Đế Vương Tại Hạ

Chương 48: Xác chết trên cây 3




Đốt cảo thơ, Đại Ngọc dứt tình si

Về nhà chồng, Bảo Thoa thành lễ lớn

Đại Ngọc về đến cửa quán Tiêu Tương, nghe Tử Quyên nói, xúc động trong lòng, miệng hộc máu ra, choáng váng muốn ngã, may có Tử Quyên và Thu Văn vực dậy, dìu vào trong nhà.

Sau khi Thu Văn về, Tử Quyên và Tuyết Nhạn ngồi bên cạnh trông nom, thấy cô ta tỉnh dần, hỏi Tử Quyên:

- Các chị ngồi khóc gì đấy?

Tử Quyên thấy cô ta nói được, người đã tỉnh táo, mới yên lòng, liền nói:

- Vừa rồi cô ở bên nhà cụ về, xem chừng mệt lắm, làm cho chúng tôi khiếp quá, chẳng biết thế nào, nên mới khóc.

Đại Ngọc cười nói:

- Tôi đã chết đâu được!

Nói chưa xong, lại thở hổn hển một hồi.

Số là hôm nay Đại Ngọc nghe được câu chuyện kết hôn giữa Bảo Ngọc và Bảo Thoa - điều này vốn là tâm bệnh mấy năm nay của cô ta, nên tức giận quá, đâm ra mê mẩn. Đến khi hộc máu ra rồi, trong lòng cô ta mới dần dần tỉnh lại, câu chuyện vừa rồi không hề nhớ một tý gì cả. Nay thấy Tử Quyên khóc, mới mơ màng nhớ tới lời nói của con Ngốc. Bây giờ Đại Ngọc không cảm thấy đau xót nữa, chỉ mong chết cho mau, để hết nợ tình.

Tử Quyên và Tuyết Nhạn đành phải ngồi đấy trông nom, muốn đi nói với Giả mẫu thì sợ lại bị Phượng Thư quở mắng như lần trước là vô cớ làm ầm ĩ lên.

Giả mẫu đang nghỉ trưa, thấy Thu Văn về, thần sắc hoảng hốt, liền hỏi:

- Làm sao thế?

Thu Văn vội vàng đem việc vừa rồi trình lại rõ ràng. Giả mẫu sợ quá, nói:

- Thế thì chết thật!

Và vội vàng cho gọi Vương phu nhân và Phượng Thư đến, nói rõ cho hai người biết. Phượng Thư nói:

- Cháu đã dặn dò cả rồi, ai lại làm lộ chuyện ra thế? Thật là khó xử!

Giả mẫu nói:

- Hãy khoan nghĩ gì việc ấy, thử qua xem thế nào đã.

Nói xong, Giả mẫu cùng Vương phu nhân và Phượng Thư qua quán Tiêu Tương. Tới nơi, thấy Đại Ngọc sắc mặt tái xanh không có hột máu, nằm mê man, thở thoi thóp, cứ chốc chốc lại ho. A hoàn đưa ống nhổ ra thì thấy toàn là đờm lẫn máu. Mọi người thấy vậy đều hoảng hốt. Bỗng Đại Ngọc hé mắt ra, trông thấy Giả mẫu ở một bên, liền thở hổn hển nói:

- Bà ơi, bà thực hoài công thương cháu!

Giả mẫu nghe vậy rất là khó chịu liền nói:

- Cháu ơi, cháu cứ nằm yên, không sợ gì đâu?

Đại Ngọc mỉm cười, nhắm mắt lại.

A hoàn ở ngoài vào trình với Phượng Thư:

- Thầy thuốc đã đến.

Mọi người tránh ra một bên. Thầy thuốc cùng Giả Liễn đi vào xem mạch rồi nói:

- Cũng chưa can gì lắm. Đây là khí uất làm thương tổn đến can, can không giữ được máu cho nên thần kinh rối loạn. Bây giờ phải dùng thứ thuốc giữ âm cầm máu mới mong khỏi được.

Thầy thuốc họ Vương nói xong, cùng Giả Liễn đi ra kê đơn bốc thuốc.

Giả mẫu thấy thần sắc của Đại Ngọc nguy lắm, liền đi ra bảo bọn Phượng Thư:

- Không phải là ta rủa nó, chứ bệnh tình con bé này nặng lắm, sợ khó khỏi. Các người cũng nên lo đồ hậu sự cho nó, mượn cách xung xem sao, may ra mà khỏe thì chúng mình cũng được rảnh rang, lỡ có xảy ra việc gì cũng không đến nỗi nước đến chân mới nhảy. Vả lại hai hôm nay, nhà mình còn lắm việc nữa kia đấy.

Phượng Thư vâng lời, Giả mẫu lại hỏi Tử Quyên một hồi, nhưng cuối cùng cũng chẳng biết ai để lộ chuyện.

Giả mẫu buồn bực nói:

- Trẻ con từ khi nhỏ ở với nhau một chỗ, thân thiết nhau là lẽ thường, nhưng bây giờ khôn lớn đã hiểu việc đời, cũng nên phân biệt mới đúng là thân phận người con gái; xứng đáng với lòng yêu thương của ta. Nếu bụng nó có ý nghĩ gì khác thì còn ra người thế nào nữa? Có phải là ta hoài công thương nó không. Xem như điều các người nói đó thì ta có phần không an tâm.

Về đến nhà, Giả mẫu lại gọi Tập Nhân đến hỏi. Tập Nhân nói lại đầu đuôi những điều đã nói với Vương phu nhân hôm trước và tình hình của Đại Ngọc vừa rồi. Giả mẫu nói:

- Vừa rồi, ta thấy nó vẫn còn tỉnh táo. Chuyện ấy ta thật không thể nào hiểu được. Nhà chúng ta đây, việc khác cố nhiên không có, còn cái thứ tâm bệnh ấy lại càng không thể có. Con Lâm nếu mắc bệnh khác thì mất bao nhiêu tiền ta cũng bằng lòng, nhưng nếu là bệnh ấy thì chẳng những không chữa được mà ta cũng chẳng thương.

Phượng Thư nói:

- Việc em Lâm bà cũng không cần lo liệu, đã có anh Hai nó ngày nào cũng đi với thầy thuốc đến trông nom. Việc quan trọng là bên nhà cô cháu. Sáng nay nghe nói nhà cửa đã gần xong xuôi cả rồi. Giờ đây có lẽ bà và thím qua bên ấy, cháu cũng theo sang để cùng bàn bạc. Có điều bên nhà cô cháu, có em Bảo ở đấy, nói chuyện không tiện, chi bằng mời cô cháu đêm nay sang đây cùng bàn bạc cho xong, thế là có thể lo liệu được.

Giả mẫu và Vương phu nhân đều nói:

- Cháu nói phải đấy! Hôm nay muộn quá, đến mai ăn cơm xong, tất cả mẹ, con, bà cháu ta sẽ sang bên ấy.

Nói xong, Giả mẫu ăn cơm chiều, Vương phu nhân và Phượng Thư về nhà.

Hôm sau Phượng Thư ăn cơm sớm rồi qua nhà Giả mẫu, muốn thử Bảo Ngọc xem thế nào, liền đi vào phòng anh ta và nói:

- Có điều rất mừng chú Bảo ạ! Ông nhà đã chọn ngày tốt cưới vợ cho chú, chú có thích không?

Bảo Ngọc nghe nói cứ nhìn Phượng Thư mà cười và khẽ gật đầu.

Phượng Thư cười nói:

- Cưới cô Lâm cho chú có được không?

Bảo Ngọc càng cười to lên. Phượng Thư thấy thế cũng không dám đoán ra anh ta tỉnh hay mê, liền nói tiếp:

- Ông nhà nói chú mà lành mạnh thì mới cưới cô Lâm cho, nếu cứ ngớ ngẩn như thế thì không cưới đâu.

Bảo Ngọc bỗng nghiêm nét mặt:

- Tôi không ngớ ngẩn đâu, chị mới là ngớ ngẩn.

Rồi đứng dậy nói:

- Tôi đi thăm em Lâm, bảo cho cô ta yên lòng.

Phượng Thư vội cản lại nói:

- Em Lâm đã biết rồi. Bây giờ sắp làm cô dâu mới, cô ta thẹn không chịu gặp chú đâu.

- Cưới về đây thì rồi cô ta có phải gặp tôi hay không?

Phượng Thư nghe nói vừa lo lắng, nghĩ bụng: "Lời nói của Tập Nhân quả nhiên không sai. Nghe nhắc đến em Lâm, tuy chú ấy vẫn còn nói nhảm, nhưng xem bộ tỉnh hơn nhiều. Nếu thật tỉnh rồi, sau này cưới về không phải là cô Lâm, vỡ lở câu chuyện ra thì điều rắc rối này mới thật khó xử."

Phượng Thư nín cười và nói:

- Chú có tử tế thì cô ta mới chịu gặp, nếu cứ ngây ngây dại dại thì cô ta không chịu gặp đâu.

- Tôi chỉ có một quả tim, trước đây đã giao cho em Lâm rồi. Nếu cô ta đến thì thế nào cũng mang tim sang và đặt nó vào lòng tôi.

Phượng Thư nghe nói câu ấy biết là nói điên, liền sang bên Giả mẫu vừa cười vừa kể lại. Giả mẫu nghe vậy vừa cười vừa thương, nói:

- Ta cũng đã nghe rồi. Bây giờ hãy để mặc nó, bảo con Tập Nhân yên ủi nó. Chúng ta đi thôi.

Nói đến đây thì Vương phu nhân vừa đến, rồi cùng nhau sang nhà dì Tiết. Tới nơi, họ chỉ nói "lo cho việc bên này nên đến thăm". Tiết phu nhân rất cảm kích, nói chuyện Tiết Bàn một chốc rồi uống trà. Tiết phu nhân định cho người tin với Bảo Thoa. Phượng Thư vội vàng ngăn lại:

- Thôi, cô không cần phải nói với em Bảo làm gì.

Rồi chị ta lại cười, nói với Tiết phu nhân:

- Lần này cụ tôi đến đây, một là thăm cô, hai là cũng có câu chuyện cần, định mời cô sang bên nhà bàn bạc.

Tiết phu nhân nghe nói gật đầu: "Phải đấy"

Mọi người lại nói chuyện suông một lúc rồi về.

Chiều hôm ấy quả nhiên Tiết phu nhân sang gặp Giả mẫu rồi đến nhà Vương phu nhân. Chị em nhắc đến chuyện Vương Tử Đằng, lại khóc lóc một hồi. Rồi Tiết phu nhân nói:

- Vừa rồi tôi sang nhà cụ, cháu Bảo ra chào, thấy vẫn khỏe khoắn như thường, chỉ hơi gầy thôi, sao các người nói dễ sợ thế?

Phượng Thư nói:

- Thực ra thì cũng không sao, có điều bà cháu cứ lo lắng. Hiện giờ ông lớn cháu lại phải lên đường đi nhậm chức ở ngoài, chẳng biết bao giờ mới về. Theo ý cụ bà cháu, thứ nhất là để ông lớn cháu nhìn thấy chú Bảo nên cửa nên nhà, thì đi cũng yên lòng, thứ hai là nhân tiện cũng làm cách xung cho chú Bảo, mượn cái khóa vàng của cô Bảo trấn áp tà khí, có lẽ chú ấy sẽ khỏe hẳn.

Tiết phu nhân cũng bằng lòng, chỉ sợ Bảo Thoa còn có điều gì ấm ức trong lòng, liền nói:

- Thế cũng được, có điều chúng ta phải tính toán cho kỹ.

Vương phu nhân theo lời Phượng Thư, bàn với Tiết phu nhân, lại nói:

- Giờ bên nhà dì ít người, chi bằng tất cả đồ nữ trang hãy khoan sắm. Ngày mai bảo cháu Khoa đi nói với cháu Bàn. Một mặt ở đây làm lễ đưa dâu, một mặt tìm cách lo liệu việc quan cho nó.

Vương phu nhân không hề nói gì đến tâm sự của Bảo Ngọc, lại nói thêm:

- Dì đã bằng lòng gả thì cho rước dâu đi, công việc xong nhanh được ngày nào, chúng ta sớm yên tâm ngày ấy.

Đang nói thì Giả mẫu sai Uyên Ương qua hỏi tin. Tiết phu nhân tuy sợ Bảo Thoa có điều gì thắc mắc trong lòng, nhưng cũng chẳng có cách nào, lại thấy tình hình như thế, đành phải vâng lời.

Uyên Ương về trình với Giả mẫu. Giả mẫu rất mừng, lại sai Uyên Ương sang nhờ Tiết phu nhân nói rõ với Bảo Thoa khỏi để Bảo Thoa thắc mắc. Tiết phu nhân cũng vâng lời. Hai bên đều bàn định cho vợ chồng Phượng Thư đứng ra làm mối. Bàn xong, mọi người ra về, chị em Vương phu nhân lại nói chuyện đến nửa đêm mới ngủ.

Hôm sau, Tiết phu nhân về nhà, đem chuyện bàn ở bên này nói kỹ cho Bảo Thoa nghe, và nói thêm:

- Mẹ đã nhận lời rồi.

Bảo Thoa ban đầu cúi đầu không nói gì, sau lại chảy nước mắt ra. Tiết phu nhân lựa lời khuyên giải. Rồi Bảo Thoa trở về phòng mình. Bảo Cầm cũng theo đi để khuyên giải.

Tiết phu nhân lại nói cho Tiết Khoa biết, và bảo anh ta:

- Ngày mai cháu đi, một là xem quan xử ra sao, hai là tin cho anh cháu biết chuyện này rồi về mau.

Tiết Khoa đi bốn ngày rồi về trình với Tiết phu nhân:

- Việc anh Cả quan trên đã chuẩn y là bị lỡ tay đánh chết người, chờ xét qua một lần nữa sẽ bẩm lên trên. Anh Cả bảo chúng ta phải sắp sẵn tiền bạc chuộc tội, còn việc cô em thì anh ấy nói: "Mẹ làm chủ là tốt, gấp rút lo liệu như thế cũng đỡ được một ít bạc. Đừng có chờ đợi, nên lo liệu như thế nào thì cứ làm đi thôi".

Tiết phu nhân nghe nói mừng rỡ vì Tiết Bàn có thể về nhà, nếu lo xong việc Bảo Thoa thì cũng yên tâm được nhiều. Cho nên xem bộ Bảo Thoa hình như bằng lòng, nhưng bà ta vẫn nghĩ: "Mặc dù thế, nó là con gái, xưa nay lại hiếu thuận và biết giữ lễ, biết mình nhận lời rồi thì nó cũng chẳng có thể nói gì". Tiết phu nhân nghĩ thế rồi bảo Tiết Khoa:

- Cháu sắm một bức canh thiếp, viết tám chữ lên trên 6 rồi sai người đưa sang bên nhà cậu Hai Liễn hỏi rõ ngày đưa lễ để chúng ta có thể sắp đặt sẵn sàng. Chúng ta vẫn định không mời mọc bà con, bạn bè. Bạn bè của anh cháu như cháu đã nói, đều là hạng người tầm bậy. Còn bà con thì chỉ có hai nhà họ Giả và họ Vương. Nay họ Giả là họ giai, họ Vương thì ở kinh chẳng có ai. Việc gả cô Sử nhà họ chẳng mời nhà mình, nay nhà mình cũng không cần cho họ biết làm gì. Chỉ cần mời ông Trương Đức Huy đến, nhờ ông ta trông nom xếp đặt ít nhiều. Ông ta là người có tuổi, thế nào cũng hiểu việc hơn.

Tiết Khoa vâng lời, sai người đưa canh thiếp đi.

Hôm sau Giả Liễn đến gặp Tiết phu nhân, hỏi thăm sức khỏe rồi nói:

- Ngày mai là ngày tốt. Hôm nay đến trình với dì, xin đến ngày mai làm lễ nạp tài, mong dì thể tất cho.

Nói xong, bưng quyển thông thư 7 lại. Tiết phu nhân cũng nói ít câu khiêm tốn, rồi gật đầu nhận lời. Giả Liễn vội vàng về trình rõ với Giả Chính. Giả Chính nói:

- Cháu vào trình với cụ, đã không cho bà con bạn bè biết thì nên đơn giản là hơn. Còn về lễ vật thì mời cụ xem qua là được, không cần phải nói với ta.

Giả Liễn vâng lời, vào trong trình rõ với Giả mẫu. Trong này Vương phu nhân gọi Phượng Thư sai người đưa các lễ vật nạp tài cho Giả mẫu xem, và bảo Tập Nhân nói với Bảo Ngọc.

Bảo Ngọc cười nói:

- Ở đây đưa vào trong vườn, rồi chốc nữa ở trong vườn lại đưa đến đây; người nhà mình đưa đi, người nhà mình lại nhận; tội gì mà làm như thế?

Giả mẫu và Vương phu nhân nghe xong, đều vui mừng và nói:

- Người ta bảo nó ngớ ngẩn, nhưng hôm nay sao lại sáng suốt như thế?

Bọn Uyên Ương nhịn cười không được, đành phải xướng rõ từng thứ cho Giả mẫu xem:

- Đây là vòng vàng đeo cổ. Đây là đồ đeo tay bằng vàng ngọc cộng tám mươi cái. Đây là vóc bốn mươi tấm. Đây là các thứ trừu và đoạn cộng một trăm hai mươi tấm. Đây là quần áo bốn mùa cộng một trăm hai mươi cái. Đây là bạc thay tiền dê, rượu vì không sắm các thứ đó.

Giả mẫu xem qua đều khen là tốt, rồi nói nhỏ với Phượng Thư:

- Cháu đi nói với dì rằng: không phải chỉ lễ suông như thế này đâu. Xin dì chờ lúc nào cháu Bàn được ra, sẽ thong thả sai người sắm sửa cho em nó. Còn chăn đệm đêm hợp hôn cũng để bên nhà chúng ta sắm thôi.

Phượng Thư vâng lời đi ra, bảo Giả Liễn qua bên kia trước, rồi chị ta dặn bọn Chu Thụy và Lai Vượng:

- Bất tất phải đi cửa chính, chỉ theo cửa nhỏ trong vườn trước kia thường mở mà đưa đi thôi. Ta cũng sẽ qua đấy. Cửa ấy xa quán Tiêu Tương, nếu người khác trông thấy thì dặn dò họ đừng có nói cho người ở quán Tiêu Tương biết.

Mọi người đều vâng lời, rồi đưa lễ đi.

Bảo Ngọc tưởng là thật, mừng quá, tinh thần có phần tỉnh táo hơn trước, nhưng ăn nói vẫn còn ngớ ngẩn. Những người đi đưa lễ về, đều không nói đến tên họ. Tuy trên dưới ai cũng biết, nhưng vì Phượng Thư đã dặn trước nên không ai dám tiết lộ.

Đại Ngọc tuy có uống thuốc, nhưng bệnh càng ngày càng nặng. Bọn Tử Quyên ở gần bên, tìm hết lời an ủi và nói:

- Sự tình đã đến nông nỗi này, không thể không nói nữa. Tâm sự của cô, chúng cháu đều biết. Còn như việc bất ngờ kia thật là không có. Cô không tin thử nhìn thân thể của cậu Bảo cũng đủ rõ. Bệnh nặng như thế, kết hôn làm sao được. Cô đừng nghe những lời nói nhảm, tự mình phải giữ lấy sức khỏe mới được.

Đại Ngọc mỉm cười, cũng không nói gì, rồi ho vài tiếng, khạc ra một ít máu.

Bọn Tử Quyên xem chừng cô ta chỉ còn thoi thóp, biết chắc không thể khuyên giải, đành nhìn nhau mà ứa nước mắt. Ngày nào bọn Tử Quyên cũng đi trình với Giả mẫu ba bốn lần. Uyên Ương đoán biết gần đây Giả mẫu thương yêu Đại Ngọc đã khác trước ít nhiều, nên cũng không mấy khi trình lại cho Giả mẫu biết. Vả lại, mấy hôm ấy Giả mẫu chỉ nghĩ đến Bảo Ngọc và Bảo Thoa nên không nghe nói đến Đại Ngọc, cũng không nhắc nhở lắm, chỉ bảo mời thầy đến chạy chữa mà thôi.

Trước đây, mỗi khi Đại Ngọc ốm, từ Giả mẫu đến những người hầu của các chị em vẫn thường đến hỏi thăm. Nay thấy tất cả mọi người trên dưới ở trong phủ Giả chẳng có ai qua lại, chẳng có lấy một người đến thăm nom, Đại Ngọc mở mắt ra chỉ có một mình Tử Quyên, tự nghĩ mình không thể sống được, bèn gắng gượng nói với Tử Quyên:

- Em ơi, em là người thân nhất của ta, tuy rằng mấy năm nay bà sai em hầu hạ ta, ta vẫn coi em như là em ruột...

Nói đến đó, Đại Ngọc hết hơi, nói không được nữa.

Tử Quyên nghe nói, trong lòng chua xót, nghẹn ngào nói chẳng nên lời. Một hồi lâu. Đại Ngọc vừa thở vừa nói:

- Em Tử Quyên ơi! Ta nằm khó chịu quá! Em đỡ ta dậy. Ta muốn ngồi nghỉ một chút.

Tử Quyên nói:

- Người cô mệt lắm, nếu ngồi dậy lại sợ mệt thêm.

Đại Ngọc nghe nói, nhắm mắt nằm im, một lúc sau lại đòi ngồi dậy. Tử Quyên không biết làm thế nào, đành phải cùng với Tuyết Nhạn vực cô ta dậy, lấy gối mềm đỡ hai bên. Tử Quyên đứng dậy một bên đỡ Đại Ngọc.

Đại Ngọc cảm thấy nửa người phía dưới ê ẩm, ngồi không vững, nhưng cũng cắn răng chịu rồi gọi Tuyết Nhạn lại bảo:

- Tập thơ của ta... - Vừa nói vừa thở.

Tuyết Nhạn đoán là cô ta đòi tập thơ vừa sửa chữa hôm nước liền lấy đưa đến trước mặt Đại Ngọc. Đại Ngọc gật đầu rồi đưa mắt nhìn cái rương.

Tuyết Nhạn không hiểu Đại Ngọc cần gì, cứ đứng ngẩn người ra. Đại Ngọc tức quá, hai mắt trợn ngược, lại nổi ho lên và khạc ra máu. Tuyết Nhạn vội chạy đi lấy nước. Đại Ngọc súc miệng, rồi nhổ vào ống nhổ. Tử Quyên lấy khăn lau miệng cho cô ta, Đại Ngọc liền nắm khăn mà chỉ cái rương rồi thở dốc, nhắm mắt lại, nói không được. Tử Quyên nói:

- Cô nằm thôi.

Đại Ngọc lại lắc đầu.

Tử Quyên nghĩ cô ta muốn cái khăn lụa, liền bảo Tuyết Nhạn mở rương, lấy ra một cái khăn lụa trắng. Đại Ngọc nhìn qua, vứt ra một bên, cố hết sức nói:

- Có chữ kia.

Lúc bấy giờ Tử Quyên mới hiểu rõ cô ta đòi cái khăn lụa cũ có đề thơ, đành phải bảo Tuyết Nhạn lấy ra đưa cho Đại Ngọc.

Tử Quyên khuyên:

- Cô nghỉ đi, tội gì làm mệt thân như thế Khi nào khỏe hãy xem.

Đại Ngọc cầm lấy cái khăn, cũng không xem, rồi giơ tay ra cố sức xé, nhưng tay chỉ run lẩy bẩy, không sao xé được. Tử Quyên biết là cô ta giận Bảo Ngọc, nhưng cũng không dám nói rõ, chỉ khuyên:

- Cô ơi, tội gì mà giận?

Đại Ngọc gật đầu nhè nhẹ, nhét cái khăn vào ống tay áo rồi bảo:

- Thắp đèn.

Tuyết Nhạn vội vàng vâng lời, thắp đèn lên.

Đại Ngọc nhìn một tý, nhắm mắt lại thở một hơi rồi nói:

- Đốt nồi than.

Tử Quyên tưởng là cô ta lạnh, liền nói:

- Cô nằm xuống rồi đắp thêm cái chăn thôi, không chịu nổi hơi than đâu.

Đại Ngọc lại lắc đầu. Tuyết Nhạn đành phải đốt nồi than, rồi đặt nó vào cái giá đặt dưới đất.

Đại Ngọc gật gật đầu như muốn bảo đưa nồi than lên trên giường. Tuyết Nhạn đành phải đưa nó lại và đi ra ngoài tìm cái bàn.

Đại Ngọc lại nhổm dậy. Tử Quyên đành phải đưa hai tay đỡ lấy. Đại Ngọc cầm cái khăn tay vừa rồi, nhìn ngọn lửa gật đầu, vứt cái khăn lên trên lửa.

Tử Quyên giật nẩy mình, muốn cướp lấy, nhưng hai tay không dám động đậy. Còn Tuyết Nhạn thì đã ra ngoài lấy cái bàn để nồi than. Cái khăn lụa đã bị cháy mất. Tử Quyên khuyên:

- Cô ơi! Làm sao thế?

Đại Ngọc cứ làm như không nghe gì, lại trở tay cầm tập thơ lên, nhìn một cái rồi lại vứt xuống.

Tử Quyên sợ cô ta lại đốt, vội vàng dùng người dựa lấy Đại Ngọc, giơ tay ra định nắm lấy tập thơ. Nhưng Đại Ngọc đã nhặt lên và vứt vào nồi than.

Tử Quyên cướp lại không được, đang hoảng lên thì Tuyết Nhạn đưa cái bàn vào, thấy Đại Ngọc vứt một cái, không biết là cái gì, vội vàng chạy lại cướp, nhưng giấy rơi vào lửa, chỉ nháy mắt là cháy bùng lên. Tuyết Nhạn cũng không nghĩ đến lửa bỏng, liền thò tay vào trong lò than kéo ra, rồi vất xuống dưới đất, hai chân giẫm lấy giẫm để, nhưng giấy cháy gần hết, chẳng còn bao nhiêu.

Sau đó, Đại Ngọc nhắm mắt lại, ngả người về đằng sau, suýt nữa thì đè cả Tử Quyên xuống. Tử Quyên gọi Tuyết Nhạn lại, hai người đỡ Đại Ngọc nằm xuống, tim Tử Quyên cứ hồi hộp đập mạnh. Chị ta muốn gọi người thì trời đã tối, không gọi người thì chỉ có mình với Tuyết Nhạn cùng mấy đứa a hoàn nhỏ, sợ đêm có chuyện gì thì nguy. Cả một đêm ấy thật là vất vả, đến sáng hôm sau thấy Đại Ngọc lại hơi đỡ. Sau bữa cơm lại ho, lại thổ huyết, có vẻ nguy cấp lắm.

Tử Quyên thấy vậy, liền gọi Tuyết Nhạn vào trong phòng trông nom, còn mình đi trình Giả mẫu. Không ngờ đến phòng Giả mẫu, thấy rất im lặng, chỉ có vài ba bà già và mấy người a hoàn làm việc nặng ở đấy coi nhà. Tử Quyên hỏi:

- Cụ đi đâu rồi?

Bọn họ đều trả lời:

- Không biết!

Tử Quyên đã đoán biết tám chín phần, nghĩ bụng: "Bọn họ sao lại lạnh nhạt, độc ác như thế?" Lại nghĩ đến Đại Ngọc mấy hôm nay không có lấy một người đến thăm, càng nghĩ càng thương, tức đầy cả ruột, quay người đi ra. Rồi chị ta lại nghĩ thầm: "Hôm nay để xem bộ tịch anh chàng Bảo Ngọc ra sao? Để xem anh ta thấy mình rồi làm ra sao? Năm nọ mình chỉ nói đùa một câu anh ta đã sinh ốm, thế mà bây giờ lại công nhiên làm việc này! Thật bụng dạ con trai lạnh lùng, chẳng khác gì mảnh băng, làm cho người ta phải nghiến răng tức giận!" Tử Quyên vừa nghĩ vừa đi, đã đến Viện Di Hồng. Thấy cửa viện đóng hờ, bên trong rất lặng lẽ. Cô ta chợt nghĩ ra: "Anh ta định cưới vợ, thế nào cũng có nhà mới, nhưng không biết nhà mới ấy ở vào chỗ nào?"

Tử Quyên đang nhìn quanh quẩn, thì thấy Mặc Vũ chạy như bay. Tử Quyên gọi nó dừng lại.

Mặc Vũ chạy lại cười hì hì:

- Chị đến đây làm gì?

Tử Quyên nói:

- Tôi nghe cậu Bảo cưới vợ, định đến xem đám cưới, không ngờ lại không ở đây, và cũng không biết bao giờ cưới.

Mặc Vũ nói nhỏ:

- Điều này chỉ nói với chị, đừng có mách với Tuyết Nhạn nhé. Bề trên dặn dò, ngay cả bọn các chị cũng không cho biết. Chính đêm hôm nay sẽ rước đâu. Đâu có phải ở đây, ông lớn đã sai cậu Hại Liễn thu xếp nhà cửa rồi.

Nói xong Mặc Vũ lại hỏi:

- Chị có việc gì không?

- Có việc gì đâu, em đi thôi.

Mặc Vũ lại chạy như trước.

Tử Quyên đứng ngơ ngẩn một lúc, chợt nghĩ đến Đại Ngọc không biết bây giờ chết hay sống, chị ta lại hai hàng nước mắt ròng ròng, nghiến răng tức giận nói: "Bảo Ngọc! Giờ đây cô ấy chết, anh tưởng đã tránh được rồi, không gặp mặt nữa đấy hẳn! Để ta xem, sau khi xong việc vui mừng của anh rồi, anh còn mặt mũi nào nhìn thấy ta nữa!"

Tử Quyên khóc lóc nghẹn ngào rồi chạy một mạch về nhà.

Chị ta chưa về đến quán Tiêu Tương đã thấy hai a hoàn nhỏ ở trong cửa ló đầu ra nhìn. Thấy Tử Quyên, một đứa kêu lên:

- Chị Tử Quyên đã về đấy à?

Tử Quyên biết là việc không lành, vội vàng xua tay bảo chúng đừng làm ầm lên. Đoạn vội chạy vào nhà xem, thấy Đại Ngọc can hỏa bốc lên, hai gò má đỏ ửng.

Tử Quyên biết tình thế nguy rồi, liền gọi bà vú của Đại Ngọc là Già Vương đến. Già Vương vừa nhìn thấy đã khóc ầm lên. Tử Quyên vốn nghĩ Già Vương là người có tuổi, có can đảm giúp đỡ được mình, không ngờ bà ta chẳng nghĩ được kế gì, lại làm Tử Quyên càng thêm hồi hộp. Bỗng chị ta nghĩ ra một người, vội vàng sai a hoàn đi mời. Người ấy là ai? Thì ra Tử Quyên nhớ đến Lý Hoàn là người ở góa. Bây giờ Bảo Ngọc cưới vợ, thế nào chị ta cũng tránh mặt. Vả lại, mọi việc trong vườn, trước đây đều do Lý Hoàn lo liệu. Vì thế Tử Quyên mới cho người đi mời.

Lý Hoàn đang ở nhà sửa thơ cho Giả Lan, bỗng thấy một a hoàn hớt hơ hớt hải chạy đến nói:

- Mợ Cả ạ! Có lẽ cô Lâm nguy lắm rồi! Ở bên ấy họ đã khóc cả rồi!

Lý Hoàn nghe nói giật nẩy mình, cũng không kịp hỏi lại, vội vàng đứng dậy đi ngay. Tố Vân và Bích Nguyệt đi theo. Chị ta vừa đi vừa chảy nước mắt, nghĩ bụng: "Chị em xưa nay cùng sống với nhau. Vả lại cô ta dung mạo tài tình, thật là trên đời ít có, họa chăng chỉ có Thanh Nữ và Tố Nga 8 giống được ít nhiều mà thôi. Ngờ đâu mới chừng ấy tuổi đầu, đã vội làm ma đất khách! Khốn nỗi, Phượng Thư lại bày ra cái mưu "thay rường đổi cột" nên mình cũng không tiện đến quán Tiêu Tương, thành ra tình nghĩa chị em, chưa thỏa chút nào, thật là tội nghiệp cho cô ta".

Lý Hoàn đang nghĩ thì đã tới cửa quán Tiêu Tương.

Trong nhà lặng lẽ chẳng nghe tiếng gì. Lý Hoàn lo cuống lên. "Chắc là cô ta đã chết, họ đã khóc rồi, không biết áo quần và đồ khâm liệm đã sắp sẵn đầy đủ chưa?" Lý Hoàn vội vàng ba chân bốn cẳng bước vào nhà. Một a hoàn nhỏ đứng trong cửa trông thấy liền nói:

- Mợ Cả đã đến!

Tử Quyên vội vàng ở trong chạy ra. Vừa gặp mặt, Lý Hoàn vội hỏi:

- Cô ra sao rồi?

Tử Quyên chỉ nghẹn ngào trong họng, nói không ra lời, nước mắt giàn giụa, lã chã, một tay chỉ về phía Đại Ngọc.

Lý Hoàn thấy vậy, càng thêm đau lòng, cũng không hỏi. Vội vàng chạy lại, thấy Đại Ngọc không nói được nữa. Lý Hoàn sẽ gọi vài tiếng. Đại Ngọc hơi hé mắt ra, hình như còn biết, nhưng chỉ có mi mắt và môi hơi rung động, trong miệng còn thoi thóp thở, chứ không nói được, cũng không còn một giọt nước mắt nữa.

Lý Hoàn ngoảnh lại không thấy Tử Quyên, liền hỏi Tuyết Nhạn. Tuyết Nhạn nói:

- Chị ấy đang ở nhà ngoài.

Lý Hoàn vội vàng đi ra thì thấy Tử Quyên, đang nằm trên cái giường bỏ không ở nhà ngoài, mặt tái nhợt, mắt nhắm lại, nước mắt như mưa, làm cho cái nệm hoa viền gấm ướt mất một vạt lớn bằng cái bát. Nghe Lý Hoàn gọi, Tử Quyên mới từ từ mở mắt và nhổm dậy.

Lý Hoàn nói:

- Con ngốc này! Lúc này là lúc nào mà mày chỉ lo khóc? Áo xống của cô Lâm ở đâu rồi, không đưa ra thay cho cô ta, còn đợi lúc nào nữa. Không lẽ cô ta là một người con gái, lại để trần truồng như thế mà lìa bỏ cuộc đời à?

Tử Quyên nghe câu ấy càng khóc rống lên.

Lý Hoàn cũng vừa khóc vừa cuống quít, lau nước mắt, vừa vỗ vào tai Tử Quyên vừa nói:

- Em ơi! Em khóc làm rối cả ruột ta. Mau mau sửa soạn để khâm liệm cho cô ta đi thôi, để chậm lát nữa không kịp đâu!

Đang lúc rối rít thì thấy ở ngoài có một người lật đật chạy vào. Lý Hoàn giật mình, nhìn lại, thì ra Bình Nhi. Bình Nhi chạy vào thấy tình hình như thế, ngơ ngác sửng sốt. Lý Hoàn nói:

- Chị lúc này không ở bên ấy, đến đây làm gì?

Vừa nói đến đây thì vợ Lâm Chi Hiếu cũng chạy vào.

Bình Nhi nói:

- Mợ tôi không đành lòng, bảo tôi đến xem sao? Đã có mợ Cả ở đây thì mợ tôi chỉ lo việc bên kia thôi.

Lý Hoàn giật đầu. Bình Nhi nói:

- Tôi cũng vào xem cô Lâm một chút.

Nói đến đấy, chị ta vừa đi vào vừa chảy nước mắt.

Lý Hoàn ở ngoài nói với vợ Lâm Chi Hiếu:

- Bà đến vừa đúng lúc, mau mau đi ra ngoài xem sao, rồi nói với người coi việc sắp sửa hậu sự cho cô Lâm. Khi đã xong xuôi rồi, bà bảo họ tới nói lại với tôi, không cần đến bên kia làm gì.

Vợ Lâm Chi Hiếu vâng lời, nhưng vẫn đứng đấy. Lý Hoàn nói:

- Còn việc gì nữa?

- Vừa rồi mợ Hai và cụ bàn định bên kia có việc cần gọi cô Tử Quyên sang để sai bảo.

Lý Hoàn chưa kịp trả lời. Tử Quyên đã nói:

- Bà Lâm ơi, mời bà cứ đi trước. Chờ khi người chết rồi chúng tôi tự nhiên về cả, cần gì phải như thế?

Tử Quyên nói đến đó, nghĩ không tiện, liền đổi giọng:

- Vả lại chúng tôi ở đây phục dịch người ốm, trong người cũng không được sạch sẽ. Cô Lâm còn thở, có khi sẽ gọi đến tôi.

Lý Hoàn đứng một bên sẽ nói dàn hòa:

- Thật thế, cô Lâm và cô này là duyên nợ từ trước để lại. Tuyết Nhạn là người từ phương Nam đưa đến mà cô Lâm lại không để ý lắm, chỉ có Tử Quyên với cô ấy thì một phút cũng không rời nhau.

Vợ Lâm Chi Hiếu ban đầu nghe Tử Quyên nói, trong bụng cũng khó chịu, nhưng khi nghe Lý Hoàn nói rõ như thế, bà ta cũng chẳng biết nói gì nữa. Lại thấy Tử Quyên nước mắt giàn giụa nên bà ta chỉ mỉm cười đứng nhìn rồi lại nói:

- Những lời cô Tử Quyên nói không quan hệ, nhưng cô thì như thế được, chứ còn tôi thì làm sao mà trình lại với cụ và mợ Hai được.

Đang nói thì Bình Nhi ở trong lau nước mắt đi ra, liền hỏi:

- Bà nói trình với mợ Hai việc gì thế?

Vợ Lâm Chi Hiếu đem câu chuyện vừa rồi kể lại đầu đuôi. Bình Nhi cúi đầu nghĩ ngợi một lúc rồi nói:

- Thế này thôi, gọi cô Tuyết Nhạn đi cũng được.

Lý Hoàn nói:

- Cô ấy cũng được à?

Bình Nhi ghé vào tai Lý Hoàn nói nhỏ mấy câu. Lý Hoàn gật đầu nói:

- Đã thế thì bảo Tuyết Nhạn qua bên ấy cũng được.

Vợ Lâm Chi Hiếu hỏi lại Bình Nhi:

- Cô Tuyết Nhạn có được không?

- Được đấy, cũng như nhau thôi.

- Đã thế thì cô bảo cô Tuyết Nhạn mau mau đi theo tôi. Tôi sẽ trình với cụ và mợ Hai. Đây là ý định của mợ Cả và cô, rồi chốc nữa cô lại trình với mợ Hai.

Lý Hoàn nói:

- Thôi được, bà chừng ấy tuổi đầu mà chút việc như thế cĩmg còn không làm nổi à?

Vợ Lâm Chi Hiếu cười nói:

- Không phải là tôi không làm nổi, nhưng vì một là việc này cụ và mợ Hai lo liệu như thế nào, tôi không được rõ lắm, hai là đã có mợ Cả và cô Bình rồi.

Đang nói thì Bình Nhi đã gọi Tuyết Nhạn ra. Số là mấy hôm nay, Đại Ngọc cho Tuyết Nhạn còn trẻ con, không biết gì, lên nó cũng đâm ra hờ hững. Nó lại sợ cụ và mợ Hai gọi, không đi không được, nên vội vàng sửa lại đầu tóc. Bình Nhi bảo nó thay quần áo mới rồi theo vợ Lâm Chi Hiếu đi.

Sau đó, Bình Nhi lại nói với Lý Hoàn mấy câu. Lý Hoàn lại dặn dò Bình Nhi qua bên ấy giục vợ Lâm Chi Hiếu mau mau nhắn ông ta sắm sửa hậu sự cho Đại Ngọc.

Bình Nhi vâng lời đi ra, vừa qua quãng đường, thấy vợ Lâm Chi Hiếu dẫn Tuyết Nhạn đi phía trước. Chị ta liền gọi bà ấy đứng lại và nói:

- Để tôi đưa em Tuyết đi cho. Bà về nói với ông Lâm lo liệu hậu sự cho cô Lâm. Còn ở chỗ mợ Hai, tôi sẽ trình hộ.

Bà Lâm vâng lời ra đi. Bình Nhi dẫn Tuyết Nhạn đến nhà mới, nói lại rõ ràng rồi đi làm việc.

Tuyết Nhạn thấy quang cảnh phòng mới của Bảo Ngọc, nghĩ đến cô mình, không khỏi đau lòng, nhưng vì đứng trước mặt Giả mẫu và Phượng Thư nên không dám để lộ nỗi buồn của mình. Tuyết Nhạn nghĩ bụng: "Chả biết họ dùng mình vào việc gì, để ta xem thử. Ngày thường Bảo Ngọc với cô mình gắn bó như keo với sơn, mà giờ đây không gặp mặt nhau nữa. Cũng không biết anh ta bệnh giả hay bệnh thật. Có lẽ anh ta sợ cô mình đâm giận, nên bịa chuyện mất ngọc, giả cách si ngốc làm cho cô mình nguôi lòng để rồi cưới cô Bảo cho tiện cũng nên. Để ta thử gặp anh ta, xem anh ta thấy mình rồi còn si ngốc nữa hay không? Chả nhẽ giờ đây còn vờ làm bộ si ngốc nữa hay sao?"

Tuyết Nhạn nghĩ như thế rồi lén vào cửa nhà trong xem trộm.

Lúc bấy giờ, Bảo Ngọc vì mất ngọc đâm ra mê mẩn, nhưng nghe nói mình được lấy Đại Ngọc làm vợ, thật là việc vui lòng thỏa dạ thứ nhất từ trước tới nay, từ trên trời đến cõi tục, nên người khỏe hẳn lên, duy chỉ không được lanh lợi như trước mà thôi. Vì thế, diệu kế của Phượng Thư thật là "bách phát bách trúng". Bảo Ngọc chỉ mong được gặp Đại Ngọc ngay. Nghe người ta nói hôm nay làm lễ cưới, anh ta hoa chân múa tay, vui không kể xiết, dầu còn đôi câu nói dại dại ngây ngây, nhưng đã khác hẳn khi còn bệnh nặng. Trông thấy thế, Tuyết Nhạn vừa tức giận vừa đau lòng, nhưng hiểu sao được nổi lòng của Bảo Ngọc. Tuyết Nhạn liền bỏ đi ra.

Trong này Bảo Ngọc gọi Tập Nhân mau mau thay quần áo mới cho mình, rồi ngồi chờ trong nhà Vương phu nhân. Trông thấy Phượng Thư và Vưu Thị vội vàng lật đật, anh ta chờ mãi chẳng thấy đến giờ tốt, cứ hỏi Tập Nhân:

- Cô Lâm ở trong vườn, sao vẫn dằng dai mãi chưa đến?

Tập Nhân mỉm cười nói:

- Còn chờ giờ tốt chứ!

Lúc đó, lại nghe Phượng Thư nói với Vương phu nhân:

- Mặc dầu có tang, nếu gọi ban nhạc ở ngoài thì không nên, nhưng nề nếp nhà chúng ta, có lệ con dâu vào làm lễ nhà thờ, nếu lặng lẽ quá sợ không nên. Để cháu gọi bọn đàn bà con gái trong nhà đã học âm nhạc và học hát trò đến đánh đàn thổi sáo cho vui.

Vương phu nhân gật đầu nói:

- Cũng được.

Một lúc sau, một cỗ kiệu lớn đi từ cửa chính vào, ban âm nhạc trong nhà ra đón, mười hai đôi đèn hoa kiểu trong cung bày hàng đi vào, xem cũng có vẻ trang nhã mới mẻ. Người giúp lễ mời cô dâu xuống kiệu. Bảo Ngọc thấy cô phù dâu mặc áo đỏ, đỡ lấy cô dâu. Cô dâu đội khăn che đầu.

Người đỡ cô dâu đó là ai? Thì chính là Tuyết Nhạn.

Bảo Ngọc thấy Tuyết Nhạn, nghĩ bụng: "Sao Tử Quyên không đi mà lại là cô này?" Rồi lại nghĩ: "Phải rồi, Tuyết Nhạn nguyên là cô ta đưa từ phương Nam đến, Tử Quyên là người nhà mình, dĩ nhiên không cần cô ta đưa đến". Vì thế, khi thấy Tuyết Nhạn, Bảo Ngọc vui mừng y như thấy Đại Ngọc.

Người giúp lễ xướng lễ, trước lạy trời đất rồi mời Giả mẫu ra lạy bốn lạy, lại mời vợ chồng Giả Chính lên nhà để vợ chồng mới làm lễ. Lễ xong, đưa vào động phòng. Ngoài ra, còn có những lễ như ngồi giường buông màn đều là theo lệ cũ đất Kim Lăng, không cần nói kỹ.

Giả Chính vốn không tin chuyện "xung hỷ", chẳng qua vì Giả mẫu làm chủ, không dám trái lại mà thôi. Ai ngờ hôm nay thấy Bảo Ngọc như có vẻ khỏe thật, Giả Chính thấy thế cũng rất vui mừng.

Lúc cô dâu ngồi màn là phải cất cái khăn che đầu, Phượng Thư đã đề phòng sẵn, nên mời Giả mẫu và Vương phu nhân cùng vào để trông nom lúc đó, Bảo Ngọc vẫn còn phần nào ngây dại, liền chạy đến trước mặt cô dâu nói:

- Cô em có khỏe không? Đã mấy ngày không gặp nhau đội cái quái này làm gì?

Bảo Ngọc định cất cái khàn che đầu của cô dâu, làm cho Giả mẫu sợ toát mồ hôi. Báo Ngọc lại nghĩ: "Cô Lâm hay giận, không nên hấp tấp". Lại nghỉ một chút. Anh ta nhịn không được, đành phải tới nơi cất cái khăn che đầu của cô dâu đi. Người phù dâu đỡ lấy khăn, Tuyết Nhạn chạy ra, bọn Oanh Nhi tới hầu.

Bảo Ngọc trừng mắt nhìn, thấy giống như Bảo Thoa, trong bụng không tin, một tay cầm đèn, một tay dụi mắt, trông kỹ lần nữa, thì chẳng phải Bảo Thoa là gì! Thấy cô ta ăn mặc lộng lẫy, thân thể đẫy đà, mái tóc rủ nghiêng, mặt mày e lệ. Rõ ràng:

Vẻ thanh nhã bông sen sương rủ,

Dáng yêu kiều hoa hạnh khói lồng.

Bảo Ngọc đứng ngẩn người ra một lúc, thấy Oanh Nhi đứng một bên mà không thấy Tuyết Nhạn. Lúc đó, trong lòng Bảo Ngọc rối loạn, cho là mình ở trong giấc chiêm bao, cứ đứng ngơ ngác. Mọi người đỡ lấy đèn, dìu Bảo Ngọc ngồi xuống, Bảo Ngọc hai mắt trợn ngược, chẳng nói nửa lời. Giả mẫu sợ Bảo Ngọc lại phát ốm, liền thân hành đến vỗ về. Phượng Thư và Vưu Thị mời Bảo Thoa vào nhà trong ngồi. Lúc đó, Bảo Thoa cố nhiên là ngồi cúi đầu không nói gì cả.

Một lát, Bảo Ngọc hơi tỉnh lại, thấy Giả mẫu và Vương phu nhân ngồi bên kia, liền khẽ hỏi Tập Nhân:

- Tôi ở chỗ nào đây, không phải là chiêm bao à?

Tập Nhân nói:

- Hôm nay là ngày vui của cậu. Sao lại nói nhảm, chiêm bao với chẳng chiêm bao! Ông lớn đang ngồi ngoài kia kìa!

Bảo Ngọc lại lấy tay chỉ vào nhà trong, hỏi khẽ:

- Cô gái đẹp ngồi trong ấy là ai?

Tập Nhân bưng lấy miệng nhịn cười, nói không ra lời, hồi lâu mới nói:

- Mợ Hai mới cưới đấy.

Mọi người ngoảnh đầu đi, không nhịn cười được.

Bảo Ngọc lại nói:

- Khéo lẩn thẩn thật! Chị nói mợ Hai là ai đấy?

- Cô Bảo đấy!

- Cô Lâm đâu rồi?

- Ông lớn làm chủ, cưới cô Bảo, sao lại nói bậy là cô Lâm?

- Ta vừa thấy cô Lâm, có cả Tuyết Nhạn nữa; sao lại nói không có? Các người đùa cái gì thế?

Phượng Thư liền chạy lại nói khẽ:

- Cô Bảo đang ngồi ở trong nhà đấy, đừng nói nhảm, làm cô ta mếch lòng thì cụ không nghe đâu.

Bảo Ngọc nghe nói, càng thêm mê mẩn. Vốn đã sẵn bệnh hôn mê, lại thêm đêm nay tình hình kỳ quặc, càng làm cho anh ta tình hình rối loạn. Anh ta không quản gì nữa, miệng đòi đi tìm cho được cô Lâm.

Giả mẫu tới an ủi. Nhưng khốn nỗi Bảo Ngọc không hiểu nữa. Lại có cả Bảo Thoa ngồi trong nhà không tiện nói rõ. Giả mẫu biết rằng bệnh cũ của Bảo Ngọc lại phát nên cũng không nói, đành phải thắp hương an thần khắp nhà để giữ vững thần hồn rồi dìu anh ta nằm ngủ.

Mọi người ngồi im lặng. Sau một lát, Bảo Ngọc ngủ mê mệt, bọn Giả mẫu mới hơi yên lòng, đành phải ngồi chờ trời sáng. Giả mẫu lại bảo Phượng Thư vào mời Bảo Thoa nằm nghỉ.

Bảo Thoa làm như không nghe gì chỉ, rồi cũng mặc cả áo đi nằm.

Giả Chính ở ngoài không biết nguyên do trong ấy ra sao, nhưng cứ quang cảnh tai nghe mắt thấy vừa rồi, trong bụng cũng khoan khoái. Vừa đúng ngày mai là ngày tốt lên đường, ông ta nằm nghỉ một lát rồi mọi người làm lễ chúc mừng tiễn đưa.

Giả mẫu thấy Bảo Ngọc nghỉ rồi, cũng về phòng nghỉ.

Sáng hôm sau Giả Chính làm lễ cáo từ ở nhà thờ, rồi đến từ biệt Giả mẫu và thưa:

- Con bất hiếu đi xa, mong mẹ yên tâm tĩnh dưỡng. Con đến chỗ làm việc sẽ biên thư về ngay, xin mẹ đừng lo nghĩ. Việc của Bảo Ngọc đã theo lời mẹ lo liệu xong xuôi, chỉ mong mẹ để ý dạy dỗ cho.

Giả mẫu sợ Giả Chính dọc đường không yên tâm, nên không nhắc đến chuyện Bảo Ngọc ốm trở lại, chỉ nói:

- Ta có một câu: Hôm qua Bảo Ngọc cưới vợ nhưng chưa phải là chung phòng. Hôm nay anh lên đường, đáng lẽ bảo nó đi đưa xa mới phải. Nhưng vì nó ốm, phải làm cách "xung hỷ" mới đỡ ít nhiều. Hôm qua nó lại mệt suốt ngày, đi ra ngoài sợ gặp gió. Vì thế, ta hỏi anh: Nếu bảo nó đi tiễn thì tức khắc cho gọi nó, nếu anh thương nó thì gọi người đưa nó đến để anh gặp nó một tí và bảo nó dập đầu làm lễ cũng như là nó tiễn đưa anh rồi.

Giả Chính nói:

- Bảo nó tiễn đưa làm gì? Chỉ cần từ nay về sau nó chăm chỉ học hành, còn mừng hơn là nó tiễn đưa.

Giả mẫu nghe nói mới đỡ lo, liền bảo Giả Chính ngồi xuống rồi gọi Uyên Ương, như thế như thế, đưa Bảo Ngọc đến đây, và bảo cả Tập Nhân theo đến.

Uyên Ương đi chẳng bao lâu đã dẫn Bảo Ngọc đến. Nghe Giả mẫu bảo làm lễ chào thì Bảo Ngọc chào. May lúc đó, Bảo Ngọc gặp bố, tinh thần hơi tỉnh táo một chút, cho nên cũng chẳng có gì sai lầm lắm.

Giả Chính dặn dò mấy câu, Bảo Ngọc vâng lời. Giả Chính bảo người nhà dìu anh ta về phòng.

Giả Chính về phòng Vương phu nhân, lại dặn dò phải hết sức dạy bảo con "nhất thiết không được thả lỏng như trước, khoa thi hương sang năm, thế nào cũng bảo nó đi thi."

Vương phu nhân nhất nhất vâng theo, cũng không nhắc đến việc gì khác, và vội vàng sai người dẫn Bảo Thoa đến, làm lễ dâu mới tiễn chân, nhưng cũng không ra khỏi nhà, còn các người khác thì tiễn ra cửa thứ hai rồi về.

Giả Chính lại dặn dò Giả Trân một hồi rồi mọi người rót rượu tiễn chân. Một số con em và bạn hữu lớp trẻ đưa chân mãi đến mười dặm mới từ biệt.

Bảo Ngọc từ khi trở về phòng, bệnh cũ trở lại, càng thêm mê mẩn không ăn uống gì.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.