơ tay thân mật chào tôi.

- Papillon này, - thiếu tá trại trường Royale nói, - anh được thiếu tá Dutain coi là người có thể tin cậy được. Anh đã chuộc tội bằng cách cố cứu sống đứa con đỡ đầu của bà ấy. Tôi thì chỉ biết anh qua những báo cáo chính thức, coi anh là một tù nhân nguy hiểm về mọi mặt. Tôi muốn bỏ qua các báo cáo ấy và tin vào ông Dutain đồng sự của tôi. Chắc chắn rồi sẽ có một phái bộ đến đây để điều tra, và các tù nhân các loại ai cũng phải khai ra những điều gì mình biết. Chắc chắn là anh và một vài người nữa, có uy tín lớn đối với các tù nhân, và họ sẽ răm rắp nghe lời anh. Chúng tôi muốn biết ý kiến anh về cuộc nổi loạn và cả những điều mà anh đã ít nhiều thấy trước là những người trong khối anh, rồi sau đó là những người khác, có thể khai ra.

- Tôi không có gì để khai ra cả, cũng không có bổn phận gây ảnh hưởng gì đối với lời khai của những người khác. Nếu có một phái bộ đến để điều tra thật sự, thì trong tình hình hiện nay, các ông sẽ bị cách chức hết.

- Anh nói gì lạ vậy, Papillon? Tôi và các đồng sự của tôi ở Saint-Joseph đã ngăn chặn được cuộc nổi loạn kia mà!

- Có lẽ riêng ông, ông sẽ thoát được, nhưng các ông chỉ huy ở Royale thì không thoát được đâu.

- Anh hãy nói cho rõ đi nào. - Hai viên chỉ huy ở đảo Royale đứng lên rồi lại ngồi xuống.

- Nếu các ông cứ chính thức nói là có cuộc nổi loạn, các ông đều sẽ lãnh đủ. Nếu các ông chịu chấp nhận các điều kiện của tôi, tôi sẽ cứu tất cả các ông trừ Filissari.

- Điều kiện gì?.

- Thứ nhất, sinh hoạt ở đây phải trở lại nếp bình thường ngay lập tức, bắt đầu từ ngày mai. Chỉ khi nào chúng tôi nói chuyện được với nhau bình thường, chúng tôi mới tác động được vào mọi người về những điều phải khai với ban thanh tra.

- Có đúng không nào?

- Đúng - Dutain nói.

- Nhưng tại sao lại phải cứu chúng tôi?

- Bởi vì từ đảo Royale, các ông không phải chỉ huy đảo Royale mà chỉ huy cả ba đảo nữa.

- Đúng.

- Và các ông đã dược Girasolo báo cáo là có một cuộc nổi loạn đang được âm mưu chuẩn bị. Cầm đầu là Hautin và Arnau chứ gì.

- Cả Carbonieri nữa, - tên lính gác nói.

- Không, điều đó là sai. Girasolo có thù riêng với Carbonieri từ khi còn ở Marseille. Nó đã tố giác thêm anh ta một cách vô căn cứ. Nhưng các ông có tin là có nổi loạn đâu. Tại sao vậy? Vì hắn nói là cuộc nổi loạn này nhằm mục đích giết đàn bà, trẻ con, bọn A-rập và các cảnh binh. Điều đó có vẻ khó tin. Mặt khác, ở Royale có tám trăm người mà chỉ có hai chiếc sà-lúp, còn ở Saint-Joseph có sáu trăm người mà chỉ có một chiếc sà-lúp. Không một người chín chắn nào lại đi chấp thuận một mưu đồ như thế.

- Làm sao anh biết được tất cả những điều đó?

- Đấy là việc của tôi. Nhưng nếu các ông cứ nói mãi về cuộc nổi loạn, dù cho các ông có thủ tiêu tôi đi, và nhất là khi các ông làm thế thật, thì tất cả những điều ấy sẽ lộ rõ và sẽ được chứng minh rành rọt. Do đó trách nhiệm sẽ thuộc về đảo Royale, đã chuyển những người kia đi Saint-Joseph, lại không tách rời họ ra. Quyết định hợp lý duy nhất - cho nên nếu cuộc điều tra thấy được thì các ông sẽ không tránh khỏi những hình thức kỷ luật nặng nề đấy - là đưa người này đến đảo Quỷ, người kia đến Saint-Joseph. Nhưng tôi vẫn thừa nhận là khó có thể tin được câu chuyện đó do lũ điên rồ ấy bày ra được. Tôi nhấn mạnh là nếu các ông nói đến nổi loạn, các ông sẽ sa lầy đấy. Vậy nếu các ông chấp nhận điều kiện của tôi, thì thứ nhất là, như tôi đã nói, mọi việc phải trở lại bình thường ngay từ ngày mai; thứ hai, tất cả những ai bị nhốt vào xà lim vì tình nghi có âm mưu nổi loạn phải được thả ngay - cũng không được tra hỏi những người đó về phần đồng lõa của họ trong cuộc nổi loạn, bởi vì không làm gì có nổi loạn; thứ ba là ngay bây giờ, Filissari phải được đưa tức khắc về đảo Royale trước hết để đảm bảo an toàn cho chính ông ta: bởi vì một khi không hề có nổi loạn thì làm thế nào biện bạch được việc giết chết ba người kia. Sau nữa vì ông ta là một kẻ giết người ti tiện, và khi sự việc xảy ra ông ta đã hành động trong một tâm trạng sợ hãi đến cùng cực: ông ta toan giết chết tất cả mọi người, kể cả chúng tôi ở trong phòng giam. Nếu các ông chấp nhận những điều kiện đó, tôi sẽ thu xếp để tất cả mọi người đều phát biểu là Arnaud, Hautin và Marcean đã hành động với mục đích làm sao gây ra thật nhiều tai họa trước khi chết. Những gì họ làm không thể lường trước được. Họ không có tòng phạm, không hề tâm sự với ai. Theo nhận xét của toàn thể phạm nhân, dó là những kẻ đã quyết định tự vẫn bằng cách ấy, giết càng nhiều người càng tốt, trước khi họ bị giết: mục đích của họ là làm sao khiêu khích cho lính bắn vào họ. Nếu các ông ai muốn, tôi xin vào trong bếp để các ông bàn luận và trả lời cho tôi sau.

Tôi đi vào bếp và đóng cửa lại. Bà Dutain bắt tay tôi và đưa cà phê với cả rượu cô nhắc cho chúng tôi uống. Tên A-rập Mohammed nói:

- Anh không nói gì cho tôi à?

- Đó là việc của ông thiếu tá. Một khi ông ấy đã giao súng cho cậu, tức là ông ấy định tha tội cho cậu đấy.

Bà mẹ đỡ đầu của Lisette nhẹ nhàng nói với tôi:

- Các ông ở đảo Royale lần này thì lãnh đủ nhé.

- Tất nhiên rồi, thừa nhận có cuộc nổi loạn ở Saint- Joseph mà ai cũng bắt buộc phải biết rõ, trừ ông chồng bà, đối với họ dễ quá.

- Papillon này, tôi nghe được hết và tôi hiểu ngay là anh muốn làm điều tốt cho chúng tôi.

- Đúng vậy, thưa bà Dutain.

Cửa mở ra và một lính vào gọi.

- Papillon, qua đây.

- Anh ngồi xuống đi, - thiếu tá chỉ huy đảo Royale nói. - Sau khi bàn luận với nhau, chúng tôi nhất trí kết luận là anh nói đúng: không hề có nổi loạn. Ba tù nhân đó đã quyết định tự vẫn và trước khi chết, họ cố giết được càng nhiều người càng tốt. Vậy là mai mọi việc hàng ngày sẽ lại như cũ. Ngay đêm nay, ông Filissari sẽ được chuyển về đảo Royale. Giải quyết trường hợp của ông ta là việc của chúng tôi, nên chúng tôi cũng không yêu cầu anh cộng tác với chúng tôi. Chúng tôi trong vấn đề này chỉ mong anh giữ lời hứa.

- Các ông cứ tin ở tôi. Xin chào các ông.

- Mohammed và hai ông giám thị hãy đưa Papillon về phòng. Và mời ông Filissari vào đây. Ông ta sẽ đi với chúng tôi về đảo Royale ngay.

Trên đường về, tôi nói với Mọhammed rằng tôi hy vọng là anh ta sẽ được thả. Anh ta cảm ơn tôi.

- Bọn chỉ huy muốn cậu làm gì thế?

Trong cảnh im lặng hoàn toàn, tôi kể lại rõ ràng và tỉ mỉ từng câu một, những gì đã xảy ra.

- Nếu có ai không đồng ý hay có gì chỉ trích những gì tôi đã nhân danh tất cả mà thỏa thuận với các cấp chỉ huy ở đây, xin cứ nói ra.

Tất cả đều nhất trí tán thành.

- Cậu cho rằng họ tin là không còn ai liên quan đến vụ này sao?

- Không đâu, nhưng nếu họ không muốn bị cách chức thì họ bắt buộc phải tin như vậy. Cả chúng ta nữa, nếu chúng ta không muốn gặp chuyện rắc rối, chúng ta cũng phải tin như vậy.

Bảy giờ sáng hôm nay, tất cả các tù nhân bị giam ở xà lim đều được thả về chỗ cũ. Có trên một trăm hai mươi người. Chưa ai đi làm nhưng tất cả các phòng giam đều được mở cửa và ngoài sân đầy những tù nhân được tự do hút thuốc, thoải mái chuyện trò, ngồi ngoài nắng hay trong bóng râm. Niston đã được đưa đi bệnh viện. Carbonieri cho tôi biết là có những tấm bìa ghi hàng chữ: "Tình nghi tham gia vào vụ nổi loạn" được treo trước cửa ít ra từ tám mươi đến một trăm xà-lim. Lúc này đây, được tập trung đông đủ, chúng tôi mới biết rõ sự thật. Filissari chỉ giết có một người, những người khác bị hai tên lính trẻ giết, hai tên này bị mấy phạm nhân giết, trong bước đường cùng: tưởng mình sắp bị giết, các phạm nhân này đã cầm dao lao bừa vào lính, cố giết lấy một người trước khi chết. Thế là một vụ nổi loạn thật sự may sao đã phá sản ngay từ đầu để trở thành một cuộc tự vẫn kỳ quặc của ba tù nhân khổ sai: đấy là luận đề hình thức được mọi người, cả ban Quản trị lẫn tù nhân, công nhận. Còn lại là truyền thuyết hay chuyện thật, tôi không biết nói thế nào cho chính xác.

Hình như việc mai táng ba người bị giết ở trại cùng với Hautin và Marceau được tiến hành như sau: vì chỉ có một cỗ quan tài có rãnh trượt để thả các thi hài xuống biển, nên bọn lính đặt tất cả các xác chết xuống lòng thuyền rồi cả năm cái xác được ném bằng tay xuống cho cá mập. Khi tiến hành việc liệng xác, họ tính rằng, trong lúc những thi thể ném xuống trước đang bị cá mập cắn xé thì những thi thể ném sau đã được buộc đá vào chân có đủ thời gian chìm sâu xuống nước. Tôi được nghe kể lại rằng không có cái xác nào chìm xuống nước cả, và cả năm cái xác đó, được liệm vải trắng vào lúc chập choạng tối, đã nhảy múa như những con rối thật sự, được miệng và đuôi lũ cá mập đưa đẩy trong một bữa tiệc thịnh soạn xứng với Nabuchodonozor. Cảnh tượng hãi hùng đó đã làm cho đám tù chèo thuyền và đám lính gác hốt hoảng tháo lui.

Một ban thanh tra đã tới, ở lại gần năm ngày trên đảo Saint-Joseph, và hai ngày trên đảo Royale. Tôi không bị tra hỏi riêng mà cũng chỉ như mọi người. Qua thiếu tá Dutain, tôi biết là mọi việc đều êm thấm. Filissari được nghỉ phép chờ ngày về hưu, như vậy là lão ta sẽ không trở lại đảo này nữa. Mohammed được ân xá hoàn toàn, và thiếu tá Dutain được gắn thêm một lon. Vì thế nào cũng có những kẻ không được vừa lòng nên hôm qua, một tù nhân người Bordeaux đã hỏi tôi:

- Giúp đỡ cho bọn coi tù như vậy, phỏng chúng ta có được xơ múi gì?

Tôi nhìn thẳng vào y:

- Chẳng được gì mấy: chỉ có độ năm, sáu chục tù không bị giam vào ngục cấm cố về tội tòng phạm, cậu thấy thế là không có gì hả?

May mắn là cơn giông tố đó đã dịu dần. Một sự thỏa thuận ngầm giữa cai tù và tù đã hoàn toàn vô hiệu hóa ban thanh tra trứ danh nọ, mà có lẽ chính ban thanh tra cũng chỉ mong sao mọi việc được ổn thỏa cho rồi.

Về phần tôi, tôi chẳng được gì cũng chẳng mất gì nếu không nói đến sự biết ơn của các bạn tôi đã không phải chịu đựng một kỷ luật khắt khe hơn. Trái lại, lao dịch kéo đá đã được bãi bỏ. Đó là một lao dịch kinh khủng. Bây giờ trâu kéo đá, tù nhân chỉ xếp đá vào chỗ đã định. Carbonieri được trả về lò bánh mì. Tôi tìm cách trở về đảo Royale. Ở đây thì không có công xưởng nên không thể đóng bè được.

Việc Pétain lên cầm quyền ở Pháp làm quan hệ giữa tù nhân và giám thị nặng nề thêm. Tất cả các nhân viên thuộc chính quyền đều lớn tiếng tuyên bố theo phải Pétain, và có một lính gác người Normandie đã nói với tôi:

- Cậu có muốn nghe tôi nói với cậu điều này không, Papillon? Tôi chưa bao giờ theo phải Cộng hòa cả. Ở đảo, không ai có máy thu thanh và không ai biết được tin tức gì. Ngoài ra, lại có tin đồn là chúng tôi tiếp tế cho tàu ngầm Đức ở Martinique và Guadeloupẹ Thật không sao hiểu nổi.

Luôn luôn nổ ra những cuộc tranh luận.

- Mẹ kiếp! Cậu có muốn tớ nói cho cậu biết không, Papi. Bây giờ mới là lúc nổi loạn, để trao các đảo cho nước Pháp của De Gaulle.

- Cậu cho là ông Charlot cao kều ấy cần nơi giam tù khổ sai à? Để làm gì?

- Thì để có được hai ba ngàn quân chứ còn sao?

- Những thằng hủi, những thằng ngớ ngẩn, lao phổi, kiết lỵ hả? Cậu không đùa đấy chứ? Ông ta không ngốc đến nỗi phải ôm lấy lũ tù khổ sai đâu.

- Thế hai ngàn tù còn khỏe mạnh thì sao?

- Đấy lại là chuyện khác. Đúng là người, nhưng không phải là những người có khả năng cầm súng. Cậu tưởng chiến tranh giống như đi ăn cướp đấy hả? Ăn cướp chỉ mười lăm phút là xong, chiến tranh kéo dài hàng năm. Muốn trở thành một chiến sĩ tốt, phải có lòng tin của người yêu nước. Cậu có tin hay không mặc cậu, tớ không muốn ở đây có lấy một thằng nào dám hy sinh thân mình cho nước Pháp.

- Hy sinh làm quái gì, sau khi nước Pháp đã đối xử với chúng ta như thế này?

- Cậu đã thấy tớ nói có lý chưa? May mà ông Charlot cao kều đã có những người khác các cậu để tiến hành chiến tranh. Nhưng cũng phải nhớ là bọn Đức khốn nạn đang ở trên đất nước chúng ta! Lại có những thằng Pháp đi với tụi chúng nữa. Tất cả quan và lính ở đây, không trừ ai, đều nói là chúng ủng hộ Pétain. Bá tước Bérac nói: "Giá có thể liều thân đánh nhau với Đức thì đó cũng là một cách để chúng ta chuộc tội".

Thế là sinh ra cái hiện tượng sau đây: trước kia chưa có tù nhân nào nói đến việc chuộc tội. Thế mà bây giờ tất cả mọi người, từ dân giang hồ đến dân trưởng giả, tất cả các phạm nhân khổ sai khốn khổ ấy đều thấy lóe lên một tia hy vọng.

- Thế để được gia nhập vào hàng ngũ của De Gaulle, chúng mình sẽ nổi loạn chứ hả Papillon?

- Đáng tiếc là tớ chẳng cần phải chuộc tội đối với bất cứ ai cả. Tớ ngồi xổm lên cái công lý của nước Pháp với cái mục "phục hồi nhân phẩm" của nó. Tớ sẽ tự tay mình chứng minh là tớ đã "phục hồi nhân phẩm" rồi. Nhiệm vụ của tớ là vượt ngục, để khi được tự do, sẽ trở thành một người bình thường, sống trong xã hội mà không gây nguy hại gì cho xã hội đó. Tớ không tin rằng một con người có thể chứng minh một cái gì khác bằng một cách gì khác được. Tớ sẵn sàng tham gia bất cứ hành động nào để đạt mục đích vượt ngục. Trao quần đảo này cho ông Charlot cao kều không phải là việc của tớ, và tớ chắc rằng ông ta cũng chẳng thiết. Vả lại nếu ta làm như vậy, cậu có biết những thằng cha ngồi trên chóp bu sẽ nói gì không? Rằng chúng mình chiếm đảo để được tự do, chứ không phải để làm một nghĩa cử vì nước Pháp tự do. Mà cậu nào có biết ai đúng, ai sai. De Gaulle hay Pétain? Tớ thì tớ chẳng biết cái cóc khô gì cả. Đất nước bị chiếm đóng, tớ cũng đau khổ như mọi người dân thường, tớ nghĩ đến những người thân của tớ, đến bố mẹ, đến các chị em tớ, đến các cháu tớ.

- Chúng ta lo lắng như vậy cho cái xã hội chẳng thương xót gì chúng ta ấy làm quái gì nhỉ.

- Điều ấy cũng là bình thường, vì bọn cảnh sát và bộ máy luật pháp của nước Pháp, bọn hiến binh, bọn cảnh sát, chúng không phải là nước Pháp. Đấy là cả một tầng lớp riêng biệt, gồm những kẻ tâm địa hoàn toàn méo mó. Bây giờ có biết bao nhiêu kẻ như thế sẵn sàng trở thành đầy tớ cho bọn Đức? Tớ cá với cậu là cảnh sát Pháp đang bắt bớ đồng bào của chúng để giao cho bọn cầm quyền Đức. Thôi nhé. Tớ đã nói và tớ nhắc lại rằng tớ không tham gia vào một cuộc nổi loạn, với bất cứ lý do gì. Trừ phi là để vượt ngục, nhưng cũng còn phải xem vượt ngục như thế nào đã.

Những cuộc tranh cãi rất gay gắt đã nổ ra giữa các phe phái trong trại. Kẻ ủng hộ De Gaulle, kẻ ủng hộ Pétain. Thật ra chẳng ai hiểu gì cả, vì như tôi đã nói, cả giám thị lẫn tù nhân, không ai có cái máy thu thanh nào. Tin tức có được đều do các tàu đi ngang qua đem đến cho chúng tôi một ít bột mì, rau khô và gạo. Đối với chúng tôi, chiến tranh đứng từ xa như vậy mà nhìn, thật khó hiểu. Nghe đâu như có một người đến Saint-Laurent- du-Maroni để tuyển mộ lính cho lực lượng tự do. Tù nhân chẳng biết gì hết, chỉ biết một điều là bọn Đức đóng khắp nước Pháp. Có một sự kiện vui vui: một linh mục đến đảo Royale có thuyết giảng sau khi làm lễ. Ông ta nói: - "Nếu các đảo bị tấn công, các anh sẽ được phát súng để giúp các giám thị báo vệ đất đai của nước Pháp" Chuyện thật mười mươi đấy. Ông cha ấy ngộ nghĩnh thật, và không biết ông ta hiểu về chúng tôi ra thế nào mà lại đi thuyết giảng như vậy được. Chắc ông ta đánh giá trí khôn của chúng tôi chẳng cao chút nào. Kêu gọi tù nhân đi bảo vệ nhà giam của họ. Thật là chuyện kỳ quặc khó nghe nổi.

Đối với chúng tôi, chiến tranh có nghĩa là: người gác tăng gấp đôi từ lính quèn đến chỉ huy trưởng và chánh giám thị; rất nhiều thanh tra, một số thanh tra nói giọng Đức hay giọng Alsace rất rõ; rất ít bánh mì: chỉ còn bốn trăm gam; rất ít thịt. Chỉ có một thứ được tăng là giá biểu phải trả cho một cuộc vượt ngục thất bại: tử hình. Vì thêm vào bản án về tội vượt ngục là: "mưu toan chạy sang hàng ngũ những kẻ thù của nước Pháp". Tôi ở đảo Royale đã được bốn tháng nay. Tôi đã có một người bạn lớn là bác sĩ Germain Guibert. Vợ bác sĩ, một người đàn bà khác thường, đã nhờ tôi trồng cho bà một vườn rau để giúp bà sống được trong cái chế độ ăn uống hạn chế này. Tôi đã trồng trong vườn của bà nào rau xà lách, nào cải củ, đậu đũa, nào cà chua, và cà tím. Bà rất khoái và coi tôi như một người bạn tốt.

Ông bác sĩ này không bao giờ bắt tay một viên giám thị, bất kể ở cấp bực nào, nhưng lại thường bắt tay tôi và một vài tù nhân khác mà ông đã biết rõ và đem lòng quý trọng. Sau này, khi được tự do, tôi đã liên hệ lại với bác sĩ Germain Guibert qua bác sĩ Rosenberg. Ông đã gởi cho tôi một tấm hình ông chụp cùng với vợ trên bến Canebière ở Marseille. Ông đã chết ở Đông Dương vì cố cứu một thương binh rơi lại phía sau. Ông là một con người phi thường và vợ ông cũng tương xứng với ông. Năm 1976, khi về Pháp, tôi định đến thăm bà. Sau tôi lại thôi vì bà đã không viết thư cho tôi sau khi bà cho tôi một giấy chứng nhận mà tôi cần xin bà. Từ đó,tôi không được tin tức gì của bà nữa. Tôi không biết lý do của sự im lặng này, nhưng trong đáy lòng tôi vẫn giữ mãi một mềm tri ân sâu sắc đối với cả hai ông bà về cách họ đối xử với tôi trong gia đình họ ở Royale. Vài tháng sau, tôi đã có thể trở về đảo Royale rồi.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.