Củi Khô Bốc Lửa

Chương 37: Đoàn lữ hành đầy nắng




Thấm thoát lại đến mùa xuân, mùa xuân năm ấy đẹp lắm, theo trí nhớ của Thúy Vân thì nó vẫn như vậy, chim én bay lượn đầy trời như những chiếc thoi, những bông hoa lê trắng muốt, những đồi cỏ xanh, xanh tận đến chân trời. Tiết Thanh Minh có lễ Tảo Mộ và hội Đạp Thanh nên thiên hạ gần xa nô nức đi trẩy hội rất đông, ngay cả ba chị em nhà Thúy Kiều cũng không khác thiên hạ là bao!

Khác, chỉ khác một chỗ, Thúy Vân năm nay đã không còn là Thúy Vân của ngày xưa nữa rồi.

Nhớ lại năm đó, Thúy Vân là kẻ hào hứng nhất trong ba người, thậm chí còn hơn cả Vương Quan, chỉ có điều nàng giấu kín trong lòng, bên ngoài cũng không có biểu hiện gì nhiều!

Thúy Vân vuốt nhẹ lại tóc mái vừa bị gió thổi rối lại, chầm chậm nghiêng đầu quan sát phố xá tấp nập. Tài tử giai nhân dập dìu như nước chật cứng cả con phố, khăn áo đủ màu đủ sắc, xe ngựa nhiều đếm không hết, người ta kéo nhau lên viếng thăm, thắp hương, cầu nguyện và cúng lễ tại các ngôi mộ của thân nhân. Những thoi vàng giấy được rải ra, tro tiền giấy phất phới bay trên không trung, đâu đó thoang thoảng mùi khen khét hòa lẫn vào vị nhang khói dày đặc như sương mù ở nơi đây.

Sau một hồi cúng bái, chị em Thúy Kiều Thúy Vân cũng bắt đầu thong thả ra về. Cả bọn đang thong thả vừa đi vừa ngắm cảnh, dòng suối nhỏ êm ái chảy bên cạnh, phong cảnh hữu tình, cuối ghềnh lại có một cây cầu nhỏ bắc ngang. Thúy Kiều đang đi phía trước bỗng nhiên khựng lại, Thúy Vân ngạc nhiên tiến lên nhìn thì khuôn mặt hơi tái đi.

Thật là, tại sao đi đâu cũng gặp quỷ được thế này?

Trước mặt Thúy Kiều cùng Vương Quan là một nấm mồ nhỏ quạnh hiu không ai chăm sóc tới, cỏ trên nấm mộ nửa vàng nửa xanh, có vẻ ảm đạm điêu tàn.

Thúy Kiều đăm chiêu nhìn nấm mộ ấy, sau đó quay sang hỏi hai đứa em của mình:

“Tại sao trong ngày Thanh Minh mà nơi đây lại vắng tanh, không có ai đến viếng thăm và đốt hương thế này?”

Vương Quan bây giờ đã trưởng thành, cao hơn trước rất nhiều, điệu bộ chững chạc điềm tĩnh, nghe Thúy Kiều hỏi xong thì “PHẠCH” một tiếng, quạt trên tay được bung ra, phe phẩy vài cái. Thúy Vân thấy bộ dáng màu mè hoa lá hẹ của Vương Quan thì phì cười, nỗi sợ hãi trong lòng vơi xuống một chút.

Vương Quan tiến lên phía trước nấm mồ, vén mộ ra xem xét hồi lâu mới quay sang nói với Thúy Kiều:

“Đây là mộ của Đạm Tiên, em nghe nói ngày xưa nàng là một ca nhi nổi tiếng tài sắc một thời, biết bao nhiêu người đã tìm tới nàng nhưng phận hồng nhan quá mỏng, nàng chết khi vẫn còn rất trẻ…”

Khuôn mặt Thúy Vân vừa hồi phục bình thường lại hơi tái đi.

Vương Quan dừng lại lúc lâu, sau đó hai tay chắp ra sau lưng, tiếp tục nói: “Năm đó có một người ở phương xa nghe danh tiếng nàng đã tìm đến để cầu thân, nhưng khi đến nơi thì nghe tin nàng vừa mất. Trâm đã gảy, bình đã rơi, những người trong quá khứ đã từng dập dìu lui tới vì tài sắc của nàng bây giờ không một ai trở lại, dấu xe ngựa của họ đã phủ rêu xanh. Người khách này động lòng than khóc, ông cho là mình không có duyên gặp gỡ giai nhân và đã quyết định làm một nghĩa cử cao đẹp với hi vọng được tái ngộ với nàng ở kiếp sau. Ông ta bỏ tiền ra lo tang lễ cho Đạm Tiên, nấm mồ này có lẽ là do ông ta đắp nên. Từ đó đến nay, nấm mồ được phó thác cho cỏ hoa, ngày tháng đi qua, nó vẫn là một nấm mồ vô chủ, vì vậy chẳng có ai tới viếng thăm, dù là trong tiết Thanh Minh này…”

Thúy Vân mặt xám ngoét như tro tàn, mắt khẽ nhắm lại, tay phải run run giữ chặt làn váy, tay trái dùng để vỗ về trái tim nhỏ bé…

Vì sao Thúy Vân phải run?

Đương nhiên là vì cô gái đang ngồi trên nấm mồ ấy vừa gật đầu, tay vừa gạt lệ, thấy Thúy Vân nhìn nàng thì cô gái xinh đẹp tuyệt trần kia bỗng nhiên lên tiếng khen ngợi: “Công tử tiểu đệ của cô nương thật là thông minh hơn người, chuyện gì cũng biết!”

Thúy Vân đơ mặt, miễn cưỡng cười cười đáp lễ, sau đó vội cụp mắt xuống nhìn chân mình, hai chân đã bắt đầu run run theo nhịp tim đang đập ình ịch của nàng.

Nam mô, ta xuống núi mà không có dắt theo Minh Thường đại sư nên không đủ can đảm nói chuyện cùng các ngươi đâu, đừng có nói nữa mà!

Cô gái mặc bộ trang phục màu hồng phấn ngồi trên nấm mồ kia dường như không thấy vẻ sợ sệt lúc này của Thúy Vân, đôi mắt cứ đăm chiêu nhìn vào Thúy Kiều: “… Năm xưa ta cũng xinh đẹp như đại tỉ của cô vậy… Tiếc là… Hồng nhan bạc phận…Haiz…”, sau đó, nước mắt lại lã chã rơi đầy khuôn mặt gầy gò.

Lúc này Thúy Kiều bỗng dưng cũng khóc tức tưởi, nghẹn ngào nói: “Số phận đàn bà thật đau đớn, cái từ ‘phận mỏng’ cũng là để nói lên được nỗi đau khổ, bất hạnh của nhiều người. Ông trời thật quá phũ phàng, tuổi trẻ đi qua, thanh xuân phai tàn, khi còn sống thì phải làm vợ của thiên hạ, lúc chết đi lại làm con ma không chồng. Bây giờ những kẻ đã ham chuộng tài hoa và sắc đẹp, tất cả những người đã từng bỏ ra tiền của để được cùng với Đạm Tiên vui vầy loan phượng đã bỏ đi đâu hết rồi?...”

Thúy Kiều càng nói, nước mắt rơi xuống càng nhiều, không hiểu sao khi nghe xong câu chuyện tang thương kia, lòng nàng cứ âm ỉ đau mãi không ngớt, trái tim quặn thắt lại, một nỗi đau phế gan phế ruột, nức nở ôm mặt quỳ xuống trước mộ Đạm Tiên.

Thúy Vân càng run hơn nữa, không biết phải làm sao, vội ném phăng nỗi sợ hãi trong lòng qua một bên mà kéo đại tỉ Thúy Kiều nhà mình đứng dậy, tiếc là hơi muộn. Vốn Đạm Tiên ngồi trên nấm mộ, sau khi nghe thấy Thúy Kiều nói những lời đó thì kích động vô cùng, từ trên mộ trườn xuống trước mặt Thúy Kiều, tay còn nhẹ nhàng vuốt mặt của tỉ ấy, trong chốc lát, cả người biến mất, biến thành cơn gió quấn chặt lấy Thúy Kiều, một hồi sau mới bay đi.

Trong mắt Thúy Kiều cùng Vương Quan, đó chỉ là một cơn gió nhưng trong mắt Thúy Vân, đó là một con ma, một con ma biết biến thân thành gió rồi quấn lấy người ta, á á!

Khóc được một hồi lâu, Thúy Kiều nhìn Thúy Vân rồi nói: “Thúy Vân, mau đem một ít nhang đèn còn khi nãy lại đây!”

Thúy Vân y lời nghe theo, sau khi nhận được nhang, Thúy Kiều bắt đầu lầm rầm khấn vái cầu nguyện, giọng lúc nhỏ lúc to, rồi nàng ngồi sụp xuống, đặt một nắm cỏ lên mộ làm lễ vật, sau đó đứng dậy bước ra. Tuy Thúy Vân không quỳ như đại tỉ nhà mình nhưng cũng cực kì thành tâm mà khấn vái: “Đạm Tiên cô nương, xin cô đêm nay đừng tới ám ta, ta thật sự là một kẻ yếu bóng vía, cô rất không nên đến trò chuyện cùng ta, nếu như cô mà đến thật, không chừng ngày mai ta sẽ thành hồn ma để chơi cùng với cô mất… Ây đa, chỉ là dùng để ví von cho sống động lên thôi, cô làm ơn đừng tưởng thật, hu hu…”

Khấn vái xong, nàng vung tay lên trời vài vòng, học theo mấy lão đạo sĩ hay mưu sinh bằng nghề trừ tà diệt ma. Lúc này, Thúy Kiều rút một cây trâm vàng trên đầu ra, rạch lên da cây một bài thơ có đủ ba vần để tặng Đạm Tiên. Tâm hồn nàng vẫn mãi nghĩ tới số phận người quá cố nên nàng chỉ đứng lặng yên ở một chỗ mà không nỡ rời chân đi. Bóng chiều nhuộm vàng một vùng cây, gió chiều bắt đầu hiu hiu thổi làm lay động vài bông lau gần đấy. Cảnh vật thấm đẫm nỗi buồn như thế khiến Thúy Kiều không cầm lòng được, nước mắt lại tuôn rơi…

Thúy Vân thấy cảnh tượng này thì im lặng nhích tới đứng gần sát bên Thúy Kiều, nếu nàng nhớ không lầm, trước khi khi thấy Thúy Kiều khóc lóc một cách vô lí thế này, Thúy Vân đã cật lực phản đối, thậm chí lúc đó nàng còn nói thế này này: “Tỉ thật là buồn cười, nước mắt đâu mà tỉ có dư dả để khóc những người từ đời xưa cũ đó?”, thế mới nói, bây giờ chỉ có nàng có khả năng thông linh, hồn ma cũng chỉ có mình nàng thấy, Vương Quan cùng Thúy Kiều có hay biết gì đâu nên đương nhiên Thúy Vân sợ mất mật ra rồi.

Vương Quan từ đâu tới cuối vẫn không hiểu có chuyện gì xảy ra, bỗng dưng đại tỉ nghe hắn kể xong thì lệ tuôn ào ạt trong khi nhị tỉ khuôn mặt lúc xanh lúc trắng tái nhợt cả lên. Vương Quan nhìn xung quanh một vòng, không thấy gì kì lạ cả, đành gãi gãi đầu:

“Đại tỉ… tỉ khóc cái gì vậy?”

Thúy Kiều nghe thấy Vương Quan hỏi thì trả lời: “Phận hồng nhan từ xưa đến nay lúc nào cũng bạc cả, không hiểu sao càng nghĩ tỉ càng thấy đau xót. Nhìn người đang nằm dưới mộ kia mà phân vân không biết số mệnh của ta ngày sau sẽ ra sao…”

Vương Quan nghe Thúy Kiều nói vậy bỗng nhiên có chút bất an, trong lòng cứ thấp thỏm không yên kèm theo một nỗi sợ hãi mơ hồ.

“Đại tỉ, tỉ nói xui gì vậy? Đó là só mệnh của cô gái tên Đạm Tiên kia, sao tỉ cứ nói như đó là mệnh của tỉ vậy, đệ cảm thấy không thú vị chút nào đâu. Ở đây âm khí nặng nề ngột ngạt, trời cũng tối rồi, chúng ta mau về thôi.”

Thúy Vân nghe thằng em bảo bối của mình đề nghị ra về thì mừng rơn, đầu gật liên tục, tay túm lấy Thúy Kiều mà lôi về, nào ngờ Thúy Kiều vùng tay Thúy Vân ra, vô thức chạm tay lên ngôi mộ, nước mắt vốn đã khô giờ lại tràn khóe mi: “Những bậc tài hoa, khi chết chỉ có phách của họ tan rã mà thôi, chứ cái phần hồn thế nào cũng còn tồn tại. Có thể là khi cảm thấy gặp được tri kỉ, hồn Đạm Tiên sẽ hiển linh cho chúng ta thấy…”

Thúy Vân xám hồn ngay lập tức, hai chân bắt đâu run rẩy trở lại. Đại tỉ Thúy Kiều của nàng, cầu gì không cầu, lại cầu gặp ma!!!!

Lúc mọi người chưa phản ứng kịp thì bỗng nhiên xuất hiện một trận gió lớn, tán cây rung ào ạt, trong gió còn thoang thoảng mùi hương bay. Theo chiều gió mà nhìn… Thúy Kiều ngưng khóc, Vương Quan há hốc mồm, còn Thúy Vân mặt mũi méo xệch, trong lòng nước mắt rơi bồm bộp.

Cuối hướng gió, trên nền rêu xanh bỗng nhiên xuất hiện những dấu giày thêu của nữ nhân…

Thúy Vân choáng váng nhìn cô gái xinh đẹp những tưởng đã biến mất khi nãy bây giờ bỗng nhiên xuất hiện, đã vậy vừa chậm chạp đi, vừa để lại vài dấu chân, vừa nhìn Thúy Vân cười: “Cô nương, cô nhìn thấy ta mà còn sợ cái gì!”

Được rồi, Thúy Vân sắp ngất xỉu đây, có ai muốn đỡ nàng không?

Hồn ma của Đạm Tiên từ từ tiến lại gần chỗ của Thúy Vân, khi nàng ta sắp chạm vào Thúy Vân thì Thúy Vân quyết định, nàng chỉ còn con đường ngất xỉu.

Đoạn, mỗ nữ chạy đến bên cạnh Vương Quan, sau đó ngã lăn ra.

Vương Quan thấy nhị tỉ mình đang khỏe đang mạnh thì ngã xuống, hai mắt nhắm nghiền, dường như là đang hôn mê bất tỉnh nên vội đỡ lấy.

Trước khi ngất Thúy Vân chỉ kịp nghe một câu cảm thán của Thúy Kiều: “Thật là linh ứng, khi đã hiểu nhau rồi thì quan tâm khoảng cách giữa âm dương hai cõi làm gì nữa? Đã có cơ hội được gặp nhau, xin nàng đừng phân biệt kẻ âm người dương, cứ xem như tỉ muội kết nghĩa đi!”

Kiều nói những lời ấy để tạ ơn Đạm Tiên đã hiển hiện cho chị em nàng trông thấy. Lòng thơ còn lai láng, bồi hồi, Kiều lại rút trâm trên đầu vạch thêm một bài thơ nữa vào gốc cây theo thể cổ phong tứ tuyệt.

Lúc Thúy Vân tỉnh lại thì thấy cảnh tượng Thúy Kiều đang khắc khắc ghi ghi dang dở bài thơ, nàng tức muốn xỉu lần nữa. Đã biết nơi này có ma mà còn cố chấp ở lại, thế là mỗ nữ lôi Thúy Kiều về, Thúy Kiều lại một mực muốn hoàn thành bài thơ nên không chịu, Vương Quan thấy có vẻ không xong nên đành phải can thiệp vào, thế cả cả ba cứ dùng dằng mãi bên đường mà không xong chuyện…

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.