Cuộc Sống Mới Của Ái Ái

Chương 46: Con kiến hơi lớn




Natasa lấy chồng trong ngày đầu năm 1813 và đến năm 1820 nàng đã có ba đứa con gái và một thằng con trai - Đứa con trai mà nàng vẫn mong ước, và hiện nay nàng đang tự mình cho bú lấy.

Nàng đã đẫy ra, thân hình nở nang đến nỗi khó lòng nhận ra được cô bé Natasa mảnh dẻ và linh hoạt ngày xưa ở người mẹ phốp pháp khoẻ mạnh này. Nét mặt nàng đã rõ hẳn và có một vẻ dịu hiền bình thản và trong sáng. Gương mặt nàng không còn xưa bừng bừng ngọn lửa phấn chấn vốn làm thành sức quyến rũ của nàng kia. Bây giờ nhiều khi người ta chỉ thấy được khuôn mặt và thân thể của nàng, còn linh hồn nàng thì không thể nào thấy được. Chỉ thấy một người đàn bà khoẻ đẹp và mắn con. Ngọn lửa ngày xưa hoạ hoằn lắm mới bừng sáng lên ở nàng. Nó chỉ bừng lên trong khi chồng nàng đi xa về như bây giờ, khi một đứa con của nàng khỏi bệnh hay khi nàng cùng bá tước phu nhân Maria hồi tưởng đến công tước Andrey (nàng không bao giờ nói với chồng về công tước Andrey vì cho rằng chàng ghen với những kỷ niệm của bạn) và hoạ hoằn lắm, khi có việc gì tình cờ lôi cuốn nàng khiến nàng cất tiếng hát, một cái thú mà nàng đã bỏ hẳn từ dạo lấy chồng. Và trong những giây phút hiếm có ấy, khi ngọn lửa ngày xưa lại rực cháy trong thân thể xinh đẹp nở nang của nàng, nàng lại còn đáng yêu hơn cả ngày xưa nữa.

Từ ngày cưới, Natasa vẫn sống với chồng ở Moskva, hay ở nhà mẹ, tức là ở nhà Nikolai. Trong giới xã giao người ta ít gặp bá tước phu nhân Bezukhova trẻ tuổi, và những người gặp nàng đều không hài lòng về nàng. Nàng không đáng yêu, cũng không lịch thiệp.

Không phải tính Natasa thích cô độc (nàng không biết mình có thích thế hay không, thậm chí nàng còn có cảm tưởng là không), nhưng vì cứ thai nghén, sinh nở, cho con bú và tham dự vào đời sống của chồng từng phút nên nàng không thể nào đáp ứng được tất cả những đòi hỏi này bằng cách nào khác hơn là từ bỏ nếp sinh hoạt xã giao. Những ai đã từng biết Natasa trước khi nàng lấy chồng đều phải kinh ngạc khi thấy nàng đã thay đổi hẳn đi như vậy, xem nó như một điều gì phi thường. Chỉ có lão bá tước phu nhân, với bản năng làm mẹ của bà, là hiểu tất cả rằng những cơn bồng bột của Natasa đều do một cội nguồn mà ra, đó là nhu cầu có gia đình, có một người chồng (ở Otradnoye bà đã lớn tiếng tuyên bố như vậy, nửa đùa nửa thật, nhưng thật nhiều hơn là đùa). Chỉ có mẹ nàng là ngạc nhiên về nỗi ngạc nhiên của những người không hiểu Natasa và bà cứ nhắc đi nhắc lại rằng xưa nay bà vẫn biết Natasa sẽ là một người vợ và một người mẹ gương mẫu. Bà thường nói: "Chỉ có điều là nó yêu chồng con quá sức, đến nỗi nhiều khi đâm ra ngớ ngẩn".

Natasa không theo cái khuôn vàng thước ngọc mà những người thông minh, nhất là những người Pháp, thường tuyên truyền, là con gái sau khi lấy chồng không nên buông lơi mình, không nên vứt bỏ tài năng của mình đi, mà phải chăm sóc đến bề ngoài của mình còn hơn cả thời con gái, phải quyến rũ chồng như đã quyến rũ người yêu. Natasa thì trái lại, đã vứt bỏ ngay một lúc tất cả những cái gì có sức quyến rũ của mình, trong đó có một cái có tác dụng đặc biệt mạnh mẽ là tiếng hát của nàng. Nàng đã vứt bỏ nó chính vì nó có sức quyến rũ mạnh mẽ. Nàng không để ý gì đến cách đi đứng, nói năng cho thanh nhã, cũng không buồn phô trương những tư thế đẹp mắt nhất trước mặt chồng, nàng không để ý gì đến trang sức, cũng không chú ý hạn chế bớt những đòi hỏi khắt khe để khỏi làm phiền chồng (tất cả những gì nàng làm đều trái với quy tắc ấy. Nàng cảm thấy rằng những thuật quyến rũ mà bản năng đã dạy cho nàng sử dụng trước kia sẽ đâm ra lố bịch nếu đem phô ra trước mặt chồng, con người mà: ngay từ phút đầu nàng đã hoàn toàn trao thân gửi phận với tất cả tâm hồn, không còn dành lại một góc nhỏ bí mật nào đối với chồng. Nàng cảm thấy mối liên hệ giữa nàng với chồng không phải do những cảm giác thi vị xưa kia đã thu hút "chàng" đến với nàng mà là do một cái khác, không rõ rệt, nhưng vững chắc như sự gắn bó giữa linh hồn nàng và thể xác nàng.

Uốn tóc cho quăn lên, mặc váy phồng và hát những bài hát tình ca để lôi cuốn chồng - những cái đó đối với nàng xem ra cũng kỳ quặc như là trang sức để tự mình thoả mãn với mình. Còn trang sức để làm đỏm với những người khác thì có lẽ nàng cũng thích - nàng cũng không biết có phải thế không - nhưng nàng không làm sao có thì giờ được. Đó chính là lí do chính khiến nàng không để ý gì đến ca hát, trang sức, hay chau chuốt những lời lẽ cho kiểu cách.

Ai cũng biết rằng con người có khả năng tập trung tất cả tâm trí vào một đối tượng duy nhất, dù cho đối tượng ấy có vẻ vô nghĩa đến đâu Và ai cũng biết rằng không có đối tượng nào dù vô nghĩa đến đâu mà lại không được khuếch đại lên đến nỗi trở thành vô cùng tận một khi người ta đã tập trung chú ý vào đấy.

Cái đối tượng mà Natasa để tất cả tâm trí của mình vào là gia đình nàng, là chồng nàng, mà nàng phải giữ làm sao cho chàng hoàn toàn thuộc về mình, thuộc về gia đình và những đứa con mà nàng phải cưu mang, sinh đẻ, nuôi nấng và dạy dỗ.

Và khi càng đi sâu vào cái đối tượng đã thu hết tâm trí của mình, không phải bằng lí trí, mà bằng tất cả tâm hồn, bằng mỗi đường gân thớ thịt của mình, cái đối tượng này lại càng được khuếch đại bởi sức chú ý của nàng, và nàng lại càng thấy sức lực của mình nhỏ bé, vô nghĩa hơn, thành thở có bao nhiêu tinh lực nàng đã đem tập trung hết vào một điểm duy nhất, ấy thế mà nàng vẫn không sao làm xuể tất cả những việc nàng thấy cần làm.

Những câu chuyện trò bàn về quyền lợi của phụ nữ, về quan hệ vợ chồng, về tự do và quyền hạn của hai bên, tuy hồi ấy không gọi là những vấn đề như ngày nay, nhưng cũng vẫn giống hệt như ngày nay - thì không những Natasa không để tâm mà còn chẳng hiểu chút gì nữa là khác.

Những vấn đề này, hồi ấy cũng như bây giờ, chỉ tồn tại đối với những kẻ chỉ nhìn thấy trong hôn nhân sự khoái lạc mà hai vợ chồng đem lại cho nhau, tức chỉ là một yếu tố của hôn nhân mà thôi chứ không phải ý nghĩa toàn vẹn của nó, tức là gia đình.

Những vấn đề ấy cũng tương tự như vấn đề làm thế nào ăn cho thật sướng miệng, hồi ấy cũng như ngày nay các vấn đề ấy không đặt ra đối với những người nghĩ rằng mục đích của bữa ăn là để nuôi sống cơ thể và mục đích của hôn nhân là gia đình.

Nếu mục đích của bữa ăn là nuôi sống cơ thể, thì người nào ăn hai bữa một lúc có thể sướng miệng hơn, nhưng người đó sẽ không đạt được mục đích, bởi vì dạ dày sẽ không tiêu hoá hết tất cả hai bữa ăn.

Nếu mục đích của hôn nhân là gia đình, thì người nào muốn nhiều vợ hay nhiều chồng có lẽ sẽ được nhiều khoái lạc hơn, nhưng dứt khoát họ không thể nào có gia đình.

Nếu mục đích của bữa ăn là nuôi sống cơ thể và mục đích của hôn nhân là xây dựng gia đình, thì tất cả vấn đề chung quy là đừng ăn quá sức tiêu hoá của dạ dày và đừng lấy vợ lấy chồng nhiều hơn số vợ chồng mà việc xây dựng gia đình đòi hỏi, tức chỉ một vợ một chồng mà thôi. Natasa cần có một người chồng. Nàng đã có được người chồng ấy. Người chồng ấy đã cho nàng một gia đình. Và không những nàng không thấy cần một người chồng khác tốt hơn, mà bởi vì bao nhiêu tinh lực của nàng đều dồn vào một mục đích là phục vụ người chồng ấy và cái gia đình ấy, cho nên nàng không thể nào tưởng tượng xem nếu sự thể khác đi thì sẽ như thế nào.

Natasa không thích tiếp xúc với giới xã giao, nhưng chính vì vậy mà nàng lại càng tha thiết với cái thế giới của những người thân thuộc, với bá tước phu nhân Maria, với anh nàng, mẹ nàng và Sonya. Nàng tha thiết với cái thế giới trong đó nàng có thể mặc áo ngủ, để đầu tóc rối tung, rảo bước từ phòng các con ra chỉ cho họ xem chiếc tã bốn dây một vết màu vàng chứ không phải màu xanh cứt ngựa, với vẻ mặt hân hoan và nghe lời an ủi của họ nói rằng thế là đứa bé đã đỡ nhiều.

Natasa buông lơi mình đến nỗi áo quần, cách trang điểm những câu nói không phải của nàng, cái tính hay ghen của nàng - nàng ghen với Sonya, với chị giữ trẻ, với bất cứ người đàn bà nào dù đẹp hay xấu - đã được tất cả những người thân thuộc đem làm đầu đề đùa bỡn hàng ngày.

Theo ý cả nhà thì Piotr bị vợ xỏ mũi, và sự thật là như vậy. Ngay từ những ngày đầu chung sống, Natasa đã tuyên bố những yêu sách của mình. Piotr rất đỗi ngạc nhiên về quan niệm của vợ - Một quan niệm mà chàng thấy là hoàn toàn mới mẻ - Cho rằng mỗi giây phút của đời chàng đều thuộc về nàng và thuộc về gia đình. Piotr ngạc nhiên về những yêu sách của vợ, nhưng cũng thấy tự hào và cũng vui lòng phục tùng.

Cái tình trạng phục tùng của Piotr ở chỗ không những chàng không dám tán tỉnh và thậm chí cũng không dám mỉm cười trong khi nói chuyện với một người đàn bà nào khác, chàng không dám đến các câu lạc bộ, dự những bữa tiệc "gọi là để tiêu khiển", chàng không dám tiêu tiền theo những ý thích riêng, cũng không dám đi xa lâu, trừ những khi có công có việc - Trong số những công việc này nàng kể cả những việc nghiên cứu khoa học của chàng mà nàng chẳng hiểu tí gì nhưng cũng cho là rất quan trọng. Ngược lại, ở nhà Piotr có toàn quyền muốn làm gì thì làm, không những đối với bản thân mình mà ngay cả đối với gia đình cũng vậy. Trong gia đình, Natasa tự đặt mình vào địa vị người nô lệ của chồng, và cả nhà đều phải đi rón rén khi Piotr đang làm việc - tức đọc sách hay viết lách trong phòng. Chàng chỉ hơi ngỏ ý cần cái gì là Natasa đứng phắt dậy chạy đi làm ngay.

Cả nhà răm rắp tuân theo những cái gọi là mệnh lệnh của ông chồng, tức là những ý muốn của Piotr mà Natasa cố đoán ra. Cách sống, chỗ ở, bạn bè giao dịch, những việc làm của Natasa, việc dạy dỗ các con, mọi việc đều được quyết theo ý muốn mà Piotr ngỏ ra.

Ngoài ra Natasa còn tìm cách phỏng đoán những ý nghĩa có thể toát ra từ những lời nói hay những câu chuyện của chàng. Nàng đoán đúng được thực chất những ý muốn của Piotr, và một khi đã đoán ra là nàng một mực làm cho kỳ xong theo cách nàng đã chọn. Và khi Piotr muốn thay đổi ý muốn thì nàng lại dùng ngay những vũ khí của chàng để chống lại chàng.

Chẳng hạn, trong một thời kỳ gay go mà Piotr ghi nhớ mãi, sau khi sinh đứa con đầu lòng yếu ớt, họ phải thay đến ba người vú em, và Natasa lo phiền quá đến nỗi sinh bệnh, một hôm Piotr giảng giải cho nàng nghe những quan niệm của Russeau mà chàng hoàn toàn tán thành, cho rằng việc dùng vú em là trái tự nhiên và có hại. Đến khi sinh đứa thứ hai, mặc dầu mẹ nàng, thầy thuốc và ngay cả chồng nàng không muốn để cho nàng tự cho con bú vì đó là một việc không thấy ai làm và thậm chí có hại, nhưng Natasa giữ vững ý mình và từ đó trở đi đứa con nào cũng tự mình cho bú lấy.

Có nhiều khi trong những phút giận dỗi, hai vợ chồng cũng cãi cọ nhưng sau đấy một thời gian, Piotr vui sướng và ngạc nhiên nhận thấy những lời nói cũng như việc làm của Natasa đều phản ánh đúng cái ý kiến của chàng đã bị Natasa cãi lại. Và không những chàng thấy ý kiến ấy được thực hiện, mà còn thấy nó được tước bỏ hết những phần quá khích trong cách nói của chàng lúc đang say sưa tranh cãi.

Sau bảy năm chung sống, Piotr vui sướng nhận thức một cách chắc chắn rằng mình không phải là người xấu, và chàng cảm thấy như vậy là vì thấy rõ hình ảnh mình được vợ phản chiếu lại. Trong thâm"tâm, chàng cảm thấy cái tốt và cái xấu ở trong mình lẫn lộn vào nhau và che mờ lẫn nhau. Nhưng ở vợ chàng thì chỉ thấy phản ánh những cái gì tốt thật sự, tất cả những gì không hẳn là tốt đều bị gạt đi. Và sự phản ánh này diễn ra không phải thông qua tư duy lô-gich, mà qua một con đường khác, trực tiếp và huyền bí.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.