Dịu Dàng Nói Tiếng Yêu Em

Chương 27




Cước lực của một đứa bé tuổi chỉ mười lăm, đơn độc kiêm trình cao lắm chỉ được hai mươi dặm một ngày. Đó là không nói đến thời gian tìm vật thực để lót dạ. Cho nên, sau hai mươi ngày dong ruổi, Văn Đức Chính chỉ đi được già nửa đoạn đường về Nghiêu Long sơn xa xôi!

Những mệt mỏi, gian nan, vất vả trên đường đối với Văn Đức Chính, một đứa bé lòng nung chí cả, không là trở ngại lớn! Duy về vấn đề tìm vật thực trên đường đi mới là khó khăn lớn nhất đối với nó!

“Vô công bất thọ lộc”. Từ lâu Văn Đức Chính đã xem đây là đạo lý làm người của nó. Có làm có hưởng.

Đem công sức đổi lấy bát gạo là việc thường nhật của bất cứ một thường nhân nào, nhưng ai là người chịu thuê một đứa bé, sức trói gà không chặt như Văn Đức Chính?

Đã từng chịu cảnh sống kham khổ nên Văn Đức Chính lần lựa cũng qua được hai mươi ngày. Lúc no bù lúc đói! Lúc no thì đi nhanh, còn lúc đói thì... sức đến đâu đi đến đó!

Vừa đặt bước chân đầu tiên cho ngày thứ hai mươi mốt, Văn Đức Chính đã có cảm nhận đầu tiên trong ngày hôm nay là : “Tìm được một nhà dân thường ở vùng đồi núi này là điều khó thể có!”.

Từ chiều ngày hôm qua, khi chìa tay nhận số thực phẩm mà Văn Đức Chính đã đổi bằng công sức của chính nó bỏ ra trong suốt một buổi chiều hái dưa phụ cho gia chủ, Văn Đức Chính đã nghe được lời cảnh tỉnh của gia chủ :

- Từ đây đi về phía Bắc, không còn những cánh đồng xen kẽ với núi đồi nữa! Chỉ toàn là đồi trơ, núi trọc tiếp liền nhau mà thôi!

Bởi đã được cảnh báo trước, Văn Đức Chính không nản lòng khi ngay lúc này, ánh mắt đầu tiên của nó nhìn về phía bắc xa xôi chỉ thấy những ngọn núi nhấp nhô, liền nhau thành một dãy, và... kéo dài mãi đến vô tận!

Vừa hăm hở bước đi, sau một đêm ngủ đẫy giấc, Văn Đức Chính thầm hy vọng :

“Sẽ tìm được trái rừng, nước suối cầm cự trong suốt chặng đường còn lại! Cùng bất đắc dĩ mới phải dùng đến số lương khô đã được gia chủ ruộng dưa ngày hôm qua hậu hĩnh tặng cho, vì ngày mùa thu hoạch đã chấm dứt!”

Đường đi càng lúc càng lên cao dần, và theo thời gian trôi, mặt nhật cũng mỗi lúc mỗi cao hơn!

Đường dốc cao thì cước lực của Văn Đức Chính đương nhiên phải giảm. Vầng kim ô càng lúc càng đứng bóng thì tất nhiên nó lại càng thêm mõi mệt vì nắng, khát!

Nắng chói chan vắt cạn sức lực nhỏ bé của Văn Đức Chính. Đường đá núi dốc làm bước chân của nó phải loạng choạng.

“Bây giờ mà được lao ngược xuống dốc ắt phải khỏe bằng thích!”

Tự nhủ nhầm, Văn Đức Chính vừa tiếp tục leo lên vừa sắp đặt lại cách đi đứng :

“Nếu những ngày tới đây vẫn lại đồi núi giăng giăng suốt lộ trình thì cứ chiều mát ta leo lên! Mệt đến đâu nghỉ lưng đến đó, còn lúc trời nắng thì lại nghỉ! Như vậy mới có lợi.”

Mắt hoa, chân chồn... một bóng cây râm mát tít trên cao là chỗ nghỉ chân lý tưởng cho Văn Đức Chính.

Ba mươi trượng đường dốc cuối cùng này, để đến được bóng cây đó, Văn Đức Chính cứ ngỡ là nó không sao đi được nữa!

Nhưng... cuối cùng rồi nó cũng đến được! Những nỗi vui mừng, dồn dập ngập trời trong lòng Văn Đức Chính lúc này. Một là đã có chỗ mát để ngả lưng, nghỉ mệt. Hai là... phía sau bóng cây đại thụ đơn độc đã là triền núi thoai thoải dốc xuống, dẫn vào một khe núi giữa ngọn núi này và ngọn núi nữa, kế tiếp liền sau đó.

Chính vì Văn Đức Chính đã quá mỏi mệt và mắt đã hoa nên Văn Đức Chính không lưu tâm đến một sự lạ! Đó là ngay dưới gốc đại thụ có một thạch bàn khá to, và ngay trên thạch bàn đã có ai đó dùng vật cứng vạch nhiều nét dọc ngang, tạo thành một bàn cờ! Và bàn cờ này đã được lấp hơn một nửa là những quân cờ, chỉ còn non nửa vị trí còn lại được để trống.

Phải một lúc lâu sau đó, khi Văn Đức Chính đã thấy khỏe khoắn nhờ vào thức ăn khô mang theo bên người, và khi Văn Đức Chính đang dõi mắt nhìn bao quát một vòng địa thế đỉnh và các triền núi bao quanh, Văn Đức Chính mới nhìn thấy những quân cờ này.

Lạ... mà không lạ! Không lạ vì những quân cờ này trông rất quen mắt với nó! Giống như... Thiết Kỳ châm mà cô nàng Liễu Hà Như, tuần giám của Nhất Thiên bang đã sử dụng.

Và... lạ, lạ vì Văn Đức Chính ngờ vực :

“Không lẽ... tuần giám đang truy đuổi ta sao?”

Và nó lại tự minh định :

“Nếu không thì còn ai ngoài Liễu tuần giám có những quân cờ này? Và... không thể vì tình cờ nó và Liễu tuần giám song hành cùng đi về một hướng?”

Để kiểm định chắc chắn rằng nó nhớ không lầm, Văn Đức Chính đưa tay vào bọc áo lấy ra một ngọn Thiết Kỳ châm để so sánh với những quân cờ trước mặt, ngay trên thạch bàn.

Quả nhiên là không khác một mảy may! Nếu có khác thì chỉ vì những quân cờ trước mắt có đến hai loại, đen và trắng! Và điểm sai biệt nữa đó là những quân cờ trước mặt đã được chủ nhân ấn sâu mặt có mũi cương châm ngập vào đá, giữ cho quân cờ nằm yên vị trên thạch bàn. Đen và trắng xen nhau, nằm đều tăm tắp trên mặt thạch bàn, không quân cờ nào nhô cao hơn quân cờ nào!

Thái độ săm soi những quân cờ trên mặt thạch bàn và nhìn chằm chặp vào quân cờ Thiết Kỳ châm trên tay của Văn Đức Chính đã khiến cho một người đang ẩn mặt trên tàng cây đại thụ hồ nghi và... nôn nao!

Do võ công của người ẩn mặt này vào hàng cao thâm, huống chi Văn Đức Chính là đứa bé không có võ công, nên nó không thể nào phát hiện được sự hiện diện của người này!

Nhưng nếu Văn Đức Chính có chút lịch duyệt hơn một tí nữa, nó sẽ nhận ra bóng của người này qua ánh nắng buổi trưa in xuống mặt thạch bàn, lẫn vào trong bóng lá cây của cổ đại thụ và cũng đủ để biết rằng trên ngọn cô phong này, ngoài nó ra còn có một người nữa đang ẩn nấp ngay trên tàng cây...

Văn Đức Chính cầm Thiết Kỳ châm trên tay, sau một lúc xăm xoi đã tìm cách ấn quân cờ này vào mặt thạch bàn, ngay một chỗ trống, gần với số quân cờ có sẵn ở đó.

Ý của Văn Đức Chính là chỉ muốn ấn thử vào, để sau đó xác định lại thử xem có phải những quân cờ có sẵn phải chăng cũng có những mũi cương châm như Thiếy kỳ châm của tuần giám họ Liễu không mà thôi!

Mũi cương châm dù cứng như sắc luyện, nhưng một khi không có nội lực phổ vào thì dù Văn Đức Chính có cố công đến đâu đi nữa, vẫn không sao cắm Thiết Kỳ châm vào mặt thạch bàn được!

Chán nãn, Văn Đức Chính lôi Thiết Kỳ châm ra, xăm xoi một lúc nữa mặt thạch bàn, rồi lại cố cắm Thiết Kỳ châm vào, ở vị trí khác! Và đó là chỗ mà thạch bàn có sẵn một vết rạn, cũng gần với số quân cờ đã được sắp bày!

Lần này thì Văn Đức Chính đã thành công!

Xoa hai tay vào nhau, tự mình tán thưởng mình. Văn Đức Chính hớn hở sau khi đã tự kết luận :

“Số quân cờ ở đây không giống lắm với Thiết Kỳ châm của Liễu tuần giám vì Thiết Kỳ châm của Liễu tuần giám có độ dầy dầy hơn số quân cờ này! Có nghĩa là Thiết Kỳ châm của Liễu tuần giám nặng hơn, và hình như là to hơn số quân cờ ở đây!”

Cùng với sự tự tán thưởng của Văn Đức Chính, một giọng nói từ thinh không bỗng vang lên, tán thưởng Văn Đức Chính :

- Hay! Tiểu tử khá thật! Chỉ có thế mà lão phu nghĩ không ra!

Giật bắn người, Văn Đức Chính vừa loạng choạng phải chống tay lên những quân cờ, vừa dáo dác nhìn lên tàng cây, tìm xem ai là người vừa phát thoại một cách bất ngờ như thế :

Vù...

Một vị lão nhân có vóc tầm thước, tuổi độ lục tuần, y phục tuyền gấm bạch, để râu ba chòm đã hoa râm theo tiếng động trong gió đã hiện thân đứng gần bên Văn Đức Chính. Đưa tay lôi Văn Đức Chính đứng dậy, rời xa mặt thạch bàn có bàn cờ trên đó, vị lão nhân nói :

- Đừng, tiểu tử! Đừng xóa mất thế cờ hay của lão phu!

Nói xong, vị lão niên bỏ mặc Văn Đức Chính ngơ ngác đứng đó, lão ta cứ đăm đăm nhìn lại bàn cờ...

May mà những quân cờ đã được ghim chặt vào thạch bàn nên vẫn giữ nguyên được vị trí của nó. Không bị cái trống tay của Văn Đức Chính làm lệch lạc vị trí.

Chỉ có quân cờ do Văn Đức Chính đặt vào, do chỉ cắm hờ ngay vào vết rạn nứt của thạch bàn, nên không vững chắc lắm, đã do cái chống tay của nó nên quân cờ không ở ngay vị trí cũ mà nó đã cắm vào.

Vị lão niên đưa tay sửa lại quân cờ và ấn nhẹ vào một cái... thế là quân cờ này đã nằm ngay ngắn với những quân cờ kia ngay.

Gật đầu tán thưởng, vị lão niên lên tiếng :

- Tiểu tử, ngươi... thật là cao cờ! Người là người quen với tiểu Liễu?

“Tiểu Liễu, Lão nói đây là ai?”

Vừa nhủ thầm Văn Đức Chính vừa lắc đầu nói :

- Tiểu bối... không biết chơi cờ!

Thôi nhìn vào bàn cờ, vị lão niên quay ngang nhìn chằm chặp và Văn Đức Chính dò xét... một lúc mới nói :

- Khó được... khó có được! Đã cao minh lại còn khiêm tốn, khá lắm đó tiểu tử!

Vị lão niên vừa vuốt râu, vừa khen ngợi Văn Đức Chính! Làm cho Văn Đức Chính phải một phen lúng túng, và khiến cho vị lão niên tin rằng lão ta đã nhận định không lầm về nhân cách của tiểu tử đứng kề bên.

Văn Đức Chính thấy vậy, liền nói lãng sang chuyện khác :

- Lão trượng vừa mới nói tiểu Liễu, đấy là ai thế, lão trượng?

Được Văn Đức Chính nhắc nhở, vị lão niên liền ồ lên một tiếng, đoạn đáp :

- Liễu Hà Như! Đó là đồ đệ của ta. Tiểu tử ngươi có Thiết Kỳ châm của tiểu Liễu trong tay hẳn có quen biết?

Văn Đức Chính đáp :

- Tiểu bối có biết, nhưng... không quen! Nói vậy lão trượng đây là Âm Phong tán nhân Nhị kỳ trong Ngũ Kỳ tán nhân Cầm, Kỳ, Thi, Tửu, Hoạ?

Lão niên đúng là Âm Phong tán nhân, chuyên thú chơi cờ. Tự phụ là đệ nhất kỳ vương trong giang hồ! Lão đang chờ một câu tán dương của Văn Đức Chính về thuật chơi cờ của lão, dù rằng Văn Đức Chính vừa vô tình đặt một quân cờ vị trí mà lão đã nghĩ không ra.

Nào ngờ, ngay sau khi minh định được lão là ai, Văn Đức Chính là nghé con, nào biết sợ cọp, nhớ lại hành vi tàn ác của Liễu Hà Như đối với nó và nghĩ đến hành vi giả nhân giả nghĩa của Nhất Thiên bang mà Âm Phong tán nhân bây giờ đã là người của bang phái này, nên Văn Đức Chính hỏi :

- Lão trượng đã là một trong Ngũ Kỳ tán nhân sao lại không phân biệt trắng đên, lại gia nhập vào Nhất Thiên bang định mưu đồ bá chủ thiên hạ? Lão trượng có biết lệnh đồ Liễu Hà Như đã bao phen giết hại người vô tội hay không? Đến tiểu bối đây, võ công không có mà lệnh đồ đang tâm định dùng Thiết Kỳ châm này đoạt mạng! Hành vi này đâu phải của bậc trượng phu, danh xưng là Ngũ Kỳ tán nhân như... lão trượng?

Lòng tự phụ đã không được tâng bốc, đề cao, trái lại còn bị Văn Đức Chính nói chạm nọc, dấy lên lòng tự ái của bậc cao nhân, xem dưới mắt không người. Âm Phong tán nhân giận đến xanh xám cả mặt mày :

- Tiểu tử miệng còn hôi sữa, sao dám trịch thượng thốt lời dạy bảo bậc tôn trưởng? Ai đã xúi bảo ngươi? Nói mau.

Văn Đức Chính cao giọng, đáp :

- Đạo lý làm người dạy rằng không vì bả hư danh mà quên đi điều nhân nghĩa! Tiền bối nào cần phải ai chỉ dạy mới nói được điều này! Điều phải thì chói tai, lão trượng thứ cho. Cáo biệt!

- Đứng lại!

Văn Đức Chính nghe lão Âm Phong tán nhân quát lớn mà giật mình kinh sợ, nó lại sợ lão điên tiết lên thì nó sẽ hết đời! Vì chỉ so với Liễu Hà Như nó không còn là gì, thì nói gì đến lão Âm Phong tán nhân là sư phụ của Liễu tuần giám.

Nào hay, sau khi quát xong, Âm Phong tán nhân chỉ nói :

- Nghĩ tình ngươi giúp ta đi được một nước cờ hay, công đó với tội này ta không trách ngươi loạn ngữ, kẻo ngươi lại bảo ta ỷ lớn hiếp nhỏ. Nhưng ngươi định đi đâu?

Thở một hơi dài nhẹ nhõm, Văn Đức Chính đưa tay chỉ vào khe núi mé dưới đáp :

- Hướng đó, xuyên qua khe núi. Có gì không lão trượng?

- Ngươi muốn đi đâu thì đi. Nhưng không được đi vào khe núi đó.

Ngạc nhiên, Văn Đức Chính hỏi :

- Tại sao? Tiểu bối cần phải qua đó để đi thêm về phía Bắc, sao lại không đi được lão trượng?

- Ta đã bảo không đi được là không đi được! Ngươi đừng có rườm lời, nếu không đừng có trách ta nhé!

Ngao ngán, Văn Đức Chính nhìn ngọn núi cao trước mặt. Đó là hướng duy nhất còn lại nếu nó muốn đi thêm về phía Bắc, về Nghiêu Long sơn, Văn Đức Chính hỏi :

- Thế còn leo lên đỉnh thì sao?

- Cứ tự tiện, miễn ngươi không vào khe núi là được rồi. Đi đi!

Văn Đức Chính vừa định lên tiếng hỏi Âm Phong tán nhân xem có phải trong khe núi mé dưới có gì nguy hiểm hay không nhưng nó đành ngậm miệng lại, vì lão đã có bảo nó không được hỏi, không được rườm lời.

Bất đắc dĩ, nó đành phải theo triền núi ngắn nhất, đi lần xuống dưới sự quan sát kỹ lưỡng của Âm Phong tán nhân.

Chuẩn bị đặt chân lên đoạn đường dốc cao của ngọn núi kế tiếp, Văn Đức Chính bất thần ngó lại phía sau...

Khi thấy Âm Phong tán nhân vẫn đang dõi nhìn theo nó, xem nó có đi vào khe núi hay không, Văn Đức Chính nghe giận lên anh ách...

Giẫm chân thình thịch, nó phát tiết cơn giận vào những bước chân vội vàng, phăng phăng leo lên ngọn núi dốc.

Mặt đá dưới chân Văn Đức Chính dưới sức nung nóng của mặt trời quá ngọ, tỏa ra hơi nóng hừng hực làm cho nó càng thêm sôi giận hơn.

“Bất công! Phách lối! Ngang ngược! Cao xanh hỡi cao xanh! Biết chừng nào Văn Đức Chính này có một thân võ công cao cường, hầu xóa bỏ được bao bất công trên đời này?”

Bởi hậm hực nên với sức lực cỏn con Văn Đức Chính không đi lên được bao nhiêu đã thở dốc vì mệt nhoài.

Mồ hôi nhễ nhại tuôn trên gương mặt trẻ thơ, và hòa vào đó là đôi dòng lệ thảm. Càng ấm ức bao nhiêu, Văn Đức Chính càng cố sức bấy nhiêu và rồi dẫn đến một kết quả tất yếu. Đó là Văn Đức Chính không so gượng được nữa. Nó đã phải ngồi tựa lưng vào một phiến đá chênh vênh trên triền núi, chui rúc vào bóng râm bé nhỏ của phiến đá để lẩn trốn cái nắng như thiêu như đốt, để khỏi bị lăn ngược xuống triền dốc vì đã quá mỏi mòn.

Nghiến răng căm hận, Văn Đức Chính ngồi im, chờ cho nắng chiều đến, dịu hơn ánh nắng gay gắt ban trưa này.

Nhờ thế, nên lòng của nó lắng dịu lại dần dần theo cái dịu từ từ của ánh nắng.

“Nhẫn nhục, nhẫn nhục, Văn Đức Chính! Cố nhẫn nhục mà sống, như mi đã từng nhẫn nhục bao lâu này vậy!”

Tự khích lệ lấy bản thân, cuối cùng, Văn Đức Chính đã thấy tâm hồn bình thản lại, nhẹ lại... cũng vừa lúc nắng chiều đã buông xuống, bóng râm mát của tảng đá bây giờ đã dài ra, lớn ra.

“Lên đường!”

Tự quyết định như thế, Văn Đức Chính lại tiếp tục đi lên theo triền dốc với một khí thế hừng hực, khác hẳn lúc vừa rồi.

Mãi đến khi ánh hoàng hôn buông phủ, màn đêm sắp kéo về, Văn Đức Chính nhìn lại ngọn cô phong đằng sau, nơi nó đã gặp Âm Phong tán nhân lúc trưa, và nó tự khẳng định được nó đã đạt được độ cao ở nơi này ngang bằng với đỉnh ngọn cô phong bên kia.

Giữa vài tia nắng chiều còn sót lại, Văn Đức Chính không thấy ngao ngán chút nào khi nhìn về phía trước. Nó muốn leo lên đến đỉnh ngọn núi này, nếu cứ đi luôn trong đêm ắt phải qua giờ tý mới đến nơi.

Không ngần ngại khi chỉ có một mình chơ vơ giữa lưng chừng ngọn núi hiu quạnh. Văn Đức Chính lại tiếp tục di chuyển như nó đã dự định: Lợi dụng cái mát mẻ lúc về đêm để vượt những chặng đường gian nan, vất vả nhất.

Nhưng... Trời già lại cứ hay trêu ngươi! Đã thế Văn Đức Chính lại còn gặp trở ngại. Đi lên chưa được mười trượng, có tiếng quát lớn xé toạc màn đêm vang lên :

- Tiểu tử đứng lại! Đêm hôm khuya khoắt ngươi đi đâu đây?

Giật mình, Văn Đức Chính dừng chân và đưa mắt dáo dác nhìn quanh trong bóng đêm, xem ai vừa quát và người đó đứng ở đâu?

Bầu trời đêm ở vùng núi cao luôn lẩn khuất có sương mù giăng phủ, nên dù đã cố dò tìm nhưng Văn Đức Chính không thể phát hiện được bóng người nào cả. Nhưng nó vẫn lên tiếng đáp :

- Tiểu bối nhân lúc khí trời mát mẻ định tìm đường thượng đỉnh, không hiểu có gì không phải với tôn huynh?

- Câm, ai huynh đệ với tiểu tử ngươi? Xuống đi, tìm nẻo khác mà đi, lối này khách có người nào qua cả.

Do không biết đối phương là ai, và do Văn Đức Chính thấy uổng phí cho công sức đã bỏ ra để leo được đến đây. Bây giờ nếu tuân lời người lạ mặt này leo trở xuống thì hỏi ai mà không căm tức. Nên Văn Đức Chính cao giọng trẻ thơ hỏi :

- Vùng sơn dã này không là của riêng ai, sao tôn giá lại ngăn đường cản lối của tại hạ? Tôn giá không sợ vương pháp sao?

- Hắc hắc... vương pháp à? Được! Đã thế lão gia đưa tiểu tử ngươi về âm cảnh. Xuống đó mà đầu cáo với lão Diêm vương rằng lão gia đây là người Nhất Thiên bang nhé.

Bỗng không chếch về mé tả của Văn Đức Chính xuất hiện một luồng kình phong dũng mãnh, xô đập vào người nó một cái thật mạnh. Chưa hết, luồng dư kình còn cuốn lốc ngươi nó lên, quăng vào khoảng không một quãng dài vô tận...

Do không có võ công nên Văn Đức Chính nào đủ mục lực để nhận biết chỗ nó vừa dừng chân lại kề bên ngay một khe vực sâu thăm thẳm...

Đang trên đà bốc lên cao, rồi lại rơi xuống vùn vụt, Văn Đức Chính còn nghe đối phương không biết mặt thích thú cười rú lên và nói :

- Hắc hắc... ai bảo tiểu tử ngươi đi vào cấm địa của Nhất Thiên bang làm chi. Hắc hắc...

Thân người của Văn Đức Chính không ngừng rơi, và càng rơi càng nhanh. Rơi mà không hiểu nó đang rơi ở đâu, chỗ nào, sâu bao nhiêu? Chỉ biết là lúc này thân hình của nó xé gió lao xuống sàn sạt, không va vào đâu, không đập vào đâu.

Chỉ trong vài cái chớp mắt, Văn Đức Chính mới cảm nhận được thực tại qua trí tưởng tượng non nớt của nó qua địa hình khu đồi núi này. Nó biết là nó đã bị người dùng chưởng phong đưa nó vào hiểm cảnh, rơi xuống vực thẳm và đi đến tuyệt lộ.

“Chết! Rồi cuộc đời Văn Đức Chính ta cũng phải kết cục thế này sao? Chết oan ức, tức tưởi như thế này sao? Hoàng thiên hữu nhãn hay vô nhãn đây? Trời già sao nỡ bất công quá vậy?”

Gặp cảnh khốn cùng dẫn vào tử lộ này, đa phần ai ai cũng đều lo sợ đến thất thần, mất cả hồn vía, còn Văn Đức Chính thì không. Người nó đang lông lốc xoay tròn lúc quay mặt lên, lúc úp mặt trở xuống, nhưng lúc nào nó cũng vẫn mở trừng trừng đôi mặt bé thơ không chút sợ hãi.

Nó đang chờ đợi bàn tay khô lạnh của tử thần đến bóp nghẹt yết hầu nó, dẫn nó về Quỉ môn quan.

Nhưng rồi cái lạnh tột cùng của khe vực đã bóp nghẹt trái tim nó, sức gió mạnh tạo áp lực lên phế phủ làm nghẽn yết hầu nó. Trước khi ngất đi, nó còn cố nhận thức được một điều trong mơ hồ :

“Đến rồi! Đã đến Quỉ môn quan rồi!”

... Không sớm cũng không muộn, lúc tri giác trở lại với Văn Đức Chính thì nó đã nhìn thấy ánh trăng nằm treo giữa đỉnh đầu.

Không nhớ hiện cảnh lúc này nó đang ở đâu, vầng trăng vừa đập vào mắt là Văn Đức Chính đã nhẫm thử xem hôm nay là ngày nào mà bóng trăng tròn vành vạch?

Mười lăm hay mười sáu? Nếu là mười sáu thì khi bóng trăng lên đến đỉnh đầu thì phải là giờ tý.

Giờ tý! Giờ khắc này gợi cho Văn Đức Chính nhớ đến hiện tại, theo đúng dự định thì đáng lý ra giờ tý là giờ nó đã có mặt ở đỉnh núi, nơi nó định vượt qua để đi tiếp về Nghiêu Long sơn mới phải. Vậy tại sao nó lại nằm ở đây? Đây là đâu?

Chỉ mới nghĩ đến điều này, Văn Đức Chính đã cựa mình định nhổm dậy... Nào hay, nó chỉ vừa khẽ cựa mình thì nơi nó nằm bỗng đu đưa, đu đưa... Văn Đức Chính cảm nhận được ngay dưới lưng nó là một đống gì đó nhùng nhằng, toàn thân dây và nhợ.

“Vực thẳm!”

Vừa xác nhận được là nó đã rơi vào vực thẳm, thì thân người Văn Đức Chính liền như bị hụt hẫng, lại tiếp tục rơi xuống nữa...

Lần này Văn Đức Chính không phải chờ đợi lâu như lần trước đó, chờ đợi tử thần đến rước nó đi.

Xoạt... xoạt...

Một dãy liền những âm thanh phát ra do thân hình của Văn Đức Chính va đập vào những nhành cây dày đặc vang lên.

Kéo theo đó là những nỗi đau nhức từ những nơi thân thể cọ quẹt vào cây cối dẫn truyền lên tận tâm não của Văn Đức Chính.

Bình! Thân thể Văn Đức Chính đập vào nền đất vang lên tiếng kêu khe khẽ. Chưa đến nỗi hoang mang vì cú té ngã đau điếng, thì lại có bóng đen dài và trơn tuột lao vút qua người Văn Đức Chính, đồng thời cuộn chặt quanh thân nó thành nhiều vòng chặt cứng.

Lúc mà Văn Đức Chính tỉnh hồn lại được thì chính là lúc chiếc mồm há rộng, toát đầy khí xú uế đang lăm lăm chực mổ vào mặt nó.

Dưới ánh trăng vằng vặc, Văn Đức Chính thất kinh cả hồn vía khi nhìn thấy hai đốm sáng xang lập lòe chập chờn ngay trên đầu.

Chẳng thà do rơi xuống vực thẳm nát tan xương thịt, ngoài khả năng chống đỡ mà chịu chết thì thôi, không có gì đã nói. Còn đây lại là hiểm cảnh khác, Văn Đức Chính há lẽ dễ dàng buông xuôi tay chịu chết?

Do vậy, bất chấp hiểm nguy, Văn Đức Chính vùng mạnh song thủ. Một thì giữ chặt lấy yết hầu con vật quái dị, lúc này Văn Đức Chính đã nhận định được đó là con rắn cực dài, cực lớn. Tay còn lại thì cứ đập liên hồi vào nơi có hai đốm sáng ngời ngời từ mắt của quái xà.

Dù những cú đập của Văn Đức Chính hoàn toàn vô lực đối với quái xà nhưng cũng làm cho quái xà nổi hung lên.

Quái xà vặn vẫy mình, cuộn chặt thân thể Văn Đức Chính mạnh hơn làm cho xương cốt của nó và của Văn Đức Chính chuyển động kêu răng rắc đến ghê người.

Và chiếc đầu của quái xà luân phiên lắc lư qua lại vừa cố tránh nắm quyền bé nhỏ của Văn Đức Chính vừa gắng sức mổ phập vào mặt Văn Đức Chính...

Da con quái xà lại luôn luôn trơn tuột, nên Văn Đức Chính đã mấy lần suýt vuột tả thủ đang giữ và xô vào yết hầu con quái xà do con quái xà vùng vẫy quá mạnh.

Thời gian cầm cự tự nãy đến lúc này không là bao lâu, nhưng đối với Văn Đức Chính nó ngỡ đã lâu lắm rồi. Và sức lực của Văn Đức Chính cơ hồ đã cạn liệt.

Bất ngờ, ngay lúc này gần chỗ Văn Đức Chính và con quái xà đang giằng công hỗn loạn, lại có những ánh đuốc bùng cháy lên.

Văn Đức Chính nào dám sơ hốt, quay sang nhìn quanh xem ánh đuốc từ đâu mà có, nhưng nhờ vào ánh đuốc mà Văn Đức Chính đã nhìn kỹ được con quái xà đang cùng nó giành giật chiến thắng.

Đó là con quái xà kỳ dị nhất mà dù Văn Đức Chính đã từng nghe nhiều người nói đến, vẫn chưa nghe ai nhắc đến con quái xà này.

Ngay chỏm đầu của quái xà nổi gồ lên hẳn một bướu nhỏ, trông từa tựa con mắt thứ ba của quái xà. Và trên ngay chỗ đó là một cái sừng nhỏ không khác nào chiếc sừng tê thu nhỏ lại. Chiếc sừng này cong quắp đầu nhọn xuống nhòm thẳng vào chiếc bứu nhỏ như để bảo vệ, che chở cho cái bướu.

Văn Đức Chính lại nghe có tiếng nhiều người lao xao, sợ hãi nói :

- Ối chà! Độc giác long vương.

- Còn thằng bé nào đây? Xem ra thằng bé ắt là chết mất chứ chẳng chơi đâu.

- Bẩm Tôn đường chủ! Thiên niên chu quả đang độ chín tới. Làm thế nào tiến vào thu thập được đây?

- Đã có lệnh của Bang chủ nhờ Độc Tửu tán nhân dụ quái xà độc giác để thu thập Thiên niên chu quả. Bây giờ tình cờ lại có đứa bé đang cầm giữ quái xà, các ngươi còn chờ gì nữa? Sao không mau đến hái chu quả?

Loáng thoáng nghe lời đối thoại qua tai, Văn Đức Chính không hiểu được điều gì ngoài việc biết tên gọi của con quái xà có một chiếc sừng này là Độc giác long vương.

“Rồng, rắn sao lẫn lộn được? Quái xà này chỉ nên gọi là Độc giác xà vương thì đúng lý hơn. À, làm thế nào ta bẻ được chiếc sừng này của nó được đây? Xem ra chỗ nhô cao như chiếc bướu ở phía giữa hai mắt con quái xà này là chỗ hiểm của nó thì phải...”

Còn Thiên niên chu quả là cái quái gì thì Văn Đức Chính không biết, và cũng không cần phải biết đến trong lúc thập tử nhất sinh này.

Nghĩ được chỗ có cái bướu như con mắt nhứ ba là chỗ hiểm ác của quái xà, nên hữu quyền của Văn Đức Chính thay vì đập vào đầu, vào mắt con quái xà lại xoay sang đập, gõ vào chỗ có cái bướu quái dị.

Cũng ngay chính lúc đó, có một bóng người len lén đi vòng phía sau lưng Văn Đức Chính, len lỏi vào giữa những lùm cây um tùm, gây nên nhiều tiếng sột soạt...

Con Độc giác long vương vội quay đầu, kéo luôn cả cánh tay bé con của Văn Đức Chính theo, nó đang nhìn chằm chặp về hướng có bóng người đang vạch lùm cây tiến vào.

Nhờ chiếc đầu con Độc giác long vương xoay ngang, nên chỗ có chiếc bướu lộ rõ lên trong tầm mắt của Văn Đức Chính.

Không bỏ lỡ thời cơ, Văn Đức Chính đập thật mạnh hữu quyền vào ngay cái bướu, phía dưới đầu cong nhọn của chiếc sừng nhỏ quái dị.

Phần thì đau, còn phần nữa thì có lẽ do con Độc giác long vương đang lo lắng khi Thiên niên chu quả gì đó sắp sửa lọt vào tay người kia đang tìm cách đến gần để hái, nên con Độc giác long vương quẫy mình một cái thật mạnh, buông bỏ Văn Đức Chính ra và đồng thời lao vút thật nhanh đến chỗ người kia.

Tên nọ đang cố vạch lùm cây um tùm, thò tay chỉ còn độ một thước mộc nữa là sẽ hái được trái Thiên niên chu quả màu đỏ bóng ngời dưới ánh đuốc bập bùng của động bọn đang chiếu vào thì hắn bỗng lạnh mình khi có một luồng gió kình cực mạnh xô vào người hắn.

- Ối chao! Trương Thất, coi chừng Độc giác long... Hắn chỉ nghe được đến thế đã hồn bất phụ thể, rụt vội tay về và ngã mình ra sau tránh cái lao hung hiểm của bóng đen láng nhuốt mà hắn đã nghe đồng bọn cáo giác là con Độc giác long vương tuyệt độc.

Nhưng không kịp nữa rồi. Sức lao của con Độc giác long vương hắn không sao né nhanh bằng. Hắn bỗng nghe đau nhói ở bờ vai, tức thì hắn đang đà té ngã đã hôn mê thần trí.

Những lời cuối cùng hắn còn nghe được là tiếng đồng bọn hoảng sợ kêu lên :

- Độc tửu, độc tửu đâu? Khách khanh ơi, cứu cứu... Độc giác long vương đã nổi hung lên rồi... Thiên niên chu quả... Thiên niên chu quả...

Cái quẫy mình và lao đi cực mạnh của con Độc giác long vương đã làm cho thân người bé nhỏ của Văn Đức Chính bay bổng lên không...

Và rồi... Soạt... Soạt...

Thân hình của Văn Đức Chính từ trên cao lại một lần nữa rơi vào giữa bụi lùm cây um tùm.

Sức nặng của thân người Văn Đức Chính đã xé toạc bụi lùm rộng ra, gây thành những tiếng động xé tai...

Văn Đức Chính ngỡ như thân thể nó phen này sẽ bị rách toác hở cả thịt xương vì bị các nhành cây và gai góc vướng vào gây ra.

Thân hình dài ngoằn của con Độc giác long vương cuốn thành nhiều vòng quanh người Văn Đức Chính lúc này theo đà nhả ra và lao đến của quái xà đã vất Văn Đức Chính lên không và lao vào theo hướng lao đi của quái xà. Nghĩa là lao thẳng vào chỗ có Thiên niên chu quả.

Vô tình, từ trên không rơi xuống, sau nhiều lần bị những nhành cây rậm rạp giữ lại, rồi bị gãy rời dưới sức rơi xuống của Văn Đức Chính. Cuối cùng Văn Đức Chính bị giữ lại lơ lững giữa các nhành cây rậm rạp và gần kề với Thiên niên chu quả.

Dưới những ánh đuốc bập bùng còn sót lại do những tên đồng bọn với tên lúc nãy cố len vào hái Thiên niên chu quả vất xuống và bỏ chạy đi vì bị con Độc giác long vương truy đuổi, Văn Đức Chính nhìn rõ được sự hình thành kỳ diệu của Thiên niên chu quả đang độ chín tới.

Một màng tơ mỏng óng ánh sắc bạc đang từ từ phồng to ra, nức toát và lộ hẳn ra một quả nhỏ bằng nắm tay đứa bé con độ năm, bảy tuổi, màu đỏ rực rỡ như chu sa.

Tuy không biết sự quí báu của Thiên niên chu quả ra sao, nhưng lúc này mùi thơm ngạt ngào từ quả đỏ tỏa ra làm cho Văn Đức Chính cũng phải ngây ngất say mê.

Tư thế treo lơ lửng lúc này của Văn Đức Chính thật là tuyệt diệu cho nó. Đầu dưới, thân trên, Thiên niên chu quả chỉ treo lơ lửng ngay trên miệng của Văn Đức Chính không đầy một gang tay. Và từ chiếc màng tơ óng ánh bạc bao ngoài quả lạ đã xuất hiện vài giọt mật quả thơm ngát, sóng sánh chẳng khác nào mật ong.

Một giọt mật quả do đã quá tròn đầy, rơi xuống ngay vào miệng của Văn Đức Chính. Tinh thần sảng khoái, sự đau đớn mệt nhọc từ lúc giao chiến với Độc giác long vương trong cơ thể Văn Đức Chính đã bay biến đi đâu mất.

Ngây ngất, mơ màng, Văn Đức Chính chép chép miệng, nhắm mắt tận hưởng dư vị thơm ngon của mật quả.

Thiên niên chu quả là loại thực thảo kỳ tuyệt nhất nhân trần, do linh khí của đất trời sanh ra, ngàn năm mới một lần sanh hoa, và ngàn năm nữa mới kết quả. Chỉ đúng vào lúc đêm trăng tròn nhất, sáng nhất, mọc ngay giữa đỉnh đầu, đó là lúc âm khí vượng nhất, Thiên niên chu quả mới đúng độ chín nhất. Nó căng mọng ra và tự xé màng bao bọc quanh nó, để phơi mình dưới ánh trăng vằng vặt.

Sự quí báu của Thiên niên chu quả không thể nào kể xiết được. Chỉ biết là, nếu người bình thường thì chỉ một giọt mật quả từ màng bao phía ngoài Thiên niên chu quả thôi cũng đủ tiêu trừ bách bệnh, kháng lại mọi lam sơn chướng khí, giữ mãi tuổi thanh xuân, trường sanh bất lão. Chứ không nói đến trái Thiên niên chu quả.

Còn người trong giới giang hồ võ lâm, thì chỉ vì Thiên niên chu quả có thể gây nên loạn lạc sóng gió, đẫm máu khắp giang hồ, bởi vì nhân vật võ lâm nào phục được Thiên niên chu quả sẽ phát sinh một nội lực khủng khiếp, đến gần hai giáp tý (một trăm hai mươi năm) công phu tu vi! Và sẽ được xem là thiên hạ đệ nhất nhân.

Nói rõ về nội lực bản thân thì tuy theo các trường phái nội công nếu là nội công tâm pháp thượng thừa của Phật môn hay đạo gia thì cứ một năm tu luyện không cần phải có dược lực hỗ trợ thì được xem là một năm công lực tu vi. Và đời người ngắn ngủi, dễ có mấy ai đạt được đến trăm năm công lực? Dù có tu luyện theo nội công tâm pháp từ lúc mới sinh đi chăng nữa, biết người đó có thượng thọ được trăm năm hay không? Bởi thế cho nên, các loại dược thảo quí hiếm phát sinh thêm nội lực bản thân cho người phục dược mới được người giang hồ xem trọng hơn tính mạng.

Còn riêng đối với người tu luyện nội công theo đường lối tà đạo, được các loại độc dược hỗ trợ thì dù có đạt được trăm năm công lực cũng phải đánh đu với thiên mạng. Đem số mạng đánh đổi với sự thành tựu một thân công lực hơn đời. Dù có đạt đến cảnh giới tối thượng nhưng chỉ một chút sơ sẩy trong lúc công phu thì mọi công lao đều phải đổ sông đổ biển, và tánh mạng thì... như chỉ mành treo chuông. Bởi thế, đối với hạng người này, họ lại còn cần đến Thiên niên chu quả, thiên niên hà thủ ô, vạn niên tuyệt liên tử... hơn những người tu luyện nội công theo đường lối chánh tông gấp trăm lần ngàn lần. Vì nội lực bản thể của họ qua đó sẽ đạt được độ cao tối thượng mà không phải nguy hiểm đến sanh mạng như các loại độc dược hỗ trợ thông thường.

Nhưng, Thiên niên chu quả còn quí hiếm hơn các loại dược thảo trân quí khác ở chỗ nó chỉ tồn tại trên trần thế không đến nửa canh giờ. Sau đó, nó sẽ héo úa ngay, không còn tạo nên những kỳ tích nhiêu.

Do không biết đến đặc tính này của Thiên niên chu quả, nên chỉ suýt chút nữa là Văn Đức Chính đã để bỏ lỡ mất cơ hội ngàn năm có một này.

Còn đang lâng lâng tận hưởng dư vị ngon lành của trước sau hai ba giọt mật quả tuần tự rơi xuống ngay miệng nên Văn Đức Chính không ngờ đang có một người lợi dụng Độc giác long vương còn đang truy đuổi bọn người vừa cầm đuốc sáng lập lòe đến khuấy phá linh vật mà con Độc giác long vương đã canh chờ biết bao lâu nay để chính nó được thu thập Thiên niên chu quả.

Người này len lén đến gần bụi lùm có Thiên niên chu quả, không dám gây lên tiếng động, sợ con Độc giác long vương phát hiện sẽ quay về tấn công hắn.

Nhưng người này nào ngờ rằng chính mùi thơm dìu dịu tỏa lan ra đã dẫn dụ con Độc giá long vương quay lại.

Và con Độc giác long vương đã quay lại thật. Tiếng động vi vu do Độc giác long vương lao về tạo ra đã làm cho người này hoảng kinh hồn vía. Không hiểu là do lòng tham quá độ hay bởi vì đây là trách nhiệm bắt buộc phải hoàn thành? Mà người này dù đã biết con Độc giác long vương tối độc đã quay lại, nhưng vẫn cố vươn tay thật nhanh, cố hái cho được Thiên niên chu quả.

Tiếng rít gió ngày càng lớn từ cửa miệng của con Độc giác long vương gây ra, và tiếng sột soạt bất ngờ do người này vươn người, vươn tay cố hái cho được Thiên niên chu quả đã khiến cho Văn Đức Chính sực tỉnh.

Mọi động tác đồng loạt xảy ra nhanh không thể tưởng. Khi tay người nọ chỉ còn trong gang tấc đã hái được Thiên niên chu quả thì Văn Đức Chính đã thò tay giữ lại.

Trong khóe mắt của Văn Đức Chính, và dưới ánh sáng le lói còn sót lại của một vài ngọn đuốc vất bỏ chỏng gọng dưới đất gần đó, Văn Đức Chính kịp thấy người này há miệng phun ra một vùng vân vụ trắng lờ mờ, sực nức mùi rượu, phủ chụp đầy gương mặt đang thất thần vì sợ hãi của Văn Đức Chính. Và sau đó, có lẽ vì ngại con Độc giác long vương đã gần kề sát bên thân nên người này giật tay lại, vụt khỏi cánh tay của Văn Đức Chính đang giữ chặt với một lực đạo thật là kinh khiếp. Tay còn lại người này vơ vội một bầu rượu to đùng, ánh lên sắc đen tuyền, đưa lên miệng tu một hơi dài.

Đoạn người này há to miệng đã ngậm đầy rượu ra phun một lần nữa một màn vân vụ trắng đục vào ngay đầu con Độc giác long vương đang cách thân người này không đầy một thước.

“Ra đây là độc tửu mà lúc nãy có người lớn tiếng kêu lên đây mà!”

Một tia chớp lóe lên trong tâm trí bé thơ của Văn Đức Chính như vậy khiến cho hắn càng thêm sợ hơn. Sợ độc tửu đoạt mạng nó!

Nhưng chỉ không đầy cái chớp mắt, mùi thơm quyến rũ của Thiên niên chu quả và sự tranh đoạt ác liệt giữa bọn người này và con Độc giác long vương đã gây nên tính hiếu kỳ cho Văn Đức Chính. Mà phải nói phần nhiều là do mùi thơm càng lúc càng sực nức của Thiên niên chu quả đã đến độ chín mùi đã gây sự hứng thú cho Văn Đức Chính thì đúng hơn.

Văn Đức Chính không cần phải gắng sức nhiều, chỉ cần cong người lên, há miệng ra, thì quả đỏ có tên là Thiên niên chu quả đã lắp đầy miệng nó.

Nhờ Thiên niên chu quả đã đủ độ chín, nên nó mềm nhủn và tan ngay ra trong miệng vừa ngậm lại của Văn Đức Chính.

Ngọt... thơm... ngon... và đầy ứ nước, đã khiến Văn Đức Chính phải cong người lên thêm nữa mới nuốt được số nước này xuống khỏi miệng.

Ực... Ực... Ực...

Tiếng nuốt ừng ực quá to trong tai Văn Đức Chính đã làm cho nó không nghe được tiếng tháo chạy của người kia.

Người kia đã sai lầm khi dùng độc tửu đối kháng lại Độc giác long vương là loại quái xà tuyệt độc nhất trần. Chẳng khác nào ánh sáng đom đóm, lập lòe đòi so sánh với vầng trăng sáng đêm rằm...

Vừa phun độc tửu ra, người nọ biết ngay là không xong, khi nhìn thấy con Độc giác long vương há miệng nuốt hết toàn bộ màn vân vụ trắng lờ mờ và lại càng tăng thêm sinh khí nhờ vào độc tửu.

Lợi dụng lúc con Độc giác long vương quay đầu, uốn thân quanh chỗ có Thiên niên chu quả đã đủ độ chín, người này quay người, càn luôn cả gai góc và tháo chạy lấy thân ngay.

Văn Đức Chính cũng không nghe tiếng giận dữ gầm rít lên của con Độc giác long vương khi phát hiện Thiên niên chu quả đã biến mất. Thay vào đó là một người nữa đang tòn teng treo lơ lửng trên những cành cây còn sực nức mùi thơm của Thiên niên chu quả.

Độc giác long vương nổi hung tánh lên, quật thân ầm ầm, lao vào một lần nữa cuốn chặt thân thể Văn Đức Chính.

Văn Đức Chính vừa nuốt xong ngụm nước cuối cùng từ Thiên niên chu quả tươm ra thì đã nghe khắp người đau nhức, và lại bị một phát đau nhói vào bờ vai tả.

Kinh tâm tán đởm khi biết đã bị Độc giác long vương cuốn quanh thân lại còn bị miệng con Độc giác ngậm chặt vào bờ vai, Văn Đức Chính bất kể sống chết, đã quay đầu, nhè vào chỗ có chiếc sừng nhỏ cong của con Độc giác long vương mà ngoạm vào.

Hình thù là chiếc sừng, mọi người ai ai khi vừa nhìn thấy cứ ngỡ là nó rất rắn chắc. Nào ngờ, đó chỉ là khối u như chiếc mào của các loài chim trĩ. Nó mềm và sọng đầy máu...

Động tác ngoạm và nuốt nước xuống khỏi cổ là động tác Văn Đức Chính vừa làm xong đối với Thiên niên chu quả, nên theo bản năng, Văn Đức Chính vẫn cứ ngoạm chiếc độc giác của con Độc giác long vương và nuốt liên hồi khỏi cổ những thứ nước từ chiếc sừng con quái xà tuôn ra đầy miệng Văn Đức Chính.

Quả nhiên, chiếc sừng là chỗ hiểm duy nhất của con Độc giác long vương tối độc này. Máu từ chiếc sừng tuôn ra, phần thì bị Văn Đức Chính nuốt, phần thì chảy ngược xuống đất đã làm cho con Độc giác lon vương dần dần bị kiệt lực. Thân mình con Độc giác long vương cứ cuốn lại mãi và chiếc đầu của nó cố vùng vẫy mong thoát được cú ngoạm ngay vào chỗ nhược của Văn Đức Chính đang ngoạm vào.

Như đã nói, đây là chỗ nhược hiểm của quái xà nên sức lực của Độc giác long vương bị kềm chế, không còn mạnh mẽ như lúc đầu nữa. Nên Văn Đức Chính vẫn dễ dàng giữ chặt chiếc sừng của nó ở trong miệng.

Cứ mỗi lần Văn Đức Chính cong thân lên để uống máu con quái xà vào bụng, thì con quái xà lại cố trì xuống khiến cho Văn Đức Chính càng thêm lo nhại.

Và rốt cuộc khi đã quá no không thể nuốt được nữa thì Văn Đức Chính do có hơi lơi lỏng đã để xổng khỏi miệng chiếc sừng của con quái xà.

Thất thần, Văn Đức Chính sợ con quái xà sau khi thoát được lại cắn mổ vào tiếp nên Văn Đức Chính cong đầu cố ngoạm lại một lần nữa chiếc sừng mềm rũ này.

Nào ngờ, Văn Đức Chính lại ngoạm trật, và bắt buộc phải ngoạm vào cục bướu nhỏ ngay dưới chiếc sừng trông từa tựa là con mắt thứ ba của nó.

Vừa ngoạm được chỗ này, Văn Đức Chính cảm nhận được da thịt con quái xà này sao lại quá mềm mại quanh chỗ có cục bướu. Ngược lại, có một vật tròn và tanh hôi khủng khiếp từ cục bướu vọt ngay vào miệng Văn Đức Chính, văng tuột luôn vào cổ và xuống bụng Văn Đức Chính nhanh không thể tưởng.

Từ khi vật tròn, cứng và tanh hôi rời khỏi thân con Độc giác long vương thì có ngay hai hiện tượng phát sinh xảy ra cho hai bên đang ghìm giữ lẫn nhau là con Độc giác long vương và Văn Đức Chính.

Đối với Văn Đức Chính thì ngay khi vật này lọt xuống bụng thì lập tức phát sinh ra một sức nóng kinh hồn ngay trong ngũ tạng lục phủ của Văn Đức Chính. Cái nóng cháy ruột cháy gan, khiến cho Văn Đức Chính bị choáng váng cả người. Miệng phải rời bỏ ngay chỗ đang ngoạm vào con quái xà Độc giác.

Còn đối với con Độc giác long vương khi nó vừa bị Văn Đức Chính ngoạm vào chỗ nhược và khi bị mất viên nội đơn liền bủn rủn toàn thân, rơi xuống đất đánh phịch. Lôi cả Văn Đức Chính đã hôn mê trầm trọng té xuống.

Sau một lúc quằn người đau đớn, con Độc giác long vương rướn thân bảy lượt và chết ngay đương trường.

Còn Văn Đức Chính ngay khi bị té xuống đất, cái chạm thân này bình thường ắt nó đau đớn lắm, nhưng lúc này lại tạo cho nó một cảm giác sảng khoái không thể nào ngờ được.

Đứng vùng dậy, Văn Đức Chính trong cơn sảng cuồng quá độ, đã lao đi ào ào, va đập thân người ầm ầm vào các bờ núi đá, tảng thạch bàn to lớn. Nhưng càng va đập, Văn Đức Chính càng thích, càng thống khoái. Cho nên, bất kể thân hình đã rách nát và máu me đã đẫm đầy thân thể, Văn Đức Chính vẫn tiếp tục tự va quật thân người vào bất kỳ vật cứng nào trên đường chạy...

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.