Editor: Yoo Chan
Beta: Cơm Nắm Nướng Chảo
Quà mừng mãn hạn đơi ╮(─▽─)╭
Tui đã trở lại sau thời kỳ cắm trại triền miên trên công ty
và đương nhiên cũng là 1 thời kỳ quằn quại với 1 thứ nát be nát bét =”)))))))
Mờ thôi chuyện qua rồi ko nói. Lâu lắm mới phẹt ra đc 1 chương. Mọi người từ từ đọc nha ヾ(*´ー``)ノ”
.*****
.Quà
Đội xe Jeep chạy như bay trên sa mạc mênh mông không bờ bến. Khí hậu
khô không khốc, khoảng cách giữa các xe được giữ khá xa để tránh bụi
vàng từ xe trước tung lên mù mịt đầy trời.
Tôi ngồi trong xe nhìn ra ngoài cửa sổ, nghĩ lại quyết định lúc
trước, chẳng làm biết thế có đúng hay không, chứ giờ này lại thấy hình
như hơi bị liều quá mức rồi. Có điều hiện tại tôi đã bước chân lên tàu
cướp biển, cũng chẳng còn mặt mũi nào mà nuốt lời nữa.
Trước lúc lên đường kế hoạch của A Ninh đã được phổ biến cho tôi. Tôi phát hiện ra nó hoàn toàn dựa theo tuyến đường của Văn Cẩm năm đó, xuất phát từ Đôn Hoàng, qua Đại Sài Đán mà tiến vào khu vực Sát Nhĩ Hãn, từ
đó rời khỏi đường quốc lộ, tiến vào khu vực không có dân cư của lòng
chảo Sài Đạt Mộc. Tiếp theo là do Định Chủ Trác Mã dẫn đường, đưa cả đội tới nơi mà bà đã chia tay với đoàn thám hiểm năm ấy.
Tuyến đường này gần như giống hệt ghi ghép của Văn Cẩm trong cuốn sổ
tay. Tôi liền thấy bực dọc hết sức. Rốt cuộc cô ta moi từ đâu ra những
thông tin này cơ chứ? Rõ ràng cô ta đã biết đến Tháp Mộc Đà, biết Định
Chủ Trác Mã, biết cả tuyến lữ hành, thoạt nhìn cứ như cô ta đã từng đọc
cuốn sổ tay ấy. Thế nhưng sổ tay đang nằm trong túi áo của tôi cơ mà.
Đoàn xe bổ sung vật tư dọc đường, chẳng mấy chốc đã tới Đôn Hoàng
theo kế hoạch. Có người nói cho tôi biết rằng tuyến đường trước khi vào
tới khu vực Sát Nhĩ Hãn còn khá giống tuyến đường đi phượt, vẫn tương
đối an toàn.
Suốt cả đường đi, những sống phong thực (1) dọc hai bên khiến tôi thấm thía sự hoang vu của sa mạc. Cái kiểu cuối
đất cùng trời mênh mông không bờ bến này khiến cảm giác bị ruồng bỏ
trong con người ta dâng lên mãnh liệt. Lúc mới đầu cảm giác đó còn được
xoa dịu đôi chút bởi rất nhiều những điểm dân cư nay đã trở thành phế
tích, nhưng đến khi chúng tôi rời khỏi Đôn Hoàng, đi lên đường quốc lộ
Sát Nhĩ Hãn, nhanh chóng phi thẳng vào bãi sa mạc, thì không còn cách
nào xua tan được nó nữa. Loại cảm giác sinh ra do chạy xe liên tục mười
mấy tiếng đồng hồ mà cảnh sắc xung quanh vẫn hầu như không đổi này thực
sự khiến người ta ngộp thở. Được cái là đội hình của A Ninh đông khủng
khiếp, lúc hạ trại náo nhiệt ồn ào, ít nhiều cũng khiến cho trong lòng
chúng tôi thoải mái được phần nào.
Tôi và anh chàng người Caucasus nọ cùng ngồi một xe. Anh ta cùng một
tài xế người Tạng thay phiên nhau lái. Trên đường đi, tôi liền đưa mấy
vấn đề này ra hỏi xem anh ta có thể trả lời hay không.
Anh chàng người Caucasus cũng thoải mái giải đáp. Nghe xong, tôi mới
thấy hóa ra mình đã phức tạp hóa vấn đề quá lên. Tôi vốn cứ cho rằng
phải đọc được cuốn sổ thì mới biết đến tháp Mộc Đà, đến Định Chủ Trác Mã và tuyến lữ hành. Thực ra hoàn toàn không phải như thế. Biện pháp đầu
tiên A Ninh áp dụng khi nhận được cuốn băng hình là điều tra công ty
chuyển phát nhanh đã gửi bưu kiện nọ. Từ những gì người trong công ty
chuyển phát nhanh đó nhớ ra, bọn họ tìm được người gửi: đó chính là Định Chủ Trác Mã.
Sau đó là điều tra sâu thêm một chút, cầm bưu kiện đến, vừa hỏi một
cái thì mấy thứ như Tháp Mộc Đà, người dẫn đường, lộ trình, đều tra được hết. Kế hoạch hiện tại cũng đều được lập ra từ thông tin của Định Chủ
Trác Mã cung cấp.
Nghe xong tôi mới thấy nhẹ nhõm. Nếu nói vậy thì nội dung nửa trước
trong phần thứ ba ở cuốn sổ tay của Văn Cẩm là không quan trọng. Phần
quan trọng là đoạn sau khi bọn họ chia tay Định Chủ Trác Mã, tiến vào
Tháp Mộc Đà kia cơ. Tiếc là đoạn đó tôi lại xem không kỹ, nhất định phải tìm cơ hội lén đọc lại một lần mới được.
Sau đó, anh chàng người Caucasus lại nói với tôi rằng anh ta biết chuyện về tháp Mộc Đà.
Anh ta nói cho tôi biết rằng, thực ra tìm được Định Chủ Trác Mã rồi
thì mời biết được quan niệm này về Tháp Mộc Đà. Căn cứ vào những mẩu đối thoại của đoàn người Văn Cẩm khi ấy mà Định Chủ Trác Mã nghe được, thì
hình như đó là trạm dừng cuối cùng của Uông Tàng Hải. Về phần nó ở chỗ
nào thì chính nhóm Văn Cẩm cũng không biết, đành phải đi tìm.
Tuy nhiên, Định Chủ Trác Mã sau đó dựa vào những kiến thức và trải
nghiệm trên đường đi mà nảy ra suy đoán của riêng mình. Bà ta phát hiện
thấy Tháp Mộc Đà mà nhóm Văn Cẩm đi tìm, chính là Tây Vương Mẫu quốc
trong truyền thuyết của bọn họ ở vùng này. Theo cách nói của dân bản xứ
thì nơi đó có lẽ thường được gọi là Tháp Nhĩ Mộc Ti Đa, nghĩa là “quỷ
thành trong mưa”. Sau khi phát hiện thấy điều này bà ta cũng rất sợ hãi, nên giả bộ tìm không thấy đường rồi chia tay bọn họ.
“Tây Vương Mẫu Quốc?” Tôi nghe xong cũng hết hồn, “Đó chẳng phải thứ trong thần thoại sao?”
“Thật ra không phải đâu. Tây Vương Mẫu Quốc có tồn tại thật đấy, mà
còn vương quốc cổ đại trong lịch sử từ rất xa xưa nữa cơ. Thời kì Hoàng
Đế đã có truyền thuyết đó. Tây Vương Mẫu chính là nữ vương của đất nước
này. Hồ Thanh Hải trong tiếng người Khương gọi là “xích tuyết giáp mẫu”, giáp mẫu là “mẹ đứng đầu”, ý chỉ Vương Mẫu. Chúng tôi cho rằng nơi đó
chính là Giao Trì của Vương Mẫu, mà tháp Nhĩ Mộc này chính là thủ phủ
của quốc gia thuộc về Vương Mẫu. Tây Vương Mẫu trong truyền thuyết Tây
Vực đại diện cho sức mạnh của thần linh. Trong những truyền thuyết mà
Định Chủ Trác Mã được nghe từ thưở bé, tòa thành này chỉ xuất hiện trong những cơn mưa lớn, hễ nhìn thấy nó thì sẽ bị cướp đi đôi mắt, trở thành mù lòa, cho nên bà ta cực kỳ sợ hãi.”
(Khương là một dân tộc thiểu số thời cổ sống ở tỉnh Thanh Hải và các tỉnh lân cận thuộc TQ. Giao Trì là nơi ở
của Tây Vương Mẫu trong thần thoại)
“Vậy ý của anh là, thứ mà giờ chúng ta đi tìm, thực ra chính là cố đô của Tây Vương Mẫu Quốc?”
“Có thể nói như vậy. Căn cứ vào những phân tích tư liệu khảo cổ hiện
có, nhất là mấy năm gần đây, sự tồn tại của Tây Vương mẫu đã được chứng
minh là có thật.” Gã Caucasus nói, “Trên thực tế, nếu Tháp Mộc Đà nằm
trong lòng chảo Sài Đạt Mộc, thì có thể khẳng định nó chính là một phần
của Tây Vương Mẫu Quốc. Hiện giờ tuy nói là tìm kiếm Tháp Mộc Đà, thực
ra chính là đi tìm di tích của Tây Vương Mẫu Quốc. Mà cậu phải biết thế
này: không phải chúng ta đi tìm Tây Vương Mẫu Quốc, mà thứ chúng ta tìm
được, tự khắc sẽ trở thành Tây Vương Mẫu Quốc. Đây chính là cuộc thám
hiểm khảo cổ.”
Tôi nghe xong liền cười khổ. Tây Vương Mẫu? Tôi nhớ rằng thứ đó nào
phải mặt hàng dễ chọc vào. Uông Tàng Hải đi sứ lần cuối cùng, chính là
đến Tây Vương Mẫu Quốc đó. Nói vậy đủ hiểu chưa?
Ngẫm nghĩ một chút, tôi lại nhớ đến truyền thuyết Hậu Nghệ cầu thuốc
trường sinh, bụng nói có khi nào Uông Tàng Hải khi đó cũng là đi tìm
thuốc? Cảm thấy thật là phi lý, tôi liền lắc đầu vứt bỏ ý nghĩ này,
không suy luận thêm nữa.
Sau đó tôi tính toán ngồi trên xe lục trang bị lấy từ chỗ A Ninh ra
một chút. Công ty bọn họ có trang phục đặc biệt, chứ quần áo của tôi mà
đi trong sa mạc thì ban ngày sẽ chết vì nắng thiêu, ban đêm sẽ chết vì
rét cóng, cho nên tôi bèn thay trang phục sa mạc ngay ở trong xe. Lúc
mặc vào tôi cũng rất bất ngờ, phát hiện ra trên thắt lưng của bộ đồ, thế nào lại cũng có dãy số 02200059.
Tôi bèn hỏi tay người Caucasus đây là dãy số gì, thì anh ta bảo đó là số mã vạch của công ty bọn họ. Ông chủ của họ rất say mê con số này,
nghe đâu nó cũng được dịch ra từ phần sách lụa Chiến Quốc.
Tôi trong lòng ngập tràn kinh ngạc, nhớ tới mật mã trên chiếc hộp
trong Thất Tinh Lỗ Vương, tự nhủ thầm rằng có phải mấy chữ số này có ý
nghĩa gì đặc biệt không?
Hai ngày sau đó, chúng tôi đi sâu vào trong lòng sa mạc. Land Rover
tốc độ cực kỳ cao, chỉ với thời gian hai ngày này, chúng tôi đã vào đến
lòng chảo Sài Đạt Mộc.
Người bên A Ninh rất cởi mở. Mấy lần hạ trại, những người trước đây
từng ở Cát Lâm với tôi sinh hoạt cùng nhau rất ổn, những người khác cũng bắt đầu làm quen với tôi. Tính cách của tôi như vậy, cũng tương đối dễ ở chung với người khác. Thế cho nên ít nhất cũng có một điểm tốt, là tôi
cũng không cần cả ngày đối diện với cái bản mặt lạnh tanh vô cảm của
Muộn Du Bình. Mà hắn hình như căn bản cũng chả thèm để ý gì đến tôi.
Điều này kỳ thực cũng có chút khác thường. Bởi vì trong những lần
tiếp xúc trước đây, Muộn Du Bình tuy vẫn không dễ ở chung như vậy, nhưng cũng không đến nỗi có cảm giác xa lạ như lúc này. Tôi cứ thấy như hắn
đang kiêng dè điều gì đó. Ngược lại, cái gã Kính Râm thì hình như rất
hứng thú với tôi, cứ tìm tôi nói chuyện.
Sau khi xe tiến vào sa mạc, rất nhanh chóng rời xa đường quốc lộ.
Định Chủ Trác Mã bắt đầu dẫn đường. Bà đi cùng người con dâu và một cậu
trai, ngồi cùng một xe A Ninh, dẫn đầu cả đoàn. Tôi cũng không biết tình hình của bọn họ, chỉ biết là từ lúc bà cụ nọ dẫn đường, đường xe chạy
bắt đầu trở nên khó đi, chẳng phải bãi đá dăm thì cũng là lòng sông cạn. Ngay lập tức, trong đội hình tiếng oán than dậy đất.
Định Chủ Trác Mã giải thích rằng muốn đến cửa núi năm đó bà nhìn
thấy, thì đầu tiên phải tìm được một cái thôn. Hành trình của bọn họ năm đó bắt đầu chính từ cái thôn kia. Ngựa và lạc đà của văn cẩm đều mua ở
trong thôn. Giờ có khả năng thôn này đã bị bỏ hoang, nhưng chắc vẫn còn
tàn tích, tìm được nó thì mói có thể tiến hành bước tiếp theo.
Trí nhớ của bà cụ vẫn tương đối tốt. Quả thật đến lúc nhá nhem tối
thì chúng tôi tới được thôn nhỏ tên là “Lan Thác”. Trong thôn vậy mà vẫn có người ở, bốn hộ gia đình, nhân số ba mươi mấy người.
Phát hiện này khiến chúng tôi mừng phát điên. Thứ nhất là khả năng
của bà cụ đã được chứng minh, hai là mọi chuyện diễn biến thuận lợi. Vả
lại sau một thời gian dài tiến vào sa mạc, thấy một chỗ có đông người tụ tập thì luôn đặc biệt vui vẻ. Lúc ấy, sắc trời đã tối, chúng tôi liền
quyết định hạ trại tại thôn này.
Đáng tiếc một điều, lúc vào thôn cũng là lúc xảy ra sự cố. Một chiếc
xe bị lật nhào xuống rãnh phong thực, người trên xe không việc gì nhưng
xe lại bị hỏng. Lúc này chúng tôi đã cách quốc lộ gần nhất một khoảng
tương đối xa, không thể có được bất cứ sự trợ giúp nào. Điều này có
nghĩa là phải để một xe khác ở lại hỗ trợ.
Sau sự kiện này, A Ninh bắt đầu để lộ tâm sự nặng nề. Đêm hôm đó
chúng tôi nghỉ ngơi bên chiếc xe hỏng nọ, A Ninh bèn nói với chúng tôi
về sự lo lắng của mình. Cô nàng có phần lo ngại, vì mặc dù đã chuẩn bị
xe việt dã hạng nhất, nhưng điều kiện xung quanh thật sự là quá ác liệt
đi. Nếu không thể tìm được cửa núi trong thời gian ngắn thì mấy con xe
này nhất định sẽ hỏng dần từng chiếc. Có những hỏng hóc mang vào xưởng
sửa chữa thì chỉ là chuyện nhỏ nhưng tại đây thì vẫn khiến xe tê liệt
như thường.
Mà bọn họ sẽ tiến vào càng sâu trong lòng chảo. Xe bị bỏ lại cùng với người trên xe có thể vì không được cứu viện đúng lúc mà phải chịu nguy
hiểm bên trong sa mạc.
Xe và lạc đà rốt cuộc khác nhau ở chỗ đó. Vết thương của lạc đà sẽ tự lành, vết thương nhỏ thì cũng không ảnh hưởng đến việc đi tiếp, nhưng
những chiếc xe công nghệ cao này chỉ cần xảy ra chút sự cố, liền trở nên yếu ớt đến đau lòng người ta. Mấy cỗ xe này rốt cuộc cũng chỉ là xe dân dụng, không nồi đồng cối đá như xe quân dụng được.
Thế nhưng đây cũng không phải là do A Ninh tính toán sai lầm, vì
trong thời buổi hiện đại ngày nay thì không thể để một đội hình gần 50
người cưỡi lạc đà tiến vào Sài Đạt Mộc được. Thứ nhất là vì không thể
tìm được nhiều lạc đà như vậy trong một chốc một lát. Năm mươi con
người, lại còn thêm số lạc đà để thồ hành lý và và lạc đà dự bị nữa, khả năng phải cần đến gần trăm con. Đội lạc đà vĩ đại đến vậy quá là bắt
mắt, chắc chắn sẽ bị chính phủ chú ý.
Vị kỹ sư cơ khí theo đoàn thì nói với cô nàng rằng không cần phải lo
bò trắng răng như vậy. Với tốc độ của Land Rover thì lòng chảo Sài Đạt
Mộc cũng không phải là nơi ghê gớm gì. Cách đây hai mươi năm, Sài Đạt
Mộc còn có thể giống với sa mạc Taklimakan (2), là biển chết chóc ai ai cũng sợ. Nhưng giờ thì chỉ cần mất chừng mười
mấy tiếng đồng hồ là có thể vượt qua nửa khu vực đã được khai phá, trong đó có rất nhiều căn cứ thăm dò, khu công nghiệp, thế nên cũng không cần phải lo lắng như vậy.
Tuy nhiên câu nói này lập tức bị cậu cháu của Định Chủ Trác Mã bác
bỏ. Anh chàng tên là Trát Tây này bảo rằng chúng tôi đã quá tin tưởng
vào sức mạnh của máy móc rồi. Sài Đạt Mộc tuy rằng đã bị chinh phục,
nhưng vùng an toàn chỉ giới hạn trong những chỗ mà mạng lưới đường quốc
lộ bao quát được, cùng lắm chỉ chiếm khoảng 2% diện tích lòng chảo, khu
vực 98% diện tích còn lại toàn bộ đều là sa mạc, đầm lầy, mỏ muối lộ
thiên. Chúng ta đây có hơn chục chiếc xe với không đầy năm chục con
người, đối với vùng đất ăn tươi nuốt sống sinh mạng cả mấy ngàn mấy vạn
năm nay mà nói, thì chả là cái thá gì.
Cậu ta nói rằng cứ coi như đi dọc theo tuyến đường du lịch được tính
là ít nguy hiểm nhất, hàng năm vẫn có người chết vì lạc đường hoặc gặp
tai nạn, chưa kể chúng ta hiện tại còn đang chuẩn bị đi vào khu vực
không người.
Cậu ta còn bảo, những người trước đây anh ta gặp đều là khách du
lịch, đặt mục tiêu là đi xuyên qua lòng chảo. Những người này sẽ không ở lại trong lòng chảo quá hai ngày, mà mục đích của chúng tôi bây giờ lại là tìm kiếm bên trong lòng chảo. Nói vậy nghĩa là lộ trình của chúng
tôi không có điểm cuối, đi vòng vèo trong sa mạc như thế là chuyện kiêng kỵ lớn nhất của dân du mục địa phương, cho nên lo lắng củA Ninh tiểu
thư không phải là không có lí. Mọi chuyện cứ nên cẩn thận thì tốt hơn.
Lời nói của Trát Tây khiến chúng tôi im bặt. A Ninh suy nghĩ rất lâu
rồi hỏi Trát Tây: “Vậy anh có đề xuất gì cho chúng tôi không?”
Trát Tây lắc đầu đáp: nếu các vị đã muốn vào Sài Đạt Mộc, vậy thì
đừng có mạo hiểm treo tính mạng lơ lửng trên dây. Từ xưa đến nay vẫn là
như thế.
Cách nói của Trát Tây tóm lại vẫn có chút cảm giác dọa nạt người
nghe. Lúc trước tôi từng nghe người ta bảo rằng Trát Tây cực kỳ phẫn nộ
khi bà cậu ta đồng ý dẫn đường cho chúng tôi. Cậu ta cho rằng chuyện này quá sức nguy hiểm, mà nhóm A Ninh còn dùng tiền tài để thuyết phục bà
nội anh ta, là một loại nghiệp chướng. Chúng tôi đã mang hiểm nguy và
tội nghiệt đổ lên đầu bà nội anh ta. Thế nhưng cụ bà Định Chủ Trác Mã
kia thì ngược lại, rất kiên quyết. Trong gia đình người dân tộc Tạng,
địa vị của bà nội là cực kỳ cao, Trát Tây chẳng còn cách nào, đành phải
đi theo trông chừng. Bởi thế nên suốt dọc đường anh ta căn bản chưa hề
tỏ ra hòa nhã với chúng tôi, cũng chẳng nói được câu nào tử tế.
Dù rằng như thế, nhưng ở trong cái thôn giữa sa mạc chỉ lèo tèo vài
nóc nhà gạch mộc thấp tè này, giữa đêm sa mạc gió lạnh thổi buốt xương,
nhìn đống lửa bập bùng, đầu lại ngẫm nghĩ đếm khoảng cách giữa chúng tôi và thế giới văn minh bây giờ, tôi vẫn thấy không rét mà run.
Cậu ta nói xong rồi, chúng tôi cũng chẳng còn hào hứng bàn soạn thêm
gì nữa. Mấy con người ngồi im lìm bên đống lửa một hồi lâu, rồi lần lượt lục tục chui vào nghỉ ngơi trong túi ngủ. Sáng mai chúng tôi sẽ xuất
phát, A Ninh không cho dựng lều bạt, mà toàn trải túi ngủ ngoài trời.
Nơi này buổi tối nhiệt độ có khi sẽ xuống dưới 0, nên chúng tôi đều nấp
phía sau những gờ đất cao, kề sát vào đống lửa để sưởi ấm.
Nằm xuống chỗ đó, tôi lại cảm thấy có rất nhiều người cũng không ngủ
được. Bốn bề là tiếng gió mang theo những lời rì rầm nhỏ to. Cũng khó
trách. Đây có lẽ là nơi cuối cùng có tên trên bản đồ trước khi tiến vào
Sài Đạt Mộc. Loại chuyện nhỏ này, lão luyện rồi thì dĩ nhiên chẳng thèm
quan tâm nữa, nhưng trong đội hình có một bộ phận lớn là người địa
phương được mời tới, vào lúc này đương nhên sẽ có chút kích động.
Tôi cũng chẳng biết mình đã lão luyện rồi hay chỉ là lính mới, chỉ
giương mắt ngắm trời, nhận ra bầu trời ở đây gần mặt đất quá, những chòm sao nhìn cũng rõ hơn nhiều. Tôi sống ở phương Nam, thành người lớn rồi, cũng đã lâu không còn dịp thấy cảnh sao giăng kín trời. Giờ này nhìn
dòng sông Ngân rực rỡ vắt ngang trời rõ ràng thế kia, không khỏi hết cả
buồn ngủ.
Có điều, đường dài bôn ba bao giờ cũng có tác dụng. Sau một hồi ồn ào, những âm thanh bốn phía cũng dần lắng xuống,
Nhóm A Ninh có cắt người gác đêm. Vì người đông nên mấy việc khổ sai
này chủ yếu là do những người bản xứ được thuê tới đảm nhiệm, vậy nên
cũng không đến lượt chúng tôi. Tuy nhiên vì nơi này vẫn còn trong thôn
xóm nên cũng không phải cảnh giác quá mức. Trát Tây cũng đã nói chỉ có ở gần Khả Khả Tây Lý mới có thể xuất hiện dã thú cỡ lớn. Còn ở đây cây cỏ thưa thớt đến nỗi chuột cũng không thèm mò tới, nói gì đến dã thú ăn
thịt, cho nên tôi cũng không nghe thấy tiếng người gác đêm tán dóc với
nhau, xem chừng chắc họ cũng đã ngủ rồi. Trong tiếng gió tôi mơ hồ nghe
thấy vài tiếng động vật kêu, nhưng tôi cũng không để ý mấy. Chúng tôi
ngủ ở chỗ chính giữa nhất trong cả khu tập kết, lỡ có bị ăn thịt, thì
cũng chẳng tới lượt chúng tôi.
Tôi vừa nghĩ vậy vừa ngắm nhìn trời đêm. Cũng chẳng biết đã bao lâu,
vào lúc tôi cũng buồn ngủ, đang mơ mơ màng màng thì đột nhiên cảm thấy
như có người tới trước mặt mình. Tôi sợ run cả người, tỉnh lại thì thấy
hóa ra là Trát Tây.
Tôi bị cậu ta dọa cho hết hồn, vội ngồi dậy định nói thì cậu ta đã
ngồi xuống bịt miệng tôi lại, nhỏ giọng nói: “Đừng lên tiếng. Theo tôi.
Bà tôi muốn gặp anh.”
________________________
1. Sống phong thực: nguyên văn là địa
hình Nhã Đan: một loại địa hình phong thực điển hình – địa hình bị bào
mòn bởi gió – còn được gọi là rãnh phong thực hoặc sống phong thực.“Nhã Đan” là tiếng của dân tộc Duy Ngô Nhĩ – một dân tộc thiểu số ở vùng Tân Cương TQ, ý chỉ những gò đất bất ngờ nổi lên.
2. Sa mạc Taklamakan (Takelamagan Shamo, 塔克拉玛干沙漠, Tháp Khắc Lạp Mã Can sa mạc), cũng gọi là Taklimakan, là một sa mạc tại Trung Á, trong khu vực thuộc Khu tự trị dân tộc Duy Ngô Nhĩ Tân Cương
của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Nó có ranh giới là dãy núi Côn Lôn ở
phía nam, dãy núi Pamir và Thiên Sơn ở phía tây và phía bắc.
Taklamakan được biết đến như là một
trong các sa mạc lớn nhất trên thế giới, đứng hàng thứ 15 về kích thước
trong số các sa mạc lớn nhất không ở vùng cực của thế giới. Nó bao phủ
một diện tích 270.000 km² của lòng chảo Tarim, dài khoảng 1.000 km và
rộng khoảng 400 km. Ở rìa phía bắc và phía nam của sa mạc này là hai
nhánh của Con đường tơ lụa do các lữ khách đã tìm kiếm ra để tránh vùng
đất hoang khô cằn – theo wikipedia.