Con Vợ Hâm Lắm Chiêu

Chương 1: Thái Tử Djaro




Triệu Hú nghĩ vậy bất giác nổi lôi đình, lập tức xé tan bản tâu.

Mấy hôm sau Triệu Hú lâm triều, Phạm Tô Vũ lại dâng bản tâu nói:

"Ðầu đời Chiêu Ninh, Vương An Thạch là Lã Huệ Khanh dựng ra phép mới, biến đổi lề luật cũ của tổ tông, đưa nhiều kẻ tiểu nhân vào làm hỏng việc nước. Ngoài ra dùng binh cơ để mở rộng biên thuỳ, gây thù oán với ngoại bang khiến cho sinh linh đồ thán, trăm họ lưu ly".

Triệu Hú coi tới đây, lửa giận bốc lên ầm ầm, mắng thầm:

- Ngươi thoá mạ Vương An Thạch và Lã Huệ Khanh thì có khác gì thoá mạ phụ hoàng ta?

Nhà vua lại xem xuống dưới:

"Thái Xác mở nhà ngục lớn, Vương Thiều lấy Tây Hồ, Chương mở rộng, Thẩm Khởi, Thẩm Quát gây cuộc tao tác và động binh làm quân sĩ tử thương tới hai mươi vạn người. Ðức tiên đế lâm triều đầy lòng hối hận. Ngài tuyên bố triều đình phải chịu trách nhiệm này." "Khi ấy dân gian sầu khổ oán hận, gây nên mầm loạn." "Nhà Hán, nhà Ðường mất nước cũng do nhà cầm quyền bắt dân phải lao đầu vào công cuộc xây dựng vĩ đại, không được nghỉ ngơi. Những kẻ vì chút lợi nhỏ mà gây oán hờn cho quốc dân thì dù có đa hình khu trục cũng chưa đủ để tạ tội với trăm họ".

Triệu Hú coi tới đây không nhẫn nại được nữa, vỗ long án đứng lên.

Triệu Hú tuổi mới mười tám đã ở ngôi cao lại tính tình nóng nảy. Một ông vua mà nổi nóng giữa triều đình thì quần thần không khỏi sợ hãi thất sắc.

Triệu Hú lớn tiếng quát hỏi:

- Phạm Tô Vũ! Bản tâu của ngươi nói thế này phải chăng là buông lời phỉ báng?

Phạm Tô Vũ dập đầu tâu:

- Xin bệ hạ minh xét cho. Kẻ vi thần khi nào dám lỗi đạo với vua.

Triệu Hú mới lên nắm quyền hành mà thấy quần thần đều khiếp sợ, trong lòng rất lấy làm đắc ý, nộ khí tiêu tan. Nhưng y vẫn giữ vẻ mặt nghiêm khắc lớn tiếng nói:

- Ðức Tiên đế là bậc thiên tài tất phải có chí lớn. Ngài muốn bình định giang sơn, thống nhất thiên hạ. Ðáng tiếc là ngài tuổi trẻ băng hà. Nay trẫm muốn nối di chí của tiên đế, sao lại không được. Các ngươi đã nói nhàm cả tai trẫm lại còn trách tiên đế thay đổi cựu pháp là nghĩa làm sao?

Bỗng trong bọn đinh thần, một vị tướng mạo thanh tao, oai phong bệ vệ bước ra. Vị đại thần này chính là tể tướng Tô Triệt.

Triệu Hú vừa trông thấy đã phát ngán nghĩ thầm:

- Lão này là em thằng cha rậm râu họ Tô. Hai anh em y cấu kết với nhau, nhưng vẫn khôn ngoan không để lộ hình tích.

Bỗng nghe Tô Triệt lên tiếng:

- Xin bệ hạ minh xét: Ðức Tiên đế có nhiều điểm vượt cả tiền nhân. Tỷ như ngài ở ngôi hai chục năm trời mà chung thân không chịu tôn hiệu. Kẻ vi thần đã làm bản tâu dâng lên ca tụng đức lớn mà Tiên đế vẫn khiêm nhượng không nhận. Còn việc triều chính có điều lầm lẫn thì bất cứ đời nào chả có? Vả lại việc cha đã lầm trước, con cái ai bổ cứu về sau. Ðó là đạo hiếu của người xưa.

Triệu Hú hắng giọng một tiếng, không nhìn vào mặt Tô Triệt chỉ hững hờ hỏi lại:

- Cha đã lầm trước, con cái bổ cứu về sau là ý nghĩ làm sao?

Tô Triệt đáp:

- Hạ thần nói đây là tỷ việc vua Hán Võ Ðế ngày xưa. Hán Võ Ðến ngoài tánh tứ di, trong dựng cung thất, tiền tài khánh kiệt, đến nỗi phải sang đoạn tài vật cùng nguồn lợi của bá tánh. Nhân dân không chịu nổi suýt sinh hoạ loạn. Vua Võ Ðế băng giá rồi, vua Chiêu Ðế lên nối ngôi, thu đúng Hoắc Quang, bỏ việc phiền hà, mà nhà Hán trở lại vững vàng.

Triệu Hú lẩm bẩm:

- Thế ra ngươi lấy việc Hán Võ Ðế để tỷ với phụ hoàng ta.

Tô Triệt thấy mặt rồng nhăn nhó, biết là nguy hiểm, nghĩ thầm:

- Nếu ta còn nói nữa hoàng thượng nổi lôi đình, không chừng mình đến mất mạng. Nhưng nếu mình cứ thuận gió theo chiều để cho trăm họ lầm than, xiết nỗi cơ hàn, lưu ly thất tán, thì ta đây là một vị đại thần trong nước, nhẫn tâm thế nào được? Ðời vua Quang Võ nhà Ðông Hán lấy việc giám sát ra làm gốc tra xét lời nói của bá quan, thật là tỷ mỉ. Khi vua Chương Ðế lên nối ngôi lại thay đổi dùng chính sách khoan hồng mà lòng người vui vẻ, thiên hạ thịnh trị. Ðó là những bậc làm con đã bổ cứu những lỗi lầm của tiên phụ, ra thành những bậc đại hiếu để tiếng thơm muôn đời?

Triệu Hú lớn tiếng hỏi:

- Ngươi lấy việc vua Hán Võ Ðế để tỷ với Tiên hoàng?

Tô Triệt thấy nhà vua nổi giận thì dập đầu lạy luôn mấy lạy rồi từ trong điện chạy ra sân, quỳ xuống để chịu tội, không dám nói gì nữa.

Bá quan sợ xanh mặt không ai dám giải thích giùm Tô Triệt.

Bỗng thấy một vị đại thần đầu tóc bạc phơ vượt mọi người đi ra.

Lão là Phạm Thuần Nhân.

Phạm Thuần Nhân ung dung nói:

- Xin bệ hạ dẹp lôi đình. Nếu Tô Triệt có điều thất thố cũng chỉ vì y một dạ trung thành với bệ hạ. Bệ hạ mới lên chấp chính, đối với đại thần nên lễ mạo.

Triệu Hú nói:

- Người ta đã có câu: "Tần Hoàng Hán Võ". Vậy Hán Võ Ðế cũng tàn bạo như Tần Thủy Hoàng. Y nói thế chẳng là vô đạo lắm ư?

Phạm Thuần Nhân tâu:

- Lời Tô Triệt nói đây là nghị luận thời thế cùng sự việc, chứ không phải nói về người.

Triệu Hú nghe Phạm Thuần Nhân giải thích mới nguôi cơn giận quát lên:

- Tô Triệt! Ngươi hãy vào đi!

Tô Triệt từ trong sân trở vào điện không dám đứng ở chỗ cũ mà quỳ ở sau cùng hàng quần thần, nói:

- Kẻ vi thần đắc tội với bệ hạ. Xin bệ hạ ban hình phạt cho.

Hôm sau có chiếu ban ra giáng chức Tô Triệt đang làm Ðoàn minh điện học sĩ phải xuống làm Tri châu Như Châu.

Quân thám tử nước Liêu biết hết động tĩnh tại Nam triều liền về Thượng Lĩnh phi báo.

Liêu chúa là Gia Luật Hồng Cơ được tin Hoàng thái hậu Nam triều băng giá mà Hoàng đế Triệu Hú hãy còn nhỏ tuổi chỉ muốn tung hoành lộng võ, giáng chức hết thảy đại thần thì mừng rỡ vô cùng nói:

- Các ngươi sắp sửa xa giá để ta xuống Nam Kinh thương nghị với Tiêu Ðại vương!

Gia Luật Hồng Cơ lại nói:

- Bọn thám tử Nam triều ở Thượng Kinh không phải là ít. Nếu biết chúng ta đến Nam kinh, tất họ đề phòng ghê gớm lắm. Vậy số binh kỵ theo ta giảm bớt đi và phải lập tức lên đường, chẳng cần báo trước cho Nam viện Ðại vương nữa.

Liêu chúa dẫn ba ngàn giáp binh lật đật đi ngay. Nhà vua nhớ đến cái loạn Sở vương ngày trước, liền lưu quan binh lại giữ Thượng kinh và do đích thân Hoàng hậu là Tiêu thị thống lãnh binh quyền.

Liêu chúa lại phái năm vạn binh mã hộ tống, nhưng để đi sau.

Một ngày kia, Liêu chúa ngự giá đến ngoài thành Nam kinh thì Tiêu Phong lại đem hơn hai chục kỵ binh ra săn bắn ngoài Bắc giao.

Tiêu Phong được tin Liêu chúa đột ngột đến Nam kinh liền ruổi ngựa tiến về hướng Bắc để nghênh tiếp.

Vừa thấy cờ trắng lọng vàng ở phía xa, Tiêu Phong đã xuống ngựa đi bộ lật đật tiến lại bái phục dưới đất.

Gia Luật Hồng Cơ xuống ngựa cười ha hả nói:

- Hiền đệ! Ta cùng hiền đệ tiếng là vua tôi mà thực ra là tình thân như cốt nhục cần gì phải làm đại lễ.

Gia Luật Hồng Cơ nâng Tiêu Phong dậy hỏi:

- Có nhiều dã thú không?

Tiêu Phong đáp:

- Mấy hôm nay rét dữ, dã thú đều lánh xuống phương Nam, tiểu đệ đi săn đã nửa ngày mới được con sói xanh và mấy con hươu nhỏ chẳng có chi đáng kể.

Gia Luật Hồng Cơ cũng thích săn bắn lắm liền nói:

- Chúng ta lại xuống Nam giao kiếm dã thú đi! Tiêu Phong đáp:

- Nam giao liên tiếp với đất đai của Nam triều. Thần sợ mất hoà khí giữa hai nước, nên nghiêm cấm bọn thuộc hạ không được đi săn về phía đó.

Gia Luật Hồng Cơ hơi nhíu cặp lông mày hỏi:

- Thế thì không đi "kiếm lương thảo" ư?

Tiêu Phong đáp:

- Không!

Gia Luật Hồng Cơ nói:

- Bữa nay anh em mình tụ hội, phá bỏ lệ đó một lần cũng chẳng hề chi.

Tiêu Phong đáp:

- Dạ!

Hiệu tù và nổi lên. Gia Luật Hồng Cơ cùng Tiêu Phong cưỡi ngựa sánh vai mà đi, quanh bức tường thành Nam kinh, thẳng xuống phía Nam.

Ði chừng hơn hai trăm dặm, quân sĩ reo hò chia ra hai ngả thành hình cái quạt kéo đi rồi quay đầu lại.

Tiếng ngựa pha lẫn với tiếng chó sủa loạn lên. Bốn bề từ từ quay lại. Vòng vây mỗi lúc một nhỏ hẹp. Loại cáo chồn trong cỏ rậm chạy ra. Nhưng Gia Luật Hồng Cơ không muốn bắn giết những con dã thú nhỏ bé này. Chờ hàng nửa ngày, thuỷ chung vẫn chẳng thấy những loài thú lớn như gấu, hổ xuất hiện.

Ðang lúc cụt hứng, bỗng nghe có tiếng kêu loạn lên, từ góc Ðông Nam, mười mấy gã hán tử chạy như bay tới nơi. Cứ trông cách ăn mặc của họ thì biết ngay toàn là bọn săn bắn và tiều phu người ở Nam triều.

Quân Liêu đuổi dã thú chẳng được biết là Hoàng thượng không vui, liền quay ra vậy mười mấy người Hán này. Chúng quát tháo om sòm đuổi rượt, bức bách bọn Hán tử phải chạy về phía trước Liêu chúa.

Gia Luật Hồng Cơ cười nói:

- Bọn này đến đây hay lắm.

Rồi giương cung lắp tên bắn ra veo véo. Liêu chúa bắn ra không sai phát nào. Chớp mắt đã có sáu người ngã, tên suốt qua bụng cắm chặt xuống đất.

Bọn người chưa bị bắn khiếp đảm chạy về phía Nam thì lại gặp Liêu binh dùng trường mâu phóng ra bắt buộc họ phải quay trở lại.

Tiêu Phong thấy thế trong lòng đau xót la lên:

- Bệ hạ!

Gia Luật Hồng Cơ cười nói:

- Bọn này để dành cho ngự đệ. Ta muốn coi thần tiễn của hiền đệ!

Tiêu Phong lắc đầu đáp:

- Bọn này vô tội, nên tha cho họ quách!

Gia Luật Hồng Cơ cười nói:

- Người Hán nhiều lắm mà! Nếu giết họ đi dĩ nhiên thiên hạ càng thái bình thịnh trị. Bọn chúng đầu thai làm người Hán cũng đáng tội chết rồi đó!

Nói xong Liêu chúa dùng liên châu tiễn bắn ra. Mỗi một mũi trúng một tên. Thế là mười mấy người Hán chẳng một ai thoát. Có người chết ngay lập tức. Có người trúng vào bụng chưa chết ngay thì ngã lăn ra rên xiết!

Bọn Liêu binh lớn tiếng reo hò, hoan hô:

- Vạn tuế!

Giả tỷ lúc ấy Tiêu Phong muốn ngăn trở thì có thể bắn cho những mũi tên của Liêu chúa phải rớt xuống, nhưng ông lại nghĩ rằng: "trước mặt quân sĩ mà mình công nhiên làm bẽ mặt Hoàng đế thì phạm tội đại nghịch", chỉ có nét mặt ông lộ ra vẻ không bằng lòng.

Gia Luật Hồng Cơ thấy vậy liền cười hỏi:

- Thế nào?

Liêu chúa toan thu cung nỏ về thì chợt thấy một người cưỡi ngựa xông qua vòng vây chạy đến.

Gia Luật Hồng Cơ thấy người cưỡi ngựa ăn mặc ra kiểu người Hán thì chẳng thèm hỏi gì nữa, giương cung lắp tên bắn ngay.

Người kia chĩa hai ngón tay thẳng lên cặp lấy lông đuôi mũi tên.

Giữa lúc ấy thì mũi tên thứ hai của Gia Luật Hồng Cơ lại bắn tới.

Người kia lại đưa tay trái lên cặp mũi tên thứ hai mà ngựa vẫn không dừng bước xông về phía Liêu chúa.

Hồng Cơ liền bắn nỏ liên châu mũi tên nọ nối đuôi mũi tên kia. Nhưng tên càng bắn bao nhiêu, thì người kia càng bắt mau bấy nhiêu. Chỉ trong chớp mắt y bắt đến mười mấy mũi tên.

Lúc này hai bên gần nhau. Tiêu Phong nhìn rõ mặt người mới đến thì giật mình kinh hãi la lên:

- A Tử! Ngươi đấy ư? Không được vô lễ với Hoàng thượng!

Hai mươi tên quân Liêu đi hộ vệ đều ra trường mâu ra ngăn cản trước Liêu chúa. Chúng sợ người mới đến làm kinh hãi đến Vương gia.

Khách kỵ mã cười khanh khách nắm cả mười mấy mũi tên lang nha liệng lên trên không, gọi to:

- Tỷ phu! Sao tỷ phu đã biết tiểu muội đến mà ra đây nghênh tiếp?

Hai chân nàng đứng trên lưng ngựa nhảy vọt qua đầu hơn hai mươi tên thị vệ hạ mình xuống trước ngựa Tiêu Phong.

Bóng người thấp thoáng áo tía phất phơ, thân hình uyển chuyển quả nhiên là A Tử. Cặp mắt nàng nay đã biến thành sáng loáng.

Tiêu Phong vừa kinh hãi vừa vui mừng reo lên:

- A Tử! Sao... mắt Tử Muội lại khỏi được?

A Tử cười đáp:

- Chính nhị đệ của tỷ phu đã chữa cho đó. Tỷ phu bảo y có giỏi không?

Tiêu Phong nhìn lại mắt A Tử thì không khỏi run lên vì trong khoé mắt nàng dường như chứa đầy nỗi thương tâm tịch mịch, không bút mực nào tả được.

Theo lẽ ra cặp mắt nàng đã sáng trở lại mà trùng hội Tiêu Phong thì nàng phải vui mừng khôn xiết mới đúng. Thế mà trái lại, nàng lộ vẻ cực kỳ đau khổ là nghĩa làm sao? Có điều trong tiếng cười của A Tử lại tỏ ra rất vui mừng.

Tiêu Phong tự hỏi:

- Chẳng lẽ A Tử dọc đường đã gặp điều bất như ý?

Giữa lúc ấy A Tử đột nhiên thét lên lanh lảnh. Người nàng đang ở trong lòng Tiêu Phong bỗng co lại rồi nhảy vọt ra phía trước.

Tiêu Phong cũng đã phát giác ra có người ở sau lưng mình đột nhiên đến ám toán. Ông xoay mình lại đưa hai tay lên để trước ngực thì thấy một cây đinh ba phân phóng tới.

A Tử vươn tay trái ra nắm lấy cây đinh ba liệng trở lại trúng vào trước ngực một người nằm dưới đất như đóng đanh vào người đó.

Nguyên người này là một nhà săn bắn người Hán bị trúng tên của Gia Luật Hồng Cơ ngã lăn ra nhưng chưa chết. Hắn thu tàn lực cầm cây đinh ba liệng vào sau lưng Tiêu Phong vì gã thấy ông ăn mặc ra kiểu một vị đại thần nước Liêu người định liệng ám khí hạ sát ông để rửa mối hận mình bị giết một cách oan uổng.

Không ngờ A Tử nhìn qua vai Tiêu Phong thấy rõ, liền nhảy ra đón lấy đinh ba liệng trở lại đúng vào người gã.

Thực ra thì bản lãnh người đi săn kia cũng không thể nào ám toán Tiêu Phong được.

A Tử trỏ vào mặt người đi săn, lúc này hắn đã tắt thở rồi.

Nàng lớn tiếng mắng:

- Mi không tự lượng cái sức chó lợn của mi mà dám ám toán tỷ phu ta?

Tiêu Phong thấy người đi săn mắt trợn tròn xoe, cắn chặt hai hàm răng, nét mặt đầy vẻ căm phẫn thì nghĩ bụng:

- Ta cùng người này vốn không quen biết lại không thù oán. Hai nước Tống, Liêu vì đâu mà gây nên thù hận? Người Tống bảo người Khất Ðan xâm chiếm đất đai của họ, người Khất Ðan mình lại bảo người Hán quên ân phụ nghĩa, không giữ lời hứa. Mình chẳng biết ai phải ai trái cả?

Gia Luật Hồng Cơ thấy A Tử liệng đinh ba lại đâm chết người đi săn kia thì trong lòng cả mừng nói:

- Thủ pháp cô nương thật là tuyệt diệu! Bản lãnh cô ít người bì kịp. Vừa rồi mũi đinh ba không đả thương được Nam viện Ðại vương thì thiệt là may! Nếu y bị thương, dù chỉ là một vết thương rất nhỏ nhẹ cũng không khỏi làm lỡ việc lớn của trẫm. Không biết trẫm nên trọng thưởng cô nương thế nào cho xứng đáng?

Liêu chúa còn đang ngẫm nghĩ chưa quyết định được thì A Tử đã nói ngay:

- Tâu hoàng thượng! Hoàng thượng đã phong cho tỷ phu tiểu nữ làm một vị quan lớn, thì xin Hoàng thượng cũng cho tiểu nữ một chức quan để làm chơi. Tiểu nữ không cần chức to như tỷ phu nhưng cũng đừng nhỏ quá để người ta coi vào không được.

Gia Luật Hồng Cơ cười đáp:

- Nước Liêu ta không có phụ nữ làm quan. Trẫm phong cho khanh làm công chúa. Nhưng không biết công chúa được gì nhỉ? à phải rồi! Bình Nam công chúa!

A Tử bĩu môi nói:

- Làm gì chả nói, chứ làm công chúa thì không làm đâu. Hồng Cơ lấy làm kỳ hỏi:

- Sao lại không làm?

A Tử đáp:

- Hoàng thượng là nghĩa huynh nghĩa đệ với tỷ phu. Nếu tiểu Muội nhận làm công chúa thì có khác chi là con gái Hoàng thượng, chẳng hoá ra thấp xuống một bậc ư?

Hồng Cơ thường để ý đến tâm sự người ngoài. Y nghe A Tử kêu Tiêu Phong là tỷ phu trường tỷ phu đoản một cách rất đằm thắm, thì hiểu tâm sự nàng ngay.

Tiêu Phong tuy ở ngôi cao mà không gần nữ sắc. Theo tập tục nước Liêu thì địa vị của ông đừng nói ba bốn vợ mà năm thê bảy thiếp cũng đáng.

Liêu chúa thấy nàng hợp tình ý với Tiêu Phong, nhưng vì nàng còn nhỏ tuổi không tiện thành thân. Y liền cười nói:

- Chức công chúa của cô nương còn lớn hơn công chúa thường mà vào hàng em gái trẫm, chứ không phải hàng con. Chẳng những trẫm phong cho cô làm Bình Nam công chúa mà còn muốn giúp cho cô thoả lòng tâm nguyện nên chăng?

A Tử đỏ mặt lên hỏi:

- Tiểu Muội có tâm nguyện gì? Sao bệ hạ lại biết? Bệ hạ là đức Hoàng đế, lẽ nào gặp đâu nói đấy được?

A Tử chẳng biết sợ trời sợ đất là gì, nên đối với Gia Luật Hồng Cơ cũng chẳng giữ lễ vua tôi. Mặt khác lễ giáo nước Liêu cũng rất giản dị. Tiêu Phong lại là người được Hồng Cơ rất yêu mến rất tin cậy, nên A Tử muốn nói sao thì nói. Y vẫn cười hì hì nói:

- Chức Bình Nam công chúa đó nếu khanh không làm thì trẫm không phong nữa. Nào! Một, hai, ba... Khanh có chịu làm không?

A Tử liền lạy phục xuống, khẽ nói:

- A Tử tạ ơn Hoàng thượng!

Tiêu Phong cũng khom lưng thi lễ nói:

- Ða tạ bệ hạ!

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.