Dưỡng Long

Chương 10




Nghe ông Chung Sênh kể chuyện này xong, tôi ngỏ ý muốn được xem cuốn gia bản đó. Ông nói cuốn gia bản đã bị một nhà sưu tầm người Đài Loan mua lại; trước đó, một người bạn ông ta vô tình mua được từ một sạp bán sách bày vỉa hè ở một thị trấn nhỏ. Nói chung, những thứ sách cũ tựa như gia phả, nếu không phải sách chép về một gia tộc danh tiếng thì chẳng mấy ai chú ý đến, ngoại trừ một số người có sở thích đặc biệt, ví dụ nhà sưu tầm đến từ Đài Loan ấy.

Tôi nhấp một ngụm trà, rồi hỏi ông Chung Sênh: “Thầy thật sự tin có chuyện như thế à?”

Ông gật đầu, nói: “Cậu cũng biết rồi, về những chuyện quá khứ, muốn chứng minh được thì phải thỏa mãn hai điều kiện. Một là, nó có được ghi chép trong các thư tịch cổ; hai là, phải có vật chứng để lại, có vật chứng là điều quan trọng số một. Phần lớn các ghi chép trong các tư liệu cổ xưa đều là thông qua cách lý giải và những tư tưởng không khách quan của người ghi chép; na ná như nhiều tư liệu cổ xưa chép rằng người ta nhìn thấy thần tiên giáng trần chẳng hạn, không có nghĩa thần tiên là có thật. Tôi tương đối tin câu chuyện này, vì nói chung, gia phả gia bản rất được người Trung Quốc coi trọng, họ không tùy tiện ghi chép vào đó những chuyện không hề xảy ra, họ ghi chép sự thật, có sao nói vậy và rất ít yếu tố bịa chuyện. Gia phả là tài liệu lưu truyền trong nội bộ gia đình, không mấy khi lưu lạc ra thị trường.”

Trên đường trở về nhà, Mễ Đâu vừa lái xe vừa nói: “Em cho rằng, thời nay có rất nhiều người có thể đạt được kỹ thuật ấy, đúng không? Anh xem các kỹ thuật viên hóa trang của ngành điện ảnh thì biết, họ làm ra những vết sẹo hay nốt ruồi trên mặt diễn viên cực giống, kể cả khi đứng gần, anh cũng không thể phát hiện ra là thật hay giả. Có một số bộ phim còn hóa trang nam thành nữ, nữ thành nam, diễn viên chỉ cần hơi thận trọng một chút, người bình thường không thể phát hiện ra nổi.”

Lão Phó tiễn tôi về đến nhà, rồi anh lại tiễn Mễ Đâu trở về. Vào nhà rồi, tôi vừa vào buồng tắm thì chuông điện thoại reo. Trần Trọng gọi, nói rằng mấy hôm nay anh mệt muốn chết, bảo tôi ra ngoài đi uống với anh một chút để xả hơi. Tôi định từ chối nhưng anh liền nói lại rằng anh sẽ đến thẳng nhà tôi, khỏi cần ra quán ngồi, sẽ không thoải mái.

Trần Trùng sinh vào thập kỷ 70, anh hay nói rằng hơi khó hòa nhập với thế hệ như tôi và Mông Nhân, nhưng anh rất thích chơi với cánh trẻ hơn vài tuổi như chúng tôi chứ không thích ngồi với bạn cùng trang lứa chỉ toàn nói những chuyện tẻ ngắt chẳng đâu vào đâu, họ sống cứng nhắc chẳng khác gì nhưng ông phỗng sành.

Trần Trọng đến nhà tôi, tất nhiên anh lại nói những ý như trên; tôi hiểu rằng thực ra anh có ít bạn bè, vì tính tình anh rất quái lạ, rất gàn, hễ định làm gì thì anh sẽ làm chứ không đổi ý. Lần này Trần Trọng vừa bước vào, tôi liền nhận ra ngay anh đang có chuyện gì đó không bình thường, khí thế trông rất căng cứng.

Sau mấy lần nâng cốc, Trần Trọng mới nói: “Gần đây tôi gặp một vụ án, rõ ràng xảy ra ở địa bàn chúng tôi mà chúng tôi không được nhúng tay vào; chính tôi đã đến hiện trường vụ án đó.”

Trong khu vực của anh có một đài hỏa táng, một buổi sáng nọ đài hỏa táng gọi điện báo rằng họ bị mất ba thi thể, sau đó lại gọi điện nói rằng một nhân viên của đài hỏa táng bị chết, trước đó mấy phút vẫn sống khỏe như voi, mấy phút sau anh ta nói là đi vào gian trong rót cốc nước nóng; lát sau một nhân viên khác cũng nói là vào rót nước nóng, bước vào thì phát hiện ra anh kia đã chết gục trên bàn, lưng anh ta còn bị cắm một ống sắt khá to.

Trần Trọng và các đồng nghiệp lập tức đến hiện trường. Anh nhận ra ngay những điều không bình thường. Lưng anh nhân viên đã chết bị cắm một ống sắt to nhưng chỉ thấy một ít máu chảy ra, trông cứ như ống sắt cắm vào một pho tượng gỗ, chỉ có một tí máu dính ở chỗ ống sắt cắm vào da thịt, các vùng khác thì vẫn nguyên lành không thấy gì lạ. Các cảnh sát hình sự cũng đến ngay sau đó, Trần Trọng từ người phụ trách vụ án trở thành người phối hợp điều tra, tất nhiên là anh không phục.

Với những vụ án như thế này, Trần Trọng vốn rất có tinh thần hăm hở khám phá, hoặc nên nói là anh vốn rất nhạy cảm nghề nghiệp, nếu không vì người nhà can ngăn thì anh đã đi làm cảnh sát hình sự từ lâu rồi.

Các cán bộ pháp y đến hiện trường, sau đó phát hiện ra một chuyện rất ly kỳ: thời gian tử vong của anh nhân viên là cách đây một ngày! Điểm này nghe không xuôi tai, vì khi các nhân viên đài hỏa táng phát hiện thấy mất ba thi thể đã lập tức báo cáo, và khi đó anh nhân viên này cũng cùng các đồng nghiệp bàn bạc về chuyện mất thi thể, tại sao chỉ một lúc sau thì anh ta đã biến thành người “đã chết trước đó một ngày”? Nhưng các cán bộ pháp y khẳng định rằng họ tuyệt đối không nhầm lẫn, sau khi khám nghiệm tử thi, họ xác định đúng là người này đã chết cách đây một ngày, nguyên nhân tử vong là vì thân thể bị một tác động rất mạnh từ bên ngoài, các phủ tạng bị dập vỡ, chảy máu mà chết, cụ thể là bị ô tô đâm phải.

Cả đài hỏa táng bỗng xôn xao rối tinh rối mù, và xuất hiện đủ thứ tin đồn. Có người nói âm hồn anh nhân viên ấy không chịu tan đi, sau khi bị ô tô đâm vẫn bám lấy thân xác, vẫn đến đài hỏa táng tiếp tục làm việc, sau đó bị quỷ sứ Hắc Bạch Vô Thường[1] phát hiện ra, rồi họ đã bắt âm hồn đi. Có người bảo rằng anh ta trở về để tìm kẻ thế thân, nhưng rốt cuộc đã tỉnh ngộ, nên lại ngoan ngoãn xuống âm phủ để chờ đợi.

[1] Truyền thuyết: Hắc vô thường và Bạch vô thường (mặc áo đen, mặc áo trắng) là hai “sứ giả” của Diêm vương, chuyên nhận lệnh đi đón âm hồn về âm phủ.

Trần Trọng chỉ cười thầm về những tin đồn ấy, xưa nay anh tuyệt đối không tin quỷ thần gì hết, ý nghĩ đầu tiên của anh là, anh nhân viên bị chết phải có liên quan đến vụ ba thi thể bị mất. Quả nhiên, khi tra xét lại về ba thi thể kia, thì có một thi thể hôm trước tử vong vì bị ô tô đâm, hai thi thể còn lại, họ chết vì bệnh tật. Cuối cùng, cảnh sát khám nghiệm tử thi, phát hiện ra rằng toàn thân “người nhân viên đã chết” đã bị ai đó “chỉnh hình” với các thủ pháp rất chuyên nghiệp, nếu chỉ nhìn từ bên ngoài thì không thể phát hiện ra. Họ suy đoán rằng “người nhân viên đã chết” này là một trong ba thi thể bị mất. Cuối cùng, kết quả xét nghiệm DNA cho thấy suy luận ấy là đúng. Lúc này, “nhân viên đã chết” tên là Lý Cường trở thành nghi phạm hàng đầu. Lý Cường là kỹ thuật viên của đài hỏa táng chuyên hóa trang cho các thi thể, tay nghề khá cao, thường được thân thích của người chết nhờ đích danh Lý Cường hóa trang cho thi thể.

Tôi nghe Trần Trọng kể chuyện rất say sưa. Anh sờ cằm tiếp tục nói: “Sau khi hỏi các nhân viên của đài hỏa táng, tôi phát hiện ra một vài manh mối, ba thi thể bị mất kia có một điểm chung là bề ngoài không có vết thương gì, tức là bình thường như các trường hợp khác, kể cả thi thể nạn nhân bị ô tô đâm, thì cũng không dễ bị nhận ra, nhất là sau khi đã được hóa trang. Cả ba đều là nam giới, tuổi khoảng 26-27, chiều cao na ná nhau, hình thể cũng vậy, vốn dĩ đều là những người làm việc văn phòng, thời gian tử vong đều chưa quá một ngày; nói hơi ghê răng một chút, là xác vẫn còn tương đối tươi.”

Lúc Trần Trọng nói “tương đối tươi”, thì tôi đang cắn miếng thịt vịt hầm thập cẩm, tôi rùng mình suýt nữa phun ra. Tôi đặt tảng thịt xuống, cầm giấy ăn chùi mép rồi hỏi: “Chuyện chỉ có thế thôi à?”

Trần Trọng gật đầu, nói: “Đến giờ mới chỉ biết ngần ấy tình tiết. Hiện nay Lý Cường là nghi phạm số một, và cũng chưa tìm thấy anh ta, đoán rằng anh ta đã bỏ trốn. Nhưng nguyên nhân thì chưa rõ. Trước hết, vụ án này không phải là án mạng, nhiều nhất chỉ là lấy trộm xác chết. Nhưng anh ta lấy những xác chết ấy để làm gì? Và, dù là lấy trộm xác chết, thì tại sao phải làm biến dạng xác chết thành ra giống như chính mình? Anh ta không đến nỗi quá ngu như thế: cho dù hóa trang giống đến mấy, khi khám nghiệm tử thi vẫn sẽ biết ngay. Lý Cường hàng ngày tiếp xúc với tử thi, anh ta không thể không hiểu điều này.”

Tôi lắc đầu. Trần Trọng ngả người nằm trên đi-văng, nhắm mắt. Rồi anh lại nói: “Cảnh sát đã hỏi người nhà Lý Cường, họ nói gần đây không thấy anh ta có biểu hiện gì không bình thường, vẫn hàng ngày đi làm rồi trở về, thỉnh thoảng vẫn làm thêm ngoài giờ. Lúc rỗi, Lý Cường chỉ đi đánh bóng bàn với mấy người bạn, ngoài bóng bàn ra, anh ta không có sở thích gì khác, không hút thuốc không bia rượu và càng không cờ bạc. Anh ta cũng chưa từng có tiền án tiền sự gì. Có thể nói đó là một công dân “rất sáng rất sạch” như một tờ giấy trắng. Cảnh sát cũng đã hỏi bà con hàng xóm, họ đều nói anh ta có quan hệ rất tốt.”

Tôi bèn nói: “Những người nghiêm chỉnh như thế lại càng dễ phạm tội, lòng người khó lường, ai mà biết được? Rồng sinh chín con mỗi con một tính nữa là loài người!”

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.