Hoàng Hậu Tinh Ranh Được Hoàng Thượng Cưng Chiều Hết Mực

Chương 41




Là một người trưởng thành, tôi luôn biết cái di sản kỳ lạ mà thời gian mang lại cho những người hay đi đây đi đó: khao khát tìm về nơi chốn nào đó lần thứ hai, chủ động tìm lại những gì mà trước đó mình đã tình cờ gặp, nắm bắt lại cái cảm giác khám phá. Thậm chí đôi khi chúng ta về lại một nơi chốn mà tự bản thân nó vốn chẳng có gì đặc biệt - chúng ta tìm về đơn giản chỉ vì nhớ nó. Khi chúng ta tìm lại được thì, lẽ dĩ nhiên, mọi thứ đều đã thay đổi. Cánh cửa đơn sơ kia vẫn còn đó, nhưng đã nhỏ hơn nhiều; ban ngày trời u ám chứ không rực rỡ; đang là mùa xuân chứ chẳng phải mùa thu; và ta cô đơn một mình chứ không phải ở cùng ba người bạn. Hoặc tệ hơn, phải ở với cả ba người bạn thay vì được ở một mình.

Những lữ khách trẻ tuổi thường ít biết đến hiện tượng này, nhưng trước khi chính mình trải qua kinh nghiệm này, tôi đã nhìn thấy nó trong cha, tại tu viện Thánh Matthieu, tỉnh Pyrénées-Orientales. Tôi cảm nhận ở cha, đúng hơn là nhận ra rõ ràng, bí ẩn của sự tái diễn, biết rằng cha đã hiện diện ở đây ba năm trước. Và, một cách kỳ lạ, nơi chốn này khiến cha thành ra lơ đãng theo một cách mà không một nơi nào khác chúng tôi từng viếng thăm có thể làm được. Cha đã đến khu vực Emona một lần và Ragusa nhiều lần trước chuyến đi này. Cha đã đến thăm ngôi biệt thự bằng đá của Massimo và Giulia và từng cùng vui vẻ ăn tối với họ nhiều lần vào những năm trước. Nhưng tại tu viện Thánh Matthieu này, tôi cảm thấy cha thực sự khao khát muốn tìm về nơi chốn này, luôn nghĩ đến nó hàng ngàn hàng ngàn lần vì một nguyên nhân nào đó tôi không thể tìm ra, luôn hình dung đến nó mà không thổ lộ cùng ai. Hiện tại cha không nói gì với tôi, ngoại trừ những lúc lên tiếng nhắc nhở ở mỗi khúc quanh, trước khi con đường chạy ngược lên rồi đâm vào bức tường tu viện, hoặc báo cho biết - một lát sau - cánh cửa nào dẫn vào điện thờ, hành lang, hoặc - sau cùng - khu hầm mộ. Việc cha nhớ chi tiết đến nhường này chẳng có gì lạ với tôi; trước đây tôi từng thấy cha đến đúng từng cánh cửa mình đã đi qua trong những ngôi nhà thờ cổ kính nổi tiếng, hoặc quẹo chính xác vào một nhà ăn cổ xưa, hoặc dừng lại mua vé tại đúng trạm bảo vệ trên đúng con đường dẫn vào có rải sỏi và râm bóng cây, hoặc thậm chí còn nhắc lại được chính xác nơi ông đã từng thưởng thức ly cà phê đậm đà nhất.

Nhưng lần này ở tu viện Thánh Matthieu có khác: cha như lo lắng hơn, gần như chỉ liếc nhanh qua một lượt các bức tường và lối đi hành lang. Thay vì làm ra vẻ nói với chính mình, “A, còn cái khung tam giác rất đẹp trên các cánh cửa nữa; cha nghĩ mình nhớ nó ở phía này mà,” có vẻ như cha đang kiểm tra lại những hình ảnh mà lẽ ra nhắm mắt ông cũng phải mô tả được. Tôi dần hiểu ra, thậm chí trước cả khi chúng tôi leo qua những khoảnh đất dốc, nằm dưới bóng mát của những cây bách tùng, dẫn đến lối vào chính, rằng những gì ông nhớ về nơi này không phải là chi tiết kiến trúc, mà là những sự kiện.

Một tu sĩ mặc bộ quần áo dài màu nâu đứng bên cạnh cánh cửa gỗ, im lặng trao những tập quảng cáo cho du khách. “Như cha đã nói, tu viện này vẫn còn đang hoạt động,” cha nói, giọng bình thường. Cha đeo kính râm vào, dù bức tường tu viện đã phủ lên chúng tôi một bóng mát gần như đen kịt. “Người ta giữ không để các đám đông gây huyên náo, bằng cách chỉ cho khách đến tham quan vài giờ mỗi ngày.” Khi chúng tôi đến gần vị tu sĩ, cha mỉm cười đưa tay ra xin một tập quảng cáo. “Merci beaucoup - Cám ơn nhiều, chúng tôi chỉ xin một cuốn thôi,” cha nói bằng thứ tiếng Pháp lịch lãm. Nhưng lần này, bằng cái linh cảm chính xác của con cái vốn thường có đối với cha mẹ, tôi biết, thậm chí còn hơn cả chắc chắn, là trước đây cha đã không chỉ đơn thuần có mặt ở đây, với máy chụp ảnh trong tay. Lần trước cha đã không ‘tham quan du lịch’ đúng như nghĩa của nó, dù cho ông biết rõ các thông tin chỉ dẫn lịch sử-nghệ thuật trong sách hướng dẫn. Thay vì vậy, có chuyện gì đó, tôi cảm thấy chắc chắn, đã xảy đến với cha ở nơi này.

Cảm giác thứ hai của tôi cũng thoáng qua như cảm giác đầu, nhưng rõ ràng hơn: khi cha mở tập sách quảng cáo mỏng ra và đặt một chân lên ngưỡng cửa bằng đá, chúi đầu quá tự nhiên vào những dòng chữ thay vì nhìn vào những con thú chạm khắc phía bên trên, (những thứ này bình thường sẽ lôi kéo sự chú ý của cha), tôi nhận ra cha vẫn chưa đánh mất cảm xúc từng có đối với khu điện thờ mà chúng tôi sắp bước vào. Cảm xúc đó, tôi nín thở nhận ra giữa trực giác của mình và ý nghĩ đi cùng nó - cảm xúc đó là đau khổ, hoặc sợ hãi, hoặc một sự pha trộn khủng khiếp của cả hai.

Tu viện Thánh Matthieu tỉnh Pyrénées-Orientales nằm ở độ cao hơn một ngàn hai trăm mét so với mực nước biển - và bạn có tin chăng, biển không xa xôi bằng cái phong cảnh có những cánh đại bàng chao lượn trên không và tường thành vây bọc quanh này. Lợp bằng mái ngói đỏ và nằm cao chênh vênh trên đỉnh, tu viện hình như mọc thẳng ra từ đỉnh núi đá cao đơn độc này, và sự thật là vậy, theo một cách nào đó, bởi nền móng ban đầu của nhà thờ đã được đục sâu vào trong lòng đá từ năm 1000. Lối chính dẫn vào tu viện được dựng sau này theo kiểu mẫu kiến trúc La Mã, thêm chút ảnh hưởng nghệ thuật Hồi giáo, những người đã chiến đấu hàng nhiều thế kỷ để chiếm đỉnh núi này: một cổng đá vuông bên trên có những đường viền kỷ hà kiểu Hồi giáo và hai bức phù điêu hình những con quái vật trong truyền thống Thiên Chúa giáo, đang cau mặt gầm gừ, có thể là sư tử, gấu, dơi, hoặc quái thú đầu chim mình sư tử - loài thú không có thực mà dòng giống có thể là bất cứ loài nào.

Tọa lạc bên trong là nhà thờ tu viện Thánh Matthieu nhỏ bé và dãy hành lang cực kỳ thanh nhã, với bờ dậu là những bụi hồng, dù ở độ cao kinh khủng này, bao quanh là những cột cẩm thạch đỏ hình xoắn ốc trông có vẻ mỏng manh đến độ cứ như chúng được một nghệ sĩ mạnh mẽ như lực sĩ Samson làm cho xoắn lại. Ánh mặt trời tràn ngập, lấp lánh trên những phiến đá lát lối đi trong khoảnh sân nhỏ giữa nhà thờ, bầu trời xanh khuôn thành vòm trên đầu chúng tôi.

Nhưng khi chúng tôi bước vào, điều lôi kéo sự chú ý ở một nơi chốn cao và khô ráo như thế này là tiếng nước chảy róc rách, bất ngờ, dễ chịu, nghe tự nhiên như âm thanh của một dòng suối. Âm thanh đó xuất phát từ vòi phun nước của tu viện, quanh đó các tu sĩ đã từng một thời rảo những bước chân trầm tư mặc tưởng: một bồn lục giác đá cẩm thạch đỏ, các mặt phẳng phía ngoài trang trí một bức tiểu họa chạm khắc hình một tu viện thu nhỏ, hình ảnh thu nhỏ của cái tu viện có thực chung quanh chúng tôi. Chiếc bồn lớn của vòi phun nằm trên sáu cây cột cẩm thạch đỏ (và một cột chống ở giữa, nguồn nước phun lên từ cây cột này, tôi nghĩ vậy). Quanh mặt ngoài của bồn, sáu đầu vòi nhả nước xuống một hồ nước bên dưới. Tiếng nước chảy nghe như tiếng nhạc mê đắm lòng người.

Khi ra đến rìa bên ngoài các dãy hành lang và ngồi xuống một bờ tường thấp, tôi có thể nhìn ra một vách đá dựng đứng cao cả ngàn mét và thấy những dòng thác mỏng manh, trắng xóa chảy thẳng đứng giữa nền rừng xanh thẳm. Ngồi trên một đỉnh núi, chúng tôi bị những bức tường đồ sộ và dốc đứng của vùng Pyrénées-Orientales cao vòi vọi bao bọc xung quanh. Ở khoảng cách này, những ngọn thác như lao mình xuống bên dưới trong tĩnh lặng hoặc hiện ra chỉ như lớp sương mù, trong khi những vòi phun bên dưới vẫn sống động, không ngừng róc rách.

“Cuộc sống tự giam mình,” cha thì thầm, ngồi xuống bên tôi trên bờ tường. Gương mặt cha thật kỳ lạ, cha choàng tay ôm lấy vai tôi, một cử chỉ hiếm khi cha biểu lộ. “Xem ra có vẻ yên bình, nhưng cũng rất khó khăn. Và đôi khi, còn cay đắng nữa.” Chúng tôi ngồi nhìn qua bên kia vực thẳm, sâu đến nỗi ánh sáng ban mai không thể với đến. Một cái gì đó lơ lửng và lấp lánh giữa khoảng không bên dưới, tôi nhận ra ngay nó là gì trước khi chỉ tay: một con chim săn mồi, lượn lờ sục sạo tìm mồi, dọc theo những vách đá cao chót vót, lơ lửng như một bông tuyết màu đồng.

“Nơi đây được xây dựng cao hơn tầm bay của chim đại bàng,” cha nói, giọng trầm ngâm. “Con biết đấy, đại bàng là một biểu tượng rất cổ xưa của Thiên Chúa giáo, biểu tượng của Thánh John. Matthew - Thánh Matthieu - là thiên thần, Thánh Luke là bò, còn Thánh Mark tất nhiên là sư tử có cánh. Con có thể nhìn thấy hình dáng con sư tử đó khắp vùng biển Adriatic, bởi đó là vị thánh đỡ đầu của thành phố Venice. Con sư tử đó quắp một cuốn sách giữa các móng vuốt - nếu cuốn sách mở ra, có nghĩa là bức tượng hoặc phù điêu đó được chạm khắc vào thời điểm Venice đang thái bình. Sách đóng lại, có nghĩa là Venice đang có chiến tranh. Chúng ta đã thấy hình con sư tử này ở Ragusa, trên một cánh cổng - con nhớ chứ? - với cuốn sách đóng. Và bây giờ chúng ta lại thấy chim đại bàng, đang bảo vệ nơi chốn này. Vậy đấy, nơi đây cần sự bảo vệ của lũ đại bàng.” Cha cau mày, đứng dậy, quay đi. Tôi chợt nhận thấy cha tỏ vẻ hối tiếc, gần như đến chảy nước mắt, về cuộc viếng thăm nơi chốn này. “Chúng ta đi một vòng chứ?”

Không phải đến khi bước xuống những bậc cấp dẫn xuống khu hầm mộ tôi mới lại thấy ở cha thái độ sợ hãi không thể diễn tả ấy. Chúng tôi chăm chú bước qua hết các dãy hành lang, các nhà nguyện, gian hành lễ, những gian nhà bếp lộng gió. Điểm cuối trong cuộc tham quan không có người hướng dẫn của chúng tôi là khu hầm mộ - món tráng miệng cho những cái đầu không lành mạnh - như cha thường nói khi đi thăm một số nhà thờ khác. Tại lối vào trên cầu thang dẫn xuống hầm mộ, có vẻ như cha hơi quá thận trọng, dấn bước đi trước, giữ tôi ở phía sau dù không hề đưa tay che chở tôi khi chúng tôi bước xuống, vào cái hầm đá kia. Một làn hơi lạnh chợn rợn bốc lên từ nền đất tăm tối, xộc vào người chúng tôi. Các du khách khác đã rời đi hết, kết thúc chuyến tham quan tu viện ở điểm này, bỏ chúng tôi lại một mình.

“Đây là gian giữa của ngôi nhà thờ đầu tiên,” cha lại giải thích, vu vơ, giọng hoàn toàn bình thường. Khi giới tu sĩ phát triển mạnh hơn và có thể tiếp tục việc xây dựng, họ chỉ bung lên cao và dựng một nhà thờ mới, ngay trên nóc nhà thờ cũ.” Ánh nến tỏa ra từ các chân nến bằng đá đặt trên những cây cột nặng nề xua đi phần nào cái bóng tối lạnh lẽo. Một cây thánh giá khắc chạm thẳng vào tường phía sau chính điện, lơ lửng như một cái bóng phía trên bệ thờ hoặc cỗ quan tài đá - thật khó mà xác định rõ cái nào - đặt dưới mái vòm chánh điện. Dọc theo tường của khu hầm mộ còn có hai hoặc ba cỗ quan tài đá khác, nhỏ và thô thiển, không có gì đáng để ý. Cha hít vào một hơi dài, nhìn quanh cái hang lạnh lẽo trong lòng đá ấy. “Nơi an nghỉ của vị tu sĩ sáng lập và nhiều tu sĩ khác sau này. Vậy là xong chuyến du lịch của chúng ta. Đi ăn trưa thôi.”

Tôi dừng lại trên đường đi ra. Cảm giác thôi thúc muốn hỏi những gì cha biết về tu viện Thánh Matthieu, cả những gì cha nhớ, chợt ập đến với tôi như một cơn sóng, gần như một nỗi kinh hoàng. Nhưng tấm lưng cha, bành ra trong tấm áo khoác lanh đen như muốn nói thật rõ ràng: “Đợi đã. Mọi thứ đều có thời điểm của nó.” Tôi liếc nhanh cỗ quan tài đá ở đầu kia ngôi nhà thờ cổ. Một hình dạng thô thiển, lạnh lẽo trong một thứ ánh sáng mờ mờ. Bất kỳ cái gì nó che giấu bên trong cũng đã thuộc về quá khứ, và việc phỏng đoán sẽ chẳng giúp phát hiện được gì.

Nhưng tôi đã biết một điều khác, không cần phải phỏng đoán. Câu chuyện mà tôi sẽ được nghe trong buổi ăn trưa trên sân thượng tu viện - một khoảng hõm vào vừa khéo bên dưới khu cư ngụ của các tu sĩ - có thể hóa ra lại là về một nơi chốn nào đó khác, rất xa nơi này, nhưng cũng như cuộc viếng thăm này của chúng tôi, câu chuyện đó chắc chắn sẽ là một bước nữa hướng tới nỗi sợ hãi mà tôi đã bắt đầu thấy bao trùm lấy cha. Tại sao cha không muốn kể cho tôi nghe về việc thầy Rossi mất tích cho đến khi ông Massimo lỡ miệng nói ra? Tại sao cha tức giận, mặt trắng bệch, khi viên quản lý nhà hàng kể với chúng tôi một truyền thuyết về những xác chết sống? Bất kỳ điều gì ám ảnh ký ức của cha đều bị nơi chốn này phơi bày ra một cách sống động, mà nơi này là một chốn thiêng liêng hơn là đáng sợ, tuy nhiên lại đáng sợ đối với cha, đến mức cha phải gồng mình lên để kiềm chế. Tôi phải làm việc, như giáo sư Rossi đã làm, để thu thập những manh mối của riêng mình. Tôi đã trở nên sáng suốt hơn theo dòng câu chuyện này.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.