Con Mắt Xuyên Thấu

Chương 44-45




Thằng Bin đầu tiên thoáng nét khó hiểu, nhưng vì sau nó nhận ra liền ngoan hẳn.  Nó chỉ dám ngồi cuối giường nhìn mẹ với khuôn mặt không thể rầu rĩ hơn.

Do hàng xóm báo tin nên ông bà ngoại Bin tức tốc từ bên Cát Bà sang, còn ông bà nội thì có mặt từ sớm Bin, còn có cả cô bác chú dì của Bin thôi. Nhà Bin lúc này ầm ĩ lắm, người ra người vào, lời qua tiếng lại như sắp cãi nhau đến nơi. Ồn ào đến mức cô Hà cũng tỉnh dậy.

Bin nghe lời mẹ qua nhà tôi tạm "lánh nạn". Nhìn nó buồn mà tôi chẳng biết phải làm gì, chỉ trực xem bạn có kêu khát nước, hay đói thì chạy đi lấy. Tiếc là nó chỉ ngồi im re rồi thiếp đi lúc nào không biết.

Chẳng biết cuộc đời nó còn yên bình được mấy giây?

Nó cứ nghỉ li bì, nhìn đôi mắt còn ngấn nước, cái mũi nhỏ ửng hồng lên vì trận khóc ấy cuộn tròn trong cái chăn mà chẳng ai lỡ đánh thức nó dậy. Mọi người bảo nó hưởng nhiều nét đẹp từ mẹ nó, cái vẻ đẹp thuần mĩ, nhưng nhẹ nhàng. Mụ Mít hay trêu Bin mà làm con gái thì xinh phải biết.

Bên nhà kia đang bận họp gia đình, nên Bin ngủ là điều tốt. Chắc mọi người nghĩ nó còn quá bé để hiểu chuyện. Chẳng có ai chơi cùng, tôi theo mẹ đi sang nhà cô Hoàn, theo đúng kiểu "buôn dưa lê, bán dưa chuột". Và vô thức, đầu tôi cứ tiếp nhận những thứ mà tôi không cần phải biết:

- Nghe nói công ty cái Hà nó làm bên sự kiện gặp nhiều đối tác lớn mới gặp cái thằng "bồ" này chứ.

- Ừ, công ty to như thế, toàn quảng bá mấy cái như trang sức, rồi điện thoại, nhiều thứ lắm.

- Cái Hà nó "mơn mởn" thế bảo sao không nhiều người nhòm ngó. Năm ngoái nó còn được đại diện quảng cáo băng vệ sinh nữa bà ợ. Được tài trợ cho tôi mấy bịch liền.

- Nhưng có thành công đâu, nó hai con rồi, còn "tự tin khoe cá tính" cái gì nữa.

- Nhưng cũng tại thằng Thắng đi, đi làm lu bu thế, sát vách đấy mà chạm mặt nhau mấy lần.

- Nó mải kiếm tiền quá, ít thời gian cho gia đình. Nó ít thời gian nhưng nhiều tiền là được.

- Nhiều tiền nhưng mất vợ thì cũng vất nhé.

- Thật, cứ như ông Hưng nhà tôi, đi làm đủ ăn, mà trả bài đủ bữa là được rồi.

Mấy cô nói nhiều, nhiều đến mức tôi buồn ngủ lắm rồi mà vẫn chưa tàn. Buộc bà chị phải sang cõng tôi về. Trong lúc ngái ngủ, tôi chỉ nghe thấy tiếng nói nhỏ:

- Số mày may mắn lắm đấy. Không trân trọng là mất!

_____________________

Cô Hà chú Thắng quyết định ly hôn, họ bảo giải thoát cho nhau, nhưng thằng Bin lại là người cần sự ràng buộc. Bin nghỉ học hẳn hai tuần. Có hai tuần thôi mà dài như hai tháng ấy. Cũng may lúc đấy là cuối năm, kiến thức không còn nhiều. Tôi suốt ngày phải đi học một mình, chơi một mình, phải lấy thêm con gấu Pooh to đùng để tượng trưng cho Bin nữa. Cứ mỗi lần đi học về, tôi lại qua ngó nhà Bin xem nó về chưa, nhưng lần nào tôi cũng thấy cửa ngõ đóng im. Ô cửa kính vỡ vẫn vậy, chưa có ai sửa nó cả!

Nhưng cuối cùng thằng Bin cũng chịu ngừng chơi trò chơi "mất tích" lại với tôi. Hôm đấy, lúc đi học về tôi có liếc qua nhà Bin thấy đông lắm. Tuy không bằng hôm xảy ra chuyện nhưng đông hơn so với bình thường rồi.

Và cũng vì điều đấy, nên tôi không dám chạy sang, chỉ dám thập thò ngoài ngõ. Có bá nào lạ lắm nhé, già già, nhưng ăn mặc rất giản dị, chất phác. Nhìn từ xa nên tôi cũng không rõ nét mặt lắm, nhưng nhìn dáng rất tháo vát, nhanh nhẹn.

Mãi về sau, khi Bin đi học, tôi mới biết đấy là bác giúp việc nhà Bin.

Nhưng lạ là tôi không thấy cô Hà và cái Bo em Bin đâu cả. Nhưng tôi cũng không để ý cho lắm, vì có một vấn đề khiến tôi bận tâm hơn: Bin biết đi xe!

Bây giờ Bin không đi học cùng tôi và chị Mít nữa rồi. Bin tự đạp xe đạp đi học. Cái chính không phải là Bin biết đi xe, mà Bin biết đi từ bao giờ mà tôi không biết!

Hôm khai giảng năm lớp ba là năm bà Mít lên lớp mười một. Tự dưng đợt này bà ấy lại tham gia vào đội văn nghệ "múa may quay cuồng". Sự tích điệu múa sàng gạo hồi mẫu giáo của mụ đi vào lịch sử rồi mà vẫn không chừa.

Vì thế nên đợt này tôi đi cùng Bin, mẹ tôi cũng làm trong ngành giáo dục nên đành phải thế. Tôi lo lắm, chỉ sợ Bin yếu tay lái, rồi đi không cẩn thận, lại bị ngã ra đấy. Tôi đang mặc váy đồng phục nhà trường nữa nên suốt quãng đường tôi ngồi im re. Đến cả thở cũng chỉ dám thở nhẹ nhàng. Nhưng Bin đi cẩn thận lắm, thi thoảng gặp cái xe "dở hơi" mắt mũi để linh tinh mới bóp phanh giật mạnh một cái, làm mặt tôi đập mạnh vào lưng Bin.

Tôi nhận ra ngày khai giảng không khác gì quốc tế "phơi nắng". Nắng gắt đến mức Bin phải nhường mũ của nó cho tôi, còn nó lấy áo đội lên đầu như người theo đạo Hồi giáo ấy. Nó mang đầy đủ, còn tôi đi chẳng mang đồ gì.

Từ bao giờ, thằng Bin nó trở lên kĩ tính không kém gì bà chị tôi thế?

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.