Hổ Phụ

Chương 32: Mũi tên tình ái




Một tiếng động bên ngoài - tiếng răng rắc vọng lại từ sau nhà - mang nỗi sợ xưa cũ quay về.

Cảm giác đang bị theo dõi.

Không giống như ở siêu thị hay trên bãi biển. Cô không sợ những cậu nhóc ma mãnh hay những kẻ ỡm ờ thích trêu ghẹo. Bởi chuyện đó hoặc làm cô khó chịu, hoặc làm cô thấy được tán tụng, tất nhiên phụ thuộc vào đối tượng là một cậu nhóc hay một gã lăng nhăng. Nhưng không, điều làm Kelley Morgan phát khiếp là thứ gì đó đang nhìn chằm chằm vào mình từ bên ngoài cửa sổ phòng ngủ.

Rắc rắc…

Lại một âm thanh nữa. Kelley ngồi bên bàn viết trong phòng, cảm thấy một cái rùng mình đột ngột và dữ dội đến mức da cô nhói lên như bị chích. Các ngón tay cứng đờ như bị đóng băng, dừng lại ngay trên bàn phím. Nhìn đi, cô tự nhủ. Sau đó: Không, đừng.

Cuối cùng: Chúa ơi, mi đã mười bảy tuổi rồi. Vượt qua nó đi!

Kelley ép mình quay người lại, đánh bạo đưa mắt nhòm qua khung cửa. Một nền trời xám bên trên mảng màu xanh lục và nâu của cây cối, đá và cát. Chẳng có ai.

Và chẳng có thứ gì hết.

Quên nó đi.

Cô có thân hình mảnh mai cùng mái tóc dày sẫm màu, và sẽ trở thành học sinh năm cuối trường trung học vào mùa thu tới. Cô đã có giấy phép lái xe. Cô từng lướt ván ở bãi biển Maverick. Và cô sẽ đi nhảy dù vào dịp sinh nhật thứ mười tám cùng bạn trai.

Không, Kelley Morgan không dễ bị dọa nạt.

Nhưng cô có một nỗi sợ hãi khủng khiếp.

Những khung cửa sổ.

Nỗi sợ bắt nguồn từ khi cô còn là một đứa trẻ, có lẽ mới chín hay mười tuổi và sống trong chính ngôi nhà này. Mẹ cô chăm chỉ đọc tất cả những tạp chí về thiết kế nội thất với giá cắt cổ, vì bà nghĩ những tấm rèm cửa hoàn toàn lạc lõng sẽ phá hỏng những đường nét gọn ghẽ tạo nên ngôi nhà hiện đại của họ. Kỳ thực cũng chẳng phải điều gì ghê gớm, ngoại trừ việc Kelley đã xem vài chương trình truyền hình ngu ngốc về Người tuyết khủng khiếp hay một con quái vật đại loại như thế. Trong đó thể hiện hình ảnh con quái thú đi tới một căn nhà gỗ, ngó qua cửa sổ, làm những người đang nằm trên giường sợ hết hồn.

Dẫu cho đó chỉ là những hình ảnh đồ họa vi tính chất lượng thảm hại cũng như chuyện cô biết rõ chẳng có thứ gì như thế trong đời thực, nhưng chúng hoàn toàn không giúp được gì. Một chương trình truyền hình, tất cả chỉ cần có thế. Suốt nhiều năm sau, Kelley tiếp tục nằm trên giường, mồ hôi vã ra đầm đìa, trùm chăn kín đầu vì sợ phải nhìn thấy những thứ sẽ làm mình chết khiếp. Nhưng không nhìn cũng làm cô sợ, sợ không được cảnh báo trước khi nó leo vào qua cửa sổ cho dù nó có là gì đi nữa.

Bóng ma, thây ma, ma cà rồng và người sói không tồn tại, cô tự nhắc bản thân. Song chỉ cần đọc một tập Chạng vạng[1] của Stephenie Meyer, thế là bùm, nỗi sợ hãi lập tức quay trở lại.

[1. Bộ tiểu thuyết bốn tập của nhà văn Mỹ Stephenie Meyer, xoay quanh cuộc sống của Isabella “Bella” Swan, một thiếu nữ vừa chuyển tới Forks từ Washington và tình yêu với Edward Cullen – một ma cà rồng.]

Còn Stephen King[2] thì sao? Quên đi nhé.

[2. Sinh ngày 21 tháng 9 năm 1947, là nhà văn người Mỹ thiên về thể loại kinh dị giả tưởng nổi tiếng khắp thế giới.]

Giờ đây, khi đã lớn hơn và không còn chấp nhận cam chịu những sở thích kỳ cục của bố mẹ mình như trước, cô đã tới Home Depot mua rèm cửa cho phòng mình và tự tay mắc chúng lên, mặc kệ gu thẩm mỹ nội thất của mẹ cô. Kelley luôn kéo kín rèm vào buổi tối. Song lúc này chúng đang được mở ra, vì giờ đang là ban ngày, với thứ ánh sáng nhàn nhạt và một cơn gió nhẹ mùa hè mát mẻ hây hẩy thổi vào.

Thêm một tiếng răng rắc nữa bên ngoài. Có phải nó vang lên gần hơn không?

Hình ảnh con quái vật quái gở phát trên chương trình truyền hình chưa bao giờ biến mất hẳn, cũng như nỗi sợ hãi ăn sâu trong mạch máu cô. Gã Người tuyết khủng khiếp đang ở bên bậu cửa sổ, trợn mắt nhìn cô chằm chằm. Một cơn quặn thắt lúc này siết chặt lấy bụng Kelly, như lần cô bé thử uống thứ nước giảm cân nhanh rồi quay lại với thức ăn đặc.

Rắc rắc…

Cô đánh bạo đưa mắt nhìn lần nữa.

Khung cửa sổ trống hoác mở toang đe dọa cô.

Đủ rổi đấy!

Kelley quay lại bên máy tính của mình, đọc mấy lời bình luận trên mạng xã hội OurWorld nói về Tammy, đứa con gái tội nghiệp ở trường trung học Stevenson vừa bị tấn công tối hôm qua, và lạy Chúa, bị ném vào trong cốp xe rồi bỏ mặc cho chết đuối. Bị cưỡng bức hay ít nhất cũng bạo hành, mọi người đều đang nói vậy.

Phần lớn bình luận đều bày tỏ sự thông cảm. Nhưng có một số bình luận cũng thật tàn nhẫn và khiến Kelley phát khiếp. Lúc này cô đang nhìn trừng trừng vào một bình luận như thế.

Được rồi, Tammy sẽ ổn, ơn Chúa. Nhưng tôi cần phải nói một điều. IMHO[3], cô ta đã tự chuốc lấy điều đó. Đáng ra ả PHẢI biết rằng đừng có lượn lờ khắp nơi như một con mèo cái động đực với kiểu kẻ mắt và những cái váy không hiểu moi từ đâu ra đó? Cô ả BIẾT đám đàn ông đang nghĩ gì, vậy cô ta trông đợi thế nào nữa chứ???

- AnonGurl[4]

[3. Viết tắt của In my humble (honest) opinion: Theo quan điểm khiêm tốn (chân thành) của tôi.

4. Cách nói lóng, chính xác là A non girl – ám chỉ đây là biệt danh của một cậu con trai.]

Kelley lập tức phản ứng bằng một đoạn trả lời.

OMG[5], sao cậu có thể nói thế? Thiếu chút nữa cô ấy đã bị giết. Và bất cứ kẻ nào nói một phụ nữ MỜI GỌI để được cưỡng bức là một kẻ không có não. Cậu nên thấy xấu hổ!!!

- Bella Kelley

[5. Viết tắt của Oh my God: Ôi Chúa ơi.]

Cô tự hỏi liệu kẻ đăng bình luật ban đầu có đáp lại không.

Kelley cúi người về phía màn hình máy tính, lại nghe thấy một tiếng động nữa bên ngoài.

“Là nó,” cô bật lên thành tiếng, đứng dậy, nhưng không đi ra cửa sổ. Thay vì thế, cô bước ra khỏi phòng mình và vào trong bếp, rụt rè liếc vội ra ngoài. Không thấy gì hết… hay là nó quá nhỏ? Liệu có đúng là một bóng đen đang lẩn khuất trong khe núi, đằng sau mấy bụi cây phía sau khu nhà hay không?

Nhà cô chẳng có ai, bố mẹ đã đi làm, em trai đi tập thể thao.

Cô bé tự bật cười một mình đầy bồn chồn: Với cô, bước ra bên ngoài và mặt đối mặt với một gã biến thái to xác còn đỡ đáng sợ hơn thấy hắn nhìn vào trong qua cửa sổ phòng mình. Kelley liếc nhìn giá cắm dao từ tính. Những lưỡi dao đều cực kỳ sắc bén. Cô bé do dự một lát. Nhưng rồi để những món vũ khí này ở yên chỗ của chúng. Thay vào đó, cô cầm chiếc Iphone lên áp vào tai và bước ra ngoài.

“Chào, Ginny, phải, mình nghe thấy có tiếng động bên ngoài. Mình chỉ ra xem một chút thôi.”

Cuộc nói chuyện chỉ là giả bộ, nhưng hắn hay nó sẽ không biết được điều đó.

“Không, mình vẫn nói chuyện tiếp mà. Chỉ để xem nhỡ có tên khốn nào ở ngoài đó không,” cô bé nói thật lớn tiếng.

Cánh cửa mở ra khoảnh sân bên hông nhà. Kelley hướng ra phía sau, rồi sau đó, khi bước đi gần tới góc ngôi nhà, cô đi chậm lại. Cuối cùng cô rụt rè bước ra sân sau. Vắng tanh. Ở cuối khu đất, sau một hàng rào cây dày, mặt đất đổ dốc thẳng xuống khu đất của hạt – một khoảng đất nông phủ đầy cây bụi và vài con đường mòn cho những người tập chạy.

“Vậy chuyện đó thế nào rồi? À… thế sao? Tuyệt quá. Rất tuyệt.”

Vẫn ổn. Đừng có làm bộ quá đà, cô nghĩ. Điệu bộ của mình thật đáng thất vọng.

Kelley rón rén bước tới bờ cây, ngó qua nó xuống dưới lòng khe. Cô nghĩ mình đã thấy ai đó rời xa khỏi ngôi nhà.

Rồi cách chỗ đang đứng không xa, cô thấy một cậu nhóc mặc đồ nỉ ngồi trên xe đạp đang men theo một trong những con đường mòn vốn là lối đi tắt giữa Pacific Grove và Monterey. Cậu ta rẽ trái và biến mất sau một quả đồi.

Kelley bỏ điện thoại xuống. Cô bắt đầu quay vào khi nhận thấy thứ gì đó là lạ trên những luống đất trồng cây sau nhà. Một chấm nhỏ. Cô bước tới chỗ đó và nhặt lên một cánh hoa. Cánh hoa hồng. Kelley thả cánh hoa hình lưỡi liềm đong đưa rơi trở lại xuống đất.

Cô quay vào nhà.

Rồi dừng bước, ngoái lại nhìn phía sau. Không có người nào, không có con vật nào. Chẳng có bóng dáng nào của một Người Tuyết Khủng Khiếp hay Người Sói.

Cô bước vào trong nhà. Và cứng đờ người, miệng há hốc.

Trước mặt cô, chỉ cách khoảng ba mươi mét, một bóng người đang lại gần, khuôn mặt không thể thấy rõ vì luồng sáng chiếu ngược ra từ phòng khách.

“Ai…?”

Bóng người dừng lại. Một tiếng cười vang lên. “Chúa ơi, Kel. Chị cứ như đang chết khiếp ấy. Trông chị… đưa em điện thoại của chị. Em muốn chụp một kiểu ảnh.”

Ricky, em trai cô, với lấy cái Iphone.

“Biến ngay!” Kelley nói, nhăn mặt và rụt lại khỏi bàn tay đang chìa ra của cậu em. “Chị nghĩ em đi tập cơ đấy.”

“Em cần bộ đồ nỉ của em. Mà này, chị nghe nói gì về cô gái trong cốp xe chưa? Cô ấy cũng học Stevenson.”

“Có, chị thấy cô ấy rồi. Tammy Foster.”

“Cô ta nóng bỏng chứ?” cậu nhóc mười sáu tuổi cao lênh khênh, với mớ tóc nâu hoàn toàn giống cô, bước tới tủ lạnh và lấy ra một lon nước tăng lực.

“Ricky, em ăn nói bỗ bã quá.”

“Ừ hừm. Thế nào? Có đúng thế không?”

Ôi, cô căm ghét những đứa em trai biết chừng nào. “Khi em đi, nhớ khóa cửa lại đấy.”

Mặt Ricky cau lại. “Tại sao? Có ai muốn quấy rầy chị ư?”

“Khóa cửa vào!”

“Ừm, được thôi.”

Cô ném về phía cậu em một ánh nhìn tối sầm, song hoàn toàn bị cậu tảng lờ.

Kelley tiếp tục đi về phòng mình và lại ngồi xuống trước máy tính. Ái chà, AnonGurl vừa đăng một bình luận tấn công Kelley vì đã bênh vực Tammy Foster.

“Được, đồ chó cái, tao nhớ mày rồi. Tao sẽ xử mày chu đáo.”

Kelley bắt đầu gõ lên bàn phím.

~*~

Giáo sư Jonathan Boling có lẽ đã ngoài bốn mươi tuổi, Dance ước tính. Không cao lắm, chỉ hơn cô vài phân, với một thân hình cho phép suy đoán chủ nhân của nó hoặc chịu khó tập luyện, hoặc khinh thường các loại thực phẩm tạp nham. Mái tóc nâu thẳng giống Dance, cho dù cô cho rằng anh ta không hề bỏ một hộp Clairol[6] vào xe đẩy mua hàng của mình khi tới Safeway vài tuần một lần.

[6. Tên một loại thuốc nhuộm tóc.]

“Chà,” Boling nói trong lúc đưa mắt nhìn quanh các gian sảnh trong khi cô dẫn anh ta từ tiền sảnh vào phòng làm việc của mình tại Cục Điều tra California. “Nơi này quả thực không hẳn giống những gì tôi đã hình dung. Không giống trong CSI[7].”

[7. Crime Scene Investigation (Điều tra hiện trường): Seri phim truyền hình Mỹ của kênh CBS, bắt đầu phát sóng từ năm 2000, về chủ đề điều tra hiện trường các vụ trọng án hình sự của một đội điều tra tại Las Vegas.]

Chẳng lẽ tất cả mọi người trong vũ trụ này đều xem bộ phim đó sao?

Một bên cổ tay của Boling đeo đồng hồ điện tử Timex, bên còn lại là một vòng tay tết dây – có lẽ để thể hiện sự ủng hộ với thứ gì đó hay ai đó. Dance nghĩ tới các con cô, hai đứa luôn đeo vô số dải băng màu trên cổ tay đến mức cô chẳng bao giờ dám chắc nguyên do mới nhất là gì. Anh ta mặc quần jean và áo sơ mi kiểu đấu thủ polo màu đen, có vẻ đẹp nhẹ nhàng, thu hút người đối diện giống như National Public Radio[8]. Đôi mắt nâu ánh lên vẻ kiên định, và rất dễ mỉm cười.

[8. Một đài phát thanh từ thiện ở Mỹ.]

Dance đi đến kết luận vị giáo sư này có thể chinh phục được bất cứ cô sinh viên nào anh ta để mắt đến. Cô hỏi, “Anh đã bao giờ vào văn phòng một cơ quan thực thi pháp luật trước đây chưa?”

“À, tất nhiên là có,” vị khách nói, hắng giọng và đưa ra những tín hiệu kỳ cục về ngôn ngữ cơ thể. Tiếp theo là một nụ cười. “Nhưng họ đã bãi bỏ lời buộc tội. Ý tôi là họ liệu có thể làm gì khác đây khi thi thể của Jimmy Hoffa chẳng bao giờ được tìm thấy?”

Cô không thể ngừng cười. Ôi, những cô sinh viên tội nghiệp của anh ta. Cẩn thận đấy. “Tôi cứ nghĩ anh từng làm tư vấn cho cảnh sát.”

“Tôi đã đề xuất điều đó, vào cuối bài giảng dành cho các cơ quan thực thi pháp luật và các công ty an ninh. Nhưng vẫn chưa có ai nhờ… cho tới lúc này. Làm việc cùng cô chính là lần thử sức đầu tiên của tôi. Tôi sẽ cố không làm cô thất vọng.”

Hai người vào phòng làm việc của Dance, ngồi đối diện nhau bên cái bàn cà phê cũ.

Boling nói, “Tôi rất vui lòng giúp đỡ bằng bất cứ cách nào có thể, nhưng tôi không chắc mình phải làm gì.” Một vạt nắng mặt trời chiếu qua đôi giày lười của anh ta, và vị khách liếc mắt nhìn xuống, nhận ra một chiếc tất mình đang đi có màu đen, còn chiếc kia lại màu xanh hải quân. Anh ta bật cười bối rối. Vào một thời điểm khác, Dance hẳn đã đoán anh ta là người còn độc thân. Nhưng thời buổi này, cả hai vợ chồng cùng bận rộn với công việc, thì trang phục có chút luộm thuộm như vậy là bằng chứng chưa đủ thuyết phục. Tuy nhiên, anh ta cũng không đeo nhẫn cưới.

“Tôi có hiểu biết về phần cứng và phần mềm, nhưng để đưa ra những tư vấn kỹ thuật nghiêm túc, tôi e mình đã qua cái tuổi cập nhật công nghệ tiên tiến rồi, và tôi lại không nói tiếng Hindi.”

Boling cho cô biết anh ta có hai bằng văn học và kỹ sư tại Stanford, thừa nhận rằng đó là một kiểu kết hợp kỳ lạ, và sau một thời gian “tha thẩn vòng quanh thế giới” cuối cùng đã hạ cánh xuống thung lũng Silicon, làm công việc thiết kế hệ thống cho một số công ty máy tính lớn.

“Quãng thời gian đó thật thú vị,” Boling nói. Nhưng, vị khách phân trần thêm, cuối cùng anh đã mất hết hứng thú vì thói tham lam ngu ngốc của họ. “Nó cũng giống một cuộc đổ xô vào dầu mỏ vậy. Tất thảy đều đặt câu hỏi làm thế nào để giàu sụ bằng cách thuyết phục dân tình rằng họ cần đến những nhu cầu được tạo ra từ phía nhà cung cấp. Tôi thì nghĩ, có lẽ chúng ta nên nhìn nhận nó theo cách khác: Tìm hiểu chính xác những gì mọi người thực sự cần và sau đó đặt câu hỏi máy tính có thể giúp họ ra sao.”

Một cái gật đầu. “Thế là xung đột quan điểm nảy sinh. Mất thời gian vô ích. Vì vậy tôi nhặt nhạnh ít tiền từ mớ cổ phiếu được bán ra, rồi bỏ đi chu du khắp nơi. Cuối cùng tôi dừng chân ở Santa Cruz, gặp một người, quyết định ở lại và thử dạy học. Rồi yêu thích công việc này. Và giờ tôi vẫn đang ở đó.”

Dance kể với anh ta rằng mình đã quay lại trường đại học – cũng chính là trường anh ta đang dạy – sau một thời gian ngắn thử làm phóng viên. Cô tham gia lớp truyền thông và tâm lý học. Thời gian cô ở trường tình cờ trùng hợp một quãng ngắn với thời gian anh ta có mặt tại đó, song cả hai không có chung người quen nào.

Boling giảng dạy một số môn, trong đó có mảng Văn học khoa học viễn tưởng, cũng như một lớp học mang tên Máy tính và Xã hội. Ở trường đại học Boling dạy vài thứ mà theo như anh ta mô tả là những môn kỹ thuật chán ngắt. “Nửa toán, nửa công nghệ”. Vị giáo sư cũng làm tư vấn cho các tập đoàn.

Dance từng thẩm vấn những đối tượng thuộc nhiều ngành nghề khác nhau. Đa số thường biểu hiện rõ những dấu hiệu căng thẳng khi đề cập đến công việc của họ, biểu hiện phản ứng hoặc tâm trạng lo lắng trước đòi hỏi của công việc, hay thường gặp hơn là nỗi thất vọng về nó như lúc Boling nói về thung lũng Silicon. Nhưng lúc này biểu hiện ngôn ngữ cơ thể của anh ta, khi nói về nghề nghiệp hiện tại, hoàn toàn không có dấu hiệu căng thẳng.

Tuy vậy, Boling tiếp tục đánh giá thấp khả năng công nghệ của mình, khiến Dance cảm thấy thất vọng. Anh ta dường như có vẻ thông minh và rất sẵn sàng giúp đỡ khi đã lái xe tới đây gần như lập tức. Bản thân cô rất muốn tận dụng sự hợp tác của anh ta, song để xâm nhập vào máy tính của Tammy Foster dường như họ sẽ cần đến nhiều hơn là chỉ duy nhất một người với hiểu biết kỹ thuật cơ bản. Ít ra, cô hy vọng anh ta có thể giới thiệu ai đó.

Maryellen Kresbach bước vào, bê một khay đựng cà phê và bánh giòn. Với ngoại hình hấp dẫn, cùng mái tóc nâu được búi lại và các móng tay sơn Kevlar đỏ chót, trông bà giống như một ca sĩ nhạc đồng quê trong một bộ phim Viễn Tây[9]. “Bảo vệ ngoài cổng vừa gọi. Có người vừa mang chiếc máy tính từ bên văn phòng của Michael sang.”

[9. Tên gọi khác của phim Cao bồi, một thể loại phim kể về những câu chuyện tại miền Viễn Tây Hoa Kỳ trong khoảng thời gian nửa cuối thế kỷ XIX. Thể loại này thường mô tả sự xung đột giữa người da đỏ bản xứ và người định cư Mỹ.]

“Tốt. Chị có thể đưa nó vào đây.”

Maryellen dừng lại trong khoảnh khắc, và Dance chợt nảy ra ý nghĩ đầy thú vị rằng bà ta đang xem Boling như một đối tượng hẹn hò lãng mạn. Maryellen đã xúc tiến một chiến dịch không mấy âm thầm tế nhị nhằm tìm cho Dance một tấm chồng. Khi bà để mắt tới ngón đeo nhẫn bên tay trái vẫn trống không của vị khách và nhướng mày lên với cô, Dance dành cho bà ta một cái liếc mắt đầy ngao ngán, hành động đó được tiếp nhận và hoàn toàn bị phớt lờ tức thì.

Boling lên tiếng cảm ơn, sau khi thả ba viên đường vào tách cà phê của mình, anh quay sang đĩa bánh giòn và ăn hai cái. “Ngon. Không, hơn cả ngon nữa.”

“Chị ấy tự làm đấy.”

“Thật sao? Người ta vẫn làm vậy ư? Hóa ra không phải tất cả chúng đều chui ra từ một gói Keebler[10] sao?”

[10. Tên một loại bánh]

Dance ăn nửa mẩu bánh giòn và khoan khoái nhấp một ngụm cà phê, cho dù cô đã được cung cấp đủ lượng caffeine từ cuộc gặp trước với Michael O’Neil.

“Hãy để tôi cho anh biết chuyện gì đang xảy ra,” cô giải thích với Boling vụ tấn công nhằm vào Tammy Foster. Sau đó nói, “Chúng ta cần thâm nhập vào máy tính xách tay của cô bé.”

Boling gật đầu ra bộ hiểu. “À, cái máy tính đã bơi dưới Thái Bình Dương…”

“Nó đã bị nướng…”

Vị khách chữa lại, “Với nước sẽ giống món cháo yến mạch hơn nếu chúng ta lấy các món ăn sáng để ví von”.

Đúng lúc đó, một nhân viên điều tra trẻ tuổi của MCSO bước vào phòng làm việc của Dance, mang theo một túi giấy lớn. Anh ta có đôi mắt xanh sáng, trông khá bắt mắt và hào hứng, cho dù dễ mến hơn là đẹp trai, và trong một khoảnh khắc anh ta dường như định giơ tay chào. “Đặc vụ Dance?”

“Tôi đây.”

“Tôi là David Reinhold. Thuộc đội Điều tra Hiện trường của Sở Cảnh sát.”

Cô gật đầu. “Rất vui được gặp cậu. Cảm ơn cậu đã mang nó qua.”

“Có gì đâu. Tôi sẵn sàng làm bất cứ điều gì có thể.”

David và Boling bắt tay nhau. Sau đó anh chàng cảnh sát trẻ, mặc bộ đồng phục là phẳng phiu hoàn hảo, đưa túi giấy cho Dance. “Tôi không cho nó vào túi nilon. Để được thoáng gió một chút. Chúng tôi muốn hơi ẩm thoát ra ngoài càng nhiều càng tốt.”

“Cảm ơn,” Boling nói.

“Và tôi đã mạo muội tự tháo pin ra,” người cảnh sát trẻ nói. Anh ta giơ lên một ống kim loại được đậy kín. “Nó là một tấm pin lithium-ion. Tôi nghĩ nếu bị nước ngấm vào sẽ có nguy cơ gây cháy.”

Boling gật đầu, rất ấn tượng. “Suy nghĩ chu đáo lắm.”

Dance không rõ về điều vị khách đang nói đến. Boling nhận thấy cô cau mày và giải thích một số loại pin lithium, dưới các điều kiện nhất định, có thể bốc cháy lên khi tiếp xúc với nước.

“Cậu là dân mê máy tính?” Boling hỏi viên cảnh sát.

Anh ta đáp, “Cũng không hẳn. Chỉ là những thứ nhặt nhạnh học được, anh biết đấy.” Anh ta đưa một tờ biên nhận để Dance ký, sau đó chỉ vào tấm thẻ đăng ký bằng chứng được gắn vào túi. “Nếu có bất cứ điều gì khác tôi có thể làm, hãy gọi cho tôi,” David đưa cho cô danh thiếp của mình.

Cô cảm ơn người cảnh sát, và chàng trai trẻ ra về.

Dance lấy chiếc máy tính xách tay của Tammy ra khỏi túi. Vỏ máy có màu hồng.

“Màu mè thật đấy,” Boling vừa nói vừa lắc đầu. Anh ta lật ngược cái máy lên và xem phần đáy máy.

Dance hỏi anh ta, “Vậy anh biết ai đó có thể làm thứ này hoạt động và xem qua các tệp dữ liệu của cô bé chứ?”

“Tất nhiên. Tôi.”

“Ồ, tôi nghĩ anh vừa nói mình không còn cập nhật về công nghệ kịp thời nữa kia mà.”

“Cái này không phải là công nghệ, theo tiêu chuẩn ngày nay thì không,” Boling lại mỉm cười. “Nó cũng giống như thay lốp cho xe của cô thôi mà. Chỉ có điều tôi cần vài món dụng cụ.”

“Ở đây chúng tôi không có phòng thí nghiệm. Không có thứ gì phức tạp như mức độ có thể anh sẽ cần đến.”

“À, cái đó còn tùy. Tôi thấy cô sưu tập giày.”

Cửa tủ đồ của cô để mở, và hẳn Boling đã liếc mắt nhìn vào trong đó, nơi có cả tá giày được xếp tương đối thứ tự dưới sàn, dành cho những tối la cà đâu đó sau giờ làm mà không phải rẽ về qua nhà. Dance bật cười. Và đỏ mặt.

Boling tiếp tục, “Cô có dụng cụ chăm sóc cá nhân nào không?”

“Chăm sóc cá nhân?”

“Tôi cần một máy sấy tóc.”

Cô tặc lưỡi. “Buồn thật, mọi dụng cụ chăm sóc sắc đẹp của tôi đều đang ở nhà.”

“Vậy thì tốt hơn chúng ta nên đi mua sắm.”

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.