Hệ Thống Livestream Tử Vong

Chương 2: Nụ cười ma quỷ




Tôi đón lấy tấm long phù trên tay lão Dương Bì xem kỹ, Tuyền béo và Đinh Tư Điềm cũng tò mò vây quanh nhìn ngó một lúc lâu, nhưng chúng tôi đều không biết rốt cuộc là thứ gì. Tấm long phù này được đánh bằng đồng xanh, công nghệ cũng không thể coi là tinh tế cho lắm, nhưng hình dạng rất quái dị, so với hình rồng người ngày nay vẫn quen thuộc thì khác biệt rất lớn. Tấm bùa rồng dài khoảng hai mươi xăng ti mét, chân có năm móng, đầu có sừng, đuôi xòe, trông hết sức tự nhiên. Đầu rồng không có mắt, là một con rồng mù, nhìn sắc đồng xanh biếc, cầm trên tay thấy nhẹ như tấm bìa bồi, áng chừng là cổ vật được mấy nghìn năm tuổi rồi.

Tôi hỏi lão Dương Bì: “Niên đại của tấm long phù này dường như rất xa xưa, ông lấy ở đâu ra thế? Chẳng lẽ có quan hệ gì với cái hang đầy xác rùa dưới kia?”

Lão Dương Bì đưa đôi mắt đùng đục của mình liếc tấm long phù bằng đồng xanh, nói vật này là minh khí ông nhặt được trong cái quan tài đồng của hoàng bì tử, là đồ bồi táng cho Hoàng đại tiên. Lúc đó, mọi người thoát chết trong giếng vàng, quay trở ra thần hồn vẫn chưa bình tĩnh lại, chẳng ai để ý thấy lão Dương Bì tiện tay dắt dê, vớ được một món minh khí trong cái rương đồng ấy cả.

Năm xưa, lão Dương Bì cũng là thăm dò tin tức từ chỗ một ông thầy mo già, mới biết trên đời này có một lá bùa hình con rồng không mắt như thế. Đạo Shaman trên thảo nguyên đã gần như tuyệt tích từ hồi trước giải phóng, địa vị của các thầy mo hầu hết đã bị các lạt ma thay thế, chỉ có những nơi thâm sơn cùng cốc ở vùng Đại Hưng An Lĩnh mới còn sót lại một vài thầy mo nhảy Shaman. Trong đó, có một vị thầy mo già là con cháu của tín đồ Nguyên giáo, ông ta ít nhiều cũng biết được một số bí mật về giáo phái này. Có điều, ông thầy mo ấy cũng không biết tấm long phù này được giấu bên trong cái rương đồng của Hoàng đại tiên, mà chỉ từng nhắc đến nó trong lúc nói chuyện. Lúc ra khỏi giếng vàng, lão Dương Bì vô ý nhìn thấy long phù rơi từ bên trong quan tài đồng xuống đất, bèn tiện tay nhặt về.

Vậy tấm bùa hình con rồng không có mắt cổ quái bằng đồng xanh này rốt cuộc là gì? Tương truyền, Nguyên giáo tìm được nó trong đống xác rùa vùi chôn trong động Bách Nhãn, lai lịch cụ thể như thế nào thì không ai biết được, rất có khả năng là do đám rùa to kia mang từ biển lên đất liền.

Trong các sách phong thủy cũng không đâu giải thích là Quy miên địa có trước, sau mới có “Quy miên”, hay là có “Quy miên” trước, sau mới thành “Quy miên địa”. Trên thế gian, thực ra vẫn tồn tại những vùng có phong thủy thổ nhưỡng tương tự, song chẳng ai có thể chắc chắn liệu có phải nhờ tiên khí mà lũ rùa mang từ biển lên mà mảnh đất báu này được hình thành hay không. Chính vì lượng rùa lớn tìm đến động Bách Nhãn vùi mình đông vô kể, mà xác mỗi rùa già đã sống nghìn vạn năm đều ngưng tụ một chút hải khí còn sót lại thuở sinh tiền, nên đáy động mới xuất hiện kỳ quan ảo ảnh mà chúng tôi đã thấy. Ngoài ra, còn nghe nói ở đáy biển có một loại “long hỏa” cháy ngầm, thứ âm hỏa này khác hẳn lửa trên mặt đất, gặp nước không tắt, nhiệt độ cực cao, có thể nung chảy cả đồng cả sắt. Lũ rùa sống dưới đáy biển, mai rùa nghìn năm được âm tinh hun đúc, lại thường gặp âm hỏa, hải khí dâng trào, nên trong mai rùa dần cũng tích tụ ẩn chứa một luồng gió nóng vô hình vô ảnh. Rất có thể vì lý do này mà thứ gió đó được gọi là “phần phong” trong kinh sách Phật giáo, chính là thứ âm phong thổi ra từ địa ngục, bất kể vật gì có máu thịt, chỉ cần chạm vào luồng gió này sẽ lập tức vĩnh viễn hóa hư vô.

Chuyện này trong di thư của người Nga kia cũng có đề cập, đáng tiếc là chỉ nói rất qua loa, hơn nữa trong tiếng Nga không có thuật ngữ phong thủy, một số danh từ đều chỉ phiên âm. Cũng may là tôi và lão Dương Bì mỗi người đều biết một ít kiến thức ngoài lề, ít nhiều gì cũng còn suy luận ra được đại khái tình hình. Có điều, cách lý giải của chúng tôi lại không giống nhau. Lão Dương Bì cứ một mực cho rằng, trận “phần phong” do yêu long hóa thành, hoàn toàn đúng như trong các truyền thuyết của Nguyên giáo, vốn đều cho rằng chính là oán niệm của nghiệt long trong động Bách Nhãn chui ra ăn thịt người và súc vật. Quan niệm này tồn tại từ thời xa xưa, e rằng có quan hệ rất lớn với tấm long phù tìm được giữa đống xác rùa. Tuy gốc gác thật sự rất mù mờ không ai rõ ra làm sao, nhưng dường như xuất phát từ đó mà khi xây mộ cho Hoàng đại tiên, người xưa mới khắc ký hiệu rồng mù lên những viên gạch trong giếng vàng.

Tôi lúc ấy chẳng tin trên đời có rồng hay có ma quỷ gì, nhưng lại không có lý do gì để phản bác, chỉ biết rằng trong sách Thập lục tự âm dương phong thủy bí thuật, ở đoạn giảng về long mạch phong thủy, có bàn đến khái niệm Tam đại long mạch: Nam, Bắc, Trung. Long hỏa ở đáy biển là của Nam long, thứ long hỏa này thực chất là do hải khí ngưng tụ sinh ra. Nhưng mấy thứ này trong sách này đều thuộc về phạm trù “Tứ cựu” của xã hội cũ, ngoài những lúc cực kỳ nhàn rỗi mới tiện tay lật giở xem qua vài lượt, còn đâu tôi cũng chưa bao giờ thực sự để tâm nghiền ngẫm, nên căn bản không thể hiểu được ý tứ sâu xa trong từng câu chữ.

Tôi trả miếng bùa bằng đồng lại cho lão Dương Bì, hỏi ông đằng nào cũng không biết thứ này dùng để làm gì, giữ lại phỏng có tác dụng gì? Con rồng bằng đồng này không biết có gì cổ quái hay không nữa? Thêm vào đó, vật này để trong cái rương đồng chung với con chồn lông vàng đã bị thi biến kia không biết bao nhiêu năm rồi, âm khí tích tụ, lại bị mùi thối của xác chết nhiễm vào, để bên cạnh người sống chỉ sợ không được cát tường.

Nhưng lão Dương Bì vẫn kiên quyết không chịu bỏ đi, nhất định giữ lại bên người. Cuộc đời này của ông già dường như có một mối nghiệt duyên không thể giải với cái rương chiêu hồn ấy, cả người anh em ruột thịt cũng chết vì nó, nên thế nào cũng muốn giữ lại chút gì làm kỷ niệm, coi như để có thứ mà ăn nói với chính bản thân mình. Đồng thời ông cũng xin chúng tôi đừng tiết lộ chuyện này ra ngoài.

Tôi đáp ứng lời thỉnh cầu của lão Dương Bì, sau đó cả bọn bắt đầu bàn cách làm thế nào để rời khỏi động Bách Nhãn, rồi cùng nhau nghĩ lời giải thích để trở về khu chăn nuôi còn đùn đẩy trách nhiệm. Giờ sắc trời đã muộn, chuột hoang ở ngoài cửa khe núi nhung nhúc, trời đã tối, lại có một đống du diên, độc trùng săn mồi, chúng tôi đành phải đợi đến sáng mới lên đường.

Có điều, kế hoạch không thể theo kịp tình thế biến đổi, hôm sau trời vừa sáng, đã có một nhóm người đông đảo đến động Bách Nhãn. Thì ra là tay thủ trưởng họ Nghê kia không che giấu được sự việc, ủy ban tiểu khu nghe nói bị mất khá nhiều bò, một nhóm gồm thanh niên trí thức và dân du mục đuổi theo về phía sa mạc Mông Cổ đã hai ngày vẫn không có tin tức gì, thì đâu dám coi thường, lại còn cho rằng đã phát hiện ra động hướng đấu tranh giai cấp mới, thêm nữa tình hình biên giới bấy giờ đang căng thẳng, không thể không cảnh giác, vậy là ngay trong đêm lập tức cầu viện phía quân đội hỗ trợ, một đại đội kỵ binh có dân du mục dẫn đường lần tìm vào khu vực động Bách Nhãn.

Bốn người chúng tôi đều bị thẩm vấn một cách nghiêm khắc, hỏi han đủ đường, may là trước đó bọn tôi đã có chuẩn bị, thống nhất lời khai, vả lại cũng không có ý đồ lừa dối tổ chức, chẳng qua có một số sự thực không có cách nào nói thật ra mà thôi. Nếu cứ y sự thực mà khai với tổ chức, chắc chắn sẽ sinh lớn chuyện, thành ra bọn tôi chỉ một mực nói rằng không đuổi kịp đàn bò, rồi lạc đường trong động Bách Nhãn, lại bị lũ dã thú tấn công nên chỉ biết luẩn quẩn tại chỗ chờ cứu viện. Sau đó tôi còn cao hứng phát huy khả năng thêm mắm dặm muối, báo cáo rằng nhờ có tư tưởng Mao Trạch Đông làm kim chỉ nam đưa đường dẫn lối và tinh thần không nề gian khổ, không sợ chết chóc, tôi và Tuyền béo đã lợi dụng lò thiêu xác chết của quân đội Nhật Bản bắt sống được một con trăn vảy gấm, trong tình trạng lão Dương Bì và Đinh Tư Điềm bị thương hôn mê bất tỉnh. Bộ xương của con vật này còn quý giá hơn cả bạch kim, nhưng chúng tôi không dám tham công, toàn bộ công lao này có được cũng đều do sự lãnh đạo chính xác của ủy ban mà ra cả.

Ủy ban Cách mạng vốn định nêu gương khu chăn nuôi này thành điển hình tiên tiến “làm cách mạng tăng gia sản xuất”, nhưng không ngờ lại để thất thoát cả đàn bò lớn, may mà thanh niên trí thức và dân du mục đã cùng nhau hợp tác bắt sống một con trăn vảy gấm, coi như là bù đắp được tổn thất nặng nề, có thể lấy công chuộc tội. Vì vậy, họ cũng cố gắng hết sức để che đậy sự việc. Sau khi thẩm vấn, Ủy ban tiến hành phê bình giáo dục, yêu cầu chúng tôi không lúc nào được quên đấu tranh với chủ nghĩa tư hữu, phê phán nghĩa xét lại, sớm thỉnh thị, chiều báo cáo, thường xuyên tác phê và tự phê, những chuyện khác đều không truy cứu sâu thêm nữa. Có điều, thanh bảo đao Khang Hy mà lão Dương Bì giấu riêng ấy đã bị phát hiện, chúng tôi lắp bắp bảo đó là nhặt được, vậy là liền bị tịch thu tại chỗ. Tiếp sau đó là việc xử lý các di tích ở khu vực động Bách Nhãn, chỗ nào cần niêm phong thì niêm phong, cần thiêu hủy thì thiêu hủy, những chuyện này chúng tôi đều không có quyền hỏi han hay can thiệp.

Sau đó, chúng tôi được đưa đến bệnh viện của tiểu khu chữa trị, may là không người nào tổn thương đến gân cốt, đều chỉ phạm vào da thịt. Tôi và Tuyền béo vốn chỉ định đến thảo nguyên chơi một chuyến, không ngờ lại xảy ra bao theo nhiêu là việc ngoài ý muốn như thế, nhưng khi chúng tôi tưởng rằng tất cả đã kết thúc, thì sự kiện động Bách Nhãn lại vẫn chưa chấm dứt.

Sau khi ra viện, chúng tôi tìm đến lều Mông Cổ của lão Dương Bì thăm ông già. Ông bị thương không nhẹ, nhưng sống chết gì cũng không chịu vào bệnh viện. Ông già bảo hễ cứ nhìn thấy tấm trải giường màu trắng trong bệnh viện là rợn cả người, nên chỉ ở nhà nghỉ ngơi dưỡng thương. Con trai và con dâu ông đều là những người yên phận, hồn hậu, cũng chỉ biết ở nhà tận tâm tận lực chăm sóc cha.

Lão Dương Bì về đến khu chăn nuôi, bệnh tình dường như không có dấu hiệu thuyên giảm mà còn nặng thêm, cả ngày chỉ nằm ho sù sụ. Ông biết tôi và Tuyền béo, Đinh Tư Điềm từ bệnh viện trở về, liền gắng gượng ngồi dậy nói chuyện với ba đứa.

Tôi từng nghe ông nội kể chuyện, ở các vùng nông thôn mạn Thiểm Tây, nông dân xưa nay chẳng bao giờ có thầy lang trị bệnh gì cả, lão nông mà bị sốt, liền đập vỡ cái bát ăn cơm, lấy cạnh sắc của mảnh vỡ cứa một đường trên trán cho chảy máu, coi như là chữa bệnh rồi. Có điều, bây giờ quần chúng nhân dân đã vùng lên làm chủ, cái mẹo nhà quê ấy cổ lỗ từ đời từ đời nào rồi, làm sao còn dùng được nữa? Vì vậy, tôi liền cùng Tuyền béo khuyên lão Dương Bì, bảo rằng thế này không được, không khéo còn bị thương đến nội tạng cũng nên, chi bằng cứ đến bệnh viện kiểm tra xem sao. Bệnh viện nhân dân là nơi để nhân dân chữa bệnh, lại đi theo đường lối Cách mạng Văn hóa là kiên quyết phục vụ cho giai cấp vô sản, chứ đâu phải như cái viện nghiên cứu của bọn Nhật kia chuyên bắt người sống để giải phẫu thí nghiệm, có gì phải sợ đâu?

Đinh Tư Điềm cũng năn nỉ lão Dương Bì mau đến bệnh viện kiểm tra, chỉ mong ông sớm ngày khỏe lại, sau này còn được nghe ông hát Tần xoang và đánh đàn đầu ngựa nữa, sợ bệnh viện mà nằm nhà thì chỉ khiến bệnh tình nặng thêm mà thôi.

Lão Dương Bì sống chết cũng không chịu nghe, cứ nằm trong góc tối ho sù sụ liên hồi. Nghe con trai ông bảo, từ lúc trở về, ông già không cho thắp đèn trong lều, vừa sợ ánh sáng vừa sợ lửa mà chẳng hiểu vì nguyên cớ gì. Thanh niên trí thức có văn hóa, có biết thế này là bệnh gì hay không?

Tôi chỉ mới tốt nghiệp cấp II, làm gì có trình độ văn hóa chứ, nhưng cũng biết bệnh tình thế này thật không nhẹ, nếu còn không đưa đến bệnh viện kiểm tra, không khéo sẽ nguy đến tính mạng cũng nên. Có điều ông già này tính tình quật cường khôn tả, dùng biện pháp mạnh căn bản không xong, tôi đành để Đinh Tư Điềm tiếp tục khuyên giải, áp dụng sách lược tấn công tâm lý.

Chẳng ngờ lão Dương Bì lại như ngọn đèn bùng lên lần cuối trước khi cạn dầu, đột nhiên ngồi bật dậy, gọi cả ba đứa thanh niên trí thức chúng tôi và con trai con dâu đến gần, nói cả tràng dài liên tục trong căn lều Mông Cổ tối tăm. Ông bảo, bệnh của ông thế nào, bản thân ông biết rất rõ. Bệnh này là do Hoàng đại tiên ám quẻ, giờ cứ hễ nhắm mắt lại là thấy Hoàng đại tiên đến đòi mạng, chắc chắn không thể sống quá được đêm nay.

Tôi và bọn Đinh Tư Điềm, Tuyền béo đều cho rằng ông già này bệnh nặng quá sinh ra lẩn thẩn rồi, đến cả con trai và con dâu ông cũng hoang mang chẳng hiểu gì. Chỉ nghe lão Dương Bì lại cất tiếng: “Lão già này lẽ ra phải chết từ mấy chục năm trước, sống được đến nay là lãi lắm rồi, chỉ là sau khi lão chết, sợ Hoàng đại tiên không tha cho mấy người. Không chỉ các cô cậu thanh niên trí thức gặp vận rủi, mà cả con cháu về sau cũng gặp họa diệt môn. Cũng may, ngày xưa lão có học được của một ông thầy mo già cách đối phó với hoàng bì tử, chỉ cần sau khi lão chết, mọi người làm theo lời lão dặn thì mọi sự đều đại cát đại lợi, bằng không sớm muộn gì tất cả cũng bị lũ hoàng bì tử hại chết. Lão già này sống khổ sống sở cả đời, cũng không có thân thích gì, chỉ có mỗi một đứa con trai này thôi, để lại một giọt máu trên đời thật không phải chuyện dễ, xin các cô cậu thanh niên trí thức ngàn vạn lần chớ làm hỏng chuyện này, đừng để nhà họ Dương của lão bị tuyệt ở đây.”

Lão Dương Bì còn đòi dọa cắn lưỡi tự tử để ép buộc chúng tôi phải nghe theo. Tình hình lúc đó chúng tôi hoàn toàn không có sự chuẩn bị, ông già này lại là lão giang hồ, có rất nhiều chuyện biết đấy mà không chịu nói ra, thêm nữa là sau khi trải qua kiếp nạn ở động Bách Nhãn, tôi và Tuyền béo cũng tin rằng trên đời này có một số sự việc đích thực không thể dùng lẽ thường mà lý giải được, nay nghe ông nói thế, cũng không khỏi lấy làm hồ nghi, lẽ nào bọn hoàng bì tử kia vẫn còn chưa chết hết? Nghĩ đến bọn chồn lông vàng có thể đọc được ý nghĩ con người ấy, đến tâm lý vững như tôi cũng phải hơi run lên, nếu thật sự bị chúng nó nhòm ngó, ta ở ngoài sáng, chúng ở trong tối, e rằng khó mà đề phòng cho được, chuyện này khó giải quyết đây.

Con trai lão Dương Bì vừa thực thà vừa hiếu thuận, kế thừa được đặc điểm lớn nhất của lão Dương Bì, chính là nhát gan sợ việc, sinh ra đời từ hồi trước giải phóng, mẹ mất sớm, từ nhỏ đã được Lão Dương Bì nuôi dạy, chứ không phải được trưởng thành trong mưa xuân cách mạng, thành ra tư tưởng mê tín cũng rất nặng nề. Giờ anh ta nghe cha nói đến mấy chuyện này, sợ đến nỗi suýt chút nữa thì vãi cả ra quần, vội rối rít hỏi xem rốt cuộc nên làm sao cho phải.

Lão Dương Bì thở dài, nói ra một phương pháp vô cùng kỳ dị: “Đêm nay sau khi lão chết, chắc hẳn sẽ có hoàng bì tử đến khóc tang, mọi người phải làm thế này, thế này...”

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.