Gia Đình Cực Phẩm: Cha Cường Hãn, Con Trai Thiên Tài, Mẹ Phúc Hắc

Chương 37




Năm ngày nữa trôi qua, nhân một lần cậu của Việt đến chỗ anh công tác, ông anh nhờ chú chuyển phần còn lại của quyển sách cho anh. Dĩ nhiên ông hiểu tầm quan trọng của nó nên ông đã bọc lại cẩn thận. Cậu chỉ nghĩ đó là quà ông gửi cho anh nên cũng không tò mò mở ra. Khi nhận được phần dịch về nội công, anh mừng hơn bắt được vàng, mở ra đọc ngay tắp lự.

Ông rất chu đáo, ngoài quyển sách ông còn gửi kèm bức thư viết cho anh. Trong thư ngoài những lời dặn dò về sinh hoạt thường ngày, còn có vài lời về phần nội công. Ông dặn anh nhất định phải đắn đo suy nghĩ thật kỹ lưỡng rồi hãy luyện. Ông nói tuy ông không hiểu gì về chân khí hay nội công nhưng khi dịch xong, ông cũng biết môn thần công này cực kỳ khó luyện. Luyện nó chính là mạo hiểm chính mạng sống của mình. Anh đọc bức thư vài lần rồi mà vẫn chưa hiểu ý của ông là gì. Có lẽ cần phải xem phần nội công kia trước.

Phần nội công là một bộ thần công riêng rẽ, tách biệt hoàn toàn với phần chiêu thức. Nó có tên là Thuần Dương Công, cái tên nghe khá là oách.

Thuần Dương Công này bao gồm chín tầng. Có một điều kỳ lạ là vua không phải là người sáng tạo ra thần công này mà chỉ là người tu luyện nó, hơn nữa ngài cũng không nói nguồn gốc của nó như thế nào. Ngài chỉ nói rằng ngài trong một lần đi lên núi hái thuốc cùng thầy của mình là Trương Văn Hiến, hai người đã tìm thấy nó.

Vua còn chỉ rõ, cần cân nhắc thật kỹ trước khi quyết định luyện Thuần Dương Công; một khi đã luyện rồi thì phải luyện tới tận cùng, tuyệt đối không được dừng lại ở giữa chừng, nếu không sẽ khí tuyệt thân vong. Thêm nữa, khi luyện môn thần công này, mỗi lần vượt một tầng sẽ phải trải qua đau đớn thấu xương; mà hơn nữa, càng lên tầng cao thì sự đau đớn lại càng khủng khiếp, đau đến chết đi sống lại. Người luyện chỉ mong sao có thể buông xuôi, phó mặc cho số mệnh.

Giờ thì anh đã hiểu, chả trách ông đã viết một bức thư để nhắc nhở anh. Ông cảnh cáo anh nhắc nhở anh đừng vì quá tham lam tưởng muốn luyện thần công mà phải trả một cái giá quá đắt. Anh không biết rằng, năm xưa vua cũng ở vào hoàn cảnh giống anh bây giờ, được thầy cảnh báo nhưng vua vẫn quyết tâm tu luyện.

"Luyện hay không luyện?" Sau khi được ông nhắc nhở, Quốc Việt bắt đầu suy nghĩ đắn đo, tính toán được mất. Dẫu cuốn bí kíp đã viết Thuần Dương rất kỹ và đã đọc đi đọc lại vô số lần, đấu tranh tư tưởng gay gắt rất lâu. Cuối cùng anh vẫn đưa ra quyết định không khác vua, luyện nó. Nếu cứ mãi sợ sệt, không dám liều làm thì sao có thể thành công được chứ.

Anh đọc trang đầu tiên của Thuần Dương công...

Trong trang đầu có đoạn, luyện tập tăng cường “võ lực”, chiêu thức mà không luyện khí, tu tập nội công thì cũng chẳng có thành tựu to lớn. Vì thân thể con người có giới hạn chịu đứng của nó nên khi luyện ngoại công đến mức nào đấy sẽ có lúc đạt tới đỉnh điểm. Khi đấy dẫu có luyện thêm cũng không thể tiến lên cao hơn nữa. Nhưng nội công thì có thể đột phá các giới hạn, đạt tới những cảnh giới phi thường.

Xét đến mảng nội công thì nó liên quan đến chân khí, hay thường gọi tắt là khí. Chân khí gồm Khí Tiên Thiên và Khí Hậu Thiên. Khí Tiên Thiên đã có ngay từ khi con người được sinh ra, do cha mẹ truyền cho con cái, được chứa chủ yếu tại huyệt Mệnh Môn. Nó liên hệ chặt chẽ với cơ thể, nếu nó quá yếu hay không đầy đủ thì tất cơ thể sẽ có tật bệnh. Khi Khí Tiên Thiên cạn kiệt, con người sẽ phải chết. Khí Hậu Thiên nhờ vào việc hít thở, ăn uống mà có được và nó cũng rất quan trọng. Nó có thể bổ khuyết, bổ sung cho Khí Tiên Thiên. Luyện khí chính là các phương pháp dùng để tăng cường hai loại khí này. Dựa theo phương pháp tu luyện thì có hai loại là Tiên Thiên Khí Công và Hậu Thiên Khí Công.

Phía dưới đó mấy dòng nữa thì có câu: Còn nếu chia khí theo âm dương thì khí gồm âm khí và chân khí. Vì thần công chú trọng vào luyện dương khí nên nó mới có tên là Thuần Dương Công.

Lại có đoạn nói: chân khí di chuyển trong các đường kinh mạch và các huyệt đạo. Huyệt Đan Điền là nơi tập khí nhiều nhất của cơ thể, giống như biển lớn vậy. Kinh mạch xem như là nhánh sông, khí vận hành bên trong nó tương tự máu lưu thông trong mạch máu, chỉ khác khí có thể điều khiển được. Việc tu tập nội công chính là tăng cường lượng khí và cách vận dụng nó, kiểm soát nó. Nhưng cao thủ về nội công thì tất cả huyệt đạo, kinh mạch đều đầy rẫy chân khí, thậm chí lục phủ ngũ tạng cũng có thể chứa khí...

Chẳng qua, việc tu tập không dễ chút nào, lúc khởi đầu thì phải luyện đúng giờ giấc. Bởi mỗi huyện đạo trên cơ thể con người đều có một giờ mở và giờ đóng nhất định nên không thể muốn tập thì tập muốn nghỉ thì nghỉ. Khi công lực tới một cảnh giới nào đó rồi thì mới tùy tâm sở dục, muốn phát là phát, muốn thu là thu.

Đọc đến đây là anh khoái lắm rồi, nóng lòng muốn thử cảm giác luyện khí nó như thế nào mà tại sao giới võ lâm tôn sùng nó thế. Việc tiếp theo là tìm một chỗ để luyện công. Cái này nghe đơn giản thế thôi chứ làm không dễ chút nào. Chỗ luyện công vừa phải đảm bảo kín đáo để tránh bị làm phiền, vừa phải hội tụ đủ các điều kiện tu luyện tốt nhất. Giữa thành phố quả khó để tìm được một chỗ phù hợp.

Ban đầu anh đã nghĩ ngay đến Đỉnh Bàn Cờ nhưng sau đó lại thấy chưa hợp lý lắm. Chỗ đó cách xa chỗ anh trọ cũng như xa trường, thời gian tiêu tốn trên đường quá nhiều nên anh tạm bỏ qua chỗ đấy. Nó chỉ dành cho những ngày anh không học buổi sáng, ví dụ như cuối tuần. Thế rồi anh sực nhớ lại chỉ hai ba ngày nữa là đến đợt học quốc phòng, dù tìm ra chỗ cũng chả luyện được bao nhiêu. Anh nghĩ cứ tiếp tục tăng cường "võ lực" để tạo nền tảng vững chắc.

Thế là mỗi buổi sáng anh đều dậy rất sớm, thường là năm giờ. Anh đeo tạ vào chân rồi tập chạy. Vì là thành phố biển nên anh chạy dọc theo bờ biển. Riêng việc chạy bộ trên cát đã khó, nay đeo thêm tạ thì càng khó vạn phần, ban đầu mỗi bước chân đều tạo vết lún rất sâu trên cát, dần dần khi quen rồi thì vết lún cạn dần. Sau khi chạy bộ, tập thể lực đến đúng giờ cần thiết, anh ngồi xếp bằng, hít vào thở ra luyện công, buổi chiều thì làm ngược lại.

Lịch làm việc cứ tuần tự như thế tạo cho anh một thói quen dậy sớm làm cho Quang Bình khó chịu, bởi cậu ta thường thức khuya và ngủ dậy muộn, mà anh cũng không hiểu cậu ta thức khuya lên mạng làm gì, giờ đó còn cái gì nữa mà lên, chắc là xem phim. Sáng nay cũng không phải ngoại lệ, anh vừa tập về là cậu ta đã than thở:

- Này Việt, mày biết rõ là tao thường ngủ rất khuya, sao lúc nào mày cũng dậy sớm như vậy hả? Mày làm thế là ảnh hưởng tới sức khỏe của tao đấy.

Anh phản pháo:

- Chính thói quen thức khuya ngủ dậy muộn của mày mới là nguyên nhân gây hại cho sức khỏe mày đấy, bỏ phim bỏ game khuya đi.

Bị anh nói trúng tim đen mà cậu ta vẫn ngoan cố cãi lại:

- Hừ, tao đâu chỉ xem phim cày game đâu, tao còn tìm tài liệu học nữa chứ.

Anh liếc mắt vẻ xem thường rồi lên giọng cảnh cáo:

- Tìm tài liệu hả? Hừ, cứ xem phim khuya như thế rồi sẽ đến lượt mày “xong phim” mà thôi.

Thành Nhân xen vào:

- Thằng Việt nó nói đúng đấy, sau này chú mày bị yếu sức khỏe rồi thì hối hận không kịp.

Việt cười cười, giơ ngón cái khen ngợi ý kiến của anh ta. Anh ta quay sang nói với Việt:

- Lâu nay không chú ý, giờ mới thấy chú mày đã khác hẳn lúc mới vào đây, trông cứng chắc hơn hẳn. Này, chú mày tập cái gì đặc biệt mà lên cơ nhanh thế? Mới chỉ nửa tháng chứ mấy.

Tạm thời Việt đương nhiên chưa thể nói thật, anh lấy cớ khác thay vào:

- Thì cũng chạy bộ, tập thể hình thôi anh, tập luyện với cường độ cao thì lên nhanh lắm.

Thành Nhân nhắc nhở:

- Tuy là vậy nhưng vẫn phải giữ dưới mức chịu đựng của cơ thể, nếu không thì nằm viện đấy chú em à, cái gì quá cũng không không tốt đâu.

- Vâng, cái này em biết.

Việt đổi chủ đề:

- À mà phải, ông anh cho thằng em hỏi cái đợt học quốc phòng trường bắt đi học nó như thế nào? Có gì đặc biệt không?

- Chả có vấn đề gì đâu, ngoài việc sáng thức dậy năm giờ, tối ngủ chín giờ thì các thứ khác cũng như học bình thường thôi.

Việt nghe vậy chợt cười lớn:

- Sáng dậy năm giờ và tối ngủ chín giờ á? Há há há!

Anh vỗ vai Bình bảo:

- Thế là mày khổ rồi, cứ cái đà này thì lên đó bị phạt dài dài đấy. Há há há!

Bình đáp trả lại:

- Hừ, đừng có mà kiếm cớ chọc tao, cứ cười cho sướng miệng đi, lên đấy có khi mày mắc lỗi bị phạt nặng, dù than thở ầm trời cũng không có ai giúp đâu.

- Tao chả lo mấy cái đó, cứ ngủ sớm dậy sớm theo đúng nguyên tắc là được. Mày thì khác, he he he.

Việt vừa cười vừa thay đồ đi học.

Mấy ngày nữa trôi qua, kì học quốc phòng đã cận kề. Đến ngày đi học, Quốc Việt đến tới trước cổng trường cùng với mấy người bạn cùng lớp chờ xe buýt đến.

Anh đã chuẩn bị rất nhiều đồ đạc, đây là thói quen đã được tạo thành từ lúc nhỏ, đi đâu cũng phải chuẩn bị đầy đủ. Vì thế nên sáng nay phải è cổ ra mà vác, mới chỉ luyện võ được khoảng hai tuần, khó mà chịu nổi. Về phần luyện nội công thì mới bắt đầu đọc phần dịch mà ông mới gửi.

Đúng sáu giờ rưỡi sáng, xe chạy, đường đi từ trường đến khu tập trung học quân sự rất dài, người lại đông, ngồi chen chúc đau hết cả mình mẩy, Việt âm thầm rủa bên tổ chức thuê xe gì mà đi như xe chở lợn cả lũ thế này, đúng là phí tiền.

Kì quân sự lần này chia đại đội theo lớp, cứ hai lớp hợp lại thành một đại đội, lớp anh thuộc đại đội tám cùng một lớp cùng khoa khác nữa. Theo như anh tìm hiểu thì người chỉ huy đại đội anh là thầy Trần Bách, rất nghiêm khắc.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.