Đều Là Xuyên Việt Dựa Vào Cái Gì Ta Thành Phạm Nhân

Chương 11: Nhận lại mẹ




"Mạc tiện tam xuân đào dữ lý, quế hoa thành thực hướng thu vinh." Hoa quế biểu trưng cho sự tốt đẹp, cát tường, tháng ba cũng chính là lúc hoa quế nở rộ. Nhược Thủy và Tiết Minh Viễn vừa đến vùng ngoại ô đã thấy trước cổng rừng hoa có mấy chiếc xe ngựa đậu lại, không biết là nhà vị nào cũng cùng đi du ngoạn. Ngoài ra còn có mấy sinh đồ tốp năm tốp ba đi vào trong.

--- ------

Dịch nghĩa: Chớ mong xuân tháng ba có đào có mận, chỉ riêng hoa quế rực rỡ tựa thu vàng

--- ------

Tiết Minh Viễn dặn phu xe chạy thẳng vào trong, tìm một nơi cho hạ nhân nghỉ lại trong lúc chờ đợi, còn y đưa Nhược Thủy vào rừng hoa quế dạo chơi. Nhược Thủy chậm rãi bước theo bóng lưng Tiết Minh Viễn, y muốn tìm chuyện gì đó nói với nàng. Nói chuyện con cái và chuyện nhà, không thể, ra ngoài cốt là để giải sầu mà; nói chuyện làm ăn thì nàng không hiểu, bàn thơ thì hắn vô năng; vậy chi bằng nói một số chuyện khi còn nhỏ, cũng là một cách tốt để hiểu nhau hơn.

Tiết Minh Viễn cười nói: "Nàng lớn lên ở kinh thành nhỉ? Trước đây có từng thấy hoa quế chưa?" Nhược Thủy ngước nhìn rừng quế nở rộ trước mặt, nàng hít một hơi thật sau rồi nói: "Đây là lần đầu tiên thiếp được ngắm hoa quế đẹp đến vậy. Thiếp từ nhỏ đã lớn lên ở kinh thành, khi còn bé có một khoảng thời gian sức khỏe không được tốt nên rất nhiều nơi trong kinh thiếp cũng chưa từng đặt chân đến. Hồi còn nhỏ thiếp thích đi chơi nhưng song thân lại không thích thế. Muốn ngắm phố xá náo nhiệt vào rằm tháng giêng, muốn ngắm cảnh trạng nguyên vinh quy bái tổ cũng đều không được."

Tiết Minh Viễn cười nói: "Tiểu cô nương nào chẳng thế, con gái nào có thể so với con trai, đều bị giữ rịt trong nhà từ nhỏ. Ngũ muội muội và Lục muội muội nhà Tứ thúc ta cũng vậy, khi ta đến luôn mang theo những thứ nhỏ nhỏ cho bọn họ chơi. Từ lúc ấy cha ta đã nói ta có tài kinh thương thiên bẩm, ta mua đồ chơi về liền bán lại mắc hơn cho bọn họ, dù sao tiền xài vặt của họ cũng chẳng có chỗ dùng."

Nhược Thủy cười hì hì, nàng bảo: "Có ai đời ca ca mà lại thế, hẳn là hai vị muội muội ghét chàng đến chết mất thôi. Ba ca ca của thiếp từ nhỏ đã bị muội bắt nạt. Mẫu thân không cho thiếp ăn đồ ngoài đường, bọn họ bèn lén mua về, thế nhưng lần nào cũng bị phụ thân phát hiện, sau đó mọi người đều bị phạt chép sách."

Họ vừa nói vừa bước gần đến chỗ cây cầu vắt ngang, Tiết Minh Viễn xoay người lại nắm lấy tay Nhược Thủy một cách tự nhiên, dắt nàng cùng sang bờ bên kia. Phàm là nữ nhi ai cũng dễ bị những quan tâm nho nhỏ này khiến cho cảm động, Nhược Thủy cũng không ngoại lệ, mặc cho Tiết Minh Viễn nắm lấy bàn tay nhỏ kéo đi.

Hai người vừa đi vừa trò chuyện, chợt nghe thấy có tiếng người gọi từ đằng xa: "Minh Viễn huynh, Minh Viễn huynh." Nhược Thủy nhìn về phía tiếng gọi phát ra, một nhóm người ngồi trong đình nhỏ bên cạnh sườn núi đang ra sức vẫy tay với hai người bọn họ, Tiết Minh Viễn ngẩng đầu lên nhìn lướt qua, sau mới khẽ bảo: "Trong đình có mấy công tử nhà quan, chúng ta qua bên ấy chào hỏi một chút."

Tiết Minh Viễn dẫn Nhược Thủy vào đình, trong đình có nam có nữ, khoảng mười mấy người chia ra ngồi ở hai bên. Tiết Minh Viễn vừa bước vào đã xưng huynh gọi đệ cùng đám người nọ, hàn huyên liên hồi, đây là lần đầu tiên Nhược Thủy thấy dáng vẻ này của Tiết Minh Viễn. Khi ở nhà, Tiết Minh Viễn có khi ngẩn ngơ, có lúc cợt nhả, khi lại đắc ý, nhìn chung từ nhà bước ra ngoài đã hoàn toàn biến thành một người khác.

Tiết Minh Viễn của lúc này vừa khéo léo lại biết đẩy đưa, hót trái nịnh phải, hẳn đây mới là Tiết minh Viễn đầy tài năng, phát triển gia nghiệp từ mười năm trước. Một người vừa cười vừa nói: "Minh Viễn huynh thật có nhã hứng, còn dẫn theo phu nhân ra ngoài du ngoạn." Tiết Minh Viễn cười nói: "Ta đưa bà xã ra ngoài giải sầu một chút, tránh uổng phí phong cảnh đẹp thế này. Cũng may có mấy vị huynh đài tài hoa biết thưởng thức, nên mới không phụ cảnh đẹp chốn đây."

Tiết Minh Viễn giới thiệu một chút về Nhược Thủy, hôm nay phần lớn đều là con cháu nhà quan dẫn theo gia quyến, một đám người cùng tụ họp lại đây ngắm cảnh, đoán chừng lát nữa còn muốn ra ngoài dùng cơm. Trong số những người này, Tiết Minh Viễn cẩn thận trong đối đáp nhất chính là vị công tử nhà Đồng tri Thành đại nhân. Vẻ hào hoa phong nhã của Thành công tử không lán át nổi khí thế kiêu ngạo, dường như người ta cũng không định che giấu.

Sau khi giới thiệu xong, Nhược Thủy ngồi xuống bên cạnh đám nữ quyến, trong số họ có ba vị phu nhân và một người là muội muội của Thành công tử. Năm người ngồi ở một bên đình, một vị phu nhân mặt tròn trịa cười nói: "Nghe nói Tiết phu nhân gả từ kinh thành đến đây nhỉ? Đúng là xa thật, thế đã quen với cuộc sống ở nơi này chưa?" Nhược Thủy khẽ cười đáp: "Cũng đã quen, bên này ấm áp hơn so với trong kinh, cũng không khô hanh như bên ấy."

Một vị phu nhân khác vội bồi thêm: "Mùa đông trong kinh rất lạnh, nhưng lần trước khi ta vào kinh làm khách ở nhà cữu cữu ta, mùa đông ai nấy đều nhóm lửa sưởi ấm, có nhà còn có bếp sưởi trong phòng." Một người khác cũng nói: "Tôi cũng biết, tôi cũng biết. Thế nhưng phòng chúng ta quá nóng, chỉ có thể đặt một chậu than mà thôi. Lần trước tôi có lấy một ít than ngân sương, dùng cũng tốt lắm..."

Mấy phụ nhân ríu rít trò chuyện với nhau về những thứ lặt vặt trong gia đình, Thành cô nương lại không tham gia bàn luận, có lẽ thấy rằng những chuyện sinh hoạt đời thường này quá chán ngán. Thấy Nhược Thủy là vợ một thương nhân, Thành cô nương cảm thấy thân phận mình không giống với Nhược Thủy, cũng không muốn lại gần hàn huyên. Một lúc sau, Thành cô nương ngao ngán nói: "Bên kia làm thơ chắc vui hơn, tôi sang bên ấy một lát, các vị ở chơi." Nói xong lập tức đứng dậy đi về phía đối diện.

Khi Thành cô nương vừa rời khỏi, mấy vị phu nhân thở phào một hơi, dường như tươi tắn lên hẳn, vị phu nhân mặt tròn ghé vào tai Nhược Thủy nói nhỏ rằng: "Khi còn con gái ai mà chẳng làm ra vẻ đại tiểu thư thanh tú, sau khi thành thân rồi chẳng phải đều lụi hụi với củi, gạo, dầu, muối, tương, dấm, trà sao." Chuyện này là thứ gắn kết mọi người phụ nữ một cách tốt nhất. Một người khác bĩu môi nói khẽ: "Tôi thấy hai người mới đỗ cử nhân đều mắt cao hơn đầu, cho là năm sau mình nhất định có thể leo lên cung vàng điện ngọc, có lẽ ý định mai mối cho muội muội lần này của Thành công tử xôi hỏng bỏng không rồi."

Nhược Thủy thì thầm hỏi: "Hóa ra hôm nay đến vì mai mốt cho Thành cô nương sao?" Phu nhân mặt tròn gật gật đầu nói: "Thành đại thân thấy hai vị cử nhân này gia thế lẫn học vấn đều không tệ, lại chưa thành thân nên có ý nhắm làm con rể phò mã cho cô nương nhà ấy. Cũng vì thế mà hôm nay mới tìm cơ hội để hai vị cử nhân gặp gỡ, cũng nhân cơ hội thể hiện chút tài hoa của Thành cô nương. Thế nhưng hai vị cử nhân kia cũng thấy mình không tồi, tôi thấy phần nhiều là không thành rồi."

Đang trò chuyện chợt nghe thấy mấy người bên kia gọi họ sang, sau khi Nhược Thủy đi qua thì nghe thấy Thành công tử nói rằng: "Chỉ chúng ta làm thơ thì không có ý nghĩa, tiền triều còn có tứ đại nữ thi nhân, dầu vấn khăn cũng chẳng thua kém đấng mày râu. Chi bằng mấy phụ nhân cũng làm vài bài thơ vịnh cảnh nhỉ." Nhược Thủy thấy Tiết Minh Viễn lo lắng nhìn mình, không phải là sợ nàng không biết làm thơ chứ? Tiết Minh Viễn hỏi bằng ánh mắt, Nhược Thủy hồi đáp bằng một nụ cười trấn an, lúc này Tiết Minh Viễn mới gật đầu.

Song, một người khác bên cạnh lại nói: "Chẳng phải ai nấy đều muốn chiêm ngưỡng tài thi họa song tuyệt của Thành cô nương sao, nếu Tiết phu nhân không biết làm thơ, vậy không ngại giúp Thành cô nương mài mực chứ. Đợi Thành cô nương làm xong thì coi như là của hai người làm cũng không sao." Mọi người lúc này mới chợt nhớ ra phu quân của Nhược Thủy là người không biết làm thơ, ai nấy đều gật đầu phụ họa, tự cho là đúng khi đẩy Nhược Thủy xuống thấp một bậc.

Nhược Thủy nhìn về phía người vừa lên tiếng, y đang liếc mắt nhìn Tiết Minh Viễn với vẻ khinh thường. Thành cô nương ở bên cạnh nói như không hề gì: "Nếu vậy đành làm phiền Tiết phu nhân." Nhược Thủy còn chưa lên tiếng, những người khác đã an bài hết thảy thay nàng. Tiết Minh Viễn rất tin ở Nhược Thủy, y cười nói: "Chẳng qua chỉ là góp vui một chút, có câu thả con săn sắt, bắt con cá rô, cứ để bà xã nhà tại hạ làm thử một bài trước đã rồi hẵng thưởng thức đến những tuyệt phẩm khác của các vị."

Nhược Thủy ngắm rừng quế bạt ngàn phía sau Tiết Minh Viễn, nàng suy nghĩ một lát rồi viết liền một mạch. Thành cô nương tò mò đứng phía sau nàng, sau khi Nhược Thủy viết xong thì nét mặt nàng ta chuyển thành vẻ kinh ngạc, chằm chằm nhìn Nhược Thủy với vẻ không dám tin.

Tiết Minh Viễn bước lại gần, thoáng nhìn rồi vui vẻ cầm lên, hắng giọng đọc: "Bất thị nhân gian chủng, di tòng nguyệt lý lai, nghiễm hàn hương nhất điểm, xuy đắc mãn sơn khai." Sau đó y buông tờ giấy xuống, mỉm cười nói: "Các vị huynh đệ đều biết đối với thơ từ ta không mấy hiểu biết, có ai bình luận một chút không?"

Một sinh đồ nghe xong bài thơ liền mau miệng nói: "Thơ hay, thơ hay. Hoa quế trên cung trăng tỏa hương xuống hạ giới, khiến ngọn núi bạt ngàn này khắp nơi đều là quế hoa. Bài thơ này không có một từ hoa quế nào, cũng không có một từ nào dùng miêu tả hoa quế. Tài nghệ của phu nhân quả vượt trội hơn người." Bên này đang nói thơ, bên kia lại luận chữ, "Chữ của Tiết phu nhân cũng rất đẹp, thải bút sinh phương, mặc hương hàm tố. Rất hiếm khi thấy được bút pháp luyện riêng cho tú nữ." Lúc này, mọi người đều tán thưởng Nhược Thủy không ngớt, cũng nhìn nàng với con mắt khác. Những người đứng bên ngoài định khiêu khích châm chọc cũng thốt ra được lời định nói.

Những người làm thơ viết chữ tiếp theo so ra đều kém Nhược Thủy, mọi người chỉ thuận miệng khen ngợi vài câu. Cái gì mà thả con săn sắt, bắt con cá rô chứ, giờ khắc này chẳng khác nào thiếu gấm phải chắp vải thô. Sau cùng, mọi người nhất trí quyết định thơ của Nhược Thủy là hay nhất. Sau khi hội thơ xong xuôi, Tiết Minh Viễn cười nói: "Chư vị đều tán dương bà xã ta đúng là may mắn, một lát nữa xin để tại hạ mời khách, chúng ta đến Quảng Nguyên lầu dùng bữa cơm chứ nhỉ."

Quảng Nguyên lầu là tửu lầu lớn nhất ở Đài Châu, vậy coi như là quá hào phóng rồi. Những người nọ cũng không từ chối, ai nấy đều cảm thấy chuyện Tiết Minh Viễn phải mời khách là đương nhiên, mọi người lũ lượt kéo nhau ra ngoài, tản về xe ngựa mỗi nhà. Khi Tiết Minh Viễn đỡ Nhược Thủy lên xe ngựa nhà mình, y vẫn còn hân hoan đắm chìm trong những lời tán dương của mọi người dành cho nàng, thế nên vừa cười vừa nói: "Hằng Nga cô nương xin chầm chậm một chút, đợi ta một chút đi mà."

Nhược Thủy cười duyên dáng, nàng bảo: "Chàng không phải người anh tuấn vĩ đại, cùng lắm chỉ có thể là con thỏ mập mạp trong lòng Hằng Nga." Tiết Minh Viễn gật đầu đáp: "Được, thỏ thì thỏ, Hằng Nga tỷ tỷ mau ôm ta." Nói xong y liền lao vào lòng Nhược Thủy, đôi vợ chồng son đang vui đùa thì chợt nghe thấy tiếng chân ngựa dừng lại bên cạnh xe nhà mình.

Tiết Minh Viễn vén màn xe lên, thì ra là hạ nhân Tiết gia, người nọ xuống ngựa khẽ bẩm: "Nhị gia, cữu lão gia ở Hàng Châu dẫn theo dì ba đến." Tiết Minh Viễn vừa nghe xong liền nhíu mày hỏi: "Lại đến làm gì?" Phản ứng đầu tiên của Nhược Thủy là muốn hỏi xem nhà mình còn có ai ở Hàng Châu, vị cữu lão gia này là từ đâu đến. Sau nàng mới giật mình, đây hẳn là người nhà của Viên thị rồi. Không lý nào lại là đến để chúc mừng tân hôn của bọn họ chứ?

Tiết Minh Viễn thở dài một hơi, lát sau mới nói với Nhược Thủy: "Nương tử, khách đến nhà, chúng ta mau về thôi. Ta đi nói với đám Thành huynh một tiếng." Tiết Minh Viễn xuống xe đi đến bên xe ngựa của Thành gia, ngắn gọn thuật lại ngọn nguồn, vừa cười vừa nói: "Chúng ta không đi được rồi, để tạ lỗi bữa cơm này tại hạ sẽ lo liệu hết, xin Thành huynh nói lại với chư vị như thế." Khách sáo vài câu, Tiết Minh Viễn xoay người trở lại, chợt nghe phía sau có tiếng nhỏ to rằng: "Tiết phu nhân tài mạo song toàn mà lại gả cho một người đầy hơi tiền, đúng là trời cao quen thói phụ người hồng nhan."

Tiết Minh Viễn nghe vậy bỗng khựng lại, hai vai hơi nhấp nhô một chút, lấy lại được bình tĩnh rồi mới bước về phía xe ngựa nhà mình.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.