Giấc Mộng Hoa Tư

Chương 31: Quái tài




Ân Trục Ly an phận mà sống trong điện Chiêu Hoa, Thẩm Đình Giao không có chuyện gì làm cũng sẽ đến ngủ lại, nếu thức đêm ngủ muộn thì ngủ lại ở tẩm cung của mình. Hắn chưa từng đi qua chỗ Khúc Lăng Ngọc, chỗ của Thần quý nhân – mẫu thân của Trương Thanh, thì càng khỏi nói.

Trong cung ai cũng biết hắn vô cùng sủng ái hoàng hậu Văn Hú, người ở điện Chiêu Hoa cũng toàn thuộc tầng lớp cao nhất. Nhưng dù sao đây chẳng qua chỉ là hậu cung, quan hệ trong triều đình lại phức tạp hơn rất nhiều. Hậu cung của đế vương, cho đến tận bây giờ vẫn không phải là nơi để an trí nữ nhân mình yêu thích.

Nhiều khi, đó chỉ là một thứ để thăng bằng thế lực trong triều. Nữ nhân nơi này không dựa vào mỹ sắc hay tài nghệ, càng không dựa vào tài trí thông minh – thứ mà đế vương để ý chính là gia thế. Trong triều có không ít kẻ quyền quý có ái nữ, cũng có không ít người chấp chứa ý định này. Hà thái hậu đã mấy lần đưa chuyện này ra bàn bạc nhưng đều bị Thẩm Đình Giao từ chối, lấy danh nghĩa là “giang sơn còn không yên, dân chúng còn bất an, hắn sẽ không nạp phi.”

Đương nhiên đây chỉ là lý do bên ngoài, lý do thật sự ai cũng biết: trong cung có một vị rất lợi hại, nghe đồn đế vương muốn nạp thêm Huệ phi, vị hoàng hậu này liền hạ độc cả đế vương. Gia Dụ đế thậm chí nhịn cả chuyện này.

Nữ nhân ác độc đến nhường này, còn ai dám đắc tội?

Thánh sủng, là không thể độc bá – Ân Trục Ly làm sao có thể không hiểu đạo lý này. Nàng còn nhớ, thật lâu trước kia, nàng từng cùng Thẩm Đình Giao đùa giỡn về chuyện này: “Trong hồ rất lạnh, ngoài nữ nhân chỉ có thái giám, ngay cả một trái dưa chuột cũng tìm không thấy… Đại gia chỉ có thể dùng năm ngón tay, vô cùng cô đơn.”

Hậu cung của đế vương… phải có ba nghìn son phấn. Nhưng trong thâm cung này, chỉ có một nam nhân, lại cần phải chia cho nhiều người như vậy. Vật kia vốn cũng không lớn, nếu như thật sự thái thành lát mỏng, một người có thể được mấy miếng chứ?

Nàng ngồi trước bàn, lật xem một quyển《 Pháp Hoa Kinh 》, trước mặt phật pháp lại suy nghĩ vấn đề tà ác như vậy, không thể không than rằng lục căn của bản thân thật sự không tịnh.

Hà thái hậu đã mấy lần tỏ ý với Ân Trục Ly rằng Thẩm Đình giao nhất định phải nạp phi, vả lại lúc này đã có mấy vị đại thần có nữ nhi có độ tuổi lẫn bề ngoài tốt đẹp trong nhà, trong đó có một vị là tướng soái. Ân Trục Ly vẫn chỉ cười nhạt: “Nô tì cẩn tuân ý chỉ của thái hậu.”

Nhưng khi các bức họa đến chỗ Thẩm Đình Giao, vẫn không có động tĩnh gì. Hà thái hậu không thể không sốt ruột: hai người ở hai vị trí khác nhau, ý nghĩ cũng sẽ khác nhau. Phó Triêu Anh giết Khúc Thiên Cức, ủng hộ Thẩm Đình Giao làm đế, là bởi vì tình thế bắt buộc. Thứ nhất, Thẩm Đình Giao là cốt nhục của hắn, thứ hai, binh pháp của Khúc Thiên Cức vô cùng lão luyện, không dễ thắng.

Nhưng hôm nay hắn nắm trọng binh, nếu cục diện chính trì trệ bất định, hắn còn có thể một lòng thần phục Thẩm Đình Giao sao?

Từng bức họa dần bị đẩy lại, Hà thái hậu đã không biết nên gây khó dễ thế nào với đứa con trai này, lại càng thêm oán hận Ân Trục Ly. Tô Đát Kỷ lật đổ triều Thương, Võ Tắc Thiên lập nên triều Đường – đàn bà thông minh là ma quỷ.

Bởi vì tân đế kế vị gây chậm trễ việc thi cử, sau khi Thẩm Đình Giao lên ngôi liền quyết định mở lại khoa thi vào ngày mùng sáu tháng mười hai, thiên tử tự mình làm chủ khảo. Điều này cũng có nghĩa là tất cả thí sinh của khoa thi đều là môn sinh của thiên tử. Tất cả các thư sinh đều không muốn bỏ qua vinh dự này.

Ngày mở khoa thi càng gần, hắn càng thêm bận rộn đến tối mịt, ngay cả điện Chiêu Hoa bên này cũng không thường thấy mặt của hắn. Hà thái hậu phái người đến mời Ân Trục Ly đến Thiên Lan các để thưởng mai, lại bị Thanh Uyển lấy cớ “Nương nương đang bị cấm túc, không thể đi ra ngoài” mà từ chối, đuổi về. Không ngờ Hà thái hậu lại ba lần bốn lượt mang đồ đến tặng để bày tỏ tấm lòng, còn nhiều lần phái người đến đây hỏi han ân cần.

Mọi người trong điện Chiêu Hoa đều ngạc nhiên không dứt. Thậm chí buổi chiều hôm đó, Hà Thái hậu lại tự mình tới đây.

Cảnh sắc trong điện Chiêu Hoa cũng không tệ. Thẩm Đình Giao vô cùng ưa thích điện này nên mới thu xếp cho Ân Trục Ly ở đây. Trong cung, đình đài chằng chịt, hàn mai tiếp nối. Nước trong hồ trong vắt, đàn cá tung tăng bơi lội. Ở giữa hồ là cây cầu lát đá trắng quanh co, thành cầu bằng ngọc cao bằng nửa người, khó khăn lắm mới có thể thấy được cảnh đẹp trong nước.

Dưới cây cầu trắng lại có cơ quan xoay chuyển khác, đằng sau đá cẩm thạch có khắc bức họa “Hằng Nga bôn nguyệt” (1), “Đôn Hoàng phi thiên” (2), sau khi Thẩm Đình Giao lên ngôi lại len lén sai thợ thủ công gấp rút khắc hình “Bách điểu triều phụng” (3).

Đứng ở đây nhìn cái bóng dưới hồ, sóng nước lan tràn, mỗi một hoa văn đều độc đáo khác biệt, cùng kết hợp tạo thành những bức họa sống động. Không phô trương xa hoa, đẹp ở chỗ tinh xảo.

Hà thái hậu dựa vào thành cầu mà đứng hồi lâu, thấy bức điêu khắc kia cũng khen không dứt: “Vương thượng đối với hoàng hậu, thật mất không ít tâm tư.”

Ân Trục Ly chỉ hơi khom người, đối với Hà thái hậu, mặc dù trên mặt có vẻ cung kính, chung quy vẫn có vẻ lạnh nhạt: “Hoàng ân mênh mông cuồn cuộn, Trục Ly sợ hãi.”

Ngược lại, Hà thái hậu lại tỏ ra vô cùng thân thiết, nắm tay nàng: “Đừng nói như vậy, Ân gia của con cũng là công thần của Đại Huỳnh.”

Đối với việc bà ta thay đổi thái độ đột ngột, Ân Trục Ly vô cùng hoài nghi… tâm tình y hệt như của con gà khi thấy chồn đến chúc tết. Nhưng Hà thái hậu cũng nhanh chóng làm rõ ý đồ: “Hôm nay ai gia chẳng qua chỉ đến xem hoàng hậu một chút, dù sao Hoàng hậu không quen sống trong cung, ngày thường cũng không có người quen để nói chuyện một chút. Đây là chất nữ họ hàng xa với nhà mẹ đẻ của ai gia, thường ngày cũng lanh lợi khả ái.”

Một thiếu nữ đi ra từ phía sau bà. Tiểu thư khuê các, giống như một loài hoa nổi tiếng được chăm sóc cẩn thận, cử chỉ đúng mực, biết tiến biết lùi, duyên dáng nhưng không rực rỡ. Có điều những bông hoa kiểu này luôn được chăm sóc quá cẩn thận, luôn quá quy củ chuẩn mực, đẹp là đẹp như vậy, nhưng xét cho cùng lại mất đi phần tự nhiên của cây hoa hoang dã.

“Tiểu nữ Bệ Tàng Thi tham kiến hoàng hậu nương nương, nương nương thiên tuế thiên tuế thiên thiên tuế.” Nàng vén áo thi lễ, lễ nghĩa chu toàn, dáng vẻ trang nhã. Ân Trục Ly đưa tay đỡ nàng dậy đúng lúc, trong lòng thầm than: thật đặc biệt làm sao, sao có thể có người có cốt cách hoàng hậu giống như người này đây?

Hà thái hậu vẫn cười cười: “Hoàng hậu, từ nhỏ, con bé này đã rất được lòng người.” Bà ta phất tay ra hiệu cho Bệ Tàng Thi lui ra. Ân Trục Ly nhìn dáng đi thướt tha như cành liễu trước gió của nàng, lòng cảm thấy ông trời quá mức bất công. Hà thái hậu nói như cầu xin: “Trục Ly, con bé là con gái nuôi duy nhất của An Xương hầu Bệ Thừa. Ai gia cam đoan với con nàng tuyệt đối sẽ không làm địa vị hoàng hậu của con lung lay. Dù tương lai thế nào, con vĩnh viễn là hoàng hậu của vương triều Gia Dụ đế trong nước Đại Huỳnh ta.”

Bà ta tỏ ra vô cùng chân thành, giọng điệu tha thiết, quả là đã vô cùng cố gắng. Ân Trục Ly cười lạnh trong lòng: nếu năm sau, bà khắc trên bài vị của lão tử, đương nhiên sẽ là mấy dòng chữ “hoàng hậu thiên thu vạn năm,” nhưng trên mặt nàng vẫn nở nụ cười: “Con bé này xem như không tệ, gia thế cũng thích hợp. Nô tì không có ý kiến.”

Hà thái hậu nghe vậy thì mừng rỡ: “Đứa bé ngoan, mẫu hậu cũng biết con là một người hiểu rõ đạo lý. Chẳng qua là vương thượng còn nhỏ, khăng khăng cố chấp. Con xem có thể ở trước mặt hắn…”

Ân Trục Ly gật đầu không chần chừ: “Được được.”

Hà thái hậu nghe vậy vẫn không yên lòng: “Ngày mai bổn cung cho làm thiết yến ở Thiên Lan các, chi bằng con mời vương thượng cùng dự tiệc, mấy người một nhà chúng ta cũng nên tìm ngày tụ họp một chút. Cũng là dịp tốt để vương thượng hủy lệnh phạt cấm túc cho con. Dù sao con cũng là người đứng đầu hậu cung, mãi sống trong cung cũng không tốt.”

Ân Trục Ly cười thầm: đây rõ ràng là muốn cho Thẩm Đình giao nhìn thấy Tàng Thi gì gì đó đi? Nàng vẫn gật đầu: “Chắc chắn, chắc chắn rồi.”

Hà thái hậu cũng không làm phiền nàng đưa tiễn, thướt tha rời đi. Ân Trục Ly đứng từ xa, ném một quả mai vào trong nước, bức khắc “Bách điểu triều phụng” kia mơ hồ biến thành những gợn sóng nhỏ.

Nàng dựa vào thành cầu, không tự chủ được mà thở dài. Đúng lúc Thiên Tâm vừa đưa tiễn Hà thái hậu rời khỏi đây, sau đó trở về. Lần trước khi này đưa chè cho Thẩm Đình Giao thì xảy ra chuyện, nàng sợ Ân Trục Ly cho rằng nàng là người của Hà thái hậu, nên vẫn luôn không ngừng bày tỏ với Ân Trục Ly, làm việc cũng tận tâm tận lực. Lúc này thấy thần sắc ảm đạm của Ân Trục Ly, không khỏi mở miệng hỏi han: “Nương nương thực sự không vui vì chuyện khi nãy?”

Ân Trục Ly mang theo vẻ mặt khó hiểu hỏi lại: “Vì sao bổn cung lại không vui?” Lời này vừa hỏi ra, chính nàng cũng giật mình. Vào lần đầu tiên Thẩm Đình Giao nạp thiếp, nàng vô cùng cao hứng, hận không thể lập tức lắp cánh vào, bay về Phúc Lộc vương phủ nhìn vị giai nhân này một chút. Lần thứ hai Thẩm Đình Giao nạp phi, nàng không buồn không vui, thờ ơ lạnh nhạt mà cắn hạt dưa. Nguy cơ Thẩm Đình Giao nạp phi lần thứ ba vừa mới xuất hiện, nàng dựa trên thành cầu mà than thở.

Nàng kéo áo choàng màu hồng gấm thêu hình “Bách điểu triều phụng” bằng chỉ kim tuyến trên người, đột nhiên cảm thấy hồi hộp.

Chú thích:

(1) Hằng Nga bôn nguyệt: Có thể tạm dịch là “Hằng Nga bay lên cung trăng”. Kể về sự tích Hằng Nga. http://vietnamese.cri.cn/chinaabc/chapt ... 160405.htm

(2) Đôn Hoàng phi thiên: Truyền rằng, bức tranh “Đôn Hoàng phi thiên” ghi lại hình ảnh tuyệt đẹp của các tiên nữ xinh đẹp trong điệu múa Đôn Hoàng huyện thoại do Vương Quý Phi biên đạo. Trong một đêm say giấc, Đường Minh Hoàng mơ thấy mình lạc vào cõi bồng lai, được nghe tiếng nhạc du dương mê đắm, được nhảy múa cùng các tiên nữ. Ông còn mơ thấy Hằng Nga truyền dạy lại nhạc khúc này. Tỉnh giấc, Đường Minh Hoàng đã phổ lại bản nhạc và cùng các nhạc công hoàng cung biểu diễn.

Vương Quý Phi vốn xuất thân là một vũ công với sắc đẹp khuynh thành, từng biểu diễn những điệu múa được xem là thiên hạ đệ nhất về phong cách, thần thái, không khỏi động lòng trước bản vũ khúc trên, bèn vũ theo điệu nhạc. Nhìn Vương Quý Phi biểu diễn, nhan sắc yêu kiều, phong thái thanh thoát, uyển chuyển nhẹ nhàng, như nước chảy, mây bay, lúc dập dìu, mê đắm, Đường Minh Hoàng đã đặt tên cho điệu múa là “vũ khúc Nghê Thường” và cho người vẽ lại những điệu múa của nàng, sau đó cùng nàng dạy lại cho các vũ công hoàng cung để biểu diễn cho Thái Hậu, cả Hoàng gia cùng các quần thần chiêm ngưỡng.

Ngày nay, múa Đôn Hoàng đã trở thành một phần của văn hóa ca vũ nhạc Trung Hoa truyền thống.

Nguồn: http://petrotimes.vn/ngay-ngat-voi-mua- ... 49817.html

(3) Bách điểu triều phụng: Có thể tạm dịch thành “Trăm chim vây quanh phượng hoàng” Chi tiết xem tại http://battrang-vn.com/vi/y-nghia-canh- ... phung.html

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.