Giáo Thảo Liêu Mà Ngọt

Chương 11: Ở Rể Sao?




Sinh nhật lần thứ mười chín của tôi được Chu Nhuệ đứng ra tổ chức.

Cậu ta bảo rằng sẽ sắp xếp chương trình, thật ra cũng chẳng có gì ngoài việc đi ăn pizza, sau đó cùng bạn bè cậu ta đến quán bar, rồi đi hát karaoke. Tôi ngỏ ý chê là cũ rích, nhạt nhẽo, cậu ta cười, nói: “Vậy cậu nói xem nên làm thế nào để không nhạt nhẽo.”

Tôi không nói được gì.

Thế giới của chúng tôi nói cho cùng vẫn rất tẻ nhạt,cho dù cậu ta có đi Anh một thời gian, cho dù tôi đã chứng kiến cuộc sống của những người trưởng thành và nhận được không ít sự kinh ngạc.

Có lẽ, tẻ nhạt cũng còn hơn so với những phức tạp và sự thay đổi.

Hơn nữa, với một đứa trẻ sinh ra một tuần bị người ta vứt bỏ như tôi, sinh nhật cũng chẳng có gì đáng để chúc mừng.

Sau khi ăn pizza, hai đứa chúng tôi đã hẹn bọn bạn của Chu Nhuệ tụ tập. Vừa bước ra khỏi quán bar, một thanh niên đứng trước mặt tôi, nói: “Cô gì ơi, cô có hứng thú làm người mẫu không?”

Tôi ngẩn người, Chu Nhuệ và bọn bạn “đầu trâu mặt ngựa” của cậu ta đều là những kẻ tếu táo, hay đùa nghịch, tất nhiên không thể bỏ qua cơ hội ngàn năm có một này. Một cô bạn trong nhóm vừa cười vừa nói: “Bây giờ mà vẫn còn kiểu làm quen này ư?”

Một cô bạn khác thì thào: “Anh chàng này thẩm mỹ thật khác người.”

Một cậu bạn nói xen vào: “Thôi đi, true người ta cũng phải dùng tí chất xám chứ, cô ấy không dễ dụ như vậy đâu.”

Người đó căn bản không để ý đến bọn họ, nhét tấm danh thiếp vào tay tôi. “Tôi là giám đốc kế hoạch của công ty thời trang. Tôi cảm thấy vóc dáng của cô rất phù hợp với sản phẩm mới ra mắt của chúng tôi. Cô hãy giữ lại tấm danh thiếp này rồi gọi điện cho tôi, hẹn thời gian gặp mặt với nhà thiết kế của chúng tôi. Cô yên tâm, cô ấy là nữ giới, cô sẽ không gặp nguy hiểm gì đâu, nếu không yên tâm, cô cũng có thể mời bạn bè đi cùng.”

Sau khi anh ta đi khỏi, mấy người đó vẫn còn bàn tán về chuyện này. Tôi đưa mắt nhìn khắp lượt bọn họ rồi cười cười. “Rốt cuộc các cậu thấy người đó không đáng tin, hay việc anh ta tìm tôi rất nực cười?”

Bọn họ nhận ra kiểu ăn nói sắc bén của tôi thì bỗng chốc im bặt. Chu Huệ thấy thế liền đứng ra giảng hòa: “Đi nào, chúng ta vào trong thôi.”

Bước vào phòng quán bar, hai cô bạn ngồi ở ghế xô pha đối diện vẫn đang chụm đầu vào nhau thì thầm, không ngừng đưa mắt liếc nhìn tôi. Tôi biết bọn họ đang thì thào bàn tán về tôi. Kỳ lạ thật, trong đám người này có không ít bạn nữ xinh đẹp, ai cũng trang điểm và ăn mặc hợp mốt, so với tôi, bất cứ ai trong bọn họ cũng có tư cách được người lạ đó mời làm người mẫu hơn. Còn tôi, ngoài chiều cao ra, chẳng có điểm gì đặc biệt cả, hơn nữa cho dù có cao đến mét bảy, so với đám con gái phương Nam thì cũng chẳng đáng gì. Đừng nói đến bọn họ, ngay bản thân tôi cũng cảm thấy chuyện này thật kỳ lạ và rất đáng để bàn tán.

Tôi ngả người vào thành ghế, nghiên cứu tấm danh thiếp dưới ánh đèn mờ ảo. Chu Nhuệ đưa ta qua giật phắt lấy rồi ném ngay vào cái gạt tàn thuốc, sau đó vứt mẩu thuốc đang cháy dở lên. “Thoáng nhìn đã biết là kẻ lừa gạt, có gì đáng xem đâu cơ chứ!”

Tôi lườm cậu ta. “Ý của cậu là, với dáng vóc của tôi, không có con mắt nhìn người thì cũng nên có con con mắt nhìn mình, đúng không?”

Cậu ta cười hì hì, nói: “Cậu có vẻ đẹp nội tại mà.”

Tôi ném chai bia cậu ta đưa cho xuống nền nhà, tiếng thủy tinh vỡ vang lên chat chúa, tất cả mọi người đều quay ra nhìn. Tôi đứng dậy lao ra ngoài, cậu ta đuổi theo, nắm lấy cánh tay tôi, giận đùng đùng nói: “Cậu lại lên cơn thần kinh gì đấy hả?”

“Mặc kệ tôi.”

“Trước đây true đùa còn hơn thế, cậu cũng không để ý, hôm nay sao lại như vậy hả?”

“Trước đây tôi đang ở thời kỳ ủ bệnh, hôm nay mới chính thức phát bệnh, như thế đã được chưa?”

Tôi hất tay cậu ta ra, nhanh chóng bước sang bên đường. Cậu ta hình như cũng bị tôi làm cho tức phát điên, không thèm đuổi theo. Bực bội trong lòng cứ như bốc hết lên đầu, cảm giác bức bối vì không trút ra được, tôi chẳng bắt taxi mà đi bộ lung tung khoảng nửa tiếng đồng hồ, khi đã cảm thấy mệt mỏi và dần dần bình tĩnh trở lại thì cứ thế bật cười ha hả. Trước đây, tôi và Chu Nhuệ thường xuyên vì những chuyện vặt vãnh mà cãi nhau, đến nỗi bố tôi nghe chỉ lắc đầu bảo là vớ vẩn, nhưng có lẽ chẳng lần nào trẻ con, nực cười như hôm nay.

Đến một trạm xe buýt, tôi dừng lại nghiên cứu tấm bảng ghi mười mấy tuyến xe buýt, cảm thấy vô cùng đau đầu với hệ thống giao thông phức tạp của thành phố. Tôi định bắt xe về trường thì bỗng nhìn thấy trên tấm bảng có một điểm đến khiến tôi chú ý: nhà máy hóa chất. Lần trước chị Hứa Khả đã dẫn tôi đến chỗ đó tìm bố.

Tôi leo lên xe buýt đến nhà máy hóa chất, sau khi xuống xe, cảm thấy có chút hoang mang.

Nhà máy hóa chất này trông bên ngoài gần giống ký túc xá, đường vào xưởng ngang dọc lộn xộn, may mà tôi cũng không có ý định đi tìm nhà anh trai của bố, chỉ muốn loăng quoăng một chút.

Lần trước đến đây cũng đã được gần một tháng rồi, chỗ nào cũng thấy dán chữ “dỡ nhà” rất bắt mắt, người đi qua đi lại. Một số cửa hàng còn dán biển hạ giá, thanh lý, bật nhạc vui nhộn, càng làm cho không khí náo động khác thường. Tôi lững thững bước đi không mục đích, các tòa nhà xung quanh ít nhất cũng có lịch sử trên hai mươi năm. Nghĩ đến bố ngày nhỏ cũng ở đây, chạy qua chạy lại trên con đường này, tôi cảm thấy hơi xúc động.

Tôi vốn nghĩ một mình bỗng dung chạy đến nơi này có lẽ chỉ là suy nghĩ nông nỗi sau khi cãi nhau với Chu Nhuệ thôi. Nhưng bây giờ nghĩ lại, có lẽ do bản năng mỗi người đều muốn tìm lại nguồn gốc của mình. Tôi không có khả năng đó, nhưng tôi luôn mong muốn được coi nơi bố sinh ra, lớn lên như quê hương của mình.

Khu tập thể với lối kiến trúc nửa khép kín này có phong cách hoàn toàn khác so với các nơi khác trong thành phố, gần giống kiểu xây dựng của thị trấn chúng tôi. Mỗi tòa nhà cũ kỹ lại thò ra thụt vào với các kiểu cơi nới và các lối đi nhỏ hẹp, quanh co, những tiệm nhỏ bán quần áo giá rẻ. Đi qua vài con đường, trước mặt tôi là một trường học có treo tấm biển Trường tiểu học Tử Đệ - Nhà máy hóa chất. Nhưng kỳ lạ là cánh cổng đã bị dỡ bỏ, trước cổng có một chiếc xe chở hàng, có vài ba công nhân đang khiêng những chiếc bàn, ghế cũ ra ngoài. Tôi mạnh dạn bước vào trong, thấy ngôi trường này đã bị bỏ không một thời gian. Khóm tường vi xung quanh lan can không có ai chăm sóc, cắt tỉa, đã phát triển um tùm rậm rạp. Những bông hoa tường vi nở dày đặc, hết lớp nọ đến lớp kia, trái ngược hẳn với cảnh sân vận động hoang vắng, những lớp học bị dỡ bỏ ngổn ngang, khiến người ta có cảm giác đang ở một nơi hoang tàn, đổ nát.

Tôi bước men theo sân vận động, bỗng nghe thấy có tiếng người gọi: “Tử Hàng!”

Bị gọi tên bất ngờ, tôi giật nảy mình, vội quay lại, thấy cách không xa có một người đang ngồi trên ghế đá sát mép sân vận động. Ánh đèn đường mờ nhạt chiếu xuống trông không rõ dáng người. Bước lại gần, tôi thở phào, thì ra là dì Mai.

“Cháu chào dì Mai.”

Dì băn khoăn nhìn tôi. “Từ Hàng, sao cháu lại ở đây? Muốn tìm bác cháu à?”

Tôi bật cười. “Bố cháu không có anh trai, nên cháu cũng không có bác,cháu không tifmoong ấy đâu ạ. Cháu chỉ tình cờ đi ngang qua đây, muốn đi loanh quoanh một chút thôi.”

Dì Mai cũng mỉm cười. “Trùng hợp thật đấy, trường tiểu học này là mái trường xưa kia dì và bố cháu từng học. Bao nhiêu năm qua, đây là lần đầu tiên dì ở lại thành phố này lâu đến thế. Anh chị dì muốn dì ở lại thêm, nhưng dì không yên tâm việc nhà, nên định ngày mai sẽ trở lại Lưu Loan. Dì muốn ngồi ở đây một lát, về sau chỗ này bị dỡ bỏ xây khu thương mại rồi, sẽ không còn được thấy mái trường này nữa.”

Tôi bước đến ngồi cạnh dì. “Dì Mai, dì và bố cháu là bạn học bao nhiêu năm ạ?”

“Từ ngày còn đi nhà trẻ, chắc cháu không tưởng tượng được nhà trẻ ngày đó đâu. Hồi ấy, những người sống ở đây đều là công nhân của nhà máy hóa chất, phụ nữ sau khi sinh con, nghỉ chế độ xong lại tiếp tục đi làm. Nếu gia đình nào không có ông bà trông con giúp sẽ phải mang con đến nhà trẻ của công xưởng gửi, nhờ các cô trông giúp, sau đó vào thời gian nghỉ trưa hoặc giữa giờ có thể đến cho con bú. Dì và bố cháu đã đi nhà trẻ cùng nhau, tồi đi mẫu giáo, học tiểu học cho đến trung học, sau đó lại cùng tham hia đội sản xuất ở nông thôn.”

“Oa, hai người là bạn thanh mai trúc mã đấy ạ!”

Dì Mai bị tôi chọc, mỉm cười. “Từ này không thể dùng lung tung được đâu nhé. Nhà máy hóa chất quá lớn, ngày trước một cấp học phải chia tahafnh bảy, tám lớp. Dì và bố cháu không học chung lớp, hầu như chẳng bao giờ nói chuyện với nhau, thật sự quen biết nhau chỉ là sau khi tham gia đội thanh niên sản xuất ở địa phương.”

“Dì Mai, bọn dì có thành lập hội đồng môn không?”

“Những người học cùng tiểu học và trung học sau khi tham gia đội thanh niên sản xuất ở địa phương, trở về thành phố đều lập hội đồng môn, dì ở xa quá nên chỉ tham gia một lần.”

“Bố cháu chưa lần nào tham gia, đúng không ạ?”

“Ông ấy và mọi người không liên lạc với nhau.”

Tôi nghĩ, đây chỉ là cách nói khéo léo của dì. Bạn học của bố cho dù trở về thành phố, hay ở lại nông thôn giống dì đều có mối liên hệ với quá khứ, chỉ có bố hoàn toàn lẩn tránh mọi người, chuyển đến một thế giới khác.

“Trường trung học nơi bọn dì học đã hợp nhất với trường khác từ lâu, chỉ có trường tiểu học này vẫn giữ nguyên trạng. Mỗi lần trở về, dì lại đến nơi này. À, đúng rồi, lần trước ở chỗ này, dì cũng gặp bố cháu và cháu, dì còn bế cháu và mách bố cháu cách thay tã, pha sữa. Cháu đương nhiên không thể có ấn tượng gì rồi, ha ha, vì lúc đó cháu mới sinh được một tuần.”

Bất ngờ nghe được câu nói đó, tôi ngẩn người, tim bỗng chốc đập thình thịch. Bố đã từng nói rằng ông nhặt được tôi trước cổng Bệnh viện Nhân dân tỉnh, lúc đó tôi vừa sinh được một tuần. Lẽ nào sau khi nhặt được tôi, bố đã mang tôi về nhà ông? Từ thái độ của anh trai bố hôm đó và việc bố không bao giờ hé miệng nhắc đến gia đình mình cho thấy, cho dù ông có về nhà, chắc chắn cũng chẳng vui vẻ gì…

Dì Mai đương nhiên không phát hiện ra những đợt sóng lòng trào dâng trong tôi, tiếp tục kể: “Đó là lần dì trở về ăn tiệc đầy tháng của đứa cháu. Cậu bé đó hơn cháu chưa đến một tháng, năm nay cũng chỉ mới mười chín tuổi. Nhanh thật, cứ như là chuyện của ngày hôm qua ấy!”

“Lúc đó cháu còn nhỏ như vậy, bố có nói là đưa cháu đến đây làm gì không ạ?”

Dì Mai lắc đầu. “Dì cũng hỏi ông ấy, mặc dù thời tiết hôm đó rất ấm áp, nhưng một người đàn ông ôm một đứa bé đỏ hỏn mới sinh chưa được một tuần chạy đi chạy lại khắp nơi thì không hay lắm. Ông ấy cười gượng, nói rằng ông ấy chỉ có mỗi mình cháu, cháu cũng chỉ có mỗi mình ông ấy nên bắt buộc phải mang theo.”

Bố chỉ có mình tôi, tôi chỉ có mình bố. Nước mắt toi bỗng ứa ra, mãi một lúc không nói nên lờ. Dì mai nhẹ nhàng xoa đầu tôi. “Bố cháu rất yêu thương cháu.”

“Cháu biết, nhưng cháu cảm thấy gần đây bố cháu có gì đó rất lạ.”

“Ông ấy làm sao?”

“Từ cái lần bị thương đó, trông bố rất buồn bã, cũng uống rất nhiều rượu. Dì Hồng hàng xóm đối diện nhà cháu nói rằng dì ấy đã nhìn thấy bố cháu say rượu nhiều lần rồi.”

“Từ Hàng, có phải ông ấy lo lắng vì tiền viện phí không? Thực ra…” Dì có vẻ không biết nói như thế nào, “thực ra không cần lo trả tiền gấp đâu.”

“Bố cháu đã biết số tiền ấy là của chị Hứa Khả rồi ạ, còn định trả chị ấy theo định kỳ cơ!”

Dì Mai nghe tôi nói thế mới thở phào nhẹ nhõm, xem ra phải gánh danh nghĩa chủ nợ đối với dì cũng là một gánh nặng tâm lý không nhỏ. “Thực ra, Hứa Khả nói muốn đứng ra trả hết khoản viện phí này, chỉ sợ bố cháu không đồng ý nên mới bảo dì giúp.”

“Chị Hứa Khả nói không sai, đúng là bố cháu không đồng ý còn nguyên nhân vì sao thì cháu không biết.”

Dì Mai định nói gì đó nhưng lại thôi, cuối cùng chỉ lắc đầu. “Chuyện giữa hai người họ, dì cũng không rõ lắm.”

“Bố cháu không thích cháu hỏi về chuyện này, cháu cũng không biết đi nghe ngóng thế nào. Cháu chỉ nghĩ cho dù có nợ tiền, dần dần trả cũng chẳng có vấn đề gì. Dì Mai, bố cháu không vui như vậy, lẽ nào là do người anh trai đáng ghét ấy không nhận bố cháu? Nhưng việc này có cần thiết đến thế không? Ông ấy không nhận bố thì bố cũng đâu cần phải nhận ông ấy. Nếu bố muốn để tâm thì nên để tâm đến những người đang quan tâm, quý mến mình, chứ cần gì phải để ý đến những người đối xử lạnh nhạt, bỏ rơi mình xem họ có suy nghĩ thế nào?”

Dì mai cười gượng. “Từ Hàng, suy nghĩ của cháu là cách nghĩ của một đứa trẻ, nghe thì rất phóng khoáng, độ lượng đấy, nhưng thực hiện tại không dễ dàng chút nào, mối liên hệ giữa những người thân trong gia đình rất khó có thể dứt bỏ được.”

Tôi đã không còn là một đứa trẻ nữa, nhưng tôi không thể hiểu được mối liên hệ mà dì nói, vì tôi đã bao giờ có nó đâu. Cái duy nhất tôi có chỉ là bố mà thôi.

“Bố chưa bao giờ muốn nói chuyện quá khứ với cháu.”

“Mỗi người đều có cuộc sống, tính cách và suy nghĩ khác nhau. Từ Hàng, lúc dì tham gia hội đồng môn mới phát hiện ra, rất nhiều người thích gợi nhớ lại những kỷ niệm khó khăn ngày xưa với mục đích tô đẹp thêm cho bản thân. Họ còn thường “ôn nghèo kể khổ” với con cái về chuyện họ gia nhập đội thanh niên sản xuất ở nông thôn, cho đến khi bọn trẻ nghe đến nhàm tai. Dì và bố cháu có thể thuộc tuýp khác, bọn dì đã trải qua những năm tháng gian khổ, cuộc sống hiện tạo đã yên ổn, nên nguyện cất giữ những kỷ niệm, những quá khứ không vui ở trong lòng. Bố cháu là người đã trải qua nhiều chuyện, cho dù có không vui, ông ấy cũng sẽ dần dần vượt qua thôi, cháu đừng lo lắng quá.”

Tôi gật đầu. “Vâng, cháu hiểu rồi ạ.”

Chúng tôi cứ ngồi lặng lẽ như thế, nhìn những công nhân khiêng từng chiếc bàn, chiếc ghế lên xe tải, xếp chồng lên nhau cao ngất ngưởng. Tôi nhìn dì Mai, thấy rõ dì cũng không thể chấp nhận kiểu xếp đặt nghiêng ngả, không vững chắc như thếm, chỉ muốn đứng phắt dậy chạy đến sắp xếp lại, nhưng có vẻ hành động đó không phù hợp với tính cách ôn hòa, nhã nhặn của dì, thế nên biểu cảm của dì lúc nàu chỉ là vẻ lo lắng thể hiện trên khuôn mặt. May mà lúc này chiếc xe tải cũng bắt đầu khởi động máy rồi rời đi, ngôi trường lại trở nên vô cùng yên tĩnh. Dì Mai thở dài, nhận ra vẻ mặt của tôi thì bật cười: “Haizz, cháu đúng là có tính cách lo lắng bẩm sinh, việc không liên quan đến mình cũng lo. Không còn sớm nữa, Từ Hàng, mau về thôi.”

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.