Hoàng Cung Dậy Sóng

Chương 4




Gió trên sông đột nhiên trở nên dữ dội, thổi mạnh vào đình nhỏ giữa sông, lọ hoa cao gầy trên bệ cửa sổ bất an đong đưa chốc lát, ngã một đầu xuống, hai sợi râu dài trên môi Ngư lão rủ xuống cằm bay tới bên tai, ông bỗng dưng mở mắt.

Lúc này, một bàn tay duỗi ra cực nhanh, vững vàng đón lấy lọ hoa ngã ấy.

Đó là tay của nữ nhân, mười ngón thon thon, trên móng tay là màu sơn rực rỡ, dưới ánh trăng có vẻ hơi ma mị.

Nữ nhân đó dường như rất rõ Ngư lão là người thích soi mói bới móc có thâm niên, bà ta đóng lại cánh cửa sổ bị gió thổi mở toang rồi nhón chân cẩn thận đặt lọ hoa lại trùng khớp sít sao ngay dấu vết cũ, kế đó mới thở nhẹ một hơi, quay đầu chào:

– Sư thúc.

Ngư lão cau mày, nghi hoặc:

– Khấu Đan?

Nếu là bọn hậu bối Chu Phỉ ở đây, có lẽ không hề biết trong trại còn có một nữ nhân tên “Khấu Đan” này, dù chính mắt nhìn thấy cũng chưa chắc biết, mười mấy năm qua, bà ta gần như chưa từng lộ diện trước mặt người khác, là một nhánh duy nhất không hòa đồng với các nhà khác nhưng lại là một mắt xích không thể thiếu trong 48 trại – Minh Phong.

Khấu Đan chính là chưởng môn đương nhiệm của Minh Phong.

Cũng chính vì bà ta là một trong những người sáng lập ra dây trận nên mới có thể lặng lẽ không tiếng động vượt qua cạm bẫy đầy sông.

– Nghe nói đại đương gia đi rồi, con tới xem dây trận thế nào.

Khấu Đan nói, tự nhiên ngồi xuống trước mặt Ngư lão, lấy trong lồng ngực ra một mảnh lụa lau kỹ một cái ly, tự rót cho mình một ly nước mát.

Bà ta đã đến tuổi trung niên, đôi má từng đẫy đà hơi xệ, lúc bà ta cười, không thể nào che được nếp nhăn nơi khóe mắt nhưng lại mang một nét đẹp lạ – không phải kiểu xinh đẹp của các thiếu nữ quyến rũ bẩm sinh, cũng không phải kiểu diễm lệ chói mắt của Nghê Thường phu nhân Vũ Y ban, ngũ quan bà ta không phải không tỳ vết nhưng khi bà ta thoáng mang ý cười nhìn sang, người khác rất khó không bị thu hút bởi ánh mắt bà ta, đôi mắt ấy từ con ngươi ra ngoài dường như do tầng tầng lớp lớp bí mật mịt mờ trùng điệp tạo nên, có một nét quyến rũ huyền bí khó nói thành lời.

Ánh mắt Ngư lão từ từ nhìn vào mảnh lụa bà ta đã dùng, Khấu Đan lập tức hiểu ý, gấp mảnh lụa ấy thành một hình vuông vức đặt ở góc bàn.

Ngư lão cả ngày bị Lý đại đương gia không câu nệ tiểu tiết và Chu Phỉ cố ý phá phách đày đọa, ngược lại có chút không quen được người khác chiều theo, hơi lúng túng ho khan một tiếng, nói:

– Thực ra ta cũng không xoi mói tới vậy đâu, con cứ tự nhiên là được.

Khấu Đan cười nói:

– Dạ không dám, làm nghề của chúng ta, đầu mũi đao liếm máu, mỗi người có sự cố chấp quái dị riêng, chút cố chấp nho nhỏ ấy giống như dân chúng khi gặp khó khăn sẽ cầu thần vái Phật vậy, là một loại phó thác không thể thiếu. Người khác không biết thì không trách, nhưng điệt nữ sao có thể không hiểu chuyện như người ngoài?

Ánh mắt Ngư lão lướt qua móng tay đỏ kiều diễm của bà ta, nở nụ cười keo kiệt hiếm hoi, rút hai chân đang khoanh lại xuống, thu lại tư thế ngũ tâm hướng thiên (1) của mình, hơi cảm khái gật đầu nói:

– Bao nhiêu năm không sống những ngày tháng đó rồi, Minh Phong lâu từ khi thoái ẩn về 48 trại chẳng khác nào rửa tay gác kiếm, bây giờ ta chẳng qua là một người nhàn rỗi trông ao cá thôi, chút tật cũ kia chỉ là nhất thời không sửa được, không cần nhân nhượng.

(1) Ngũ tâm hướng thiên: một tư thế ngồi thiền.

Ông nói, gắng gượng đè xuống chút sức lực như mắc ở cổ họng, cố ý đưa tay làm loạn vị trí mấy cái ly trên bàn.

Khấu Đan nhìn dáng vẻ cứng ngắc của ông thì vừa lắc đầu vừa cười, lại xếp ly chỉnh tề như cũ:

– Sư thúc, giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời, thúc hà tất làm khó chính mình? Con đâu phải người ngoài.

Ngư lão khựng lại, như cười như không nhìn bà ta, hỏi:

– Nếu đã không phải người ngoài, sao còn bắt chước nói lời hàm súc như sư thúc con?

Khấu Đan dường như hơi ngượng, buông mí mắt:

– Sư thúc, con gọi thúc là sư thúc, đại đương gia vì giao tình với lão trại chủ nên cũng gọi thúc là sư thúc, như vậy xem ra vẫn là con được hời. Nhưng đôi lúc con nghĩ, người như chúng ta và người như bọn đại đương gia suy cho cùng là khác nhau, họ sống trong ánh nắng ban ngày, trời quang trăng sáng, còn chúng ta sống trong bóng tối ban đêm, lặng thầm không dấu vết, sống với nhau hoàn toàn không hợp, hà tất miễn cưỡng ở cùng nhau?

Ngư lão cười nói:

– Người trẻ tuổi, nghe sóng lớn bên ngoài trỗi dậy, không chịu nổi tịch mịch chứ gì.

Khấu Đan liếm nhẹ khóe môi, nhỏ giọng nói đầy thâm ý:

– Sư thúc, thúc có từng nghe thích khách “tránh họa” bao giờ chưa, với thích khách, thế đạo càng loạn càng tốt, không phải sao? Năm xưa khi thúc và sư phụ nhất quyết theo lão trại chủ thoái ẩn về 48 trại, trong lòng điệt nữ vẫn mang nỗi nghi ngờ – đao cất lâu sẽ gỉ sét đấy.

Ngư lão gật đầu, không tỏ rõ ý kiến:

– Không sai, năm xưa là ta và sư phụ con đưa ra quyết định thoái ẩn, bây giờ sư phụ con đã mất, nhiều năm qua đi, con mới là chủ nhân Minh Phong lâu đương nhiệm, con muốn thế nào, ta sẽ không can thiệp quá nhiều, nếu Minh Phong muốn rời khỏi 48 trại tự lập môn hộ cũng không khó, Lý đại đương gia xưa nay đều là đi ở tùy tâm, nếu thực không được thì đợi nó về, ta sẽ nói với nó giúp cho.

Nụ cười trên mặt Khấu Đan không thay đổi, giọng nói rất ngọt, hầu như mang theo chút nũng nịu, nói:

– Chuyện này là đương nhiên, năm xưa Chu tiên sinh rời đi, đại đương gia còn không cản, há sẽ cản chúng con? Sư thúc, thúc biết điệt nữ hỏi không phải chuyện này mà.

Ngư lão nhìn bà ta, nụ cười nơi khóe miệng dần thu lại, đôi gò má cụp xuống bỗng chốc trở nên nghiêm khắc.

Khấu Đan duỗi ngón tay thon dài, trên móng tay cái của bà ta có một dấu ấn hoa văn sóng nước nhỏ, được ấn lên lúc sơn móng tay chưa khô:

– Đây là con ấn riêng của sư phụ mà khi còn sống không cho phép ai đụng vào, lão nhân gia chưa từng nói với con nó là gì, sư thúc, con biết trên đời này tuyệt đối không chỉ một người có dấu ấn này, chỉ là mọi người đều nhất trí giữ kín nó thôi. Năm xưa sở dĩ Minh Phong lâu thoái ẩn 48 trại tất nhiên là cùng với dấu ấn này có…

– Khấu Đan.

Ngư lão ngắt lời bà ta, lạnh lùng nói:

– Con muốn đi cứ đi, còn dám nhắc thêm một câu về hoa văn sóng nước thì đừng trách ta trở mặt với con.

Khấu Đan sững sờ:

– Sư thúc, con…

Ngư lão đứng dậy, kéo mở cửa ra:

– Dây trận rất tốt, con thấy rồi đấy, dù đích thân Bắc Đẩu tới cũng có thể bị nó cắt thành thịt vụn, không còn sớm nữa, con đi đi.

Khấu Đan thở dài, cúi đầu cụp mi đứng dậy hành lễ:

– Sư điệt lắm mồm, sư thúc đừng trách.

Ngư lão lạnh lùng đứng bên cửa.

Khấu Đan nhanh chóng liếc nhìn ông, chỉ sợ chọc giận ông, bà ta tiến thêm một bước, khẽ nói:

– Rượu hoa quế năm nay các đệ tử ủ ngon lắm, hôm khác con mang tới hai hũ cho thúc nếm thử.

Sắc mặt Ngư lão lúc này mới dịu lại, gật đầu rất nhẹ với bà ta.

Khấu Đan lại tiến thêm một bước, lần này, trên gương mặt cúi đầu của bà ta dần dần nở nụ cười quái dị, giọng càng lúc càng nhẹ.

– Nếu sư phụ và sư thúc năm xưa đã quyết định ở lại thì chắc chắn có nguyên nhân, cũng chắc chắn không hại chúng con, chuyện không thể nói, con sẽ không hỏi nữa, trở về sẽ lau móng tay này, di vật của sư phụ, con cũng sẽ…

Lúc bà ta nói nửa câu đầu, Ngư lão khó tránh hồi tưởng lại chuyện quá khứ, thở dài như có như không, ánh mắt phút chốc như trôi về nơi khác. Chỉ trong khoảnh khắc phân tâm ấy, Khấu Đan giống như muốn đưa tay dìu ông, bàn tay nhỏ nhắn xinh xắn dán lên sau lưng ông…

Liền sau đó, toàn thân Ngư lão chấn động, ông trở tay quét một chưởng ra ngoài.

Dường như Khấu Đan sớm đã có chuẩn bị, chân xoay mấy vòng, tránh ra ngoài hai trượng không chút sứt mẻ, khóe môi đỏ tươi như màu sơn móng tay nhẹ nhàng hé mở, lộ hàm răng trắng như tuyết, trên đầu ngón tay bà ta, ngân châm nhỏ như lông trâu lóe ánh sáng xanh u xẹt qua, bà ta ung dung nói tiếp:

– …giữ gìn thật kỹ.

Thích khách đứng đầu thiên hạ xuống tay cực ác, lặng lẽ không chừa lại chút đường lui, kịch độc gặp máu chết ngay ghim một cây vào huyết quản, một cây vào kinh mạch, không mảy may sai lệch. Một chưởng theo bản năng của Ngư lão xuất phát từ cơn giận trong nháy mắt làm tăng tốc độ độc phát tác, khí đen tức khắc bốc lên mặt, ông không thể tin nổi trừng nữ nhân ban nãy còn nói cười nhẹ nhàng với mình, muốn nói gì đó nhưng giật mình nhận ra đầu lưỡi đã tê cứng, tứ chi co quắp không thể nào khống chế.

Khấu Đan hơi nghiêng đầu, khóe mắt hiện nếp nhăn nhỏ bé, khẽ nói:

– Người như sư thúc, lặng lẽ canh giữ một con sông lạnh lẽo suốt hai mươi năm, điều không muốn nói sẽ không nói, chút chừng mực này sư điệt vẫn có, chắc chắn không thể lấy được bí mật Hải Thiên Nhất Sắc từ chỗ thúc, vậy thì con không hỏi nữa.

Chớp mắt, sắc mặt Ngư lão đã không còn hơi thở, toàn thân cứng ngắc, có thể cảm nhận được thân thể đang chết dần từng chút một từ chỗ eo lan ra.

Khấu Đan bước về trước, “dìu” Ngư lão như một vãn bối hiếu thảo, đưa ông lên trên ghế, lại xếp cho ông một tư thế ngồi thiền, sau đó cung kính đứng một bên.

Gió trên sông càng lúc càng lớn, thổi lên những sợi dây trận đan nhau phức tạp trên mặt nước, chốc chốc lại phát ra tiếng ong kêu nho nhỏ, hai người trong đình một ngồi một đứng, lặng im không tiếng động, tựa như một bức tranh cô đọng giữa màn đêm.

Cuối cùng, Ngư lão hơi co giật nhẹ một cái, hơi thở cuối cùng mắc trong cuống họng, con ngươi đục ngầu từ từ giãn ra.

Khấu Đan kiểm tra ngực và cổ ông, xác định ông không còn chút sức sống nào mới rút từ trong lòng ra một cây châm dài châm vào đỉnh đầu Ngư lão, dường như muốn phong bế ngay cả khả năng làm cương thi vùng dậy của ông.

Sau đó bà ta lùi về sau một bước rất khuôn phép, khấu đầu với Ngư lão một cái, nói:

– Sư thúc, nếu thúc trên trời có linh thiêng, gặp được sư phụ con, đừng quên thay con chào một tiếng với lão nhân gia. Lão nhân gia tự mình thoái ẩn thì cũng thôi, nhưng mười năm trước vì để bản vẽ dây trận 48 trại không rơi vào tay kẻ khác mà không ngại gian khổ bắt con về, khó khăn lắm con mới tìm được một nam nhân tâm đầu ý hợp, muốn đường đường chính chính làm người một lần, thế mà đều bị hủy trên tay ông ấy. Được, nếu đã như vậy, điệt nữ liền quay về làm quỷ, cũng xem như không phụ phó thác của ông ấy, thúc nói có đúng không?

Người chết đương nhiên không thể trả lời bà ta nữa, Khấu Đan cười khẽ, ống tay áo phủi đi bụi đất trên người, xoay người đẩy mở một mặt tường trong đình nhỏ giữa sông, toàn bộ trái tim của dây trận khổng lồ rắc rối phức tạp đều ở trong đó. Bà ta giống như đang chọn nữ trang, tiện tay chọc chọc vài chỗ, dây trận trong sông Tẩy Mặc phát ra một tiếng thở dài nặng nề rồi chậm rãi chìm xuống dưới làn nước tối tăm vô hạn.

Con chó dữ hung mãnh ấy, lặng lẽ ngủ say.

Trong đêm tối, các bóng đen ẩn nấp đã lâu ở bờ sông Tẩy Mặc thi nhau nhảy xuống, Khấu Đan nhẹ nhàng thở ra một hơi, bà ta chờ ngày này đã lâu rồi – nếu không phải Lý Cẩn Dung dưới tình huống không biết gì cả phải ra mặt đón nhận gia quyến Ngô gia thì “bên kia” cũng chưa chắc nỡ bỏ vốn liếng để động tới 48 trại vững như thành đồng này.

Bà ta ngẩng đầu, nhìn về phía dây thừng thõng xuống bên vách đá mà ánh sáng có thể thấy được, mỉm cười…

Nói đi cũng phải nói lại, một góc đào nguyên trong kẽ hở bấp bênh vô định, thật có thể trường tồn sao?

Chuyện này không khỏi quá ngây thơ rồi.

Lúc này, trong trấn nhỏ dưới núi, Tạ Doãn nghi hoặc đẩy cửa sổ bị gió thổi đóng lại mở ra lần nữa, nheo mắt nhìn ra xa về phía 48 trại, quay đầu hỏi Chu Phỉ:

– Trại các cô ngày nào cũng người qua kẻ lại, đâu đâu cũng có người tuần núi, bầy chim dễ dàng bị hoảng sợ như vậy sao?

Lời hắn chưa dứt, lại một bầy chim lao lên trời, ngỡ ngàng lượn quanh trên bầu trời như loài chim di trú, tiếng chim thảm thiết vang vọng thật xa.

Chu Phỉ vô thức giữ chặt Vọng Xuân Sơn bên hông.

Đúng lúc này, đèn đuốc mấy trạm gác liên tiếp tắt ngúm, 48 trại cách đó không xa đột nhiên đen kịt, chỉ còn lại bóng đen trong màn đêm, Chu Phỉ không kìm được nín thở.

Tạ Doãn hơi nghiêng tai, lẩm bẩm:

– Đây là tiếng gió hay là…

Chu Phỉ lập tức hét với hắn:

– Suỵtttt.

Cơn gió xa xa băng qua dãy núi và rừng rậm bạt ngàn vốn đã vô cùng chói tai, phải nghe kỹ mới nhận ra tiếng còi trong đó.

Tuy Chu Phỉ không rõ nguyên do nhưng trái tim thình lình đập điên cuồng, lòng bàn tay phút chốc toát đầy mồ hôi lạnh, nàng quay đầu chạy lên lầu đập cửa phòng Mã Cát Lợi.

Người đủ tư cách hộ tống Lý Nghiên, ngoại trừ rất được Lý Cẩn Dung tín nhiệm, đương nhiên cũng phải có bản lĩnh.

Tuy Mã Cát Lợi bị Chu Phỉ gọi dậy giữa đêm hôm khuya khoắt, trên người còn chút mùi rượu nhưng nghe xong dăm ba câu của nàng kể rõ ngọn nguồn thì lập tức tỉnh táo, đoàn người hộ tống trong nháy mắt đã tề tụ đông đủ bên cửa sổ đại sảnh.

Trừ Lý Nghiên dụi dụi mắt không hiểu tình hình, ngay cả Ngô Sở Sở cũng bắt đầu cảnh giác lo sợ.

– Trước tiên để đồ đạc lại.

Mã Cát Lợi gọi một tùy tùng ở lại để trông coi hành lý và ngựa, sau đó nói:

– Những người khác theo ta lập tức lên đường.

Lúc này Chu Phỉ cuối cùng cũng hơi do dự, lần đầu tiên đưa ra ý kiến cá nhân trước mặt Mã Cát Lợi:

– Mã thúc, Sở Sở và A Nghiên…

Lời nàng chưa dứt, Ngô Sở Sở đã nhìn nàng với ánh mắt cầu khẩn, Ngô Sở Sở vô số lần tưởng mình đã quen với cuộc sống chạy trốn đêm khuya, nhưng có lẽ từ sau khi gặp được nhóm Mã Cát Lợi ở Thiệu Dương, mấy tháng hành trình đều quá an toàn nên trong tình huống đột phát, nàng ấy không khỏi bắt đầu hoảng sợ, theo bản năng hi vọng được đi cùng Chu Phỉ.

Chu Phỉ hiểu ý nàng ấy, nhất thời có chút trù trừ.

Nhưng Mã Cát Lợi nói như đinh đóng cột:

– Đi theo hết, đại đương gia lệnh cho ta hộ tống A Nghiên, dọc đường ta không rời một tấc, nếu trong trại xảy ra chuyện gì thì trấn này cũng chưa chắc an toàn, chuẩn bị ngựa xong chưa? Mọi người nhanh lên!

Trong lòng Chu Phỉ thoáng cảm thấy không ổn nhưng công nhận Mã Cát Lợi nói có lý, lúc đó trong thành Hoa Dung, không phải nàng cũng cho rằng nhóm Thần Phi sư huynh ở khách điếm là rất an toàn sao?

Nhưng sau đó đã xảy ra chuyện gì?

Chu Phỉ không dị nghị, Lý Nghiên và Ngô Sở Sở lại càng không, Tạ Doãn là người ngoài không tiện lên tiếng, hắn cau mày, nhân lúc người khác không chú ý, lấy trong ngực ra một hộp ngân châm nhỏ cài trên tay áo của mình.

Vào thời điểm đặc biệt không hơi đâu để ý có đối chiếu lệnh bài lên núi xong chưa, đoàn người nhanh chóng lên ngựa lao về phía 48 trại, không hề ngơi nghỉ chạy tới dưới chân núi.

Lúc này đã gần nửa đêm.

Trong lòng Chu Phỉ trầm xuống – trạm gác tầng đầu tiên không một bóng người!

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.