Em Gái Ba Tuổi Rưỡi Của Ảnh Đế

Chương 111




Ngày thứ nhất - Thứ Bảy

Tự tỉnh lại trong căn phòng đó và không biết mình đang ở đâu, tôi rất hoảng sợ. Thứ duy nhất tôi nhìn thấy là một ngọn đèn điện, tỏa ra ánh sáng màu vàng yếu ớt giữa không gian tối đen. Bốn bề là tường bê tông xám ngắt. Đây là một căn phòng nhỏ hình lập phương, không có lấy một ô cửa sổ. Hình như tôi bị người ta nhốt ở trong này và đã ngất đi.

Tôi chống tay ngồi dậy. Bàn tay áp trên nền bê tông giá lạnh cứng đờ. Tôi quay nhìn khắp xung quanh, đầu nhức như búa bổ.

Bỗng nghe thấy tiếng rên rỉ sau lưng, tôi ngoảnh lại, thì ra là chị tôi đang nằm bên cạnh, tay ôm đầu.

“Chị, chị có sao không?”

Tôi lay chị, chị vẫn nằm nguyên đó mở mắt ra nhìn tôi rồi mới ngồi dậy. Chị ngó quanh y như tôi vừa nãy.

“Đây là đâu?”

Chịu thôi. Tôi lắc đầu.

Căn phòng này chỉ trơ khấc một ngọn đèn sáng lờ mờ từ trên trần thả xuống, không có gì khác. Tôi không nhớ nổi chúng tôi đã vào đây như thế nào.

Tôi chỉ nhớ rằng, khi đó hai chị em đang đi trên con đường rợp bóng cây gần một cửa hàng bách hóa ở ngoại thành. Chị phải trông tôi cho đến lúc mẹ mua xong các thứ và quay lại. Cả hai đều chẳng vui vẻ gì, vì tôi đã lên 10 tuổi, có thể tự lo cho bản thân. Chị có vẻ cũng muốn bỏ quách tôi ở đó để đi chơi. Nhưng mẹ cứ bắt hai đứa phải kè kè bên nhau cấm được tách ra.

Chị em tôi đều ấm ức, lẳng lặng sóng bước trên con đường dành cho người đi bộ. Mặt đường lát những viên gạch vuông giống như được vẽ hoa văn lên vậy, hai bên đường là cây cối cành lá rậm rạp, tạo thành những tán ô to thật to.

“Em cứ ở nhà có phải tốt hơn không?” “Sao chị ích kỷ thế?!”

Hai đứa liên tục cãi nhau. Sắp lên phổ thông đến nơi rồi mà chị vẫn đấu khẩu với tôi như trẻ con vậy. Thật không khỏi khiến người ta lấy làm lạ.

Đang đi bỗng nghe có tiếng người nói ở bụi cây phía sau. Chúng tôi đều ngoái lại nhưng chưa kịp nhìn rõ đâu vào đâu thì đã thấy đầu đau kinh khủng. Tỉnh lại thì đang nằm trong căn phòng này rồi.

“Hình như ai đó đã tấn công chúng ta từ phía sau, cả hai cùng ngất đi...?” Chị đứng lên, nhìn đồng hồ đeo tay. “Sang thứ Bảy rồi... chắc lúc này là 3 giờ sáng?”

Đó là một chiếc đồng hồ kim, chị tôi thích nó vô cùng, thậm chí không cho tôi đụng vào. Trên mặt đồng hồ màu bạc có một ô nhỏ xíu hiển thị thứ trong tuần.

Căn phòng này vừa đúng hình lập phương, dài, rộng, cao mỗi chiều đều chừng ba mét. Mặt tường cứng đơ màu xám hiện lên lờ mờ dưới ánh sáng đèn trần.

Phòng có độc một cánh cửa sắt, không có cả tay nắm, trông cứ như một tấm sắt nặng nề đúc liền vào bức tường bê tông.

Dưới chân cánh cửa chỉ có một khe hẹp chừng 5 centimet, ánh sáng từ bên ngoài lọt qua hắt vào mặt sàn.

Tôi quỳ rạp, cố ghé mắt nhìn qua khe hở. Không nhìn thấy gì cả. “Có thấy gì không?”

Trước khuôn mặt tràn trề hi vọng của chị, tôi lắc đầu.

Bốn bức tường và sàn kể cũng sạch, không tích bụi bặm, chắc là gần đây có người quét dọn. Tôi cảm tưởng như mình đang bị nhốt trong một cái hòm màu tro lạnh giá.

Bên dưới ngọn đèn duy nhất đang treo chính giữa trần, hai chị em đi đi lại lại, bóng cũng di động qua lại trên bốn bức tường. Ánh sáng quá yếu nên ở góc phòng vẫn rất tối.

Căn phòng hình lập phương này có một đặc điểm.

Trên nền có một cái rãnh rộng khoảng 50 centimet. Nếu coi cánh cửa kia là mặt chính căn phòng thì rãnh này nối từ chân tường bên trái sang chân tường bên phải, đi ngang qua phòng. Một dòng nước đục ngầu trăng trắng chảy từ trái sang phải, bốc mùi kinh khủng khác thường, những chỗ bê tông tiếp xúc với nước đều bị biến thành một màu đáng sợ.

Chị tôi đập tay vào cửa, gọi, “Có ai ở đó không?”

Không ai trả lời. Cửa rất dày, tha hồ đập không hề hấn gì. Tiếng đập cửa ầm ĩ một cách lạnh lùng như muốn nói rằng sức mạnh của con người chẳng thấm vào đâu. Âm thanh nặng nề trầm đục dội đi dội lại trong căn phòng.

Tôi buồn rầu đứng lên, bất động. Khi nào chúng tôi có thể ra khỏi đây? Túi xách của chị tôi không còn, di động để trong túi, giờ chẳng có cách nào để liên lạc với mẹ.

Chị tôi áp mặt sát đất, lớn tiếng gọi qua khe cửa. Dốc hết sức lực kêu cứu.

Gọi một hồi lâu, mồ hôi chị vã ra.

Lát sau, hình như ở đằng xa có tiếng người vẳng lại. Hai chị em đưa mắt nhìn nhau, hiểu rằng quanh đây còn có những người khác. Tuy không nghe rõ bọn họ nói gì nhưng điều này khiến tôi thở phào nhẹ nhõm.

Sau một hồi đập, đạp cửa đến mệt nhoài và vô ích, cả tôi và chị đều lăn ra ngủ.

Chúng tôi thức giấc vào 8 giờ sáng.

Trong lúc chúng tôi ngủ, có người đã đẩy một lát bánh mì và một đĩa nước sạch vào phòng qua khe cửa. Chị tôi bẻ đôi lát bánh, đưa cho tôi một nửa. Chị tỏ ra lo lắng về kẻ đưa bánh và nước. Dĩ nhiên rồi, vì đó chính là kẻ đã nhốt chúng tôi vào đây mà.

Trong lúc chúng tôi ngủ, nước trong cái rãnh vẫn lờ lững chảy qua giữa gian phòng. Mặt nước lều phều rác rưởi nát rữa bốc lên thứ mùi thum thủm làm tôi khản cả giọng, xác côn trùng và những mẩu đồ ăn thừa cứ bập bềnh trôi qua trước mắt chúng tôi.

Tôi bảo chị rằng tôi muốn đi vệ sinh, chị liếc qua cánh cửa sắt, lắc đầu nói: “Chắc không ra ngoài được đâu, em cứ việc đi xuống rãnh nước ấy.”

Hai chị em đều mong được ra khỏi nơi này nhưng chờ mãi vẫn không thấy ai

đến mở cửa.

“Không hiểu ai đã nhốt chúng ta vào đây và nhằm mục đích gì nhỉ?”

Chị ngồi ở góc phòng, lẩm bẩm, tôi ngồi bó gối phía bên kia rãnh nước. Ngọn đèn vẫn hắt sáng lên bức tường bê tông xám xịt. Nhìn khuôn mặt mệt mỏi của chị, tôi thấy xót xa. Tôi chỉ muốn ra khỏi đây càng sớm càng tốt.

Chị lại gọi vào khe cửa. Đâu đó có tiếng người đáp lại. “Cuối cùng cũng có người lên tiếng!”

Nhưng không thể nghe rõ người ấy nói gì.

Hình như cả ngày chỉ có một bữa ăn vào buổi sáng, vì sau đó không thấy ai đem đến thứ gì khác. Tôi vừa mở miệng kêu đói, chị đã nổi cáu, mắng tôi phải biết chịu đựng một chút.

Vì không có cửa sổ nên không thể nhìn ra ngoài, nhưng xem đồng hồ thì biết bây giờ đã gần 6 giờ chiều.

Lúc này, phía bên kia cánh cửa bỗng vang lên tiếng bước chân. Có người đến.

Đang ngồi ở góc phòng, chị tôi ngẩng phắt đầu lên, còn tôi thì tránh xa khỏi cánh cửa.

Tiếng bước chân mỗi lúc một gần, xem chừng đang tiến đến chỗ chúng tôi. Chắc chắn có người đang đến. Hắn sẽ phải giải thích tại sao lại đối xử với chúng tôi như vậy. Hai chị em cùng nín thở chờ cánh cửa mở ra.

Nhưng kết quả trái với mong đợi của chúng tôi, bước chân ấy lướt qua cửa rồi đi thẳng. Chị tôi thất vọng ra mặt, nhào đến khe cửa gọi to:

“Chờ đã!”

Tiếng bước chân xa dần, không thèm quan tâm.

“Hay là họ không định thả chúng ta ra khỏi đây?” Tôi đâm sợ.

“Sao lại như thế được!” Chị tôi phản bác, nhưng sắc mặt đã tố cáo rằng thực ra chị nghĩ như tôi.

Kể từ lúc chúng tôi tỉnh dậy trong căn phòng này đến giờ, đã tròn một ngày trời.

Trong khoảng thời gian đó chúng tôi nghe thấy rất nhiều âm thanh, tiếng đóng mở cửa sắt, tiếng máy móc, tiếng người nói, tiếng bước chân... Nhưng chúng lẫn lộn và va đập, thành ra chỉ cảm nhận được từng luồng ầm ĩ như tiếng động vật gầm rú dội vào tai.

Phòng nhốt chị em tôi không được mở ra lần nào, chúng tôi đành ngồi tựa vào nhau mà ngủ thiếp đi.

Ngày thứ hai: Chủ nhật

Khi chúng tôi tỉnh dậy, bánh mì lại xuất hiện bên dưới khe cửa nhưng không có đĩa nước. Cái đĩa hôm qua được nhét vào thì vẫn còn trong phòng, chị tôi đoán là do chúng tôi không đẩy cái đĩa ra nên chúng không tiếp nước cho.

“Chết tiệt.”

Chị hậm hực nói rồi cầm cái đĩa lên, định quăng xuống đất nhưng rồi lại thôi. Nếu nó vỡ thì chúng tôi đào đâu ra nước để uống. Có lẽ chị nghĩ thế.

“Phải tìm cách để ra khỏi đây.” “Nhưng... làm thế nào bây giờ?”

Tôi yếu ớt hỏi. Chị nhìn tôi, rồi lại nhìn xuống cái rãnh đang chảy bên dưới. “Chắc rãnh nước này là để cho chúng ta làm nơi đi vệ sinh.”

Rãnh rộng chừng 50 centimet, sâu khoảng 30 centimet. Nước chảy từ chân tường bên này rồi mất hút sau chân tường bên kia.

“Nếu chị mà bò qua thì chật lắm.”

Nhưng chị nói, chắc tôi có thể bỏ qua được.

Tôi nhìn đồng hồ trên tay chị, biết rằng lúc này đã là buổi trưa.

Tức là tôi sẽ phải làm theo lời chị, luồn qua rãnh nước, nếu bò được ra ngoài khu nhà thì sẽ cầu cứu mọi người. Mà dù không ra được bên ngoài thì cũng có thể tìm hiểu tình hình xung quanh. Chắc chị nghĩ vậy.

Nhưng tôi không muốn xuống cái rãnh này chút nào.

Để luồn qua rãnh, tôi chỉ mặc mỗi chiếc quần lót.

Không thể chịu đựng nổi. Tôi sẽ phải ngâm mình trong thứ nước đục ngầu bẩn thỉu này, khiếp quá đi mất. Chỉ có vẻ rất thông cảm cho tôi.

“Đi mà, chịu khó một chút thôi?”

Tôi do dự thò chân xuống rãnh nước. Nước nông choèn, chân tôi lập tức chạm đáy. Nó nhớp nháp và rất dễ trượt ngã. Mực nước chỉ ngập đến dưới đầu gối tôi.

Hai cửa vào ra của rãnh nước ở chân tường là hai cái hốc đen ngòm hình vuông. Cửa rất nhỏ nhưng có lẽ tôi có thể luồn qua. Cửa lớp học, tôi là cậu học sinh nhỏ con nhất.

Rãnh nước tiếp tục kéo dài sang hai phía, là một cống ngầm hình vuông. Tôi ghé mặt xuống gần mặt nước định nhìn xem bên trong cửa cống là gì, nhưng thứ mùi kinh khủng xộc thẳng vào mũi làm tôi nhổm dậy ngay không dám quan sát nữa. Tôi đành ngâm mình trong nước bò vào mà xem xét vậy.

Đề phòng tôi bị mắc kẹt trong đường cống không thể quay lại, chị tôi buộc quần và áo tôi lại, nối với thắt lưng của cả hai làm một sợi dây. Rồi chị lại lấy dây giày để buộc sợi dây đó với bàn chân tôi. Nếu xảy ra tình huống nguy hiểm thì chị sẽ kéo tôi trở lại.

“Em nên chui vào cửa nào?”

Tôi nhìn sang hai cửa cống ở chân tường bên trái và bên phải, hỏi chị. Nước chảy từ phía đầu nguồn về cuối nguồn, từ trái về phải, qua chính giữa chân tường.

“Em muốn vào cửa nào cũng được. Nhưng nếu thấy khắp nơi đều là cống ngầm thì phải lùi lại ngay.”

Tôi chọn phía đầu nguồn. Nếu đứng đối diện với bức tường có tấm cửa sắt thì đó là lỗ cống bên tay trái. Tôi bước đến bên tường, trườn xuống rãnh nước, thứ nước bẩn thỉu ngập hết chân rồi dần dần ngập kín người tôi. Có cảm giác như vô số sâu bọ bò lên khắp người rồi bắt đầu gặm nhấm thân xác tôi vậy.

Tôi nín thở, nhắm tịt mắt, cúi đầu xuống luồn vào cửa cống. Cống rất hẹp, nóc ở ngay trên người tôi. Khi tôi rướn người lên phía trước thì đỉnh đầu luôn chạm sát nóc cống.

Tôi cố trườn đi trong đường cống bê tông hình vuông, có cảm giác mình như sợi chỉ luồn qua đường ống, nước chảy chậm nên dễ nhích lên chứ không đến nỗi bị đẩy ngược lại.

May sao, tôi trườn được khoảng hai mét thì cảm thấy bớt chật, đầu không chạm nóc nữa. Hình như cống ngầm này thông đến một nơi rộng rãi hơn.

Có tiếng người hét to.

Dù đang cực kỳ khó chịu vì ngâm mình trong nước bẩn, tôi vẫn đánh liều mở mắt ra. Thoạt đầu tôi ngỡ mình đã quay trở lại chỗ cũ, vì không gian ở đây giống hệt chỗ nhốt chị em tôi: trước mặt tôi là một căn phòng nhỏ với tường bê tông xám xịt khoanh bốn bề. Cống này tiếp tục kéo dài qua giữa căn phòng.

Không phải tôi trở về căn phòng cũ, vì không thấy chị tôi đâu cả, thay vào đó là một người khác. Đây chỉ là một căn phòng tương tự. Người này là một cô gái lạ mặt, có vẻ lớn hơn chị tôi đôi chút.

“Cậu là ai?”

Chị ta kêu thét lên, lùi bật ra sau trong nỗi sợ hãi.

Có nghĩa là, từ căn phòng nhốt hai chị em tôi, trườn ngược dòng về phía đầu nguồn thì sẽ sang một căn phòng khác y hệt, phòng này nhốt một người. Nếu tiếp tục chui qua lỗ cống, có lẽ lại gặp một căn phòng khác nữa...

Tôi kể với chị gái đang kinh hoàng về tình trạng của mình, nói rằng hai chị em tôi bị nhốt ở căn phòng kế bên. Xong xuôi, tôi cởi sợi dây ở chân ra, tiếp tục chuyến đi. Tôi lại chui xuống rãnh nước và trườn xa hơn nữa. Kết quả là, ngược lên trên còn hai căn phòng nữa, y hệt.

Tóm lại là trườn theo đầu dòng nước, tôi phát hiện ra ba căn phòng tương tự căn phòng nhốt hai chị em tôi.

Mỗi phòng nhốt một người. Phòng thứ nhất là một cô gái trẻ.

Phòng tiếp theo là một phụ nữ để tóc dài.

Phòng xa nhất về đầu nguồn nhốt một phụ nữ có mái tóc nhuộm đỏ hoe.

Họ đều không biết tại sao mình bị giam trong này. Tất cả đều là người lớn. Chỉ hai chị em tôi là trẻ con. Chắc vì người tôi bé nhỏ nên người ta đã tống chung cả hai đứa vào cùng một căn phòng, đồng nghĩa với việc tôi không được tính là một người.

Ngược lên đầu rãnh nước vắt ngang qua phòng chị tóc đỏ thì bị hàng rào sắt chặn nên không trườn tiếp được nữa. Cuối cùng tôi lại trườn trở về căn phòng của mình và kể lại mọi tình hình với chị tôi.

Vì không có nước để tắm, thân thể tôi cứ bốc ra mùi hôi thối kể cả khi người đã khô, khiến căn phòng càng nồng nặc thêm, nhưng chị tôi không phàn nàn gì hết.

“Vậy là tính từ đầu nguồn đến đây, tổng cộng có bốn căn phòng?” Chị khẽ nói, vẻ suy nghĩ.

Một loạt phòng nằm liền kề nhau, phòng nào cũng nhốt người, tuy kinh ngạc nhưng tôi cũng có phần yên tâm vì thấy nhiều người nữa cùng chung cảnh ngộ với chị em mình. Âu cũng là một chút an ủi.

Còn họ, thoạt đầu thấy tôi thì đều hoảng hốt nhưng sau đó lại lấy làm mừng. Họ đã bị nhốt mấy ngày rồi. Không được ai mở cửa, không biết tình hình của mình hiện giờ là thế nào, bên ngoài những bức tường là gì. Kích cỡ thân thể của họ không thể luồn qua cống ngầm. Khi tôi chuẩn bị chui cống rời đi, họ đều mong tôi sẽ trở lại nữa để cho họ biết mọi tình hình mà tôi nắm được.

Không ai biết kẻ nào nhốt mình trong này, vì thế đều rất băn khoăn mình

đang bị nhốt ở đâu, bao giờ được thả ra.

Thuật lại tình hình đầu nguồn với chị xong, tôi lại chui xuống cống ngầm nhưng lần này quay về phía cuối nguồn. Tình hình giống như lần trước, có vài căn phòng bê tông u ám.

Phòng đầu tiên giống các căn phòng đã qua.

Bên trong nhốt một chị trạc tuổi chị tôi. Lúc nhìn thấy tôi, chị rất kinh ngạc. Nghe giải thích xong, chị rất xúc động. Cũng như mọi người, chị không biết mình bị đưa vào đây như thế nào.

Tôi tiếp tục trườn xuôi dòng nước và khám phá.

Lại đến một căn phòng hình vuông, cấu tạo giống hệt các phòng cũ nhưng khác một nỗi là phòng này không nhốt ai, trống trơn, chỉ có một ngọn đèn lờ mờ. Tôi rất lấy làm lạ vì sự trống vắng đó.

Nước trong rãnh tiếp tục chảy xuôi.

Tôi lại trườn theo nó. Không còn ai cầm dây buộc chân nhưng tôi không sợ, tôi đã để lại sợi dây ở phòng của hai chị em. Chắc chắn phía dưới vẫn còn các căn phòng.

Tôi tiếp tục trườn xuống căn phòng thứ ba ở phía cuối nguồn thì phát hiện một phụ nữ trạc tuổi mẹ.

Lúc nhìn thấy tôi nhổm dậy từ rãnh nước, bà không hề tỏ ra ngạc nhiên. Tôi khá bất ngờ về tình hình của bà.

Bà ngồi co quắp trong một góc phòng, dáng vẻ thiểu não, toàn thân run rẩy.

Tôi đã nhìn nhầm, cứ ngỡ bà trạc tuổi mẹ nhưng thực ra bà trẻ hơn một chút.

Tôi nhìn về phía cửa cống phía sau, ở miệng cống hình vuông có hàng rào sắt, tức là không thể trườn đi thêm nữa. Đây là điểm cuối của dòng nước.

“Cô có sao không?”

Tôi thấy lo cho người phụ nữ, bèn lên tiếng hỏi. Hai vai run bần bật, ánh mắt sợ sệt, bà nhìn tôi ướt lướt thướt.

“Ai đấy?”

Giọng bà thều thào, dường như không còn chút sức lực nào.

Khác với những người phụ nữ kia, bà ta đầu tóc bù xù, có rất nhiều sợi tóc rụng trên nền xi măng, mặt và tay đều bê bết những vệt mồ hôi nhơm nhớp, mắt trũng, má hóp, trông cứ như một bộ xương.

Tôi trả lời mình là ai, và nói về việc tôi đang làm. Tôi nhận ra đôi mắt bà ánh lên một tia sáng.

“Tức là, ngược lên trên rãnh nước này có một số người vẫn còn sống?” Người còn sống? Tôi không thể hiểu nổi ý bà.

“Chắc cháu đã nhìn thấy? Cháu không thể không nhìn thấy! Cứ 6 giờ tối mỗi ngày, ở rãnh nước này đều có xác chết trôi...”

Tôi trở về căn phòng của hai chị em, kể với chị tình hình phía cuối nguồn. “Tức là có cả thảy bảy căn phòng liền kề, đúng chưa?”

Chị nói, và để tôi tiện mô tả, chị đánh số cho các căn phòng kể từ đầu dòng chảy cho đến hết. Phòng chị em tôi là phòng số 4, phòng cuối cùng nhốt bà kia là phòng số 7.

Tôi bắt đầu do dự, có nên kể với chị mấy câu bà vừa nói không? Nếu tôi tin lời bà nói là đúng và kể cho chị nghe, chị sẽ bảo tôi là thằng ngốc cũng nên. Nhưng chị đã tinh ý nhận ra tôi đang lưỡng lự.

“Còn gì nữa không?”

Tôi đành lúng búng kể lại lời người phụ nữ trong căn phòng số 7.

Rằng mỗi tối, vào một thời gian cố định, sẽ nhìn thấy xác chết trôi theo dòng nước. Xác từ phía đầu nguồn lững lờ trôi xuôi qua các căn phòng.

Khi nghe bà ta nói thế, tôi rất nghi hoặc. Rãnh nước thì hẹp, không thể thả xác người xuống, cuối phòng số 7 lại có rào sắt chặn, càng không thể thoát đi đâu. Xác trôi đến đó kiểu gì cũng bị mắc lại.

Nhưng người đàn bà hốc hác ấy đã nói thế này:

Xác bị chặt ra thành nhiều mảnh nhỏ, có thể lọt qua ô rào sắt chặn dưới cống ngầm. Cho nên hiếm khi có mảnh nào mắc kẹt ở hàng rào, thông thường thì tất cả các mảnh xác đều lọt qua hết, trôi ra bên ngoài. Bà ta còn bảo, kể từ ngày bị nhốt ở đó, tối nào cũng nhìn thấy các mảnh xác người diễu qua căn phòng.

Nghe kể đến đây, chị tôi mở to mắt. “Tối qua bà ấy nhìn thấy à?” “Vâng!”

Chẳng lẽ tối qua chúng tôi không chú ý nên không nhìn thấy xác chết trôi ở rãnh nước? Không, không thể nào, vì 6 giờ chúng tôi vẫn còn thức. Dù đứng ở đâu, ở góc nào trong phòng này, chúng tôi đều có thể nhìn thấy rãnh nước. Nếu có vật gì đáng nghi trôi qua thì chắc chắn chúng tôi sẽ chú ý đến.

“Ba người trên đầu nguồn có nói thế không?” Tôi lắc đầu.

Chỉ một mình người phụ nữ tiều tụy trong căn phòng số 7 nhắc đến xác chết thôi, hay là bà ta bị ảo giác?

Tôi không thể nào quên được khuôn mặt của bà ấy. Mặt mũi hốc hác, xung quanh mắt là quầng thâm, ánh nhìn lờ đờ trông cứ như người chết. Vẻ mặt khiếp đảm thảm hại, khác hẳn mấy người phụ nữ trong các căn phòng kia.

Chắc chắn bà ta đã phải trải qua những việc vô cùng éo le. “Theo chị, bà ấy có nói thật không?”

Tôi hỏi chị tôi, nhưng chị chỉ lắc đầu, ngụ ý không rõ mấy. Tôi cảm thấy hết

sức bất an.

“Đợi đến giờ, chúng ta khắc biết đó có phải sự thật không?”

Hai chị em ngồi tựa lưng vào tường, chờ kim giờ trên chiếc đồng hồ đeo tay của chị nhích đến con số 6.

Từng giây trôi đi, cuối cùng hai kim giờ và phút đã kẻ lại thành đường thẳng nối hai con số 6 và 12, trên mặt. Đồng hồ màu nhũ, kim đồng hồ lấp lánh dưới ánh đèn, tuyên bố đã đến thời điểm hệ trọng. Hai chị em nín thở, chăm chú nhìn rãnh nước trong phòng.

Bên ngoài có tiếng bước chân đi đi lại lại, khiến chúng tôi hồi hộp không yên. Tiếng bước chân có liên quan đến thời điểm 6 giờ tối này không? Chị tôi không buồn gọi người đang đi lại bên ngoài nữa, chắc vì biết rằng gọi cũng vô ích.

Phía xa xa, có tiếng máy móc gầm lên.

Nhưng không có xác chết nào trôi ở rãnh nước, chỉ có vô số ruồi muỗi bập bềnh trên mặt nước đục ngầu.

Ngày thứ ba: Thứ hai

Khi chúng tôi thức dậy thì đã là 7 giờ sáng. Lại có bánh mì nhét qua khe dưới cánh cửa. Hôm qua chúng tôi đẩy cái đĩa nước uống của ngày thứ nhất ra ngoài, cho nên hôm nay lại có nước sạch đưa vào. Chúng tôi đã làm một việc khôn ngoan. Người đem nhốt chúng tôi vào đây mỗi sáng đều phân phát bánh mì và nước cho tất cả tù nhân. Kẻ đó đem đến mỗi căn phòng một lát bánh mì, và rót nước vào từng cái đĩa đẩy ra qua khe cửa. Tuy không biết mặt mũi hắn ra sao nhưng tôi có thể tưởng tượng cảnh hắn ta lần lượt đi qua bảy căn phòng.

Chị tôi bẻ đôi lát bánh, đưa cho tôi nửa to hơn. “Chị lại muốn nhờ em?”

Chị bảo tôi trườn vào cống ngầm để nghe ngóng tình hình mọi người. Tôi rất không muốn làm thế nhưng chị bảo nếu từ chối thì phải trả lại miếng bánh mì, tôi đành nghe lời vậy.

“Em chỉ cần dò hỏi họ hai điều: một là họ bị nhốt vào đây từ hôm nào, hai là họ có nhìn thấy xác người trôi trong rãnh nước không. Thế thôi?”

Tôi làm theo lời chị.

Trước hết tôi đến ba căn phòng đầu tiên.

Nhìn thấy tôi, họ đều rất yên tâm. Rồi tôi bắt đầu hỏi họ hai câu hỏi mà chị tôi đã dặn.

Tôi cứ tưởng bị giam trong căn phòng kín như bưng này sẽ khó mà tính ra mình đã ở trong này bao nhiêu ngày, nhưng thực ra tất cả đều biết rõ. Mỗi ngày chỉ có một bữa ăn sáng, cứ việc đến xem mình đã ăn sáng bao nhiêu lần là biết ngay.

Tôi tiếp tục đến ba căn phòng ở phía cuối nguồn. Nhưng lại xảy ra một chuyện kỳ quái.

Phòng số 5 vẫn như hôm qua, có một phụ nữ trẻ.

Nhưng phòng số 6 thì không bỏ trống như hôm qua nữa, có một phụ nữ trẻ đang ở đây. Lần đầu tiên tôi gặp người này. Khi thấy tôi chui từ dưới cống lên chị ta hét to rồi khóc rầm rĩ, làm như tôi là quái vật không bằng. Tôi nói rằng tôi bị nhốt ở đây như chị, vì vóc người nhỏ thó nên có thể luồn qua cống ngầm và ngoi lên đây, giải thích mãi chị ta mới chịu hiểu.

Chuyện là hôm qua chị tỉnh lại thì thấy mình đã ở đây rồi. Trước đó chị đang tập chạy bộ trên đê, khi băng qua một chiếc xe tải màu trắng đỗ bên đường thì bị đánh vào đầu, ngất xỉu đi. Có lẽ vẫn còn đau, chị phải đưa tay lên ôm đầu.

Rồi tôi sang phòng số 7. Thì gặp một chuyện nằm ngoài dự đoán.

Hôm qua người phụ nữ tiều tụy trong căn phòng này còn kể với tôi chuyện xác chết trôi qua rãnh nước, nhưng bây giờ không thấy bà ấy đâu nữa. Bà đã biến mất, để lại không gian lạnh lẽo với bóng đèn điện đang chiếu sáng trong căn phòng bê tông.

Kỳ quái ở chỗ, căn phòng còn sạch sẽ hơn hôm qua lúc tôi đến, không một dấu vết gì cho thấy đã từng có người bị nhốt trong này. Trên tường dưới sàn không mảy may cáu bẩn, chỉ có ngọn đèn vẫn hắt sáng xuống các bề mặt bê tông màu xám phẳng lì.

Chẳng lẽ việc tôi gặp bà ấy hôm qua chỉ là ảo giác? Hay tôi đã nhầm phòng?

Tôi trở lại phòng số 4 của mình, kể với chị tôi những điều tai nghe mắt thấy. Câu thứ nhất mà chị bảo đi hỏi, mỗi người có một câu trả lời khác nhau.

Chị nhuộm tóc đỏ ở phòng số 1 đã bị nhốt trong đó sáu ngày, vì có người

đưa đến cho chị sáu bữa sáng, chắc chị không nhớ nhầm.

Người phụ nữ ở phòng số 2 thì hôm nay là ngày thứ năm bị nhốt. Người ở phòng số 3 thì bốn ngày. Hai chị em tôi bị nhốt ở phòng số 4, từ khi tỉnh lại, tính đến hôm nay, đã là ngày thứ ba ở đây.

Sau phòng chúng tôi, người ở phòng số 5 bị nhốhtai ngày. Ng ười ở phòng số 6 đêm qua tỉnh lại, sáng nay mới ăn sáng lần đầu, coi như là ngày thứ nhất.

Không biết người trong căn phòng số 7 đã bị nhốt bao lâu rồi nhỉ? Tôi chưa kịp hỏi thì bà đã biến mất.

“Hay là bà ấy đã được ra?”

Tôi hỏi chị tôi, nhưng chị chỉ đáp cộc lốc, “Không biết nữa?”

Về câu hỏi thứ hai - có nhìn thấy xác chết trôi trên rãnh nước không, thì mọi người đều lắc đầu. Không ai nhìn thấy. Và, khi nghe tôi hỏi thì họ đều tỏ ra bất an.

“Tại sao em lại hỏi điều này?”

Người nào cũng căn vặn tôi. Họ cho rằng tôi nắm được những tin tức đặc biệt nên mới hỏi thế. Kể cũng phải thôi, họ không thể làm như tôi để biết được tin tức về các căn phòng khác nên chỉ đành tưởng tượng, tưởng tượng rằng ngoài căn phòng có thể là đài truyền hình hoặc khu vui chơi giải trí gì đó, tha hồ nghi ngờ đủ thứ để giết thời gian.

“Rồi em sẽ kể với chị sau?”

Tôi đáp nhanh gọn với tất cả rồi kết thúc cuộc đối thoại.

“Tôi không cho cậu đi nữa! Cậu là đồng bọn với những kẻ nhốt tôi ở đây chứ gì? Cậu nói các phòng khác đều nhốt người, là nói dối, đúng không?”

Khi tôi sắp ra về thì người ở phòng số 1 nói vậy, rồi chị ta đứng xuống rãnh nước chặn luôn cửa cống về cuối nguồn, không cho tôi rời đi.

Tôi đành kể lại chuyện hôm qua nghe được ở phòng số 7 và việc chị tôi dặn đi tìm hiểu tình hình. Nghe xong mặt chị ta biến sắc, tái nhợt, rồi lẩm bẩm, “Nhảm nhí, làm sao có chuyện như thế được!” Sau đó nhường lối cho tôi chui vào cửa cống ngầm.

Kết quả là chẳng ai nhìn thấy xác chết nào cả. Xem chừng người phụ nữ ở phòng số 7 đã ngủ mê. Chắc là vậy rồi, tôi tự nhủ.

Bà ta nói mỗi tối vào một giờ nhất định đều nhìn thấy xác trôi qua, nhưng những người ở đầu nguồn từng bị nhốt nhiều ngày lại nói “Không nhìn thấy”, chuyện này là thế nào đây?

Tôi thở dài, cầm nắm quần áo nối thành dây mà chà xát cái thân thể bẩn thỉu vừa “móc” dưới cống lên. Quần áo tôi đã bị chị tôi thắt thành dây cả nên tôi mặc độc cái quần lót. Được cái là phòng rất ấm nên tôi không bị cảm. Nắm quần áo bị ném ở góc phòng, thỉnh thoảng tôi dùng nó làm khăn lau người.

Tôi ôm hai đầu gối nằm co trên sàn mà ngủ. Nằm trơ trọi trên nền bê tông cứng khiến toàn thân tôi đau ê ẩm, nhưng không còn cách nào khác.

Tuy những thông tin còn rất mơ hồ nhưng tôi vẫn nghĩ mình nên nói cho những người khác biết. Chỉ e họ đang bị nhốt trong một phạm vi chật hẹp, càng nghe sẽ càng thấy sợ mà thôi. Nghe tôi kể, có khi họ lại chẳng hiểu gì cũng nên.

Tôi đâm ra khó xử, mình có nên kể với họ không?

Chị tôi ngồi ở một góc phòng, lúc này đang chăm chú nhìn chỗ tiếp giáp giữa tường và sàn, và nhặt một cái gì đó lên.

“Có tóc rụng?”

Tay chị nhón mấy sợi tóc. Dường như chị rất ngạc nhiên, giọng nói đầy vẻ nghiêm trọng. Tôi lấy làm khó hiểu.

“Em nhìn độ dài của nó đi?”

Chị đứng lên, kéo sợi tóc sang hai bên như muốn xác định lại độ dài của tóc nhặt được. Nó dài chừng 50 centimet.

Rốt cuộc tôi hiểu ra điều chị muốn nói. Tóc chị tôi không dài đến thế, nói cách khác, những sợi tóc rụng trên sàn nhà là tóc của một người khác.

“Phòng này đã từng có người ở trước khi chúng ta bị đưa vào?” Chị lẩm bẩm, sắc mặt bỗng tái xanh.

“Chắc chắn là... à không, có lẽ là... chị chỉ suy đoán vớ vẩn thôi. Nhưng em nhận ra đúng không? Những người ở mấy căn phòng phía đầu nguồn đã bị nhốt khá lâu, người ở phòng trước bị đưa vào sớm hơn một ngày so với người ở phòng sau. Tức là mọi người bị nhốt theo thứ tự thời gian, bắt đầu từ phòng số 1?”

Chị tôi chú ý đến số ngày bị nhốt của các nạn nhân là khác nhau. “Vậy trước đó thì sao?”

“Trước khi có người vào? Thì bỏ trống chứ còn gì?”

“Ừ, thì bỏ trống, nhưng trước đó nữa thì sao?” “Trước đó nữa, là bỏ trống?”

Chị lắc đầu, đi đi lại lại trong phòng.

“Thử nghĩ về ngày hôm qua mà xem. Kể từ khi chúng ta tỉnh lại trong căn phòng này, ngày hôm qua tính là ngày thứ hai. Với người ở phòng số 5 thì là ngày thứ nhất. Với người ở phòng số 6 sẽ coi là ngày số 0, tức là bỏ trống. Nhưng còn người ở phòng số 7 thì sao? Nếu xếp thành một dãy thì đó sẽ là ngày số -1. Số âm, ở tiểu học em đã học rồi chứ gì?”

“Đương nhiên là em học rồi?”

Nhưng chị nói thế phức tạp quá, tôi vẫn chưa hiểu mấy.

“Thấy chưa? Nhưng căn bản không có chuyện người bị nhốt ở đây âm ngày. Theo chị suy đoán, thì hôm qua bà ấy đã bị nhốt ở khu vực này sang ngày thứ sáu rồi. Bà ta bị đưa vào trước người bị nhốt ở phòng số 1 một ngày.”

“Thế thì bà ấy hiện đang ở đâu?”

Chị tôi dừng bước, đứng im, nhìn tôi, không nói không rằng. Sau một lúc do dự mới lên tiếng lại, là chắc bà ta đã không còn trên cõi đời này nữa.

Phòng hôm qua có người, hôm nay người đó đã biến mất; phòng hôm qua không có người, hôm nay lại có người khác vào. Tôi nhìn chằm chằm vào nước trôi dưới rãnh, mải miết suy nghĩ về sự khác nhau của các căn phòng theo hướng chị vừa suy luận.

“Cứ sau một ngày thì căn phòng không người ở sẽ lùi về phía cuối nguồn, lùi đến phòng cuối cùng thì lại quay ngược về đầu nguồn. Bảy căn phòng tượng trưng cho một tuần lễ...?”

Mỗi ngày đều có một người bị giết, quăng xuống rãnh nước cho trôi đi. Và gian phòng bỏ trống lại được nhét một người khác vào.

Giết từng người theo thứ tự, rồi bổ sung người mới.

Hôm qua phòng số 6 không có người, hôm nay thì có. Tức là có người mới bị bắt cóc đưa vào đây, bổ sung cho căn phòng bỏ trống.

Hôm qua phòng số 7 có người, hôm nay không có. Người phụ nữ ấy đã bị giết rồi ném xác xuống rãnh nước.

Chị tôi vừa gặm móng ngón cái trên bàn tay phải vừa lẩm nhẩm, cứ như đang đọc những câu thần chú đáng sợ. Ánh mắt chị trống rỗng, không nhìn vào điểm cụ thể nào cả.

“Cho nên, chỉ người ở phòng số 7 mới nhìn thấy xác chết trôi. Vì nhốt nạn nhân theo thứ tự thế này nên mấy hôm nay, khi xác chết bị ném xuống rãnh nước thì những người ở các căn phòng trên phía đầu nguồn đều không thể nhìn thấy. Suy luận ra điều này, đủ thấy người đàn bà ở phòng số 7 không nói sảng hay ảo giác gì hết, những xác chết mà bà nhìn thấy là những người bị nhốt vào đây trước bà ít hôm.”

Và như thế, chị đã giải thích cho tôi nghe lý do vì sao hôm qua chỉ có người ở phòng số 7 nói mình nhìn thấy xác chết trôi. Tôi cảm thấy sự việc rất phức tạp, tuy còn khó hiểu nhưng tôi tin lời chị nói đều đúng.

“Chúng ta bị đưa vào đây hôm thứ Sáu, hôm đó người ở phòng số 5 bị giết rồi ném xuống rãnh nước. Sau đêm hôm đó, là ngày thứ Bảy, thì người ở phòng số 6 bị giết, còn phòng số 5 thì đưa vào một người mới. Em nhìn thấy một căn phòng bỏ trống, đó là sau khi người ở trong đã bị giết. Tiếp theo là Chủ nhật, đến lượt người ở phòng số 7 bị giết. Chú ý nhìn rãnh nước đến đâu cũng không thấy gì vì làm gì có xác chết nào từ đầu nguồn trôi xuống. Hôm nay là thứ Hai...?”

Vậy thì người ở phòng số 1 sắp bị giết. Tôi vội vã sang phòng số l.

Tôi nói rõ những suy luận của chị tôi với cô gái nhuộm tóc đỏ, nhưng chị ta không tin, hất cằm bác bỏ, “Không thể như thế được?”

“Nhỡ đúng thì sao? Chị nên tìm cách trốn khỏi đây là hơn.” Nói vậy thôi chứ không ai biết nên trốn ra bằng cách nào.

“Tôi không tin.” Chị ta bực tức hét lên với tôi. “Chuyện quái gì đang diễn ra vậy?!”

Tôi lại chui vào ống cống trở về với chị tôi. Dọc đường gặp hai người ở hai phòng số 2 và số 3, họ đều hỏi tôi đã xảy ra chuyện gì, nhưng tôi không biết có nên nói thật hay không, đành trả lời rằng tôi phải về ngay lập tức.

Chị tôi đang ngồi ở góc phòng, hai tay bó gối. Tôi ngoi lên, vẫy tay với chị. Dù cả người tôi ướt đẫm thứ nước bẩn thỉu kia, nhưng chị vẫn ôm chầm lấy tôi.

Đồng hồ trên tay chị đang chỉ 6 giờ tối.

Nước trong rãnh dần chuyển thành màu đỏ. Hai chị em tôi chỉ biết nín lặng nhìn dòng nước. Từ miệng cống phía đầu nguồn có một vật nhỏ, trăng trắng trơn trơn trôi đến. Thoạt đầu chúng tôi không biết là gì, nhưng khi nó bỗng xoay nửa vòng trong nước thì chúng tôi chợt nhận ra là răng. Một phần của hàm răng dưới. Nó lập lờ lúc chìm lúc nổi trôi ngang phòng chúng tôi, rồi bị hút vào cái hốc đen ngòm ở phía cuối dòng nước. Sau đó là tai, ngón tay, những mảnh thịt, xương lũ lượt trôi qua. Có ngón tay bị đứt rời, còn đeo nguyên chiếc nhẫn vàng.

Tiếp theo là một mảng tóc nhuộm trôi đến, nhìn kỹ thì thấy đó không chỉ là tóc mà còn dính theo một mảng da đầu.

Tôi cho rằng đây là người phụ nữ ở căn phòng số 1. Vô số mảnh thi thể trôi theo dòng nước đục ngầu bẩn thỉu khiến người ta không thể liên tưởng đến một con người, cảnh tượng đó gieo cho tôi nỗi kinh hoàng không sao tưởng tượng nổi.

Chị tôi bưng miệng rên rỉ. Chị đã chạy vào góc phòng nôn ọe, nhưng toàn nôn ra dịch vị ở dạ dày. Tôi nói gì chị cũng không nghe, trông đờ đẫn như người mất hồn.

Những căn phòng âm u hình lập phương này chia cắt từng người trong chúng tôi, để tới khi chúng tôi thấm thía nỗi cô độc rồi, kẻ nào đó sẽ xuống tay lấy mạng.

“Chuyện quái gì đang diễn ra vậy?!”

Người ở căn phòng thứ nhất đã từng hét lên như thế. Câu hỏi này cứ vang lên liên hồi trong đầu tôi. Có cảm giác những căn phòng kiên cố này không chỉ giam hãm thể xác chúng tôi, mà quan trọng hơn là giam hãm cuộc đời và cả linh hồn con người, chúng cô lập chúng tôi, tước đoạt đi ánh sáng. Những căn phòng bê tông giống như một nhà lao cầm tù linh hồn. Chúng bắt chúng tôi phải gánh chịu sự cô độc thật sự mà bản thân chưa từng trải qua, sống những ngày vô nghĩa trong khi tương lai thì mờ mịt.

Chị tôi ngồi thu mình ở góc phòng, hai tay vòng quanh gối, khóc thút thít. Có lẽ rất lâu về trước, khi chúng tôi chưa ra đời, có khi trước cả khi lịch sử bắt đầu, loài người cũng ngồi trong một cái hộp tối tăm ẩm thấp mà khóc lóc, giống như chị tôi lúc này.

Tôi xòe những ngón tay để đếm: tôi và chị sẽ bị giết vào ngày thứ sáu kể từ khi bị nhốt vào đây. Tức là bị giết lúc 6 giờ tối thứ Năm tuần này.

Ngày thứ tư: Thứ Ba

Vài tiếng đồng hồ sau, màu đỏ trong nước biến mất. Trước đó, những đám bọt xà phòng nổi trên mặt nước, trôi qua trước mặt chúng tôi. Chắc là có người đang quét dọn căn phòng đầu tiên. Giết người tất nhiên phải đầm đìa máu me, kẻ sát nhân phải thanh lý hiện trường.

Lúc này đồng hồ của chị tôi đã chỉ 12 giờ đêm, có nghĩa là đã bước sang thứ Ba - ngày thứ tư chúng tôi bị nhốt ở đây.

Tôi lại lội xuống rãnh nước để sang căn phòng số 1 phía đầu dòng chảy.

Lúc đi qua phòng số 3 và số 2, người ở đó đều bảo tôi giải thích về những thứ trôi theo dòng nước, nhưng tôi chỉ nói “Sẽ giải thích sau”, rồi trườn sang phòng số 1.

Đúng thế, người phụ nữ hôm qua vẫn ở đây nay đã biến mất. Căn phòng sạch bong, đã có người vào cọ rửa. Tuy không biết đó là ai nhưng chắc chắn là kẻ đã nhốt chúng tôi vào nơi này.

Sợi tóc dài mà chị tôi nhặt được đúng là tóc của một phụ nữ bị nhốt ở phòng số 4 trước chúng tôi, và đã bị giết.

Kẻ quét dọn căn phòng hắn đã bỏ sót vì sợi tóc ngẫu nhiên rơi ở góc phòng, nơi nước xà phòng không chảy tới.

Chẳng ai nhìn thấy kẻ đã đưa chúng tôi đến đây nhốt lại để rồi lần lượt giết chết. Chỉ biết rằng, những tiếng bước chân bên ngoài cánh cửa sắt kia chính là của hắn.

Mỗi ngày hắn đều giết người trong phòng, từng người từng người một. Hình như hắn rất khoái trá với việc giam người ta sáu ngày rồi băm nát ra thành từng mảnh nhỏ.

Chúng tôi đều không nhìn thấy hắn, cũng không nghe thấy giọng hắn. Nhưng rõ ràng hắn có tồn tại, hắn vẫn đi qua đi lại ngoài kia. Hằng ngày hắn dành cho chúng tôi chút bánh mì, nước uống và cái chết. Phải chăng chính hắn đã thiết kế bảy căn phòng này và đặt ra quy tắc lần lượt giết từng người?

Có lẽ vì không nhìn thấy kẻ thủ ác nên cảm giác ghê tởm trong tôi rất mờ nhạt. Hắn sắp giết hai chị em tôi, chỉ đến lúc đó chúng tôi mới có thể nhìn rõ mặt hắn.

Hắn cứ như một thần chết vậy. Tôi, chị tôi và những người khác nữa, tất cả chúng tôi đều nằm trong quy tắc tuyệt đối của hắn, trước sau gì cũng sẽ bị tử hình.

Tôi sang căn phòng số 2, người con gái tóc dài trong đó đã bị nhốt đến ngày thứ sáu. Tôi thuật lại cho chị nghe những suy đoán hôm qua của chị tôi. Chị không hề cho rằng chuyện tôi kể là hoang đường, vì chính chị đã nhìn thấy những mảnh thi thể của người phụ nữ trong phòng số 1 trôi qua phòng chị. Hình như chị mơ hồ cảm thấy mình sẽ không bao giờ thoát khỏi nơi này. Nghe tôi kể xong, chị chỉ yên lặng, giống như chị gái tôi.

“Lát nữa em sẽ trở lại.” Nói xong, tôi lại sang căn phòng số 3 và kể lại mọi chuyện như vừa rồi.

Theo đúng sắp đặt thì ngày mai người phụ nữ này sẽ bị giết. Chị vốn không biết mình sẽ bị nhốt ở đây bao lâu, sau này thế nào. Nhưng giờ thì tất cả đã rõ ràng, chị biết chắc chắn ngày mai mình bị giết.

Chị bưng miệng khóc, nước mắt lã chã tuôn rơi.

Tôi không hiểu lầm, biết khi nào mình bị giết thì tốt, hay đừng biết thì hơn? Nếu như không biết gì, bất ngờ nhìn thấy những mảnh xác chết trôi qua, sau đó sống trong tình trạng bất an, rồi một hôm bỗng bị người lạ mặt mở cửa bước vào và giết chết, có khi sẽ dễ chịu hơn.

Nhìn chị đang thút thít, tôi chợt nhớ đến người đàn bà cực kỳ thiểu não ở căn phòng số 7. Hắn là những người tiếp theo sẽ giống như bà ấy.

Tuyệt vọng. Chỉ vài ngày bị nhốt trong căn phòng bê tông này, mọi người đều nhận ra đây hoàn toàn không phải là một trò đùa. Ai ý thức được cái chết sắp đến với mình đều sẽ sợ hãi cả.

Hằng ngày, người phụ nữ ở phòng số 7 phải nhìn từng mảnh xác chết của những người xa lạ trôi qua trước mặt, chắc chắn đã nghĩ rằng lần sau rất có thể sẽ đến lượt mình. Bất giác hình dung ra gương mặt khiếp hãi của bà, tim tôi đau thắt lại.

Tôi kể lại mọi chuyện cho hai người ở phòng số 5 và số 6.

Cuối cùng, tôi sang phòng số 7. Phòng này có một phụ nữ mới đến, thấy tôi từ rãnh nước chui ra, người ấy kêu thét lên.

Sau đó tôi trở lại phòng số 4 với chị.

Tôi rất lo cho chị tôi, chị vẫn ngồi bất động ở góc phòng. Tôi bước lại gần, nhìn đồng hồ của chị. Bây giờ là 6 giờ sáng.

Bên ngoài vang lên tiếng bước chân. Một lát bánh mì được luồn qua khe cửa, rồi có tiếng rót nước vào đĩa.

Ánh sáng từ bên ngoài vẫn hắt qua khe khiến một khoảng nền bê tông màu xám sát chân cửa sáng hẳn lên. Lúc này có một cái bóng đang động đậy, tức là đang có người đứng bên ngoài.

Hắn chính là tên ác quỷ đã giết rất nhiều người và hiện đang giam giữ chúng tôi. Nghĩ đến đây, tôi có cảm giác một thứ sức ép đen tối và đáng sợ toát ra từ người hắn, xuyên qua cánh cửa này rồi bóp chặt lấy lồng ngực tôi.

Chị tôi bỗng đứng bật dậy. “Chờ đã.”

Chị nhoài người xuống mặt đất áp sát khe cửa, lớn tiếng gọi ra. Chị cố thò tay qua khe nhưng cổ tay kẹt cứng lại.

“Xin ông nghe tôi nói đã, ông là ai?”

Chị gào to hết cỡ nhưng kẻ đứng ngoài cửa vẫn không bận tâm, hắn coi chị tôi như không tồn tại. Rồi cút thẳng, tiếng bước chân xa dần.

“Đồ khốn nạn... đồ khốn nạn...”

Chi tôi tựa lưng vào bức tường ngay sát cánh cửa, lầm bầm chửi rủa một hồi.

Cánh cửa sắt không có tay nắm, nhưng nhìn bản lề thì đoán được chỉ đẩy vào bên trong mới có thể mở nó ra.

Khi cửa mở là lúc chị em tôi phải chết.

Mình sắp chết, tôi thầm nghĩ. Ban đầu, khi bị đem nhốt vào đây và không thể trở về nhà, tôi khóc thảm thiết mất mấy lần, nhưng tôi chưa từng khóc vì mình sắp bị giết.

Bị giết chết sẽ như thế nào? Tôi không thể cảm nhận được. Ai sẽ giết tôi?

Chắc là đau lắm, và, chết rồi thì thế nào? Tôi rất sợ. Nhưng ngay lúc này, điều tôi lo sợ nhất là chị tôi còn hoảng loạn hơn cả tôi. Nhìn chị ngồi co ro, đôi mắt lo âu cứ đảo quanh bốn phía, lòng tôi rối bời. Giờ tôi phải làm gì đ?ây

“Chị ơi...?”

Tôi chỉ còn biết đứng yên mà gọi chị. Hai tay vẫn ôm chặt đầu gối, chị thẫn thờ nhìn tôi.

“Em nói cho họ biết về quy tắc bảy căn phòng rồi à?” Tôi lúng túng gật đầu.

“Em đã làm một việc rất tàn nhẫn, biết không?”

Tôi giải thích rằng tôi không biết là không nên làm thế, nhưng hình như chị chẳng muốn nghe.

Tôi sang căn phòng số 2.

Nhìn thấy tôi, người phụ nữ ở đó nở nụ cười nhẹ nhõm, “Chị cứ tưởng em không sang nữa, chị đang không biết nên làm thế nào.”

Nụ cười của chị không thật rõ nét nhưng vẫn sưởi ấm lòng tôi. Đã lâu lắm rồi trong những căn phòng bê tông này không nhìn thấy một nụ cười, nét cười thanh thản của chị như mang theo cả ánh sáng và hơi ấm.

Một người biết mình hôm nay sẽ chết mà vẫn có thể giữ vẻ mặt yên bình như vậy, tôi thật không sao hiểu nổi.

“Ban nãy có người thét gọi gì đó, chắc là chị gái em?” “Vâng. Chị nghe thấy à?”

“Chị nghe không rõ là gì nhưng chị đoán đó là chị gái em?”

Sau đó, chị kể với tôi về quê hương của mình. Chị nói trông tôi rất giống một đứa cháu trai của chị. Chị còn nói trước khi bị nhốt ở đây, chị là nhân viên văn phòng, ngày nghỉ thường đi xem phim...

“Khi em thoát ra khỏi đây rồi, chị mong em có thể giao vật này cho người nhà của chị...”

Chị tháo sợi dây chuyền đang đeo trên cổ, đeo nó lên cổ tôi. Đó là một sợi dây chuyền bạc có đính một chữ thập nho nhỏ. Chị nói đây là bùa hộ mệnh của mình, bị nhốt ở đây, ngày nào chị cũng sờ lên nó và cầu nguyện.

Gần như cả ngày hôm đó tôi ngrồointg phòng s ố 2 và trở thành bạn tâm giao của chị. Tôi và chị ngồi cạnh nhau ở góc phòng, tựa lưng vào tường, có thể co duỗi chân tùy ý. Có lúc tôi đứng lên vừa nói vừa khoa chân múa tay, ngọn đèn treo trên trần hắt cái bóng to tướng của tôi lên tường.

Có tiếng nước chảy dưới rãnh. Nhìn xuống đó, tôi mới sực nhớ ra là gần đây mình toàn lội thứ nước bẩn thỉu kia, chắc chắn cơ thể bốc mùi khiến người ta khó chịu lắm. Tôi bèn ngồi nhích ra, cách xa chị một chút.

“Sao phải ngồi xa thế? Chị bao nhiêu hôm không tắm, mũi đã tê liệt luôn rồi... Nếu có thể thoát ra khỏi đây thì việc đầu tiên chị phải làm là tắm gội một trận thỏa thuê.” Chị nói và tủm tỉm cười.

Lúc nói chuyện, chị rất hay cười. Tôi không hiểu nổi chị nữa.

“Biết mình sắp bị giết, sao chị vẫn không khóc lóc thở than gì cả?”

Tôi không sao giấu nổi sự hoài nghi. Chị ngẫm nghĩ một chút mới trả lời, “Chị đã chấp nhận rồi.” Khuôn mặt dịu dàng mà cô đơn khiến chị giống hệt một pho tượng nữ thần nơi giáo đường.

Lúc từ biệt, chị nắm chặt tay tôi rất lâu. “Ấm quá.” Chị nói.

Tôi về căn phòng số 4 trưi ớc 6 g ờ tối.

Tôi kể với chị tôi về sợi dây chuyền đeo trên cổ, chị ôm tôi thật chặt.

Không lâu sau đó, nước trong rãnh bắt đầu chuyển sang màu đỏ, rồi tôi nhìn thấy tròng mắt, những lọn tóc lần lượt trôi qua...

Tôi bước sát lại rãnh nước, dùng cả hai tay cẩn thận vớt lên những ngón tay đang trôi theo dòng nước bẩn thỉu. Những ngón tay đã từng siết chặt lấy tay tôi trong phút giây cuối cùng giờ đây chỉ còn là những mảnh vụn lạnh lẽo.

Lòng tôi quặn đau, đầu óc bị nhuộm thành màu đỏ, như dòng nước này. Dường như cả thế giới đều trở nên đỏ rực và nóng rẫy, tôi không thể suy nghĩ gì được nữa.

Khi tỉnh lại, tôi thấy mình vẫn đang nức nở trong lòng chị tôi. Chị vuốt tóc đang bết lại trên trán tôi. Mớ tóc dính nước bẩn, khô đi rồi biến thành từng nhúm cong queo.

“Nhớ nhà quá.”

Giọng chị thật khẽ khàng, chẳng hề ăn nhập với căn phòng bê tông xám xịt này.

Tôi gật đầu.

Có kẻ sát nhân, và có nạn nhân. Quy tắc của bảy căn phòng là tuyệt đối không thể thay đổi. Vốn dĩ chỉ có kẻ giết người biết rõ quy tắc của chính hắn, nhưng đã bị người bị giết là chúng tôi nắm được.

Đó là do một ngoại lệ.

Khi bắt người đem về đây nhốt, hung thủ đã gom hai chị em tôi vào một căn phòng, có thể hắn cho rằng tôi còn trẻ con, không tính là một người, có thể vì chị tôi chưa trưởng thành, hắn liền gộp hai chị em một nhóm, tương đương với một người trưởng thành.

Vì cơ thể tôi nhỏ bé, di chuyển vừa trong cống ngầm nên sang được các căn phòng khác để tìm hiểu tình hình, rồi từ đó suy ra quy tắc giết người của hung thủ. Hung thủ không hề biết chúng tôi đã lần ra quy tắc của hắn.

Mối quan hệ giữa kẻ giết người và người bị giết tuyệt đối không thể đảo ngược. Cả bảy căn phòng đều chung một tình trạng như thế, giống như phép tắc mà Thượng đế đã ấn định.

Tuy nhiên, tôi và chị tôi đã bắt đầu nghĩ cách để sống sót.

Ngày thứ tư trôi đi, ngày thứ năm của chúng tôi rơi vào thứ Tư trong tuần. Căn phòng số 2 trống rỗng, còn phòng đầu tiên lại xuất hiện một nạn nhân mới.

Quy tắc ở bảy căn phòng đã lặp lại nhiều lần, chúng tôi không biết nó bắt đầu được áp dụng từ khi nào, không biết đã có bao nhiêu thi thể trôi qua rãnh nước này.

Tôi di chuyển qua lại trong rãnh nước để trò chuyện cùng mọi người. Ai cũng chán chường bi quan nhưng khi tôi sắp rời đi thì họ đều mong muốn tôi sẽ còn quay lại. Bị nhốt một mình một phòng, buộc phải nếm trải sự cô độc thì làm sao không khổ sở cho được.

“Chỉ mình em có thể chạy qua chạy lại giữa các phòng, có lẽ em sẽ thoát nạn...?”

Khi tôi nhảy xuống rãnh nước, chị tôi nói vậy.

“Tên khốn kiếp ấy không biết em có thể qua lại giữa các phòng, cho nên ngày mai, dù chị bị giết thì em vẫn có thể trốn sang phòng khác. Nếu cứ tiếp tục trốn, em sẽ không bị hắn giết.”

“Nhưng rồi em sẽ lớn lên, người to ra, không thể bò xuống rãnh nước này được nữa. Với cả, thằng cha ấy vẫn nhớ rằng phòng này nhốt hai người, nếu không thấy em ắt hẳn hắn sẽ đi tìm?”

“Kể cả như thế thì em vẫn có thể sống thêm ít lâu mà!”

Chị tôi rất cố chấp, một mực khuyên tôi ngày mai cứ làm như thế. Nhưng tôi cảm thấy chẳng qua chỉ là kéo dài thêm khoảng thời gian khốn khổ mà thôi. Có lẽ chị cho rằng sau này tôi có thể rình cơ hội mà trốn ra được.

Nhưng tôi biết, không có cơ hội nào cả. Không hề thấy một con đường nào để thoát được khỏi đây.

Trước khi chết, người phụ nữ trẻ ở phòng số 3 đã nói chuyện với tôi mãi. Tên của chị hơi kỳ lạ, tôi chỉ biết cách phát âm chứ không biết viết thế nào. Chị bèn lần túi áo rút ra cuốn sổ tay và viết tên chị cho tôi xem dưới ánh đèn lờ mờ. Đó là một cuốn sổ nhỏ có kèm theo cả bút chì. Kẻ thủ ác kia không tịch thu quyển sổ, nó vẫn nằm trong túi áo của chị.

Đầu cây bút chì có vô số vết răng cắn, lộ ra ruột bút nham nhở. Chắc chị đã phải cắn phần gỗ để cho ruột bút chì lòi ra.

“Chị sống một mình ở nội thành, cha mẹ rất hay gửi đồ ăn. Lo lắng cũng phải, chị là cô con gái độc nhất mà. Nào là khoai tây, nào là dưa chuột, họ cứ đóng hết vào thùng các tông rồi gửi chuyển phát đến tận nhà cho chị. Nhưng lúc nào chị cũng ở công ty, chẳng bao giờ nhận được.”

Chị còn lo lúc này, có khi nhân viên giao hàng đang cầm gói đồ mà cha mẹ chị gửi gắm đứng ở cửa căn hộ chờ chị về nhận. Kể đến đây, chị nhìn xuống dòng nước lúc nhúc dòi bọ côn trùng trong cái rãnh ở giữa căn phòng.

“Hồi nhỏ chị rất hay ra con sông nhỏ cạnh nhà nô đùa.”

Con sông nhỏ ấy nước trong vắt, có thể nhìn thấy cả những viên sỏi ở đáy sông. Dòng sông như hiện ra trong trí tưởng tượng của tôi qua những lời chị kể, giống hệt một thế giới trong mơ. Mặt nước phản chiếu nắng trời, từng tia lấp lánh rơi xuống rồi như vỡ tan ra, chiếu sáng khắp mọi nơi. Trên cao, bầu trời xanh ngắt rộng mở, khiến người ta có cảm giác mình sẽ thoát khỏi lực hút trái đất rồi bay lên, bay lên mãi, không biết sẽ bay đến tận nơi nào.

Nhưng ngay lúc này đây, dường như tôi đã quen với tất cả: từ căn phòng bê tông âm u, chật chội, rãnh nước bốc mùi ô uế cho đến ánh đèn lờ mờ nổi bật giữa không gian tăm tối. Thế giới bình thường ở ngoài kia sắp rơi vào quên lãng mất rồi. Chợt nhớ đến cái thế giới lồng lộng gió ấy tôi cảm thấy xót xa.

Tôi khát khao được nhìn thấy bầu trời. Chưa bao giờ tôi có mong muốn mãnh liệt đến thế. Trước khi bị nhốt vào đây, tại sao tôi chưa từng thỏa sức ngắm nhìn trời mây?

Hôm qua, trong căn phòng số 2, tôi và người phụ nữ ở đó đã ngồi bên nhau và trò chuyện thật lâu.

Hôm nay, người phụ nữ này không khóc, không tỏ ra phẫn nộ trước sự bất công. Câu chuyện của chúng tôi bình thường giống như những câu chuyện phiếm ban chiều trên chiếc ghế dài trong công viên. Tôi tạm quên cái thực tế mình đang bị vây hãm trong căn phòng bê tông màu xám, chật hẹp và kiên cố tuyệt đối này.

Hai chúng tôi cùng hát. Tôi bỗng tự hỏi mình, có thật người này sắp bị giết không? Và tôi lại nhớ ra chính mình đang ở trong hoàn cảnh tương tự.

Tôi cứ nghĩ về nguyên nhân chúng tôi phải chết, nhưng cuối cùng chỉ có thể quy kết cho kẻ tàn ác kia muốn giết chúng tôi mà thôi.

Chị đặt cuốn sổ tay lúc nãy vào tay tôi.

“Nếu em có thể trốn ra, xin em hãy giao cuốn sổ tay này cho cha mẹ chị!” “Nhưng...”

Liệu tôi có thể trốn thoát khỏi đây không? Người phụ nữ hôm qua ở phòng số 2 mong tôi thoát thân, nên đã giao cho tôi sợi dây chuyền gắn cây thánh giá. Nhưng tôi không thể đảm bảo mình sẽ ra nổi.

Tôi định nói như thế thì nghe động như có người đứng ngoài cửa. “Gay rồi!” Chị ngây đờ ra.

Chúng tôi hiểu rằng giờ chết đã đến, gần 6 giờ tối. Tôi phải rời phòng này trước 6 giờ nhưng vì mải nói chuyện nên quên khuấy đi mất. Người phụ nữ không đeo đồng hồ, cả hai lại trò chuyện rất tâm đầu ý hợp, thành ra quên béng.

“Em mau trốn đi!”

Tôi đứng lên, nhảy xuống rãnh nước rồi chui vào cửa cống ngầm hình vuông. Đúng ra phải trở về phòng với chị tôi ở cuối nguồn nhưng tôi chọn phía đầu nguồn vì đang đứng gần cửa cống này hơn.

Đúng lúc chui vào cửa cống thì sau lưng tôi vang lên tiếng mở cửa sắt nặng nề. Đầu óc tôi bất giác nóng bừng.

Kẻ nhốt chúng tôi vào đây đã xuất hiện. Tôi luôn nghĩ rằng mình không được phép nhìn thấy hắn cho đến khi tới lượt bản thân bị giết, hắn là thứ ám ảnh ghê gớm trong tâm trí tôi. Hắn đã trở thành biểu tượng tàn nhẫn của chết chóc mà tôi kinh sợ. Chỉ cần đến gần hắn thôi, có lẽ từ đầu tới chân tôi sẽ tan thành tro bụi.

Trống ngực tôi đập thình thịch.

Tôi trườn qua cống ngầm rồi ngoi lên giữa phòng số 2 trống trơn không người. Đứng trong rãnh nước ra sức hít thở thật sâu một hồi, tôi mới đặt cuốn sổ tay xuống đất.

Kể từ lúc này, trong căn phòng số 3 kia, thằng cha đó bắt đầu giết chị ấy. Nghĩ tới đây, tôi run tay vì sợ hãi. Dù biết là vô cùng nguy hiểm, nhưng có một việc mà tôi bắt buộc phải làm.

Tôi và chị tôi phải trốn ra khỏi nơi này, nhưng làm thế nào để trốn thoát, chúng tôi vẫn chưa nghĩ ra. Đối với chúng tôi, mỗi manh mối đều vô cùng quan trọng, chị tôi muốn biết càng nhiều thông tin càng tốt. Nếu trốn thoát được chúng tôi sẽ lại có thể nhìn thấy bầu trời.

Để làm được điều đó, tôi phải nhìn tận mắt những điều bí ẩn đen tối và kể lại với chị.

Những điều bí ẩn ấy không gì khác hơn là bộ mặt của kẻ đã nhốt chúng tôi ở đây và trình tự hắn ra tay giết người.

Tôi muốn quay trở lại phòng số 3 để lén nhìn tất cả sự việc đương nhiên không thể ló mặt vào phòng, vì hắn sẽ phát hiện ra ngay và giết tôi luôn thể. Tôi phải cực kỳ khéo léo nhìn trộm từ dưới nước. Nhưng dù là thế thì tôi vẫn rất căng thẳng, đầu óc rối bời. Nếu đang lén nhìn rồi bị hắn phát hiện ra, thì tôi khỏi cần chờ đến ngày mai mới chết.

Xuôi theo dòng nước chảy, dưới bức tường giáp với phòng số 3 là cái miệng cống hình vuông. Tôi vừa trườn qua nó sang đây, bây giờ tôi quỳ xuống rãnh và chuẩn bị quay trở lại. Nước vừa khéo ngập đến mé trong đùi tôi, cứ từ từ chảy vào cái cống hình vuông trước mặt.

Tôi hít sâu một hơi, thận trọng bò vào trong cái hóc, cố không gây bất kỳ tiếng động nào. Nước chảy rất chậm, không thể đẩy trôi tôi đi. Nếu chống tay và chân rồi vươn về phía trước, tôi hoàn toàn có thể bơi ngược dòng. Tôi phát hiện ra điều này qua những lần trườn tới trườn lui giữa các căn phòng, nhưng phải rất cẩn thận vì đường rãnh bê tông chứa nước bẩn lâu ngày đã đóng thành một lớp lầy nhầy trơn tuột.

Còn trong cống ngầm thì mặt nước gần như ngập sát nóc cống, không thể quan sát được gì. Muốn nhìn thấy những gì đang diễn ra trong phòng số 3 thì bắt buộc phải ngụp lặn dưới nước rồi mở mắt ra.

Làm như vậy trong rãnh nước bẩn thỉu này quả là một việc kinh khủng, nhưng tôi vẫn quyết tâm.

Tôi cố gắng bấu chặt tay và chân trong đáy cống, duy trì tư thế như sắp nhoài sang phòng số 3. Nước tràn qua người tôi rồi chảy về phía trước. Mở mắt ra trong nước, tôi có thể nhìn thấy ánh sáng lờ mờ ở ô vuông. Đó là ánh đèn ở căn phòng số 3.

Xen lẫn tiếng nước chảy, có tiếng ầm ĩ của máy móc.

Vì nước quá đục nên tôi không nhìn rõ, nhưng vẫn nhận ra một bóng đen đang động đậy.

Có một đám dòi bọ bám trên những thứ thiu thối trôi qua trước mặt tôi.

Để nhìn rõ hơn, tôi đành nhích về phía trước, đến gần cửa cống hơn một chút.

Tay chân chợt trượt đi, tôi phải ra sức bấu chặt các đầu ngón xuống đáy và thành cống. Những mảng nhớt bám trên bề mặt thành cống bị ngón tay ngón chân tôi cào bong ra, để lại những đường ngoằn ngoèo. Người tôi bị nước đẩy đi một đoạn rồi dừng lại. Lúc này đầu tôi nhô ra ngoài miệng cống.

Tôi đã nhìn thấy.

Người phụ nữ vừa nói chuyện với tôi giờ chỉ còn là một đống máu thịt vung vãi.

Cánh cửa sắt luôn luôn đóng im ỉm, lúc này mở toang, mặt trong phẳng phiu nhưng mặt ngoài thì có then cài. Khi có người bị nhốt vào phòng, cái then đó sẽ chốt lại, và người trong phòng chỉ còn nước chờ chết.

Còn gã đàn ông kia, hắn đang đứng trước đống thịt bừa bãi không còn là xác người nữa, lưng quay về phía tôi. Nếu hắn quay mặt về bên này thì chắc hẳn tôi sẽ bị hắn phát hiện ra ngay tức khắc.

Không thấy mặt hắn nhưng tôi có thể nhìn thấy chiếc cưa điện trong tay hắn đang chạy và phát ra tiếng rít inh ỏi. Tôi đã hiểu tại sao đôi khi chúng tôi nghe thấy tiếng máy chạy, thì ra là tiếng ồn của cái cưa. Hắn đứng rất thẳng, lạnh lùng xọc cái cưa vào đống thịt để băm nát hơn. Chỉ lát sau, những mảnh đo đỏ bắn tứ tung văng ra khắp phòng.

Cả căn phòng là màu đỏ máu.

Tiếng cưa máy bất chợt im bặt, trong căn phòng chỉ còn tiếng nước xối. Hắn sắp quay đầu lại.

Tôi vội bấm các đầu ngón tay bám chặt thành cống ngầm và lập tức lùi lại.

Đoán rằng hắn không nhìn thấy tôi, nếu tôi chậm một giây nữa thôi thì nguy rồi!

Tôi lùi về căn phòng số 2, không có người, nhưng không dám tin chắc ở đây sẽ được an toàn. Phòng này sắp nhốt một người mới, cánh cửa sắt có thể bị mở ra bất cứ lúc nào. Tôi nhặt cuốn sổ tay lên rồi lủi sang phòng số 1. Lúc này tôi không có cách nào đi qua phòng số 3 để trở về phòng số 4 với chị tôi.

Tôi ngồi bên người phụ nữ ở phòng số 1. “Em đã nhìn thấy những gì thế?”

Có lẽ trông sắc mặt tôi quá tồi tệ nên chị mới hỏi như thế. Chị bị nhốt vào đây tối hôm qua, là người bị đưa vào muộn nhất so với những người đang sống. Tôi kể với chị về quy tắc giết người ở bảy căn phòng nhưng không hề hé răng về cảnh tôi vừa nhìn thấy.

Tôi mở cuốn sổ tay của người phụ nữ ở phòng số 3 và bắt đầu đọc. Vì vừa bị ngập nước nên các trang sổ cứ dính với nhau, phải rất tỉ mỉ mới gỡ được từng trang ra. Giấy nhàu nát hết nhưng vẫn lờ mờ nhận ra mặt chữ.

Đó là một bức thư dài gửi cho cha mẹ. Trong thư có rất nhiều cụm “Con xin lỗi”

Ngày thứ năm: Thứ Tư

Tôi rất sợ nhìn thấy tên khốn ấy nên không dám trở lại phòng số 4, bèn ngủ qua đêm ở phòng số 1 này. Người phụ nữ ở đây vui vẻ chấp nhận tôi, còn cho tôi một mẩu bánh mì to để ăn sáng. Tôi vừa nhai vừa nghĩ, có lẽ giờ này chị tôi đang rất lo cho tôi.

Tôi quyết định phải trở về phòng số 4 với chị. Khi bò ngang qua phòng số 2, tôi nhận ra trong đó đã có người mới vào. Nhìn thấy tôi, cô gái vô cùng kinh ngạc.

Phòng số 3 hiện bỏ trống và đã được cọ rửa tinh tươm. Tôi cố căng mắt tìm kiếm những dấu vết còn sót lại của người phụ nữ trò chuyện với mình hôm qua nhưng vô ích. Chỉ thấy không gian trống trơn của căn phòng bê tông.

Tôi về đến phòng số 4, chị tôi ôm chầm lấy tôi.

“Chị cứ tưởng em đã bị hắn phát hiện ra và giết luôn rồi?” Chị nói vậy thôi, chứ lát bánh mì vẫn còn đó, chị vẫn chờ tôi.

Hôm nay là ngày thứ sáu chúng tôi bị nhốt ở đây, tức là thứ Năm trong tuần.

Đến lượt chúng tôi phải chết.

Tôi kể cho chị nghe rằng người phụ nữ kia đã chia cho tôi mẩu bánh mì, rồi giục chị ăn hết bánh đi. Tôi bỗng thấy mình có lỗi với chị. Mắt đỏ hoe, chỉ khẽ nói, “Cậu em ngốc nghếch!”

Rồi tôi kể về việc nấp trong cống ngầm để cố nhìn mặt tên sát nhân khi hắn ra tay với người phụ nữ ở phòng số 3.

“Sao em dám làm một việc nguy hiểm như thế?!”

Chị nổi cáu. Nhưng khi tôi kể tiếp về cánh cửa sắt thì chị lặng im lắng nghe.

Chị đứng dậy, sờ vào cánh cửa đang đóng im ỉm trên bức tường. Rồi chị đấm thật mạnh lên đó, âm thanh nặng nề của kim loại cứng đanh va vào bàn tay mềm mại vang dội khắp căn phòng.

Cánh cửa không có tay nắm này trơ trơ y như bức tường. “Ở bên ngoài có then cài thật sao?”

Tôi gật đầu. Đứng từ trong này nhìn ra thì then lắp ở phía bên phải. Khi hắn

đẩy cửa vào bên trong phòng, tôi nấp trong cống ngầm và nhìn rất rõ mặt ngoài của cánh cửa. Trên đó có một cái then dạng trượt ngang, dày và kiên cố.

Tôi lại nhìn cánh cửa sắt trước mặt, cửa không trổ ở chính giữa mà là trổ ở sát mép trái bức tường.

Chị tôi quan sát cái cửa bằng ánh mắt sợ hãi.

Rồi chị nhìn đồng hồ. Bây giờ là 12 giờ trưa, chỉ còn sáu tiếng đồng hồ nữa là đến giờ tên khốn kia xử lý chúng tôi.

Tôi ngồi ở góc phòng, ngắm nghía cuốn sổ tay mà người phụ nữ quá cố giao cho. Trong đó viết rất nhiều về cha mẹ của chị, bỗng khiến tôi nhớ cha mẹ đến quặn thắt lòng. Chắc cả hai người đang lo phát sốt cho chị em tôi.

Ngày còn ở nhà, mỗi đêm tôi trằn trọc, mẹ lại hâm nóng một cốc sữa cho tôi uống. Mắt tôi nhòa đi, đôi mắt ngâm nước bẩn hôm qua chợt nhức nhối.

“Nhất định không thể để cho tên khốn ấy thỏa sức làm càn, nhất định không thể...”

Chị tôi bình tĩnh nhìn cánh cửa sắt, miệng lẩm bẩm căm hờn, đôi tay run rẩy.

Chị ngoảnh lại nhìn tôi bằng ánh mắt kiên định đến dữ dội.

Vẻ thẫn thờ hôm qua đã biến mất, dường như chị đã đi đến một quyết định lớn.

Chị lại hỏi tôi một lượt về hình thể của tên sát nhân và chiếc cưa điện. Hẳn chị định chống trả khi hắn hành quyết chúng tôi.

Chiếc cưa đó dài bằng nửa chiều cao của tôi, phát ra tiếng gầm như động đất, lưỡi cưa quay tít mù: Chị chuẩn bị chiến đấu với một gã đàn ông có vũ khí như vậy hay sao? Nhưng nếu không chống trả, chúng tôi chỉ còn đường chết.

Chị lại nhìn đồng hồ.

Thằng cha ấy sắp giết chúng tôi. Đây là quy tắc của cái thế giới mà chúng tôi rơi vào, không thể thay đổi được.

Chị tôi bảo tôi trườn qua cống ngầm sang chào mọi người. Thời gian trôi đi vội vã.

Cho đến nay đã có bao nhiêu thi thể trôi qua rãnh nước này? Tôi lội xuống nước rồi luồn qua cửa cống hình vuông, trườn qua trườn lại các căn phòng.

Ngoài chị em tôi ra, còn có năm người nữa đang bị giam ở đây, ba người ở

ba phòng phía cuối dòng nước đều đã nhìn thấy các mảnh thi thể trôi qua.

Tôi sang từng phòng từ biệt họ. Ai cũng biết hôm nay đến lượt hai chị em tôi ra đi. Họ ôm mặt đau xót hoặc tuyệt vọng nghĩ tới tình cảnh của bản thân, cũng có người khuyên tôi nên trốn dưới cống ngầm để thoát nạn.

“Em cầm lấy đi.” Người phụ nữ trẻ ở phòng số 5 đưa chiếc áo len trắng cho tôi, lúc này tôi vẫn chỉ mặc độc cái quần lót.

“Chỗ chị ấm lắm, không cần áo len đâu.” Nói rồi chị ôm tôi thật chặt. “Mong sao vận may sẽ đến với em và chị gái em...”

Chị khóc nghẹn ngào. Sắp đến 6 giờ.

Hai chúng tôi ngồi ở góc phòng xa cửa nhất.

Tôi ngồi sát tường, chị tôi ngồi phía ngoài. Chúng tôi đều duỗi chân, cánh tay ấm áp của chị tì vào cánh tay tôi.

“Ra khỏi đây rồi, em muốn làm gì đầu tiên?”

Ra khỏi đây rồi... Tôi đã nghĩ đến điều này vô số lần và có ngần đó câu trả lời.

“Em không biết nữa.”

Nhưng tôi rất muốn gặp cha mẹ, muốn hít thở thật sâu, muốn ăn sô cô la, muốn làm cơ man nào là việc. Nếu còn cơ hội làm được, tôi sẽ mừng phát khóc. Chị nghe tôi nói với vẻ mặt đồng tình.

Tôi lại liếc đồng hồ. Chị thì cứ đăm đăm nhìn ngọn đèn điện khiến tôi phải nhìn theo.

Trước khi bị nhốt vào đây, chúng tôi rất hay cãi cọ. Thậm chí tôi còn tự hỏi sao lại có người chị tồn tại trên đời. Ngày nào chúng tôi cũng đấu khẩu, quà bánh xông vào tranh nhau.

Thế nhưng giờ đây, chỉ cần ngồi bên nhau, tôi đã cảm thấy bản thân trở nên mạnh mẽ: Cánh tay chị truyền hơi ấm sáng, khiến tôi biết rằng mình không hề cô độc.

Chị tôi đặc biệt hơn hẳn những người phụ nữ ở các phòng kế bên. Vì từ khi tôi còn bé tí, chị đã biết mọi chuyện về tôi.

“Khi em ra đời, chị đã nghĩ gì?”

Chị nghe câu hỏi rồi nhìn tôi với vẻ khó hiểu, nhưng vẫn đáp:

“Chị nghĩ ‘Cái gì đây?’ Lần đầu nhìn thấy em, em nằm trên giường, bé tẻo teo lại còn đang khóc nhè. Nói thật nhé, lúc đó chị thấy em chẳng liên quan gì đến chị cả!”

Rồi chị lặng yên. Không phải vì không còn gì để nói. Trong cái hộp làm bằng bê tông chỉ có ánh đèn điện yếu và tiếng nước chảy này, tôi có cảm giác chị em tôi đang đối thoại từ trái tim. Vào thời khắc cận kề cái chết, cõi lòng chúng tôi đều phẳng lặng khác thường, giống như mặt nước không một gợn sóng.

Chúng tôi lại nhìn đồng hồ. “Sẵn sàng rồi chứ?”

Chị hít thật sâu, rồi hỏi tôi. Tôi gật đầu, thần kinh căng như dây đàn. Sắp đến rồi.

Tôi dỏng tai lắng nghe xem có âm thanh gì khác không. Chỉ nghe nước chảy ọp ọp.

Sau vài phút yên ắng, bỗng có tiếng bước chân từ xa vọng lại như thường lệ.

Tôi huých khuỷu tay vào chị và hất hàm, ngụ ý đã tới giờ.

Rồi tôi đứng lên, chị đứng lên theo.

Chị dịu dàng đặt tay lên đầu tôi, ngón tay cái khẽ miết trên trán. Dấu hiệu từ biệt ấy thật thầm lặng.

Chúng tôi chỉ là trẻ con, không thể đánh lại gã đàn ông trưởng thành còn có cưa máy kia. Một kết luận đau lòng, nhưng đó là sự thật.

Có bóng người bên dưới khe cửa.

Tim tôi đập nhanh như muốn vỡ tung, cảm giác mọi thứ trong người đang trào ngược lên cổ họng. Những ngày bị giam cầm, khuôn mặt và giọng nói của từng người đã chết phút chốc hiện về trong cõi lòng tràn ngập bị thương và sợ hãi của tôi.

Ngoài cửa có tiếng mở then cài.

Chị tôi lùi về góc phòng xa cửa nhất, một chân quỳ xuống đất trong tư thế sẵn sàng. Chị đưa mắt nhìn tôi. Cái chết đang áp sát.

Cánh cửa sắt mở ra kèm theo một âm thanh nặng nề. Một gã đàn ông xuất hiện và bước vào.

Nhưng tôi không nhìn rõ mặt hắn. Tôi chỉ thấy bóng đen của kẻ đang đem cái chết tới đây.

Chiếc cưa máy bắt đầu phát ra tiếng ồn, cả căn phòng chấn động dữ dội.

Chị tôi đứng ở góc phòng, giơ tay chắn ngang để hắn không thể nhìn thấy phía sau lưng chị.

“Tao quyết không để mày đụng đến một ngón tay của em tao!” Tiếng hét của chị chìm nghỉm trong tiếng cưa máy đang réo ầm ầm.

Tôi chỉ muốn kêu lên vì sợ hãi. Đĩa cưa quay tít lia vào người hẳn sẽ đau đớn lắm.

Gã đàn ông đã nhìn thấy quần áo tôi sau lưng chị, hắn liền cầm cưa tiến đến. “Không được đến đây!”

Chị tôi hét lên, giơ ngang hai cánh tay che chắn cho phía sau. Tiếng hét bị chìm đi nhưng chắc chắn chị đã hét như vậy. Tại sao tôi lại nghĩ thế? Tại vì chị em tôi đã bàn bạc trước cả rồi.

Thằng cha ấy tiếp tục áp sát chị tôi, rồi gí lưỡi cưa đang quay tít vào cánh tay chị.

Trong chớp mắt, mùi máu tanh nồng nặc khắp phòng.

Tôi đương nhiên không nhìn rõ cảnh tượng hắn cưa đứt lìa cánh tay của chị, mắt tôi chỉ thấy nhòa nhòa, vì tôi đang nhìn tình hình trong căn phòng qua làn nước đục.

Từ dưới rãnh nước, tôi nhổm dậy, bò lên rồi chạy vụt ra ngoài cánh cửa đang mở toang, đóng sập vào và gạt then cửa chốt lại.

Tiếng cưa máy trong phòng trở nên nhỏ xíu, ở đó chỉ còn lại chị tôi và hắn.

Ngón cái chị miết lên trán tôi chính là ám hiệu chúng tôi giã từ nhau, sau đó tôi lập tức nhào xuống rãnh nước, dìm toàn thân xuống gần cửa cống ở phía đầu nguồn, vì chỗ đó gần cánh cửa sắt hơn so với cuối nguồn.

Đây là cách chống cự cuối cùng mà chị nghĩ ra.

Chị đứng ở góc phòng, làm động tác che chắn cho quần áo tôi ở phía sau chị nhằm thu hút tên tội phạm bước lại gần. Tôi chớp thời cơ đó chạy vụt ra cửa. Kế hoạch của chị chỉ có thế.

Tôi đã xin vài thứ quần áo của những người chung hoạn nạn, đem về nhồi căng cho giống người thật. Tôi lo lắng không biết mẹo vặt này có được việc không. Nhưng chị tôi đã động viên tôi: chỉ cần dụ hắn vài giây đồng hồ là thành công. Chị giơ ngang hai tay bảo vệ tôi, thực chất là bảo vệ đống quần áo.

Chị đứng ở chỗ xa cửa nhất, sẵn sàng tư thế dụ tên tội phạm bước lại đồng thời thu hút sự chú ý của hắn, để hắn không nhìn thấy tôi nhổm dậy từ rãnh nước.

Khi hắn áp sát và giơ cưa máy lên cưa cánh tay chị, tôi đứng bật dậy chạy vụt ra cửa.

Then cửa chốt lại, toàn thân tôi run bắn. Tôi bỏ mặc chị sắp bị giết và thoát ra một mình. Chị không hề né tránh lưỡi cưa, tiếp tục đứng đó diễn kịch chỉ để giải thoát cho tôi.

Trong căn phòng kín bưng, tiếng cưa máy bỗng tắt lìm.

Có người bước ra đập cửa. Chắc chắn là tên giết người chứ không phải chị tôi, vì chị đã bị cưa đứt hai cánh tay.

Đương nhiên, cửa không mở.

Tiếng cười đắc thắng của chị tôi vọng ra, lanh lảnh đến buốt óc.

Chỉ lát nữa thôi, có lẽ hắn sẽ giết chị tôi. Chỉ còn có hai người trong phòng, hắn sẽ giết chị bằng cách tàn độc nhất.

Nhưng chị đã giúp tôi thoát ra, vì thế chị vẫn là người chiếm thế thượng phong.

Tôi ngó quanh. Hình như nơi này nằm dưới lòng đất. Hành lang không có cửa sổ, trải dài sang hai bên, cứ cách một quãng lại treo một ngọn đèn điện và có một cửa sắt cài then. Có cả thảy bảy cánh cửa.

Tôi gạt then rồi mở tất cả các cửa, ngoại trừ căn phòng số 4. Phòng số 3 về lý mà nói thì không có người nhưng tôi vẫn mở cửa. Có nhiều người đã bỏ mạng ở đây, tôi muốn giải thoát cho họ.

Mọi người đều bình tĩnh gật đầu, không ai tỏ ra vui mừng khi nhìn thấy tôi. Trước đó tôi đã nói với họ về kế hoạch của chị em tôi, họ đều hiểu rằng tôi đứng đây có nghĩa là chị tôi không thoát khỏi cái chết.

Người phụ nữ ở căn phòng số 5 bước ra liền ôm lấy tôi mà khóc. Rồi mọi người tập trung ở trước cửa căn phòng duy nhất còn đóng chặt.

Tiếng cười của chị tôi vẫn lanh lảnh bên trong.

Tiếng cưa máy lại bắt đầu vang lên, sau đó là tiếng cắt kim loại. Chắc hắn

đang muốn cắt cánh cửa sắt, nhưng cánh cửa không hề suy suyển.

Không ai nêu ý kiến nên mở cửa ra để cứu chị tôi, vì chị đã dặn dò từ trước rồi. Chị nói rất có thể tên tội phạm sẽ phản công nên sau khi ra khỏi các căn phòng thì tất cả phải trốn đi ngay lập tức.

Chúng tôi đành để chị bị nhốt trong đó cùng tên ác ma cuồng sát kia rồi rời khỏi nơi này.

Băng qua hành lang là một cầu thang dẫn lên phía trên. Đi hết cầu thang sẽ lại nhìn thấy thế giới ngập tràn ánh mặt trời. Chúng tôi đã thoát khỏi những căn phòng tăm tối, âm u, lạnh lẽo và cô độc.

Tôi không sao cầm được nước mắt. Tôi tháo sợi dây chuyền có cây thánh giá xuống cầm trên tay, tay kia là cuốn sổ viết những dòng băn khoăn day dứt gửi cha mẹ. Cổ tay tôi đeo chiếc đồng hồ - di vật của chị tôi. Đồng hồ không có chức năng chống nước, lúc tôi lặn xuống rãnh, nước đã lọt vào trong.

Hiện giờ nó chỉ đúng 6 giờ tối, kim đồng hồ đứng im không chạy nữa.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.