Hơi Ấm Bên Em

Chương 45




Sau sự im lặng ngập ngừng - cả giảng đường thích, thú sự thẳng thắn và cùn tính của Myron hơn - George nhắc lại, to hơn, mạnh hơn, “Không, Huxley không kỳ thị người Do Thái. Những người Đức Quốc xã đã không đúng khi ghét người Do Thái. Và sự kì thị của họ không phải là không có lí do. Không có ai ghét bỏ người khác mà không cần lý do cả...”

“Nghe này, hãy gác vấn đề Do Thái lại. Bất kể quan điểm của các cô cậu là gì thì cũng là bất khả thi để bàn luận về Do Thái một cách khách quan vào thời đại ngày nay. Có thể sau hai mươi năm nữa, nhưng không phải lúc này. Vậy nên hãy coi đây như vấn đề của một cộng đồng thiểu số nào đó khác, bất kể cộng đồng nào các cô cậu muốn nhưng nhỏ thôi - một cộng đồng mà chưa được hình thành bền vững và không có bất kỳ tổ chức nào đứng ra đấu tranh quyền lợi cho nó cả...”

George nhìn Wally Bryant bằng cái nhìn đầy ý nhị như thể để nói, ta cũng như cậu, cậu em gái nhỏ ạ. Wally là một chàng trai bụ bẫm, cái khuôn mặt vàng bủng; sự tỉ mẩn cậu ta dùng để chải mái tóc bồng bềnh bóng lộn, để giũa từng cái móng tay cho thật gọn gàng và cặp lông mày được tỉa kín đáo chỉ khiến cậu ta trông mất ngon hơn mà thôi. Dĩ nhiên cậu hiểu cái nhìn của George có ý gì. Cậu ta đỏ mặt xấu hổ. Kệ đi. George sẽ dạy cho cậu ta một bài học mà cậu ta sẽ suốt đời không quên. Sẽ bắt Wally nhìn thẳng vào tâm hồn nhút nhát của cậu. Sẽ cho cậu ta sự can đảm để ném đi cái giũa móng tay và đối mặt với sự thật của cuộc sống...

“Ví dụ thế này nhé, những người có tàn nhang không được những người không có tàn nhang coi là một cộng đồng thiểu số. Hay ít ra là họ không được coi là một cộng đồng thiểu số theo nghĩa mà chúng ta đang đề cập. Tại sao? Bởi vì một cộng đồng chỉ được coi là thiểu số khi nó tiềm ẩn những đe dọa tới số đông còn lại, dù thực hay tưởng tượng. Và hãy nhớ, không có mối đe dọa nào là hoàn toàn không có thực cả. Có ai không tán thành với ý kiến này không? Nếu có, hãy tự hỏi chính mình, sẽ ra sao nếu nhóm cộng đồng thiểu số này bỗng nhiên trở thành đa số sau một đêm? Các cô cậu hiểu ý tôi không? Nếu không, hãy dành thêm chút thời gian mà nghĩ cho kĩ!”

“Được rồi, giờ thì bàn đến những người theo đảng tự do - mà tôi tin là bao gồm tất cả những người đang ngồi đây, trong căn phòng này. Họ nói, ‘Các cộng đồng thiểu số cũng là con người, như chúng ta.’ Chắc chắn rồi, người thiểu số cũng là người, con người, không phải thiên thần. Và dĩ nhiên họ giống chúng ta, nhưng không hoàn toàn giống. Đây chỉ là lý luận quá quen thuộc của chủ nghĩa tự do quá khích, đánh lừa chính bản thân họ đến nỗi không nhận ra sự khác biệt giữa người da đen và người Thụy Điển...” (Ôi, sao George không dám nói thẳng toẹt ra là giữa Estelle Oxford và Buddy Sorensen chứ? Nếu ông đã dám, có thể mọi người đã sẽ cười ồ cả ra và rồi sẽ ghì chặt lấy khoảnh khắc này cùng nhau, và rồi vương quốc địa đàng có thể bắt đầu tại đây, ngay chính trong giảng đường này. Nhưng nói đi cũng phải nói lại lỡ chẳng may nó lại diễn ra ngược hẳn).

“Vậy nên, hãy thừa nhận, các cộng đồng thiểu số là những người có thể nhìn, hành động và suy nghĩ khác chúng ta, có thể họ có những thiếu sót mà chúng ta không có. Chúng ta có thể không ưa họ vì vẻ bên ngoài và hành động của họ, chúng ta có thể ghét họ vì những thiết sót. Và sẽ là tốt hơn nếu chúng ta thừa nhận sự không hài lòng của mình với họ, sự căm ghét với họ hơn là cố làm nhạt đi cảm giác thực sự của chúng ta bằng những ngôn luận tự do giả tạo. Nếu chúng ta thành thật với cảm giác của mình, chúng ta sẽ có được sự an toàn nội tại và nếu chúng ta có sự an toàn nội tại, sẽ bớt đi khả năng chúng ta bắt đầu các hành động ngược đãi. Tôi biết triết lý đó ngày nay không được phổ biến cho lắm. Tất cả chúng ta thích tin tưởng rằng nếu chúng ta lờ chuyện gì đó đủ lâu, nó sẽ tự tan biến...”

“Tôi đang nói tới đâu rồi? Ồ phải. Giờ hãy giả sử như cộng đồng thiểu số này bị ngược đãi, mà không cần biết lý do là gì - chính trị, kinh tế hay các lý do tâm lý. Lúc nào cũng có một lý do, không cần biết nó vô lý đến mức nào - đó là điều mà tôi muốn nói. Và dĩ nhiên, bản thân sự ngược đãi đã là sai, chắc ai cũng đồng ý. Nhưng điều tệ hại là, chúng ta đang gặp phải một quan điểm tự do dị biệt khác. Phe tự do nói, vì kẻ đi ngược đãi cộng đồng thiểu số là man rợ, nên phe bị ngược đãi phải là những người trong sạch, không một vết nhơ. Không phải rất là vô nghĩa sao? Làm thế nào để phòng tránh và chống lại sự xấu xa khi chúng ta không thể làm điều xấu xa lại với chúng? Có phải những nạn nhân Cơ Đốc giáo trên vũ đài ngày xưa đều phải là những thánh nhân?”

“Mỗi cộng đồng thiểu số có sự hung hãn riêng của họ. Họ hoàn toàn thách thức số đông dám tấn công họ. Họ ghét số đông - không phải không có nguyên nhân, tôi dám khẳng định. Họ thậm chí còn ghét các cộng đồng thiểu số khác, bởi vì tất cả bọn họ nằm trong một vòng chiến chung: mỗi cộng đồng tự nhận rằng nỗi đau họ đang chịu đựng là khôn cùng nhất, rằng sự thiếu sót trong họ là khổ sở nhất. Và sự thù hận trong họ càng nhiều, bị ngược đãi càng nhiều thì họ càng trở nên cay độc. Bạn có nghĩ người ta sẽ cay độc khi được người khác yêu không? Dĩ nhiên là không. Vậy tại sao họ phải trong sáng thuần khiết để rồi bị khinh miệt? Khi bạn đang bị ngược đãi, bạn sẽ ghét sự ngược đãi đó, bạn sẽ ghét những người mang đến cho bạn sự ngược đãi đó; bạn sống trong căm hận. Rồi đến lúc, thế giới của bạn không còn gì khác ngoài sự hoài nghi và thù hằn. Kể cả khi tình yêu đến với bạn, bạn sẽ không nhận ra nó, sẽ nghi ngờ nó. Bạn sẽ nghĩ chắc chắn phải có uẩn khúc gì phía sau phải có âm mưu, kế hoạch đen tối nào đó…”

Đến lúc này, George không còn biết ông đã chứng tỏ hay bác bỏ điều gì, không còn biết ông đang bảo vệ cho phe nào, thậm chí ông còn không biết mình đang nói gì. Những câu từ này cứ thế tuôn ra từ miệng ông với sự phấn khích tột cùng. Trong thâm tâm, ông thực sự nghĩ như những lời ông đã nói, cả những lời có nghĩa lẫn vô nghĩa.

Ông đã thốt ra chúng ào ào như một cơn lũ để đánh thức Wally, Estelle và Myron, và tất cả bọn họ. Hãy để những kẻ muốn nghe được nghe.

Wally vẫn đỏ mặt xấu hổ, nhưng không có vẻ gì là thức tỉnh hay bị đánh gục cả. George dần nhận ra ánh mắt của Wally không còn đặt nơi khuôn mặt ông nữa; chúng đang hướng lên và tập trung vào điểm đâu đó cao quá đầu ông một chút trên bức tường phía sau. Khi nhìn liếc nhanh qua căn phòng, George thấy tất cả những cặp mắt khác cũng đang tập trung nhìn vào chiếc đồng hồ chết tiệt. Không cần quay đầu lại ông cũng biết mình không còn nhiều thời gian. Ông kết thúc cộc cằn và bảo bọn họ, “Chúng ta sẽ tiếp tục vào thứ Hai.” Bọn họ đứng dậy, cầm sách lên và rì rầm bước ra ngoài.

Ông mong chờ gì hơn chứ? Hầu hết trong số chúng phải vội vã đến một nơi khác trong mười phút nữa. Ấy vậy mà lông của George vẫn cứ xù lên. Đã khá lâu kể từ khi ông đánh mất chính mình và bị cuốn trong lý luận như vậy. Thật xấu hổ làm sao! Sự hăng hái ngớ ngẩn của một ông già, huyên thuyên không ngừng bất kể thời gian trước sự chứng kiến và thở dài sườn sượt của cả một giảng đường đầy những sinh viên. Ông lại đánh mất bản ngã. Trong giây phút, George ghét tất thảy bọn chúng, ghét sự lạnh nhạt thờ ơ như súc vật của chúng, ghét cái kiểu chúng lũ lượt ùa ra khỏi lớp như không thể nào nhanh hơn được nữa. Lại thêm một lần viên kim cương được đưa ra bán giữa đường để đổi lấy một đồng xu, và chúng lại từ chối nó với nụ cười khinh miệt, nhún vai coi thường lão già bán rong ngớ ngẩn.

Nên ông mỉm cười với vẻ nhiệt tình hơn mọi lần khi những sinh viên còn nán lại phía sau để hỏi ông. Sơ Maria chỉ muốn biết liệu khi ra đề thi cuối kỳ, ông có yêu cầu sinh viên phải đọc hết tất cả các cuốn sách mà Huxley đã nhắc đến trong cuốn tiểu thuyết này hay không? George nghĩ sẽ thật thú vị nếu ông nói với sơ rằng, đúng vậy, bao gồm cả cuốn 120 ngày ở Sodom[23] nữa. Nhưng dĩ nhiên ông đã không nói vậy. Ông bảo sơ không phải lo lắng và sơ đã ra về trong sự phấn khởi gánh nặng học hành của sơ đã nhẹ đi rất nhiều.

[23] Nguyên gốc: The 120 days of Sodom là cuốn tiểu thuyết của nhà văn người Pháp Marquis de Sade viết năm 1785.

Còn Buddy Sorensen thì chỉ muốn giải thích vì sao đã không đọc tiểu thuyết như ông đã dặn. “Xin lỗi giáo sư, em đã không đọc Huxley vì em muốn được nghe ý kiến của giáo sư về tác phẩm đó trước rồi mới đọc.” Cậu ta thực sự đần độn đến mức đó hay là quá ranh mãnh? George cũng chẳng thèm bận tâm tìm hiểu. “Vì một thế giới không Bom!” ông nói và nhìn chằm chằm vào tấm huy hiệu của Buddy giờ đây đang cười nhăn nhở. “Dạ phải, giáo sư.”

Bà Netta Torres muốn biết liệu thị trấn mà nhân vật bá tước đời thứ năm vùng Gonister đã sống là có thật hay chỉ đơn thuần là sản phẩm hư cấu của Huxley. George không thể trả lời câu hỏi này của bà. Ông chỉ có thể nói rằng, trong chương cuối, khi Obispo, Stoyte và Virginia đang mải mê tìm kiếm ngài bá tước, họ được mô tả như đang ở trên một con đường ngoại ô London hướng về Tây Bắc. Nên George đoán rằng Gonister chắc hẳn nằm đâu đó ở Hampshire hay Sussex. Nhưng rồi ông nhận ra rõ ràng câu hỏi của bà Torres chỉ là cái cớ. Bà đưa ra chủ đề nước Anh chỉ để có dịp khoe với ông rằng bà đã trải qua ba tuần khó quên ở đó, mười năm về trước. Phần lớn thời gian bà đã ở Scotland, và một chút ở London. “Cứ mỗi lần nghe anh giảng,” bà nói với George, ánh mắt đong đưa nồng nhiệt dán vào mắt ông, “tôi lại nhớ đến những giọng nói ngọt ngào tôi đã được nói chuyện cùng trong kỳ nghỉ đó. Nó ngân nga giống như âm nhạc.” (George gắng lắm mới không khỏi buột miệng hỏi bà, chính xác thì giọng của vùng miền nào bà đã được nghe. Liệu có phải ở Cockney và Gorbals không? Giờ thì bà Torres lại muốn biết nơi sinh của ông, ông trả lời bà, và bà chưa bao giờ nghe đến nó. George tranh thủ giây phút ngắn ngủi của sự thất vọng ở bà Torres để chấm dứt màn tâm sự tỉ tê giữa họ.)

Lại một lần nữa văn phòng của George chứng tỏ tính hữu dụng của nó; ông trốn vào đó để lẩn tránh bà Torres. Giáo sư Gottlieb đã có mặt ở văn phòng.

Giáo sư Gottlieb đang phấn khích vì ông mới nhận được cuốn sách mới về Francis Quarles[24], viết bởi một giảng viên đại học Oxford, gửi đến cho ông từ Anh. Gottlieb chắc hẳn đã biết tường tận mọi điều về Quarles chả kém gì vị giáo sư kia. Nhưng Oxford, cái danh của nó nằm chót vót trên cao trao quyền năng cho vị giáo sư kia để viết nên cuốn sách, mới là điều mà Gottlieb tội nghiệp, người sinh ra ở một trong những khu vực tệ hai của Chicago, kính nể. “Nó khiến anh nhận ra xuất thân anh cần để có thể làm những công việc như thế này,” ông nói. George cảm thấy buồn và chán nản thay cho Gottlieb, bởi vì rõ ràng ông ước, nếu có thể, thì ông sẽ không ngần ngại hoán đổi vị trí cho vị giảng viên khốn khổ kia và học cách để viết những áng văn xuôi chua chát, cay nghiệt, đầy hằn học châm biếm về cuộc sống của chính ông.

[24] Francis Quarles (08/05/1592 đến 08/09/1644): là nhà thơ nổi tiếng người Anh.

Cầm cuốn sách trên tay trong giây lát, lật qua những trang giấy với sự trân trọng chừng mực, George quyết định ông cần ăn chút gì đó. Bước ra khỏi tòa nhà, người đầu tiên ông nhận thấy là Kenny Potter và Lois Yamaguchi. Họ đang ngồi trên bãi cỏ dưới tán những cái cây mới được trồng. Cây họ đang ngồi dưới nhỏ nhất trong số đó. Nó thậm chí còn chưa có đến chục chiếc lá. Ngồi dưới bóng râm của những cây như vậy thì thật là kỳ cục; có lẽ đó là lý do mà Kenny chọn nó. Cậu ta và Lois trông như thể họ là những đứa trẻ đang đóng giả bị mắc kẹt trên bãi san hô Nam Thái Bình Dương. Nghĩ đến đây, George mỉm cười về phía họ. Họ cười lại, và rồi Lois phá lên cười theo kiểu thẹn thùng dễ thương lối Nhật Bản của cô. George đi qua họ thật gần như thể cách mà một chiếc tàu thủy sẽ đi qua, ông bước không ngừng. Có vẻ như Lois biết ông là gì, vì cô đang vẫy tay một cách vui vẻ về phía ông đúng cách mà người ta sẽ vẫy khi thấy con tàu đi qua bằng cử chỉ duyên dáng quyến rũ của cánh tay bé xíu của cô. Kenny cũng vẫy tay với ông, nhưng ông ngờ rằng cậu không biết gì mà chỉ vẫy theo Lois mà thôi. Dù sao thì khi thấy họ vẫy theo, trái tim George cũng chùng lại đôi chút. Ông vẫy chào lại họ. Con thuyền cũ mục và những người bị đắm tàu đã trao đổi tín hiệu, nhưng không phải tín hiệu cầu cứu. Họ tôn trọng quyền riêng tư của nhau. Họ không có hứng thú quấn lại vào nhau. Họ chỉ đơn giản là chúc cho người kia bình an. Lại một lần nữa, cũng như khi nhìn thấy cặp đấu tennis, George cảm thấy ngày hôm nay của ông đã bừng sáng lên đôi chút. Nhưng lần này cảm xúc của ông không chút buồn phiền lo âu. Nó thật yên bình và lộng lẫy. George sải bước về phía căn-tin, mỉm cười với chính mình mà không ngoảnh lại nhìn.

Rồi ông nghe thấy tiếng gọi “Thưa giáo sư!” ngay sau mình. Ông quay đầu lại, đó là Kenny. Kenny đã đuổi theo ông trong yên lặng với đôi giầy bệt của mình. George đoán rằng cậu sẽ hỏi những câu như họ sẽ phải đọc cuốn sách nào trong buổi học tiếp theo rồi sẽ bỏ đi. Nhưng không, Kenny bước sánh vai với ông và nói bâng quơ như để báo cho ông biết, “Em phải đi xuống cửa hàng sách.” Cậu đã không hỏi nếu George có đang đi xuống đó hay không và George cũng không bảo cậu rằng ông không đang đi đến đó.

“Thầy đã bao giờ thử dùng mescaline chưa giáo sư?”

“Rồi. Một lần. Khi tôi đang ở New York. Khoảng tám năm về trước. Hồi đó còn chưa có luật cấm bán công khai. Tôi cứ đến cửa hàng thuốc và hỏi mua. Họ chưa nghe đến chúng bao giờ, nhưng họ đã nhập chúng về cho tôi sau vài ngày.”

“Và thầy có thấy gì khi dùng nó không? Như những ảo ảnh thần bí chẳng hạn?”

“Không. Ít nhất không phải thứ mà cậu có thể gọi là ảo ảnh. Lúc đầu tôi thấy như bị say sóng, dù không nặng lắm. Rồi tôi thấy hơi sợ, dĩ nhiên rồi. Giống như bác sỹ Jekyll sẽ cảm thấy khi ông ta thử thuốc của chính mình lần đầu tiên vậy. Rồi màu sắc trở nên sáng rực hơn bình thường và tách biệt với nhau. Chói lòa đến mức cậu sẽ tự hỏi tại sao không ai chú ý đến nó. Tôi còn nhớ như in hình ảnh chiếc túi xách màu đỏ của một phụ nữ nào đó nằm trên bàn trong nhà hàng, nó sống động, ồn ào và ầm ĩ giữa thanh thiên bạch nhật, giống như thể một scandal công cộng. Và khuôn mặt của những người xung quanh trở nên như một bức tranh biếm họa. Ý tôi là, cậu sẽ có vẻ như hiểu ra được con người thực sự đằng sau lớp mặt nạ bên ngoài của họ, nó rất đơn giản và thô sơ. Kẻ thì rỗng tuếch lố bịch, kẻ thì lo lắng đến phát ốm, kẻ thì thèm khát được đấm đá. Và rồi cậu sẽ thấy có một số người đơn giản là đẹp đến tuyệt diệu, như thể họ không lo âu, buồn phiền và giận dữ vì bất kì điều gì; họ chấp nhận cuộc sống trong một niềm hân hoan. Ồ, và mọi thứ ngày càng trở nên đa chiều: rèm cửa trông nặng nề hơn, chạm trổ hơn, những đồ gỗ trở nên sần sùi hơn. Cây cối, cỏ hoa trở nên đầy sức sống. Tôi còn nhớ có một lọ hoa violet, chúng không hề nhúc nhích, nhưng tôi biết chúng có thể. Mỗi bông như một con rắn đang chồm lên bất động. Rồi khi viên thuốc phát huy hết tác dụng của nó, cậu sẽ cảm thấy như thể bốn bức tường trong căn phòng và mọi đồ vật xung quanh đang thở phì phò, và sàn nhà bắt đầu dâng lên như thể nó được làm bằng nước. Rồi mọi thứ dần lắng xuống, cậu trở lại như bình thường. Không có dư âm khó chịu gì sau đó hết. Tôi đã thấy ổn. Tôi chén hết một bữa tối khổng lồ sau đó.”

“Giáo sư không bao giờ dùng lại sau lần đó?”

“Không. Tôi thấy mình không muốn dùng nó nữa. Đó chỉ là một trải nghiệm. Tôi đã đưa phần còn lại của viên thuốc cho đám bạn. Một trong số họ đã thấy hệt như những gì tôi thấy, và một người khác thì chẳng thấy gì. Một cô bạn nói với tôi rằng cô ấy chưa bao giờ thấy sợ đến như vậy trong suốt cuộc đời. Nhưng tôi ngờ rằng cô ấy chỉ nói vậy cho lịch sự. Giống như cảm ơn vì bữa tiệc...”

“Giáo sư không có viên thuốc nào còn lại cho đến giờ chứ ạ?”

“Không, Kenny, tôi không còn. Và thậm chí nếu tôi có còn, thì tôi cũng sẽ không phân phát cho các sinh viên đâu. Tôi có thể nghĩ ra nhiều cách thú vị khác để được bị đá đít ra khỏi nơi này.”

Kenny cười toe toét, “Xin lỗi giáo sư, em chỉ thắc mắc vậy thôi. Nếu thực sự muốn thử, em có thể kiếm được nó ở ngay chính trong trường này mà. Đủ loại luôn. Bạn của Lois đã mua thuốc từ một sinh viên khác. Cậu ấy bảo, khi dùng nó, cậu ấy đã thấy Chúa.”

“Có thể cậu ấy đã thấy. Có thể tôi đã không dùng đủ liều.”

Kenny nhìn vào George, cậu ta trông có vẻ thích thú. “Giáo sư biết không, em cược là cho dù thầy đã nhìn thấy Chúa, thầy cũng chẳng nói với bọn em.”

“Sao cậu nói vậy?”

“Lois nói với em thế. Cô ấy nghĩ thầy, ừm, hơi kín đáo và bí hiểm. Giống như sáng nay khi thầy lắng nghe toàn bộ đống rác rưởi mà bọn em nói về Huxley vậy.”

“Tôi không nhận thấy cậu làm tốt việc nói nhiều cho lắm. Tôi không nghĩ cậu đã mở miệng dù chỉ một lần.”

“Em mải nhìn thầy. Không phải đùa chứ em nghĩ Lois nói đúng. Thầy đã để mặc cho bọn họ nói luyên thuyên một hồi rồi mới đính chính lại. Em không nói rằng thầy không dạy bọn em điều gì thú vị, ngược lại là khác, nhưng thầy không bao giờ thực sự nói cho bọn em nghe tất cả những gì thầy biết về một vấn đề nào đó.”

George thấy phấn khởi và vinh dự. Kenny chưa bao giờ nói chuyện với ông như thế này trước đây. Ông không thể cưỡng lại việc lại rơi vào vai diễn mà Kenny mời gọi ông nhận lấy.

“Có thể đúng là vậy, một phần nào đó. Cậu biết đấy, Kenny, có những điều mà ta thậm chí không nhận thức được là mình biết, cho đến khi ta được hỏi đến.”

Họ đã đi đến gần sân tennis. Sân đang được sử dụng hết diện tích, lốm đốm những bóng người đang di chuyển. George, với cái nhìn của một tên nghiện cũ, đảo mắt nhanh khắp sân và nhận ra cặp đấu thủ ban sáng đã đi mất, chỉ còn lại những kẻ không hấp dẫn chút nào vẫn đang chơi. Trên phần sân gần ông nhất là một nhân viên trung niên béo múp míp của khoa, tập thể thao với mong muốn giảm đi chút mỡ, đang đấu với một cô gái có đôi chân lông lá.

“Phải có ai đó hỏi thì cậu mới trả lời được,” George tiếp tục câu chuyện đang dang dở của mình với Kenny, “nhưng rất ít khi có ai đó hỏi đúng câu hỏi. Vì hầu hết mọi người chẳng hứng thú nhiều đến như vậy.”

Kenny im lặng. Có phải cậu ta đang nghĩ cuộc trò chuyện đến đây là kết thúc? Hay cậu ta sẽ hỏi George một vấn đề khác ngay? George đẩy nhanh sự ngập ngừng trong trạng thái đề phòng.

“Không phải tôi cố tình kín đáo hay khó gần gì,” ông nói và giữ ánh nhìn xuống mặt đất để khiến câu chuyện không riêng tư hết mức ông có thể giữ. “Cậu biết đấy, Kenny, rất nhiều lúc tôi muốn nói chuyện, muốn thảo luận một cách thẳng thắn. Tôi không có ý nói ở trên lớp, dĩ nhiên rồi, như thế sẽ không có ích gì. Chắc chắn sẽ có ai đó hiểu lầm...”

Im lặng. George liếc nhanh qua mặt Kenny và thấy cậu đang nhìn chằm chằm cô gái lông lá trên sân mà không thèm che giấu sự hứng thú với cô. Có lẽ nãy giờ cậu ta chẳng thèm lắng nghe ông nói. Ông chẳng thể nào biết được.

“Có thể người bạn này của Lois đã không thực sự nhìn thấy Chúa,” Kenny bất ngờ nói. “Ý em là, có thể cậu ta cũng đã chỉ tự lừa dối mình. Chẳng lâu sau khi dùng thuốc, cậu ta đã bị suy sụp tinh thần. Cậu ta phải vào viện thần kinh ba tháng liền. Cậu ta nói với Lois rằng trong quãng thời gian bị suy sụp tinh thần đó, cậu ta biến thành một tên ác quỷ và cậu ta có thể kéo những vì sao xuống. Em không đùa đâu. Cậu ta bảo cậu ta có thể kéo bảy ngôi sao xuống cùng một lúc. Cậu ta sợ cảnh sát. Vì họ có cỗ máy bắt ác quỷ và trừ khử chúng. Nó gọi là cỗ máy Mo. Mo trong từ Om đọc ngược lại. Giáo sư biết đấy, đó là tiếng Ấn Độ cho Thượng Đế.”

“Nếu cảnh sát có thể trừ khử ác quỷ thì chẳng phải họ là thiên thần sao? Nghĩ cho cùng thì vậy cũng hợp lý. Một thế giới mà cảnh sát là những thiên thần thì chỉ có thể là ở trong nhà thương điên thôi.”

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.