Đại Minh Giang Hồ Trạch Nữ Ký

Chương 11




Mễ Trị Văn đã kịch tính hóa vấn đề, nhưng lão không khoa trương.

Đúng là không kịp thật.

Bắt đầu từ bốn năm trước, bệnh viện Phổ Nhân đã giao cho một công ty giặt tẩy khử độc thầu xử lý vệ sinh gối, chăn, đệm trải giường, khăn bông… Hằng ngày cứ 11 giờ đêm họ đưa xe tải đến bệnh viện chở các đồ cần làm vệ sinh ra, hôm sau cũng giờ ấy đem trả và nhận tiếp đồ dùng khác chở về xử lý.

Họ nhận làm cho vài bệnh viện ở Giang Kinh, hằng ngày 6 giờ 30 bắt đầu chạy máy giặt. Na Lan nói “bảo họ dừng lại” tức là ngừng giặt giũ.

Năm cảnh sát của khu công an Văn Viên chạy vào công ty giặt là, yêu cầu chuyển các đồ vải cần giặt của bệnh viện Phổ Nhân lên phòng họp, rồi kiểm tra từng thứ. Còn Na Lan thì đứng ở cổng bệnh viện chờ công an đến giải Mễ Trị Văn đi, sau đó cô lên taxi đến công ty giặt là gần như đồng thời với cảnh sát khu Văn Viên. Sau gần nửa giờ, một anh cảnh sát trong nhóm đã tìm thấy cái “chữ” rất quan trọng kia.

Trên tấm vải trắng lúc trước đắp trên người Mễ Trị Văn, có một “chữ đỏ” rất bắt mắt, chất mực vẫn còn dinh dính. Na Lan cảm thấy hình như được viết bằng son môi, rõ ràng là Mễ Trị Văn viết sau khi bò ra khỏi nhà xác.

Lão cũng không hề khiêm tốn, con chữ này gọi là “bùa ma” thì chuẩn hơn. Hai chữ ban đầu có vẻ là chữ Hán, chữ thứ ba là các ký hiệu được sắp xếp có ý đồ, nhưng con chữ trước mắt họ đây, chỉ có thể nói là nguệch ngoạc.

Mễ Trị Văn! Mong sao đây là cửa ải cuối cùng trong trò chơi của ông.

Trên cái bàn dài kê trong phòng họp của công ty giặt là, Na Lan, Ba Du Sinh và một kỹ thuật viên công an chăm chú nhìn vào con “chữ” nọ. Cả ba im lặng hồi lâu, ngẫm nghĩ vô số điều nhưng rốt cuộc vẫn không thể chỉ ra một phương hướng gì. Rút kinh nghiệm lần trước, lần này Ba Du Sinh không mời các chuyên gia nữa, bấm máy để bàn gọi điện cho Sở Hoài Sơn. Na Lan đã gửi hình chụp chữ qua WeChat cho anh rồi.

Sau một lúc trầm ngâm, Sở Hoài Sơn nói, “Chữ này sẽ rất khó, nhưng Mễ Trị Văn, vẫn hy vọng chúng ta, sẽ nhanh chóng giải mã được.”

Na Lan cũng cho là thế, nếu không, trò chơi sẽ chẳng thú vị gì nữa.

Nếu đúng là cần gấp rút lên, thì có nghĩa là tính mạng của Hàn Tây vẫn còn?

Nhưng, cảm giác này chỉ khiến mọi người lo lắng mà vẫn không tìm ra manh mối.

Mấy tiếng đồng hồ nhanh chóng trôi qua. Na Lan nói, “Có lẽ nên nghỉ đã, cho bớt căng.” Cô muốn nghỉ vì đầu đang nhức như búa bổ. Mấy ngày liền căng thẳng và thiếu ngủ, nhức đầu là phải.

Sở Hoài Sơn nói qua điện thoại, “Ta bàn một chút. Hình như càng ngày càng, kỳ quái… vai trò của Mễ Trị Văn, trong vụ án này, là gì?”

“Lão ngày càng giống cái loa truyền thanh, hung thủ thì ở bên ngoài gây án.” Cô lắc đầu. “Vẫn không thể loại trừ lão là nghi phạm, vì khoảng thời gian lão biến mất trùng với thời gian Hàn Tây bị bắt cóc và xuất hiện ngón tay bị chặt. Vấn đề mấu chốt là lão có đủ sức để đi xa như thế và gây ra bạo lực hay không.” Cô bất giác nhìn xuống chỗ cổ tay bị Mễ Trị Văn tóm chặt tối qua xem có còn đau không; tự nghiệm xem mình có đang thở hít bình thường không, vì hôm nọ từng bị lão bóp cổ?!

Ba Du Sinh nói, “Chúng tôi đã lấy mẫu đất dính ở đế giày Mễ Trị Văn để xét nghiệm phân tích xem lão có ra nơi đáng ngờ nào bên ngoài bệnh viện không.”

Cửa bỗng bật ra, Kim Thạc chẳng thiết gõ cửa xộc vào luôn. Ba Du Sinh nói, “Đúng lúc quá! Nhờ trưởng phòng Kim Thạc cho biết các kết quả điều tra gần đây về quan hệ xã hội, về các bạn tù… của Mễ Trị Văn.”

Kim Thạc hờ hững, “Có cần tôi nói không? Đã có Na Lan đi hỏi bọn họ rồi, tôi cấp giấy giới thiệu mà!”

Na Lan nói, “Tôi chỉ hỏi có một người…”

Kim Thạc mỉm cười, “Tôi nói đùa thôi! Nhưng đúng là chúng tôi đã điều tra ra khối thứ có giá trị, có vài người đã mãn hạn trở về hòa nhập xã hội, thời gian ở tù từng tiếp xúc với Mễ Trị Văn, chúng tôi đã gặp họ. Nhìn chung họ rất 'sạch sẽ', đêm qua cư trú ở đâu đều được xác định rõ ràng, không thấy dấu hiệu họ liên quan đến vụ Hàn Tây mất tích. Cô cũng biết rồi, thật ra những năm tháng qua Mễ Trị Văn cũng đơn giản chỉ là vào tù, vào viện tâm thần, vào vài căn hộ ở thuê, không có bạn bè thân thích nào. Khi ở tù hoặc vào bệnh viện, chắc chắn lão đã tiếp xúc với nhiều người, nếu đi điều tra tất cả thì diện điều tra sẽ quá rộng, khó mà tìm ra điểm then chốt.”

Nghe Kim Thạc nói, Na Lan nhớ đến dì Tư, và thầm nghĩ, không có bạn thân, e không đúng, chẳng qua các anh chưa điều tra ra. Cô nghĩ đến dì Tư vốn là y tá, chứng tỏ Mễ Trị Văn quen dì Tư từ trong bệnh viện, bèn hỏi, “Mễ Trị Văn là bệnh nhân mắc đủ thứ bệnh, ngoài bệnh viện tâm thần ra, lão còn nằm nhiều bệnh viện lớn khác, tôi đã đọc hồ sơ bệnh án của lão, thấy chưa hoàn chỉnh, chủ yếu chỉ có hồ sơ gần mười năm nay ở bệnh viện Phổ Nhân. Nếu thu nhập được đầy đủ hồ sơ thì tốt.”

Kim Thạc cau mày, “Lúc này mà cô vẫn còn tâm trạng để đọc hết hồ sơ bệnh án à?”

Ba Du Sinh giải thích, “Cô ấy muốn tìm hiểu xem lão mắc bệnh nặng đến đâu, có thì giờ đi hãm hại Hàn Tây không. Nếu tìm lại được thì rất tốt.” Thật ra Na Lan muốn xem xem Mễ Trị Văn đã quen với những nữ nhân viên y tế nào.

Kim Thạc thở dài, “Lúc này mọi người đều quá bận với vụ Hàn Tây…”

Na Lan cố thuyết phục, “Vụ án Mễ Trị Văn cũng chính là vụ án Hàn Tây. Thậm chí, có thể lão chính là hung thủ.”

Kim Thạc lắc đầu, bước ra ngoài.

Na Lan cúi nhìn “chữ” mới. Mắt di chuyển từ những đường vòng lộn xộn, đến ba hình ô van, cuối cùng là hình tám cạnh kỳ cục.

Đầu cô trống rỗng.

Căn phòng họp tiếp tục im lặng.

Di động của Ba Du Sinh có tín hiệu.

Anh đặt di động ở chế độ rung, đã có vài cú phôn gọi đến, anh nhìn vào máy nhưng không nghe. Sau khi Hàn Tây mất tích, các cảnh sát chỉ tâm niệm một nguyên lý kiểu toán học là phần lớn các nạn nhân mất tích sẽ bị giết trong vòng ba giờ sau đó, mất tích càng lâu thì khả năng sống sót càng thấp. Giải mã con chữ có thể là hy vọng duy nhất để tìm thấy Hàn Tây.

Nhưng lần này thì Ba Du Sinh nghe máy. Anh “Vâng, được…” mấy lần, gật đầu, tắt máy, rồi nói với Na Lan, “Mễ Trị Văn lại hôn mê.”

Na Lan nói, “Em muốn đến xem sao, cũng là để thay đổi đầu óc.”

Na Lan đến buồng bệnh nhân. Thấy bác sĩ điều trị là bác sĩ Đường và giám đốc Chu Trường Lộ lần lượt rảo bước vào. Chu Trường Lộ cho cô biết, lần trước Mễ Trị Văn cũng lên cơn điên rồi hôn mê. Thông thường, lên cơn điên thì không dẫn đến hôn mê, nhưng Mễ Trị Văn đồng thời có lắm bệnh nhất là bệnh tiểu đường và tim mạch rất nặng, có khả năng là cơn điên phát sinh gián tiếp kích thích mạch máu não co thắt nên dẫn đến hôn mê, kết quả chụp cộng hưởng từ chứng minh nhận định của ông là đúng.

Đúng lúc ấy thì Sở Hoài Sơn gọi điện cho cô, không vì chuyện giải mã chữ mà ngược lại, anh nói, “Tôi vẫn chưa nhìn ra vấn đề. Gọi cho cô… tôi định nói là…”

Thấy anh thở mạnh, Na Lan đoán ra anh định nói gì. Cô bèn nói, “Châm ngôn của đại sư Thương Hiệt là 'chỉ tôi mới giải được chữ ấy', tiếc rằng đại sư vừa lên cơn điên, rồi hôn mê. Nếu tin lão thì anh nên bái lão làm sư phụ, anh và lão đều là dân nghệ sĩ mà!”

Sở Hoài Sơn gượng cười, “Thôi được, ngày mai, tôi sẽ gặp, dì Tư, nói khéo để nhờ, xem sao.”

“Thật ra anh nhắc rất kịp thời, quả là tôi đang bí, nghĩ mãi rồi, đúng là không có chút liên quan nào đến tôi cả.”

Sở Hoài Sơn, “Tôi chưa suy luận, được gì thật, nhưng tôi có, một ý này… cô có ảnh chữ, ở đó, không?”

Na Lan lục túi lấy bức ảnh được in ra giấy. “Anh Ba Du Sinh đã đưa tôi đây.”

“Tôi nhận ra nó vẫn chứa đựng một quy luật. Cô nhìn cái hình ngôi sao có nhiều cảnh ấy… có thấy quen không?”

Na Lan chăm chú nhìn rồi lắc đầu, nhưng nhận ra Sở Hoài Sơn không thể nhìn thấy mình lắc đầu, cô bèn nói, “Tôi không nhận ra.”

“Có giống ngôi sao 6 cánh trên quốc kỳ Israel không?”

“Điểm khác duy nhất là ngôi sao này 8 cánh. Sao 6 cánh do hai hình tam giác ghép lại, sao 8 cánh do hai hình tứ giác ghép lại.” Na Lan cúi sát hơn. “Nói cho đúng, thì nó ít hơn hình bát giác một nét, lại nhiều hơn hình thất giác một nét.”

Sở Hoài Sơn gợi ý, “Nhiều hơn 7, ít hơn 8.”

“Già 7 non 8?” Na Lan cảm thấy chua chát, ở một xó xỉnh nào đó tại Giang Kinh, nếu tim của Hàn Tây vẫn đang đập mà dùng cách nói này để hình dung[1] thì quá bình thường, không đúng.

[1] Già bảy non tám, là một thành ngữ, có nghĩa là “bồn chồn, bất an”.

Sở Hoài Sơn tiếp tục, “Cô lại nhìn ba cái vòng xem, có cảm thấy ba vòng này, 'già 7 non 8', và hình ngôi sao… có điểm chung nào không?”

Hai trong ba cái vòng là hình ô van hoàn chỉnh, vòng còn lại không khép kín, chỉ là một nét cong. Na Lan gật đầu, “Đây không phải 3 vòng tròn, mà chỉ là 2 cộng với một nửa, tức là 2,5 vòng.”

“Rất có thể đây là điểm then chốt trong câu đố của Mễ Trị Văn, và lại liên quan đến các chữ số.”

Giọng Na Lan lắng xuống, “Chắc không phải? Vì Mễ Trị Văn sẽ không liên tiếp đưa ra hai câu đố liên quan đến chữ số. Có lẽ đây là trò chơi văn tự, là thành ngữ, không phải 7 chẳng phải 8, không phải 2 chẳng phải 3?”

“Hoặc, vừa là 7 lại vừa là 8, vừa là 2 lại vừa là 3.” Sở Hoài Sơn cũng đề xuất.

Dòng suy nghĩ tạm đứt đoạn, cả hai lại trầm ngâm. Rồi Na Lan nói, “Tôi biết anh đang nghĩ gì. Anh khỏi cần nhắc, tôi biết chỉ tôi mới có thể nghĩ ra, nhưng đúng là tôi đã nghĩ nát óc, chẳng đâu vào đâu cả, không thể tìm ra một thứ láo nháo gì đó.”

“Thế thì chỉ còn cách điểm lại xem… đại sư Mễ Trị Văn nhắc cô điều gì nữa?”

Lần này thì cô nhớ ra một câu nói của lão, tôi cứ tưởng cô đã nhìn ra manh mối để giải mã! Cô đáp, “Hình như lão cho rằng tôi đã nhận ra một gợi ý của lão, tôi đã xem hết các 'di vật' của lão ở giường nằm, chỉ thấy một xấp giấy lộn và cuốn sổ tay.” À, còn cuốn Tống từ nữa.

Chắc cô đã nhìn thấy manh mối thật, nhưng lại không nhận ra.

Tống từ, không phải 7 chẳng phải 8, không phải 2 chẳng phải 3.

Hình ngôi sao, hình ô van.

Tống từ…

Na Lan đọc thành tiếng, “Bảy tám ngôi sao ngoài trời… Hai ba hạt mưa trước núi.”

Giọng Sở Hoài Sơn run run, “Lẽ nào đúng là…”

“'Bảy tám ngôi sao ngoài trời, hai ba hạt mưa trước núi', đây là hàm nghĩa của ký hiệu ngôi sao và hình ô-van! Số cánh sao, giữa 7 và 8, hình ô van đại diện cho hạt mưa, giữa số 2 và số 3!” Tim Na Lan bắt đầu đập nhanh. Đó là cảm giác sắp đi đến gần sự thật, dù cô chưa nhận ra hai câu thuộc bài từ của Tân Khí Tật có ngụ ý gì trong vụ việc này.

Sở Hoài Sơn khẽ đọc, “Bảy tám ngôi sao ngoài trời, hai ba hạt mưa rơi trước núi. Bảy tám, hai ba… Hay là lão muốn nói về các chữ số quan trọng của cô?”

Na Lan bỗng cảm thấy đầu óc sáng hẳn ra, ngoài 7-8 tức là số 9, trước 2-3 là số 1. Là 9-1. Cô lẩm bẩm, “Là 9 và 1 hay là 91? Chắc không phải lại là số nhà gì đó chứ?”

Cô bỗng thấy lòng nặng trĩu.

Chỉ mình mới giải được, chỉ có mình mới chịu đựng nổi sự thật này.

Sở Hoài Sơn hỏi, “Sao thế?”

Na Lan im lặng, cố nén cảm giác bi thương căm phẫn đang dâng lên. Giọng cô lắng xuống, “Ngày 1 tháng Chín. Lão muốn nói là ngày 1 tháng Chín.”

“Ngay 1 tháng Chín làm sao?”

“Ngày cha tôi mất, ngày cha tôi bị hại.” Đôi mắt cô bỗng nhức căng, trào lệ.

“Cô đừng buồn.” Sở Hoài Sơn khẽ thở dài. “Nhưng… ngày mất của bác ấy… liên quan gì đến một cô gái bị bắt cóc?”

Buồn thương. Nhưng cô cũng đang nghĩ, ừ nhỉ, có liên quan gì?

Na Lan kể lại ngắn gọn sự việc tối hôm đó, “Tối hôm cha tôi bị hại, hình như thời tiết ở khu mỏ na ná như hai câu thơ này diễn tả, khu văn phòng và khu nhà tập thể lác đác vài hạt mưa, còn khu khai thác thì vẫn khô ráo.”

Sau đó, dưới bầu trời sao, kho vật liệu của khu khai thác xảy ra vụ nổ lớn. “Vụ nổ ngày 1 tháng Chín” cũng là một vụ án cũ, bế tắc. Cha Na Lan là trưởng ca trực đêm hôm đó ở khu khai thác, ông đang có mặt ở nhà kho nên đã thiệt mạng. Đã có nhiều lập luận về vụ nổ và cũng có một số căn cứ, có kẻ phóng hỏa, hoặc chỉ là do sự cố, thậm chí có người cho rằng đó là tự sát… nhưng Na Lan biết, giả thiết gần với sự thật hơn cả là bị sát hại.

Trên thi thể cha cô có vết dao đâm, là vết dao cắt động mạch đùi.

Cho đến nay hung thủ vẫn nằm trong bóng tối.

Na Lan nói tiếp, “Tối hôm đó, ở nhà kho vật liệu, tạnh ráo, đã xảy ra vụ nổ. Kho ấy thường chứa thuốc nổ dùng trong khai thác mỏ, được bảo vệ rất cẩn thận. Nhưng nếu bị phóng hỏa thì tất nhiên sẽ nổ. Anh cứ google thì biết 'vụ nổ 1-9' có tiếng vang đấy!”

Sở Hoài Sơn lẩm bẩm, “Vụ nổ 1-9… vụ nổ và vụ bắt cóc, thì có gì liên quan?”

“Điều cấp thiết bây giờ là tìm được chỗ Hàn Tây. Đương nhiên không thể ở tận nhà kho của khu mỏ sắt xa tít tắp quê tôi.”

Sở Hoài Sơn đề xuất, “Nhưng có khả năng… là một nơi liên quan đến cháy nổ.”

Nơi nào? Không biết. Vì chưa giải mã được con “chữ” này.

Tôi cứ tưởng cô đã nhận ra manh mối để giải cái chữ ấy.

Cô bỗng nảy ra một ý, “Nửa trên của bài từ của Tân Khí Tật là gì?”

Sở Hoài Sơn đọc, “Trăng sáng, cành lìa cây, chim hãi. Gió nhẹ nửa đêm, ve nỉ non. Hoa lúa ngát hương, năm được mùa, tiếng ếch kêu rộn rã.” Sở Hoài Sơn đọc từ còn lưu loát hơn cả khi nói.

Trăng sáng, chim kinh hãi, ve kêu, hoa lúa, ếch kêu rộn rã. Có ý nào là manh mối không?

“Hai câu sau là…?”

“Quán tranh ngày xưa, bên rừng. Lối rẽ cầu bắc ngang suối. Chợt thấy…” Sở Hoài Sơn lập tức đọc ra luôn.

“Quán tranh là quán như thế nào? Quán rượu hay quán cơm?”

“Có thể là cả hai. Quán ở nông thôn… có thể là quán ăn… thậm chí là quán trọ.”

Na Lan sửng sốt, vội nói, “Anh khoan đã. Tôi cần gọi điện cho đội trưởng Ba Du Sinh.”

Nghe Na Lan thuật lại kết quả phân tích của cô và Sở Hoài Sơn, Ba Du Sinh trầm ngâm một lúc như hồi tưởng, lại như đang suy ngẫm mấy từ then chốt, vụ nổ, lối rẽ cầu ngang qua suối, quán trọ… Rồi anh nói, “Tôi hiểu rồi, cảm ơn hai người đã phân tích thấu đáo.”

Na Lan nóng ruột, “Ở đâu? Em cũng muốn đi.”

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.