[Đồng Nhân Fairy Tail] Xuyên Qua Tôi Là Sách Ma Pháp

Chương 11: Người ấy… ngàn năm sau có còn gặp lại




Sau khi công tước Andrey đính hôn với Natasa, Piotr tuy không có duyên cớ gì rõ rệt vẫn đột nhiên cảm thấy mình không thể nào tiếp tục cuộc sống cũ được nữa. Dù chàng có tin tưởng quả quyết vào những chân lý mà vị ân nhân đã vạch ra cho chàng, dù chàng có tìm được những niềm vui sướng trong thời gian đầy say mê với việc tu thân mà chàng đã toàn tâm toàn ý thực hiện, sau khi công tước Andrey đính hôn với Natasa và sau khi Ioxif Andreyevich chết - Chàng nhận được hai tin này gần như cùng một lúc - Piotr bỗng thấy cuộc sống cũ của chàng đã mất hết hứng thú. Chỉ còn lại cái cơ sở của nó mà thôi: ngôi nhà của chàng với cô vợ lộng lẫy hiện nay đang hưởng thụ ân hụê của một nhân vật quan trọng, rồi thì những mối quan hệ giao thiệp với toàn thành Petersburg và công việc nhà nước với những thủ tục hình thức tẻ ngắt. Và Piotr đột nhiên thấy cuộc sống cũ ấy ghê tởm quá. Chàng không viết nhật ký nữa, tránh tiếp xúc với các hội hữu, chàng lại đến câu lạc bộ như cũ, lại uống rượu nhiều, lại giao du với những nhóm thanh niên độc thân và bắt đầu một cuộc sống phóng đãng đến nỗi bá tước phu nhân Elena Vaxilievna thấy cần phải nghiêm nghị răn bảo chàng.

Piotr cảm thấy vợ nói phải, nên để khỏi tổn hại đến danh giá của nàng, chàng bỏ về Moskva.

Đến Moskva khi bước vào toà nhà cao lớn của mình nơi có mấy cô nữ công tước đã khô đét hoặc đang khô héo dần, với lũ gia nhân đông đúc, khi trông thấy - Trong lúc xe đi ngang thành phố - ngôi nhà thờ Iverxkaya với vô số ngọn nến cháy sáng rực trước những khung tượng thánh thiếp vàng, khi trông thấy quảng trường Kreml, với lớp tuyết phẳng lỳ không một vết xe, những chiếc xe ngựa đưa khách vào những tốp nhà lụp xụp ở khu Xitxev Verazok, trông thấy những người dân Moskva già cả đang chậm rãi sống nốt quãng đời tàn không hề mong muốn gì trông thấy những bà già, những cô tiểu thư của Moskva, những cuộc khiêu vũ của Moskva và cái câu lạc bộ Anh của Moskva, chàng lập tức cảm thấy thư thái như đang ở nhà, như đã về đến bến cũ. Về đến Moskva chàng thấy êm thấm, ấm áp, quen thuộc như khi mặc một chiếc áo ngủ cũ kĩ đã hơi bẩn.

Toàn thể xã hội thượng lưu Moskva, từ bà cụ già cho chí trẻ em, đều đón tiếp Piotr như một người khách mong đợi từ lâu đã có chỗ ngồi luôn luôn dành sẵn chờ mình. Đối với giới xã giao Moskva, Piotr là một con người gàn dở nhưng thật hiền hậu, dễ thương, thông minh vui vẻ, một người quý phái lớp cũ của nước Nga, vô tâm và chân thành. Túi tiền của chàng bao giờ cũng rỗng tuếch, vì bao giờ cũng mở ra cho mọi người.

Những buổi diễn kịch quyên tiền, những bức tranh và những bức tượng tồi, những hội lạc thiện, những người Di-gan, những trường học, những bữa tiệc góp tiền, những buổi truy hoan, những hội viên Tam điểm, những nhà thờ, những cuốn sách - chưa có ai và chưa có cái gì bị chàng từ chối, và giả sử không có hai ông bạn đã vay của chàng rất nhiều tiền và lĩnh lấy trách nhiệm làm giám hộ cho chàng, thì bao nhiêu tiền của chàng đã phân phát hết từ lâu. Ở các câu lạc bộ không một bữa tiệc, một buổi dạ hội nào không có mặt chàng. Chàng vừa gieo mình xuống chiếc đi văng quen thuộc sau khi uống xong hai chai Margot, thì người ta đã quây quần quanh chàng và bắt đầu chuyện trò, tranh cãi, đùa cợt. Ở chỗ nào có đám gây gổ với nhau thì chỉ một nụ cười hiền hậu và một câu nói đùa đúng lúc của chàng cũng đủ hoà giải mọi chuyện xích mích. Những buổi sinh hoạt của chi hội Tam điểm đều tẻ nhạt, chán ngắt nếu không có chàng.

Những khi sau bữa ăn khuya với bọn thanh niên độc thân, chàng đứng dậy với nụ cười hiền lành phúc hậu để chiều theo yêu cầu của lũ quỷ sứ và cùng lên xe đi với họ, thì trong đám thanh niên vang lên những tiếng reo mừng rỡ và đắc thắng. Ở các buổi vũ hội, chàng khiêu vũ khi nào thiếu khách nhảy nam giới. Các tiểu thư và các thiếu phụ mến chàng vì chàng không tán tỉnh ai, mà hoà nhã với tất cả mọi người, nhất là sau bữa ăn tối. "Anh ấy dễ thương thật, anh ấy không có giới tính" - Người ta thường nói về Piotr như vậy.

Piotr là một trong số hàng trăm những ông thị thần về hưu ở Moskva đang hiền lành sống nốt quãng đời còn lại.

Nếu bảy năm trước đây khi chàng mới ở nước ngoài về, có người bảo rằng chàng không phải tìm tòi suy nghĩ gì hết, rằng đường đi của chàng đã được vạch sẵn từ lâu, đã vĩnh viễn được định đoạt rồi và dù chàng có giãy giụa thế nào đi chăng nữa chàng cũng sẽ chẳng khác gì những người cùng một cảnh ngộ với chàng thì chàng sẽ kinh hoàng đến nhường nào? Chàng sẽ không thể tin được! Chẳng phải chính chàng đã từng muốn khi thì lập nền cộng hoà ở Nga, khi thì tự mình làm ra Napoléon, hoặc làm nhà triết học, làm nhà chiến thuật, làm người chiến thắng Napoléon đó sao? Chẳng phải chính chàng đã thấy có thể thiết tha mong ước cải tạo loài người hư hỏng và tự bản thân đạt tới chỗ chí thiện đó sao?

Chẳng phải chính chàng đã lập nên nào nhà trường, nào bệnh viện, và đã cho nông dân được tự do đó sao? Ấy thế mà tất cả những cái đó đã dẫn đến gì? Chàng là một anh chồng giàu của một cô vợ không trung thành, một ông thị thần về hưu, thích ăn ngon uống say và sau khi nới cúc áo ra, ngồi bình phẩm chính phủ dăm câu nhè nhẹ, một hội viên câu lạc bộ

Anh ở Moskva, và là một thành viên của giới xã giao Moskva được mọi người quý mến. Trong một thời gian khá lâu chàng không sao quen được với ý nghĩ rằng mình chính là một viên thị thần Moskva về hưu, một hạng người mà bảy năm trước đây chàng khinh bỉ thậm tệ.

Đôi khi chàng tự an ủi rằng đấy chẳng qua là mình sống tạm thời như thế thôi; nhưng sau đó chàng lại hoảng sợ nghĩ rằng đã có bao người khi bước vào câu lạc bộ và vào cuộc sống tạm thời ấy thì có đủ răng đủ tóc mà khi đi ra khỏi thì không còn lấy một cái răng, một sợi tóc nào.

Trong những phút kiêu căng, khi chàng nghĩ đến địa vị của mình, chàng có cảm tưởng mình là một người khác hẳn, đứng riêng ra khỏi những hạng thị thần về hưu mà trước kia chàng khinh miệt; rằng những hạng người ấy đều phàm tục và ngu ngốc, an phận, thủ thường "còn ta thì đến bây giờ cũng vẫn không hề thoả mãn, muốn làm một cái gì cho nhân loại", - chàng tự nhủ như vậy. - "Mà có lẽ tất cả những người cùng cảnh ngộ như ta cũng giãy giụa, cũng đang tìm một con đường sống mới như ta, và cũng như ta, họ chẳng qua vì sự thúc đẩy của hoàn cảnh, của xã hội, của dòng giống, - cáí sức mạnh tự nhiên mà con ngừời không sao chống nổi ấy - nên mới bị bắt dẫn đến nông nỗi này". - chàng tự nhủ trong những phút khiêm tốn; và sau một thời gian, chàng đã không còn khinh miệt các bạn cùng cảnh ngộ nữa, mà lại bắt đầu yêu mến, kính trọng và thương xót họ như bản thân mình.

Piotr không còn những phút tuyệt vọng, u uất và chán đời như trước nữa; nhưng cũng vẫn cái bệnh ấy, trước khi biểu lộ ra thành những cơn ác liệt thì bây giờ bị dồn sâu trong xương tuỷ và không phút nào rời khỏi chàng. "Đi đến đâu? Để làm gì? Cái gì đang diễn ra trên thế gian?" - Mỗi ngày chàng băn khoăn tự hỏi mấy lần như vậy, bất giác bắt đầu nghĩ sâu vào ý nghĩa của các hiện tượng trong cuộc sống, nhưng vốn đã có kinh nghiệm rằng những vấn đều này không có cách gì giải đáp chàng vội cố xua đuổi nó đi, vớ lấy Nikolaievich chuyện trò về các tin kháo vặt trong thành phố.

Elena Vaxilievna xưa nay chưa hề yêu thích cái gì ngoài thân thể của mình ra - và là một trong những người đàn bà ngu xuẩn nhất thế giới. - Piotr nghĩ lại được người ta cho là sự tuyệt đỉnh của trí thông minh và sự tế nhị, và mọi người đều sùng bái nàng. Napoléon Bonaparte bị mọi người khinh miệt trong chừng mực ông ta còn là một vĩ nhân, thế mà từ khi ông ta trở thành một tay kép hát thảm hại thì hoàng đế Frantx cứ nằng nặc đòi gả con gái làm vợ lẽ cho ông ta.

Người Tây Ban Nha thì nhờ giáo hội chuyển đến Thượng đế những lời cầu nguyện tỏ lòng biết ơn. Người đã phù hộ cho họ thắng quân Tây Ban Nha, ngày mười bốn tháng sáu. Các đạo huynh của ta trong hội Tam điểm lấy máu thề rằng họ hy sinh tất cả cho đồng loại, nhưng khi quyên tiền giúp người nghèo thì họ lại không bỏ ra một rúp, họ âm mưu xúc xiểm phái Axtrey chống lại phái những người đi tìm Cam lồ và chỉ lo tìm cách kiếm cho được tấm thảm Scotland chính hiệu và một bức hiến chương mà chính kẻ viết ra cùng không hiểu ý nghĩa, một văn kiện mà chẳng có ai cần đến. Tất cả chúng ta đều ở trên ấy. Tất cả chúng ta đều theo đạo luật Cơ đốc giáo về sự nhẫn nhục và bác ái, theo đạo luật ấy chúng ta đã dựng lên bốn mươi lần bốn chục ngôi nhà thờ ở Moskva, thế mà hôm qua người ta đem một người lính đào ngũ ra dùng roi sắt quất cho đến chết, và một ông linh mục, chính kẻ phụng sự đạo yêu thương và tha thứ đó đã giơ cây thánh giá cho người lính kia hôn trước khi bị hành hình" - Piotr suy nghĩ như vậy, và tất cả sự dối trá được mọi người thừa nhận ấy, dù chàng có quen với nó đến đâu chăng nữa, cũng vẫn khiến chàng kinh ngạc như một điều gì mớỉ mẻ. "Ta hiểu sự dối trá và sự hỗn loạn này, - Piotr nghĩ, - nhưng ta làm thế nào nói ra với họ tất cả những điều ta hiểu? Ta đã từng thử nói và bao giờ cũng thấy rằng trong thâm tâm họ cũng hiểu như ta, chỉ có điều là họ cố tình không trông thấy nó. Như vậy nghĩa là cần phải như thế mới được! Nhưng còn ta, ta biết trốn đi đâu?". Piotr có cái khả năng bất hạnh của một số người, nhất là những người Nga, là có thể thấy và tin rằng có thể có cái chí thiện, có chân lý, nhưng lại cũng nhìn thấy quá rõ cái ác và sự giả dối của cuộc sống, nên không thể tham dự một cách đến nơi đến chốn vào cuộc sống được. Dưới mắt chàng bất cứ lĩnh vực hoạt động nào cũng đều gắn liền với cái ác và sự dối trá. Dù chàng có muốn thử làm việc gì thì cái ác và sự dối trá cũng đẩy chàng và và chặn hết lối đi của chàng. Nhưng chàng vẫn phải sống, vẫn phải làm một công việc gì. Cứ ở dưới cái ách nặng của những vấn đề không thể giải quyết được này thì ghê sợ quá cho nên chàng lao mình vào bất cứ thú vui gì miễn sao quên được các vấn đề đó. Chàng giao du với đủ các hạng người, uống rượu rất nhiều, sưu tập tranh, xây nhà và nhất là đọc sách.

Chàng đọc tất cả những gì có thể vớ được, và hăm hở đến nỗi vừa đến nhà, khi gia nhân đang cởi áo ngoài cho chàng, chàng đã cầm lấy sách đọc - và từ đọc sách chàng quay ra ngủ, từ ngủ quay ra nói chuyện phiếm trong các phòng khách ở câu lạc bộ, từ nói chuyện phiếm lại quay ra chè chén và chơi bời, từ chơi bời quay ra nói chuyện phiếm, đọc và uống rượu. Uống rượu đối với chàng ngày càng trở thành một nhu cầu của cơ thể và đồng thời cũng là của tinh thần. Mặc dầu thầy thuốc bảo chàng rằng người phì nộn như chàng mà uống rượu thì có thể nguy hiểm, nhưng chàng vẫn cứ uống nhiều.

Chàng chỉ thấy thực sự khoan khoái khi nào đã dốc vào cái miệng rộng của chàng mấy cốc rượu, từ lúc nào chính chàng cũng không biết, và cảm thấy một luồng hơi ấm dễ chịu tràn vào người, một lòng yêu thương đối với đồng loại và một thái độ tinh thần sẵn sàng đề cập hời hợt tới bất cứ vấn đề nào nhưng không đi sâu vào thực chất của nó. Chỉ khi nào đã uống một hai chai rượu, chàng mới nhận thấy mơ hồ rằng cái nút thắt rối ren, khủng khiếp của cuộc sống trước đây mà chàng đã ghê sợ, thật ra không đến nỗi khủng khiếp như chàng tưởng. Trong khi đầu váng, tai ù nói chuyện, nghe chuyện hoặc đóng sách sau bữa ăn chiều hay bữa ăn tối, chàng luôn luôn thấy cái nút dưới một khía cạnh này hay một khía cạnh khác. Nhưng chỉ khi nào đang say chàng mới tự nhủ: "Không sao đâu. Rồi ta sẽ gỡ ra - Đây, ta có cách giải quyết rồi đây, nhưng bây giờ ta không có thì giờ, - sau này ta sẽ nghĩ kỹ tất cả những điều đó!". Nhưng cái "sau này" ấy chẳng bao giờ đến cả.

Buổi sáng, khi chưa ăn uống gì, tất cả những vấn đề trước đây lại hiện ra, khô khan, và khủng khiếp như cũ, và Piotr vội vàng vớ lấy một quyển sách và rất mừng khi có ai đến chơi.

Đôi khi Piotr nhớ lại một câu chuyện mà chàng đã từng nghe, kể lại rằng trong chiến tranh, những người lính đang trú ẩn trong hầm dưới làn đạn của địch, khi không có gì làm, thường cố tìm cho ra một công việc gì để chịu đựng giờ phút hiểm nghèo một cách dễ dàng hơn, và Piotr thấy hình như người ta đều là những người lính như vậy, đang tìm cách trốn tránh cuộc sống: người thì tìm hư danh, người thì tìm bài bạc, người thì viết luật, người thì chơi gái, người thì bày những trò vui, người thì chơi ngựa, người thì làm chính trị, người thì đi săn, người thì uống rượu, người thì làm việc quốc gia. "Không có cái gì nhỏ nhặt, cũng chả có cái gì là quan trọng, cái gì cũng thế thôi, miễn sao thoát khỏi nó! - Piotr nghĩ - Miễn sao đừng phải thấy nó đừng phải thấy cuộc sống khủng khiếp ấy".

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.