Đạo Tâm: Những Điều Chưa Kể Của Đạo Tình

Chương 30




- Rose Waring ư?

- Phải, thật một trăm phần trăm đấy. Rose Schuster, thật ra tên tôi là thế. Nhưng Waring là tên lót của tôi. Bởi vì cha đẻ của tôi họ là Waring, nhưng cha dượng của tôi lại là Harry Schuster. Ông ấy là cha dượng của tôi từ lâu lắm rồi, thế nên người ta gọi tôi là Schuster, nhưng Waring là tên lót của tôi.

Cô ngưng lại, rõ ràng cô đã nói không kịp thở.Họ tiếp tục ngây người ra nhìn nhau. Vẻ kinh hoàng lộ rõ trên từng khuôn mặt, nhưng càng lúc họ càng hiểu ra sự thật trớ trêu giữa hai người.

- Thế cô có biết người cha thật sự của mình la ai không?

Flora cuối cùng cũng hỏi.

- Tôi chưa bao giờ biết ông ta. Ông ta và mẹ tôi chia tay nhau khi tôi mới là một đứa bé. Theo tôi biết thì hình như ông ta là hiệu trưởng của một trường học thì phải.

Flora nhớ về cha mình. Tính tình hơi lơ đãng một chút, chậm chạp một chút, nhưng hoàn toàn là người trung trực, đáng tin cậy. Cô nghĩ không thể nào là cha mình được. Cha không thể nào giấu mình một chuyện kinh khủng như thế nào được. Khoảnh khắc im lặng giữa hai cô gái ngày càng kéo dài thêm. Với một nỗ lực phi thường, Flora cố tìm lời nói sao cho hợp tình hợp lý.

- Mẹ của chị, bà ấy tên là…

Cái tên ấy ít khi được nhắc tới , những lúc này đây, nó trương phình ra trong tâm trí của Flora .

- …Pamela phải không?

- Đúng rồi.

- Chị bao nhiêu tuổi?

- Hai mươi hai.

- Sinh nhật chị là ngày bao nhiêu?

- 17 tháng 6.

- Thôi thế thì đúng ta là chị em rồi, đó là ngày sinh nhật của tôi luôn.Tôi được ngôi sao Gemeni chiếu mạng và vì là chị em sinh đôi nên ngôi sao ấy cũng là ngôi sao định mệnh của chị.

Flora mỉm cười.

- Nếu chị có hứng thú nghe thì tôi xin nói là ngôi sao chiếu mạng này khá tốt đấy.

Flora hỏi:- Nhưng chuyện gì đã xảy ra?

- Đơn giản thôi, họ quyết định chia tay, mỗi người một đứa.

- Nhưng trước khi ra đi chị có biết gì về chuyện này không?

- Không hề. Còn chị thì sao?

- Không. Thế nên lúc nãy bắt chuyện, người tôi run cả lên.

- Có chuyện gì đâu mà chị phát run lên thế? Chỉ là một hành động thường thôi mà. Chị không thấy chia con như thế là rất đồng đều, rất công bằng sao?.

- Tôi nghĩ mọi chuyện phải được giải thích chứ!

- Nếu kể cho chúng ta nghe thì mọi chuyện sẽ tốt hơn sao? Tôi chả thấy có chuyện khác nhau giữa chuyện chúng ta biết hay không biết về bố mẹ mình.

Rõ ràng là đối với Rose, hoàn cảnh này không những không làm cho cô tan nát cõi lòng, mà còn làm cho cô ta cảm thấy buồn cười nữa. Rose tiếp tục nói:

- Tôi nghĩ bản chất của việc này mang tính chất của sự cuồng loạn, một sự cuồng loạn nhất trong đời mà cha mẹ chúng ta đã từng mắc. Một sự trùng hợp ngẫu nhiên đến kì diệu chúng ta gặp lại nhau trong một hoàn cảnh như thế này. Thật không ngờ. Đã bao giờ chị đến nhà hàng này chưa?.

- Chưa bao giờ.

- Ý chị nói là chị mới tạt qua đây thôi ư?

- Tôi mới đến London vào chiều nay. Suốt một năm vừa qua, tôi sống ở Cornwall.

Những lời của Flora nói khiến câu chuyện càng khó tin hơn bất cứ lúc nào.

- Trời, trong một thành phố rộng lớn như thế này mà …Rose nói, dang hai tay tự để cho bản chất câu chuyện kết thúc câu nói vừa rồi của cô. Flora bảo:

- Họ thường nói London được hình thành bởi rất nhiều làng mạc. Tôi hy vọng cô cũng sẽ ở trong một ngôi làng như thế, quang ra quẩn vào toàn những bà con thân thuộc.

- Chị nói đúng, hễ bước chân vào khu Harrods chị sẽ phải gật đầu sái cổ vì gặp người quen khắp dọc đường đi. Tuy nhiên, đối với tôi, khung cảnh xung quanh mỗi ngày lại mang một vẻ khác nhau.

Rose đưa ngón tay dài thon mảnh lên vuốt mái tóc đang lòa xòa trước trán. Flora kinh hãi nhận ra động tác ấy, đó cũng là thói quen của nàng. Rose hỏi như thể đang cố tìm sự khác biệt giữa hai người.

- Thế chị đang làm gì ở Cornwall?

- Đã từ lâu, tôi và cha chuyển đến đó ở. Giờ ông vẫn ở đó làm nghề dạy học.

- Ý chị nói là cha vẫn làm nghề thầy giáo ư?

- Phải vẫn là thầy giáo trung học.

Flora cảm thấy nếu như mình cứ hoảng lên xử sự khác thường thì rất kỳ cục. Cô quyết định chấp nhận sự ngẫu nhiên huyền bí theo cách của Rose.

- Thế còn chị, chị sống ra sao?- Cô hỏi, giọng nghe là lạ, khách sáo như hai người mới gặp nhau lần đầu trong một bữa tiệc linh đình nhưng xa lạ.

- Mẹ đi bước nữa khi tôi mới lên 3 tuổi.Cha dượng là Harry Schuster, một người Mỹ, nhưng hầu hết khoảng thời gian trong cuộc sống ở Châu Âu và là người đại diện cho một công ty Mỹ ở Châu Âu này.

- Như vậy, chị lớn lên ở Châu Âu ư?

- Có thể nói như thế. Nếu không ở Pari thì cũng ở Rome. Còn nếu không ở Rome thì ở Frankfurt. Chị hiểu thế là gì rồi đúng không?

- Ông ấy có dễ chịu không? Ông Schuster ấy.

- Có. Cha dượng tuyệt vời lắm…

Flora nghĩ thêm:-…và giàu khủng khiếp nữa.

Mắt cô dừng lại nơi chiếc áo lông chồn và áo len Casmir cùng chiếc túi bằng da cá sấu. Bà Pamela, sau cuộc hôn nhân không thành với một anh giáo nghèo kiết xác, đã sửa chữa lỗi lầm khá thành công trong lần tái giá sau này. Còn một điều nữa khiến Flora phải bận tâm, cô hỏi:

- Chị có anh chị em không?

- Không, chỉ có mình tôi à. Chị thì sao?

- Tôi cũng chỉ có một mình . Và chắc muôn đời là con một quá. Cha tôi…cha mới kết hôn đây. Mẹ kế là Marcia. Bà rất tuyệt, tuy nhiên nói nhu mì thì không đúng.

- Trông cha như thế nào?

- Cao, dáng trí thức. Tôi cho là thế. Ông tốt bụng lắm. đeo kính gọng sừng và luôn đãng trí. Ông rất…

Cô cố tìm một lời nào đó thật hoành tráng để mô tả cha mình nhưng chỉ mỗi tiếng dễ thương là phù hợp nhất. Flora nói thêm:

- Cha là một người đáng tin cậy nữa. Đó là lý do tại sao tôi luôn thấy cha mình quả thật phi thường.

- Ông ấy không bao giờ nói dối ư?

Flora hơi bị sốc một chút.

- Tôi luôn thấy cha thành thực, không bao giờ nói dối một lời.

- Đặc biệt nhỉ!

Rose dụi thuốc lá chậm chạp, di cho chiếc đầu lọc bẹp dúm bẹp dó ở trong gạt tàn.

- Mẹ cũng là một người rất hay nói thật, ghét sự dối trá. Bà rất quyến rũ, nhất là khi bà muốn mình xinh đẹp hẳn lên, nổi trội hơn những người khác.

Mặc dù trong lòng không muốn, Flora cũng mỉm cười bởi miêu tả của Rose giống hệt như nhận xét của mình.

- Bà đẹp phải không?

- Rất mảnh mai và trông trẻ hơn tuổi. Không xinh lắm nhưng mọi người đều nghĩ bà sắc nước hương trời. Người ta nói không có phụ nữ xấu, chỉ có phụ nữ không biết làm đẹp mà thôi. Và lời nói đó rất hợp với mẹ.

- Bây giờ mẹ ở London à?

Flora hỏi và thầm nghĩ: Nếu quả thật bà ấy đang ở London và mình phải đối mặt với bà ta, mình sẽ nói gì. Làm gì với bà đây?

- Không, mẹ đang ở New York. Thực ra bà cùng dượng Harry và tôi đang đi nghỉ dài ngày. Tôi mới bay đến sân bay Heathrow tuần vừa qua. Mẹ muốn tôi ở Mỹ, nhưng tôi phải quay trở lại vì…

Cô gái bỏ dở câu nói. Rồi lấy điều thuốc gắn lên môi và tìm bật lửa.

- …bởi vì nhiều lý do.

Cô nói thêm với vẻ không thoải mái lắm. Flora hi vọng mình được nghe đó là những lý do nào. Nhưng Pietro đã cắt ngang cuộc đàm thoại của họ. Anh ta quay lại, một tay cầm chai Champagne, tay kia cầm ba chiếc ly thủy tinh. Bằng một dáng vẻ thành thạo, anh ta mở nắp nút chai, rót rượu. Chiếc cổ chai cứ liên tục đi từ ly này sang ly kia mà không thể rơi một giọt rượu nào ra ngoài. Pietro dùng chiếc khăn ăn lau thật sạch chai rượu, nâng ly của anh ta lên và giơ cao.

- Chúc mừng sự đoàn tụ, hai chị em đã gặp được nhau. Theo tôi, đó là ý của Chúa.

- Cảm ơn. - Flora nói.

- Một ngày thật hạnh phúc. - Rose cũng nói theo.

Pietro lại bỏ đi. Lúc này mắt long lanh vì xúc động. Hai chị em lại ngồi đối diện với nhau. Hôm nay, họ phải uống hết chai rượu này. Rose nói:

- Chúng ta sẽ xỉn mất, nhưng đừng bận tâm. Chúng ta…câu chuyện đang dừng ở đâu nhỉ.?

- Chị đang nói chị mới từ Mỹ quay trở lại London.

- À phải rồi. Và chắc có lẽ tôi sắp đi Hi Lạp đấy. Có thể mai hoặc là mốt gì đó. Tôi vẫn chưa quyết định chính xác là ngày nào.

Nghe có vẻ trưởng giả quá nhỉ.

- Ở London chị nghỉ ở đâu? - Flora hỏi, chờ đợi câu trả lời sẽ là những khách sạn sang trọng tựa như Connaught hoặc Ritz. Nhưng rõ ràng nghề nghiệp của ông Harry Schuster là nay đây mai đó nên ông ta có căn hộ ở London và cũng có căn hộ ở Paris, Frankfurt và cả ở Rome nữa.

- Căn hộ ở London gần Cadogan Gardens. Qua ngã tư này là tới. Tôi vẫn thường đi bộ tới đây mỗi khi muốn ăn cái gì đó. Còn chị thì sao? - Rose hỏi tự nhiên.

- Ý chị hỏi là tôi đang ở đâu? Ngay lúc này thì chưa ở đâu cả. Tôi nói với chị rồi. Tôi vừa rời Cornwall đến London ngày hôm nay. Tôi đã dự định đến nhà một người bạn gái nhưng bởi vì có chuyện bất ngờ xảy ra nên tôi phải tìm một nơi cho mình. Tôi phải tìm việc làm nữa. Và đó mới là vấn đề chính.

- Thế đêm nay chị định ở đâu?

Flora kể cho Rose về khách sạn Shelbourne. Về cái không khí ngột ngạt ở đó.

- Tôi quên mất là khách sạn đó chán lắm, nhưng không sao chỉ ở đó một đêm thôi mà.

Flora chợt cảm thấy ánh mắt của Rose dành cho cô quá lạnh lẽo và dè dặt. Flora nghĩ không hiểu có lúc nào trông mình giống như cô ta lúc này không. Từ cái luôn tính toán nảy ra trong óc. Và ngay lập tức, Flora muốn quên nó đi. Rose nói:

- Đừng có ở khách sạn ấy.

Trong khi Flora tròn mắt ngạc nhiên, Rose nói tiếp:

- Chúng ta sẽ ăn cái gì ở nhà hàng này, sau đó, tôi kêu taxi đến khách sạn kia lấy hành lý hộ chị. Rồi cả hai chũng ta sẽ quay lại căn hộ của dượng Harry và chị có thể ở đó. Căn hộ ấy rộng lắm, giường cũng nhiều nữa, thiếu gì chỗ ngủ. Hơn nữa, nếu ngày mai tôi phải đi Hy Lạp thì sẽ không gặp chị nữa. Chúng ta có rất nhiều chuyện phải nói với nhau, có khi cần cả đêm mới nói hết chuyện không chừng. Dù sao thì đó cũng là một sự sắp xếp tuyệt vời bởi vì chị có thể ở lại trong căn hộ ấy khi tôi đã đi rồi. Chị cứ ở lại đó đi, cho tới khi nào tìm được một nơi khác để ổn định cuộc sống.

Nhưng không hiểu sao Flora vẫn muốn cố tìm một lý do để từ chối một kế hoạch hết sức hoàn hảo như vậy.

- Nhưng ngộ nhỡ có người nào đó không vừa lòng thì sao?

Cuối cùng, cô cũng thốt ra những lời đó.

- Ai không vừa lòng? Để tôi dàn xếp ổn thỏa với người phu khuân vác nơi tiền sảnh. Dượng Harry chưa bao giờ không hài lòng về tôi. Còn về phần mẹ thì…

Có chuyện gì đó khiến Rose buồn cười. Cô bỏ dở câu nói giữa chừng và bắt đầu cười lớn.

- …Nếu bây giờ mẹ gặp chúng ta, mẹ sẽ nói gì nhỉ? Ở chung một nhà này và trở thành bạn của nhau nữa. Theo chị thì cha chúng mình sẽ nói làm sao đây?

Flora cân nhắc kỹ ý kiến ấy:- Tôi vẫn chưa hình dung ra.

- Liệu chị có kể cho cha nghe rằng chúng ta đã tìm ra nhau không?

- Tôi cũng không biết nữa. Có thể tôi sẽ kể vào một ngày nào đó.

Đột nhiên Rose tỏ vẻ trầm ngâm. Cô hỏi:

- Liệu hành động của cha mẹ chúng ta có phải là độc ác không nhỉ? Chia lìa hai chị em sinh đôi giống hệt nhau. Hai chị em sinh đôi cùng trứng là hai nửa của một con người. Chia cắt chúng ta chẳng khác nào cắt đôi cơ thể của một con người ra thành hai mảnh.

- Nhưng trường hợp của chúng ta thì đặc biệt. Cha mẹ đối xử với chúng ta hết sức tốt, không chê vào đâu được.

Rose nheo mắt:- Tôi tự hỏi tại sao mẹ lại chọn tôi? Còn cha lại chọn chị nhỉ? Không lẽ lại chơi trò sấp ngửa mới có thể ngã ngũ được.?

Flora nói hời hợt như nói chỉ để nói thế thôi chứ không suy nghĩ:

- Liệu mọi chuyện có trái ngược với hoàn cảnh bây giờ, nếu như đồng xu kia không sấp ngửa giống như 22 năm trước không? Chắc chắn là mọi chuyện sẽ khác chứ không như bây giờ.

- Khác ư?

Flora nghĩ về cha mình. Nghĩ đến nhưng ánh lửa ấm áp trong căn nhà nhỏ ở Seal Cottage, nghĩ đến mùi khói hăng hắc tỏa ra khi những thanh gỗ lượm lặt từ những ngọn sóng đánh dạt vào bờ cháy tí tách trong lò sưởi nhà cô. Cô nhớ những mùa xuân đến sớm sao mà dịu dàng, và biển mùa hè nhảy múa trong ánh nắng chiều rực rỡ. Cô nghĩ đến những thứ rượu vang đỏ sóng sánh trong bình đặt giữa bàn ăn lên nước bóng loáng và âm thanh nhẹ nhàng của âm nhạc Beethoven vang lên từ chiếc máy hát, bây giờ cô còn nhớ thêm cả những khuôn mặt dễ thương nồng hậu của dì Marcia nữa.

- Chị có muốn mọi chuyện khác đi, chị ở địa vị tôi và tôi ở địa vị chị không?

Flora mỉm cười: - Không .

Rose kéo gạt tàn lại gần, dí mạnh đầu đốt thuốc lá vào trong đó. Cô bảo:

- Tôi cũng không. Tôi chẳng muốn thay đổi gì cả.

Hôm sau là thứ Sáu, sau một buổi sáng trời đầy mây và mưa tầm tã, mặt trời cố ló ra cảnh u ám chiếu sáng bầu trời Edinburgh. Trời trong xanh và cảnh thành phố lấp lánh trong ánh vàng của mùa thu. Nhìn lên phía bắc sau những rặng cây màu xanh trên đường Flirth and Florth, những dãy đồi trải dài nơi chân trời màu xanh nhạt. ngang qua đường Các Hoàng Tử là những hàng hoa đầy thược dược đỏ chói của công viên Waverley. Còn phía xa xa kia bên ngoài đường tàu là những tòa lâu đài bằng đá sừng sững, cờ bay phấp phới.

Antony Armstrong vừa ra khỏi văn phòng bước vào quảng trường Charlotte đã sững sờ trước vẻ đẹp của một buổi chiều thu. Bởi vì thứ Bảy, Chủ nhật tuần này, anh đã có kế hoạch nên buổi sáng ngày thứ Sáu, quả thật rất bận rộn. anh thậm chí còn không nghĩ tới chuyện ăn trưa. Thậm trí Antony còn không có thời gian ngước mắt lên nhìn ra của sổ. Thế nên trong đầu anh vẫn hình dung cả buổi sáng nay, thời tiết vẫn ảm đạm như những ngày trước đó. Lo lắng và hối hả, anh vội vã lên xe phóng ra sân bay. Antony chuẩn bị đón máy bay đi London để đón Rose. Mặc dù vội vã như vậy, anh không khỏi ngây người ra trước vẻ đẹp bất ngờ của thành phố khi ánh nắng mặt trời lấp lánh trên những vỉa hè ướt đẫm nước mưa. Những chiếc lá sáng lên như đồng được đánh bóng vẫy vẫy trên ngọn cây nơi quảng trường và cả cái mùi không khí cũng đặc biệt nữa. Trong không khí phảng phất cái mùi đặc trưng của xứ sở này vào lúc thu về, bao gồm mùi bùn mùi cây thạch lam và những cỏ cây hoang dại của vùng thảo nguyên. Mùi hương ấy theo gió thổi từ trên đồi xuống. Những ngọn đồi cách đó không xa.

Antony đứng trên vỉa hè, chiếc áo gió nhẹ phanh ngực và tay xách chiếc túi du lịch nhỏ dành cho những cuộc đi ngắn. Anh cứ đứng đó hít thật sâu hương thơm đồng nội. Tâm trí quay trở về Fernrigg và bà nội Tuppy. Mùi hương quê nhà khiến anh bình tâm hơn, giúp anh xóa bỏ cảm giác bất an lo lắng. Tuy nhiên, không nên để mất thời gian nhiều nữa. Anh đi ra xe chạy tới Turnhouse. Một lần nữa, anh xuống xe vào mua vé, còn nửa giờ nữa chuyến bay khởi hành nên anh lên lầu ngồi ăn bánh mì kẹp thịt bên một vại bia. Người hầu bàn ở đây đã quá quen bởi anh thường đi công cán ở London nên ông ta nhớ mặt anh.

- Đã lâu lắm rồi không gặp, thưa ngài.

- Ồ, đâu có lâu đến thế. Tôi độ chừng mới chỉ một tháng thôi mà.

- Ông muốn ăn thịt bò băm hay trứng ạ?

- Cho tôi mỗi thứ một ít.

- Ông lại đến London ư?

- Đúng rồi.

Người hầu bàn nói thêm, vẻ hiểu biết : - Trời, như vậy thì còn đâu là kỳ nghỉ cuối tuần.

- Đúng, chẳng có nghỉ ngơi gì cả. Ngày mai tôi phải quay về rồi. Cũng không biết nữa, phải còn xem tình hình như thế nào.

- Đáng lẽ cuối tuần, ông phải được nghỉ ngơi, tận hưởng cuộc sống chứ. Mùa này, thời tiết ở London đẹp lắm đấy.

Vừa nói người hầu bàn vừa đẩy vại bia đến gần.

- Thời tiết ở đây cũng có kém gì.

- Vâng, đúng vậy. Chiều nay, trời chắc đẹp lắm đây. Chuyến bay của ông sẽ diễn ra tốt đẹp thôi.

Anh ta lau bàn rồi quay lại phục vụ một khách hàng mới đến. Antony cởi áo khoác để lên trên túi, châm thuốc, trước mặt là vại bia và đĩa bánh mì kẹp thịt. Qua cửa sổ, xa bậc thềm, Antony nhìn thấy những dãy đồi, những đám mây trôi lơ đãng, những cây chỉ hướng gió của phi trường, anh đói ngấu, bia và bánh mì kẹp thịt đang đợi anh. Ngồi đây nhìn bóng mây bay ngang qua những vũng nước rải rác trên đường băng, anh quên mất cả cảm giác đói, tâm trí quay trở lại với chuyện của Rose. Về phần Antony, mọi chuyện đều đơn giản, mọi chuyện đều từ phía Rose, cho nên đến giờ này, quan hệ của họ còn trong vòng luẩn quẩn, chẳng đi tới đâu. Làm như để thoát ra cảnh tiến thoái lưỡng nan, Antony lục lọi túi áo khoác lấy ra lá thư của cô. Lá thư này anh đọc đi đọc lại rất nhiều lần, tới độ gần như thuộc lòng.

Trong túi anh là lá thư không có phong bì, vì một lý do đơn giản là khi nó đến tay anh, nó đã không nằm trong một cái phong bì nào rồi. Nhưng chuyện đáng nói hơn là một cái bưu kiện nhỏ xíu buộc cẩu thả, bên trong đựng một hộp nhỏ chứa chiếc nhẫn mặt kim cương và đá saphia mà Antony đã mua cho Rose lúc trước.

Bốn tháng trước đây, anh đã trao nó cho cô trong một nhà hàng ở khách sạn Connaught. Họ ăn xong bữa tối, người hầu bàn cũng vừa mang cà phê đến cho họ, mà không hiểu sao thời cơ lại đến nhanh thế. Thời gian đúng lúc, quang cảnh hợp tình người và người phụ nữ mà Antony đã mong ước đang ngồi ngay trước mặt, quả đúng là thiên thời, địa lợi, nhân hòa cho kế hoạch của anh. Antony điệu nghệ như một nhà ảo thuật rút trong túi ra chiếc hộp nhỏ, mở nắp để ánh đèn chiếu sáng những viên đá quý lấp lánh bên trong. Ngay lập tức, Rose nhận xét.

- Ô, chiếc nhẫn đẹp quá nhỉ!

- Của em đấy! - Antony nói.

Cô nhìn vào mắt anh, cũng một thoáng ngờ vực, một thoáng mãn nguyện như bất cứ ai trong hoàn cảnh đó. Tuy nhiên vẫn còn có một cái gì đó. Mãi cho đến bây giờ Antony vẫn không hiểu cái ánh nhìn khác lạ đó mang đến ý nghĩa gì. Lúc ấy anh nói tiếp:

- Đây là nhẫn đính hôn, anh mua nó sáng nay.

Đáng lý ra anh phải cầm chiếc nhẫn đó trên tay trong khi nói lời cầu hôn. Mặc dù biến một vật thường mang ý nghĩ vật chất như thế cũng đã khá ấn tượng với Rose rồi. Antony nói tiếp:

- Anh nghĩ và anh hy vọng rằng em cũng cùng chung ý nghĩ như anh. Anh nghĩ là chúng ta nên kết hôn.

- Antony!

- Trời em đừng nói gay gắt như thế chứ!

- Em đâu có định gay gắt với anh, em chỉ ngạc nhiên thôi mà.

- Nhưng em cũng không thể nói chuyện này là quá bất ngờ, bởi vì chúng ta biết nhau đã 5 năm nay rồi, nhưng vẫn chưa thực sự hiểu nhau.

- Em cứ nghĩ chúng mình hiểu nhau đấy chứ.

Và ngay lúc đó, ngay khoảnh khắc đó, Antony cũng cảm thấy họ chưa hiểu nhau thật. Nhưng quan hệ của họ không như người bình thường. Và điều không bình thường nhất là cái cách Rose xuất hiện trong những giai đoạn đáng nhớ của cuộc đời anh. Vào những lúc mà anh không ngờ nhất, mặc dù, nhìn chung quan hệ của họ chẳng khác nào duyên tiền định. Lúc đầu mới gặp, cô gái không để lại ấn tượng gì với Antony cả. Nhưng khi ấy anh đã 25 và đang sa lầy trong một tình yêu tuyệt vọng và đau khổ với một cô đào trẻ đang lưu diễn ở Edinburgh, lúc ấy Rose mới có 17 tuổi. Mẹ cô, bà Pamela Schuster đã đến Beach House ở Fernring để nghỉ hè. Antony lúc đó cũng về nhà để nghỉ cuối tuần. Anh đưa bà nội Tuppy ra bờ biển trong một buổi cắm trại, hai gia đình gặp nhau và anh được bà nội giới thiệu với bà Pamela Schuster. Sau đó họ mời anh đến Beach House chơi. Người mẹ hết sức quyến rũ và xinh đẹp. Nhưng không hiểu sao, buổi chiều hôm ấy, Rose lại rất khó chịu, điệu bộ của cô gái lóng ngóng khó chịu, mặt mày sưng sỉa và ăn nói nhát gừng mỗi khi anh cố bắt chuyện. Vào thứ bảy, Chủ nhật tuần sau đó, anh quay trở lại thăm bà nội Fernrigg, thì cả cô và bà mẹ cô đã đi rồi. Và không bao giờ Antony định nhớ đến hai mẹ con nhà Schuster nữa. Thế nhưng một năm sau trước đây khi đi công tác ở London, anh bắt gặp Rose đang ngồi trong quán Shelbourne với anh chàng người Mỹ trẻ tuổi, dáng vẻ tề chỉnh, đeo mắt kiếng. Rose hôm ấy khác hẳn Rose của một năm về trước. Nhìn thấy cô, nhận ra cô. Antony không thể nào tưởng tượng ra cái cô Rose mà anh thường gặp, mảnh mai, dễ xúc cảm. Cô chú ý và cởi mở với tất cả những chàng trai khác có trong quán bar hôm ấy. Antony đến gần tự giới thiệu, lúc ấy hình như đã quá chán với người bạn trai quá nghiêm chỉnh ngồi ngây ra như bức tượng, Rose đáp lại Antony bằng thái độ hết sức cởi mở. Cô nói với anh rằng cha mẹ mình đang đi nghỉ ở miền nam nước Pháp, chiều ngày mai cô sẽ bay đến đó với họ. Lý do ấy đủ để thanh minh cho việc cô vội vã bỏ mặc anh bạn người Mỹ ngồi đó và tay trong tay đi ăn tối với Antony.

- Khi nào em từ miền nam nước Pháp trở về London này?

Antony thực sự muốn biết thông tin ấy, bởi lúc này anh căm ghét cái cảm giác phải nói lời chia tay với Rose .

- Ồ, em không biết. Em cũng chưa nghĩ đến nữa.

- Em đã đi làm chưa? Hay tạm thời chấp nhận một công việc gì đó gọi là tập sự khởi đầu cho sự nghiệp sau này?

- Bạn thân hữu ơi, cái ngữ như em thì làm ăn gì chứ? Em chẳng bao giờ hoàn thành một việc đúng hẹn, và em không biết đánh máy, thế nên văn phòng nào có em thì chỉ thêm phiền. Vả lại việc gì phải đi làm chứ? Em há miệng chờ sung quen rồi.

Mang trong mình dòng máu Scotland cần cù và tiết kiệm, Antony không thể không buột miệng:

- Ôi như vậy đâu có được chứ! Người ta sẽ bảo mình là ăn bám xã hội đấy.

Nhưng anh nói câu đó với một nụ cười, bởi cô làm anh buồn cười và Rose cũng không hề tự ái. Cô lục túi lấy ra một cái gương nhỏ xíu và kiểm tra lại lớp phấn trang điểm trên đôi mắt nâu.

- Em biết chứ! Nhưng suy cho cùng thì đâu có ảnh hưởng gì đến hòa bình thế giới!

- Khi nào em từ miền nam nước Pháp trở về, nhớ cho anh hay.

Cô đậy nắp hộp trang điểm lại: - Tất nhiên, tất nhiên chứ bạn yêu quý.

Nhưng cô đâu có cho anh biết gì đâu. Antony không hề biết cô sống ở đâu, cũng không thể nào liên lạc được với Rose được. Anh cũng cố tìm tên Schuster trong danh bạ điện thoại nhưng không có số nào trong danh bạ được đăng kí với tên ấy. Trí thông minh bảo anh hãy hỏi bà nội Tuppy, những bà Tuppy cũng chỉ nhớ số của nhà Schuster ở Beach House mà thôi, bà cũng không biết số hiện tại nhà riêng, nơi ở cố định của họ.

- Nhưng tại sao cháu lại muốn biết số điện thoại của nhà Schuster?

Giọng bà qua điện thoại nghe rất tò mò.

- Ở London, cháu đã gặp Rose, cháu muốn liên lạc với cô ấy.

- Rose ư? Cái con bé xinh xắn dễ thương đấy à? Chuyện của cháu sắp hấp dẫn bà già này rồi đây.

Khi Antony lùng ra tung tích của Rose thì cũng bắt đầu mùa hè. Từ mảnh vườn nơi thành phố London ngạt ngào mùi hương của hoa cỏ đinh hương và các công viên khoác một tấm áo xanh non mới của chồi xanh gần đó, Antony xuống miền nam phỏng vấn một khách hàng cho công ty của anh. Đang ngồi ăn trưa tại nhà hàng Scott trên đường Strand, anh gặp một người bạn học cũ. Sau khi tay bắt mặt mừng, anh bạn mời Antony đi dự bữa tiệc thân mật vào buổi chiều hôm đó. Bạn anh sống ở Chelsea. Và khi Antony vừa bước ra cửa chính của căn hộ nơi lầu trên cùng người đầu tiên anh gặp chính là Rose. Rose đây rồi. Đáng lý sau những gì cô sử xự với anh, anh phải làm mặt giận mới phải, nhưng thay vào đó, tim Antony lại đập rộn ràng. Hôm ấy cô mặc một bộ quần áo màu xanh nước biển mang giày cao gót cao đến tận mắt cá chân, mái tóc sẫm màu buông xõa trên vai. Cô đang đứng nói chuyện với một anh chàng bảnh trai, nhưng Antony chẳng cần biết anh ta là ai. Chỉ biết Rose đây rồi, cuối cùng anh cũng đã tìm ra cô. Định mệnh nhất định đã không để họ chia lìa. Là một người sinh ra ở miền cao nguyên Scotland, Antony luôn tin vào định mệnh. Có lẽ cũng do truyền thống gia đình và địa phương. Antony nhận lấy một ly rượu trên tay của người hầu bàn vừa đi ngang qua và đến giáp mặt cô. Lần này, mọi chuyện đều hoàn hảo. Anh có ba ngày ở London và cô thì có ý định đến miền nam nước Pháp. Sau này, khi hỏi ra mới biết hồi ấy cô chẳng đi đâu cả. Mẹ và cha cô đang ở New York. Rose cũng định về ở với họ nhưng chưa phải lúc này, chỉ dự định thế thôi, còn khi nào đi thì chưa biết. Rose đang sống trong căn hộ của người cha ở Cadogan Cuort. Antony chia tay với những người cùng trong công ty và chuyển đến chỗ cô. Mọi chuyện đều tốt đẹp. Ngay cả thời tiết cũng ủng hộ họ. Trong những ngày ấy, mặt trời rực rỡ, hoa tử đinh hương vươn thẳng lên bầu trời canh đến độ chín thì bung ra lời chào đón mùa xuân đang về. Mười khung cửa sổ của từng căn hộ nở đầy hoa. Còn nữa, hình như cứ khi nào muốn có taxi thì ngay lập tức tài xế trờ xe tới. Và cứ khi nào muốn ăn cái gì đó thì khỏi cần phải đặt bàn họ cũng tìm được chỗ ngồi hảo hạng nhất trong các nhà hàng. Khi đêm về chị Hằng thong thả dạo chơi trên bầu trời và tưới tắm cho thành phố London thứ ánh sáng lãng mạn khiến cả những con tim sắt đá nhất cũng phải tan nát. Tiền như nước tuôn chảy ào ào khỏi túi Antony, chả mấy lâu nay anh dành dụm cho mình chút ít. Và những ngày ăn chơi, nô đùa, tiêu tiền không tính toán đã đưa đến cho Antony một quyết định khác thường với tính cách của anh. Vào một buổi sáng, anh đến một tiệm kim hoàn trên đường Regent mua một chiếc nhẫn kim cương có cẩn đá saphia lóng lánh, họ đính hôn. Antony thậm chí không tin nổi tại sao hạnh phúc lại đến quá dễ dàng với mình như vậy.Cả hai đều muốn chứng minh mình thật lòng, họ gửi điện đến New York cho cha mẹ Rose, họ gửi điện về Fernrigg báo tin cho gia đình Antony. Bà Tuppy rất ngạc nhiên nhưng cũng vui lắm. Đã từ lâu bà những mong Antony sớm kết hôn và ổn định cuộc sống, an cư mới lạc nghiệp mà.

- Cháu phải mang người yêu mình về đây ra mắt chúng ta. Từ khi con bé có mặt ở Fernrigg này, tới nay đã lâu lắm rồi, ta còn không nhớ mặt mũi nó ra làm sao nữa.

Antony nhìn sang Rose nháy mắt nói qua ống nghe: - Cô ấy đẹp lắm bà ạ. Đẹp nhất thế gian.

- Đã thế, ta càng nóng lòng muốn gặp Rose đấy, Antony.

Antony bảo Rose : - Em thấy không, bà nội không thể chờ đợi được nữa rồi kìa.

- Anh yêu, nhưng em sợ bà phải chờ đấy. Em phải quay trở lại Mỹ một thời gian. Em hứa với mẹ và dượng Hary rồi, nên dượng đã lên kế hoạch cho việc đoàn tụ gia đình, và nếu phải thay đổi kế hoạch dượng sẽ bực mình lắm đấy. Em phải đi anh ạ. Anh giải thích với bà nội Tuppy đi.

Antony giải thích với bà nội mình: - Chắc sau này thôi bà ơi, chúng cháu hứa sẽ về mà. Khi nào Rose quay trở lại Anh tụi cháu sẽ ghé thăm bà. Cháu hứa sẽ đưa cô ấy về Fernrigg, sớm muộn gì thì bà cũng sẽ gặp bạn gái cháu thôi.

Thế là Rose đi New York, còn Antony ngồi viết những bức thư dài chan chứa tình cảm yêu thương mãnh liệt nhưng không bao giờ cô hồi âm cả. Điều ấy khiến Antony bắt đầu bực mình. Anh gửi điện tín nhưng cũng chả có bức điện nào trả lời. Cuối cùng, dằn lòng không đặng, anh bắt buộc phải gọi một cú điện thoại đắt giá khủng khiếp cho cô theo số nhà riêng ở hạt Westchester nhưng Rose đã đi rồi. Người hầu trả lời anh bằng cái giọng đặc sệt của dân địa phương khiến Antony chẳng hiểu được câu nào. Anh chỉ láng máng biết rằng Rose đã đi nước ngoài, chẳng ai biết cô đi đâu mà cô cũng không hẹn ngày về. Lúc Antony đã bắt đầu tuyệt vọng thì tấm bưu thiếp đầu tiên đến tay anh. Đó là một bức tranh của dãy Grand Canyon nổi tiếng của nước Mỹ với vài dòng nguệch ngoạc, nhưng thể hiện tình yêu nồng cháy. Ngoài ra anh chẳng biết gì thêm. Tuần sau, anh nhận được tấm bưu thiếp thứ hai. Rose đang ở Mỹ và suốt mùa hè, cô không rời Hoa Kỳ. Trong khoảng thời gian đó, cô gửi cho anh 5 tấm bưu thiếp qua đường bưu điện. Lời lẽ chuệch choạc do các tấm bưu thiếp ngày càng nhạt dần đi. Cái sau lại nhạt nhẽo hơn cái trước. Những lời thắc mắc từ Fernrigg khiến Antony thêm rầu lòng mà chẳng giải quyết được việc gì. Anh cố gắng tránh né người thân bằng những câu lấp lửng đại loại như anh còn đang trong giai đoạn tìm hiểu, cũng chưa chắc hai người sẽ tiến đến hôn nhân, bởi anh biết rõ ràng là Rose chẳng phải là một nửa còn lại mà anh kiếm tìm. Nhưng những lời thoái thác chẳng giải quyết được gì, mối nghi ngại cứ dần tăng lên như những trái banh khổng lồ đáng sợ, như những đám mây đen phủ chân trời tương lai của Antony. Anh bắt đầu cảm thấy mất tự tin, một bản tính vô cùng cứng rắn thường thấy ở người Scotland. Phải chăng anh đang tự biến mình thành thằng ngốc? Phải chăng những ngày kì diệu ở London hạnh phúc bên Rose chỉ là một ảo tưởng mù quáng? Thế rồi một chuyện xảy ra khiến anh quên hẳn mọi ý nghĩ loanh quanh luẩn quẩn về cô nàng Rose. Dì Isobel gọi điện từ Fernrigg bảo Antony rằng bà nội đang bệnh nặng. Lúc đầu bà chỉ nhiễm lạnh, rồi cảm. Sau đó chứng cảm ấy biến chứng thành bệnh viêm phổi. Gia đình đã phải thuê một y tá riêng túc trực bên cạnh giường bà. Cố giữ giọng bình tĩnh, Isobel đã làm tất cả để không làm Antony hoảng lên.

- Cháu đừng có lo lắng quá! Dì chắc mọi chuyện sẽ tốt đẹp thôi. Không có chuyện gì đâu mà. Có điều chuyện lớn hay chuyện nhỏ dù cũng phải báo ngay cho cháu hay. Dì rất…rất không muốn cháu phải lo. Nhưng dì nghĩ cháu có quyền được biết những thông tin về sức khỏe của bà nội.

Antony nói ngay, không do dự: - Cháu sẽ về nhà.

- Không, đừng làm thế. Làm thế bà sẽ nghi ngờ. Thấy cháu đột ngột trở về, bà tưởng mình sắp nguy đến nơi rồi. Có lẽ để sau cháu ạ, khi nào Rose từ Mỹ trở về rồi hẵng hay. Trừ phi dì…

Isobel ngập ngừng hy vọng: - …biết đâu con bé đã chẳng trở về Anh rồi.

Antony nói với dì: - Không, chưa đâu ạ. Nhưng trong những ngày này cô ấy có thể trở về bất cứ lúc nào. Cháu chắc là như thế.

- Phải, ta cũng chắc thế.

Nghe giọng dì Isobel. Antony biết dì đang an ủi anh. Cũng như trước đây, khi anh còn là một cậu bé, dì vẫn thường vỗ về anh như thế. Và Antony biết chính mình mới là người an ủi dì mới phải. Ý nghĩ ấy khiến anh cảm thấy muộn phiền. Tình cảnh của Antony lúc này khiến anh thầm so sánh mình với một người vừa chịu cơn đau ruột thừa cùng lúc phải chịu cơn đau buốt đến tận óc. Antony không biết phải làm chuyện gì trước, chuyện gì sau. Và cuối cùng anh đành phải chấp nhận xử sự theo cái cách trái với tâm tính của anh, đó là án binh bất động.

Trong vòng chưa đầy một tuần, Antony lâm vào cảnh họa vô đơn chí. Vào buổi sáng, nhân viên bưu điện mang đến cho anh một bưu kiện nhỏ do Rose gửi tới. Bưu kiện ấy được gói gém một cách sơ sài và có đóng dấu cho thấy nó được gửi đi ngay trong thành phố London và bên trong là chiếc nhẫn đính hôn cùng với một lá thư. Trớ trêu thay nó lại là lá thư đầu tiên cũng là duy nhất Rose viết cho anh. Trong lúc anh chưa hoàn hồn từ cú sốc ái tình ấy thì phải đón nhận cuộc điện thoại thứ hai của dì Isobel. Lần này dì Isobel không thể nào tỏ vẻ cứng cỏi được nữa rồi. Nước mắt cùng với nỗi thống khổ trào tuôn. Giọng dì run run thông báo tin đã nói lên tất cả: Bác sĩ Hugh Kyle thực sự lo lắng về sức khỏe của bà nội. Dì Isobel ngờ rằng sức khỏe của bà còn tệ hơn những khả năng xấu nhất mà họ có thể tưởng tượng ra. Bà nội chẳng còn sống được bao lâu nữa. Mọi nguyện vọng của bà nội Tuppy chỉ là muốn gặp Antony và Rose. Bà mong thấy cháu trai và cháu dâu tương lai. Những mong bọn chúng sẽ lên kế hoạch làm đám cưới. Dì Isobel bảo mọi chuyện đều có thể xảy ra và sẽ thật là khủng khiếp nếu như bà Tuppy qua đời mà không được nhìn thấy Antony và Rose. Antony cho biết rõ gia đình muốn gì ở mình. Anh không còn lòng dạ nào để nói sự thật với dì Isobel, mặc dù tự đáy lòng anh biết mình không thể hứa một điều mà anh không bao giờ thực hiện được lời hứa ấy. Biết thế nhưng anh vẫn phải hứa. Bị cơn tuyệt vọng đẩy đến bước đường cùng, Antony trơ lỳ ra anh bắt buộc phải thu xếp một số công việc. Anh nói với ông chủ, giải thích có một số việc quan trọng anh phải giải quyết trong kỳ nghỉ cuối tuần này. Trong tâm trạng tuyệt vọng khôn tả, anh gọi điện đến nhà Schuster ở London không có ai trả lời. Anh viết một bức điện dài lê thê và gửi đi. Chưa hết anh còn đặt vé máy bay đến London, và bây giờ ngồi ở sân bay chờ tiếng loa phóng thanh thông báo. Anh móc túi lấy ra lá thư của Rose. Loại giấy viết thư này màu xanh sẫm, rất đắt tiền với dòng địa chỉ được in nổi ngay phía đầu trang.Số 82, đường Cadogan Cuort, thành phố London, SW1. Tiếc thay những dòng chữ của Rose lại chẳng phù hợp tý nào với dòng địa chỉ in rất kiểu cách kia. Cô viết tháu nghệch ngoạc như gà bới, dòng chữ uốn éo như giun như dế khắp trang giấy. Thêm vào đó chẳng có chấm phẩy gì cả:

"Antony yêu quý em thật lòng xin lỗi nhưng em phải trả lại nhẫn cho anh thôi bởi em nghĩ mình không thể chấp nhận lời cầu hôn của anh được bởi như thế là em sẽ mắc một sai lầm lớn khủng khiếp lắm bởi vì anh và em đã có những ngày tháng hạnh phúc vui vẻ nhưng mọi chuyện bây giờ khác rồi em nhận ra rằng mình chưa thật sự muốn làm vợ đặc biệt là ý nghĩ làm dâu người Scotland khiến em hoảng sợ em không có ý định bài bác quê hương anh đâu em nghĩ người Scotland cũng như vùng đất ấy quá tuyệt nhưng quả thật nó chẳng hợp với em em nói thật đấy không bao giờ hợp được đâu tuần trước em đã bay về London ở đây đã hai ngày rồi nhưng em không biết chuyện gì sẽ xảy ra đây mẹ em nói mẹ rất yêu quý anh nhưng mẹ nghĩ em chưa nên lấy chồng vội và nếu lấy chồng thì em cũng không nên ở Scotland chính mẹ em cũng bảo em không hợp với nơi ấy thế nên em cũng vô cùng xin lỗi nhưng đành mất lòng trước được lòng sau còn hơn ly dị rắc rối lắm mất thời gian và tốn nhiều tiền kinh khủng yêu anh nhớ là em vẫn còn yêu anh đấy nhé Rose".

Antony gấp lá thư lại nhét vào tay áo. Tay anh chạm phải lớp da mịn màng của chiếc hộp chứa chiếc nhẫn kim cương và đá quý. Thời gian chỉ đủ để cho anh ăn nốt bữa trưa bởi tiếng loa phóng thanh trên máy bay sắp gọi tới nơi rồi. Anh đến sân bay Heathrow, trung tâm London vào lúc 3 giờ 30 phút, đón xe buýt đi cho tới tận bến cuối cùng rồi sau đó lên taxi đi tiếp. Khí hậu ở London rõ ràng là ấm hơn Edinburgh. Trời trong xanh càng rực rỡ hơn trong nắng thu. Lác đác đây đó lá cây bắt đầu chuyển sang màu vàng. Và những bãi cỏ trải dài trong công viên vàng úa sau một mùa hè dài đằng đẵng. Đường đông cứng đám học sinh vui mừng nhảy chân sáo từ trường về nhà, trong khi đó các bà mẹ không rời con mình nửa bước. Anthony thầm nghĩ nếu Rose không có nhà thì anh sẽ chờ gặp bằng được cô ấy. Taxi vòng qua góc phố nơi quảng trường, dừng trước tòa nhà xây bằng gạch đỏ quen thuộc. Dãy phố này mới xây, nội thất cực kỳ xa hoa. Dọc theo hai dãy phố là những hàng cây xanh chen chân với những cột đèn đường sáng rực rỡ. Tất cả cửa hàng và cửa sổ đều bằng kính dày loại đắt tiền. Anthony trả tiền taxi, bước lên bậc tam cấp và băng qua cửa chính. Bên trong các bức tường đều treo thảm màu sậm, những chậu cây cọ cảnh đặt dọc hai lối đi. Một mùi đắt tiền xộc vào mũi Anthony, mùi của nội thất bọc da và xì gà. Không thấy người gác cổng đâu cả. Ngó nhìn một lúc, Anthony cũng không tìm thấy ông ta. Anthony nhấn nút thang máy, trong khi chờ đợi, anh nhặt vội tờ báo buổi chiều cầm theo. Thang máy âm thầm đi xuống rồi hai cánh cửa lặng lẽ mở qua hai bên. Khi Anthony bước vào phía trong, cửa thang máy đóng lại không một tiếng động. Anh nhấn nút lên lầu 4, nhớ lại cũng trong thang máy này, anh đã từng ôm chặt Rose trong tay. Mỗi khi thang máy lên được một tầng, không thấy ai bước vào họ lại ôm choàng lấy nhau, môi gắn chặt vào nhau không rời. Lúc này ký ức ấy trở về khiến Antony thấy chua xót làm sao. Thang máy dừng và mở cửa, tay xách túi, Antony bước ra ngoài và đi dọc theo hành lang dài hun hút, đứng trước cánh cửa có gắn số 82, không cho phép mình chần chừ, anh đưa tay nhấn chuông. Có tiếng chuông kêu khe khẽ ở đâu đó tít sâu trong căn hộ rộng lớn. Đặt túi xuống, anh chống tay lên cửa chờ, trong lòng chẳng hi vọng gì có ai ở trong nhà, Rose thì làm sao có nhà giờ này được chứ. Đột nhiên anh cảm thấy mệt rã rời khi phải nghĩ tới chuyện mình sắp phải đối phó. Và đột nhiên anh nghe thấy tiếng động. Antony đứng sững, chợt cảnh giác như một con chó săn. Có tiếng đóng cửa bên trong rồi lại tiếng mở cửa một cánh khác, tiếng bước chân theo lối đi hướng qua nhà bếp và ngay lập tức của mở ra. Rose đứng đó như từ trên trời rời xuống. Antony cứ đứng đó nhìn cô như thằng ngố. Hàng trăm ý nghĩ quay cuồng trong đầu óc anh.Người yêu anh đây rồi, cuối cùng anh cũng tìm ra cô. Trông cô chẳng có gì là giận dữ cả, hình như Rose vừa cắt tóc nữa. Cô nói:

- Xin lỗi, anh tìm ai ạ?

Thế có buồn cười không? Antony chắc chẳng có ai trong hoàn cảnh cười ra nước mắt như anh hiện nay. Antony bảo:

- Chào em, Rose.

- Tôi không phải là Rose .

Cũng chẳng có gì là ngạc nhiên nếu như từ chính miệng Rose nói ra câu đó thật.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.