Đảo Môi Tiểu Bảo Bối Nhi

Chương 20




Tôi lặng lẽ di chuyển giữa hàng cây tối thẫm. Rachel kêu lên như một con gấu mù quờ quạng phía sau tôi. Trên đường phố Manhattan có lẽ cô vận động như một trung vệ lão luyện, nhưng rừng xa lạ với cô. Tôi đi chậm lại chờ cô theo kịp rồi bảo cô nắm vào sau thắt lưng tôi. Cô làm theo.

Khi chúng tôi đi khỏi nhà chừng năm mươi mét, tôi hỏi, "Bây giờ cô đã tin những điều tôi nói về Fielding chưa?"

"Tôi tin anh làm việc với ông ấy," Rachel đáp. "Nhưng tôi không chắc ông ấy bị giết. Tôi nghĩ anh cũng thế."

Tôi nhảy qua khúc cây mới đốn, rồi giúp cô vượt qua. "Tôi tin rằng ông ấy bị giết. Chỉ có hai người trong Dự án Trinity phản đối những việc đã làm. Fielding là một, và bây giờ ông ấy chết. Tôi là người thứ hai."

"Anh có định nói cho tôi nghe về Trinity bây giờ không?"

"Nếu cô muốn nghe. Tôi tin giờ cô đã hiểu điều đó nguy hiểm cho cô."

Cô xuýt xoa khi bị cành cây thạch nam cào vào tay. "Tiếp tục đi."

"Khi cô đến nhà tôi hôm nay, tôi đang quay băng video để đưa cho luật sư của tôi. Ông ấy sẽ mở nó trong trường hợp có chuyện xảy đến với tôi. Tôi không bao giờ hoàn thành cuộn băng ấy được. Và sự thật là, tôi lo không biết có còn sống đến sáng mai nữa không."

Cô dừng lại trước lối mòn bị cây cỏ che lấp. "Sao anh không báo cảnh sát? Lu Li rõ ràng là cũng nghi ngờ giống anh, và tôi nghĩ có đủ chứng cớ gián tiếp để..."

"Cảnh sát thành phố không thể điều tra NSA. Và đó là kẻ đang giám sát Trinity."

"Thế thì gọi cho FBI."

"Chẳng khác nào bảo FBI điều tra CIA. Quan hệ giữa hai cơ quan ấy tệ đến mức bất kỳ việc gì cũng mất hàng tuần mới xong. Nếu cô thật sự muốn giúp tôi, hãy trở thành băng ghi hình cho tôi. Nghe những điều tôi nói ở đây, rồi về nhà giữ kín cho mình."

"Và nếu có chuyện gì xảy đến với anh?"

"Gọi cho CNN và New York Times, kể với họ mọi thứ cô biết. Cô càng kể sớm bao nhiêu càng an toàn bấy nhiêu."

"Sao anh không làm thế? Đêm nay?"

"Vì tôi không chắc là mình đúng. Vì tổng thống có thể tìm cách liên lạc với tôi lúc tôi đang nói. Và bởi vì, dù điều này nghe có vẻ trẻ con, đây là vấn đề an ninh quốc gia."

Ôm con chó nhỏ đang rên rỉ của Lu Li bên tay trái, tôi nhét khẩu súng vào túi quần và nắm tay kéo Rachel tiến lên. Thêm bốn mươi mét nữa, tôi thấy phía trước bóng tối càng dày đặc. Cây cối rẽ ra hai bên như hai hàng lính thưa thớt, và một bức tường nhân tạo đã chắn trước mặt tôi. Khi mắt tôi điều chỉnh lại tầm nhìn, tôi thấy cánh cửa mà tôi biết nằm kia. Tôi mở nó ra bằng bàn tay rỗi và dẫn Rachel vào. Chúng tôi bước vào vùng lòng chảo ngập ánh trăng, với những dãy đá chẻ xếp hàng.

"Trời," cô thốt lên.

Giảng đường trông như thể được một phép màu đưa từ Hy Lạp đến cánh rừng Carolina này. Bên phải chúng tôi là sân khấu treo, bên trái là những bậc thang đá dẫn qua các hàng ghế ngồi lên đến hàng cao nhất. Phía trên không xa lắm là đường Country Club. Từ trên con đường nhìn xuống tầm nhìn bị chắn gần hết bởi rừng thông và rừng cây gỗ cứng, nhưng tôi vẫn thấy những vệt sáng đứt quãng của đèn pha ô tô quét qua đầu chúng tôi.

Tôi cầm tay Rachel dắt lên bậc thềm đá và dẫn cô đến rìa sân khấu. Ở đó tôi quấn dây xích Maya vào một cột đèn thấp. Trong lúc con chó đánh hơi thứ mùi phảng phất nào đó, tôi đặt máy ghi âm xuống mép sân khấu và ấn nút RECORD. "Tôi là David Tennant, tiến sĩ y khoa," tôi nói. "Tôi đang nói với bác sĩ Rachel Weiss của trường y, Đại học Duke."

Khi phát lại. Tôi có một bản sao tĩnh lời nói của mình. Tôi nhìn đồng hồ. "Chúng ta cần nói chuyện dưới mười phút."

Rachel nhún vai, mắt cô đầy vẻ tò mò.

"Trong hai năm qua, tôi làm việc cho một Dự án đặc biệt của Cục An ninh Quốc gia. Nó được biết đến dưới tên gọi Trinity và đặt căn cứ trong một tòa nhà của Công viên Tam giác Nghiên cứu, cách đây mười sáu cây. Trinity là một công trình khổng lồ do chính phủ tài trợ, nhằm chế tạo một siêu máy tính có trí tuệ nhân tạo. Một máy tính biết suy nghĩ."

Cô có vẻ không ấn tượng lắm. "Chẳng phải chúng ta đã có máy tính làm được điều đó rồi sao?"

Điều lầm lẫn thông thường này giờ đây làm tôi ngạc nhiên, nhưng những ngày đầu đến làm việc ở Trinity, tôi cũng chẳng hiểu biết gì hơn. Trong vòng năm mươi năm, các nhà viết truyện khoa học viễn tưởng và các nhà làm phim đã tạo ra hình tượng về một "bộ óc điện tử vĩ đại" chiếm lĩnh thế giới. HAL, máy tính biết nói trong 2001: Space Odyssey, đã ăn sâu vào ý thức công chúng và gắn chặt ở đấy từ năm 1968. Trong ba mươi lăm năm tiếp theo, chúng ta đã chứng kiến cuộc cách mạng của máy tính kỹ thuật số, đến mức một người trung bình cũng tin rằng "máy tính biết suy nghĩ" là điều đã gần kề, nếu không phải là trong tầm khả năng của chúng ta. Nhưng thực tế khác xa. Tôi không có thời gian để đi sâu vào những thứ phức tạp của mạng lưới thần kinh hoặc trí thông minh nhân tạo mạnh mẽ. Rachel cần một bài vỡ lòng đơn giản và những thực tế về Trinity.

"Cô đã bao giờ nghe nói về một người đàn ông tên là Alan Turing chưa?" tôi hỏi. "Ông ta là một trong những người đã bẻ mã khóa Enigma của Đức trong Thế Chiến II. "

"Turing à?" Rachel trông có vẻ đăm chiêu. "Tôi có nghe cái gì gọi là trắc nghiệm Turing thì phải."

"Đó là một trắc nghiệm kinh điển về trí thông minh nhân tạo. Turing nói rằng có thể tạo ra trí thông minh máy móc khi có một nguời ngồi ở một bên tường, đánh các câu hỏi vào bàn phím, rồi đọc câu trả lời trên màn hình, mà vẫn tưởng rằng những câu trả lời đó do người khác ở phía bên kia tường đánh vào. Turing tiên đoán điều đó có thể xảy ra vào cuối thế kỷ hai mươi, nhưng cho đến nay vẫn chưa có máy tính nào từng vượt qua được thử thách đó. Nếu chỉ dùng công nghệ hiện thời thì có lẽ phải năm mươi năm nữa."

"Chẳng phải máy tính IBM cuối cùng đã đánh bại Garry Kasparov ở môn cờ vua sao? Tôi biết mình đã đọc thông tin ấy ở đâu đó."

"Cô muốn nói Deep Blue?" Tôi cười, tiếng cười nghe vang kỳ lạ trong giảng đường. "Phải! Nhưng nó thắng được là nhờ dùng thứ máy tính mà các nhà khoa học gọi là sức mạnh dã man. Bộ nhớ của nó chứa toàn bộ các ván cờ đã từng được chơi, và mỗi nước đi nó xử lý hàng triệu khả năng lựa chọn. Nó chơi cờ rất tốt, nhưng nó không biết nó đang làm gì. Là một con người, Garry Kasparov chưa bao giờ phải cân nhắc hàng tỷ khả năng - trong số đó có nhiều nước đơn giản đến mức ngớ ngẩn - như máy tính đã làm. Những kiến thức mà Kasparov có được giúp anh ta có những bước nhảy vọt theo trực giác, và mỗi lần như thế anh ta lại học thêm được một điều gì vĩnh viễn. Anh ta chơi bằng bản năng. Và không ai thật sự hiểu được điều đó nghĩa là gì."

Rachel ngồi lên mép sân khấu. "Vậy, anh muốn nói với tôi điều gì?"

"Rằng máy tính không suy nghĩ như người. Thật ra, nó chẳng suy nghĩ gì cả. Nó chỉ thực hiện các lệnh. Trong các chương trình quảng cáo trên ti vi cô hay nghe thấy 'phần mềm biết suy nghĩ' chứ gì? Vớ vẩn. Các nhà nghiên cứu trí thông minh nhân tạo thậm chí còn ngại dùng thuật ngữ thông minh nhân tạo nữa là."

"OK. Nhưng còn Trinity thì sao?"

"Chén Thánh."

"Anh định nói gì?"

"Mọi người đều muốn chế ra một máy tính hoạt động như bộ óc người, nhưng chúng ta không biết bộ óc người hoạt động như thế nào. Ai cũng thú nhận thế. Ờ... hai năm trước đây, có một người nghĩ rằng điều đó không nhất thiết phải là trở ngại như mọi người thường nghĩ. Rằng chúng ta có thể copy một bộ óc mà không cần thật sự hiểu mình đang làm gì. Dùng những công nghệ hiện tại."

"Người ấy là ai?"

"Peter Godin. Một tỷ phú."

"Godin Siêu máy tính ấy à?"

Bây giờ cô lại làm tôi ngạc nhiên. "Đúng."

"Có một siêu máy tính Godin-4 trong căn cứ ở TUNL, phòng thí nghiệm năng lượng cao ở Duke."

"Đúng, Godin là người đã sáng tạo ra Dự án Trinity."

Có vẻ như nhiều chi tiết tích lũy lại đã thuyết phục được cô.

"Loại công nghệ nào hiện nay có thể copy được bộ não người?"

"MRI."

"Máy chụp cộng hưởng từ?"

"Đúng. Tuần nào cô cũng cho chỉ định chụp MRI đúng không?"

"Tất nhiên."

"Trong máy chụp ấy có rất nhiều thông tin phải không?"

"Đôi khi nhiều hơn là tôi có thể xử lý."

"Cô Rachel, tôi đã từng thấy những máy chụp MRI chứa lượng thông tin nhiều gấp trăm ngàn lần cái máy mà cô vẫn thấy hằng ngày. Độ phân giải một trăm nghìn lần."

Rachel chớp mắt. "Nhưng làm sao có thể thế được. Anh còn thấy gì nữa?"

"Tôi đã thấy phản ứng giữa những khớp thần kinh cá biệt, được làm đông lạnh đúng lúc. Tôi đã thấy những bộ não người hoạt động ở cấp độ phân tử."

"Xạo."

Bác sĩ nào cũng sẽ nói như thế. "Không. Chiếc máy đó có thật. Nó đang ở trong một căn phòng cách chúng ta mười sáu cây. Chỉ có điều là không ai biết."

Cô lắc đầu. "Điều đó không có nghĩa gì cả. Tại sao một công ty lại phải giữ bí mật một việc như thế?"

"Bởi vì nó phải chịu sự ràng buộc về pháp lý do chính phủ quy định."

"Nhưng một chiếc MRI như thế có thể làm ra hàng trăm triệu đô la. Nó có thể phát hiện các tế bào ác tính rất sớm trước khi chúng phát triển thành khối u."

"Cô nói đúng. Đó là vấn đề chủ chốt của tôi với dự án này. Giữ không cho chiếc máy đó phục vụ các bệnh nhân ung thư là vô đạo đức. Nhưng giờ đây, ta chỉ cần thừa nhận rằng có một máy chụp MRI có thể tạo ra các mẫu 3D của bộ não, với độ phân giải đạt kích thước phân tử."

"Những bức ảnh chụp nhanh của não bộ."

"Về cơ bản, đúng. Ravi Nara gọi đó là những 'mẫu thần kinh'."

"Mẫu thần kinh. OK."

"Rachel, cô có nhận ra một trong những mẫu thần kinh đó là gì không?"

"Tôi biết rằng chỉ một trong số chúng là đủ để cách mạng hóa khoa học thần kinh. Nhưng tôi có cảm giác đấy không phải là điều chúng ta định nói."

"Một mẫu thần kinh chính là con người mà từ đó mẫu được lấy ra. Đúng vậy đấy. Những ý nghĩ của anh ta, trí nhớ, nỗi sợ hãi... tất cả mọi thứ."

"Nhưng... nó chỉ là một hình chụp, đúng không? Một bản đồ phân giải cao của bộ não."

"Không. Nó là bản sao được mã hóa của tất cả các phân tử trong bộ não, trong một tương quan không gian và điện hóa học tuyệt hảo. Điều đó có nghĩa là..."

"Khoan đã. Có phải anh sắp nói với tôi rằng họ có thể tải một trong những mẫu thần kinh đó vào máy tính?"

"Không. Nhưng đó là điều mà họ đã làm 24/24 giờ trong suốt hai năm để mong đạt được. Godin tiên đoán phải mất mười lăm đến hai mươi năm, nhưng chỉ trong mười chín tháng qua họ đã đi được một nửa chặng đường. Tôi chưa hề thấy một cái gì như thế. Trong lịch sử chỉ có một tiền lệ là Dự án Manhattan trong Thế Chiến II."

Rachel định nói, nhưng tôi giơ tay ra hiệu. Trên đầu chúng tôi hai ánh đèn pha chậm rãi quét qua với tốc độ chậm hơn một nửa tốc độ của các xe khác. Chúng chậm hẳn lại rồi tăng tốc và biến mất.

"Chúng ta cần phải nhanh lên."

"Nếu Trinity là tất cả những gì anh vừa nói, vậy thì tại sao nó lại đặt căn cứ ở Bắc Carolina?"

Đây không phải câu hỏi mà tôi trông đợi. "Cô có phải là một chuyên gia phân tích hàng đầu thế giới theo trường phái Jung không?"

"Ờ... một người trong số đó."

"Vậy tại sao cô công tác tại Bắc Carolina?"

Cô cau mày. "Bởi vì Đại học Duke ở đấy. Đó lại là chuyện khác."

"Không khác lắm đâu. Peter Godin muốn lập căn cứ cho Trinity ở gần phòng thí nghiệm R&D 1 của ông ta ở Mountain View, California. NSA cung cấp tài chính và nó muốn đặt căn cứ ở căn cứ quân sự Meade, Maryland. Công viên Tam giác là một cơ ngơi lý tưởng. Công nghệ cao mà lại xa khuất."

"Vậy mục đích cuối cùng là gì? NSA muốn làm gì với Trinity?"

"Chính phủ nhìn thấy những bước tiến cách mạng nhất trong khoa học đều liên quan đến tiềm năng vũ khí. Nếu có thể chế một cái máy như thế, chính phủ muốn là người đầu tiên thực hiện."

"Cái máy tính này thì có thể là loại vũ khí gì?"

"Cô hãy nghĩ đến Bão táp Sa mạc, Afghanistan, Iraq. Trong chiến tranh hiện đại, mọi thứ đều có thể đưa vào máy tính. Bẻ khóa mã, thử vũ khí hạt nhân, chiến tranh thông tin, các hệ thống trận địa. Nhưng Trinity sẽ không phải chỉ là một cải tiến. Nó có khả năng làm cho các siêu máy tính hiện tại trở thành lỗi thời như các mốt áo thun. Và nếu Fielding đoán đúng là nó có những khả năng lượng tử... thì các bộ mã hiện đại nhất ngày nay tiêu đời. Đó là lý do NSA chịu chi hàng tỷ đô la cho Trinity."

Rachel đang tiêu hóa những gì tôi nói. "Nhưng đây không chỉ là một siêu máy tính vượt trội về tốc độ. Chúng ta đang nói về loại máy tính có thể nghĩ như con người."

Tôi lắc đầu. "Chúng ta không thể chế tạo loại máy tính có thể nghĩ như con người. Chúng ta đang nói về việc sao chép bộ óc một cá nhân. Tạo ra một thực thể kỹ thuật số vốn là một cá nhân, dùng cho tất cả các mục tiêu thực tiễn. Với chức năng nhận thức của anh ta hoặc cô ta, với mọi hồi ức, hy vọng, ước mơ... mọi thứ, chỉ trừ thân thể. Chỉ cần nó chạy được với tốc độ của một máy tính kỹ thuật số. Nhanh hơn các hệ mạch sinh học một triệu lần."

Cô lẩm nhẩm như nói một mình. "Đó là lý do tại sao Andrew Fielding và Ravi Nara làm việc chung với nhau."

"Chính xác. Các nhà bác học đạt giải Nobel thuộc các lĩnh vực vật lý lượng tử và thần kinh học. Peter Godin kết hợp họ lại với nhau." Tôi kiểm tra lại xem băng ghi âm có còn quay không. "Nhưng tôi mới chỉ nói với cô một phần tiềm năng của Trinity. Một khi mẫu thần kinh của cô được nạp vào máy tính với tư cách Rachel Weiss, ưu thế về tốc độ đối với nguyên mẫu chưa phải là ưu thế duy nhất."

"Anh nói sao?"

"Giả dụ tôi quyết định học chơi piano. Cần ba năm học hành cật lực. Điều đó gây ấn tượng cho cô. Cô cũng muốn học chơi piano. Cô cũng phải mất trên dưới ba năm. Đó là nhược điểm của bộ não người. Những đường cong học tập ở mỗi người gần tương tự nhau. Nhưng mẫu thần kinh của cô trong máy tính không gặp trở ngại ấy. Toàn bộ lý thuyết âm nhạc có thể được tải về bộ nhớ của nó - bộ nhớ của cô - trong khoảng ba giây. Không có đường cong học tập nào cả."

Cô lắc đầu. "Anh đang nói rằng anh có thể tải toàn bộ kiến thức nhân loại vào máy tính ấy - vào tôi - trong vài giờ?"

"Về lý thuyết thì đúng thế."

"David, anh đang nói về một cái gì đó tựa thể... tựa như Thượng đế, gần như thế."

"Không hẳn thế. Vì mẫu thần kinh trong máy tính ấy không chỉ là một Rachel Weiss. Nó là một Rachel Weiss vĩnh viễn. Nó có thể được nhân bản và lưu lại, hoặc tải sang một máy tính Trinity khác. Nó không bao giờ phải chết."

Cô mấp máy môi định nói, nhưng không thốt ra lời nào.

"Cô đã bắt đầu tin tôi chưa?"

"Công việc của anh ở Trinity là gì?"

"Tôi được tổng thống chỉ định để đánh giá mọi tình thế khó xử về khía cạnh đạo đức có thể phát sinh. Trong Dự án Manhattan có những nhà bác học quay lại chống bom nguyên tử vì lý do đạo đức, nhưng họ không có tiếng nói. Tổng thống muốn giảm thiểu sự phản đối của công chúng nhất định sẽ xảy ra một khi Trinity trở thành hiện thực. Ông ấy biết anh tôi ở trường đại học và đã đọc cuốn sách của tôi về Y đức - hoặc đã xem loạt phim NOVA dựa trên cuốn ấy, có lẽ thế. Đó là lý do ông ấy đưa tôi vào dự án. Chỉ có thế."

Rachel lơ đãng nhìn ra hàng cây tối đen. "Điều anh nói nghe không hề đơn giản chút nào. Thật ra, nó có vẻ điên rồ." Cô quay lại nhìn tôi, đôi mắt lóe lên. "Anh nói mười chín tháng qua Trinity đã đi được nửa chặng đường tới thành công. Cái gì cản trở nó trong nửa chặng sau?"

"Chế tạo một máy tính đủ mạnh để giữ được cả một mẫu thần kinh trong mạch của nó. Bộ não người khá chậm chạp về phương diện tốc độ, nhưng về dung lượng lại tương đương. Nó chứa trên một trăm nghìn tỷ mối liên hệ khả dĩ, tất cả có thể tính toán đồng thời, và đấy mới là để xử lý thôi. Nó cũng chứa một lượng tương đương một triệu hai trăm nghìn tỷ byte của bộ nhớ máy tính."

Cô nhún vai. "Điều đó chẳng có nghĩa gì đối với tôi."

"Tương đương với số lượng nhật báo Wall Street phát hành trong sáu triệu năm."

Cô há hốc miệng.

"Khi Trinity bắt đầu, không một máy tính nào trên hành tinh có công năng lớn đến thế. Toàn bộ Internet thì có thể, nhưng nó quá phân tán và không đủ độ tin cậy để có thể kiểm soát được."

"Còn bây giờ?"

"Hãng IBM đã chế một máy tính tên là Blue Gene có thể đọ với bộ não về năng lực xử lý, nhưng nó không làm nổi các công việc của một đứa trẻ lên năm."

"Và Trinity thì khác?"

"Cô có thể tin như thế. Blue Gene có thể choán hết một gian phòng hơn 200m2 và cần máy điều hòa không khí ba trăm tấn để hoạt động. Trinity có kích thước của chiếc xe Volkswagen Beetle. Thế mà Godin còn cho là quá to. Ông ta luôn nói bộ óc người nặng có cân rưỡi và chỉ dùng có mười watt điện năng. Ông ta tin rằng giải pháp cho những vấn đề lớn cần phải đẹp. Thanh nhã."

Rachel nhìn chằm chằm vào những hàng ghế đá thoai thoải, cố sức hình dung một tương lai đang lao nhanh vào hiện tại. "Trinity mất bao lâu nữa để trở thành hiện thực?"

Tôi nghĩ đến khối than đen và tinh thể đang phát triển như một dạng sống trong phòng thí nghiệm tầng hầm của tòa nhà Trinity. "Ngay bây giờ có một chiếc máy đầu tiên với một trăm hai mươi tỷ liên kết, và một bộ nhớ gần như vô hạn."

"Nó có hoạt động không?"

"Không."

"Tại sao không?"

"Bởi dù ta có nạp được bộ não của mình vào máy, thì ta nói chuyện với nó thế nào đây? Bộ não người giao tiếp với thế giới bên ngoài thông qua một cơ thể sinh học có năm giác quan. Hãy tưởng tượng não của cô được nạp vào một chiếc hộp. Nó mù, câm điếc và liệt. Một khối run rẩy vì sợ hãi. Hãy cảm ơn Chúa vì điều ấy. Bởi vì một khi chiếc máy loại đó có thể nói được, nghe được, cử động được, ai dám nói trước nó có thể làm nên những chuyện gì."

Rachel ngước lên nhìn tôi vẻ quan tâm, "Nó có thể làm gì?"

"Cô có nhớ HAL trong 2001: Space Odysse không?

"Nhớ. Một máy tính đáng tin cậy nhất mà người ta đã từng chế ra. Ở Urbana, bang Illinois chứ gì?"

Tôi khẽ chặc lưỡi. "Nó là như thế cho đến khi nó giết phi hành đoàn trên con tàu vũ trụ. Rồi, hãy tưởng tượng HAL sẽ làm gì khi nó được kết nối với Internet."

"Anh nói xem."

"Một máy tính Trinity nối với một đường dây điện thoại có thể công nghiệp hóa trò bắt cóc con tin thế giới. Nó có thể đánh sập mạng điện, đường sắt, kiểm soát không lưu, hệ thống tên lửa đạn đạo, NORAD 2 , phố Wall. Nó có thể đòi hỏi bất kỳ chuyện gì nó muốn."

Cô lắc đầu bối rối. "Nhưng nó có thể muốn gì?"

"Một thực thể biết suy nghĩ có thể muốn gì? Đặc biệt xét về thực chất nó là người."

"Quyền lực?"

"Chính xác." Tôi nhảy lên khi chuông điện thoại di động reo. Màn hình hiển thị Andrew Fielding. Tôi nhấc máy. "Chị Lu Li à. Có chuyện gì xảy ra không?"

"Không có chuyện gì cả," Lu Li trả lời giọng run run. "Tôi lo cho Maya. Hình như tôi nghe thấy tiếng động bên ngoài. Bác sĩ David, anh mang nó về hộ tôi."

Con chó thôi đánh hơi mặt đất, ngẩng lên nhìn tôi và hếch đầu như thể lắng nghe.

"Chúng tôi về ngay đây."

"Bà ấy không sao chứ?" Rachel hỏi khi tôi tắt máy.

"Ừ. Bà ấy bảo chúng ta về, nhưng chúng ta còn phải đợi một tí."

"Tại sao?"

"Bởi vì NSA đã nghe được cuộc gọi vừa rồi. Nếu chúng bố trí người trong rừng cây, chắc bọn chúng sẽ di chuyển ngay bây giờ. Và chúng ta sẽ nghe được."

Rachel lo lắng liếc nhìn bức tường ngăn cách chúng tôi với rừng cây. "Anh có thực sự nghĩ rằng có người ngoài kia không?"

"Đó không phải điều cô sợ," tôi nói. "Điều cô sợ bây giờ là cô nghĩ ngoài đó có người."

Cô tụt khỏi sân khấu và nhìn vào cái cửa chúng tôi đã đi qua. Dễ tưởng tượng rằng có ai đang chờ phía sau.

"Anh nói rằng Fielding bị giết vì anh và ông ấy chống lại dự án. Chính xác thì các anh đã chống lại như thế nào?"

"Chúng tôi không chỉ chống lại nó. Chúng tôi còn làm cho nó ngưng lại. Bị treo. Fielding nỗ lực hết sức để làm điều đó, nhưng tôi cần xin sự can thiệp của tổng thống. Nó cũng giống như đình chỉ các công việc về bom nguyên tử trong Thế Chiến II vậy."

"Tại sao các anh lại muốn đình chỉ nó?"

"Tôi không dám chắc về lý do của Fielding. Tôi cho rằng ông ấy giấu tôi nhiều điều, để bảo vệ tôi. Còn về phần tôi, lý do rất đơn giản."

"Sáu tháng trước, chúng tôi thử máy Siêu cộng hưởng từ MRI. Đầu tiên chúng tôi dùng động vật thì không có vấn đề gì cả. Những người đầu tiên được máy chụp là sáu người trong nội bộ chúng tôi. Trong vòng một tuần, tất cả chúng tôi thấy xuất hiện những hội chứng thần kinh kỳ lạ. Tác dụng ngoại ý của việc bị phơi ra trước máy. Fielding tin rằng..."

"MRI không gây những tác dụng như vậy," Rachel ngắt lời.

"Không phải thứ máy mà cô sử dụng. Từ trường mà máy MRI của Trinity phát ra có cường độ mạnh hơn theo cấp lũy thừa so với các máy hiện nay. Chúng sử dụng vật liệu siêu dẫn cho phép những xung động dữ dội..."

Maya gừ gừ trong cổ họng mà nhìn lên hàng ghế đá thoai thoải. Tôi không nghe thấy tiếng động gì trong rừng cây, nhưng có lẽ con chó đã nghe được. Tôi bỏ máy ghi âm vào túi, bế con chó lên, rút súng và kéo Rachel đi ra qua cửa sân khấu.

Bóng tối bao trùm chúng tôi

"Bám sát sau lưng tôi," tôi nói, lom khom dưới một cành cây.

"Anh có nghe thấy gì không?"

"Không."

Nếu không có Rachel đi theo, tôi đã dễ dàng lẩn về nhà một cách an toàn. Nhưng lúc này chỉ có cách là đi thật nhanh. Tôi rẽ qua những bụi cây thấp, nhắc Rachel mỗi khi tôi gạt một cành cây có thể bật vào mặt cô. Cô kêu lên hai lần và vấp một lần, nhưng cô gượng được và cố bám sát gót tôi. Khi về gần đến nhà, tôi thấy ô cửa vàng trên cánh cửa dẫn ra hiên nhà Fielding. Bóng Lu Li đứng in lên đó, một mục tiêu quá rõ. Hình ảnh ấy làm tôi rùng mình.

Khi bà mở cửa ra, tôi kéo bà vào sâu trong buồng. Maya sủa ngậu lên mãi đến lúc bà khom người giơ tay ra đón. Nó nhảy tót lên tay bà trong khi Rachel đóng cửa kính lại.

"Gọi taxi đi," tôi thì thầm qua vai.

Rachel bước đến điện thoại.

Mắt Lu Li nhòe ướt. Tôi nắm khuỷu tay bà, con chó nhỏ nhắm vào tôi sủa. "Tôi ước gì có thể ở lại với chị đêm nay," tôi nói khẽ, "nhưng như thế dễ bị nghi ngờ hơn là tôi về nhà. Sáng mai đi làm tôi sẽ cố gắng tìm vài câu trả lời, bởi vậy tôi muốn mọi việc có vẻ bình thường nhất. Chị có hiểu không?"

"Hiểu."

"Tôi mang hộp đồ chơi của Fielding theo. Tôi không muốn ai tìm thấy nó ở đây. Như vậy được không?"

Lu Li gật đầu, trìu mến vuốt ve con chó nhỏ như với một đứa trẻ.

"Lúc ra về, tôi sẽ đánh xe vào ga ra sao cho không ai nhìn thấy tôi mang chiếc hộp đi. Nếu có ai hỏi tôi làm gì ở đây, chị cứ bảo rằng tôi chỉ đến chia buồn. Nếu họ có nghe lỏm gì được từ cuộc nói chuyện của chúng ta, chị cứ xử sự đúng như chính mình. Một bà quả phụ đang quẫn trí."

"Quẫn trí là cái gì?"

"Cực kỳ đau thương. Hoảng loạn."

Bà mỉm cười đầy can đảm. "Tôi không cần phải làm thế."

Tôi đặt tay lên vai bà, bóp nhẹ và nói gần như không thể nghe thấy. "Trong thư chuyển phát nhanh Andy gửi cho tôi, có một chất bột trắng. Trông gần giống như cát. Nó đang ở trong chiếc túi trên đi văng kia. Chị có biết gì về chuyện này không?"

Lu Li chăm chú nhìn đi văng, mặt bà nhăn lại vì suy tư. "Không. Không biết gì cả."

"Chị bỏ nó vào thùng thư FedEx phải không?"

"Phải. Sao anh biết?"

"Điều đó không quan trọng." Tôi biết Lu Li đã gửi thư vì trong giấc mơ trước tôi đã ở trong đầu Fielding. Tôi bỗng cảm thấy buộc phải rời khỏi ngôi nhà này ngay. "Rachel? Taxi đâu?"

"Tới ngay sau vài phút," cô trả lời ngay sau lưng tôi.

"Nhờ chị vào trong ga ra," tôi bảo Lu Li. "Khi nghe tôi bấm còi, chị mở cửa ra. Sau khi tôi lùi xe vào, chị đóng ngay cửa lại."

"OK." Bà lẳng lặng rời khỏi phòng.

Tôi nhặt túi Ziploc lên, dẫn Rachel qua phòng khách tối om, nơi có cửa sổ rộng trông ra phố. Tôi ném túi Ziploc lên ghế, rồi ngồi trên sofa đối diện cửa sổ đợi taxi đến.

"Taxi cho tôi à?"cô ngồi xuống bên tôi thì thầm hỏi.

"Phải."

"Nhưng xe tôi còn đậu ở nhà anh."

"Cô không muốn quay về nhà tôi đâu. Mai cô có thể lấy nếu muốn. Tốt nhất là cô gọi taxi đi làm."

"Tôi nghe anh nói với Lu Li là mai anh trở lại làm việc."

"Phải, nếu đêm nay tổng thống không gọi cho tôi."

"Tại sao? Nếu họ đã giết Fielding, lẽ nào họ sẽ không giết cả anh nữa?"

Câu hỏi của cô làm tôi thích thú một cách trái khoáy. "Nghe cứ như là cô chia sẻ các hoang tưởng của tôi ấy."

Môi cô mím chặt, và tôi thấy cô đang sợ thật sự.

"Coi nào, nếu họ thật sự muốn giết tôi, thì tôi đã chết rồi. Và nếu họ quyết định giết tôi trước sáng mai thì không gì ngăn được họ. Nhưng tôi nghĩ họ đang vô cùng lo lắng về việc tổng thống sẽ phản ứng như thế nào, nên chưa dám ra tay. Nếu tôi còn sống đến sáng mai thì tôi cũng sẽ đến nơi làm việc cũng an toàn."

Rachel thở dài và lấy mấy ngón tay xoa thái dương.

"Tôi không biết điều gì sẽ xảy ra," tôi thầm thì. "Nếu có ai hỏi cô cứ nói đúng sự thật càng nhiều càng tốt. Cô đến nhà tôi vì tôi bỏ mấy lần hẹn khám. Tôi nhận được điện thoại từ vợ một người bạn mới chết hôm nay. Bà ấy không có ai thân thích ở đây, và tôi muốn đến an ủi bà ấy. Chúng ta làm cho bà ấy nguôi ngoai và đi dạo với con chó của bà ấy. Đấy là tất cả những điều cô biết."

Cô dò xét khuôn mặt tôi dưới ánh sáng nhợt nhạt. "Đây không phải điều tôi mong đợi."

"Tôi biết. Cô thật sự nghĩ rằng tôi bị điên."

Cô cắn môi, một cử chỉ rất nữ tính. "Tôi đã nghĩ thế. Mặt khác tôi mong là mình lầm. Nhưng bây giờ tôi sợ. Tôi biết về những vấn đề tâm thần. Đây là vấn đề khác hẳn."

Tôi kéo cô lại gần và nói thầm vào tai cô. "Tôi mong cô hãy quên đi tất cả. Trừ khi có chuyện gì xảy ra với tôi. Khi đó cô hẵng nhớ. Nhớ và gào thét lên trời." Tôi đẩy cô ra và nhìn vào mắt cô. "Tôi sẽ không trở lại phòng khám của cô nữa đâu."

Cô trừng trừng nhìn tôi như thể tôi vừa nói, "Chúng ta sẽ không bao giờ gặp lại nhau nữa," mà trong thâm tâm chính tôi cũng cảm thấy thế.

"David..."

"Taxi của cô đến rồi." Tôi đứng đó, khi ánh đèn pha dừng lại trước cửa ngôi nhà, chú ý xem có đèn taxi trên nóc xe không.

Cô lắc đầu, gần như bất lực.

"Đừng lo," tôi nói. "Tôi sẽ không sao đâu. Cô đã giúp tôi rất nhiều."

"Tôi chưa làm được cái khỉ gì cho anh cả."

Tôi kéo cô khỏi khung cửa sổ, rút trong túi ra chiếc máy ghi âm, lấy băng ra đặt vào tay cô. "Nếu cô muốn giúp, đây là cơ hội." Tôi đã định tiễn cô đi, nhưng lại ngần ngừ. "Còn một việc nữa cô có thể làm."

"Nói đi."

Tôi chỉ chiếc túi Ziploc trên ghế. "Liệu ở Duke có ai xét nghiệm được chất bột này một cách an toàn xem có tác nhân lây nhiễm hoặc độc tố không?"

"OK. Ở đó có những người sống bằng nghề này mà."

Có một cái gối có vỏ bọc trên sofa. Tôi tuột vỏ gối ra, bỏ túi Ziplocs vào trong rồi đưa cho cô. "Cô phải hết sức cẩn thận với nó."

"Anh lại dạy khỉ leo cây rồi."

Tôi bóp nhẹ tay cô. "Cám ơn. Thôi nào, đi đi."

Cô không đi. Cô đứng kiễng chân, hôn nhẹ lên môi tôi. "Cẩn thận, làm ơn thật cẩn thận."

Tôi chăm chăm nhìn cô bỏ cái vỏ gối vào dưới áo khoác rồi đi ra tiền sảnh. Tôi nghe tiếng cửa trước khép lại nhẹ nhàng. Qua cửa sổ trước, tôi thấy cô đi đến taxi. Chiếc xe đỗ trên lối vào nhà Lu Li, rồi chạy ra quành lên phía đường Gimghoul.

Tôi ra xe của mình, lùi vào trước cửa ga ra nhà Fielding, bấm còi. Lu Li mở cửa từ bên trong, rồi đóng lại sau lưng tôi.

Bà mở cánh cửa phía khách, đặt chiếc hộp của Fielding lên ghế trước. Tôi với qua nó, nắm chặt cổ tay Lu Li, nhìn sâu vào mắt bà.

"Chị nói thật đi, Lu Li. Chị biết họ đang cố chế tạo cái gì ở Trinity phải không?"

Sau vài giây nhìn nhau bà gật đầu.

"Đừng kể chuyện đó với ai," tôi cảnh báo. "Đừng bao giờ."

"Tôi là người Trung Quốc, David. Biết gì sẽ đến."

Trong khoảnh khắc tôi vụt nhớ lại hình ảnh bà đứng đổ bóng trong khung cửa sân sau, mục tiêu sẵn sàng cho một vụ ám sát.

"Đi với tôi," bỗng tôi nói. "Ngay bây giờ. Chị bế cả con chó vào, rồi chúng ta đi. Tôi sẽ giữ cho chị an toàn."

Một nụ cười buồn thoáng hiện trên môi bà. "Anh người tốt. Giống Andrew. Đừng lo. Tôi đã tự thu xếp rồi."

Thu xếp? Tôi không thể hình dung ra đó là gì. Tôi không nghĩ bà có người quen ở Mỹ. "Họ là ai vậy?"

Bà lắc đầu. "Tốt hơn anh không nên biết. Được không? Tôi sẽ ổn thôi."

Vì lý do nào đó, tôi tin bà. Phát hiện ra rằng Lu Li không vì quá đau buồn mà trở nên bất lực, tôi hỏi thêm bà một câu.

"Trong thư Andy nói với tôi rằng nếu có chuyện gì xảy ra với ông ấy, tôi hãy nhớ đến chiếc đồng hồ bỏ túi. Có gì đặc biệt trong cái đồng hồ đó vậy?"

Lu Li nhìn vào mắt tôi dò xét một lúc lâu. Rồi bằng giọng nói hầu như không thể nghe thấy, bà thì thào, "Không phải đồng hồ. Dây chuyền."

"Dây chuyền nào?"

"Dây đeo đồng hồ."

Tôi nhắm mắt nhớ lại hình ảnh chiếc đồng hồ của Fielding. Nó bị xước nhưng là của gia bảo quý giá, và ở đuôi sợi dây xích là một viên pha lê nhỏ có hình dáng như viên kim cương.

"Viên pha lê?" tôi hỏi.

Lu Li mỉm cười. "Anh thông minh đấy. Anh đoán ra rồi."

--- ------ ------ ------ -------

1 Nghiên cứu và Phát triển (Reseach&Development ).

2 NORAD (North American Aerospace Defense Command): Bộ Tư lệnh Phòng không Bắc Mỹ.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.