Gả Muội

Chương 41: Bắt đầu kế hoạch




Quân tử lập ngôn. -- -

Mỹ-Linh, Thiệu-Thái cùng tự hỏi:

- Không biết tên này lý lịch ra sao? Võ công của y có lẽ không kém gì bọn trưởng lão Hồng-thiết giáo. Hôm trước y giả làm người ngoài, cướp quyển phổ tượng Tương-liệt đại vương. Rồi lại bắt cóc Triệu Thành để đánh lừa mọi người khi Tôn Trung-Luận trao Võ-kinh giả cho Thành. Âm mưu của y giả làm người đối nghịch với Triệu Thành, chỉ có sư bá Trần Tự-An nhìn ra. Bây giờ y đội tên Lý Cương ẩn dưới soái hạm, cùng với Triệu Thành dàn cảnh. Dường như Triệu Thành kính trọng y ngang với Minh-Thiên chứ không phải tầm thường.

Lý Cương tiếp:

- Khi đức Thái-tông còn tại thế, người muốn nhường ngôi cho Vương-gia, mà Vương-gia từ chối, nên vua Chân-tông mới được ngồi vào long ỷ. Ai cũng phục Vương-gia là người không ham phú qúi. Vua Chân-Tông tin tưởng Vương-gia, trao Thái-tử cho Vương-gia dạy dỗ. Nay Thiên-Thánh hoàng-đế vừa là cháu, vừa là đệ tử đã phong chức tước cho Vương-gia đến ngôi cực phẩm, thì Vương-gia không làm vua cũng như làm vua. Mệnh trời đã vào tay Vương-gia rồi. Vương gia lên ngôi vua làm gì, để mất cái đức chẳng hóa ra bán bò tậu ễnh ương ư?

Nguyên-Nghiễm nghe xong, y đập bàn một cái:

- Không có sư đệ, thì ta tự làm hỏng tất cả công trình bấy lâu.

Y đứng dậy ôm lấy Lý Cương:

- Đa tạ sư đệ. Bây giờ sư đệ nói về ba khoản đó đi.

- Khoản thứ nhất, Vương-gia đào ngay kho tàng, rồi đem cất đi. Có vàng trong tay, Vương-gia tha hồ ban thưởng cho võ lâm, Nho sĩ. Họ thấy ở Vương-gia một vị vương tước hào phóng. Ngay cả đối với bọn cung nga, thái giám, cận vệ. Đấy là cách mua nhân tâm. Dù đối với loại giầu có, nhưng giầu là một truyện, được Vương-gia ban thưởng cho một đồng, họ cũng hãnh diện vô cùng.

Mỹ-Linh khen thầm:

- Tên này thiết kế hay thực. Chú hai mình trước đây tư gia có bao nhiêu, tặng anh hùng thiên hạ hết. Vì vậy mà thu phục được nhân tâm. Có điều chú hai tặng người, không phải chủ tâm mua chuộc. Anh hùng qui tâm cũng không hoàn toàn vì tiền bạc.

Lý Cương tiếp:

- Nếu như truyện kho tàng chỉ là huyền thoại, cũng không sao. Vương-gia bỏ hết của cải ra, để rồi nhân tâm thiên hạ theo Vương-gia. Thì vàng bạc, đất đai trong thiên hạ, chỗ nào không phải của Vương-gia.

Triệu Thành gật đầu:

- Sư đệ trí lự tuyệt vời. Thế còn khoản thứ nhì?

- Khoản thứ nhì, khó mà dễ. Hiện triều đình đang bàn truyện thôn tính Giao-chỉ, Tây-hạ, Đại-lý, Thổ-phồn, Tây-liêu. Sĩ dân các nơi đó đâu chịu ngồi yên để bị mất nước? Họ cũng cử người đến Đại-Tống làm tế tác. Nếu như trong triều, ai bàn truyện chống chinh phạt. Tế tác trong bóng tối sẽ ngầm trợ giúp người đó. Ai bàn truyện thôn tính, họ ngầm phá hại người đó. Vừa rồi Lưu hậu cử Vương-gia đi sứ Đại-Việt. Với ý đồ dùng người Việt hại Vương-gia. Vô tình Vương-gia sang đến nơi, làm ồn ào lên. Dù muốn, dù không, võ lâm, nhân sĩ Đại-Việt cũng nhìn Vương-gia bằng con mắt căm thù.

Triệu Thành nghĩ lại hơn năm qua, dọc ngang bên Đại-Việt, gây không biết bao nhiêu oán hờn mà kể. Y nói:

- Sư đệ hiểu cho, khi đi sứ Đại-Việt ta đâu đã nghĩ tới...

- Đệ biết chứ. Bây giờ ta tìm cách nối lại cảm tình với họ. Không những với Đại-Việt, mà với tất cả các nước khác. Điều này dễ thôi. Vương gia gửi mệnh lệnh cho tất cả biên cương đại thần, tướng sĩ, răn dạy họ tuyệt đối không được gây hấn với lân bang. Ngược lại phải mềm mỏng, cư xử với lân bang như anh em. Nơi nào Vương-gia tới được, thân đi tới. Hạ mình tiếp xúc, thù tạc với quan lại, tướng binh của các nước. Điều này khiến Nho thần trong triều, cũng như lân bang hướng về Vương-gia, coi Vương-gia như Chu-Công đời xưa.

Triệu Thành gật đầu, vỗ lên lưng Lý Cương:

- Tiếc rằng khi ta đi sứ, tìm không thấy sư đệ đâu. Ta đành đi một mình. Nay mới ra nông nỗi. Xin sư đệ tiếp.

- Đối với Đại-Việt rất dễ. Như vương gia thấy, tộc Việt hiện phân ra làm tám khu vực. Quảng-Đông, Quảng-Tây hiện thuộc Tống. Đại-lý, Giao-chỉ, là hai nước lớn. Chiêm-thành, Chân-lạp, Lão-qua, Xiêm-la, là bốn nước nhỏ. Vừa rồi tộc Việt đồng tôn Lý Long-Bồ làm Thiên-tử. Đó là phép cử hiền đời Nghiêu, Thuấn, Vũ bên Trung-quốc. Bồ vẫn để cha làm Vua. Võ lâm Đại-Việt cực đông, hầu hết hướng về Long-Bồ. Vậy Vương-gia cần kết thân với y.

Triệu Thành vỗ đùi đánh đét một cái:

- Điều này chắc chắn ta làm được, dễ dàng là khác. Bồ vốn có chí khí anh hùng. Y không thù ta gì cả. Hơn nữa hiện hai người cực thân với y là Bình-Dương, Thiệu-Thái đang theo ta trên chiến hạm. Ta dùng hai người này làm cây cầu.

Nói rồi y kể truyện vua Bà Bắc-biên sai Mỹ-Linh, Thiệu-Thái đem rượu đi đón mình ra sao. Lý Cương cười:

- Có thể sự thực như thế. Cũng có thể họ nhìn thấy tư cách anh hùng của Vương-gia, nên bầy ra truyện ấy để làm hòa với Vương-gia.

Triệu Thành gật gù:

- Còn khoản thứ ba?

- Khoản này rất khó. Vương-gia về triều, cần tỏ ra cực kỳ trung thành với Hoàng-đế với Lưu-hậu. Việc gì Vương-gia cũng cáng đáng. Hễ triều thần có ai bị trách phạt, Vương-gia đều khẩn khoản xin ân xá. Quần thần cho rằng Vương-gia rộng lượng. Đến trình độ đó, nhân tâm hướng về Vương-gia hết rồi. Chắc chắn Lưu hậu sẽ tìm cách hại Vương-gia. Bấy giờ Vương-gia hô một tiếng, anh hùng, sĩ dân theo Vương-gia hết như xưa kia dân không theo con vua Nghiêu, mà theo về vua Thuấn. Vương-gia cô lập bà ta dễ dàng.

Triệu Thành trầm tư một lúc, rồi lắc đầu, mà không nói gì. Lý Cương tiếp:

- Chắc Vương-gia đang lo nghĩ về thế lực của Lưu-hậu, e khó thực hiện chăng?

- Đúng vậy. Bà có nhiều cao thủ nằm ngay trong Hoàng-thành.

Lý Cương ngồi ngay ngắn lại:

- Lưu-hậu chỉ mạnh ở Biện-kinh, chứ đối với các nước xung quanh, với các châu lại rất yếu. Mà Lưu-hậu mạnh nhờ thế lực nào? Bàn chung bà chỉ có năm người: Tôn Đức-Khắc, Lê Lục-Vũ, Khiếu Tam Bản, Sử-vạn Na-vượng và Tào Lợi-Dụng. Cả năm người này đều thuộc Hồng-thiết giáo. Mà Hồng-thiết giáo là kẻ thù của bản triều. Loại chúng ra đâu khó?

Triệu Thành lắc đầu:

- Sư đệ không biết đó thôi. Lưu hậu mưu cùng ta mưu chiếm Nam-phương, rồi bà giả tin tưởng, trao cho ta quyết định mọi sự, rồi sai ta đi sứ, với ba điều lợi cho bà. Một là bà muốn mượn tay võ lâm Đại-Việt giết ta, nếu ta có thoát khỏi họ cũng thù oán ta. Hai là ta thành công, thì cũng gây thù chuốc oán với các nước thuộc tộc Việt. Ba là trong khi ta vắng nhà, bà thay đổi hết những chức quan về thị vệ, ngự lâm quân. Lúc ta trở về sẽ trở thành cô thế.

Lý Cương hỏi:

- Thế vương gia đối phó ra sao?

- Sư phụ với Đông-Sơn đạo sư đã bàn với ta, nên tương kế tựu kế. Ta vờ vui vẻ lên đường. Khi qua Quảng-Tây mang theo Dư Tĩnh là cháu Lưu-hậu. Việc gì ta cũng bàn với Dư. Vì vậy Lưu-hậu không đề phòng, Dư dùng hệ thống tế tác đặc biệt, mật gửi tấu chương về cho Lưu-hậu. Vì vậy Lưu-hậu không đề phòng ta.

Lý Cương hỏi:

- Việc Ngô Tích chắc cũng do Vương-gia bầy ra để lừa Lưu-hậu.

- Đúng thế. Dư Tĩnh bàn với ta: Nhân gái Việt đẹp, bầy ra vụ Ngô mê gái, hầu có người nằm trong lòng Khu-mật-viện Đại-Việt, thông tin cho mình. Dư ngu thực. Giữa ta với Ngô có tình sư huynh sư đệ, lại đồng môn, mà Dư không biết đến lẽ đó. Bề ngoài ta bàn với Dư, Ngô diễn màn kịch tại Vạn-thảo sơn-trang. Nhưng thực sự ta nhờ Ngô khi về với Đại-Việt, tìm cách gặp riêng Lý Long-Bồ, chuyển đề nghị liên minh ta với Bồ.

Lý Cương gật đầu:

- Trí lực Vương-gia không tầm thường. Thế Bồ đã giúp mình được gì rồi?

- Bồ cho con gái Hồng-Sơn đại phu cùng với Lê Ngọc-Phách chuyển cho ta một kế hoạch loại Lưu-hậu. Lê tiểu thư, Ngọc-Phách cùng ta gặp nhau ở hạm đội Động-đình, mà Dư tưởng rằng ta bắt hai người ấy dịch sách thực. Này sư đệ, nếu người là ta, người sẽ loại Lưu-hậu bằng cách nào?

- Lưu-hậu là người của Hồng-thiết giáo tiềm ẩn trong cung, mưu cướp ngôi, rồi cùng Nhật-Hồ lão nhân lập ra Thiên-hạ Hồng-thiết. Chỉ cần sao lộ ra việc này, anh hùng thiên hạ xúm vào hạ bà ngay.

Nguyên-Nghiễm cười:

- Sư đệ hay thực. Bồ sai Bình-Dương, Thiệu-Thái theo ta, khuyên ta cướp ngôi vua, như vậy Dư Tĩnh sẽ tâu về triều. Lưu-hậu nắm được cớ hại ta. Bà trở thành kiêu căng, không úy kị gì nữa. Bà phong chức tước cho đám bộ hạ Hồng-thiết. Như vậy bà công nhiên khai chiến với cả triều đình. Chúng ta lấy Nho trị dân, bà dùng Hồng-thiết. Thế là cả thiên hạ chống bà.

- Bà đã phong chức tước cho những ai?

- Tôn Đức-Khắc đang từ chức vụ tổng-quản Thị-vệ, tước hầu, bà thăng lên:

Thái-sư thiếu phó, Đồng-trung thư môn hạ bình chương sự, Kinh-hồ Tiết-độ sứ, Tổng-lĩnh thị-vệ, cùng Ngự-lâm quân, tước Ngô-quốc công. Lê Lục-Vũ đang từ Tổng-lĩnh Ngự-lâm quân, tước hầu, thăng lên Thái-tử thiếu bảo, Nam-thiên kinh lược sứ, Tả-vệ thượng tướng quân, Việt-quốc công.

Lý Cương kinh hãi:

- Chà! Bà ta lộng hành qúa đáng.

- Chưa hết bà phong cho Sử-vạn Na-vượng được thăng lên làm Hoài-hóa đại tướng quân, Nam-thiên tiết độ sứ, Tổng-lĩnh thị vệ. Khiếu-tam-Bản được thăng Thái-tử thiếu-sư, Tả-kiêu vệ thượng tướng quân, Nam-thiên tiết độ sứ, Tổng-lĩnh ngự-lâm quân. Ngoài ra còn mười trưởng lão bang Nhật-hồ Trung-quốc được phong Nhập-nội đô tri, mỗi người coi một đội Thị-vệ.

Lý Cương hỏi:

- Lý Long-Bồ biết việc này chưa?

- Chính y báo cho ta biết, vì vậy y cùng ta thiết kế tỷ mỉ loại Lưu-hậu rồi.

Đến đó hai người nói nhỏ quá, Mỹ-Linh, Thiệu-Thái không nghe rõ.

Một lát Triệu Thành ôm lấy lưng Lý Cương:

- Trời đem sư đệ cho ta. Còn việc thi võ Biện-kinh kỳ này. Ta phải làm gì?

- Vương-gia mở rộng cửa, khoản đãi võ lâm. Người trúng cách, Vương-gia đặc ân khen thưởng, nói lời nhỏ nhẹ phủ dụ. Người không trúng cách, Vương-gia cũng xét xem ai có tài, lục dụng. Hoá ra họ trở thành chân tay Vương-gia hết.

Nguyên-Nghiễm mở cửa gọi Đinh Toàn vào. Lý Cương nói:

- Còn Vệ-vương, dù sao cũng có chút lòng hướng về Thiên-triều. Vương-gia nói một tiếng với Lý Long-Bồ, cắt cho khoảng đất vùng Trường-yên làm nơi thờ tiên vương Đinh triều. Như vậy, sĩ dân Giao-chỉ ai cũng phục Vương-gia cả.

Đinh Toàn đứng lên chắp tay hướng Lý Cương:

- Đa tạ tiên sinh quan hoài.

Lý Cương chỉ Hồ Dương-Bá:

- Còn Hồ huynh đây, suốt bao năm sang Giao-chỉ tiềm ẩn, công lao không nhỏ. Vậy Vương-gia trở về triều, tâu phong xứng đáng cho Hồ huynh cùng phu nhân. Vương-gia xin Hoàng-thượng ban chỉ đại xá cho dư đảng, con cháu của bang Nhật-Hồ Trung-quốc, để họ có dịp đem tài ra lập công.

Mỹ-Linh nghĩ thầm:

- Không biết người này là ai? Tên thực là gì? Cứ nghe lời biện luận như sông trôi nước chảy, lý luận xác đáng đứng đạo quân tử. Như vậy ngoài võ công, y còn có kiến văn quảng bác. Ta e rằng tài y bỏ xa bọn Dư Tĩnh, Vương Duy-Chính. Những điều y cố vấn cho Triệu Thành rõ ra bậc chính nhân quân tử. Nếu sự thực Triệu Thành nghe lời y, dân Trung-nguyên cũng như các nước xung quanh ắt trải qua một thời kỳ hoà bình, thịnh trị. Như vậy, Triệu Thành sẽ có sự nghiệp Chu-Công thực, chứ không phải như mình với Thiếu-Mai vẽ ra bức ảnh phù ảo cho y.

Đến đó Lý Cương hô dọn tiệc, để mọi người ăn uống.

Mỹ-Linh, Thiệu-Thái sẽ rời khỏi nóc nhà. Hai người trở lại bãi biển, trời vừa sáng. Cái mủng với bốn thủy thủ vẫn còn chờ tại đó. Bây giờ có thêm Đỗ Lệ-Thanh. Thấy Thiệu-Thái, Mỹ-Linh về, Đỗ Lệ-Thanh mừng mừng, tủi tủi. Bà nắm lấy tay Thiệu-Thái:

- Chủ nhân đã về. Chủ nhân với công chúa đi đêm, làm lão tỳ lo lắng vô cùng.

Thiệu-Thái cảm động:

- Phu nhân xứng đáng một phụ nữ Trung-quốc. Lòng dạ phu nhân thực không gì quý bằng.

Mỹ-Linh dặn dò thủy thủ mấy câu, để y về nói lại với Minh-Thiên, Dực-Thánh vương. Rồi ba người trở lại ngôi tiểu thành. Thiệu-Thái bàn:

- Chúng ta phải làm gì?

- Bây giờ ta vào chợ kiếm cái gì ăn uống đã. Sau đó theo dõi bọn Triệu Thành. Chắc chắn sau khi đào kho tàng, dù có, dù không, y cũng sẽ đi về biên giới Hoa-Việt, để gặp chú hai. Ta phải cho chú hai biết hết tình hình, để người định liệu nới được.

Đỗ Lệ-Thanh cầm tay Mỹ-Linh, bà run run, nước mắt đầm đìa:

- Công chúa! Tiểu tỳ cầu mong công chúa chủ trì công đạo cho vụ Nguyên-Hạnh với Cao Thạch-Phụng.

Mỹ-Linh thở dài:

- Đỗ phu nhân! Từ hôm Đỗ phu nhân về Thăng-long với tôi. Tôi truyền cho Đỗ phu nhân khá nhiều về Vô-ngã tướng Thiền-công. Tôi nghĩ bây giờ phu nhân có thể chính mình ra tay đòi nợ Cao Thạch-Phụng được rồi. Không biết phu nhân nghĩ sao?

Đỗ Lệ-Thanh tỉnh ngộ:

- Đa tạ công chúa! Tiểu tỳ quên mất điều đó.

Ba người vào chợ, tìm một quán ăn. Mỹ-Linh uốn cong lưỡi lên nói tiếng Quảng, nhờ tửu bảo mua dùm mấy bộ quần áo thôn quê cùng ba con ngựa.

Ăn xong, ba người trở lại tiểu thành, thấy cặp chim ưng bay khá xa với thị trấn. Như vậy bọn Triệu Thành đã lên đường rồi.

Ba người ngắm hướng đôi chim ưng mà đi. Mỹ-Linh móc trong bọc ra ba cái thẻ bài. Nàng đưa cho Thiệu-Thái, Đỗ Lệ-Thanh, mỗi người một cái:

- Anh nhớ nhé. Anh có tên Thái Thân. Em tên Đỗ Linh. Đỗ phu nhân Lý Lệ. Chúng ta ở trại Như-hồng, thuộc biên thùy Trung-quốc, Giao-chỉ, sang đây tìm thầy học thuốc nhé. Lỡ chạm trán bọn Triệu Thành, chúng ta thản nhiên nói: Vì cần bảo vệ chân mệnh Thiên-tử, nên chúng ta vượt biển tìm y. Như vậy y càng cảm động.

Thời bấy giờ vùng Quảng-Đông dân chúng còn nói tiếng Việt khá nhiều. Dù tiếng Việt của họ không còn nguyên thủy, mà pha phân nửa tiếng Hán. Nguyên, trong thời cuối đời Đường, nhân loạn lạc, anh hùng vùng Nam-hải thời Lĩnh-Nam, tức Phúc-Kiến, Quảng-Đông, Quảng-Tây nổi lên lập lại nước Ngô-Việt. Sau Ngô-Việt bị chia làm hai. Phía Nam thành Nam-Hán, phía Bắc vẫn giữ tên Ngô-Việt. Ngô-Việt bị Tống thôn tính. Vì vậy dân chúng trong vùng này vẫn tự nhận mình người Việt hoặc người Hoa gốc Việt.

Đi đến chiều, mới tới Khúc-giang. Ba người xuống ngựa, dạo trong phố chợ. Mỹ-Linh hỏi Thiệu-Thái:

- Anh có biết Khúc-giang trước đây sản xuất ra nhiều anh tài cho tộc Việt mình không?

- Anh không nhớ. Mỹ-Linh kể cho anh nghe đi!

- Ừ em kể. Thời Âu-lạc, tể tướng Trần Tự-Minh giúp vua An-Dương cai trị nước. Ngài được phong tước Phương-chính hầu. Khi Tần Thủy-Hoàng sai Đồ Thư đem năm mươi vạn quân sang đánh. Vua An-Dương thấy đất mình rộng, dân mình thưa, mới truyền rút về phương Nam. Đồ Thư lập ra ba quận Nam-hải, Quế-lâm, Tượng-quận. Giòng dõi Phương-chính hầu không chịu bỏ đất tổ, lui về thủ ở vùng Khúc-giang. Đồ Thư chết rồi, Triệu Đà thay thế. Mấy lần y đem quân vào đánh, đều bị thua. Y đành để vùng này cho giòng dõi họ Trần cai trị như một tiểu quốc riêng.

- Rồi sau ra sao?

- Đến đời thứ tám, thì chi hai, chi ba là Trần Phương-Đức, Trần Đại-Sinh mới di cư xuống Giao-chỉ lập nghiệp.

- Anh biết rồi! Trần Đại-Sinh sau thành Khất-đại phu. Còn ngài Trần Phương-Đức sinh ra Nam-thành vương Trần Minh-Công, Nam-hải nữ hiệp Trần Thị Phương-Châu, Tiên-yên nữ hiệp Trần Thị Phương-Chi, Thiên-trường đại hiệp Trần Quốc-Hương.

- Tuy vậy ngành trưởng vẫn sống ở Khúc-giang. Đời thứ chín nảy ra sáu vị đại anh hùng nữa.

- Ai nhỉ? Anh chỉ nghe nói tới năm vị tức Khúc-giang ngũ hiệp. Năm vị tuân chỉ vua Trưng khởi nghĩa ở Nam-hải. Sau vua Trưng phong cho làm Nam-hải vương. Còn người thứ sáu tên gì?

- Anh quên mất ngài Trần Tự-Sơn tức Nghiêm-Tử-Lăng à?

- Ừ nhỉ!

- Em đọc sách thấy nói tại Khúc-giang hiện vẫn còn mộ của Khúc-giang ngũ hiệp. Trên bờ sông có mộ phần, cùng đền thờ của Nam-hải nữ hiệp, với phu nhân của anh hùng Chu Bá.

- Có phải hai bà tử trận trong khi đánh chiếm vùng Nam-hải không?

- Gần như vậy. Sau khi vua Trưng thành đại nghiệp, sắc phong Nam-hải nữ hiệp làm Lĩnh-Nam tuyên từ, huệ đức, Nam-hải công chúa.

Phong bà Lê Thị Hảo làm Lĩnh-Nam, ninh tĩnh, chí minh, Hoà-huệ công chúa. Chúng ta phải tới đền thờ dâng hương mới được.

Chợt có tiếng nói rất rõ ràng đâu đó vọng lại:

- Đang làm việc vá trời, dấu thân phận còn không xong, lại đi dâng hương, chẳng hóa lậy ông tôi ở bụi này ư?

Mỹ-Linh kinh hoảng nhìn xung quanh, tuyệt không có người nào lạ. Chỉ có năm người mặc quần áo nâu theo lối ngư nhân. Mỗi người cầm một xâu cá, đang len lỏi đi cạnh nàng. Họ trang phục giống nhau, chỉ khác nhau ở mầu mũ. Năm người đội mũ mầu trắng, đen, xanh, đỏ, vàng. Một ngư ngân méo miệng trêu nàng.

Nàng nhìn kỹ lại: Năm ngư nhân hình dạng rất kỳ lạ, thân hình ngắn, trong khi chân dài, mà cao. Ngư nhân mũ đỏ nói bâng quơ bằng tiếng Việt:

- Cho lợn ăn ngay đi. Lợn đói rồi. Bằng không nó ủn ỉn bây giờ.

Nói rồi y méo miệng trêu nàng. Nàng định lên tiếng hỏi, cả năm đã biến mất trong đám đông.

Đỗ Lệ-Thanh kinh hãi:

- Chúng ta âm thầm tới đây, trời không biết, quỷ không hay. Sao năm ngư nhân đã nhận diện được. Tiểu tỳ thấy lưng họ quen quá, mà không biết đã gặp ở đâu? Có thể nào Khu-mật viện sai họ theo giúp mình chăng?

Mỹ-Linh tỏ ý lo lắng:

- Không lẽ! Khu-mật viện làm sao theo chúng ta được?

Bụng đã đói, nàng để ý thấy phía trước có một người đàn ông gánh một gánh mì, khói bốc lên nghi ngút. Da mặt người này dăn deo, rất khó đoán tuổi. Mỹ-Linh dừng chân trước gánh mì. Nàng nói:

- Ông cho chúng tôi bốn bát mì.

Ông lão bán mì hỏi lại:

- Lão có ba loại mì. Mì chay, mì vịt và mì tôm. Cô nương dùng mì nào?

Thiệu-Thái trông thấy mấy con tôm đỏ hỏn đẹp mắt, chàng nói:

- Ông cho tôi hai bát mì tôm. Một bát mì vịt cho vị sư tỷ, một bát mì chay cho em tôi.

Ông lão bán mì cười:

- Cậu ăn khoẻ thực, khoẻ hơn lợn chắc, ăn những hai bát mì tôm.

Thiệu-Thái thấy trong khi làm mì, ông lão dùng muổng nhúng mì vào nước sôi, rồi rung tay một cái, dắt mì bay lên rơi vào giữa bát. Chàng kinh ngạc:

- Lão bán mì này nội công không tầm thường. Có lẽ lão cùng bọn với năm ngư nhân cũng nên.

Mỹ-Linh cũng đã nhận ra cái khác lạ của lão bán mì. Ăn xong, nàng móc tiền hỏi lão:

- Bao nhiêu tiền bốn bát mì?

Lão trả lời rất sẽ:

- Tôi có năm đồng. Tôi cần một đồng hay hai đồng.

Thiệu-Thái giật mình. Vì đó là thuật ngữ của Hồng-thiết giáo, nay cải thành Lạc-long giáo. Khi hai giáo chúng gặp nhau, họ thường dùng thuật ngữ để tự giới thiệu. Lão nói có năm đồng tức lão đứng hàng thứ năm trong giáo. Thứ nhất giáo chủ. Thứ nhì trưởng lão. Thứ ba chưởng quản một vùng. Thứ tư chưởng quản một quận. Thứ năm chưởng quản một huyện. Lão nói cần một đồng hay hai đồng, có nghĩa lão đi đón giáo chủ cùng trưởng lão.

Mỹ-Linh nói nhỏ:

- Anh tôi có một đồng. Tôi có hai đồng.

Ông ta chỉ về phía bờ sông:

- Có con đò, trên nóc kéo giải vải đỏ. Xin cô cậu xuống đó.

Mỹ-Linh làm bộ trả tiền ông bán mì, rồi ba người dắt ngựa đi về phía bờ sông.

Khi mới nhận chức giáo chủ Lạc-long giáo, Thiệu-Thái được biết giáo chúng vùng Quảng-Đông, Quảng-Tây rất đông, rất mạnh.

Nguyên Hồng-thiết giáo tuy tàn bạo, ác độc, nhưng họ vẫn qui tụ những phần tử yêu nước. Vùng Lưỡng-Quảng thuộc Ngô-Việt, mới bị mất nước, nên dân chúng theo Hồng-thiết giáo rất đông, mong khôi phục trở lại. Khi đi, Thiệu-Thái đã lệnh cho trưởng lão Lê Đức, Nhất-Bách đến Quảng-Đông, cùng giáo chúng chuẩn bị đào kho tàng. Có lẽ hai người lệnh giáo chúng khắp nơi chờ đón chàng.

Tới bờ sông. Có ba đứa nhỏ đon đả chạy ra cầm lấy cương ngựa:

- Cô cậu đi chơi sông hẳn? Để cháu giữ ngựa cho.

Mỹ-Linh trao cương ngựa cho chúng, rồi bước xuống con đò, trên có giải vải đỏ. Hai người vừa leo qua cây ván làm cầu, cánh cửa đò đã mở rộng. Thiệu-Thái chui vào trước. Mỹ-Linh, Lệ-Thanh chui vào sau. Cánh cửa đóng lại. Bên trong, Lê Đức, Đào Nhất-Bách khom lưng hành lễ:

- Suốt hơn tháng qua, bọn thuộc hạ không được tin giáo chủ cùng công chúa, sau phái anh em đi khắp nơi tìm kiếm. Hay đâu hôm qua, một anh em đã thấy giáo chủ. Y sai ngựa về báo cho thuộc hạ biết. Vì vậy hôm nay anh em thuộc hạ đón chờ giáo chủ ở đây.

Thuyền từ từ rời bến.

Lê Đức hỏi:

- Ngoài giáo chủ, công chúa với Đỗ phu nhân, mình còn ai nữa không?

- Kể ra còn nhiều, nhưng không biết bao giờ đến. Tình hình kho tàng ra sao?

- Bọn thuộc hạ đã tìm ra manh mối. Nhưng từ đêm qua đến giờ, thiết kị, giáp binh kéo đến đóng khắp nơi. Dường như bọn Tống cũng biết chỗ chôn dấu, nên đến tìm kiếm. Hôm nay đã là ngày hai mươi tháng mười. Chỉ còn gần tháng nữa tới ngày rằm tháng mười một. Đúng ngày ấy, giờ Tý cửa hang mở. Nếu ta không biết cửa hang ở đâu, phải sáu mươi năm sau, cửa hang mới mở lại lần nữa.

Mỹ-Linh cười:

- Trưởng lão đừng sợ. Những phe phái kia họ không tìm ra đâu. Ta đợi họ tìm chán, rút quân đi, rồi ta mới đào lên cũng chưa muộn.

Nàng định tường thuật chi tiết những gì xẩy ra trong hơn tháng trên biển. Nhưng chợt động tâm cơ, nàng nghĩ lại:

- Đào Nhất-Bách, khả dĩ tin được. Duy Lê Đức, ta không thể kể hết cho y nghe.

Nàng nói:

- Trưởng lão lệnh cho giáo chúng ẩn thân hết. Mặc Tống làm gì thì làm. Đợi họ rút, ta mới ra tay. Tình hình biến đổi hoàn toàn. Khai-Quốc vương hiện đang trên đường sang Biện-kinh. Bình-Nam vương Triệu Thành đổi hẳn thái độ. Họ tìm cách thân thiện với ta. Vậy trưởng lão lệnh toàn giáo chúng bất động, cho tới khi có lệnh mới.

Thiệu-Thái tiếp:

- Hiện Bình-Nam vương Triệu Thành đang có mặt trong vùng này. Ngày một ngày hai, chúng tôi sẽ xuất hiện, đi cạnh họ. Các vị đừng ngạc nhiên. Nếu cần, các vị cũng nên xuất hiện, tỏ ý tuân phục y, và chống Lưu hậu.

Lê Đức cực kỳ thông minh. Y hiểu liền:

- Có phải ta khích y cướp ngôi vua Tống không?

Mỹ-Linh gật đầu:

- Gần như vậy. À, Lê trưởng lão, người nghe nhiều, hiểu rộng, có biết cạnh Triệu Thành còn một người trẻ tuổi, y xưng tên Lý Cương. Triệu Thành gọi y bằng sư đệ. Thân thế y ra sao?

- Y không phải họ Lý đâu. Tên thực y là Phạm Trọng-Yêm, người đất Ngô-huyện, sinh năm Kỷ-Sửu (989) nhằm niên hiệu Đoan-củng thứ nhì đời Tống Thái-tông. Tương đương với bên Đại-Việt niên hiệu Hưng-thống nguyên niên đời vua Lê Đại-Hành. Nhà nghèo, chăm học, thông minh, nghe nhiều, hiểu rộng. Đậu tiến sĩ niên hiệu Đại-trung Tường-phù đời Tống Chân-tông. Khi Chân-tông băng, Lưu-hậu cầm quyền, y được cử coi phủ Khai-phong, tức như bên Đại-Việt chức tổng trấn Thăng-long. Gần đây chuyển qua coi Khu-mật viện. Chức tước của y như sau : Tham tri chính sự, đồng bình chương sự, Khu-mật viện phó sứ.

Thiệu-Thái hỏi Mỹ-Linh:

- Chức tước ấy có lớn không?

- Tham-tri chính sự là phó tể tướng. Tống triều có tả, hữu tể tướng và sáu tới mười hai phó tể tướng. Đồng-bình chương sự, là coi về văn.

- À, y còn trẻ mà đã làm lớn. Tại sao y gọi Triệu Thành bằng sư huynh?

- Nguyên do thế này. Triệu Thành là đệ tử Minh-Thiên đại sư. Phạm Trọng-Yêm đệ tử Minh-Sơn đại sư. Minh-Thiên là sư huynh Minh-Thiên. Võ công Trọng-Yêm cực kỳ cao thâm. Y đấu với Địch-Thanh trên bốn trăm chiêu, bất phân thắng bại.

Mỹ-Linh kinh ngạc:

- Văn y đậu tiến sĩ. Võ y cao vào bậc nhất. So sánh y với Dư Tĩnh, Vương Duy-Chính ra sao?

- Tài y như mặt trăng mặt trời. Dư, Vương chỉ có thể ví với đom đóm mà thôi. Dư, Vương thuộc thứ thư lại, thứ chỉ biết thuận theo ý chủ. Còn Phạm có cái trông rộng, nhìn xa, tư tưởng bao la bát ngát. Trong lòng y lại hàm chứa tinh thần Nho gia, không thích gây chiến với lân bang.

- Hèn gì, y lý luận đâu ra đấy. Tôi thấy Triệu Thành nể y muốn hơn Minh-Thiên đại sư.

- Công chúa nói đúng. Khi tiếp xúc với y phải cẩn thận. Y thuộc loại cực kỳ thông minh, lại tinh minh mẫn cán số một, số hai triều Tống. Hiện y giữ chức Khu-mật viện sứ. Tương đương với chức vụ của Tạ Sơn ở Đại-Việt.

Đào Nhất-Bách tiếp:

- Trong trấn Khúc-giang hiện còn có người của Liêu, Cao-ly, Tây-hạ. Họ cũng tới tìm kho tàng. Không hiểu sao họ cũng có bản đồ, biết chi tiết nà mò tới đây.

Mỹ-Linh cau mày suy nghĩ, rồi gật đầu:

- Khó hiểu quá. Ta cứ đứng ngoài nhìn họ tranh dành. Vậy thế này, Đào trưởng lão cho anh em dàn ra chờ người của các đại môn phái Đại-Việt tới đây, thông báo cho họ biết tình hình, cùng lo chỗ cho họ ẩn thân, bằng không Phạm Trọng-Yêm tung quân bắt hết e phiền phức lắm.

Nhất-Bách than thở:

- Giáo chúng muốn ẩn thân, nhưng khó quá. Trong vòng một tháng qua, trấn Khúc-giang nảy ra nhiều kì nhân, dị sĩ, làm lắm truyện lạ đời. Sau mỗi vụ như vậy, võ lâm các nơi ẩn thân lại bị lộ hình tích rồi bị quan quân vây bắt đi.

Mỹ-Linh kinh ngạc:

- Đại khái những vụ ấy ra sao?

- Đầu tiên năm cô gái xuất hiện phá đền thờ Mã Viện. Rồi năm đạo sĩ cướp hai chiến thuyền chở lương thực cho thiết kị, đem phát chẩn cho dân chúng. Lại nữa, trộm vào công khố lấy trộm vàng, còn cạo trọc đầu tướng chỉ huy thiết kị. Trấn này muốn nổ tung ra về những vụ đó.

Thiệu-Thái hỏi Đào Nhất-Bách:

- Đào trưởng lão. Trưởng lão có biết phần mộ của Khúc-giang ngũ hiệp cùng đền thờ hai vị nữ anh hùng Lĩnh-Nam ở đâu không?

Nhất-Bách cung kính đáp:

- Khải bẩm giáo chủ, phần mộ Khúc-giang ngũ hiệp hiện nằm trên núi Ô-thạch. Còn đền thờ Nam-hải nữ hiệp ở Sa-khẩu. Ô thạch ít người lai vãng, chứ Sa-khẩu thì quanh năm dân chúng kéo về lễ bái đông nghẹt. Nhất là từ mấy hôm nay thuộc ngày rằm.

Mỹ-Linh đề nghị:

- Theo ý trưởng lão, chúng tôi phải trang phục thế nào, khi đi hành hương hai di tích trên?

- Hiện vùng này dân chúng trang phục phân nửa theo Tống, phân nửa theo Việt. Tiếng nói cũng pha trộn lẫn lộn. Thuộc hạ nghĩ giáo chủ cùng công chúa cứ trang phục như người Việt, nói tiếng Việt tiện hơn. Còn Đỗ phu nhân, vốn người Hoa, trang phục sao cũng được.

Đào Nhất-Bách nói:

- Bây giờ thế này, giáo chủ cùng công chúa trang phục thành hai anh em cô cậu con nhà giầu. Còn thuộc hạ với Đỗ phu nhân giả làm tùy tùng mang lễ vật theo. Bây giờ chúng ta thăm Ô-thạch. Tối lễ đền Sa-khẩu.

Mỹ-Linh, Thiệu-Thái vào khoang thuyền thay quần áo. Bấy giờ trời vào tiết tháng mười một, gió rú lên từng cơn qua song cửa, qua lá cây úa, hơi lạnh len lỏi trong gió. Mỹ-Linh mặc quần áo lụa trắng, dây lưng mầu tím, khăn choàng cổ cũng mầu tím viền vàng. Bên ngoài nàng khoác chiếc áo xanh lá cây lợt. Thiệu-Thái mặc bộ quần áo mầu nâu sẫm. Cả hai đeo kiếm, rồi cùng Đào, Đỗ vào chợ. Đào-nhất-Bách thông thuộc đường lối. Y mua sắm nào hoa, nào quả, nào gà, nào lợn, rồi mượn người chất lên xe, chở theo.

Bốn người đi về phía Bắc. Rời khỏi trấn Khúc-giang, một cảnh trí như tranh vẽ làm Mỹ-Linh cảm thấy trong lòng khoan khoái: Bấy giờ vào cuối Thu, lá rừng núi biến thành một mầu vàng đỏ ối. Hai bên đường, hoa cúc hoang nở rực rỡ. Xa xa, trên sông, những con chim âu mầu trắng bay lượn nhịp nhàng.

Nhất-Bách chỉ vào ngọn núi phía trước:

- Kia là núi Ô-thạch.

Mỹ-Linh nhìn theo: Ngọn núi có hình dạnh giống như con quạ. Đầu quạ hướng ra sông. Hai cánh toả ra giải đồng rộng bao la. Đuôi cong dựa vào hòn núi dốc thẳng đứng.

Nhất-Bách chỉ vào mấy điểm trắng trên đầu quạ:

- Mấy điểm trắng kia là lăng mộ của Khúc-giang ngũ hùng.

Thiệu-Thái thắc mắc:

- Mỹ-Linh này! Anh đọc sử thấy nói Khúc-giang ngũ hùng bị đánh thuốc độc giữa lúc Lưu Long mang đại quân công Nam-hải. Đệ tử đem thi hài táng vào nơi bí mật. Vì vậy tin này về triều đình Lĩnh-Nam, tể tướng Nguyễn Phương-Dung không tin năm vị bị đầu độc. Thế sao bây giờ lại có lăng mộ ở đây?

Mỹ-Linh chợt nhớ tới một bản tấu trình về kho tàng Tần-Hán, Âu-Việt tại Khu-mật viện Đại-Việt. Trong bản phúc trình đó có nói: Sự thực Khúc-giang ngũ hùng thấy thế không giữ nổi Nam-hải. Năm ông cùng đệ tử mai danh ẩn tích. Dối rằng bị đầu độc chết. Bình-Ngô đại tướng quân tổng trấn Nam-hải là công chúa Thánh-Thiên cũng được lệnh rút về Giao-chỉ. Công chúa truyền xây năm ngôi mộ giả. Trong năm ngôi mộ này có nhiều kí hiệu để tìm ra chỗ dấu kho tàng. Trước khi khởi hành cùng Thiệu-Thái, Khai-Quốc vương sai Đỗ-lệ-Thanh chuyển cho nàng một mật lệnh. Nàng học thuộc rồi đốt đi. Trong mật lệnh đó dặn nàng phải chiếu những điều cơ mật trong tập di thư dành cho chưởng môn phái Mê-linh, cùng kí hiệu trên lăng Khúc-giang ngũ hùng, hầu tìm kho tàng.

Những bí ẩn đó, đến Thiệu-Thái, nàng cũng không cho biết. Bây giờ, sắp đến lăng Khúc-giang ngũ-hùng, lòng nàng rộn lên những cảm giác khó tả.

Ngựa bắt đầu theo con đường thoai thoải leo núi. Con đường vòng vèo như ruột dê. Núi Ô-thạch không cao lắm. Thoáng cái đã tới đỉnh. Đỉnh có khu vực bằng phẳng ước khoảng năm sáu mẫu, trồng toàn một loại thông hàng lối ngay thẳng. Chính giữa, năm ngôi mộ xây theo đội hình đặc biệt: Hai ngôi hai bên. Một ngôi ở giữa. Mộ xây bằng đá ong, nhưng lại quét vôi mầu trắng. Phía trước một bàn thờ cũng bằng đá ong cao khoảng bằng ngực một người trung bình. Trên bàn thờ, năm bát hương bằng đá, khắc hình rất tinh vi.

Thiệu-Thái, Mỹ-Linh, Đào Nhất-Bách cùng bẻ cành thông quét bàn thờ thực sạch sẽ. Mỹ-Linh truyền người gánh thuê đem phẩm vật cúng bầy ra. Đỗ Lệ-Thanh đánh lửa đốt hương, nến lên.

Thiệu-Thái, Mỹ-Linh quỳ gối trước. Đào, Đỗ quỳ phía sau, lễ đủ tám lễ. Mỹ-Linh khấn:

- Đệ tử Lý-Mỹ-Linh, tước phong công chúa Bình-Dương của Đại-Việt, biểu huynh Thân Thiệu-Thái giáo chủ Lạc-Long giáo, trưởng lão Đào Nhất-Bách, cùng với lương y Đỗ Lệ-Thanh. Hôm nay nhân bọn đệ tử qua Khúc-giang, tưởng nhớ anh linh năm đại vương xưa, hùng khí trùm hoàn vũ, trấn Nam-hải, bảo vệ đất tổ... đệ tử dâng chút lễ mọn. Tại thiên chi linh, xin năm vị đại vương cùng về hưởng, phù hộ cho tộc Việt mau thống nhất.

Lễ tất, Mỹ-Linh đứng dậy rót rượu, đùng đao chặt gà, lợn bầy ra đĩa.

Đứng nhìn, nàng để ý thấy năm ngôi xây theo năm hình khác nhau. Ngôi chính giữa hình như cái bát úp. Ngôi hai ngôi bên phải, một hình chữ nhật, một hình vuông. Hai ngôi bên trái, một hình giống như trái xoan, một lại hình năm cạnh.

Thiệu-Thái cũng đã thấy cái khác biệt đó. Chàng hỏi Mỹ-Linh:

- Em thử đoán xem. Trong năm ngôi này, ngôi nào của ngài Nhất-gia? Ngôi nào của ngài Nhị, Tam, Tứ, Ngũ-gia?

Đào Nhất-Bách góp ý:

- Theo ý thuộc hạ, có lẽ người xưa xây mộ không đề danh hiệu các ngài, mà xây năm ngôi mộ năm dạng, ứng với biểu hiệu đương thời mỗi ngài. Nay thời gian qua lâu, không còn ai nhớ được nữa.

Trong khi Thiệu-Thái, Đào Nhất-Bách cùng Đỗ Lệ-Thanh phỏng đoán này nọ, Mỹ-Linh cố moi óc tìm hiểu xem năm hình này ngụ ý gì? Nhưng càng nghĩ càng thấy không có căn cứ nào cả. Nàng tự nhủ:

- Cứ như trong mật thư của phái Mê-linh ghi chú, thì sau khi thành đại nghiệp, vua Trưng sai công chúa Yên-lãng Trần Năng cùng Nghi-hoà công chúa Trần Quế-Hoa, Trần Quỳnh-Hoa lên hồ Động-đình đào kho tàng Tần-Hán mang về. Khi tới Khúc-giang, gặp đoàn cao thủ của Mã thái hậu đuổi rất gắt. Công chúa Yên-lãng cho chôn vào một chỗ bí mật. Niên hiệu vua Trưng thứ ba, khi biết thế nước chông chênh. Vua Trưng sai sứ lên truyền lệnh cho Khúc-giang ngũ hùng cùng công chúa Thánh-Thiên đào kho tàng Tần-Hán mang về Giao-chỉ. Sứ giả tới Nam-hải đúng lúc Khúc-giang ngũ hùng bị đánh thuốc độc chết. Công chúa Thánh-Thiên bị đại quân Lưu Long vây gấp, người đành giả xây mộ cho Khúc-giang ngũ hùng, mượn mộ ghi khắc chi tiết nơi chôn cất kho tàng. Cho nên hơn nghìn năm qua, ai cũng tưởng mộ năm ngài, nhưng thực sự lại ghi dấu vết mà thôi.

Hương đã tàn, nàng bảo Thiệu-Thái:

- Anh hạ lễ xuống, cùng Đỗ phu nhân, Đào trưởng lão thụ lộc đi. Em ăn chay, cho em mấy quả chuối được rồi.

Nàng lấy nải chuối, ngồi riêng ra một tảng đá suy nghĩ. Tần ngần nàng mở bọc đem bộ Dụng binh yếu chỉ ra đọc. Trong trí óc, nàng nhớ lại một truyện: Hồi ở Thăng-long, mới tìm được bộ binh thư này, Khai-Quốc vương với nàng đem ra nghiên cứu. Cả hai đã vướng phải một đoạn, mà không sao hiểu được. Nàng nhớ mang máng rằng dường như trong đó có nói tới hình dạng năm ngôi mộ.

Nàng mở ra đọc. Không khó nhọc, nàng tìm ra đoạn ấy ngay:

" Khi ta viết đến chương cuối bộ binh thư này, là lúc được chỉ dụ vua Trưng phải rút khỏi Nam-hải. Ta cho người liên lạc với Khúc-giang ngũ hùng để bàn kế lui quân. Thì, ôi thôi, năm vị đều bị đầu độc. Ta thân tới Khúc-giang tế năm vị, đệ tử cho biết gia đình năm vị đem xác chôn một nơi cực mật. Ta nhân đó xây mộ cho người.

Xây mộ xong, ta khấn năm vị hãy phù hộ cho tộc Việt bền vững, giầu có hơn nhà Chu, nhà Tần, nhà Hán. Con cháu sinh sản tròn, vuông dưới ánh mặt trời, luôn tươi như soan năm cánh..."

Khúc mắc ở câu cuối. Hồi ấy đọc đoạn này, Khai-Quốc vương cho rằng lối hành văn sáo ngữ, cùng lời chúc tụng của tổ tiên xưa như thế. Nên cả hai chú cháu bỏ qua. Bây giờ nhìn hình dạng năm ngôi mộ giả, nàng thấy có liên quan tới bài tựa này.

Chợt tia sáng loé lên:

- Phải rồi, trong bài nói bền vững giầu có hơn Chu, Tần, Hán tức kho tàng từ đời Chu qua đời Tần, đời Hán. Đào được kho tàng lên ắt giầu có xúc tích. Còn câu dưới có đủ hình năm ngôi mộ: tròn, vuông. Ánh sáng mặt trời là gì nhỉ? Mặt trời tức Nhật tương ứng với hình chữ nhật. Tươi như hoa soan, tức hình trái soan. Năm cánh tức hình ngôi mộ năm cạnh kia.

Nàng lại nghĩ:

- Như vậy, ta hiểu rõ ý nghĩa hình dạng năm ngôi mộ rồi. Thế nhưng hình dạng khác nhau để chỉ gì? Tròn, vuông, chữ nhật, trái soan, năm cạnh. Nếu theo thứ tự, mộ ngài Nhất-Gia hình tròn. Ngài Nhị-Gia hình vuông, ngài Tam-Gia hình chữ nhật, ngài Tứ-Gia hình trái soan, ngài Ngũ-Gia hình năm cạnh.

Nghĩ mãi không ra, nàng gấp bộ kinh thư bỏ vào bọc. Bên kia, Thiệu-Thái cùng Đào Nhất-Bách ăn uống đã xong.

Trời về chiều. Gió lạnh thổi nhè nhẹ qua những cây thông, bật thành tiếng reo vi vu. Những đàn cò đi ăn bắt đầu đo cánh bay về tổ.

Mỹ-Linh vẫy tay, cùng mọi người lên ngựa.

Thình lình Đào Nhất-Bách lên tiếng:

- Chúng tôi cùng nhau tế lăng bậc tiền bối. Người là ai, mà lại rình rập? Có mau xuất hiện không?

Nói rồi y phi thân vào bụi cỏ gần đó, chụp lưng một người nhấc bổng lên. Thì ra một lão già. Lão kêu réo ầm lên:

- Tôi nằm đây chờ các người cúng xong, sẽ ra lấy lộc ăn. Các người keo kiệt mang đi hết rồi, còn hành tội tôi ư?

Người khuân vác mướn nói với Đào Nhất-Bách:

- Quan khách không nên mạnh tay với người này. Y vốn làm nghề quét chợ. Lão tên Luyện. Từ trước đến nay trẻ con, ăn mày thường rình rập quanh lăng, đợi khách tới cúng. Khi khách vừa đi khỏi, chúng ùa ra hạ lễ xuống ăn. Lệ này thành quen.

Đào Nhất-Bách vội buông lão xuống, miệng nói:

- Xin lỗi.

Rồi y bảo người khuân vác trao cho lão già đó phân nửa con lợn luộc, cùng với xôi, hoa quả. Lão Luyện cảm ơn rối rít, mở tay nải ra đựng lộc.

Đỗ Lệ-Thanh móc túi trao cho Luyện một xâu tiền rối bảo:

- Tôi ở bên bờ sông gần chợ. Nếu lão cần tiền, thực phẩm, tới đó, tôi sẵn sàng tặng cho chút ít mà tiêu.

Lão Luyện cúi rạp người cảm tạ, hai tay lĩnh tiền bỏ vào túi.

Mỹ-Linh móc bạc trả công cho người khuân vác, rồi bốn người lên ngựa trở về trấn. Con thuyền của Lạc-long giáo thuộc đạo Quảng-Đông vẫn đậu ở bến chờ đợi. Bốn người xuống thuyền. Thuyền rời bến ra giữa sông.

Mỹ-Linh vỗ vai Đỗ Lệ-Thanh:

- Đỗ phu nhân tinh ý thực. Đêm nay tên Luyện kia thế nào cũng phải tìm phu nhân lậy dập trán ra xin tạ tội.

Đào Nhất-Bách kinh ngạc:

- Công chúa dạy sao?

- Cái tên Luyện kia nếu không là người của Khu-mật viện Tống, ắt của môn phái, bang hội hoặc nước nào, tiềm ẩn làm người quét chợ. Y rình rập quanh lăng Ngũ-hùng đã lâu. Võ công y cực cao thâm, mà định lực của y cũng không tầm thường. Y bị Đào trưởng lão nhắc lên, mà tuyệt không có phản ứng.

Thiệu-Thái đờ người ra:

- Mỹ-Linh, sao em biết võ công y cao?

- Khi y bị nhắc lên, cổ áo co lại, lộ ra làn da lưng trắng mịn, khác hẳn với da mặt dăn deo khó coi. Rõ ràng y còn trẻ. Lúc y lĩnh lộc, gồm nửa con lợn với xôi chuối đâu có nhẹ? Thế mà y quảy lên vai, chỉ dùng ngón tay út móc vào tay nải.

Nàng hỏi Đỗ Lệ-Thanh:

- Chắc phu nhân nhận ra y trá hình làm ma, làm quỷ, phu nhân phóng thuốc vào xâu tiền rồi cho y. Y ngu thực, không nghi ngờ gì tiếp lấy. Đêm nay y lên cơn đau đớn cho biết thân.

Mỹ-Linh để Thiệu-Thái bàn luận việc Lạc-long giáo. Nàng xin vào trong khoang thuyền nghỉ. Viên thuyền trưởng dành cho nàng một khoang, trang trí cực kỳ thanh nhã. Trên cái án thư, đặt chiếc đỉnh, đốt trầm hương bay nghi ngút.

Mỹ-Linh đóng cửa khoang. Nàng quan sát quanh khoang thuyền xem có kẽ hở nào khả dĩ người ta dòm trộm không. Khi biết chắc hoàn toàn an ninh, nàng mở tập sách mật của phái Mê-linh, do sư thái Tịnh-Tuệ trao cho hôm truyền chức chưởng môn. Tập sách này nàng đọc gần như thuộc lòng. Nhưng bên trong có nhiều điều chưa thấu đáo.

Phần thứ nhất chép lịch sử các phái võ thời Lĩnh-Nam, từ khi vua Trưng tuẫn quốc cho tới thời Đinh. Phần thứ nhì chép diễn tiến sự thống nhất phái Long-biên, Hoa-lư, Cửu-chân thành phái Mê-linh. Phần thứ ba chép các biến cố của phái Mê-linh từ khi thành lập cho đến khi sư thái Tịnh-Tuệ nhận chức chưởng môn.

Mỗi lần cầm tập sách ra, lòng nàng lại nao nao bồn chồn:

- Sư thái Tịnh-Tuệ tin tưởng Vương-mẫu mình lắm, bà mới dành cho ưu ái được sao chép mật thư này. Nhìn nét chữ hoa mỹ bay bướm, mình cũng biết vương mẫu có hoa tay. Cũng chính vì vậy, mà bọn Tống bắt cóc vương mẫu mình, hầu so sánh tuồng chữ. Không biết bọn Tống Triệu Thành hay Lưu hậu bắt cóc Vương-mẫu mình?

Chợt nàng bật cười:

- Mình thực lẩm cẩm. Rõ ràng bọn Lưu hậu bắt Vương mẫu rồi, còn gì nữa mà nghi ngờ? Nếu bọn Triệu Thành bắt, ắt chúng giam bà trên chiến hạm, mình đã thấy rồi. Vả lại nếu y bắt được Vương-mẫu mình, đâu cần bủa lưới bắt Lê Thiếu-Mai với thầy đồ Ngọc-Phách để dịch sách.

Nàng đọc sang phần thứ tư, chép lịch sử kho tàng Tần-Hán, Âu-Việt. Kho tàng Âu-Việt hiện chôn ở vùng quanh núi vua Bà, sách chép bằng chữ Khoa-đẩu, lại toàn bằng hơn ba trăm thuật ngữ. Hôm sư thái Tịnh-Tuệ truyền chức chưởng môn, đã đọc cho nàng. Vì vậy bất cứ ai đọc phần này cũng không hiểu nổi. Duy người biết thuật ngữ đó mới mò ra được. Nàng nghĩ thầm:

- Kỳ này về Đại-Việt, mình triệu tập hết các đại môn phái, rồi sai đào lên, bỏ vào công khố Đại-Việt.

Phần thứ năm chép lịch sử kho tàng Tần-Hán, cùng chỉ chỗ cất. Phần này nàng hiểu lờ mờ. Nhất là trong đó có đoạn thơ không ra thơ, văn chẳng ra văn:

Tự cổ Ân, Chu trị thiên hạ,

Vàng ngọc, bốn phương tụ tập về.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.