"Điệu valse giã từ" là tác phẩm thứ ba của nhà viết tiểu thuyết trứ danh người Czech Milan Kundera, người từng được độc giả VN hâm mộ qua "Sự bất tử", "Cuộc sống không ở đây"... Một câu hỏi đi suốt cuốn sách: Phần nhân tính trong con người còn được bao nhiêu?
Được viết vào đầu những năm 70, Điệu Valse Giã Từ giống như một lời chào buồn bã gửi lại cho đất nước Séc của ông, vùng Bohême tươi đẹp của ông, vì chỉ vài năm sau ông sẽ sang Pháp và định cư lại đó. Nhân vật Jakub của Điệu Valse Giã Từ, xét về mặt nào đó, chính là hiện thân của nhà văn đang trên con đường đi về một nơi xa xôi bất định, với quá khứ đóng lại sau lưng mà tương lai thì mờ mịt không chút rõ ràng...
Không phải chưa bao giờ anh có những người đàn bà đẹp, nhưng sự duyên dáng của họ với anh chỉ là cái gì đó phụ liệu. Cái đẩy anh về phía đàn bà, đó là một ham muốn trả thù, đó là nỗi buồn và sự không thỏa mãn hoặc đó là sự thông cảm và thương hại, vũ trụ phụ nữ với anh hòa lẫn với thảm kịch cay đắng mà anh phải dự phần tại đất nước này, nơi anh vừa là người trừng phạt vừa là người bị trừng phạt và nơi anh đã trải qua rất nhiều cuộc chiến nhưng chưa bao giờ có gì diễm tình. Nhưng người phụ nữ xuất hiện trước mặt anh này tách biệt khỏi tất cả những cái đó, tách biệt khỏi cuộc đời anh, cô tới từ bên ngoài, cô xuất hiện trước anh, xuất hiện không chỉ như một người đàn bà đẹp mà còn như chính bản thân cái đẹp và cô thông báo rằng người ta có thể sống ở đây theo cách khác và vì cái gì đó khác...
Có những nhân vật được dựng lên như một cái cớ để cuốn các nhân vật khác vào chính tâm điểm của đời họ. Ba nhân vật chính, thương gia người Mỹ Bertlef, tay trí thức Jakub và bác sĩ Skreta xoay mòng mòng quanh cái trục cám dỗ của ba người đàn bà: Nữ y tá Ruzena, cô sinh viên Olga và cựu ca sĩ Kamila. Khi bị cuốn vào cơn mê sảng vô thức này, mỗi nhân vật chính đều lần lượt tìm ra cách thức di chuyển, dời gót hay những nhịp điệu riêng cho điệu valse tâm trạng lạ lùng của họ, một điệu valse với ma quỷ nhưng đủ sức giúp họ nhìn thấy con người thực của mình. Mỗi người tự cho mình là một vị chúa của chính bản thân họ. Cuối cùng để làm gì?
Không ai thoát khỏi định mệnh, khỏi điệu valse khắc nghiệt của cuộc đời. Khi nhảy với ma quỷ, họ ngỡ mình là Thượng đế, nhưng khi điệu valse kết thúc, họ trở lại là những con người bất hạnh, hoài nghi, bất an hoặc không kiên định. Thứ âm nhạc phát ra từ điệu valse ấy chính là tinh thần cuộc sống, với tất cả mặt tích cực và tiêu cực của nó, có thể lột trái bản chất của từng con người ấy ra. Đó là thái độ thờ ơ trước cái chết của kẻ khác, những kẻ giết người trá hình, gián tiếp mà lương tâm không hề cắn rứt, là những trạng huống phi lý mà khi lạc vào đó, con người trở nên độc ác và không thoát khỏi mê lộ của sự sinh sát, huỷ diệt trong chính tâm hồn họ. Nhưng có một điều an ủi lớn lao là trước khi rời khỏi thành phố để ra nước ngoài, nhân vật nhiều chất suy tư Jakuk đã nhìn thấy cái đẹp cao quý, thánh thiện ẩn trong con người Kamila. Thế là đủ cho anh dấn bước vào một tương lai trước mặt. Có cảm giác chính Milan Kundera ưu ái chạm trổ nhân vật này, vì cuộc đời ông cũng tha hương đi tìm một chân trời khác.
Tương tự như thế giới đàn ông, thế giới phụ nữ cũng có những mặt xấu, nhưng bản chất của họ dù là suối nguồn bị ô nhiễm nhưng có thể cứu vãn được. Họ vẫn còn những bản năng tốt đẹp để giúp người khác nhận ra những giá trị thực trên đời.
Bản dịch của Cao Việt Dũng (cũng là người đã dịch "Cuộc sống không ở đây") khá nhuần nhuyễn, dễ hiểu, không rườm rà. Đây là giai đoạn đầu trong quá trình đổi mới cách thức viết tiểu thuyết, mang lại cho tiểu thuyết một sức sống mới trong bút pháp của Kundera, nên chưa đến nỗi phức tạp. Song chính bậc thầy tiểu thuyết hiện đại này đã nói: "Tinh thần tiểu thuyết là tinh thần của sự phức tạp. Mỗi tiểu thuyết nói với độc giả: Sự đời phức tạp hơn là anh tưởng".
Bình luận truyện