Cường Mãi Cường Mại

Chương 44: Đau Đớn




Tả Thiếu Dương mơ mơ hồ hồ ngủ một giấc tới tận trưa, tới khi Lương thị ở dưới gọi dậy ăn cơm y mới mắt nhắm mắt ngủ ôm Bi Vàng cũng mí trên gọi mí dưới xuống thang, cho nó ăn trước rồi mới rửa mặt ăn cơm.

Bữa cơm đầu năm cũng không khác gì thường ngày cả, vẫn bánh bao đen và canh rau, một ít dưa muối. Tả Thiếu Dương biết quá rõ tình hình trong nhà rồi, nên cũng không ôm hi vọng gì xa vời. Ngủ nhiều, đầu óc vẫn lờ đờ, vừa nhai bánh bao vừa hỏi: - Cha, mai có đi tuần y không?

- Không, phải đợi nhà tỷ tỷ con sang chúc Tết mới được, như mọi năm họ sang chúc Tết là ăn cơm cùng, cho nên để mùng 3 Tết hẵng đi.

- Dạ. Tả Thiếu Dương chưa từng gặp mặt tỷ phu Hầu Phổ làm thư lại nha môn, lúc y sốt miên man trên giường thì tỷ phu cũng tới thăm, song lúc đó lòng rối bời bấn loạn cho nên không để ý.

Hôm qua tuyết rơi suốt cả đêm, người qua người lại dẫm đạp thành băng rồi, Tả Thiếu Dương ra ngoài thấy đại thúc tiệm tạp hóa lấy xẻng sắt xúc băng, chào hỏi chúc mừng năm mới, sau đó mượn xẻng của ông xúc băng cả hai nhà, được ông ta khen lấy lấy khen để.

Quét dọn xong rồi, dù sao cũng chẳng có việc gì để làm, luyện viết bút lông để sau đi, ngày tháng còn dài, từ khi tới đây chưa tận tình đi ngắm thành trấn cổ đại.

Vuốt ve áo phẳng phiu, chỉnh sửa lại đầu tóc cho gọn gàng, sau đó cho hai tay vào ống tay áo, điềm nhiên dạo bước, trước tiên là bốn xung quanh hiệu thuốc, phát hiện ra bên kia cái ngõ mà y đi thám hiểm buổi tối là một ngôi nhà rất lớn, trước cửa có đôi sư tử đá, cửa khép kín, cũng chẳng có âm thanh nào phát ra. Cho dù là hàng xóm, nhưng nhìn nhà người ta khí phái thế này, hẳn là chẳng thèm bận tâm tới cái gọi là "bán anh em xa mua láng giềng gần" rồi. Nhìn kỹ hơn thì hai con sư tử đá đã cũ lắm, con bên phải thiếu một chân, cửa son bong chóc từng mảng, từ đó đoán ra gia cảnh cũng đã đi xuống.

Đi tiếp thì tới một cửa hàng dầu muối, trước cửa có lão hán ngồi trơ như khúc gỗ, Tả Thiếu Dương niềm nở chào hỏi, chúc một đống lời tốt lành, thấy nhà cửa vắng tanh lạnh lẽo, chả có không khí Tết gì, mủi lòng tán gẫu với ông ta vài câu, nhưng hỏi gì ông ta đáp nấy, mặt trơ trơ chả có cảm xúc, làm Tả Thiếu Dương mất hứng, bỏ đi tiếp.

Dọc theo cái ngõ nhỏ sau bếp, tới ngã ba, phát hiện một đầu ngõ tối om om hôm đó làm y sợ hãi chùn chân kia là cái chùa nhỏ, biển đề ba chữ "Thanh Phong tự". Thanh Phong? Tả Thiếu Dương lẩm bẩm, đây chẳng phải tên hay dùng của Đạo gia à sao lại đặt tên cho chùa? Vào làm một vòng, bên trong không rộng, cũng chả sạch sẽ, cây trơ trụi, lá rụng đầy đất, cái mới cái đã mục, nơi cỏ dại, nơi thì gạch vỡ, rất tự nhiên, không hề có bàn tay con người tác động vào, sư chùa này cũng lười quá thể.

Qua cái sân gạch rộng chừng chục bước chân là tới ngay đại điện, đưa mắt nhìn một cái là thấy hết rồi, tượng bồ tát bằng đất lộ ra lớp đất nung bên trong ở phần vai, bàn cúng trừ hương ra thì chỉ có mấy đĩa quả khô, hương khách không có một ai, chỉ có ba ông sư già chắc luyện "Vong tình thiên thư" tới hóa cảnh, thấy Tả Thiếu Dương vào cũng chẳng đưa mắt nhìn một cái, chuyên tâm luyện kinh, y không quấy nhiễu, ngó nghiêng một hồi rồi đi.

Rời cái chùa kinh doanh ế ẩm kia, qua góc rẽ, khoảng đất trống bất ngờ nhìn thấy một gốc mai đỏ cô độc đứng đó, hoa nở đỏ rực trong tuyết trắng tạo nên cảnh đẹp khác thường.

Tả Thiếu Dương đi tới dưới gốc mai, ngửa đầu nhìn, một cơn gió lạnh cuốn qua, từng đóa hoa mai rụng xuống, rơi lên mặt y, rồi lăn xuống đất, rất nhẹ, đáp ở đống tuyết bên chân.

Giữ mặt đất phủ tuyết, lác đác mấy bông mai đỏ lộ ra, xung quanh có bông mai khác song bị người qua lại dẫm nát rồi. Đứng dưới bóng mai, mùi hương thơm bao phủ tâm khảm, làm người ta cảm thán, buột miệng: - Vô ý khổ tranh xuân, Nhất nhiệm quần phương đố. Linh lạc thành nê niễn tác trần, Chỉ hữu hương như cố.

** Chăng có ý giành xuân, Ganh đua tuỳ hoa cỏ. Dù rụng xuống thành bùn Hương thơm vẫn như xưa.

Không ngờ tức cảnh sinh tình ngâm ra câu thơ trứ danh của Lục Du thời Nam Tống này lại có người nghe thấy, ý cảnh cao tuyệt của nó, người thường tuyệt đối không thể ngâm ra, khiến khúc rẽ có một bóng trắng đang bước đi khựng người lại lắng nghe.

Người đó đang lẩm nhẩm câu thơ thì một phụ nhân cầm một cái mũ che đầu và cái áo tơi, chạy tới nói: - Tiểu thư...

- Đứng lại. Bóng trắng đó là thiếu nữ mặc y phục bằng tơ trắng như tuyết, mép váy dài thướt tha phất phơ trên mặt đất mà không chạm đất, thanh nhã thoát tục như tiên nữ giáng trần, lại như đóa sen trắng cô ngạo mọc lên giữa hồ, chỉ tiếc mặt nàng che một chiếc khăn lụa che đi dung mạo, nhưng chỉ cần đường nét tuyệt mỹ phối hợp với đôi mắt long lanh kia cũng đủ khiến người đối diện phải điên đảo thần hồn.

Thiếu nữ đó nghe thấy người ta chạy tới thì vội xua tay nói: - Cẩn thận, đừng dẫm lên hoa mai.

Phụ nhân vội dừng lại, biết tiểu thư mà mình yêu hoa cỏ nên không nghĩ nhiều, tránh bông mai rụng trên mặt đất, đưa nàng cái ô: - Tiểu thư, hay để nô tỳ đi cho.

Thiếu nữ lắc đầu: - Hôm nay là ngày đầu năm mới, phải do ta thay mặt ngoại công ngoại bà đưa thức ăn mới được.

Nhìn lại gốc mai thì không thấy thanh niên kia nữa, chỉ có bóng lưng khoan thai đi xa dần. Thiếu nữ khẽ nhíu đôi mày xinh đẹp, hôm nay là mùng một Tết, quanh đây lại chẳng có danh lam thắng cảnh gì để người ta ghé thăm, vậy thanh niên kia hẳn sống gần đây, có nhân vật tài hoa như vậy sao mình không biết?

….

Tả Thiếu Dương vẫn thất nghiệp đi lang thang khắp đông nam tây bắc thành, huyện Thạch Kính không lớn, cho nên một canh giờ thôi là đường lớn ngõ nhỏ đi hết rồi. Dọc đường thấy đám trẻ con reo vui rộn rã, đốt pháo đuổi bắt nhau, thấy thiếu phụ cô nương váy xanh váy đỏ đi chùa, nhưng nhìn thấy nhiều nhất là người ăn xin không nhà nằm co ro dưới chân tường kín gió, những cái đầu cúi gục bên tấm biển rao bán con bán cái, nhìn mà xót xa.

Y biết Trinh Quan nguyên niên chiến tranh còn chưa dứt hoàn toàn, nạn đói hoành hành, cho nên bách tính sống rất khổ, nhiều người không nhà không cửa trôi dạt khắp nơi. So với bọn họ, khó khăn Quý Chi Đường phải đối diện vẫn là bình thường.

Đi tới nha môn rồi, cũng có hai con sư tử đá rất to, không sứt mẻ gì, nhe nanh múa vuốt dữ dằn, thò đầu qua cổng lớn, không thấy ai cả, mùng một Tết mà, nghỉ phép cả rồi, đi vào cửa có cái tường chắn, trên tường dán đủ thứ giấy to giấy nhỏ, còn có cả hình vẽ, tò mò lắm, tỷ phu là thư lại, chắc nhìn cái chả sao đâu, nghĩ thế liền sải bước đi vào.

Trong đại môn có phòng gác, cửa hướng vào trong, một ông già ngủ gà ngủ gật, thấy tiếng bước chân mở ra ngay, cười: - Tả đại lang hả, có chuyện gì không?

Lại cái cách xưng hô đáng ghét này, giờ Tả Thiếu Dương hiểu rồi, chỉ người thân quen mới gọi ý như thế, chắp tay đáp: - Đại thúc, năm mới tốt lành. Không có gì cả, ta chỉ nhìn quanh thôi.

- Ừ, vậy cứ thong thả. Lão đầu lại nhắm mắt gật gù.

Tả Thiếu Dương đi tới trước tường chắn ngẩng đầu nhìn, thấy một ít công văn quan phủ, có hải bộ truy nã tội phạm, cái này làm y hứng thú, đáng tiếc nhiều tấm bị mưa gió làm mủi nát mờ tịt rồi, chỉ có duy nhất một cái còn mới là xem được.

Đọc kỹ một lượt, truy nã một tên đạo tặc hiệu Phi Thử ( chuột bay), bố cáo ghi rõ, kẻ bắt được Phi Thử quy án, thưởng 100 lượng, báo tin giúp bắt được Phi Thử, thưởng 50 lượng bạc. Nhìn mà tặc lưỡi, những 100 lượng bạc, xem ra tên này phạm tội không nhỏ, nhìn tướng mạo, râu quai nón, mày rậm mắt to, hung ác bặm trợn, nhìn là thấy xấu xa ra mặt rồi.

Sân đá, nhà gỗ, cửa đóng kín, nha môn chả có gì vui cả, Tả Thiếu Dương ngáp dài một cái bỏ đi, không ngờ va phải một người từ nghách nhỏ nha môn đi ra, chỉ nghe thấy một tiếng “á” vô cùng dễ nghe, là của một cô nương.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.