Hết Đường Nói - Ta Yêu Nàng!

Chương 53: Quay về hiện trường




Kể từ ngày Nguyên Huân ra đi, mùa đông đến nữa vừa tròn hai năm. Suốt hai năm Uyển Thanh sống trong những ngày mòn mỏi nhớ thương. Căn nhà thêm quạnh quẽ. Cha nàng, từ ngày vắng Nguyên Huân, ông âm thầm hơn, ít khi ra khỏi phòng, ông cũng không còn những tiếng ho nặng nề mỗi sớm mai thức dậy, gương mặt ông đã bớt xanh xao, tuy nhiên vẫn giữ những thói quen cũ. Thỉnh thoảng có những người khách lạ từ xa đến, họ đối với ông rất cung kính, và một lần, người khách họ Trần đến thăm, lần ấy nàng cùng Dư Tứ xuống thị trấn mua bán những thứ cần thiết.

Ngoài việc ngày hai buổi bếp núc, khâu vá và săn sóc cha già, Uyển Thanh chú tâm luyện tập võ công. Thiểm Điện kiếm đã thuần thục và khinh công Ảo Hình thân pháp đã tiến rất nhiều so với ngày Nguyên Huân ra đi. Hỏa hầu của nàng cũng tăng tiến với Hỏa Ván công. Nàng còn quá nhiều thì giờ để nhớ nhung, se sắt.

Vì không muốn để lòng trĩu nặng những u buồn, nàng đã cùng Dư Tứ phá một mảnh rừng thưa để trồng trọt, nào bắp, nào khoai, nào rau cỏ, hoa trái. Nàng dồn hết thì giờ vào công việc để cố quên đi nỗi nhớ nhung và lo lắng. Ôi, ở phương trời xa thắm kia, những hiểm nguy và gian khổ đang chờ đợi chàng, đã hai năm qua rồi mà không có tin chàng. Tiêu lão bá cũng biệt vô âm tín, nàng ngày đêm lo lắng. Những buổi chiều mùa đông âm u, lạnh lẽo và giá buốt, nỗi buồn mỗi lúc càng nặng nề thêm trong lòng nàng, những buổi mưa phùn gió rét, cả khung trời, cả ngọn Liên Sơn co ro trong nỗi buồn bã thê lương. Những kỷ niệm ngày xưa đốt cháy lòng Uyển Thanh. Nàng đã yêu chàng khi nàng vừa mười sáu, tình yêu thanh khiết, như nắng hồng dịu ngọt trên đọt cây những sáng xuân sang, trái tim nàng thơ dại, tình yêu thơm như cỏ hoa, như tiếng chim hót mỗi buổi sáng trong ngày xuân mới.

Uyển Thanh chống cuốc, nhìn luống khoai mì đang quắt đi vì khí lạnh, nàng đã vun gốc cho ấm thêm thân cây nhỏ bé. Cái lạnh của ngày chớm đông se sắt hơn những ngày Nguyên Huân còn bên nàng, ánh nắng chiều nhuộm vàng trên nương sắn và chim trời vội vã về Nam, từng đàn sát cánh, biết ngày nào chàng mới như chim kia quay về Nam, quay về với nàng bên bếp lửa chiều đông giá. Nàng lẻ loi một mình với người cha già im lìm, bệnh hoạn. Dư Tứ vốn ít nói, càng ít nói hơn nàng. Chỉ còn lại duy nhất nỗi thương nhớ héo hon. Dư Tứ đi về phía nàng đứng, không biết trong con người kia, có bao giờ buồn bã như nàng. Uyển Thanh hỏi :

- Dư thúc ơi, sáng nay Dư thúc đi săn có được gì không?

- Có đấy?

- Con gì vậy?

- Một con nai!

- Sao mãi đến giờ điệt nhi hỏi Dư thúc mới nói, bây giờ để đâu rồi?

- Muối rồi, có để lại hai cân đấy!

- Chiều nay điệt nhi xào lăn cho gia gia và Dư thúc uống rượu nhé?

- Cũng được!

- Dư thúc này, gạo muối hết rồi!

- Biết rồi, mai đi bán da, mua luôn!

- Có nhiều không, lần này mua chiếc khăn quàng lông cho Dư thúc và gia gia nhé?

- Ừ mua cho gia gia ngươi thôi!

- Sao Dư thúc không mua?

- Cái khăn tiểu thư mua cho năm xưa vẫn còn đấy!

- Ơ hay, điệt nhi mách gia gia bây giờ, sao Dư thúc cứ gọi điệt nhi như người xa lạ thế!

- Ta quên!

- Dư thúc không thương điệt nhi sao?

- Sao không thương, thương nhiều lắm đấy!

Sáng sớm hôm sau, hai người xuống thị trấn. Uyển Thanh mặc bộ quần áo theo kiểu người Thái, làm nổi bật tấm thân đầy đặn, cân đối, căng tràn nhựa sống của nàng. Hai má nàng ửng hồng vì cái lạnh đầu đông, càng làm tăng vẻ đẹp của đôi mắt thăm thẳm như đáy hồ Vân Mộng.

Dư Tứ nói :

- Ngươi thay đồ khác đi, mặc đồ người phương Bắc ấy!

- Mặc đồ ấy làm chi, hài nhi có phải là người phương Bắc đâu!

- Thì vậy, nhưng để cho bớt rắc rối mà?

- Sao lại rắc rối?

- Dưới trấn, bọn quan quân nhà Minh đi lại chọc ghẹo phá phách, thấy người cùng chủng tộc, chúng bớt gây chuyện!

- Gây chuyện gì thế?

- Sao ngươi dốt thế, bọn nó thấy gái đẹp thì chọc ghẹo làm hỗn chứ sao!

- Chúng dám chọc ghẹo hài nhi à?

- Sao chúng lại chả dám, là bọn ăn cướp mà chuyện chi chúng chả làm!

- Nhưng chúng đụng đến hài nhi làm sao được!

- Đành vậy, nhưng ngươi ăn mặc thế này, chiếc váy hẹp ấy, dụng võ làm sao được!

Uyển Thanh mỉm cười, thì ra Dư thúc không phải là không sâu sắc nàng nói :

- Nhưng hài nhi nhất định không mặc y phục của cái bọn cướp nước ấy đâu!

- Vậy ngươi may y phục ấy làm chi?

- Trước đây, hài nhi may vội y phục cho Nguyên Huân cải trang khi vào Trung Nguyên!

- Nhưng ta thấy có lần mi mặc, may cho Nguyên Huân sao lại là nữ phục thế?

- Hài nhi... hài nhi may lầm!

- Vậy chứ không phải ngươi định xin phép gia gia ngươi cùng đi với y đó sao?!

Thấy Uyển Thanh im lặng, Dư Tứ nói :

- Thôi, mặc bộ đồ võ phục màu chàm như mấy lần trước ấy cho tiện!

- Nhưng lần này hài nhi không giả trai nữa đâu!

- Kệ ngươi, muốn sao cũng được!

Hai người vào thị trấn, quả như lời Dư Tứ nói, lần này bọn quân binh nhà Minh đi lại nghênh ngang có phần đông hơn những lần trước. Sau khi Dư Tứ bán xong hơn chục bộ da thú cho một tiệm quen và mua xong những đồ dùng cần thiết, vào một quán cơm định ăn uống qua loa rồi trở về, thì bất thần một bọn lính hơn chục tên ồn ào vào quán, chúng gọi đồ nhắm uống rượu, đua nhau chửi bới, văng tục một cách hống hách ngang ngược :

- Tiểu nhị, ta bảo ngươi mang thêm rượu thịt, sao ngươi vẫn chưa mang tới? Muốn chết cả lũ hả?

Thường bọn này vào quán ăn uống rồi không bao giờ trả tiền, chủ quán biết là sẽ mất không, tiếc của, nên chỉ mang ra một ít gọi là. Mặt tửu bảo xám xanh, chủ quán đỡ lời :

- Thưa các quan, hôm nay các quan đến trễ, rượu thịt chỉ còn có bấy nhiêu!

Một tên trong bọn sừng sộ :

- Vậy thứ chi ngươi để trong quầy kia?

- Bẩm, những món này đã có người mua rồi!

- Mặc mẹ cái người mua rồi của ngươi, khôn hồn mang hết ra đây cho chúng ông!

Chúng vừa ăn uống nhồm nhoàm, vừa đập bàn la lối inh ỏi có đứa dùng vũ khí gõ ầm ầm, trố mắt gườm gườm nhìn mọi người, thực khách dần lui ra hết. Uyển Thanh tức giận, cố nuốt vội chén cơm, vội vàng kêu tính tiền rồi cùng Dư Tứ đi ra. Một tên lính nhác nhìn thấy, hắn rời bàn, đứng chặn ngang ở cửa :

- Ôi con nhỏ này xinh đẹp quá, lại đây vui với bọn ta, chóng ngoan ta thưởng cho!

Vừa nói, y vừa chụp vào tay Uyển Thanh, tay kia định vòng ôm lấy người nàng. Uyển Thanh lùi lại tránh vòng tay của tên này, tay phải xoay một vòng tránh cái chụp của gã, nàng tát mạnh vào hộ mặt đỏ gay, hai chiếc răng bật ra khỏi miệng, miệng đầy máu, đồng thời tay trái nàng dùng Cầm Nã thủ, chụp tay phải của gã vặn mạnh. Không chịu nổi, gã uốn cong người, đùng hữu chưởng, nàng vỗ mạnh vào hậu tâm, gã ngã sấp xuống mặt đất. Bằng ấy thủ pháp diễn ra trong chớp mắt. Khi tên lính đập mặt xuống đất, miệng trào má u tươi nằm bất động, thì bọn lính còn lại mới kịp định thần, chúng ào tới vây quanh Uyển Thanh, vung vũ khí chém xuống.

Cơn giận của Uyển Thanh chợt bùng lên, nàng phóng cước đá tạt vào ngực tên lính gần nhất, thân thể y tung lên cao, tay phải dùng cương đao chặt vào cườm tay của tên khác đoạt thanh kiếm, Uyển Thanh xử luôn sáu thế trong Thiểm Điện kiếm, ánh kiếm như chớp giật, giết chết tên lính đứng phía trái, đường kiếm đảo lại, phạt phăng cánh tay tên bên phải, đồng lúc phóng cước đá văng tên phía sau vừa tràn tới. Thế kiếm Bạch Hồng Quán Nhật chém tạt ngang, ba tên bị trúng đòn, ngã úp xuống đất. Ba tên còn lại trợn mắt kinh hoàng toan phóng ra cửa nhưng vẫn không tránh khỏi nộ kiếm của Uyển Thanh, trong phút chốc cả ba cùng chung số phận.

Mọi việc xảy ra nhanh đến nỗi chủ quán chưa kịp rời quầy hàng bỏ chạy. Dư Tứ thán nhiên đứng chờ ngoài đường. Uyển Thanh cùng ông bước vội vào một ngõ hẻm, nhắm hướng Tây bắc mà đi, một giờ sau đã đến cửa rừng, còn nghe tiếng còi của bọn quan binh vọng lên từ thị trấn..

Dư Tứ nói :

- Chuyện này không yên đâu, dân Trấn Yên chắc chắn không tránh khỏi tai vạ. Ngươi nên nhịn đi mới phải!

- Thúc thúc, hài nhi nín nhịn thế nào được!

- Nhưng nên vì mọi người mà dằn xuống, chỉ khổ cho người dân Yên trấn thôi!

- Con tự nghĩ hãy vì mọi người mà diệt bớt bọn cướp nước!

Dư Tứ không nói gì nữa, cúi đầu rảo bước. Một lúc lâu Uyển Thanh hỏi :

- Dư thúc thúc, thúc thúc giận hài nhi đó chăng?

Dư Tứ thở dài nói :

- Ta giận con thế nào được. Có điều, làm việc gì cũng phải nghĩ đến hậu quả của nó, dân Yên Trấn sẽ chẳng yên được với bọn cường bạo ấy!

- Thúc phụ, chả lẽ chỉ vì thế mà cúi đầu khuất phục bọn xâm lược?

- Đã đành không phải thế, nhưng một mình con làm sao làm nên nghiệp lớn bằng những việc làm lẻ loi như vậy?

- Vậy Thúc phụ nghĩ sao?

- Việc đứng lên quật ngã quân thù phải đồng nhất, đồng loạt mới hy vọng thành công, bằng không chỉ làm khổ dân chúng mà thôi, mà chẳng đạt được ích lợi gì?

Trên suốt đường về Uyển Thanh nghĩ đến lời nói của Dư Tứ, lời nói vang vang trong tâm trí nàng. Đến nhà, trời đã chiều, Uyển Thanh vào viếng thăm cha. Đoàn lão đang ngồi. đọc sách. Mái tóc ông bạc trắng, gương mặt xanh xao, mang một vẽ bình thản cam chịu.

Từ ngày lớn khôn Uyển Thanh hiểu được rằng, cha nàng tuy bề ngoài bình thản, nhưng tự trong lòng ông chất chứa một nỗi đau đớn khôn nguôi. Dù ông chẳng hé răng kể một lời về mẹ nàng, nhưng nàng biết ông yêu thương bà vô hạn. Uyển Thanh lớn lên, không được lưu một chút nào hình ảnh về người mẹ, những lúc buồn phiền, nàng ước mong có mẹ để được thổ lộ, để được cảm thông. Nàng biết cha yêu thương nàng, nhưng tình cha con dẫu đằm thắm, dẫu dịu dàng vẫn còn có điều gì xa cách, ông không thể thay thế một người mẹ trong tâm hồn nàng. Nàng làm sao ngỏ cùng cha những biến chuyển tâm tư của một đời thiếu nữ. Hàng đêm, nàng thao thức thương nhớ mẹ, dẫu rằng nàng chỉ có cái cảm giác thật là quá mơ hồ về một người mẹ, một người mẹ nàng không biết mặt, nàng chẳng còn nhớ được một kỷ niệm nào của những ngày thơ ấu, tất cả ký ức thuở ấu thơ như một đám mây mù..

Nàng đặt gói trà quí và những chiếc bánh ngọt làm bằng đậu xanh mà cha nàng vẫn thích, lên bàn. Đoàn Chính Tâm ngước nhìn con gái :

- Có gì lạ không con?

Nàng ngần ngừ muốn kể lại mọi chuyện xảy ra trong chiều, nhưng chỉ sợ làm cho ông buồn phiền, nàng nói :

- Thưa cha, chẳng có gì, cha đã dùng cơm chưa?

- Có cha đã ăn chút ít rồi! Uyển Thanh, hình như con có điều gì không vui?

Uyển Thanh lại ngần ngừ, cuối cùng nàng đáp :

- Bọn quân lính nhà Minh ngang ngược quá lắm!

Đoàn lão thở dài :

- Con ạ! Dân tộc nào trong cảnh nước mất nhà tan, trong xiềng xích nô lệ mà sung sướng được đâu con!

Uyển Thanh nói :

- Nếu con là trai, chắc chắn con chẳng thể ngồi yên trong những nhục nhằn ấy được!

- Điều mơ ước ấy có ích gì đâu con?!

Uyển Thanh im lặng nghe tiếng thở dài đau đớn của cha già, nàng lặng lẽ bước ra, sửa soạn buổi cơm chiều.

Tảng sáng ngày hôm sau, có hai người khách ghé thăm Đoàn Chính Tâm. Một người nho nhả, tuổi chừng ba bảy, ba tám, trán rộng, mắt sáng, mũi lớn, tai có thùy châu, bận chiếc áo bông ngắn đã cũ. Người kia, trái lại, khuôn mặt chữ điền, đôi mắt sáng quắt dưới đôi lông mày nét mác, thân hình cao lớn, chắc nịch, tuy trong bộ quần áo nông dân, vẫn không giấu được nét hiên ngang. Cả hai, mái tóc đã có sợi bạc, gương mặt sạm đi vì nắng gió, hằn rõ nét phong trần. Đoàn Chính Tâm ra tận thềm đón khách. Hai người khách cúi chào cung kính :

- Xin kính chào Đoàn tiên sinh, chúng tôi có công việc ngang qua đây ghé thăm sức khỏe của tiên sinhl

Đoàn lão vui vẻ nói :

- Lão phu rất vui mừng được nhị vị ghé thăm. Trần gia, xin cho lão được hỏi vị này...!

Người đàn ông cao lớn, tuổi trên bốn mươi đó chính là Trần Nguyên Hãn, cháu đích tôn của quan Tư Đồ Băng Hồ tướng công Trần Nguyên Đán năm xưa, cũng là cháu sáu đời của Thái sư Thượng Tướng quân Chiêu Minh vương Trần Quang Khải, người anh hùng thời chống Nguyên Mông ngày xưa. Nguyên Hãn nói :

- Xin lỗi Đoàn lão tiên sinh, tại hạ thật vô ý chưa kịp giới thiệu cùng tiên sinh. Đây là biểu đệ họ Nguyễn, hiệu Ức Trai húy là Trãi, mà tại hạ đã có lần nhắc đến. Quay sang phía người văn nhân, Trần Nguyên Hãn nói tiếp :

- Ta giới thiệu với biểu đệ, đây là Đoàn lão tiên sinh, vốn là một nhân vật khét tiếng trong võ lâm năm xưa, là anh em kết nghĩa của Thúc tổ Trần Nguyên Lữ. Tiểu huynh đã có lần nhắc đến với biểu đệ đó!

Nguyễn Trãi đứng lên nghiêng mình thi lễ :

- Vãn bối thật may mắn mới được diện kiến lão trượng hôm nay, từ lâu đã nghe biểu huynh thường nhắc đến!

Đoàn Chính Tâm lật đật đứng dậy mừng rỡ :

- Thì ra đây là Nguyễn tiên sinh. Thật hân hạnh? Lão hủ đã bao nhiêu ngày mong đợi, lão hủ giờ đây chỉ là một người vô dụng tàn phế nơi xó núi, tiên sinh ghé thăm thật là điều làm cho lão thỏa lòng mong ước!

Đoàn lão đích thân rót trà mời khách quí, mùi trà thơm ngào ngạt :

- Mời nhị vị dùng trà!

Nguyễn Trãi nói :

- Xin lão trượng cho chúng tại hạ được tự nhiên. Lần trước có công việc ngang qua đây, không vào thăm lão trượng được lòng áy náy mãi. Lần này vãn sinh đến ra mắt để được cảm ơn lão trượng về món quà quý mà lão trượng đã gởi cho khi trước.

- Việc ấy là bổn phận của lão phu mà thôi, thật ra trí nhớ còn khiếm khuyết lắm, vì bản văn ấy lão chỉ được đọc qua vài lần nên chép lại không được trọn vẹn!

- Đã mấy chục năm qua mà lão tiền bối còn nhớ được như vậy thật hiếm có lắm. Xin lão tiền bối thứ lỗi cho về sự tò mò này: Vạn Kiếp Bí Truyền có ba phần, hai phần còn lại nội dung chứa đựng những điều cao diệu gì tiền bối có thể cho biết được chăng?

- Phần thứ hai là Thiên y dược, phần thứ ba là phần Bí kiếp võ công, phần này uyên bác và ảo diệu lắm, lão phu dẫu là có đọc qua nhưng không thể nhớ nổi!

Nguyễn Trãi thở dài nói :

- Biết bao nhiêu tinh hoa Đại Việt bị mất về tay giặc, nghĩ càng căm gan uất hận!

Đoàn Chính Tâm nói với Nguyễn Trãi :

- Tiên sinh, lần trước Trần gia ghé thăm có đọc cho lão phu nghe bài thơ “Qui Côn Sơn Chu Trung Tác” của tiên sinh, lão phu thích lắm, muốn dịch ra thơ nôm, hiềm vì chữ nghĩa kém cỏi, dốt nát, lại võ biền thô thiển, loay hoay suốt hai năm nay vẫn không dịch cho đủ dược cái tâm ý của tiên sinh.

Nói xong Đoàn lão cất tiếng ngâm:

Mười năm trôi dạt thân bèo bọt,

Lòng nhớ nao nao tựa bóng cờ.

Hồn theo lối mộng tìm quê cũ

Huyết lệ mong đem rửa nấm mồ

Binh lửa đã rồi, tan tác mãi

Đất khách càng thêm da xót xa

Lòng đau ta biết làm sao được

Đến sáng thuyền trôi gối lệ nhòa.

Lão phu tạm dịch như trên, xin tiên sinh chớ cười. Tấm lòng tiên sinh đối với đất nước, quê hương cũng chẳng khác tấm lòng lão phu nhớ thương Tổ quốc mình đã mất tự trăm năm trước, nên làm thế nào có ngày trở về chỉ là mong ước mà thôi. Đến nay, sáu đời đã trôi qua, gởi thân tàn nơi đất Việt, chỉ còn biết lấy Tổ quốc này làm Tổ quốc của mình.

Trần Nguyên Hãn từ nảy giờ im lặng, bỗng cất tiếng :

- Đoàn đại hiệp, đại hiệp dịch hai câu cuối, vãn bối thích quá!

Lòng đau ta biết làm sao được

Đến sáng thuyền trôi gối lệ nhòa.

Tuy rằng không sát nghĩa lắm nhưng lột được tấm lòng đau đớn, trằn trọc, xót xa. Biểu đệ, ta nói vậy có đúng không?

Nguyễn Trãi mỉm cười buồn bã :

- “Lòng đau ta biết làm sao được”. Lão tiền bối đã cảm thông được cái nỗi niềm của vãn sinh. Suốt mười năm dằn dặc, vãn sinh mang tấm thân phiêu dạt bốn phương, những mong thực hiện được lời di huấn của gia phụ ngày nào. Đến nay vẫn chưa tìm được minh chúa để tỏ chí bình sinh... Ôi, lòng đau ta biết làm sao được..!

- Nguyễn tiên sinh, xin thứ lỗi cho lão phu được hỏi: các cuộc khởi nghĩa của nghĩa sĩ bốn phương rầm rộ như thế, theo chỗ lão phu được biết thì không thiếu gì hào kiệt, sao tiên sinh lại thất vọng đến thế?

Nguyễn Trãi nhẹ thở dài :

- Tuy có đông đảo thật, nhưng không tính được kế lâu dài. Mỗi địa phương tự phát, không liên kết được với nhau, mỗi người mỗi nơi mỗi ý. Ý là chưa kể đến những tranh dành địa vị, quyền lợi như thời Hưng Khánh, Trùng Quang (Trần Ngỡi và Trần Quý Khoách), chỉ uổng hư danh, không thành công nghiệp, thất bại là do tranh dành quyền bính, như bọn Lê Ngã, chưa yên vị đã xưng vua, xưng chúa, ra vào hống hách, còn làm nên nghiệp lớn thế nào được! Vãn bối đi lại suốt mười năm, trải khắp đó đây, tìm hiểu lòng người, biết cho tỏ hình thế núi sông để biết đường tiến thoái hòng thực hiện kế lâu dài. Vãn bối đã liên lạc nơi này, viếng thăm nơi khác, mong tìm được nơi gởi gắm tấm lòng trung. Cho mãi đến nay, vẫn còn vò võ.

Đoàn Chính Tâm nói :

- Tiên sinh có thể cho biết đến cuộc khởi nghĩa của người anh hùng áo vải đất Lam Sơn?

Nguyễn Trãi trầm ngâm, suy nghĩ một lúc rồi đáp :

- Chỉ riêng có vị này vãn sinh chưa nhắc tới, nhưng đó cũng là người vãn sinh đặt nhiều hy vọng nhất. Vị anh hùng ấy người làng Lam Sơn, huyện Thụy Nguyên, phủ Thiệu Hóa, Thanh Hóa. Họ Lê, tên Lợi, sinh năm Giáp Tý. Năm Bính Thân, ông cùng mười tám người thân tín lập Hội Thề ở Lũng Nhai, cùng nhau gắn bó. Ông đem hết gia tư điền sản tổ chức khởi nghĩa. Nhưng ở Lam Sơn có điều bất lợi: Thành Tây Đô kiên cố, một căn cứ quân sự rất mạnh của địch, đủ khống chế cả một vùng rộng lớn. Mà Tây Đô chỉ cách Lam Sơn có vài chục dặm, nên dễ bị đàn áp, lại nằm giữa màng lưới ngụy quyền đắc lực của giặc, vào năm Đinh Dậu đã bị những cuộc truy lùng gay gắt của địch. Lê Lợi không thể chờ đợi được nên ngày tám tháng giêng năm Mậu Tuất đã tuyên bố khởi nghĩa.

Lam Sơn địa thế trống trải, chỉ có vài ba ngọn đồi nhỏ như Đồi Đá, Núi Dầu không thể là căn cứ cố thủ được trước sức tấn công của giặc nên phải rút vào khu rừng núi. Ngày hôm sau, chín tháng giêng, Mã Kỳ đem bốn vạn năm ngàn quân đến đánh. Tuy chỉ có chưa dấn một ngàn người, nhưng nhờ đánh phục binh nên giết được ba ngàn quân địch. Từ đó đến nay đã hai năm trôi qua, đã phải hai lần rút về Chí Linh, nhưng vẫn không nản chí, cố gắng tổ chức lại hàng ngũ mặc dù sức cùng lực kiệt. Theo cái nhìn của vãn bối, người này quả là đáng mặt hào kiệt, nhưng tiếc thay ông ta vẫn chưa có được một sách lược, một đường lối để đưa đến thành quả lâu dài..

Đoàn Chính Tâm nói :

- Lão phu biết các hạ mang đầy bụng kinh luân, lược thao binh giáp, tài an bang tế thế hơn người. Lúc này đây các hạ không dụng đến còn đợi chừng nào?

- Vãn bối thật ra chỉ có một tấm lòng, tài an bang, định quốc quả không dám nhận, chỉ còn một nỗi ưa tư là, thuở xưa, nếu không có Từ Thứ tiến cử thì Lưu Huyền Đức làm sao biết được người mà tam cố Thảo lư. Ngọa Long cũng chỉ là người đọc sách ở Nam Dương đấy thôi. Hàn Tín được Trương Lương, Tiêu Hà tiến cử mà Hán Vương còn ngồi xổm trên giường khi tiếp kiến, huống chi vãn sinh chỉ là kẻ áo rách đất Chi Ngãi, tài học được bao lăm, kinh luân không lược mấy, bôn ba khắp chốn chỉ vì:

Niệm thế thù khởi khả cộng đái

Thệ nghịch tặc nan dữ câu sinh

(Quyết chẳng đội trời cùng kẻ địch

Thề không chung sống với quân thù)

Vãn sinh ý những muốn đến Lam Sơn từ trước, nhưng “Bình Ngô tam sách” chưa xong, biết lấy gì ra mắt!

Trần Nguyên Hãn trầm ngâm nói :

- Anh hùng đứng giữa trần ai, chẳng phải ai cũng có mắt xanh, hiền đệ lo cũng phải, nhưng tiếng tăm của hiền đệ không phải rằng đời không ai biết đến!

Nguyễn Trãi cười nói :

- Dăm bài thơ, vài câu phú nào có ra gì, bao nhiêu kẻ văn chương nhả ngọc phun châu, chỉ là một bọn cuồng nho rỗng tuếch, chỉ là cái hư danh!

Đoàn lão hỏi :

- Dám xin hỏi tiên sinh “Bình Ngô tam sách” là những sách gì?

- Dám thưa lão tiền bối, chúng ta cũng biết, đánh kẻ địch, tiêu diệt được quân thù thì phải có muôn ngàn cách; thuở nhà Trần chống Nguyên Mông năm xưa, thực lực quân sự có hơn được nhà Hồ ngày nọ là bao. Quân Thát Đát lại là quân vô địch, cương cường, bốn biển lừng lẫy uy danh, tám phương thủy triều run sợ. Nhưng ta đã ba lần thắng địch vì biết gom sức dân làm rễ, lấy lòng dân làm thân, lấy đoàn kết thương yêu làm cành làm lá, lấy ý chí kiên cường làm trái làm hoa. Nay kẻ địch trước mặt cũng tham tàn khôn xiết kể, mà bốn phương lại chia rẽ sức dân, người dân không biết đặt niềm tin kia vào đâu, bởi chẳng biết chốn nào là đúng, cái khó ấy không phải là không có cái dễ. Người làm tướng không chỉ biết cầm gươm chém giặc. Địch đông, ta ít, giặc mạnh, ta suy chém làm sao xiết. Ta phải biết đánh địch ở lòng dân, đánh địch ngay trong lòng địch, đánh địch bằng muôn ngàn lẽ duy có điều, nếu không làm được thì muôn phương ngàn kế cũng không thành. “Giơ gậy làm cờ cho dân cày bốn phương tập hợp” đấy là lẽ lớn nhất! Sách lược là đường đi, ý dân là sức bước tới. Lo trước mọi việc phải lo là nên công, lo sau mọi việc phải lo là nên bại. Họ Hồ thoán đoạt ngôi vua nhà Trần, người cả nước coi tợ kẻ thù, dân chúng nếu không chống lại thì cũng thờ ơ; tay chân, thân thích phân ly nên chưa đánh đã tan là lẽ vậy. Nay vãn sinh cũng sắp viết xong Bình Ngô sách, ý muốn dâng lên, chỉ e còn nhiều thô thiển, đâu biết dạ người trên.

Đoàn lão thở dài nói :

- Lão phu là kẻ võ biền, đầu óc như bùn đất, được nghe tiên sinh luận bàn, mắt như sáng ra. Nếu mà năm xưa cố quốc có được người như tiên sinh thì đâu đến nỗi gần hai trăm năm nay trầm luân tan tác. Lão phu vẫn tin vào tiền đồ Đại Việt ngày mai hẳn sẽ tươi sáng!

Trần Nguyên Hãn nói :

- Sáng nay, chúng tại hạ đi ngang Trấn Yên, thấy dân chúng bị tàn sát, nhà tan, cửa nát. Hỏi ra mới biết, chúng tra khảo dân để truy lùng kẻ giữa ban ngày mà giết hơn mười tên lính chỉ trong chớp mắt, nghe nói thủ phạm chỉ là một thiếu nữ, giờ chúng đang truy lùng ráo riết. Bọn tại hạ phải vòng đường rừng mà đến đây!

Đoàn lão nghe nói, chợt nhớ ra điều gì, gọi lớn :

- Dư đệ, Dư đệ có đấy không?

Dư Tứ từ nhà ngang, nghe gọi, bước lên.

- Dư đệ ngồi đây ta có điều muốn hỏi, chiều qua có chuyện gì xảy ra dưới Trấn Yên vậy?

Dư Tứ lung túng, một lúc sau mới nói :

- Uyển Thanh đã giết hơn mười tên lính của chúng trong quán ăn đó, và Dư Tứ kể lại...

Đoàn Chính Tâm cau mày :

- Quái lạ! Con nhỏ này ngày thường hiền lành ít nói, sao ra tay dữ dội như vậy. Chuyện này di họa không nhỏ, chúng chẳng bỏ qua, chỉ khốn khổ thêm cho lương dân!

Nguyễn Trãi nói :

- Trong đám lương dân, không phải không có những kẻ vì danh, vì lợi, mất hết lương tri, làm tai mắt cho địch, thế nào chúng cũng lần ra manh mối!

Trần Nguyên Hãn nói :

- Có tìm ra cũng còn lâu!

- Chưa chắc, Đại ca chớ coi thường chúng, nhất là từ năm Mậu Tuất đến nay, chúng đã kiện toàn tổ chức do thám, hòng khám phá để bóp chết bất cứ một dấu hiệu của một cuộc khởi nghĩa nào ngay trong trứng nước, không phải là sinh mạng của mười tên lính quèn, mà mối lo của chúng nằm trong tim, trong óc. Phải tính trước đi mới được.

Đoàn lão bình tĩnh nói :

- Việc đã lỡ xảy ra như thế. Dư đệ gọi Uyển Thanh lên ta bảo!

Một lát sau Uyển Thanh sợ hãi bước lên cúi đầu chào khách, lo sợ nhìn cha, Đoàn lão cau mày nói :

- Chuyện xảy ra dưới trấn, chiều qua ta có hỏi, sao không nói ngay?

Uyển Thanh bị cha rầy, cúi đầu đứng im, Đoàn lão tiếp :

- Không thể ở lại chốn này được nữa, phải gấp rút sửa soạn hành trang, rời khỏi nơi đây, con bảo với Dư thúc mua ba con ngựa, một con lừa để thồ đồ đạc. Cái gì cần thiết mới mang theo, cái gì không đem đi được thì mang vào rừng kiếm chỗ mà chôn giấu. Phải bình tĩnh mà làm, vũ khí không được rời thân. Ý ta là vậy, liệu đấy mà sắp xếp cho nhanh gọn!

Uyển Thanh vâng dạ bước ra, Đoàn lão gọi giật lại :

- Nhà có gì đãi khách không con?

- Dạ có đấy, sáng nay Dư thúc bẩy được một con thỏ lớn, một con mang, một con gà gô nữa!

- Tốt lắm, sửa soạn cho ta mâm rượu nhạt, để ta cùng nhị vị đây nâng chén giã từ. Chỗ rượu ta chôn cứ để nguyên lại đó, chỉ đào lên cho ta vò Hoàng Cúc thôi, vò ta chôn lâu nhất đấy dễ đã trên hai năm!

Uyển Thanh đi khỏi, Trần Nguyên Hãn hỏi :

- Lão tiền bối định về đâu?

- Việc này lão phu đã sắp đặt trước cả rồi, chẳng có gì đáng lo ngại!

- Bệnh tình của lão tiền bối lúc này ra sao?

- Đã khá hơn trước, chân khí, nội lực đã tụ được vài ba thành, nhưng khí âm hàn không thể nào khu trục được!

- Ít lâu nay lão trượng có được tin gì của tệ thúc chăng?

- Hai năm nay chưa có tin về, nhưng chẳng đáng ngại vì đã có Tiêu Đại Hùng cùng đi!

- Tiêu Đại Hùng là ai vậy?

- Lão Tiêu là một cao thủ của Đại Lý. Võ công, kiếm pháp rất ảo diệu, là bạn già của lão phu. à, có điều này lão phu cứ thắc mắc mãi. Nguyên Huân là hậu duệ đời thứ năm của Thái úy Thượng phụ Thượng Quốc công Bình Bắc đại nguyên soái Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn nên Tam ca của lão phu mới được lưu giữ bí truyền của Tổ tiên. Lão đệ là dòng dõi của Thái sư Thượng tướng quân Chiêu Minh vương Trần Quang Khải, tuy gốc là một, nhưng nhánh đã xa, mà Tam ca của lão phu, với lệnh tổ phụ như ruột thịt. Điều này thế nào?

Trần Nguyên Hãn mỉm cười nói :

- Cứ theo Trần triều Thế phổ thì Hưng Đạo đại vương có ba con trai và một gái: Hưng Võ vương Hiến, Hưng Nhượng vương Tảng, Hưng Trí vương Hiện và gái là Khâm Từ, Hoàng hậu của Nhân Tông. Thúc tổ Nguyên Lữ là cháu đích tôn ba đời của Hưng Nhượng vương Tảng, từ nhỏ vốn hay đau yếu nên Thái tổ phụ Cung Tĩnh vương của tại hạ mang về nuôi dạy coi như con đẻ, tên cũ là Trần Quốc Lữ sau mới đổi thành Trần Nguyên Lữ, và là người thừa kế duy nhất của Đại vương Hưng Đạo. So trong huyết tộc thì vốn dĩ là anh, nhưng ngày ấy về làm con của Thái Tổ phụ, tuổi còn nhỏ, mà tổ phụ của tại hạ tuy là con út mà tuổi lớn hơn nhiều, nên quen đi mà gọi vậy, do đó Nguyên Huân chính là tiểu gia thúc cơ đấy. Gia phụ là con lớn nhất, Thân mẫu của biểu đệ đây là con thứ ba, Nhị thúc là Trần Nguyên Thôi. Tứ thúc phụ là Trần Nguyên Khoáng, năm Mậu Tý, cùng với Nguyễn Đa Bí nổi dậy ở Thái Nguyên, Bắc Cạn, Vĩnh Phúc Yên, nhưng việc không thành. Nay đã mất cả!

Đoàn lão cười nói :

- Thì ra là vậy. Khi xưa lấy chỗ thân tình ta có hỏi Tam ca về việc này, Tam ca ta chỉ cười lắc đầu, nói không hiểu tại sao!

- Tại hạ có nghe nhắc đến danh tiếng của Bát đại danh gia, là những ai vậy?

Đoàn lão nói :

- Bọn tại hạ có tám nhân vật kết làm anh em, võ lâm Đại Việt và Trung Nguyên vì yêu mến nên lạm xưng tụng như vậy thật ra chỉ là Bát Hữu là phải nhất..

Người đứng đầu trong Bát Hữu là :

- Hoạt Phật đại sư, xuất gia từ nhỏ,

- Thiên Hư đạo trưởng, cả hai là người Trung Nguyên.

- Nam Thiên Đệ Nhất Kiếm Trần Nguyên Lữ.

- Điền Hoành Thứ Lang và Phong Hạ Mặc Chi. Tứ ca và Ngũ ca đều là người Phù Tang.

- Thứ sáu là lão hủ vô dụng này,

- Người thứ bảy, quê ở Hải Dương, vốn dòng dõi Mạc Đình Chi tên là Mạc Thiên Bằng, và bát đệ là Phạm Chính Sơn. Thất và bát đệ cùng bị thảm tử với Tam ca khi xưa.

Vừa nói đến đây bỗng có tiếng cười kha khả, nội lực âm thanh vang dội núi rừng. Đoàn Chính Tâm mừng rỡ đứng lên, đi vội ra thềm. Tiếng cười thoắt một cái đã đến gần, rồi ngừng bặt. Trần Nguyên Hãn ngạc nhiên liếc nhìn Nguyễn Trãi định nói điều gì, nhưng thấy nét mặt bình thản của Nguyễn Trãi nên cũng không hỏi nữa.

Cùng lúc ấy ngoài sân đã xuất hiện hai người, một người tuổi trên bảy mươi, ăn mặc nửa tăng nửa tục, đôi mắt long lanh như điện, hàng lông mày trắng xóa phủ xuống, tay cầm cây thiền trượng bằng trúc đã lên nước xanh biếc. Người kia to lớn, mặt đỏ, khoảng trên sáu mươi. Đoàn Chính Tâm vừa trông thấy nhà sư vội vã chạy xuống, vừa kêu lớn, tiếng kêu thống thiết :

- Ôi Đai ca, Đại ca!

Do vội vã và cảm xúc, giẫm vào gấu quần ngã xuống. Thoắt như một bóng mờ, nhanh đến nỗi Nguyên Hãn không làm sao thấy kịp, từ ngoài năm trượng, đã đứng kề bên cạnh, tay ôm chặt Đoàn lão vào người, giọng xúc động :

- Ôi, Lục đệ, Lục đệ của ta tàn tạ thế này sao!

Khi hai lão nhân bước vào nhà, Nguyễn Trãi và Nguyên Hãn đứng dậy thi lễ. Hai lão nhân cũng nghiêng mình vái chào. Đoàn lão vội vã nói :

- Đại ca, Tiểu lão, hai vị này là tông thích của Tam ca đấy?

Quay sang phía Nguyễn Trãi, ông nói :

- Cho phép lão phu được giới thiệu, vị lão tăng này là Đại ca của bọn Bát hữu năm xưa, còn đây là Tiêu Đại Hùng mà lão phu vừa nhắc đến lúc nãy!

Hoạt Phật đại sư vui vẻ nói :

- Tam đệ Nguyên Lữ không còn, nay gặp được tông thích của y, lòng bần tăng cũng an ủi lắm!

Tiêu Đại Hùng chen vào :

- Ngồi xuống đã, ngồi xuống đã, được gặp thế nầy là may mắn lắm, để chốc nữa lão kể về Nguyên Huân sau. Ôi, con nhỏ Uyển Thanh đâu rồi, có gì ăn sửa soạn mau đi. Đại bá phụ mi, chạy cũng được, mặn cũng xong, rượu Cúc vàng còn không mang tới gấp!

Tiếng Tiêu lão oang oang, trầm hùng. Hoạt Phật quay sang nói :

- Lão thí chủ này, đói bụng sớm thế!

- Còn sớm nỗi gì, từ trưa hôm qua đã có gì đâu, lão sư có cốt Phật, còn tiểu đệ cốt khỉ làm sao sánh được, nhị vị thứ lỗi cho, lão hủ này tính từ nhỏ vốn lỗ mãng, với chỗ thân tình, tính nết ấy vẫn như xưa!

Từ lúc Tiêu Đại Hùng vào đến giờ, căn phòng ồn ào hẳn lên, Nguyên Hãn và Nguyễn Trãi cũng vui lây, Nguyên Hãn nói :

- Xin nhị vị cứ tự nhiên cho, có như thế mới là chỗ thân tình, chúng tại hạ được hầu chuyện Tiêu đại hiệp và lão Đại sư là một điều mừng vui lắm!

Hoạt Phật cười nói :

- Thí chủ đừng tâng bốc y như vậy, cứ gọi y là Tiêu đại thúc đi cho đúng.

Nói xong, ông nắm lấy bàn tay xương xẩu của Đoàn Chính Tâm buồn rầu :

- Lão Tiêu đã kể hết cho ta nghe, người chết thì cũng đã chết, kẻ còn sống thì cứ phải sống mà thôi. Kinh mạch lục đệ thâm nhiễm hàn độc quá lâu, phục hồi được công lực như xưa thực quá khó khăn, nhưng ngày còn dài!

Đoàn Chính Tâm hỏi :

- Lão Tiêu gặp Đại ca ở đâu thế?

- Ta từ Tây Vực về?

Tiêu Đại Hùng cướp lời :

- Dài dòng lắm, để sau ta kể cho nghe. Uyển Thanh con bé này vô dụng thật!

Uyển Thanh từ bìa rừng trở về nghe tiếng, chạy vội lên, mừng rỡ đến luống cuống cả chân tay, chạy vội đến, ôm lấy bàn tay Tiêu lão xúc động gọi :

- Bá phụ, Bá phụ đã về đấy ư?

Nhưng vừa nhác trông thấy nhà sư, nên ngừng bặt. Tiêu Đại Hùng nhanh nhẩu :

- Uyển Thanh, sao không lạy chào Đại sư ca của gia gia ngươi đi!

Uyển Thanh ngỡ ngàng nhìn nhà sư rồi quỳ xuống :

- Hài nhi cung kính ra mắt Đại Bá phụ!

- Ừ con nhỏ này tốt lắm, ta có nghe lão Tiêu kể về con, đứng dậy đi. Kiếm pháp luyện đến đâu rồi?

Đoàn Chính Tâm đỡ lời con gái :

- Tiểu đệ đâu có truyền dạy gì cho nó được, do công lao của lão Tiêu cả!

- Này Thanh nhi, từ nay mi không được gọi lão Tiêu ta là Bá phụ nữa nghe chưa, phải gọi là Nghĩa phụ đấy!

Uyển Thanh đỏ mặt, thầm sung sướng, nhưng không dám hỏi về hiện trạng của Nguyên Huân, nàng hồi hộp chờ đợi tin tức của chàng. Tuy nhiên nàng hiểu là Nguyên Huân vẫn bình yên, đó là điều làm cho Uyển Thanh yên tâm nhất.

Đoàn Chính Tâm bảo con gái :

- Uyển Thanh, con xuống nhà, xem cơm nước thế nào, phải nhanh lên mới được kẻo Nghĩa phụ của con chết đói mất!

Uyển Thanh đi khỏi, Tiêu lão kể sơ qua hiện tình của Nguyên Huân cho mọi người nghe. Đoàn lão mừng rỡ hỏi thăm về Dư Liên Châu, Hân Lợi Hanh và tình trạng của Võ Đang phái. Tiêu lão cũng kể về những việc xảy ra trong thời gian cùng Nguyên Huân ở Trung thổ, việc Kình Dương đại hội, việc gặp gỡ Tâm Hư sư thái Chu Chỉ Nhược, Kiến Nghiệp đại sư và bọn Nhan, Lãnh. Ông kết luận :

- Tình trạng võ lâm Trung Nguyên đang bắt đầu biến động. Theo như điều Tiêu mỗ thu lượm được, tình hình Minh triều sắp đi vào những khó khăn, đó là một điều may mắn cho dân Đại Việt.

Nguyễn Trãi từ nãy giờ vẫn im lặng, ông ngắm nhìn ba nhân vật võ lâm, và suy nghĩ về thân pháp của Hoạt Phật. Nghĩa quân phải được luyện tập võ nghệ, và nếu lôi kéo được một số cao thủ võ lâm đứng vào hàng ngũ nghĩa quân để huấn luyện cho sĩ tốt, đó là một điều cần thiết và là một trong cái “ít” để chống lại cái “nhiều”, lấy cái đoản để chống lại cái trường. Bỗng nghe Tiêu Đại Hùng nói đến những biến động của Trung Nguyên nên hỏi :

- Thưa Tiêu lão anh hùng, xin lão tiền bối cho chúng tại hạ được nghe về những khó khăn của Minh triều như tiền bối vừa nói!

Tiêu Đại Hùng quan sát người đàn ông vừa hỏi, ông nhận thấy ở người này toát ra một điều gì đấy làm cho ông có một cảm giác vừa tin cậy, vừa kính trọng, ông mỉm cười :

- Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương băng hà, truyền ngôn cho Hoàng thái tôn là Khánh tức là Huệ đế, đóng đô ở Kinh Lăng, Hoàng thúc là Yên vương, lúc ấy đóng quân ở Yên Kinh, nắm giữ quyền bính, thế to, lực mạnh, ngầm liên kết với Quang Minh Vương, khởi binh đánh Kim Lăng đoạt ngôi của cháu, lên ngôi tức là Minh Thành Tổ, dời đô về Yên Kinh. Thần dân không phục, chia năm, xẻ bảy. Theo chỗ tại hạ được biết, người Ngoã Thích ở phía Tây, người Thát Đát ở phía Bắc đang rục rịch khởi binh đánh vào Trung Thổ đồng thời Đại hội Kình Dương của một nhân vật nào đó còn giấu mặt. Tổ chức này có liên quan đến một dấu hiệu khởi nghĩa có lẽ cũng sắp bùng nổ ở Sơn Đông và Phúc Kiến. Kình Dương là một hung tin hung dữ nhất trong Tử vi. Đại hội Kình Dương cũng vì lẽ ấy.

Nguyễn Trãi, Trần Nguyên Hãn im lặng lắng nghe. Trên nét mặt của Nguyễn Trái tỏ rõ nỗi ưu tư, Nguyên Hãn trầm lắng suy nghĩ. Đoàn Chính Tâm quay hỏi Hoạt Phật :

- Đại ca, còn Đại ca bao nhiêu năm nay ẩn tích nơi nào và làm sao lại gặp Tiêu lão xú này vậy?

Hoạt Phật vui vẻ nói :

- Ta sang Tây Vực từ năm Nhâm Ngọ, rồi lần mò sang Thiên Trúc.

- Đại ca sang bên ấy làm gì, còn Nhị ca lúc ấy có đi chung với Đại ca không?

- Ta chỉ gặp y có một lần, y nói là muốn sang Phù Tang tìm Tứ và Ngũ đệ, nghiên cứu kiếm pháp của xứ sở Ngũ đệ, từ đó không gặp!

- Đại ca, trước đây Tam ca có nói với Đại ca về bí kiếp của nhà họ Trần lần nào không?

- Về Vân Hà Tỏa Kiếm ta chỉ biết qua, chiêu thức biến hóa đều dựa vào dịch lý cả, riêng về Sát Na Vô Lượng thần công thì cực kỳ ảo diệu, nhưng việc vận hành chân khí lại không thuận theo kinh mạch bình thường nên dẫu có biết cũng thành vô dụng!

Cơm rượu đã dọn sẵn ở gian bên. Tiêu Đại Hừng nói :

- Khoan đã, mọi việc còn đó, mời quý vi nhập vị thôi, cơm nước có sẵn. Dĩ thực vi tiên, không nên bỏ qua.

Cơm nước xong, vừa quá Ngọ, Đoàn Chính Tâm nhìn Hoạt Phật đại sư ân cần hỏi :

- Đại ca, mười mấy năm trời bên Tây Vực. Đại ca nghiên cứu võ học được những gì thế?

Hoạt Phật đại sư lắc đầu nói :

- Chẳng phải là công phu võ học đâu, chỉ là phép nạp khí tọa công đó thôi!

Tiêu Đại Hùng chẳng chịu :

- Tọa công Nạp khí không là công phu võ họ đấy sao. Vả lại 72 tuyệt kỹ của Thiếu Lâm cũng cố đến mấy môn công phu về tọa khí, việc gì lão sư phải lận lội vất vã như vậy?

- Tiêu thí chủ, thí chủ nói về những môn công phu nào vậy?

- Chẳng hạn Dịch Cân kinh, Bát Đoạn Cẩm chẳng phải là công phu Đạo Dẫn thuật của đạo gia đó ư?

- Tiêu thí chủ lầm rồi, Dịch Cân kinh không phải Dịch kinh. Dịch Cân kinh và Bát Đoạn Cẩm không. Phải là trứ tác của Đạt Ma sư tổ đó sao. Trước khi xuất gia, Đạt Ma là một hiệp sĩ, con trai của Quốc vương Sư Gan Đà.

Trần Nguyên Hãn, suốt đời ham mê võ nghệ, binh pháp, tò mò nói :

- Xin Đại sư cho được nghe từ đầu?

- Bần tăng quên đi mất rằng Trần thí chủ và Nguyễn thí chủ đều là dòng dõi của Thượng phụ Thượng quốc công Đại vương gia Hưng Đạo, môn Sát Na Vô Lượng thần công của Trần tộc cũng bắt nguồn từ đó mà ra cả! Bần tăng đã được chứng kiến những buổi biểu diễn của các cao thủ Phakia, như đi trên lửa, nằm trên đinh, chôn dưới đất không ăn uống hằng tuần lễ vẫn sống. Bần tăng còn được xem nhiều cuộc biểu diễn có liên hệ đến các môn công phu võ thuật thượng thừa. Bần tăng quen biết một vị đạo sĩ có bắp thịt rắn chắc đến gươm đao không phạm được, hoặc bàn tay nắm cục sắt nung đỏ mà không bị tác hại, hoặc dùng ngực đỡ ngược sức voi, hoặc ngồi kiết già lơ lững trên không với một bàn tay nắm nhẹ vào sợi dây buộc giữa hai cây sào. Kinh sách Phật gia đã ghi lại rằng Đức Thích Ca lên tiếng quở trách một đệ tử là chỉ lo làm những chuyện nhảm nhí vì ông đã biểu diễn cho Ngài xem khả năng đi trên nước, và như vậy, điều ấy rất gần với các môn công phu Thủy Thượng Phiêu; Bích Hổ Du Tường của Trung thổ?

Đoàn Chính Tâm hỏi :

- Tất cả mọi công phu đó gọi là gì vậy, và do ai sáng chế?

Đại sư đáp :

- Tên môn thần còng này được gọi là Dư Hạ thần công (Yoga), tiếng Phạn có nghĩa là sự liên kết tập trung khí lực, do vị thiền sư Tăng Đà Gia Lý sống cách đây 1.600 năm và tuổi thọ của ông ta khoảng bốn, năm trăm năm, chỉ nghe thế chứ không ai biết rõ được. Ông là tác giả của bộ chân kinh có tên là Dư Hạ U Già (Yogas Ustra).

- Chả lẽ môn thần công tuyệt đại ấy chỉ là sự luyện khí thôi sao.

Trần Nguyên Hãn thắc mắc :

- Đúng vậy, sự Thiền định (Yoga) nhằm đưa con người tới thẳng Đại định và Thần lực bằng con đường tập trung, liên kết cao độ giữa các mặt tinh thần, ý thức và cảm xúc để đạt đến khả năng kiểm soát tất cả, nói gọn lại là sự tự làm chủ được cả Tinh, Khí, Thần đến mức độ ta gọi là Tam Hoa Tụ Đỉnh, Ngũ Khí Triều Nguyên, sẽ đưa đến Đại định để phát huy thần lực. Cũng bởi vậy, Đại Ma sư tổ với bao nhiêu năm diện bích mới toàn thành bảy mươi hai môn Thiếu Lâm tuyệt kỹ. Do đó, dẫu võ công trong thiên hạ có bao la như biển Đông, cũng chỉ là một mối!

Đoàn Chính Tâm hỏi :

- Đại ca có thấu hiểu được Sát Na Vô Lượng thần công từ đâu mà thành không? Và thời gian để luyện tập?

- Về thời gian, viên mãn là do ở duyên nghiệp; ngắn dài đều do ở tâm khí mà thành. Ta đã đi khắp, nhưng không nghe ai nói đến Sát Na Vô Lượng thần công của Tam đệ cả, có lẽ đã thất truyền từ lâu, nhưng ta biết gốc vốn từ Thiên Trúc.

Qua giờ Mùi, Nguyễn Trãi và Trần Nguyên Hãn đứng dậy cáo từ Đoàn Chính Tâm chống gậy tiễn ra khỏi cổng ân cần cầm tay hỏi :

- Nhị vị lần này vân du nơi nào vậy?

Nguyễn Trãi ngẫm nghĩ một lúc, thưa :

- Đoàn lão trượng, lần này tại hạ xuống Lỗi Giang tham kiến Minh Công. Mai sau nếu việc lớn mà xong, mong có ngày tái kiến!

Đoàn lão quay sang Nguyên Hãn :

- Còn Trần tiên sinh thế nào?

- Tại hạ cùng Nguyễn đệ xuống Lỗi Giang một thể.

- Mong các vị bảo trọng?

Sau khi tiễn khách xong, Đoàn Chính Tâm quay vào.

Hoạt Phật nhìn Đoàn lão chăm chú, lát sau lên tiếng :

- Lục đệ, Lục đệ vào trong này, ta có chuyện cần!

Hai người cùng đi vào thư phòng, cả hai nghe tiếng Uyển Thanh đang ríu rít hỏi han Tiêu Đại Hùng về Nguyên Huân. Đoàn Chính Tâm mỉm cười một mình, trong lông ông đấy lên niềm thương cảm và tự sâu kín tâm hồn, ông thầm cảm thông với con gái, nghĩ đến nỗi phân ly của những kẻ yêu nhau, nỗi ngậm ngùi xót xa và đau đớn. Yến Phi, Yến Phi, nàng nơi đâu!

Hoạt Phật đại sư nói :

- Lục đệ có gì ưu tư vậy. Mọi việc gạt qua một bên, để ta xem bệnh tình sư đệ ra sao đã!

Đại sư quay ra cửa gọi Uyển Thanh :

- Uyển Thanh, con mời Tiêu lão vào đây ta có việc!

Tiêu Đại Hùng từ ngoài cùng Uyển Thanh bước vào, Hoạt Phật đại sư nói :

- Tiêu thí chủ, bần tăng khám bệnh và trị thương cho Lục đệ Trong thời gian hành công, thí chủ đừng để cho ai quấy rầy. Tính mạng của bần tăng và của Lục đệ đều ở trong tay thí chủ đó!

Tiêu Đại Hùng cười nói :

- Đại sư cứ yên tâm, Tiêu mỗ canh chừng cho. Uyển Thanh công việc ngươi đã xong chưa?

- Nghĩa phụ, hài nhi đã cùng Dư thúc làm xong cả, ba con ngựa và đồ đạc trên lưng lừa đã sẵn sàng, Dư thúc hiện đang canh chừng!

- Thôi được, dặn Dư lão ở đó giữ, còn con, phải quanh quẩn ở nơi đây, không được đi xa đấy!

Trên miếng ván ngựa nơi hậu phòng, Đoàn lão nằm sấp, Hoạt Phật để ba ngón tay trên Thần Môn Tam Huyệt, ngồi định thần, một lát sau ông bảo :

- Lục đệ, các kinh mạch, huyệt đạo của Lục đệ bị khí âm hàn khắc chế hết cả, muốn khu trừ tận gốc không phải là dễ, cũng may có dương tính của Hỏa Chi quả ngăn chặn bớt, nhưng chỉ là nhất thời. Ta xem ra huyệt Phong Trì, Đại Trùy, Phong Môn, Phế Du, Đại Tràng Du, Tâm Du trên Đại Tràng kinh, Phế kinh, Tâm kinh đều đã bị tổn thương, ảnh hưởng lớn tới Đốc mạch và các huyệt của Nhâm mạch như Đàn Trung, Kỳ Môn, Thiên Đột cũng bị trầm trọng cả. Nay ta chỉ có đủ khả năng nhất thời khu trục các luồng âm hàn quái khí ra khỏi các huyệt đạo ấy, đồng thời ép chúng vào các huyệt Uy Trung, Âm Dương, Lăng Tuyền, Huyết Hải, Bộc Tham và Dũng Tuyền, nhất thời khôi phục võ công cho Lục đệ phần Thượng bàn, lấy lại sức khỏe, triệt tiêu chứng ho, suyển, mất ngủ, đau đầu, đau lưng mỏi mệt; nhưng cứ một lần vào ngày trăng tròn, Lục đệ sẽ bị cơn đau nhức từ đầu gối trở xuống, lúc ấy phải vận chân khí ngăn chặn, bế các huyệt đạo Tuyết Hải, Độc Ty, Uy Trung để chận hàn khí xung phá. Cơn đau sẽ kéo dài từ giờ Tý đến nửa giờ Sửu mới dứt. Đó là một cực hình, và như thế kéo dài được trong vòng mười năm. Sau này, nếu muốn sống phải dứt bỏ hai chân từ đâu gối trở xuống. Giờ đây, Lục đệ nhập định, tâm hư, dồn chân khí vào Đan Điền, dẫn qua Phế kinh, Tâm kinh, ta sẽ hỗ trợ cùng hiền đệ hành công trị thương. Nhớ, trong lúc hành công trị thương, không được bận tâm và không để cho ngoại cảnh ảnh hưởng, nếu không, đại họa đến ngay tức khắc!

Suốt đêm ấy, Tiêu Đại Hùng và Uyển Thanh chia nhau canh giữ trước sau căn nhà. Tiêu lão thừa hiểu rằng trong thời gian luyện công trị thương này, hai người kia dù công lực có cao đến thế nào chăng nữa, họ chỉ còn là hai kẻ cực kỳ yếu đuối, một người tầm thường nhất cũng cớ thể hạ sát họ, hoặc giả chỉ vì ngoại cảnh mà phân tâm, sẽ bị tẩu hỏa nhập ma, thành phế nhân vĩnh viễn hoặc chừng điên mãn kiếp. Vậy mà, không biết lúc này đây, bọn quân Minh sẽ đến lúc nào, và chắc chắn, chúng sẽ không đến ồn ào bằng một đạo quân, mà là những tên trong Thất Sát đoàn.

Thất Sát đoàn là một tổ chức do thám, ám sát, trong đạo quân Minh ở Đại Việt. Chúng là những tên vô nghệ cao cường, cực kỳ tàn độc, được lựa chọn trong đám lục lâm, cường đạo của võ lâm Trung Nguyên. Ông còn biết rõ ràng, Thất Sát đoàn nằm dưới quyền chỉ huy của Mã Kỳ. Mã Kỳ, tên tướng tàn bạo, mưu mô xảo quyệt, vô công cực cao. Thực ra, việc điều hành màng lưới Thất Sát đoàn lan ra đến tận phủ, huyện.

Đứng đầu từng địa phương cũng là những tên võ công cao siêu, mưa mô âm hiểm. Phụ tá cho Mã Kỳ, mà cũng là kẻ trực tiếp chỉ huy và thực hiện mọi chỉ thi của Mã Kỳ là hai tên cao thủ nhất nhì của võ lâm Trung Nguyên. Tên thứ nhất có hỗn danh Bát Tý Na Tra Tạ Cương. Tên thứ hai phụ tá cho y, trái với vẻ mặt cùng hung cực ác và thân hìnhđồ sộ của Tạ Cương, gã vốn người Thiểm Tây, là đệ tử truyền của một nữ ma đầu khét tiếng một thời tàn bạo, dâm đãng Khi gần về già, mụ thu nhận những học trò đẹp trai có bề ngoài phong nhã, vừa là đệ tử vừa là kẻ hầu hạ gối chăn cho mụ. Ngọc Diện Lang Vu Hán là một trong số đệ tử duy nhất được mụ yêu chiều và mụ đã truyền thụ hết võ công cho y kể cả độc công và Ma Công Nhiếp Hồn pháp cùng thuật trú nhan. Và chính y, sau khi luyện thành toàn bộ bản lãnh của mụ, y đã giết chết mụ.

Việc Uyển Thanh thảm sát mười tên lính, nhất định bọn Thất Sát đoàn sẽ chẳng bỏ qua. Đứng đầu bọn Thất Sát ở địa phương Châu Mộc này là Vô Ngại, võ công y không tầm thường. Vả lại việc Uyển Thanh giết mười tên trong nháy mắt, sẽ là điều Vô Ngại truy lùng cho bằng được, huống chi hắn còn biết nàng lại là một kiều nữ, một kiều nữ anh thư hạp khẩu vị của Mã tướng quân biết bao, đây thật là món quà quý.

Đúng như sự lo ngại của Tiêu Đại Hùng, trời vừa mờ sáng, chúng đã đến. Đúng ra, theo quy luật của Thất Sát đoàn, mọi việc phải hành sự trong đêm tối, nhưng vì người chỉ điểm cho chúng đã dẫn lạc trong đêm tối âm u của rừng núi. Gần tảng sáng, gã chỉ điểm bị Vô Ngại giết chết, vất xác bên bờ suối, vì đã làm trể nãi việc truy sát giữa đêm và bọn chúng tiếp lục dò tìm, đó thật là điều may mắn cho Uyển Thanh và Tiêu lão. Giữa lúc ấy, việc trị thương của Đoàn Chính Tâm và Hoạt Phật đại sư chỉ còn năm chu kỳ vận chuyển hành công nữa là kết thúc, và cũng là lúc tọa công đi vào giai đoạn trầm trọng nhất.

Sở dĩ gọi là Thất Sát, vì hai lẽ, Thất Sát hợp với số của Thất Tinh Trận Pháp. Mỗi toán hành động của chúng là bảy người, được gọi bằng tên của những vì sao trong tử vi Kình Dương (chủ trận): Đà La, Kiếp Sát, Hỏa Tinh, Địa Không, địa Sát và Khốc Hư. Uy lực của Thất Tinh trận do theo ngũ hành độn giáp mà biến hóa nên liên kết chặt chẽ và cực kỳ uy mãnh.

Chúng đã nhận ra căn nhà mà tên điểm chỉ đã mô tả. Chiều hôm trước, Uyển Thanh và Dư Tứ đã bị tên này theo dõii mà không hay, cũng may tên này vì đêm tối, vì vội vàng đi lầm đường nên bị tên trưởng toán nổi giận giết chết. Bảy tên trong bọn tiến vào sân trước, bảy tên vòng lối sau vây kín khu nhà, tất cả đều bịt mặt, điều được qui định khi chúng hành sự.

Tiêu Đại Hùng bước ra, biết là việc phải đến đã đến. Tuy nhiên ông cố kéo dài thời gian, nên chắp tay hỏi :

- Xin lỗi, quý vị là ai vậy, quý vị cần gì ở tệ xá, xin cho biết để được chu tất?

Vô Ngại cười gằn nói :

- Lão già kia, ngươi nói nhăng cuội gì vậy? Con quỷ cái kia đâu, sao không ra đây chịu trói, đừng để bọn ta phải động thủ!

Tiêu Đại Hùng ngơ ngác hỏi :

- Không hiểu tráng sĩ nói gì?

- Ái chà, ngươi giả vờ khéo lắm, thôi đừng vờ vĩnh nữa. Ta hỏi con quỷ cái kia đâu?

- Bản cô nương đây, chúng bay muốn gì?

Uyển Thanh, mắt hạnh tròn xoe, bước ra.

Tiêu lão quát :

-Thanh nhi, không được khinh xuất, không được quên bổn phận?

Vô Ngại nhìn Uyển Thanh từ đầu đến chân và đôi mắt y dán chặt vào hai gò ngực no tròn ẩn dưới lớp áo võ sinh màu xanh rêu. Đôi mắt y ánh lên những tia thèm muốn dưới lớp vải màu hoàng yến che mặt, không biết khuôn mặt hắn có nghệch ra không? Hắn, cũng như những tên kia, để phân biệt, mang khăn che mặt bảy màu khác nhau, vàng, đỏ, xanh, tím, nâu, đen và hồng nhạt. Vô Ngại nói :

- A, con bé đẹp thật. Chúng bay không được làm nó bị thương nghe không. Bắt sống nó!

Tên mang khăn che mặt màu đen đứng gần Uyển Thanh, bước tới :

- Em bé, chóng ngoan cởi áo ra, chịu trói!

Vô Ngại quát :

- Cẩn thận đó, Địa Kiếp!

Tiếng quát chưa dứt, không thấy Uyển Thanh động đậy, vì gã đã chú ý, nhưng bất thần hữu cước của nàng đã tung ra theo thế Âm Dương Quán Thiên trong Âm Dương cước. Tên này đảo người né tránh, nhưng tả cước của nàng đã tung Quái Đảo Càn Khôn bằng gót chân, trúng vào ngang sườn trái gã, ngay vùng quần tụ các huyệt Chí Thất, Đại Hoành. Trúng đòn, hắn hự lên một tiếng, người bắn tung lên không.

Vô Ngại, nhanh như điện chớp, phóng người, đỡ được đồng bọn, tên này ôm bụng oằn người đau đớn..

Vô Ngại hô lớn :

- Thất Tinh khai trận!

Chỉ còn lại sáu đứa, Vô Ngại phải thủ thêm vai trò của Địa Kiếp, cả bọn vây lấy Uyển Thanh. Cùng lúc đó, bọn thứ hai xuất hiện từ phía hông nhà, Tiêu Đại Hùng không còn chần chờ được nữa, ông nhún người vọt lên như chim đại bàng và nhanh như chớp, thanh kiếm trong tay như một cầu vòng, rít lên, đổ ập xuống gã đứng gần nhất. Hoán Ảnh thân pháp đã phát huy đến mức chót, tên bịt khăn trắng của toán thứ hai được gọi là Khốc Hư, chỉ kịp thấy một bóng mờ và một ánh tinh quang lóe sáng xoáy tít, tên giặc đã gục ngã.

Thân pháp và thế kiếm thần tốc ấy làm cả bọn sởn gai ốc Nhưng chúng là bọn đã quen cảnh chém giết, nên lấy ngay lại được bình tĩnh. Thất Tinh trận khai mở, nhưng thiếu mất Khốc Hư nên uy lực có đôi phần giảm sút. Tuy nhiên Tiêu lão nhận ra rằng kiếm trận quả thực kỳ ảo, đó là thế trận của Thiên Ái năm xưa với bảy đệ tử, đã làm khiếp đảm võ lâm. Tiêu lão không dám coi thường, ông như một con vụ, qua lại dưới ánh kiếm quang của bảy thanh kiếm. Thanh kiếm trên tay ông biến chiêu khôn dứt, Bạch Hồng Quán Nhật, Minh Ngọc Mãn Đường, chuyển tiếp qua những chiêu thức của Thiểm Điện kiếm pháp, mũi kiếm như vạn hoa mai lung linh trong ánh nắng ban mai, nhằm những trọng huyệt của sáu kiếm thủ địch liên tiếp điểm tới. Nhưng khi ông tấn công người này, thì sáu tên còn lại giải cứu cho nhau bằng cách tấn công từ trước sau, phải trái, ông có cảm nghĩ nội lực của bọn chúng như của bảy người cộng lại. Ấy là một tên đã bị giết chết, đã phá vỡ thế liên hoàn và chu kỳ kiếm trận bị cắt đứt, nếu không, kình lực còn ghê gớm hơn nhiều.

Ông lo ngại cho Uyển Thanh nên bị khó khăn không phải ít, một phần là do phân tâm, nên thân pháp và kiếm ảnh có phần chậm đi. Trong lúc đó, Uyển Thanh may mắn là chúng chỉ được lệnh bắt sống nên không dùng kiếm mà chỉ xử dụng Cầm Nã thủ và chỉ phong, chụp bắt và điểm huyệt. Tuy vậy nàng luôn luôn bị ngộ hiểm, bởi vì một trong số bọn kiếm thủ, vì khinh xuất bị nàng đá bại, còn lại sáu tên. Tên mặt vàng võ công cao siêu có phần lấn lướt hơn nàng, năm tên còn lại không thua sút nàng là bao, cộng thêm uy lực biến hóa của Thất Tinh trận, Uyển Thanh lâm vào tình thế lúng túng thấy rõ.

Và cũng may cho nàng, thay vì tấn công các huyệt đạo khác, nàng có thể đã lâm nguy từ sớm, chúng lại cứ chằm chằm tấn công vào các huyệt Nhũ Căn, Đàn Trung, Kỳ Môn trên ngực nàng và các huyệt Khúc Cốt, Trung Cực, Quy Lai, Khí Hải. Bọn vô lại làm nàng từ thẹn thùng, lúng túng biến sang căm giận, do đó kiếm pháp có phần rời rạc hơn. Tên mặt vàng là Vô Ngại thấy vậy nói :

- Chúng bay biến sang Ngũ Hành trận, bắt con quỷ cái này bằng được cho ta. Ta đi lùng thêm bọn can phạm khác!

Thực sự, y chỉ muốn một mình kiếm chác, cướp bóc vàng bạc mà không phải chia chác, do vậy uy lực trận giảm đi.

Giữa lúc cả bọn bực tức vì hành động ăn lẻ nhơ bẩn của tên trưởng toán, và trong giây phút từ Thất Tinh trận chuyển sang Ngũ Hành trận, thừa lúc tên mặt tím vô ý, thanh kiếm của nàng đâm một nhát vào huyệt Đàn Trung, kiếm xuyên từ trước ngực ra sau lưng, phá tan Ngũ Hành trận. Bốn tên còn lại bao quanh lấy nàng ra sức tấn công liên tiếp, nhưng áp lực đã nhẹ đi. Nếu chúng không được lệnh phải bắt sống nàng, chắc chắn Uyển Thanh không thể cầm cự đến giờ này được.

Từ lúc ra tay có kết quả tình cờ, Uyển Thanh phấn chấn hẳn lên, thanh kiếm mở rộng thêm và uy lực Thiểm Điện kiếm gia tăng. Bốn tên còn lại giờ này không còn nghĩ đến lệnh phải bắt sống nàng mà phải lo đến tính mạng trước, nên đồng loạt rút vũ khí. Uyển Thanh phải xử dụng Hoán Ảnh thân pháp hợp cùng kiếm pháp, và phải lui về thế hạ phong, không còn tung hoành được nữa.

Tiêu Đại Hùng cũng dần dần bị ép vào thế nguy cấp, ông hiểu là ông còn để lòng phân tâm vì lo lắng cho Uyển Thanh, chắc chắn sẽ không tránh được cái chết, mà tính mạng ông liên quan đến an nguy của tất cả. Ông không biết Hoạt Phật đại sư với công việc trị thương đến bao giờ mới toàn thành. Trong một phút phân tâm, ông bị mũi kiếm của gã mặt xanh Địa Không chém soạt, đứt vạt áo chỉ trong ly tấc, người của ông chút nữa đã bị phân làm đôi. Lập tức, tâm định lại, ông thả lỏng mọi điều, nội lực vì thế kết tụ từ đơn điền, ào như thác đổ chuyển về sáu kinh: Tam Tiêu, Tiếu Tràng, Đại Tràng, Phế kinh, Tâm Bào, Tam kinh chuyển xuống Thiếu Dương, Thiếu Âm, Thái Dương, Thái Âm, Thái Xung hợp thành lục hợp chuyển ra kiếm chiêu. Thanh kiếm như rực lửa, nhanh như khói mờ, tỏa rộng, đánh lui sáu tên bao quanh, nới rộng vòng vây.

Tên mặt nâu, Hỏa Tinh, chém chếch thanh kiếm, nhắm Kiên Tỉnh huyệt Tiêu lão lướt tới, thế kiếm đi như điện chớp, nhưng đồng thời huyệt Thần Môn, Nội Quan, Khúc Vỹ của y lại để sơ hở. Tâm hợp với kiếm, Thiểm Điện kiếm lóe lên, kiếm của địch thủ chưa điểm tới, cánh tay cầm kiếm của y đã bị tiện phăng, thuận đà, mũi kiếm nhắm vào huyệt Kỳ Môn của tên áo vàng Kình Dương. Trong lúc bất ngờ, vị thế của y nằm trong quẻ Bác, rơi vào cung Tuất, hãm địa, bị cánh tay và thanh kiếm của tên Địa Không văng lên, che mất mũi kiếm của địch thủ, y chưa kịp định thần, huyệt Kỳ Môn đã bị thanh kiếm đâm ngập, y hét lên một tiếng, bật ngược người ra phía sau, ngã xuống.

Chủ vị bị mất, quẻ Khôn không còn, Thất Tinh trận rối loạn. Cung Phục vốn của Kình Dương bỏ trống. Khí thế đang lên, Thiểm Điện kiếm xé gió rít lên xói óc, uy lực đã phát huy dấn tận cùng, đang lúc ấy, Tiêu lão thoáng thấy Vô Ngại của toán bên kia bỏ Uyển Thanh nhảy vào hậu phòng, nơi Hoạt Phật đang luyện công, ông không thể chần chờ, đánh ra một lúc bốn chiêu mãnh liệt nhất trong Thiểm Điện kiếm pháp. Bốn chiêu thức trước sau điểm tới bốn tên như chớp giật. Chưa hết bàng hoàng trước cái chết của ngôi chủ vị Kình Dương, bốn tên loang kiếm thối lui, thừa cơ hội, Tiêu lão tung mình chặn Vô Ngại, nhưng đã trễ, y đã vào đến hậu đường.

Nhìn quang cảnh trước mặt, Vô Ngại hiểu ra ngay sự việc, chỉ cần một mũi kiếm cùn, y giết hai người đang ngồi trước mắt y thật dễ dàng, y không vội vã gì mà liếc mắt nhìn quanh tìm kiếm.

Giữa lúc Hoạt Phật đẩy kình khí lần cuối cùng vòng qua Nhâm mạch, tiến lên Bách Hội huyệt, chuyển về Nhâm mạch xuống Phong Thủ huyệt, xung phá Sinh Tử Huyền Quan, thì Vô Ngại xuất hiện. Việc xung phá Sinh Tử Huyền Quan cực kỳ trọng yếu, đây là giây phút giữa cái sống và cái chết, chỉ một chút dao động trong tâm ý, tinh khí thần mất đi sự liên hợp, mất thế Đại định, Thần lực không thành, toàn bộ 108 tử huyệt vỡ ra mà chết, hoặc cùng lắm cũng tê liệt, mất tri giác mãn đời..

Trên đỉnh đầu của Hoạt Phật đại sư, một làn khói trắng nhẹ thoát lên từ Bách Hội huyệt và nhẹ nhàng tụ lại như một đám mây mờ. Nội gia chân lực đã vận hành đến lúc tuyệt mức. Tuy Hoạt Phật đang du vào cái tịnh không, nhưng ông cũng biết được mọi việc quanh ông, tuy thế, lòng ông vẫn lặng như mặt hồ yên ả, không chút gợn sóng, tâm ông vẫn như cõi hư không, thần khí cuồn cuộn như mây tỏa, như lưu thủy hành vân, tịnh không xao động.

Thân thể Đoàn lục gia tiếp nhận kình khí, như một mũi kim nhọn, cuồn cuộn xuyên qua Sinh Tử Huyền Quan để dồn xuống huyệt Đại Truy, chuyển dần xuống đến Tỳ Khu huyệt, kết thúc một vòng Âm Dương Càn Khôn và thành tựu. Kình khí đang chuyển qua Sinh Tử Huyền Quan, thì Vô Ngại vung đao chém xuống.

Bàn tay phải của Hoạt Phật vẫn nằm im trên Bách Hội huyệt của Đoàn lão, tay trái áp sát Kỳ Môn huyệt, cả chân khí nội gia như dòng suối êm ả, cả hai bất động. Đoàn Chính Tâm quay lưng ra ngoài, thanh đao của Vô Ngại nhắm thẳng đỉnh đầu của Hoạt Phật theo thế Thái Sơn Áp Đỉnh bổ xuống, chỉ cần giết Hoạt Phật đại sư là cũng kết thúc luôn tính mạng của Đoàn lão. Hoạt Phật đại sư hai mắt nhắm nghiền, hàng lông mày trắng như cước rủ xuống, khuôn mặt từ bi, như đang trôi dần vào cõi thiên hư.

Đường đao như sấm chớp, như sao sa, bỗng nhiên Vô Ngại cảm thấy một lực phản chấn mạnh không thể tưởng đẩy bật đường đao của y bật ngược trở lại, thanh đao tuột khỏi tay, bay lên, cắm phập vào đà ngang. Y kinh hoảng, trong ý nghĩ lóe lên một câu hỏi và câu trả lời có ngay tức khắc.

Vị lão tăng này đã có một môn công phu quái dị, công phu này không thể là Thiết Bố Sam được vì Thiết Bố Sam không luyện được phần thượng bàn vì nó sẽ biến hình dị dạng khuôn mặt. Thiết Bố Sam La Hán công có mười hai bậc, ba bậc đầu là căn bản, chỉ chịu được những quyền cước của hạng người thông thường, năm bậc sau, khi luyện thành có thể chịu được đòn của những người có công phu võ nghệ ở tầm cỡ nhất định mà không hề hấn gì, bốn bậc cuối cùng, khi toàn thành toàn bộ mười hai bậc, lúc ấy, ngoài đầu, mặt và hạ bộ, toàn thân có thể chịu được mọi loại vũ khí bình thường. Còn lúc này, thanh Bạch Quang bảo đao của y là loại đao thuộc loại chém sắt như chém bùn, Thiết Bố Sam không thể chống đỡ nổi, mà theo lối ăn mặc nửa tăng nửa tục của lão thì nhất định không phải là đệ tử của Thiếu Lâm.

Y có nghe đến một loại công phu thuộc một trong bảy mươi hai tuyệt kỹ của Thiếu Lâm là Kim Cương Bất Hoại thần công, nhưng môn công phu này muốn luyện được phải có hỏa hầu của ba mươi năm tu luyện, và từ đó luyện thêm bốn mươi năm sau mới đạt đến mức tối thượng là kim cương bất hoại, chỉ các Lão Tăng trong hàng Trưởng lão của Thiếu Lâm, có căn cốt kỳ tuyệt mới luyện thành được, và những bậc đã đạt đến trình độ hiếm có nầy, cũng ít khi phát lộ ra ngoài, trừ khi phải ở vào trường hợp bất khả. Nhưng y đâu biết rằng, dẫu luyện được “Kim Cương Bất Hoại thể”, chỉ bảo vệ được thân thể, chứ không thể nào có sức phản chấn như vậy. Nếu y biết được, đó là công thành của mười lăm năm khổ luyện thiền định, đã phát sinh Đại đinh và Thần lực. Khi Hoạt Phật đại sư vận công phu “Thái Ất Long Hình công” đến mức độ chót, tâm-ý-tinh-khí-thần hợp nhất, thần lực trong thân thể phát sinh, toàn thân được bao bọc bởi một lớp cương khí vô hình, mà sức phản chấn tỷ lệ thuận với cường lực tấn công từ ngoài tác động vào. Nếu mũi đao của y, thật nhẹ nhàng, kề sát cổ của Hoạt Phật ấn mạnh, chắc chắn y đã giết Đại sư dễ dàng.

Y tung người nhổ bật thanh đao trên xà ngang, hoành người, vung đao phạt ngang, nhắm vào lưng của Đoàn Chính Tâm đánh tới. Ánh đao lóe lên một đạo bạch quang, xé gió rít vèo vèo, y đã dùng toàn bộ kình lực trong đường đao khốc liệt này.

Hoạt Phật đã đưa luồng chân khí vượt qua Sinh Tử Huyền Quan, dọc theo xương sống, qua các huyệt Đại Chùy xuống đến Mạch Môn, gặp Tỳ Khu, vừa giáp một vòng âm dương khép kín. Đoàn Chính Tâm rên khẽ một tiếng. Hoạt Phật mở bừng mắt. Thân đao còn cách thân hình Đoàn lão không đầy ba gang, bàn tay phải của Hoạt Phật đặt trên Bách Hội huyệt của Đoàn lão chưa kịp thu hồi công lực. Thấy tên mặt vàng đánh tới, ông nghiêng bàn tay trái, nhắm ngực y, kình lực nhả ra, một luồng kình khí xô đến cực kỳ mãnh liệt, “bùng” một tiếng, toàn thân Vô Ngại bắn tung lên cao, phá tan mái ngói văng ra ngoài, cùng lúc ấy Tiêu Đại Hùng ùa vào nhảy qua một bên tránh luồng dư lực vừa ập thẳng đến, bốn tên đuổi theo Tiêu lão cũng vừa tràn đến, hứng trọn luồng dư lực đủ mạnh hất tung bốn gã văng bật ngược trở ra. Hoạt Phật bình tĩnh điểm nhanh trên người Đoàn Chính Tâm khai giải hai huyệt Siêu Tức và Phong Môn rồi nói :

- Lục đệ, may mắn thật! Hiền đệ hãy điều dương chân khí đi!

Rồi ông quay nhìn Tiêu lão hỏi :

- Thế nào? Uyển Thanh đâu?

- Uyển Thanh đang nguy hiểm.

Chưa dứt, ông phóng người trở ra.

Uyển Thanh bị bốn thanh trường kiếm bao vây ráo riết, rất nhiều lần nàng lâm vào tình trạng nguy khốn, phải trổ hết tinh hoa của kiếm pháp mới tạm thời giữ được khỏi bại vong, nhưng lúc này hơi thở nàng đã bắt đầu nặng nề, bộ pháp có phần chậm chạp.

Hoạt Phật đại sư phóng vội theo Tiêu lão, thân thủ ông đi sau mà đến trước. Giữa lúc thanh trường kiếm của hai gã mang mặt xanh và đỏ, theo hai phương vị nghịch đảo chém tới đồng thời, gã mặt trắng ở vị trí chênh chếch đâm vào huyệt Huyết Hải phía đùi trái của nàng, Uyển Thanh lâm vào tử lộ. Nhanh như một vệt khói, ngón tay của Hoạt Phật đại sư như mũi kiếm trui, điểm đúng vào Kiên Tỉnh huyệt của gã mặt trắng, cùng lúc cung ngón tay bàn tay kia búng bay thanh kiếm gã mặt đỏ, đồng thời xoay cổ tay tấn công gã mặt xanh, kình lực hất tung gã về phía sau, cùng một lúc với tiếng quát :

- Ngừng tay!

Sự xuất hiện của Hoạt Phật đại sư và thần thủ tấn công chớp nhoáng của ông làm cho bọn Thất Sát tại hiện trường sững sờ, chúng tung người nhảy lui, đứng nhìn ông không chớp. Hoạt Phật ôn tồn nói :

- Các vị không nên có hành vi tàn độc như thế! Nhân nào ắt là quả nấy, các vị thí chủ hãy buông đao xuống mà quay lại nẻo chánh: Đồ tể buông đao là thành Phật. Bể khổ mênh mông quay lại là đến bờ, đừng để hối bất cập! Các vị đã gây nên nhiều tội ác, giết hại bao nhiêu là lương dân vô tội. Bần tăng từ xa mới đến mà đã nghe danh bạo tàn của các vị. Mong hãy nhận ra lời bần tăng nói, thôi các vị hãy đi đi!

Uyển Thanh nghĩ đến hành vi tham tàn bạo ác của bọn cướp nước và thái độ vênh váo của chúng vừa qua, lòng căm giận dâng lên :

- Đại sư bá, không thể tha cho bọn chó săn này được, phải giết cho bằng hết!

- Thanh nhi, đừng khai sát giới nữa, hãy để cho họ có con đường cải hối, oán thù nên cởi chẳng nên buộc. Thôi các vị đi đi!

Bọn Thất Sát lủi thủi bước đi. Vô Ngại bị kình lực trúng ngực, vỡ tim mà chết, chiếc khăn vàng bao mặt tuột khỏi, để lộ một bộ mặt cực kỳ hung ác.

Đoàn Chính Tâm cũng vừa ra tới đứng cạnh Tiêu Đại Hùng. Hoạt Phật đại sư nói :

- Lục đệ, chốn này không thể ở lại, bọn quan quân sẽ kéo đến, nên tránh đi là hơn!

- Đại huynh, Tiểu đệ đã sắp xếp xong cả rồi!

Tiêu Đại Hùng hỏi :

- Đoàn lão xú, ngươi định đi đâu, về đâu?

Đoàn Chính Tâm nói :

- Ta trước đây có quen biết với Xa Khả Tham, hiện đang hùng cứ tại Gia Hưng, y mấy lần mời ta, lần này đến tá túc y ít lâu!

Tiêu Đại Hùng nói :

- Ta cũng quen biết bố con y. Ta cũng muốn nhân dịp ghé thăm y!

Hoạt Phật bảo :

- Lục đệ, anh em ta xa nhau ngót hai mươi năm, ta lần này muốn ở lại cạnh hiền đệ ít lâu, điểm hóa thêm cho Uyển Thanh. Ta cũng muốn đến nơi Tam đệ, Thất và Bát đệ yên nghỉ để tế mộ phần, nhưng việc này để sau cũng chưa muộn!

Dưới bóng nắng bao la của bầu trời Châu Mộc, bốn người cùng Dư Tứ băng rừng, nhắm hướng Sơn La, Gia Hưng ra đi.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.