Giang Nam Mỹ Nương Tử

Chương 16: Đánh liên tiếp




Nhạc Chi Dương giật bắn mình, bất giác lùi về sau một bước, chỗ dựa còn chưa ổn bỗng đâu cuồng phong ập đến trước mặt, cũng chẳng thấy động tác của Vân Hư ra sao thì người đã ở ngay phía trước, tay phải ông như rắn độc rời hang, hai ngón trỏ và giữa thọc về phía đôi mắt của gã.

Cú thọc này nhanh như điện xẹt, Nhạc Chi Dương đừng nói ra tay, ngay cả suy nghĩ còn không kịp. Trong khoảnh khắc, đầu óc của gã trở nên trống rỗng, mặc cho ngón tay đang tiến sát đến gần, người ngây phỗng như một pho tượng đất.

Đúng lúc này chợt nghe “Chíu” một tiếng, trước mắt Nhạc Chi Dương hoa lên, đầu ngón tay của Vân Hư bỗng nhiên biến mất.

Gã định thần lại, chớp mắt nhìn ra, Vân Hư đang đứng ở xa xa, mặt mày hầm hầm, bàn tay phải từ từ xòe ra để lộ một quân cờ màu đen tuyền.

Nhạc Chi Dương nhìn thấy quân cờ, bất chợt trái tim đập dồn. Chợt nghe một tràng cười dài cất lên, tiếng như rồng ngân hổ rống, đàn chim yến trong hang ở tít đằng xa cũng bị kinh động, xáo xác túa ra khỏi động, bay quanh quẩn khắp bầu trời phía trên nom hệt như một đám mây đen.

Vân Hư nhíu mày, ngoảnh đầu trông, chỉ thấy Tịch Ứng Chân đang rũ tay áo, chầm chậm lướt qua mọi người mà bước đến. Ông bị nhốt dưới đáy cốc lâu ngày nhưng phong thái và tinh thần vẫn không sa sút, dẫu cho áo rách giày tươm cũng không làm giảm đi vẻ tiêu sái và đạo mạo của ông.

Nhạc Chi Dương mở to hai mắt, vui mừng quá đỗi liền nhảy xộc ra, nắm lấy vạt áo của lão đạo sĩ, cười lớn:
– Tịch đạo trưởng, sao ông lại ra đây?

Đám đông thấy hai người họ quen nhau đều lấy làm kinh ngạc. Tịch Ứng Chân trừng mắt nhìn Nhạc Chi Dương, mắng:
– Ta mà không xuất hiện, hai tròng mắt của ngươi đã bị người ta móc ra cho cá ăn rồi!

Nhạc Chi Dương xưa rày vô tư, vừa thoát khỏi đại nạn liền khôi phục thần sắc, cười khì khì bảo:
– Mắt mù thì còn tai còn miệng, cùng lắm thì ta về bến Tần Hoài hát rong, khi ấy đạo trưởng chỉ cần đến nghe, ta hát sai một câu thì cứ phạt ba chung rượu.

Tịch Ứng Chân bị buộc phải xuất hiện, trong lòng vốn đang miễn cưỡng, nghe gã nói như vậy cũng không nhịn được cười, mắng:
– Giỏi cho thằng nhóc, phạt ba chung rượu thì có lợi cho ngươi quá!

Hai người nói cười như quen biết đã lâu, chẳng xem ai khác vào mắt, người Đông Đảo chứng kiến đều thầm cảm thấy tức tối. Vân Hư trầm ngâm một lúc, chợt nói:
– Tịch Ứng Chân, ông và tên tiểu tử này có dây mơ rễ má thế nào vậy?

Tịch Ứng Chân cười đáp:
– Thật không giám dấu, võ công của nó xem như là do bần đạo dạy.

Vân Hư cười lạnh:
– Ông gạt ai vậy? Chưởng môn của Thái Hạo Cốc lại đi truyền thụ võ công của đảo Linh Ngao chúng ta à?

Tịch Ứng Chân lắc đầu:
– Chuyện này còn có nguyên ủy sâu xa bên trong, bần đạo không tiện kể rõ, thằng nhóc này có quan hệ sư đồ với ta, những mong Vân đảo vương giơ cao đánh khẽ cho.

Vân Hư ngước nhìn trời, lạnh lùng nói:
– Dựa vào cái gì?

Tịch Ứng Chân nhìn ông ta trong giây lát, thở dài:
– Nói như vậy, đảo vương vẫn không chịu buông tay rồi?

Vân Hư đanh giọng:
– Ta với hắn có giao kèo từ trước, ta thua thì mặc cho hắn rời đảo, còn hắn thua thì phải giao nộp hai tay hai mắt.

Ông ngừng lại một chút, mặt lộ vẻ mỉa mai:
– Lão đạo sĩ, hay thế này đi, ta nể mặt ông, để cho ông ra tay vậy! Chỉ cần phế bỏ đi cặp mắt và cánh tay của hắn thì chuyện lần này ta sẽ không truy cứu nữa.

Tịch Ứng Chân nhướng đôi mày trắng, mặt lộ sắc giận, cười lạnh mà rằng:
– Họ Vân kia, chớ có khinh người quá đáng!

Vân Hư dấn lên một bước, cười đáp trả:
– Ta khinh ông đấy thì làm sao?

Tịch Ứng Chân hừ một tiếng, bắt lấy cổ tay của Nhạc Chi Dương, vừa nắn vừa đẩy, sửa ngay lại chỗ khớp xương bị trật, kế đó xoay người lại, cất giọng sang sảng:
– Vân Hư, ở hang yến ông thắng nhờ gian kế, xem như thắng mà không vẻ vang chút nào. Hôm nay bần đạo tài hèn, xin được thỉnh giáo vài chiêu kiếm thuật của ông.

Vân Hư gật đầu:
– Ta sớm đã có ý này, hai phái của chúng ta chung nguồn khác nhánh nhưng cùng một danh xưng, hôm nay vừa hay so tài để xem xem đâu mới là chính tông của Công Dương kiếm ý.

Tịch Ứng Chân mỉm cười, chợt nhiên quay đầu lại, nhảy thoắt ra đằng sau, đến gần một tên đệ tử Đông Đảo, “Choang” một tiếng, rút phăng thanh trường kiếm giắt ngang thắt lưng của hắn, tích tắc sau lắc người lại quay về chỗ cũ. Cảnh tượng trên diễn ra nhanh đến khó tả, tên đệ tử nọ đứng đực mặt ra, nom hệt như một pho tượng đất.

Lão đạo sĩ bấm đốt khảy kiếm, cao giọng cười dài:
– Chính tông hay thiên lưu (dòng lệch – ND) vốn là vô thường, bần đạo chẳng để trong lòng. Tuy nhiên, lỡ như ta thắng thì thế nào?

Vân Hư lạnh nhạt đáp:
– Mặc cho hai người các ngươi rời khỏi đây.

Không đợi cho Tịch Ứng Chân kịp lên tiếng, Nhạc Chi Dương vội cướp lời:
– Không được, ông còn phải giải “Nghịch Dương Chỉ” cho Tịch đạo trưởng nữa.

Vân Hư liếc nhìn gã, cười khẩy:
– Nếu có bản lĩnh sao ông ta không tự giải cho mình?

Nhạc Chi Dương ngẩn người, đang định tranh luận thì Tịch Ứng Chân đã vỗ vai gã, cười bảo:
– Nhóc con, mực càng bôi càng đen, nói nữa cũng chỉ lòi cái xấu ra mà thôi.

Nhạc Chi Dương nhìn sắc mặt ông, chỉ cảm thấy cõi lòng chua xót, hốc mắt tức thì ửng lên, giọng nghẹn ngào:
– Tịch đạo trưởng, ông… ông…

Tịch Ứng Chân lắc lắc đầu, ngắt ngang lời gã:
– Đại địch đang ở trước mắt, không được làm suy giảm khí thế của mình.

Nhạc Chi Dương chẳng biết nói gì hơn, trong lòng rối rắm tứ bề, Tịch Ứng Chân thua thì khó tránh cảnh tử thương, mà có thắng cũng không giải được “Nghịch Dương Chỉ”, tính mệnh vẫn chẳng thể đảm bảo. Lão đạo sĩ lần này đứng ra ứng chiến căn bản là hành động quên mình để đổi lấy hai mắt hai tay cho Nhạc Chi Dương. Nghĩ đến đây, gã nghiến răng, tiến lên một bước chắn phía trước người Tịch Ứng Chân, cao giọng bảo:
– Vân Hư, không phải ông muốn hai mắt hai tay của ta ư? Ta đưa cho ông là được!

Dứt lời, gã giơ tay lên, hai đầu ngón tay móc về phía đôi mắt.

Tịch Ứng Chân giật mình, nhanh mắt lẹ tay điểm ra một chỉ, Nhạc Chi Dương chỉ cảm thấy sống lưng nhói lên, nhất thời cả người tê bại, ngón tay vừa chạm đến hàng mi thì chẳng thể đâm vào thêm được nữa.

Tịch Ứng Chân chụp lấy gã ném sang một bên, mỉm cười với Vân Hư:
– Thằng nhóc nói tầm xàm đừng có tin thật, lần tỷ đấu này chỉ có hai người chúng ta, dựa vào thân phận của Vân đảo vương, trước khi phân thắng bại chắc là sẽ không làm lan can đến người khác chứ!?

Vân Hư ngầm hiểu ẩn ý trong lời ông nói, cũng cảm thấy khâm phục nghĩa khí của Nhạc Chi Dương, bèn gật đầu:
– Được, trước khi phân thắng bại, người Đông Đảo không ai được phép gây khó dễ cho Nhạc Chi Dương.

Nói đến đây, thần quang trong ánh mắt ông tỏa ra, lướt qua gương mặt Minh Đấu mấy lượt. Minh Đấu xụ mặt, từ đáy mắt lóe lên một tia sáng lạnh.

Hai người cầm chặt kiếm trong tay, chầm chậm dạm bước tiến về trước. Đám đông nhìn hai người thu hẹp khoảng cách, ai nấy đều nín thở tập trung, sợ rằng chỉ một thoáng lơ là sẽ bỏ qua những chiêu thức tinh diệu của đôi đại cao thủ này.

Phút chốc, trên gò Ngao Đầu trở nên im phăng phắt đến độ nghe được cả tiếng kim rơi, chỉ văng vẳng đâu đây tiếng sóng biển u buồn vỗ rào rạt. Đúng lúc này, chợt nghe một âm thanh chấn động, trên mặt biển xa xa vang lên tiếng pháo nổ.

Mọi người theo tiếng động bèn dõi mắt nhìn ra, trên mặt biển có một con thuyền lớn đang lướt đến, trên cánh buồm trắng muốt bất ngờ có thêu hình một con đà long màu vàng. Phải biết đà long vàng chính là ký hiệu của Đông Đảo, nhưng hiện tại toàn thể đệ tử Đông Đảo đã ở trên đảo cả rồi, vậy sao còn có một chiếc thuyền thế này xuất hiện? Mọi người thảy đều kinh ngạc, hai người Tịch – Vân cũng tạm thời quên cả so kiếm, giương mắt nhìn về phía con thuyền kia. Lại nghe hai tiếng pháo nổ vang, khói xanh phía đuôi thuyền luẩn quẩn bốc lên, mũi thuyền xé nước phăng phăng tiến thẳng về phía gò Ngao Đầu.

Chẳng mấy chốc chiếc thuyền đã đến ngay phía trước, một vị hòa thượng áo trắng đứng ngay đầu mũi, tay nắm mỏ neo sắt múa vùn vụt trên không trung. Đợi đến gần bờ, hòa thượng cất tràng cười dài, vẫy tay một cái, mỏ neo sắt hóa thành một luồng sáng đen, hệt như con rắn uốn khúc, móc vào một khối nham thạch trên gò Ngao Đầu đánh “choang” một tiếng.

Mọi người trên đảo đều giật mình, chiếc thuyền trên mặt biển kia ở cách xa khối đá phải đến hơn hai mươi trượng, nhìn mũi neo sắt phỏng chừng ít nhất cũng trăm cân, cho dù có dùng máy bắn đá cũng khó mà ném được đến nơi đây chứ đừng nói nhà sư nọ tay không làm được, bằng vào một thân thần lực như thế này cũng đủ để xưng bá quần hùng.

Đang lúc ngạc nhiên, bóng người ở đầu thuyền chợt nháng lên, một kẻ áo đen ung dung nhảy lên sợi dây thép chạy như bay, bước chân nhẹ tênh còn hơn cả đi trên đất bằng, bảo là phi hành thì đúng hơn là chạy nhanh. Bộ y phục đen bay phần phật trong gió trông hệt như một con diều hâu đang sải cánh bay cao.

Món khinh công này quả thật đáng kinh ngạc, mọi người ai nấy đều nín thở như thể chỉ cần phả ra một hơi nhẹ là có thể thổi bay kẻ nọ khỏi sợi dây thép ngay tức khắc.

Chớp mắt sau, kẻ nọ đã đến gần, nhìn kỹ thì ra là một nam tử trẻ tuổi vận áo đen, để tóc xõa, vóc người gầy guộc, sắc mặt nhợt nhạt, ánh mắt dữ tợn như đao, toát ra một vẻ tà khí. Nam tử nọ tay cầm thiệp, tròng mắt đảo một vòng, cao giọng hỏi:
– Vân Hư đảo vương ở đâu?

Tiếng như đao kiếm chạm nhau, nghe hết sức chói tai.

Vân Hư nhíu mày:
– Ta ở đây, túc hạ là ai?

Nam tử chỉ cười mà không đáp, bất chợt phồng má thổi ra một hơi dài. Tấm thiệp liền bay là là đến trước mặt Vân Hư hệt như có một cánh tay đang nâng đỡ.

Đám đông trở nên ồn ào, tấm thiệp này được thổi đưa hoàn toàn nhờ vào nội tức của trang nam tử nọ, nếu chỉ là ném tấm thiệp thông thường thì ở đây có không ít người làm được, thế nhưng đưa đi theo cách bay là là như vầy, phóng mắt khắp đảo chắc chỉ vài kẻ là có khả năng mà thôi.

Vân Hư mặt không đổi sắc, đón lấy tấm thiệp lướt mắt xem một lượt, lúc sau chợt ngẩng đầu lên, chậm rãi cất tiếng:
– Trên thiệp nói, Thích gia trở về bổn đảo để tham dự Ngao Đầu Luận Kiếm, nhưng ta thấy công phu của túc hạ hình như không liên quan gì đến nhà họ Thích?

Mọi người thảy đều giật mình, Thích gia rời bỏ đảo đã lâu, bao năm qua không còn nghe tin tức, hôm nay trước tiên là Nhạc Chi Dương sử dụng “Nội học” của Thích gia, giờ đây lại có kẻ đến dâng thiệp, lẽ nào nhà họ Thích vì ấm ức mối thù trăm năm trước, mưu đồ tay trong tay ngoài để tiện bề lật đổ Đông Đảo một phen? Nhạc Chi Dương và Tịch Ứng Chân cũng vô cùng kinh ngạc, bọn họ học được võ học của Thích gia chẳng qua chỉ là sự trùng hợp, chẳng ngờ lại có kẻ đến đưa thiệp báo của Thích gia thật, cứ đà này tội danh âm mưu lật đổ kiểu gì cũng không chối cãi được. Nhạc Chi Dương chỉ cảm thấy rầu rĩ, thầm liếc trộm Diệp Linh Tô, cô nàng cũng đang lặng lẽ nhìn lại gã, mạng che mặt khẽ rung động, ánh mắt hằn lên một tia lạnh lẽo.

Nhạc Chi Dương thầm kêu oan uổng thế nhưng chẳng biết phải giải thích vào đâu, chỉ thấy người áo đen mỉm cười, chắp tay giọng nhai nhải:
– Đảo vương mắt thần lợi hại, kẻ hèn Trúc Nhân Phong này chỉ là một kẻ đưa thư vặt vãnh, đúng là chẳng có quan hệ gì với Thích gia cả.

Vân Hư đang định lên tiếng, Tịch Ứng Chân chợt ngắt lời:
– Tiểu tử áo đen kia, khinh công ban nãy ngươi xài có phải là “Lăng Hư Độ Kiếp” hay không?

Trúc Nhân Phong vỗ tay cười, Tịch Ứng Chân trợn mắt nhìn hắn nói:
– Kỳ lạ thật, đệ tử của Yến Nhiên Sơn tự bao giờ lại dây dưa với nhà họ Thích thế?

Lời vừa thốt ra, mọi người ai nầy đều ngạc nhiên xen lẫn tức giận, Dương Phong Lai quát lớn:
– Cái gì? Thằng nhóc này là nghiệt súc của Yến Nhiên Sơn ư? Gan nhà ngươi lớn thật, dám rời khỏi Mạc Bắc(*) chạy đến chốn Đông Đảo này nộp mạng!
(ND chú: vùng phía bắc sa mạc Gobi ngày nay)

Những người khác cũng hầm hầm sắc giận. Đệ tử Đông Đảo không ai là không biết đến đại danh của Yến Nhiên Sơn, trừ Chu Nguyên Chương và Lương Tư Cầm ra, hai mươi năm trước, Yến Nhiên Sơn ở Mạc Bắc cũng là kẻ thù không đội trời chung của Đông Đảo.

Võ công của Yến Nhiên sơn vốn phát xuất từ “Hắc Thủy Nhất Quái” Tiêu Thiên Tuyệt năm xưa, sau khi Tiêu Thiên Tuyệt chết trận ở Thiên Cơ Cung, nhị đệ tử Bá Nhan lên kế thừa y bát, bảo vệ hoàng thất Đại Nguyên, vì thế trong triều Nguyên năm ấy không thiếu gì cao thủ Hắc Thủy. Về sau nước Nguyên bại vong, cao thủ Hắc Thủy hộ tống hoàng đế nhà Nguyên đi lánh nạn ở phương Bắc, trải qua mấy bận sóng gió mới dừng chân ở núi Yến Nhiên, từ đó dùng tên núi làm hiệu, khai tông lập phái, oai chấn cả vùng Mạc Bắc.

Tiêu Thiên Tuyệt cùng nhà họ Vân vốn có mối gia thù, Bá Nhan thân là thừa tướng Đại Nguyên, vừa quét sạch Tam Ngô vừa làm diệt vong Đại Tống, giữa hai bên lại chất chồng thêm một nỗi quốc hận. Sau khi Bá Nhan chết, người trong phái kế thừa ý chí, luôn xem cao thủ Đông Đảo là kẻ địch, suốt trăm năm qua hai bên đã đụng độ nhau nhiều phen, gây thêm không ít thù oán.

Sau khi nhà Nguyên sụp đổ, phái Hắc Thủy dạt ra tận Mạc Bắc, Đông Đảo mất đi đối thủ, mối dây dưa qua lại cũng vì thế giảm đi ít nhiều, nhưng nếu một khi chạm trán vẫn khó tránh cảnh ngươi chết ta sống.

Dựa vào oán thù giữa hai bên, Trúc Nhân Phong một thân một mình lên đảo rõ ràng là chỉ cần mỗi người góp một ngụm nước bọt thôi cũng đủ làm hắn chết chìm. Nhưng tên tiểu tử này đứng giữa đám đông nói nói cười cười như thể chẳng có gì xảy ra, còn cặp mắt hết liếc ngang lại liếc dọc lên người mấy nữ đệ tử của Đông Đảo, điệu bộ suồng sã ngả ngớn khó mà tả hết. Tiếng mắng chửi dần vơi đi, Trúc Nhân Phong bấy giờ mới mỉm cười bảo:
– Hai nước giao tranh, không giết sứ giả, ta chỉ đến để giao mỗi tấm thiệp, các vị đâu cần phải kích động như vậy.

Nói rồi, hắn vỗ vỗ tay, phát ra một tiếng hú dài, tiếng hú mãnh liệt sắc bén, hệt như mũi tên xuyên mây.

Tiếng hú chưa dứt, lại nghe một tiếng pháo nổ lên, một đoàn nhân mã từ phía con thuyền bước ra, ăn vận sặc sỡ, hết sức phô trương, ở giữa là tám gã đàn ông lực lưỡng phần trên để trần, lưng đeo vòng vàng đai ngọc, tay nâng một cổ kiệu lớn, ung dung tiến về phía gò Ngao Đầu. Hòa thượng áo trắng vừa ném mỏ neo ban nãy cũng ở trong đội hình, vóc dáng hắn bệ vệ, khí võ bất phàm, đi giữa đoàn người hệt như chim hạc đứng trong bầy gà.

Nhạc Chi Dương nhìn rõ hình dáng của hắn, trong lòng hết sức kinh ngạc. Tên hòa thượng này chính là Xung đại sư, hai người đã từng có duyên gặp mặt tại Tiên Nguyệt Ký. Bọn người Minh Đấu cũng nhận ra Xung đại sư, thảy đều đưa mắt nhìn nhau, ngạc nhiên cực độ.

Đoàn người khua khua thổi thổi, bước lên mười bậc thềm cao, chẳng mấy chốc đã đến gò Ngao Đầu. Tám gã lực sĩ hạ kiệu xuống, cúi đầu lùi sang một bên. Cổ kiệu nhuộm ngọc thiếp vàng, kiểu cách xa hoa, cửa kiệu có treo một bức rèm châu buông kín, thấp thoáng có thể trông được dáng người bên trong.

Vân Hư phất tay áo, cao giọng hỏi:
– Hậu duệ của Thích gia ở đâu? Đã trở về cố hương rồi sao còn lén lén lút lút?

Chợt nghe vài tiếng ho khan cất lên, rèm châu được vén sang hai bên, một người đàn ông sột sạt chui ra. Mọi người giương mắt nhìn kỹ, ai nấy đều hết sức thảng thốt. Người trong kiệu hơn bốn mươi tuổi, dáng hình đầu hoẵng mắt chuột, dung mạo gầy choắt thô kệch, ánh mắt lộ vẻ láo liên.

Vân Hư trừng mắt nhìn người này quan sát một lượt, chợt hỏi:
– Ngươi chính là hậu duệ của Thích gia à?

Đối phương trước tiên “ừm” một tiếng, ánh mắt hướng xuống dưới, úp mở bảo:
– Kẻ hèn là Thích Vương Tôn, cha là Thích Đại Phương, ông nội là Thích Hưu Minh…

Nghe đến đây, đám đông rộ lên tràng cười khúc khích. Gương mặt Thích Vương Tôn sa sầm, quắc mắt nhìn mọi người, lúng túng lôi từ ống tay áo ra một miếng ngọc bội hình con rùa, hầm hầm nói:
– Cười cái gì, nhìn cho rõ này, đây chính là Linh Thệ Ngọc Quy, là bảo vật đời đời tương truyền của Thích gia ta.

Tràng cười rộ lên trong đám đông càng to hơn, Thích Vương Tôn nắm ngọc bội trong tay, chẳng biết phải làm gì, nhìn quanh quất bốn phía, gương mặt lộ rõ vẻ khốn khổ.

Vân Hư phất tay, tiếng cười im bặt, ông nói:
– Thích tiên sinh, chỉ bằng vào một miếng ngọc bội e rằng không đủ chứng thực thân phận đâu.

Thích Vương Tôn đơ lưỡi cứng họng, bèn quay đầu lại cầu cứu vị hòa thượng áo trắng nãy giờ dường như đang ngó lơ sang chỗ khác.

Xung đại sư mỉm cười, chắp tay bảo:
– Chỉ dựa vào ngọc bội không chứng thực được Thích tiên sinh là thật, nhưng với cặp mắt của Vân đảo vương, chẳng lẽ cũng nhận không ra hay sao?!

Vân Hư liếc hắn, lạnh lùng nói:
– Đại sư thần lực hơn người, dám hỏi pháp hiệu sư môn?

Xung đại sư mỉm cười, còn chưa trả lời thì Dương Phong Lai đã xen vào:
– Đảo vương, hắn chính là đồ đệ của Uyên đầu đà, pháp hiệu Xung đại sư.

Vân Hư nhướng mày, gật đầu bảo:
– Hóa ra là truyền nhân Kim Cương, ta và sư phụ ngươi cách biệt đã lâu, ông ấy dạo này khỏe chứ?

Xung đại sư mỉm cười:
– Gia sư hiện đang bế quan.

Vân Hư hỏi:
– Vậy túc hạ đến đây, lệnh sư có biết hay không?

Xung đại sư cười đáp:
– Phật pháp vô lai vô vãng, thuận theo tự nhiên, ta đến đi tùy tâm, sao lại phải nghe lệnh người khác?

Vân Hư nghiêm giọng bảo:
– Được, vậy dám hỏi đại sư, đến Đông Đảo lần này có gì cần giúp đỡ?

Xung đại sư cười nhạt, cao giọng nói:
– Ta được Thích tiên sinh ủy thác, giúp ông ấy đoạt lại ngôi vị đảo chủ.

Lời vừa thốt ra, đám đông hệt như bùng nổ, có kẻ hét to:
– Thằng giặt trọc, nói khoác mà không biết ngượng!

Có kẻ thì mắng:
– Hòa thượng sao không ở yên trong chùa tụng kinh, đến nơi đây đánh rắm à!

Có kẻ khác đế vào:
– Ngươi biết cái gì, như hắn vậy gọi là nhớ trần tục, đã động lòng phàm rồi!

Kế bên lại bảo:
– Lời này sai rồi, trước giờ nhớ nhung trần tục chỉ có ni cô, đại hòa thượng như hắn thì có khỉ gì mà nhớ?

Người vừa nãy nói:
– Ngươi không biết hả, ni cô nhớ trần tục quá lắm chỉ làm ô uế thuần phong mỹ tục, còn hòa thượng động lòng phàm thì không bằng cả trâu chó…

Mọi người mắng chửi độc mồm độc miệng, Xung đại sư lại tựa như một kẻ điếc, cười cười cợt cợt, không hề bị tác động. Vân Hư ra hiệu ngừng la ó, sầm mặt bảo:
– Xung đại sư, ngươi là người của môn phái Kim Cương, ta là đệ tử Đông Đảo, chúng ta trước giờ nước sông không phạm nước giếng. Ngao Đầu Luận Kiếm là chuyện riêng của Đông Đảo chúng ta, không cho phép người ngoài nhúng tay vào, giả sử ta đi can thiệp vào việc kế thừa của quý phái, không cho lệnh sư thu ngươi làm đồ đệ thì ngươi sẽ có cảm nghĩ thế nào?

Xung đại sư mỉm cười đáp:
– Phật pháp dạy chúng sinh bình đẳng, không phân trong ngoài, nếu như đảo vương muốn can dự vào việc bổn môn, chỉ cần hợp tình hợp lý, bần tăng cũng không hề phản đối.

Vân Hư điên tiết cười gằn lên:
– Nói như vậy, đại sư xen vào việc của bổn đảo cũng là hợp tình hợp lý rồi?

– Không sai! – Hòa thượng áo trắng cười khẽ, ánh mắt lắng trong như nước: – Nếu Vân đảo vương không muốn thân bại danh liệt, tốt nhất là nên nhanh chóng thoái vị nhường chức khi còn kịp, bằng không nhất định sẽ hối hận.

Y nói một cách trâng tráo, mọi người ai cũng cảm thấy nghi hoặc khó hiểu. Sau phút trầm lắng, tiếng mắng chửi lại dậy lên khắp bốn phía, Vân Hư trừng mắt quan sát hòa thượng một lúc, chợt cười nói:
– Nói như vậy, đại sư đã chắc mẽm mười phần có thể hạ bệ ta khỏi ngôi đảo vương rồi?

Xung đại sư cười:
– Nói mười phần thì hơi quá, nhưng chín phần thì có thể nắm chắc trong tay.

Vân Thường nghe đến đây, cũng không còn nén nhịn được nữa, y ưỡn ngực bảo:
– Xin cha hãy ban lệnh cho con dẹp tan oai phong của con lừa trọc này!

Vân Hư thống lĩnh cả đảo, nào phải kẻ thất phu lỗ mãng, ông quan sát thấy Xung đại sư điềm tĩnh thản nhiên, trong lòng thầm biết y nhất định có chỗ dựa, vì vậy lập tức xua tay bảo:
– Không được làm càn!

Quát chặn Vân Thường xong, ông xoay sang Thích Vương Tôn, nói:
– Thích tiên sinh, nói như vậy là ông muốn khiêu chiến với Vân mỗ rồi?

Thích Vương Tôn bị ánh mắt của ông bức ép, nhất thời rung bắn cả người. Xung đại sư khẽ mỉm cười, trả lời thay:
– “Kiếm” mang ý sát phạt, “Luận” chỉ phân tranh miệng lưỡi, Ngao Đầu Luận Kiếm, “Luận” đứng trước “Kiếm”, cho nên đầu tiên là đàm thoại, sau hẵng so kiếm.

– Đàm thoại? Về điều gì? – Vân Hư nhíu mày nhìn Xung đại sư, ông tự phụ có đôi mắt sáng như sao nhưng lại nhìn không thấu chiêu trò của vị hòa thượng tuấn tú này.

Xung đại sư cười:
– Bần tăng thân là hòa thượng, trước hết xin nói về một đoạn nhân duyên.

Vân Thường không giữ nỗi bình tĩnh, quát lên:
– Con lừa trọc, cho dù luận kiếm cũng không đến phiên ngươi, sao Thích lão đầu không tự mình làm?

Xung đại sư cười:
– Triều đình có sứ giả, dân thường có kẻ trung gian, đều hướng đến mục đích truyền lời dẫn ý thay cho người phát ngôn. Bần tăng bất tài, chịu sự ủy thác của Thích tiên sinh, thay ngài lên tiếng, lời bần tăng nói ra cũng chính là lời Thích tiên sinh muốn nói.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.