Đội Thi Công Tình Yêu

Chương 11: Lần đầu gặp




Tôi vẫn chưa nghe rõ lão đang nói gì, liền thấy hai chân Minh Thúc mềm nhũn lập cập quỳ sụp xuống đất, Đa Linh và Cổ Thái cũng quỳ xuống theo. Dường như bọn họ mới trông thấy thứ gì đó cực kỳ đáng sợ đối với dân mò ngọc. Minh Thúc lấy đầu gối thay chân, lê lết bò lại đưa thi thể mềm nhũn không xương cốt kia vào một cái túi kín mít to tướng, thấy xác chết không bị dính nước, vẻ mặt hết sức khó coi của lão mới dãn ra một chút. Làm xong, lão lại khấu đầu lia lịa, miệng lầm bầm cầu khấn Ngư chủ phù hộ.

Trên biển sóng to gió lớn, dân chài lưới không ai không coi Mẹ tổ là vị thần cứu khổ cứu nạn, phù hộ cho thuyền bè được bình yên. Nhưng đa phần người mạo hiểm ra biển không phải chỉ để cưỡi sóng đạp gió, mà là muốn kiếm cơm nuôi sống gia đình, mò ngọc bắt cá, hoặc vớt thanh đầu bán lấy tiền kiếm sống, mỗi khi có thu hoạch đều nhất thiết phải bái tế Ngư chủ, xin hải thần ban cho miếng cơm ăn.

Xưa nay tôi vẫn nghĩ Ngư chủ là Long vương gia dưới biển, nhưng giờ lại thấy Minh Thúc và hai chị em Đa Linh hoảng hốt sợ sệt, tỏ vẻ cực kỳ cung kính với cái xác đàn bà không xương kia, thật tình không hiểu ba người bọn họ muốn làm gì nữa. Những người tu đạo sao khi phi thăng thành tiên, thi thể để lại gọi là vỏ xác, lẽ nào cái xác đàn bà mềm nhũn như đám bùn nhão ấy lại là vỏ xác của Ngư chủ để lại?

Shirley Dương đang định tìm kiếm bản đồ Quy Khư trong vỏ ốc, không ngờ bị ba người bọn Minh Thúc làm cho kinh hoảng một phen, lập tức hiểu ra, rõ ràng đám dân mò ngọc bọn họ nhận ra những thứ bên trong cái vỏ ốc xanh này. Cô bèn hỏi Minh Thúc, cái xác đàn bà không xương cốt đó, cùng với thanh kiếm đồng, khay ngọc trong vỏ ốc, rốt cuộc là dùng để làm gì?

Minh Thúc quệt mồ hôi trên trán, nói: “Cái chức cố vấn chuyên môn của Minh Thúc không phải là chỉ ngồi không thôi đâu nhé, đừng tưởng mấy cô mấy cậu là cao thủ Mô Kim Ban Sơn, xưa nay lên núi băng rừng như không là oách lắm, cái ngữ mấy cô mấy cậu ra đến ngoài biển là chẳng hiểu quy củ của nghề mò ngọc gì hết. Tuy rằng bảy mươi hai ngành truyền thống đều nhờ vào ngón nghề mà kiếm ăn, nhưng mỗi nghề mỗi khác, vậy nên các cô các cậu không biết cái xác đàn bà và thanh đoản kiếm này dùng để làm gì cũng là chuyện dĩ nhiên thôi. Trong mắt dân mò ngọc, đây đều là thần vật do tổ tiên để lại đó.”

Tôi nói: “Cái bác Minh Thúc này, đừng có làm bộ vòng vo Tam Quốc ra vẻ ta đây nữa. Dù hồi trước tôi chưa từng xuống biển mò ngọc, cũng đoán ra được ba bốn phần rồi, vật giấu trong cái vỏ ốc này, đại khái chắc là vật thời xưa tổ tiên Đản nhân dùng để xuống biển mò ngọc chứ gì?”

Minh Thúc cười khì khì đáp: “Chú Nhất quả không hổ danh là bậc tài danh trong đám Mô Kim hiệu úy, ánh mắt đúng thực là rất sắc bén. Cái vỏ ốc bị tấm đồng bít kín này, chẳng phải là quan tài gì cả, mà cũng không phải hòm chứa đồ minh khí bồi táng. Các chú cũng biết rồi đấy, các ngón nghề của dân mò ngọc đều bắt nguồn từ Đản nhân thời Tần Hán. Ngày nay, trong một số chùa miếu thờ thần biển cổ niên đại lâu đời vẫn có thể gặp được những bức bích họa chép lại thần tích thời cổ, phàm là dân mò ngọc không ai là không biết, cũng như đại đa số Mô Kim hiệu úy đều biết Mô Kim tổ sư gia đã trộm được cuốn dị thư trong mộ U Vương vậy. Dị thư này là thần vật thời Tây Chu, nguồn gốc các kỹ thuật của Mô Kim hiệu úy, thực chất cũng đều từ đó diễn hóa ra cả, nhưng hậu thế lại chẳng có ai được thấy dị thư đó hình dáng như thế nào. Tương truyền, Đản nhân thời xưa có thể đặt xác mồi dưới đáy biển để dụ trai nhả ngọc. Đối với dân mò ngọc, cái gọi là xác mồi ấy, cũng như cuốn dị thư của tổ sư gia Mô Kim hiệu úy nhà các cậu vậy, được coi là một món thần khí mà dân mò ngọc mới chỉ nghe nói chứ chưa từng tận mắt trông thấy bao giờ.”

Nghe Minh Thúc nói vậy, tôi và Shirley Dương liền hiểu được phần lớn tiền nhân hậu quả của việc này. Đản nhân là hậu duệ sống sót của người nước Hận Thiên, chắc hẳn bọn họ phải biết tổ tiên mình xuống biển giết trai lấy ngọc như thế nào, cổ vật giấu bên trong vỏ ốc đều là dụng cụ người Hận Thiên sử dụng để giết trai mò ngọc dưới đáy biển. Tương truyền, những thứ này đều do hải thần Ngư chủ tạo ra, món nào cũng là tuyệt thế vô song, thật chẳng ngờ lại để chúng tôi tình cờ tìm ra. Có điều, những thứ cổ quái dị dạng này rốt cuộc sử dụng như thế nào? Cái xác phụ nữ không xương được gọi là “xác mồi” kia, lẽ nào cũng là đạo cụ dùng để bắt trai lấy ngọc? Đối với những chuyện xưa tích cũ này của đám dân mò ngọc, mấy Mô Kim hiệu úy chúng tôi đều là người ngoài ngành, đích thực là chẳng hiểu gì cả.

Minh Thúc nói, chúng tôi gặp được mấy thứ này đều là nhờ hồng phúc của Ngư chủ ban cho, dứt khoát phải mang về, sau này muốn đến Nam Hải mò ngọc nữa, mấy món này đều có tác dụng rất lớn. Giờ trân châu thiên nhiên ở ven biển đã bị khai thác hết rồi, trong vực xoáy San Hô cũng không còn nhiều nữa, có thể mấy trăm năm sau chưa chắc vẫn có nguyệt quang minh châu, có điều, những cổ vật này đều là tổ cụ của các loại thanh đầu dưới biển, không dùng được thì có thể đem bán, chắc cũng được một món kha khá chứ chẳng chơi.

Trong đám đồ này có cái xác mồi tương đối nguy hiểm. Vừa nãy Shirley Dương nói thời cổ có Từ Yển Vương toàn thân không xương cốt, chỉ có gân thịt mạch máu. Cái xác người đàn bà này có lẽ lúc sống cũng mắc phải chứng bệnh không xương giống Từ Yển Vương vậy. Có điều, Từ Yển Vương từ khi sinh ra đã là một phế nhân có gân mà chẳng có xương, chỉ có thể nằm ngửa mặt lên trời, cả đời không thể ngồi thẳng lên được, còn người đàn bà bị đem làm xác mồi này thì không phải thế. Cô ta bị một thứ hình phạt cực kỳ tàn khốc làm tan biến toàn bộ gân cốt trong cơ thể, da thịt còn lại được xử lý bằng phương pháp đặc biệt, kiểu như bị biến thành một tiêu bản kỳ dị vậy. Nhưng phương pháp chế xác mồi này chưa bao giờ truyền ra ngoài, nên hậu nhân không thể nào biết được.

Từ thời Tần Hán, vì có nhiều con trai nghìn năm vô cùng lớn, nằm ở những nơi rất hiểm yếu, khó mà đưa lên mặt nước được, Long hộ muốn lấy ngọc cần phải mang theo “mồi ngọc” đặt dưới đáy nước. Lũ trai thấy mồi ngọc lấp lánh, tưởng là có trăng sáng trên trời, nhao nhao há miệng ra để minh châu trong mình hấp thụ âm tinh, hút lấy tinh hoa của linh khí trong trời đất. Nhân thời cơ ấy, Long hộ mới liều mạng xông vào đoạt châu. Phương pháp này cực kỳ nguy hiểm, vì lúc ấy đáy biển sẽ bỗng chốc sáng bừng lên, thu hút các loài cá dữ thuồng luồng xung quanh đến. Dùng đến cách này, Long hộ một mặt phải ra sức chiến đấu với cá mập, mặt khác phải nhanh tay mò lấy ngọc trong khoảng thời gian ngắn ngủi trước khi con trai khép miệng vào. Thời xưa, nghe kể về sự tích xuống biển mò ngọc của Long hộ, Hán Văn Đế cũng phải liên tục thốt lên kinh ngạc: “Nguy hiểm quá! Nguy hiểm quá!”

Hình thức ban đầu của mồi ngọc, chính là cái xác mồi làm từ thi thể phụ nữ này. Thời xa xưa, những nơi cực âm dưới đáy biển thường có trai cụ trai kỵ sinh sống, sớm đã thành tinh, tuổi đều trên nghìn năm vạn năm, kết chặt với đá ngầm dưới biển thành một khối, không phải lúc trăng tròn thì tuyệt đối không bao giờ há miệng nhả châu. Ngọc ngậm trong miệng lũ trai cụ kỵ này cực kỳ sáng đẹp, mà chúng thì giảo hoạt vô cùng, mồi ngọc thông thường căn bản không thể nào khiến chúng há miệng, chỉ có dùng xác phụ nữ mặc Thiên châu y này là may ra có tác dụng. Trân châu đính trên Thiên châu y đều là loại ngư châu không đáng tiền, vốn chỉ là thứ kết thạch trong đầu lũ cá, xuống nước không phát sáng, nhưng đặt trong cái xác đàn bà có cỗ oán khí nồng đậm, ngư châu này sẽ phát ra ánh sáng ảm đạm mờ mờ, quầng sáng tỏa ra âm khí dày đặc, rất giống mặt trăng. Kẻ mò ngọc lặn xuống đáy nước sâu phải cõng theo xác mồi trên lưng mới có thể dụ cho lũ trai cụ trai kỵ thành tinh đó há miệng ra.

Xác mồi bình thường không thể dính nước, hễ gặp nước là sẽ phình to ra, làm tiêu hao âm khí. Phương pháp mò ngọc nguyên thủy nhưng hiệu quả, song cũng có mấy phần tàn nhẫn tà ác và thần bí này, chỉ có tổ tiên của Đản nhân là nắm được, đến cả Long hộ cũng không biết cách chế tạo xác mồi, chỉ có thể dùng cao lân tinh trên xác người chết trộn với ngư châu làm mồi ngọc, hoàn toàn không có hiệu quả gì với bọn trai cụ nghìn năm đã thành tinh cả.

Còn hai thanh đoản kiếm, thân kiếm đen tuyền, lưỡi kiếm có lỗ hổng xếp theo hình dạng Bắc Đẩu thất tinh, chuôi kiếm và lưỡi kiếm đúc liền thành một khối. Chuôi kiếm được tạo hình giao nhân, đuôi cá uốn cong, đầu người vểnh lên há miệng phun ra lưỡi kiếm. Hai thanh kiếm này, một âm một dương, đối xứng chuẩn xác, lưỡi kiếm đã hơi ánh lên màu đỏ sậm, nhưng vẫn sắc bén vô cùng, đặt tay gần vào sẽ cảm thấy khí lạnh bức đến tận xương. Ghé tai lại gần mấy lỗ hổng trên lưỡi kiếm, có thể nghe thấy tiếng sóng biển phảng phất xa xa. Cũng như long hồ đao của Minh Thúc, hai thanh đoản kiếm này đều là vũ khí tổ tiên Đản nhân dùng khi xuống biển giết trai mò ngọc. Nhìn đống vỏ trai vỏ ốc chất như núi trong giếng trời, chúng tôi thực không biết đã có bao nhiêu loài thủy tộc phải táng mạng dưới hai lưỡi kiếm này nữa.

Minh Thúc tự nhận là dân mò ngọc, tuy chưa từng lặn xuống mò ngọc bao giờ, nhưng được cái sành sỏi sự đời, lại có một dạo từng làm ăn bất hợp pháp ngoài khơi, nên cũng hiểu biết khá nhiều về những chuyện trên biển, về lai lịch các ngón nghề của dân mò ngọc, lão này thậm chí còn rành hơn cả những người quanh năm mò ngọc kiếm sống chứ chẳng đùa. Tôi quan sát nét mặt, biết lão không nói bậy, có điều trong lòng cũng không coi trọng mấy: “Thế này thì khác gì thuật giết rồng thời xưa đâu, chẳng có tác dụng thực tế gì cả. Giờ đây bọn trai già nghìn năm ấy đều đã gần như tuyệt tích hết rồi còn gì, môi trường sống của chúng lại hết sức đặc thù, dưới đáy biển lấy đâu ra con trai thành tinh nào cần phải dùng đến xác mồi mới dụ được chứ?”

Thứ tôi quan tâm nhất, là bộ khay ngọc và nến trong vỏ ốc. Tương truyền, dụng cụ Chu Văn Vương sử dụng khi luận giải Tiên thiên Bát quái, chính là mai rùa và nến. Bởi mai rùa long cốt, hoặc ngọc thạch dưới đáy biển đều ẩn chứa long khí thần bí, từ xưa đến nay vẫn được coi là các linh vật thông thiên. Từ mấy vật này mà suy, trong cổ thành Quy Khư rất có thể có di tích của Tiên thiên Bát quái. Nghĩ đoạn tôi bèn bảo Minh Thúc đừng lảm nhảm về mấy thứ không liên quan kia nữa, mau mau trả lời tôi, khay ngọc, bình ngọc và cả nến mỡ giao nhân nữa, rốt cuộc có phải là vật cổ nhân dùng để chiêm bốc bói toán hay không?

Minh Thúc lắc đầu nói, Đản nhân là đám man di trên biển, chẳng bao giờ bói toán gì cả. Cái khay ngọc và nến dùng để tính toán ngày trăng tròn dựa theo bóng nến hắt xuống khay. Thời xưa, có rất nhiều Long hộ kế thừa được phương pháp cổ này, nhưng về sau xuất hiện thêm nhiều vật có thể đo đếm trăng sao, nên dần dần người ta không dùng thứ này nữa; còn loại cao đựng bên trong cái bình ngọc đen kia là thứ tiết ra dưới lớp vảy của giao nhân, ngoài tác dụng trị bệnh khí ép, còn có thể bôi lên thân thể người lặn mò ngọc để che giấu hơi người sống, bằng không những con trai có linh tính sẽ biết có kẻ muốn cướp châu đoạt ngọc của nó mà khép chặt vỏ lại, khiến cho Đản nhân khó lòng tiếp cận. Những thứ này, thực tế chính là một bộ khí cụ thần bí dùng để giết trai lấy ngọc thời cổ đại, sợ rằng không phải cố ý được chôn trong đống vỏ trai vỏ ốc trong giếng trời này. Ở đây, bán phía đều thông gió, dễ xua tan mùi máu tanh, rất có thể là một nơi chuyên giết trai đoạt ngọc thời xưa.

Bọn chúng tôi nghe Minh Thúc nói xong, đều không khỏi thấp thỏm không yên, nhìn đống vỏ trai vỏ ốc chất ngất, cơ hồ như còn ngửi thấy mùi máu tanh nồng nặc xông lên. Con trai vì bị thương mà sinh ra ngọc, sống mấy trăm mấy nghìn năm dưới đáy nước không làm gì hại cho người, vậy mà lại thường xuyên bị giết hại cướp lấy ngọc báu, đúng là “kẻ thất phu vô tội, tội là bởi mang ngọc trong mình”. Không chỉ nhân loại tham lam, mà cả lũ hải quái thuồng luồng cũng thường liều mạng xông tới cướp lấy ngọc trai, cứ quanh quẩn mãi không chịu buông tha. Vỏ trai vỏ ốc trong di tích Quy Khư này nhiều thật đấy, nhưng tự cổ chí kim, số người mò ngọc và các loài thủy tộc mất mạng vì Nam châu, sợ rằng còn phải nhiều gấp mười lần. Cũng khó trách, bởi minh châu đều là tinh hoa của mặt trăng, âm khí ám vào không tiêu tan đi được, cỗ âm khí này thậm chí có thể khiến xác cổ giữ được nguyên vẹn dung nhan đến nghìn năm. Chỉ là, không biết những kẻ quyền quý giàu có tham luyến Nam châu nếu biết mỗi hạt minh châu bằng đầu ngón tay cái ấy, đều phải đổi bằng vô số tính mạng của dân mò ngọc và các loài thủy tộc khác, thì có còn dám đeo lên trên mình làm đồ trang sức nữa hay không?

Tôi và Tuyền béo đưa thi thể Nguyễn Hắc vào trong vỏ ốc đã bị moi sạch, đậy tấm đồng, rồi chôn xuống giữa đống vỏ trai, chắp tay trước ngạc vái mấy vái, cầu khấn cho vong linh của ông ta được yên nghỉ nơi chín suối, đồng thời phù hộ chúng tôi thuận buồm xuôi gió sớm ngày trở về. Sau đó, cả bọn ăn chút đồ ăn chống đói và nghỉ ngơi tại chỗ.

Tuyền béo hoàn toàn chẳng hề lo lắng về tình cảnh trước mắt, đem những đồ giá trị nhất như cái áo ngọc phỉ thúy cùng với xác nhân ngư ngậm ngọc, cất hết vào một ba lô, ôm chặt trong lòng mà ngủ. Trong mơ, dường như cậu ta đang đếm tiền, miệng cứ lầm bầm nói mơ: “Cảm giác dính tiền lên mặt đúng là sướng vãi...”

Minh Thúc lúc thì nhìn cái xác mồi, lúc lại ngắm nghía sờ mó đôi đoản kiếm, tuy lão cũng không đè nén được cảm giác mừng rỡ như điên dại đang cuộn trào lên trong tâm trí, song cũng lấy làm lo lắng, không biết làm cách nào để thoát thân khỏi chốn Quy Khư dưới đáy biển, không hiểu có phải vì sợ hay không mà chốc chốc lại thấy lão run lên một chặp.

Cổ Thái và Đa Linh một là đau lòng vì sư phụ vừa chết thảm, hai là lo lắng cho vận mệnh sau này của mình cũng như khốn cảnh trước mắt, ăn chút đồ xong trằn trọc mãi không sao ngủ được, chỉ mở to đôi mắt đầy những tia máu li ti, nằm trên nấm mộ vỏ ốc nghe tiếng sóng biển bên ngoài.

Tôi bước đến bảo hai người bọn họ tranh thủ chợp mắt nghỉ ngơi một lúc, nom tình hình hải khí hỗn loạn thế này, e là điềm chẳng lành, sau đây sợ rằng sẽ có họa lớn giáng xuống. Đến lúc ấy, sinh tử chỉ cách nhau một đường tơ, nếu giờ không thể nghỉ ngơi hồi phục đầy đủ tinh thần và sức lực, thì sẽ không thể nắm bắt được cơ hội sống sót chỉ đến trong khoảnh khắc ngắn ngủi. Kế đó, tôi lại bảo họ: “Chúng ta đều là người cát nhân thiên tướng, giờ không cần phải nghĩ ngợi gì nhiều, cứ ngủ một giấc đi rồi tính sau.”

Từ lúc bắt đầu tiến vào vùng biển vực xoáy San Hô, tinh thần ai nấy căng ra như sợi dây đàn, chưa được nghỉ ngơi một khắc, giờ cả bọn chúng tôi đều đã cạn kiệt tinh lực, sau khi nghe tôi khuyên giải, rốt cuộc cả mấy người họ cũng từ từ thả lỏng, Minh Thúc và chị em Đa Linh đều lần lượt ngả vào lòng xuồng cao su ngủ thiếp đi.

Chỉ có Shirley Dương là vẫn chồng chất tâm sự, không tài nào chợp mắt được. Cô dựa nghiêng vào chiếc xuồng nhỏ, thì thầm bàn bạc với tôi xem phải giải quyết khó khăn trùng trùng trước mắt như thế nào. Càng lúc càng vớt được nhiều thanh đầu, hành trang mỗi lúc một nặng, tình hình trước mắt tuyệt đối không cho phép chúng tôi lạc quan.

Ở các hải nhãn phía trên Quy Khư đều có âm hỏa nóng bỏng lưu động, ngăn chặn không để hàng trăm nghìn tấn nước đổ xuống. Nhưng người xưa đã đào rỗng cả mạch khoáng dưới đáy biển, khiến cho hải khí không ổn định, một khi nảy sinh biến hóa bất thường thì lại xuất hiện xoáy, khiến nước biển vô cùng vô tận đổ dồn vào Quy Khư, khi đó, muốn trở lên mặt biển phía trên còn khó hơn lên trời. Uy lực của xoáy nước chúng tôi đã từng đích thân nếm trải, đều biết lực hút khủng khiếp của nó có thể hút cả chim đang bay trên trời xuống. Vì vậy, trở lên theo lối cũ trăm phần trăm là bất khả, đó căn bản là một con đường chết.

Shirley Dương nói: “Bên dưới Quy Khư chằng chịt những hỗn lưu, mặt nước lúc thì phẳng lặng, lúc lại cuộn trào sôi sục, có lúc sóng lớn ngập đầu, hai chiếc xuồng nhỏ này không thể đi trong môi trường khắc nghiệt như vậy được. Dẫu ở ngoài xa kia có thể có lối thoát theo dòng chảy ngầm nào đó, nhưng tiếp cận e cũng khó khăn vạn phần, mà chúng ta lại không biết bao giờ hải động trên kia sẽ hút nước biển xuống lấp đầy Quy Khư nữa. Đến khi ấy, di tích thành cổ nổi trên mặt nước này cũng lập tức bị nước biển nhấn chìm, chúng ta thậm chí cả chỗ đặt chân cũng không có nữa đâu.”

Để đầu óc tỉnh táo lại một chút, tôi rút bao thuốc ra châm một điếu, thầm nhủ có thể hút thuốc trong di tích cổ đại nghìn năm dưới đáy biển, đãi ngộ này đúng là người thường không thể hưởng thụ nổi. Nhìn làn khói thuốc vẩn vít bay lên, tôi chợt nhớ đến một vị cao nhân thuở trước. Người này xuất thân là ngư dân, tên gọi Lưu Bạch Đầu. Ông ta rất thích hút thuốc, cũng là một bậc tông sư phong thủy, có điều vị Lưu Bạch Đầu tiên sinh này không xem thế núi, chỉ nhìn hình sông, cực kỳ tinh thông các phương pháp thăm dò quan trắc hải khí. Cuốn kỳ thư Hải để nhãn của ông trình bày rất kỹ các luận chứng về hải khí, mạch nước, thuật xem thế nước hình sông, có thể nói là độc bộ thiên hạ, xứng danh tuyệt học.

Thập lục tự âm dương phong thủy bí thuật của Mô Kim hiệu úy là cuốn sách tổng quyết các bí thuật phong thủy, tập hợp rất nhiều tinh túy của các bậc tông sư, nội dung phân thành năm loại “tranh vẽ, bảng biểu, khúc ca, khẩu quyết, bài phú”, nhưng chỉ có riêng phần “Tầm long quyết” mới đề cập đến mạch Nam Long. Bởi Thập lục tự âm dương phong thủy bí thuật là một cuốn chỉ nam dành cho Mô Kim hiệu úy, nên cũng không hề phân tích rõ ràng tỉ mỉ về mạch Nam Long vốn có rất ít núi non cổ mộ, những lý luận về “hải nhãn, hải khí, long hỏa” trong đó đều từ cuốn Hải để nhãn của kỳ nhân trên biển Lưu Bạch Đầu mà ra cả.

Trong cuốn kỳ thư Hải để nhãn ấy có chép rằng, sự biến đổi của hải khí đều không nằm ngoài cái lẽ “Bàn cổ hỗn độn, âm dương thanh trọc”. Hai câu này nghĩa rằng, hải khí chính là khí hỗn độn còn tồn lưu lại dưới biển từ thuở thần Bàn Cổ khai thiên lập địa. Nơi có hải khí thì đồng thời cũng có hai thứ nước âm dương trộn lẫn, do đó sinh ra suối nước ngọt phun trào dưới đáy biển.

Dân nước Hận Thiên thời xưa sống trên hải đảo, từ quy mô của di tích có thể thấy, dân số hẳn không ít. Bọn họ quanh năm chui dưới lòng đất khai thác quặng đồng, lợi dụng long hỏa chế luyện, nhưng cũng không phải sinh sống luôn bên dưới đáy biển này, các kiến trúc chúng tôi thấy ở đây, chắc hẳn đều chìm xuống sau trận đại kiếp từ thuở xa xưa. Bởi thế, họ cần một nguồn nước ngọt lớn để đáp ứng nhu cầu thường ngày. Trong rừng san hô có rất nhiều dòng chảy hỗn loạn, đại khái chắc đều là di tích của những giếng nước ngọt đào sâu xuống đáy biển năm xưa. Giờ đây, nếu chúng tôi có thể xác định được phương hướng, có lẽ có thể lợi dụng dòng nước ngọt phun từ dưới đáy biển để trở về vực xoáy San Hô cũng không chừng.

Tôi tự cho rằng kế này thật là tuyệt diệu lắm rồi, nhưng Shirley Dương lại lắc đầu phản đối, nói cách đó tuyệt đối bất khả thi. Nơi này cách mặt biển quá xa, căn bản không thể tính toán được chênh lệch áp suất nước cũng như độ mạnh yếu của các dòng chảy hỗn loạn. Chỉ riêng hai thứ đó thôi cũng có thể dễ dàng xé xác người ta thành mảnh vụn rồi. Sau đó, cô lại nói, trong hình xăm sau lưng Cổ Thái, dường như vẫn còn ẩn giấu rất nhiều bí mật, biết đâu, nếu lĩnh ngộ được chân tướng bên trong chúng tôi sẽ tìm thấy đường thoát khỏi nơi này cũng không chừng.

Ngọn núi trên hình xăm Thấu hải trận rất giống những gì chúng tôi nhìn thấy ở đây, các kiến trúc xây dựng trên triền núi nhấp nhô, thế núi quây tròn, ở giữa có một cây gỗ đen khổng lồ đè lên một cỗ cương thi hình thù quái dị, sâu hơn nữa là xác giao nhân và rồng. Giờ điều duy nhất chúng tôi có thể làm chỉ là nghỉ ngơi dưỡng sức, lấy lại tinh thần, sau đó tiếp tục tiến sâu vào di tích cổ để làm rõ chân tướng sự việc hy vọng tìm được cách thoát thân. Tôi và Shirley Dương bàn bạc một hồi, đều cảm thấy hai mí mắt díp lại, rồi cứ thế thiếp đi lúc nào chẳng hay.

Có lẽ tại mệt quá, tôi ngủ say như chết. Đột nhiên một tiếng nổ kinh thiên động địa vang lên, chỉ thấy bốn phía đều có sóng biển gầm rú ập tới. Cả bọn giật mình sực tỉnh khỏi cơn mộng mị. Nước biển trong giếng trời đột ngột dâng cao, các cửa trên bốn vách xung quanh ngập nước, hai chiếc xuồng nhỏ đã được kéo lên mép đống vỏ trai vỏ ốc nổi dập dềnh. Tôi dụi dụi mắt, sợ xuồng cao su bị nước cuốn đi mất, bèn vội vàng bảo cả bọn leo lên xuồng. Đúng lúc này, chợt nghe bên ngoài có tiếng kim loại va chạm, âm thanh liên tu bất tận, tựa như tất cả các tượng thần bằng đồng thau trong đại điện cùng sống dậy, áo giáp đồng lanh canh dày đặc, nhức óc, dần dần quây tới vây kín chúng tôi. Nghe những tiếng động hỗn loạn, rất khó phán đoán số lượng, xem ra tuyệt đối không chỉ có mười mấy tượng đồng khổng lồ chúng tôi trong thấy trong đại điện, mà tựa như có cả cánh quân đông đến nghìn vạn người đồng đang rùng rùng sống dậy dưới đáy biển vậy. Thiên quân vạn mã đạp nước xông lên, tiếng đồng va chạm hòa lẫn với tiếng sóng biển cuộn trào, không biết là tiếng quân như tiếng sóng hay tiếng sóng như tiếng quân nữa, nhưng âm thanh ầm vang như sấm động đó khiến cả đám chúng tôi nghe mà không khỏi kinh hồn khiếp đảm.

Cả bọn chúng tôi mặt mày tái mét, chẳng rõ rốt cuộc đã xảy ra chuyện khủng khiếp gì. Tuyền béo giật mình cả kinh, còn tưởng tượng ra lũ tượng đồng dưới biển sống dậy cướp mấy món thanh đầu chúng tôi phải liều mạng mới vớt được, vội buộc chặt ba lô lên người, rút khẩu cạc bin M1, nhặt thêm mấy quả lựu đạn nhét vào thắt lưng. Minh Thúc thấy thế càng hoảng hốt hơn, kinh hãi hỏi: “Tuyền béo, cậu định làm trò gì thế?”

Tuyền béo hằn học mở chốt an toàn trên khẩu súng, gằn giọng nói: “Tiên sư cha bố thằng nào dám động một ngón tay đến đồ của ông, ông béo đây sẽ đánh cho chúng mày về thời kỳ đồ đá luôn!” Trong lúc nói chuyện, nước biển dâng lên, đưa hai chiếc xuồng nhỏ ra khỏi giếng trời rồi theo dòng thác vừa mới hình thành đổ xuống giữa lòng núi. Chỉ thấy trong màn hải khí mông lung nổi lên vô số võ sĩ bằng đồng thau đang xếp thành trận thế, vây quanh một thân cây đen kịt.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.