Khải Băng. Tôi Mới Là Chồng Em

Chương 17




Giữa giờ mão, Thiên Vũ lên đường tiếp tục đi về phía Tây. Hai ngày sau đã đến Diên An. Chàng lững thững thúc lừa vào thành tìm nơi lót dạ.

Đường chính trong thành lót đá xanh bằng phẳng, rộng rãi. Nhà cửa hai bên san sát, kiến trúc chắc chắn nhưng đơn giản, nương nhờ dưới bóng mát của những cây cổ thụ rất cao.

Thấy cạnh đường có năm bảy người xúm lại quanh một đại hán đang quỳ, chàng tò mò lại gần. Thiên Vũ cũng là người cao lớn, nhưng hán tử này có vẻ cao hơn. Thân hình vạm vỡ, bắp thịt cuồn cuộn như muốn căng rách bộ y phục cũ. Gương mặt sạm đen thô lậu, mày rộng, mắt lồi, miệng rộng, lúc này trông rất thê lương. Trước mặt lúc này có tấm giấy màu vàng có chữ lớn: “Mại thân tán mẫu” và ghi giá là tam bách lượng bạch ngân.

Với giá này, người ta có thể mua được sáu bảy tráng đinh, vì vậy chẳng ai thèm hỏi đến. Họ chỉ đứng xem vì nhàn rỗi.

Thiên Vũ xúc động trước lòng hiểu thảo của hán tử, chàng nhớ đến mẫu thân lưu lạc phương nào không rõ, nên bước xuống vòng tay hỏi :

- Xin hỏi huynh đài sao lại phải cần một số bạc lớn như vậy để tống táng bá mẫu?

Hán tử chớp đôi mắt hổ đáp :

- Tiên mẫu là người Cam Túc, lúc sanh thời thường muốn được về nơi mảnh đất quê nhà. Nay phận làm con lẽ nào không cố làm theo di chí? Đường xa ngàn dặm nếu không có đủ ba trăm lượng, khó mà vận chuyển linh cữu về đến chốn.

Thiên Vũ nghĩ mình cũng đang trên đường sang đất Cam nên vui vẻ nói :

- Huynh đài quả là bậc hiếu tử hiếm có. Tiểu sinh xin góp một tay để làm sáng tỏ luân thường.

Chàng đưa cho gã tấm ngân phiếu năm trăm lượng và bảo :

- Huynh đài cứ coi như năm trăm lượng này là do tiểu sinh đi phúng điếu, không phải mua bán gì cả.

Hán tử lắc đầu :

- Vô công bất thụ lộc, dù công tử rộng lượng như trời biển nhưng Quán Hưu này quyết làm nô bộc để trả ơn. Nếu công tử không nhận thì Quán Hưu này xin từ tạ.

Thiên Vũ đành phải chịu :

- Thôi được, ta nhận lời.

Quán Hưu mừng rỡ dập đầu ba lạy, nhận lấy ngân phiếu, cuốn tờ giấy lại rồi hỏi :

- Chẳng hay chủ nhân phương danh qúy tánh ra gì và đang định đi đâu?

- Ta tên gọi là Lục Thiên Vũ cũng đang trên đường đến Cam Túc.

Hán tử mừng rỡ :

- Vậy xin mời chủ nhân đến tệ xá, tiểu nhân mau chóng thu xếp, ngày mai sẽ lên đường.

Căn nhà tranh của Quán Hưu ở ngoại thành, dưới chân một ngọn đồi cao. Trong nhà có vài người hàng xóm và thân thích. Họ thấy gã đi cùng một chàng công tử mỹ mạo, dáng vẻ tôn quí, biết rằng gã đã bán được thân.

Thiên Vũ sợ đường quá xa, tử thi sẽ bốc mùi hôi thúi nên thầm suy nghĩ. Chàng chợt nhớ ra trong độc kinh có một chất độc, làm cho da thịt cứng lại và không bi hủy hoại. Chàng nói ý mình cho Quán Hưu nghe. Gã phấn khởi đáp :

- Chủ nhân kiến thức uyên bác. Nếu được vậy thì quá tốt.

Chàng viết dược phương, bảo gã quay lại thành mua áo quan, xe ngựa và dược vị.

Thiên Vũ ra nói với Thần Lư :

- Hắc thúc, hán tử kia có việc tang ma, mong hắc thúc đưa hắn đi.

Thần Lư hí nhẹ, gục gặc đầu như hiểu ý, Quán Hưu nhìn con lừa xấu xí, nhỏ bé tỏ vẻ không tin rằng có thể cõng nổi gã. Thiên Vũ nghiêm giọng bảo :

- Hắc thúc là thần lư hiếm có trong thiên hạ, dù hai người như người vẫn chở được. Mau lên lưng và nhớ chỉ dùng lời nói yêu cầu chớ không được đánh đập.

Quán Hưu tuân lời. Qủa nhiên hắc lư phóng nhẹ nhàng như tên bắn. Đến cuối giờ mùi gã đã về đến, theo sau là một cỗ xe ngựa chở một quan tài bằng gỗ thượng hạng và hai phu khâm liệm. Chất độc cương thi tán rất dễ pha chế, chàng làm xong thì hai tên gõ tắc cũng đã đặt tử thi vào hòm. Thiên Vũ rắc đều cương thi tán lên thi hài và khắp áo quan, bảo họ đóng chặt.

Đêm đó, một nhà sư ở chùa gần đấy đến tụng kinh, cầu siêu. Sáng ra, hai người hộ tống linh cữu nhắm hướng tây mà rong ruổi.

Quán Hưu đích thân làm xà ích. Thiên Vũ cưỡi lừa đi bên cạnh. Dọc đường trò chuyện chàng mới biết Quán Hưu tuổi mới hai mươi lăm, chuyên nghề đốn củi nuôi mẹ, sức mạnh như thần, tay không đánh chết hổ báo. Năm mười sáu tuổi vào rừng gặp dị nhân truyền thụ võ nghệ, thiện dụng đao và quyền pháp. Thấy gã trung hậu, cương liệt chàng rất yêu thương nên bảo rằng :

- Này Quán Hưu, nếu cứ xưng chủ bộc ta rất băn khoăn. Nay ta noi gương tiên phụ, nhận ngươi làm tiểu đệ.

Quán Hưu cảm động nói :

- Chủ nhân khí độ rộng rãi, tiểu nhân xin tuân lệnh.

Từ đó gã gọi chàng bằng đại ca, một lòng tôn kính, hầu hạ. Hai người mang theo quan tài nên không tiện nghé vào tửu điếm sang trọng các trấn, mà chỉ dừng chân nơi nhà trọ nhỏ bé, nghèo nàn ven đường.

Quán Hưu rất áy náy cho chàng nhưng Thiên Vũ cười đáp :

- Bậc đại trượng phu không chịu nổi gian khổ thì mong sao thành việc lớn?

Chàng đã cho gã biết thân thế bi thảm và mối thù với Tình Ma của mình. Gã tự thề sẽ phò tá chàng suốt đời.

Từ Diên An muốn vào Cam Túc phải đi qua Lan Châu. Càng về tây địa thế càng cao, núi đồi trùng điệp ngập ghềnh nên cước trình rất chậm. Nếu không nhờ cương thi tán thì thi hài Quán mẫu đã thối rữa từ lâu vì thời tiết quá nóng.

Còn hơn hai trăm dặm mới đến Hoàng Hà, họ dừng chân bên một khu rừng ven quan lộ. Quán Hưu cũng là một trang hảo tửu nhưng vì nhà nghèo chẳng bao giờ được uống nhiều. Nay gặp Thiên Vũ tửu lượng cao cường nên gã vui sướng như rồng gặp mây.

Trong xe chở linh cữu lúc nào cũng có sẵn nhang đèn, lương khô và rượu ngon. Quán Hưu đánh xe vào dưới tàn cây rồi chải chiếu, bày biện chén đũa, rượu thịt. Gã thắp hương cho mẫu thân xong, mời Thiên Vũ dùng bữa.

Được vài tuần rượu, Quán Hưu bỗng gãi đầu ấp úng nói :

- Đại ca, tiểu đệ mang ơn đại ca thành toàn ý nguyện, chẳng biết lấy gì đáp lại.

Nay có chút tuyệt kỹ mong người hạ cố nhận lấy để phòng thân. Đường lên Thiên Sơn còn hai ngàn dặm, cường sơn thảo khấu rất nhiều. Tiểu đệ thấy đại ca thần lực kinh nhân, nếu học quyền pháp thì rất thích hợp.

Thấy y có lòng thành chàng nhận lời. Gã bèn đem khẩu quyết và chiêu thức của Phục Lôi Thần Quyền ra giảng giải. Gã không ngờ chàng cực kỳ thông tuệ, căn cơ bẩm sinh rất thích hợp để luyện võ nên chỉ đến chiều là lãnh hội hoàn toàn. Hơn nữa, cách biến chiêu của chàng còn linh hoạt hơn cả Quán Hưu. Dù không biết cách dồn nội lực vào nắm tay, nhưng song quyền của chàng cũng mạnh như búa bổ. Hai người đối chiêu tập luyện, cuối cùng Quán Hưu trúng liên tiếp mấy quyền, chịu không nỗi la lên oai oái rồi chịu bại, gã hết lời tán tụng :

- Đại ca quả là thần nhân, tiểu đệ phải mất hơn một năm mới luyện xong ba mươi sáu chiêu này.

Gã hứng chí xách thanh đao nặng ba mươi cân biểu diễn pho Phục Lôi Khoái Đao.

Chàng đã luyện xong hai pho Thiên Sơn và Ngọc Nữ kiếm pháp nên biết đao pháp này cực kỳ lợi hại, sinh lòng hiếu võ, quyết học cho được.

Từ đó, mỗi lần dừng chân hạ trại, Quán Hưu lại truyền dạy đao pháp cho chàng.

Bốn ngày sau, chàng đã nắm được tinh túy và thuộc lòng khẩu khuyết. Nhưng đao pháp cần phải có nội công mới phát huy được nên chàng không chú ý bằng quyền thuật.

Gần bến đò qua sông Hoàng Hà có một trang viện rất lớn, cổng chính sừng sững treo một bảng gỗ sơn son thiếp vàng đề năm chữ : “Thanh Long bang Tổng đàn”.

Đã là trọng địa của một bang phái ắt phải phòng bị sum nghiêm, thường nhân chẳng dám lại gần. Thế mà một đám đông đang xúm lại xem cáo thị dán tại góc tường bên tả.

Thiên Vũ từ ngày ăn Hỏa Kim Ngư, nhãn quang chàng sáng như sao, lại ngồi trên lưng lừa nên đọc thấy nội dung : “Thanh Long bang Bang chủ bị độc xà cắn phải, ai trị khỏi bệnh sẽ thưởng ba vạn lượng bạc.”

Nói vê độc dược thì phải nói đến độc vật vì đa số các chất độc đều chiết xuất từ nọc rắn. Tính chàng hào hiệp nên muốn ra tay giúp đỡ. Sợ cứu nhằm kẻ dữ nên chàng xuống lừa, đến bên một lão trượng hỏi nhỏ :

- Kính bẩm lão gia, chẳng hay hành vi Thanh Long bang thế nào? Tiểu sinh có biết chút y thuật, nhưng vì chưa biết đối phương thiện hay ác nên còn ngần ngại.

Lão già nhìn dung mạo thanh nhã, đường chính của chàng nên yên tâm đáp :

- Thanh Long bang anh hùng trượng nghĩa, cứu khốn phò nguy, thường giúp đỡ bá tánh trong vùng. Nếu công tử quả có tài diệu thủ thì xin hãy ra tay, đừng ngần ngại. Lê thứ huyện Phượng Tường rất biết ơn công tử.

Chàng yên tâm cảm tạ rồi quay lại xe tang bảo Quán Hưu :

- Bệnh nhân là một người tốt, được dân chúng trong vùng tôn kính. Ta muốn thử giúp một phen. Nếu thành công cũng là tạo phúc cho bá tánh.

Quán Hưu tán thành. Thiên Vũ bước đến bảo tên võ sĩ gác cổng :

- Tiểu sinh là Lục Thiên Vũ, có biết chút ít về độc xà. Xin được vào xem bệnh trạng của Trang chủ. Nếu không đủ tài phục dược sẽ đi ngay.

Tên võ sĩ mừng rỡ kính cẩn mời chàng vào trong. Cơ ngơi của Thanh Long bang quả là bề thế, chung quanh sân rộng là những dãy nhà xinh xắn, phòng biện rất nhiều.

Đến khách sảnh, một đại hán râu rậm bó cằm, khí phách uy vũ bước ra tiếp đón :

- Tại hạ là Triệu Tử Ngang, trưởng tử của Bang chủ, xin bái kiến công tử.

Thấy chàng còn quá trẻ, gã không khỏi mất niềm tin. Nhưng bệnh tình phụ thân quá trầm trọng, gã đành phải thử xem. Thiên Vũ vòng tay nói :

- Cứu nhân như cứu hỏa, xin cho tiểu sinh được gặp lịnh tôn.

Triệu Tử Ngang mau mắn rước chàng vào hậu sảnh. Bang chủ đang nằm mê mang, thiêm thiếp trên trường. Mặt mũi và toàn thân sưng vù, tím đen, hơi thở yếu ớt mong manh. Triệu phu nhân ngồi bên sụt sùi khóc lóc.

Dưỡng phụ của chàng là Lục Thám Vi cũng hiểu chút ít về y lý nên Thiên Vũ cũng hiểu được đôi chút. Chàng thăm mạch, cởi áo bệnh nhân ra quan sát rồi tư lự rất lâu, cố nhớ lại đoạn nào trong độc kinh nói về hiện tượng bệnh lý này.

Cuối cùng, chàng mỉm cười nhẹ nhõm quay sang Tử Ngang nói :

- Có lẽ Bang chủ bị một loại độc xà tên là Hồng Bạch Giáp Xà cắn phải. Con vật này thân nhỏ bằng mút đũa, dài chừng hai thước, quanh mình có những khoang trắng đỏ xen kẽ.

Tử Ngang mừng rỡ nói :

- Công tử y đạo thần thông, mới nhìn đã đoán ra ngay độc vật. Qủa đúng như vậy, độc xà đã bị phụ thân vung chưởng đánh chết cách đây mười ngày.

Thiên Vũ hỏi lại :

- Chẳng hay xác rắn đâu rồi?

- Tại hạ đã chôn sâu trong vườn.

- May quá, xin huynh đài cho người đào lên lấy bộ xương của nó.

Chàng mượn văn phòng tứ bảo, viết toa thuốc đưa cho gã rồi nói :

- Tiểu sinh còn một người tiểu đệ đang giữ xe linh cữu ở ngoài cổng trang. Xin huynh đài cho phép y vào trong trang nghỉ ngơi. Anh em tiểu sinh đang hộ tống di hài mẫu thân về đất Cam chôn cất.

Tử Ngang là khách giang hồ từng vào sinh ra tử, theo phụ thân chiến đấu hàng trăm trận nên không hề kiêng kỵ tiểu tiết. Gã hớn hở đáp :

- Công tử an tâm, tại hạ sẽ đưa cả tang xa vào trang.

Chưa đầy nửa canh giờ, dược vị và bộ xương rắn đã đầy đủ. Thiên Vũ bảo a hoàn rửa sạch bằng rượu mạnh rồi bỏ tất cả vào niêu đất nấu lên.

Khi còn đúng một chén, chàng rót ra nhờ Triệu phu nhân dùng muỗng nhỏ đổ vào miệng Bang chủ.

Độc kinh quả là thần diệu. Chỉ sau hai khắc thời gian, Triệu bang chủ đã mở mắt, hắc khí trên mặt tan đi, ông cất tiếng thì thào :

- Ta còn ở dương gian hay đã đến chốn hoàng tuyền đây?

Mọi người mừng rỡ khôn cùng, Triệu phu nhân và Tử Ngang phục xuống lạy tạ :

- Ơn cứu tử trượng phu, tiện phụ cùng các con xin suốt đời ghi nhớ.

Thiên Vũ lúng túng đỡ họ lên :

- Xin bá mẫu và huynh đài chớ bận tâm. Tiểu sinh hâm mộ đức độ của Bang chủ nên liều ra tay trị thử, ngờ đâu may mắn thành công.

Tử Ngang lấy trong đầu giường ra một phong bì, kính cẩn đưa cho chàng :

- Đây là ngân phiếu ba vạn lượng, mong công tử nhận cho.

Thiên Vũ nghiêm mặt lắc đầu :

- Không cần đâu, tiểu sinh hỏi thăm dân chúng Phượng Tường, biết Thanh Long bang và Bang chủ hành vi trượng nghĩa, là phúc tinh của lê thứ vùng này nên cố giúp một tay. Chỉ mong chư vị tiếp tục yêu thương bá tánh, duy trì tinh thần nghĩa hiệp là tiểu sinh mãn nguyện rồi. Số bạc này xin dành để cứu giúp những người bần khổ.

Triệu bang chủ lúc này đã tỉnh táo, tai nghe rõ những lời nhân nghĩa của Thiên Vũ, lão cố gượng đưa ngón tay cái lên khen ngợi và nói :

- Hảo trượng phu. Lão phu chỉ xin công tử ở lại đêm nay để lão phu có dịp hầu chuyện.

Chàng nghĩ trời cũng đã quá ngọ nên ưng thuận :

- Bá phụ có lời mời, tiểu sinh xin mạo muội làm khách một đêm.

Chàng theo Tử Ngang ra khách sảnh, thấy Quán Hưu đang ngồi chờ bên bàn bát tiên. Gã cười hỏi :

- Có thành công không đại ca?

Tử Ngang cướp lời :

- Lục công tử y đạo như thần đã cứu được gia phụ, mời chư vị vào trong tắm gội, tại hạ sẽ bày tiệc mừng.

Đến giờ dậu, tiểu yến đã xong, ngoài Tử Ngang còn có tám vị đường chủ, được tin Bang chủ thoát khỏi Quỷ Môn Quan mau chóng tập chung về.

Ai nấy đều đến cảm tạ Thiên Vũ, ánh mắt hân hoan. Người cuối cùng là Đường Chủ Hình Đường Quách Hy. Chàng là người minh mẫn, nhãn quang sắc bén nên nhận ra nét gượng gạo trong đôi mắt họ Quách. Điều này làm chàng tư lự rất lâu, nhớ đến nguồn gốc của Hồng Bạch Giáp Xà, chàng đoán ra nội tình Thanh Long bang có điều phức tạp.

Mọi người ăn uống vui vẻ được hơn một canh giờ, thì Triệu bang chủ được hai tỳ nữ dẫn ra. Tử Ngang nhường chủ vị cho thân phụ rồi ngồi bên cạnh.

Triệu Xương hỏi Thiên Vũ :

- Lão phu nghe trong người đã hồi phục, nhưng xin hỏi thần y xem có thể uống vài chung được không?

Chàng vòng tay đáp :

- Nọc độc xà có tính âm hàn, nếu uống vài chung lại càng giúp cho dược phương mau có tác dụng. Xin bá phụ cứ tùy tiện.

Bang chủ phấn khởi nâng chén lên mời, cả bàn uống cạn.

Lão khà một tiếng ngon lành rồi hỏi :

- Chẳng hay Lục công tử quê quán ở đâu và học y thuật của ai?

- Bẩm Bang chủ, tiểu sinh quê quán Hồ Nam, học được chút nghề của gia phụ, hiện đang trên đường hộ tống linh cữu mẫu thân Quán tiểu đệ về đất Cam.

Triệu lão ngỏ lời chia buồn cùng Quán Hưu và hỏi sự tình vì thấy tuổi tác gã cao lớn hơn Thiên Vũ. Họ Quán thành thực kể lại sự việc. Triệu Xương càng thêm khâm phục nhân phẩm của Lục công tử. Được vài chung, lão rút ra trong áo một thẻ bài bằng đồng đen, nhỏ bằng bàn tay giơ cao lên rồi nói :

- Lão phu năm nay đã bảy mươi tuổi, tự hào xét người không lầm. Nay thấy Lục công tử nhân phẩm tôn quý, hậu vận tất là bậc anh hùng cái thế. Xin công tử nhận lấy Thanh Long lệnh bài và chức danh Phó bang chủ. Sau này lão phu có chết đi, xin công tử giúp gìn giữ sự nghiệp Thanh Long bang. Đó cũng là giúp phần tạo phúc cho võ lâm và bá tánh vậy.

Tử Ngang biết phụ thân thâm mưu viễn lựu ắt tính toán chẳng sai. Lại tự hiểu mình có dũng mà kém phần cơ trí, nên rất mừng được người hỗ trợ. Lòng gã cũng đang biết ơn và yêu mến Thiên Vũ.

Các Đường Chủ bị bất ngờ nhưng không ai dám phản đối. Thiên Vũ nhân đây quang sát sắc diện Quách Hy. Qủa nhiên ánh mắt gã tóe hung quang.

Chàng biết nếu từ chối sẽ làm bẽ mặt Triệu Xương nên đứng dậy vòng tay thưa :

- Bang chủ đã có lòng thương thì tiểu sinh xin nhận. Nhưng nếu tương lai chỉ là một tên học trò tầm thường thì tiểu sinh hoàn lại lệnh bài và phải phụ lòng kỳ vọng của Bang chủ.

Tử Ngang và tám vị Đường Chủ đều uống rượu mừng chàng. Đầu giờ hợi, Triệu Xương cáo mệt vào trong và dặn chàng khi tan tiệc sẽ theo Tử Ngang vào phòng riêng gặp lão.

Vì sáng mai còn phải lên đường sớm, chàng xin phép đi nghỉ, mọi người cũng giải tán. Tử Ngang dẫn Thiên Vũ vào hậu sảnh. Vừa vào đến phòng, chàng bảo nhỏ Tử Ngang :

- Xin huynh đài điều ngay một toán đệ tử thân tín nhất, kín đáo bảo vệ hậu sảnh rồi hãy nói chuyện.

Triệu Xương giật mình nhưng ra hiệu cho Tử Ngang làm theo. Lát sau, gã bước vào báo :

- Việc canh phòng đã bố chí xong, xin công tử cho biết ẩn tình.

Chàng cười trấn an :

- Có lẽ tiểu sinh quá đa tâm, nhưng dù sao cũng phải thử một phen. Xin hỏi Bang chủ và Triệu huynh, Quách Hy Đường Chủ gần đây có việc gì phải sang Tây Vực không?

Tử Ngang giật mình :

- Sao công tử biết? Cách đây ba tháng, Quách Đường Chủ có xin phép đến Thanh Hải để thăm bào đệ.

Thiên Vũ gật gù nói :

- Như vậy là đúng rồi, chính Quách Hy là người đã thả rắn ám hại Bang chủ, vì loại Hồng Bạch Giáp Xà chỉ có ở Tây Vực, vào Trung thổ không thể sống được nửa năm. Nếu hôm Bang chủ ngộ nạn mà họ Quách có mặt ở Tổng đàn thì chẳng thể sai được. Độc xà này ban ngày mắt rất kém, chỉ khi bị đạp nhầm hay đụng chạm vào người mới cắn mà thôi. Có lẽ Quách Hy đã núp sẵn nơi hoa viên, chờ Bang chủ đi dạo mới tung độc xà đến.

Triệu bang chủ vỗ đùi căm phẫn :

- Công tử nói chẳng sai. Hôm ấy ta đang hóng mát ngoài vườn, chợt nghe sau lưng có tiếng gió, xoay người vung chưởng đánh bật ra thì bị độc xà cắn vào tay. Không ngờ lão phu nuôi ong tay áo.

Thiên Vũ nói với vẻ cân nhắc :

- Chuyện này vô cùng quan trọng, vạn nhất tiểu sinh đoán nhầm, lại oan một mạng công thần của bang thì tội lỗi vô cùng. Ngày mai, Bang chủ sai y tống tiễn tiểu sinh một đoạn đường, Bang chủ lục soát tư gia của y, nếu còn một con nữa là đúng. Độc xà luôn có một đôi trống mái.

Triệu bang chủ cảm phục vỗ vai chàng khen :

- Lục công tử cơ trí tuyệt luân, Thanh Long bang sau này có chỗ sở cậy. Bây giờ đến lượt lão phu nói chuyện của mình.

Lão trèo lên giường, lật nệm lấy trong chỗ bí mật ra một bản đồ gia dê, đưa cho Thiên Vũ rồi nói :

- Đây là vật kỳ bảo của võ lâm, chỉ dẫn vị trí nơi lưu trữ tuyệt học của Thiên Hà thượng nhân. Sư phụ ta đã truyền lại nhưng không ai đủ cơ trí và phúc phận. Nay trao cho công tử, biết đâu gặp được kỳ duyên, luyện thành thần công tuyệt thế, tạo phúc cho giang hồ. Sáng mai công tử cứ lên đường, chuyện của Quách Hy để ta đối phó. Khi đến Lan Châu sẽ có đệ tử bổn bang báo cáo kết quả.

Cuối giờ mão hôm sau, Tử Ngang bày rượu tống hành, nhờ Quách Hy thay mặt đưa tiễn Thiên Vũ một đoạn đường, chỉ sang bên kia sông mà thôi.

Họ Quách chẳng chút nghi ngờ liền tuân lệnh.

Thuyền lớn của Thanh Long bang vượt Hoàng Hà một cách dễ dàng.

Đến bờ tây, Quách Hy cáo biệt quay về. Thiên Vũ đi thêm vài dặm đã đến Lan Châu, chàng cùng Quán Hưu vào một phạn điếm dùng cơm trưa. Dù mới đầu giờ tỵ nhưng mấy chung rượu tiễn biệt làm chàng thấy đói. Hai người chậm rãi ăn uống và chờ đợi.

Xe linh cữu đậu trước quán nên rất dễ nhận ra. Đến cuối giờ ngọ, một bang chúng phi ngựa như bay, dừng cương bước vào cúi mình khẽ bẩm :

- Cung bẩm Phó bang chủ, có thư của Bang chủ.

Chàng nhận lấy bảo gã ngồi xuống uống vài chung, rồi mở thư ra xem thấy chỉ có mấy chữ :

“Công tử đoán việc như thần, Quách Hy đã nhận tội và tự sát. Xin tặng năm ngàn lượng để làm lộ phí.

Triệu Xương thủ bút”

Chàng biết không thể trả lại nên đành nhận lấy rồi bảo gã bang chúng :

- Ngươi về bẩm lại với Bang chủ rằng ta có lời cảm tạ.

Gã uống được vài chung nghe sảng khoái nên cấp tốc lên đường.

Cố hương cửa mẫu thân Quán Hưu ở cách thành Lan Châu hơn trăm dặm về phía tây. An táng xong, Quán Hưu đổi xe song mã lấy một con ngựa tốt rồi theo Thiên Vũ đi về hướng tây bắc.

Lần này không có xe tang nên cước trình nhanh hẳn lên, xế chiều đã đi hơn trăm dặm. Hai người vào một tửu quán trong huyện thành Kỳ Sơn ăn uống. Thiên Vũ rất ngạc nhiên khi thấy khách giang hồ ngồi chật cả mấy chục bàn, tăng đạo có đủ. Cũng may còn trống một bàn.

Bỗng lão già gầy ốm có hàng râu dê vàng hoe lên tiếng, như muốn nói cho cả quán cùng nghe :

- Lão phu không hiểu sao tin đồn về việc trong Vạn Độc Đàm trên Kỳ Liên sơn có bí thất của Thiên Hà thượng nhân lại lan truyền khắp võ lâm như vậy? Nếu lão phu là người biết đầu tiên, chẳng dại gì tiết lộ ra. Không chừng đây là một âm mưu cực kỳ hiểm độc?

Đạo trưởng râu dài ngồi giữa quán tán đồng :

- Đàn việt không hổ danh Tái Gia Cát, bần đạo cũng rất băn khoăn. Nhưng chuyện này quan hệ rất lớn đến võ lâm hiện nay, nên chẳng ai dám bỏ qua.

Một lão tăng râu bạc trắng, dung mạo từ bi tiếp lời :

- A di đà Phật! Huyền Hư chưởng môn nói chăng sai. Bổn tự cũng vì việc này mà phái bần tăng đến đây.

Tái Gia Cát Cần Thúc buồn rầu nói :

- Vạn Độc Đàm là nơi hiểm độc nhất trần gian, trong vòng hai mươi dặm quanh bờ hồ không vật nào sống nổi. Mỗi ngày chỉ ngưng tỏa độc từ giờ thìn đến giờ thân mà thôi. Thiên Hà thượng nhân có là tiên thánh cũng không thể ẩn cư dưới đáy đầm được.

Hoa Sơn trưởng lão là Thốc Đầu Ưng Lý Tư Huấn nói :

- Triệu Bá Câu cũng đã dẫn hai trăm môn đồ đến, lão này đâu phải người ngu ngốc? Không hiểu lão sẽ dùng cách nào để xuống được bí thất?

Thiên Vũ nghe nhắc đến Thiên Hà thượng nhân liền rúng động tâm thần. Chàng giục Quán Hưu ăn cho no rồi tìm một khách điếm qua đêm.

Nhưng đâu đâu cũng đầy cả, cuối cùng chàng đành xin trọ trong một nhà dân.

Thấy chàng tướng mạo thiện lương lại đưa trước năm lượng bạc nên chủ nhà vui vẻ nhận lời.

Tắm rửa xong, chàng khêu tỏ đèn, lấy họa đồ ra xem xét. Quả nhiên có một đường gãy khúc giống hình dạng của núi Kỳ Liên và một vòng tròn ở dưới. Cạnh bên còn có sáu chữ số không theo thứ tự mà lại xếp lộn xộn : Nhất - Tam - Lục - Tứ - Nhị - Ngũ.

Biết chắc không còn bí ẩn gì nữa, chàng đốt bỏ bản đồ. Sáng ra, chàng tìm cách hỏi han lão già chủ nhà :

- Bẩm lão trượng, chẳng hay Vạn Độc Đàm đã tỏa độc từ bao nhiêu năm nay rồi?

Lão già vuốt râu suy nghĩ rồi trả lời :

- Có lẽ từ ba mươi năm nay, ngày còn trẻ, lão phu cùng bạn bè vẫn đến bơi lội ở đó, cho đến khi có người ngộ độc mới thôi.

Chàng cảm tạ lão rồi cùng Quán Hưu lên đường, đến nơi quần hùng sẽ tụ hội.

Vạn Độc Đàm nằm trong một cánh rừng ở chân núi Kỳ Liên.

Vòng ngoài cây cối tươi tối, nhưng đến gần thấy tiêu điều, xơ xác, đến cỏ cũng không mọc nổi.

Ánh dương quang rực rỡ đã xua đi độc khí, quanh bờ là hàng ngàn cao thủ bốn phương. Họ chia thành từng nhóm thì thầm bàn bạc kế sách.

Đám đông nhất là Tử Vi môn, hai trăm võ sĩ áo tím đứng sau lưng một lão nhân tuổi trạc sáu mươi. Gương mặc lão anh tuấn nhưng đầy vẻ thâm trầm. Chắc chắn đó là Triệu Bá Câu, Môn chủ Tử Vi môn.

Bỗng một đại hán thấp lùn, không mặt y phục người Hán mà lại khoát một tấm gia beo, đôi thùy châu có vòng bạc, khệnh khạng bước đến hồ, rút trong túi đeo bên hông ra một con rắn độc màu đen tuyền thả xuống nước. Mọi người chú tâm quan sát.

Độc xà bơi được vài trượng vội vã quay trở lại, nhưng vừa lên bờ thì nằm im, da thịt tan rã, xương phơi trắng hếu.

Đại hán giật mình nói bằng giọng lơ lớ :

- Lĩnh Nam Nhất Quái ta xin chịu thua, chư vị cũng nên về thôi. Con rắn này là vật tối độc mà còn chịu không nổi huống hồ là da thịt con người?

Dứt lời, gã đi thẳng xuống núi. Ai nấy đều chấn động nhưng cũng ở lại chờ xem.

Triệu Bá Câu cười khanh khách nói :

- Chư vị đã không có lương sách thì tới lượt Tử Vi môn ra tay, không phải bổn tòa tranh giành đi trước. Nếu may mà thành công, bảo vật sẽ thuộc về bản tòa, ai dám tranh đoạt coi như vi phạm qui củ giang hồ, bổn tòa sẽ không nương tay. Chẳng hay chư vị có ý kiến gì khác chăng?

Thấy không ai phản đối, lão ra lệnh cho thuộc hạ. Hai mươi tên đổ trong túi áo sau lưng ra những bộ quần áo bằng vải tẩm dầu. Đây là loại dầu dùng để trét nghe thuyền không cho nước thấm qua. Gọi là quần áo chứ thực ra là một cái túi vì trùm kín cả đầu, khi xuống nước sẽ phải cột chặt miệng túi lại.

Dường như đã thao luyện trước, hai mươi tên đứng cách đều nhau trên bờ, lưng cột dây thừng dài. Giữ đầu dây là ba võ sĩ lực lưỡng. Có lẽ nhiệm vụ của chúng là khám xét miệng hang ngầm ở đâu.

Một tiếng còi vang lên, bọn thợ lặn hít một hơi dài, miệng túi mau chóng được cột lại và thả xuống đầm. Mỗi tên được giao cho phụ trách một đoạn bờ. Khi thấy giật giật mạnh, người ở đầu lập tức kéo lên, để kẻ trong túi được đổi hơi.

Phương pháp này đơn giản nhưng rất hiệu nghiệm, không tên nào bị thiệt mạng bởi độc thủy cả. Ai cũng phải khâm phục cơ trí của Bá Câu.

Đã đến giờ thân mà chưa tìm ra động khẩu, Tử Vi môn đành ngưng cuộc tìm kiếm, cùng quần hào lui ra khỏi khu vực chết người.

Thiên Vũ và Quán Hưu trở lại nhà trọ. Ăn uống xong, chàng thay bộ hắc y, đem theo tiểu đao, hỏa tập, ngân phiếu rồi bàn kế hoạch với Quán Hưu :

- Tối nay ta sẽ xuống Vạn Độc Đàm, còn ngươi chờ đến sáng mai, nếu thấy ta chưa trở lại thì dẫn Thần Lư đi trước, hẹn gặp nhau ở Ngọc Môn quan.

Chàng trao cho gã ngân phiếu năm vạn lượng rồi an ủi :

- Ngươi đừng lo, thân ta không sợ độc. Nếu sau ba tháng không thấy ta đến thì trở lại đây dựng nhà sinh sống, ngày ngày ra đầm thắp ba nén nhang là đủ.

Đôi mắt Quán Hưu nhòa lệ, nhưng gã chỉ nói :

- Đại ca bảo trọng, tiểu đệ xin tuân lời.

Chàng bảo gã chạy ra ngoài mua một xấp giấy rồi viết vào mấy chữ: “Triệu Bá Câu chính là Tình Ma hóa trang”.

Xong việc chàng băng mình vào trong bóng đêm tìm đến Vạn Độc Đàm. Khi bước vào vùng tử địa, chàng đi rất chậm để xem cơ thể có chống được làn độc khí hay không? Nhưng hoàn toàn không có cảm giác lạ nào.

Chàng ghi nhớ những đoạn mà bọn Tử Vi môn đã thám sát nên chỉ dò xét các phương vị chúng chưa đụng tới. Ánh trăng mười hai giúp chàng được rất nhiều. Sau khi móc những tờ giấy vào các cành cây, chàng bước xuống đầm. Thủy công của Thiên Vũ rất cao siêu, chàng có thể lặn rất lâu và di chuyển nhanh nhẹn như kình ngư. Sau hơn một canh giờ, chàng mò trúng một động khẩu. Thiên Vũ phấn khởi trồi lên ngồi nghỉ ngơi một lúc rồi hít một hơi dài lặn xuống, chui thẳng vào trong. Chưa đầy chục trượng, nền hang cao dần, chàng mừng rỡ nổi lên. Bóng tối đen như mực, Thiên Vũ bật hỏa tập nhìn cánh cửa đá trên vách có sáu viên đá lồi ra. Chàng lẩm bẩm một hồi rồi lần lượt ấn mạnh vào theo đúng thứ tự của những hàng chữ số trên họa đồ. Một tiếng lách cách vang Iên. Biết khóa đã mở, chàng kề vai đẩy mạnh, cánh cửa thạch thất nặng nề mở ra.

Thiên Vũ bước vào, đưa cao hỏa tập. Chợt thấy bên tay trái có một ngọn tọa đăng lớn đặt trên mặt đá.

Chàng mừng rỡ đốt lên cầm theo ánh sáng soi tỏ thạch thất.

Pháp thể của Thiên Hà thượng nhân nghiêm trang ngồi trên thạch sàng. Trước mặt ông là một thanh bảo kiếm gác ngang hộp gỗ. Thiên Vũ đặc đèn lên thạch sàng, qùy xuống lạy chín lạy và khấn :

- Tiểu bối được hoàng thiên chỉ bảo gặp cơ duyên thụ giáo di học, xin nguyện hết lòng trừ ma vệ đạo, suốt đời hành hiệp vì chính nghĩa võ lâm.

Chàng đứng dậy kính cẩn lấy kiếm, mở hộp gỗ ra xem thì thấy một quyển sách bằng lụa, ngoài bìa có bốn chữ Thiên Sơn Chân Giải, bên trong ghi chép đầy đủ khẩu quyết các môn khinh công, kiếm, chưởng. Phần nội công chỉ ghi một câu: “Khẩu quyết luyện môn Hỗn Nguyên khí công chỉ có tiểu sư đệ của ta là Thiên Sơn lão nhân mới có quyền truyền dạy, hắn là Chưởng môn của bổn phái”.

Thiên Vũ không thất vọng lắm vì đang trên đường đi kiếm sư tổ.

Chàng vái tạ pháp thể lần cuối, chợt thấy một hàng chữ khắc sâu trên thạch bàn :

“Kẻ hữu duyên khi rời khỏi đây, xin bấm vào bấm các nút theo chiều ngược lại.

Thạch thất sẽ chìm sâu vào lòng đất và Vạn Độc Đàm sẽ không còn”.

Chàng y theo lời dặn của sư bá tổ rồi mau chóng lui khỏi hang, trồi lên bờ đứng xa xa chờ xem biến cố. Qủa nhiên những tiếng động ầm ì vang lên, rung chuyển cả mặt đất. Nước trong hồ rút cạn chỉ còn trơ đáy. Chàng lại đứng vào phương vị cửa hang rọi hỏa tập xem thử thì không thấy gì nữa. Đất đã lấp kín tất cả.

Thiên Vũ nhanh chân trở lại nơi Quán Hưu đang mong đợi. Gã mừng khôn xiết nhưng không dám cười lớn. Chàng lột gói giấy dầu, mọi vật cùng y phục, đem ra vườn chôn kỹ. Tắm gội xong, chàng lên giường thuật lại chuyện xuống đầm.

Muốn xem thử tác động của lời tố giác nên giờ thìn hôm sau, Thiên Vũ dẫn Quán Hưu trở lại Vạn Độc Đàm.

Quả nhiên những mảnh giấy này đã làm chấn động quần hùng và Triệu Bá Câu.

Huyền Hư chân nhân và Tuệ Tĩnh thiền sư đã được Tuệ Không thiền sư kể lại lời cảnh tỉnh của Không Động bát kiếm nên không lấy làm lạ, chỉ thì thầm bàn tán xem ai là tác giả.

Tử Vi môn chủ Triệu Bá Câu giận tím mặt vì không tìm được ra bí thất lại còn bị người trêu ghẹo. Lão vận công nói lớn :

- Chẳng hay ai là chủ nhân của những tờ giấy bẩn thỉu này? Nếu là hảo hán thì xin xuất đầu lộ diện.

Tái Gia Cát cười đáp :

- Quần hùng đến đây rất sớm mà không thấy ai, chứng tỏ người ấy không sợ độc và không chừng đã lấy đi bí kíp và phá hủy Vạn Độc Đàm.

Thiên Vũ thầm khen tài trí của lão.

Huyền Hư chân nhân cất tiếng :

- Cây ngay không sợ chết đứng, nếu Triệu môn chủ không phải là Tình Ma thì cứ coi như đây là một trò đùa, chấp nhất làm gì cho mất khí độ của một tôn sư?

Hai phái Thiếu Lâm, Võ Đang rút trước, mọi người nối gót theo sau.

Hàng ngàn cao thủ sẽ đem lời tố giác kia truyền bá khắp giang hồ. Dù không có chứng cứ nhưng cũng là một đòn nặng nề đánh vào uy tín của Triệu Bá Câu và Tử Vi môn.

Chờ quần hào đi hết, Triệu Bá Câu hậm hực ra lệnh cho môn đồ gỡ các tờ giấy xuống để điều tra, nhưng đêm qua độc khí đã thấm vào nên hai mươi tên vừa cầm giấy đã lăn ra uổng tử. Bá Câu bảo chúng lấy kiếm khều ra, gói vào giấy dầu. Lão nhìn lòng đầm khô cạn phơi ra những tảng đá và xương cốt mà tiếc rẽ. Không ngờ tâm huyết bao năm tan thành mây khói.

Chỉ cần lấy được bí kíp của Thiên Hà thượng nhân, võ công vô địch sẽ không còn sợ Thiên Sơn lão nhân nữa. Lúc đó lão sẽ công khai gây chiến với các phái bạch đạo, thống trị giang hồ. Bá Câu thầm lo ngại không biết đối phương là ai mà biết rõ lai lịch bí ẩn của mình?

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.