Em Chờ Anh

Chương 10: Thanh xuân không hối hận




- Làm gì mà thừ người ra vậy?

Giọng nói phía sau lưng làm cho Thông giật mình, quay lại và... há hốc mồm kêu lên:

- Tuyết!

Nhìn Tuyết bằng xương bằng thịt đứng trước mắt mà Thông cứ tưởng như mơ! Tuyết phải nhắc:

- Không xách tiếp người ta chiếc va-li nặng nữa sao!

Thông lúng túng đỡ lấy chiếc va-li lớn, lắp bắp nói:

- Em... em qua đây... với ai?

Nhìn lại trước sau cũng chỉ mình Tuyết nên Thông càng nhạc nhiên hơn:

- Em đi một mình?

Tuyết gật đầu:

- Đi một mình, chắc là không được thầy ký tiếp đón phải không?

Hai người đang nói chuyện thì thím Tám từ trong nhà bước ra, kinh ngạc:

- Ai vậy con?

Thông quay về phía mẹ:

- Đây là cô Hai Tuyết, con gái ông bà Huyện.

Hồi nào đến giờ chỉ nghe con nói, chớ chưa gặp mặt Tuyết bao giờ, nên thím Tám Thảnh ngoài sự bất ngờ về sự xuất hiện đột ngột của khách, thím còn sững sờ trước tấm nhan sắc của cô con gái quyền quý!

- Kìa má, khách tới nhà mà má không mời vô, còn đứng đó...

- Ờ, ờ... mời cô vô nhà. Mèng ơi, rồng mà tới nhà tôm, làm cho tui hết hồn!

Tuyết cười dịu dàng:

- Con tới xin cơm hai bác và anh Thông, chớ khách khứa gì.

Thông là người tinh ý, anh nhìn chiếc va-li thì hơi thắc mắc, phải đợi khi Tuyết nói câu đó anh mới hỏi khẽ:

- Em đi đâu mà đem đồ đạc nhiều vậy?

- Qua đây ở luôn!

Câu trả lời khiến Thông ngơ ngác:

- Em...em...

Tuyết tế nhị nói đủ cho Thông nghe:

- Lát vô nhà em sẽ nói sau.

Chú Tám nghe có khách thì cũng bước ra. Đã từng qua thăm nhà ông bà Huyện Hỉ, và đã từng gặp mặt Tuyết, nên chú ngạc nhiên quá đỗi khi thấy sự hiện diện của cô ở đây:

- Cô Hai... đi với ai?

Tuyết cúi chào và lễ phép đáp:

- Dạ, con đi một mình.

Vừa vào trong bỗng Tuyết vòng tay trước mặt chú thím Tám:

- Con xin phép hai bác, cho con được tá túc và cũng xin hai bác tác hợp cho chúng con.

Đi từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác nên chú thím Tám nhất thời chưa biết phản ứng ra sao. Trong lúc Thông thì lúng túng:

- Em... sao em... như vậy? Hay là...

- Em trốn khỏi nhà!

Câu trả lời của Tuyết làm cho mọi người như đang mơ! Thím Tám kêu lên:

- Chuyện này rắc rối lắm đây!

Chú Tám thì đăm chiêu. Lúc này chỉ có Thông là còn tỉnh táo, anh hỏi kỹ lại:

- Có chuyện gì bên nhà?

Tuyết không giấu giếm, đem chuyện nhà kể ra hết. Rồi cô tha thiết:

- Con hết đường tính rồi, nên mới làm liều thế này. Xin hai bác thương tình, cho con ở tạm ít bữa, rồi con với anh Thông sẽ tính.

Trước tình cảnh đó, không còn cách nào khác, nên vợ chồng Tám Thảnh đành phải chấp nhận. Thím Tám bảo Thông:

- Con dọn phòng đã làm sẵn chờ ngày con cưới vợ cho cô Hai đây nghỉ. Con ra ngoài này ngủ ở bộ ngựa gõ.

Không ngờ Tuyết đã quỳ ngay xuống:

- Hôm nay con xin phép được kêu hai bác là ba má! Bởi dẫu gì thì con đã quyết là vợ anh Thông rồi, nếu bữa nay mà không đặt ba má con trước sự đã rồi thì không hy vọng gì sau này được sự đồng ý.

Quá bất ngờ nên đôi vợ chồng chân chất chỉ biết lặng thinh. Còn Thông thì chỉ biết nắm chặt tay Tuyết trong tay mình, lí nhí gì đó không ai nghe rõ...

Tuyết không đợi sự đồng ý của cha mẹ Thông, đã kéo tay Thông vô trong, rồi nói nhanh:

- Nếu ta không thành chồng vợ ngay bữa nay thì ba má em sẽ tìm và bắt em về, lúc đó có hối cũng không kịp!

Tội nghiệp Thông, vốn xưa nay chỉ biết nghe lời, có dám cãi ai đâu, nhất là với cô con gái rượu của ông Huyện Hỉ, người là chủ và là người ơn của mình. Bởi vậy, lời nào Tuyết nói ra anh chàng cũng chỉ biết gật đầu rồi làm theo...

Đêm đó lễ động phòng bất đắc dĩ của Thông và Tuyết đã khiến cho đôi vợ chồng già phải mất ngủ cả đêm. Đến gần sáng thì thím Tám bàn với chồng:

- Bề gì thì tui với ông cũng phải qua bên nhà ông bà Huyện để thưa cho rõ chuyện này. Con gái người ta là cành vàng lá ngọc, tuy nó quá thương con mình mà làm liều như vậy, nhưng dễ gì họ để yên...

Chú Tám cũng đồng ý:

- Tui với bà lấy cớ đi công chuyện, đừng cho tụi nó biết, rỗi đi luôn qua bên đó ngay sáng nay.

Mặt trời đã lên cao nhưng Thông và Tuyết vẫn chưa dậy, chú Tám Thảng sau khi hội ý với vợ, đã đứng ngoài nhà nói vọng vào:

- Ba má có chuyện đi qua bên Cồn, tới chiều mới về. Hai đứa ở nhà cứ ăn cơm trước, đừng đợi.

Họ xuống xuồng và bơi nhanh về hướng Phụng Hiệp. Trên đường đi, chú Tám cẩn thận bàn trước những cách đối đáp khi giáp mặt ông bà Huyện:

- Người ta là nhà quan, bởi vậy có nói chuyện thì bà cũng phải tính toán, đừng nói lung tung. Cứ những gì tui dặn hồi hôm mà nói.

- Tui lại sợ ông, khi được mời vài ly rượu thì ruột gan gì cũng móc ra phơi bày hết, không khéo lại hư bột hư đường!

Mãi bàn đủ thứ chuyện nên quãng đường mấy chục cây số không mấy chốc đã tới nơi. Từ xa nhìn cơ ngơi đồ sộ của nhà Huyện Hỉ, đôi vợ chồng già thấy tủi thân:

- Sui gia nhà người ta như vầy, còn mình thế kia, thiệt khó hết sức...

Nhưng khi xuồng tấp vô bến thì thím Tám ngạc nhiên hỏi chồng:

- Ông nghe in là tiếng trống, tiếng kèn... đám ma, đúng không?

- Chắc là ở gần đâu đây.

Nhưng lúc bước lên bờ thì chính chú Tám phải sững sờ khi nhìn cảnh nhộn nhịp đang diễn ra đúng ở nhà của ông Huyện! Bảy Nô là người từng đôi lần sang nhà chơi, nên vừa trông thấy vợ chồng Tám Thảnh đã ngạc nhiên kêu lên:

- Kìa, sao hai ông bà biết tin mà sang đây? Còn thầy ký Thông đâu?

Thím Tám linh tính nhạy hơn, đã hỏi ngay:

- Đám... của ai vậy?

Bảy Nô chép miệng:

- Thì của cô Hai Tuyết chớ ai!

- Hả? Cái... cái gì?

Ngỡ là họ quá xúc động, nên Bảy Nô lập lại:

- Cô hai nhà này mới mất hồi trưa hôm kia. Cô ấy đi xuồng với đứa tớ gái, khi qua sông lớn đã bị gió thổi lật xuồng. Cả hai đều không biết lội nên chìm luôn. Mới vớt xác được sáng qua.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.