Em Vốn Thích Cô Độc, Cho Đến Khi Có Anh

Chương 55: Tỉnh táo hồ Đồ




Trên đường đi tôi nhìn thấy rất nhiều bụi hoa mọc bám vào vách đá cằn cỗi, khoe những đoá nhỏ xinh màu phấn hồng phơn phớt. Bụi hoa mọc liên tiếp lan chàn, nối đuôi nhau nở bung, từng chùm hoa màu đỏ hồng đỏ cam xen kẽ cùng đám lá xanh mướt.

Có những thân cây cỡ nửa vòng ôm, mọc vươn dài zích zắc ra xa hẳn ngoài vách núi, hoa màu nắng rực rỡ như dương quang trưa hè, hoa vàng cam như tẩm ong mật, tím nhạt tím pha xanh, nở chi chít như vào chính vụ.

Cả sườn núi nhấp nhô trùng điệp như được bao phủ bởi đủ loại cây bụi đang kỳ ra hoa đơm bông, màu sắc đa dạng như hồng tím đỏ đậm, hồng nhạt hồng cam. Dưới bầu trời trong xanh dịu nhẹ, sắc hoa đầu xuân còn e ấp chen lấn cùng lá non, như điểm nhấn cho không gian lạnh lẽo cô quạnh chỉ có cỏ cỏ đá đá. 

-Chúng ta đang ở độ cao hơn 2.000m so với mặt biển, nơi đây còn được mệnh danh là "vương quốc" hoa đỗ quyên. Loài hoa này có nhiều sắc màu lộng lẫy, nở rộ nhất vào kỳ cuối xuân đầu hạ, đến khi ấy khắp vùng tràn ngập sắc hoa tuyệt mỹ, diễm lệ như chốn tiên cảnh bồng lai. 

Diễn thuyết xong lão bà nhanh tay lẹ mắt ngắt hoa bẻ bông như người ta thu hoạch lá chè, cứ thế cho vào giỏ đeo sau lưng.

Bạch Ngân bay lên bay xuống bay xa bay gần, mắt lóng la lóng lánh, gương mặt rạng rỡ thoả mãn.

Tôi cũng cầm máy ảnh lên, phông nền đẹp người mẫu đẹp, không lưu giữ lại kỷ niệm mấy tấm, cũng quá uổng phí được dịp đi qua.

-Mặc dù hoa đỗ quyên có nhiều công dụng chữa bệnh nhưng đồng thời nó cũng chứa độc tố xua đuổi được côn trùng. 

(Tất cả các bộ phận đều có chất độc andromedotoxin và arbutin glucoside. Trong đó hoa là độc nhất, ăn khoảng 450 g hoa đỗ quyên đủ để gây ngộ độc nặng cho người 50 kg.)

Bà ấy vừa đi vừa nói tuỳ tiện vươn tay bứt hái.

-Tôi đây chính là thu thập một chút sau này có việc cần dùng.Nơi chúng ta sắp đối mặt, thật sự không đơn giản, muốn đối phó được cần có chút xắp xếp chuẩn bị.

Ưu Đàm giống như lão thiền sư thanh tâm tĩnh tại, mắt nhìn mũi mũi nhìn chân, chẳng buồn xoay trái xoay phải, kè kè keo dính bên cạnh.

Ô Nha toe toét chạy vòng tròn quanh chúng tôi, vừa tự chơi đùa vừa phụ giúp bà ấy cho mau việc, bé từ nhỏ sống một mình trong rừng thành ra rất dạn dĩ, nhìn thấy rắn trùng gì đó đều là thản nhiên.

Bà ấy lấy đầy ắp một giỏ, chắc phải đến 2kg cánh hoa, phía trên phủ cành cây che chắn.

Hắc Hồn cũng tham gia tiệc vui, hứng trí bừng bừng chạy loạn đông tây, sau đó tôi thấy nó bắt được thứ gì đó, nô đùa trong hai cái xúc tu tạm gọi là tay, rồi lại thả ra dùng đuôi đập liên tu bất tận như thể người ta giỡn với banh nỉ. Cái thứ tròn vo đó quả cũng thấy nảy lên nảy xuống,”quang quác” kêu la có vẻ sắp phát khùng, màu sắc khó xách định như muốn hoà trộn với hoa cỏ xung quanh.

Tôi vừa nheo nheo mắt vừa tiến lại gần, âm thanh “quang quác” như gà bị cắt tiết càng khiến người ta sửng sốt hiếu kỳ. 

Ế, thứ này trông quen lắm nha.

Hắc Hồn dùng hai ngón tay túm một nắm lông của nó, sau đó giơ lên cao không ngừng lắc lư qua lại để nó treo lủng lẳng trước cửa miệng, trực chờ rơi vào bụng.

Thứ đó tròn vo như quả bóng bi-a, giãy giụa kịch liệt, “quang quác” vừa có chút kinh hách vừa có chút căm giận.

Nhìn ra rồi, là Nhãn Tinh do thám của Miêu tộc đây mà. Tôi nhận định xong vội vã vỗ tay để thu hút sự chú ý của Hắc Hồn. 

Hắc Hồn ngẩn người nhìn tôi, một lúc sau hiểu ý mới thả tay.

Viu một cái thứ đó chạy thoát khỏi trêu đùa oái oăm của Hắc Hồn, không may tốc độ của nó tuy nhanh, còn có kẻ như lường trước được sự việc, nhanh hơn tóm gọn lại.

Ưu Đàm dễ dàng nắm nó trong lòng tay, chỉ cần hơi dùng lực bóp, rất có khả năng lập tức thứ đó sẽ được chuyển kiếp.

Tôi chạy vội tới, gọi một tiếng “Ưu Đàm” để nó đừng manh động.

Ưu Đàm xoè bàn tay, trong lòng một thứ cầu lông bông có độc nhãn màu như lông công to đùng không ngừng chớp chớp, nước mắt cũng theo đó rào rào rơi xuống lũ lượt.

-Đó là thứ kỳ lạ gì?Lần đầu tiên nhìn thấy, thật ngộ nghĩnh!

Lão bà chăm chú nhìn, tôi nhàn nhạt đáp. 

-Tôi bị một đám người quái gở theo dõi, đi cùng thế này chỉ sợ liên luỵ tới lão bà. Nghe nói là một sinh vật đặc hữu ở Miêu tộc Thông Lĩnh.

Ô Nha reo lên thích thú.

-Thật dễ thương quá, chúng ta nuôi nó được không bố Minh? 

Thứ đó chẳng hiểu sao cứ không ngừng run lên lập cập như thể sốt rét, có thể nhìn thấy đám lông nhung rung động và tiếng răng va chạm phía sau. 

Tôi nhếch mép, cười cười.

-Mắt của chúng kết nối với chủ nuôi, thứ chúng nhìn thấy sẽ truyền tải hình ảnh về trong tâm trí người chủ. 

-Bông Tuyết không còn chúng ta nuôi nó đi?Đáng yêu quá!

Ô Nha vươn tay muốn động, tôi tức khắc ngăn lại, nghiêm giọng nói với con thú.

-Mấy người muốn thôn tính cái gì, tôi không dư hơi thừa sức ngăn cản.Nhưng mấy người muốn đụng tới Ưu Đàm, vậy thì tôi sẽ dốc toàn lực ứng đối, không cần biết đến bao nhiêu người, cũng sẽ như con Nhãn tinh này.

Dứt lời tôi đưa mắt ra hiệu cho Hắc Hồn, nó lập tức vui vẻ vươn xúc tu tới, chỉ thấy một dải đen đen xoẹt qua, Nhãn tinh trên tay Ưu Đàm theo đó biến mất, cái miệng Hắc Hồn mở ra rồi đóng lại.

Chúng tôi lại đi miết đi miết, qua vài tiếng cảm giác đường càng lúc càng dốc đứng, càng lúc càng lên cao, cánh đồng hoa dần thay thế bằng những thân cây to sù sụ rêu mốc, cành lá cao vòi vọi như một khu rừng nguyên sinh già nua ngàn tuổi. 

Ở độ cao này mây như sương như khói vây vây phủ phủ, mỗi đợt gió lùa tới, đám mờ mờ ảo ảo lại tan loãng đi một chút, di sang chỗ này, du sang chốn kia, được một lúc yên ổn lại từ tốn hội tụ về, có xu hướng dày đặc thêm.

Có rất nhiều cây có đường kính khoảng hai đến ba người ôm cao tít tắp, khắp vạt rừng rậm rạp tán lá nào cũng một màu xanh thẫm, gốc cây nào cũng phủ đầy rêu mốc xanh rì, dưới tán cây là dương xỉ dày đặc, trên tán cây giăng thật nhiều tầm gửi dây leo, uốn lượn chằng chịt dọc ngang, trong bầu không gian âm âm u u nhìn sơ thoáng tưởng đàn trăn nằm vất vưởng tĩnh dưỡng trên đó.

Tre trúc cũng có rất nhiều loại khác biệt, có loại lớn thân to bằng bắp chân, thậm chí bằng cả ống luồng, loại nhỏ như trúc lùn thân chỉ bằng cọng tăm cao đến đầu gối. Lão bà tiện tay chặt mấy khúc đưa tôi cầm, tôi quen tay đưa qua Ưu Đàm.

Tôi đã để ý quan sát từ nãy, bởi vì dưới mặt đất kỳ quái là, thật khó khăn để phát hiện ra có lá cây rụng xuống. Dưới đất đi chỉ thấy có lác đác hoa trắng muốt, bé tí hin rơi rụng.

Lão bà đưa mắt nhìn tôi, nhàn nhã lên tiếng. 

-Chúng ta đang ở trong rừng chè cổ thụ, nhưng cây ở đây đều có tuổi thọ rất cao, một hai nghìn năm cũng không quá hiếm gặp. Vòng đời của lá chè rất dẻo dai, lá lúc nào cũng xanh mướt ướt đẫm. Ở đây lương khí thanh thuần những hạt chè rơi vào kẽ đá, rễ bám trùm lên tảng đá, len vào vết nứt của đá núi nảy nở vươn mình, khai chi tán diệp

Ở độ cao gần 3000m khí hậu hà khắc, rét buốt thấu xương mùa đông tuyết phủ, nước trong đất cũng đóng băng chúng khó khăn nhọc nhằn hút dinh dưỡng do đó lớn rất chậm.Tôi có cảm giác rằng sự sống của chúng như ngừng trôi, đối với loại cây này năm tháng dường như không quan trọng. 

Bà ấy nói xong cũng là lúc trước mặt chúng tôi hiện ra một hồ nước, không rộng lắm nhưng cực kỳ hớp hồn. Luận về dung mạo so với Hồ Ngũ Sắc mê người ở núi Thái Hành cũng tương đương không thua kém, nhưng mang theo một vẻ đẹp thanh nhã thoát tục có chút ảo mộng không thực.

Mặt hồ óng ánh có màu xanh huỳnh quang ấn tượng, xanh quyến rũ như màu da trời phẳng lặng soi gương, in ra những hoạ tiết bóng mây trắng như tuyết thong thả lưu chuyển. 

Trong lòng hồ thấy nhô lên khỏi mặt nước những cành cây khẳng khiu, những khúc cây đoạn cành gầy guộc trông như những bàn tay khô héo quắt queo cố thoát khỏi mặt nước, mang theo vẻ lạnh lẽo u tịch.

Dường như có rong tảo mềm mại sinh trưởng, màu xanh lục rực rỡ như cẩm ngọc phuỷ thuý ẩn hiện trong màu xanh dương, nước trong tới mức có thể nhìn sâu xuống lòng hồ cỡ 7m, sau đó bạn chợt giật mình hoảng hốt.

Hồ rất sâu, có cảm tưởng vượt ngoài phạm vi nhìn rõ là bóng tối và khoảng không vô hạn, che dấu ẩn nấp thứ gì đó cư ngụ. Cả một khu rừng chìm như những thây khô câm lặng mặc nhiên cho rong rêu tảo bẹ uốn lượn, phát triển trù phú tạo ra cảnh quang dưới nước cực kỳ độc đáo bí ẩn. 

-Chúng ta sẽ dừng chân đun nước nấu lá chè, thả mồi chờ cá đớp.

Đang bần thần ngắm kỳ cảnh lão bà ở phía sau gọi vọng tới. Tôi quay đầu thấy lão bà cùng Ô Nha đang đi thu lượm cành khô chuẩn bị nhóm bếp. 

-Cậu đi hái lá chè và lấy nước về đây.

Bà ấy phân chia công việc.Tôi không phản đối chỉ lặng lẽ cầm lấy ấm đun, đi được một đoạn lại không cầm lòng được dừng bước hỏi.

-Tôi thấy hồ kia muốn câu được cá...không bằng để tôi đi săn thú rừng còn khả quan hơn. 

Lão bà cười hắc hắc, tiếp.

-Cũng không phải câu cá để ăn, để tế lão Sơn Thần thôi.

Tôi bước tới bên hồ múc nước, nước cực kỳ giá lạnh, tưởng như từ băng tuyết tan chảy, thật không biết sinh vật gì chịu nổi. Tôi quay trở lại, hỏi.

-Lễ vật dâng Sơn Thần là cá? Đúng là lần đầu nghe thấy!

-Thường để tỏ lòng thành biết ơn thì cúng thú rừng, nhưng chúng ta chính là muốn dụ Sơn Thần ra mặt, cho lão gửi ít mùi cá tanh là đúng rồi. 

Bà lão an nhiên mà nói như thế, đống củi đã được thắp lửa. Bà ta bắt đầu dùng cái liềm đục khoét ba ống trúc to cỡ bắp chân người lớn, lại bổ sung thêm.

-Hơn nữa không phải cá nào lão cũng chịu ló mặt ra, phải là Hoàng Cương Ngư.

-Hoàng Cương Ngư? 

Hoàng Cương Ngư là một loại quái ngư, trong “Sơn Hải Kinh” từng viết ở nơi thâm sơn cùng cốc có một hồ nước gọi là Băng Thạch Hồ, nước quanh năm buốt giá trong lòng dường như chỉ toàn đá. Tuy nhiên nó lại là nơi sinh sống ưa thích của một loài quái ngư tên là Hoàng Cương Ngư, loài cá này dài bảy thước (7m) giống cá chép nhưng có màu vàng như kim ngân, bao phủ bên ngoài là một lớp vẩy rất cứng rắn thậm chí đao thương cũng không đâm xuyên qua được.

-Bà đùa sao?

Tôi đặt ấm nước xuống.

-Bà định câu thế nào?

Bà lão đổ cái giỏ đeo bên hông, thế mà bên trong còn lòi thêm được hai em rắn nữa, mỗi em dài khoảng 1 thước rưỡi (150cm). Lại dùng lưỡi liềm gạt một cái đứt đầu hai em, máu chảy ra tức thì được bà hứng vào miệng ống trúc.

-Chính là dùng thịt rắn.

-Vậy chúng ta ăn gì?

-Ăn Hoàng Cương Ngư.

Lão bà đương nhiên nói, tôi muốn nổi điên.

-Không phải nói cá dùng để biếu lão Sơn Thần?

-Cậu biết thịt Hoàng Cương Ngư quý giá cỡ nào không? Mà lão Sơn Thần thì chán ghét cá cùng cực, cho lão cũng chẳng thèm ăn, chúng ta chỉ cần dùng máu.Về phần thịt, đối với con người là trăm lợi vô hại, có thể tẩy tuỷ dịch kinh thoát thai hoán cốt.

Bà lão phán chắc như đóng đinh định cột, tôi thừ người ra, mặc dù trước đụng rất nhiều truyện kỳ kỳ quái quái nhưng mà sự thật tôi vẫn là người hiện đại, được tiếp thu khoa học đời sống văn minh sống trong môi trường điện tử thông tin kỹ thuật số. Mấy thứ vốn ở trong sách cổ thì cứ ở trong sách đi, vì cớ gì hết lần này tới lần khác lại để tôi đụng chạm?

-Thế nào? Không tin?Tôi đây cũng không tin, vì 3 chục năm qua tôi chưa từng câu thành công.

Bà ta dứt lời xong tôi mới thở phào nhẹ nhõm.

-Vì cớ gì bà tin tưởng tới vậy? Sơn Thần quái ngư, nhỡ đâu tất cả đều không tồn tại?

-Vì cớ gì?Tôi vì muốn tìm lại con gái, tìm lại cháu trai, 30 năm qua chấp mê bất ngộ. Tôi đã không còn đường để lui. 

Bà lão chặt hai con rắn mỗi con thành 6 khúc dài, mỗi khúc cỡ hai tấc hơn (25cm) sau đó đứng lên, lùng sục tìm thứ gì trong lùm cây gần đó, lát sau lôi ra một cái túi lớn, lại từ trong túi lần lượt lôi ra ba thứ mảnh dẻ thon dài được làm từ tre trúc, một dụng cụ không thể thiếu cho hoạt động câu cá, cần câu. 

Bà ấy mang chúng ra bờ hồ, gắn mồi vào móc câu, làm động tác quăng cần, dây câu lao đi rất xa, ra giữa lòng hồ rồi dần dần mồi câu chìm sâu vào khu vực tăm tối. Bà ấy cắm cần câu xuống đất, lại dùng đá nhỏ xung quanh chèn nén lại, giữ cho nó đứng yên tại chỗ, vừa làm bà vừa nói. 

-Tôi sử dụng phần ngọn trúc dài khoảng hai thước tám tấc ba phân (283cm). Đầu tiên tre sẽ được hun nóng để làm bay hơi nước. Rồi xẻ dọc thành 6 phần bằng và đều nhau, trau truốt tỉ mỉ rồi lại buộc chặt cố định và dùng keo cẩn trọng ghép các mảnh lại tiếp tục đi hun khô thêm lần nữa. Sau đó lại chà nhám, gắn khoen cuối cùng phủ lớp sơn dầu bảo quản. 

Lão bà đi tới hai khu vực khác, lại lần lượt quăng dây, tôi không hiểu về câu cá, chỉ thấy ổ trục rất to hiển nhiên dây chứa rất dài, dây câu vẫn tiếp tục đi xuống, mồi câu vẫn tiếp tục chìm, không biết đáy hồ sâu bao nhiêu.

Tôi không biết nhiều về câu cá, nhưng cũng biết người ta hay dùng mồi nhỏ như giun đất hoặc ốc nặn thành viên bánh chứ dùng xác rắn mà mồi câu lớn để dụ vẫn là lần đầu. 

-Cậu biết không, 30 năm qua tôi làm chục cái cần câu, hầu hết đều chỉ sử dụng được vài lần, rất nhanh bị gãy hỏng, thậm chí dây cước cũng đứt. Lực giằng kéo vô cùng khủng bố, có hai lần gần đây nhất tôi cũng suýt bị lôi xuống theo, cũng là hai lần duy nhất nhìn thấy một vệt kim quang lóng lánh vun vút trong đám rong tảo.

Biết sự tích cá chép nhả ngọc vượt Vũ Long Môn hóa rồng?

Tôi gật nhẹ, nói. 

-Người ta vẫn truyền miệng rằng, có một loại cá chép sống qua năm mươi năm thì vảy sẽ chuyển thành vỏ giáp xác, là hiện tượng sừng hoá chuyển thành vảy kitin, bề mặt dễ bị tảo nước ký sinh da cá sẽ không bị ăn mòn. Cảm tưởng đứng trên mặt hồ nhìn xuyên xuống, có ảo giác cá như mọc râu rồng. Nhưng mà vệt nước lấp lánh tựa như vảy dát vàng...chẳng lẽ là hoá thành rồng luôn rồi? 

Nước hồ trong nên dễ dàng quan sát khu vực gần bờ, độ dốc lớn nên khó đứng vững để thả câu, chỉ có thể ở trên bờ. Hơn nữa lòng hồ sâu, tuy nước không siết nhưng nhiều rong tảo và xác cây, cũng không thể móc nhiều lưỡi câu thả ở nhiều tầng nước, dễ bị rong tảo cuốn lấy làm rối loạn. 

Tôi đối mặt với hồ nước tĩnh lặng trong xanh, sương khói nhè nhẹ lan toả vấn vít trên đầu cành những cái cây chết chìm mấy trăm năm say giấc trong lòng hồ tĩnh tại, những xúc tu rong tảo như những sợi dây vô hình trói buộc líu giữ chúng, như những thây khô không sao thoát khỏi mặt nước, gần xế chiều quang cảnh càng tịch liêu quỷ mị. 

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.