Con Mắt Xuyên Thấu

Chương 42




Mẹ thằng Bin đẻ em gái, còn bé tí. Thấy mọi người bảo em ấy giống chú Thắng ba Bin. Nhưng tôi chẳng thấy giống, em còn tí tẹo, đường nét chưa có gì nhiều.

Từ đấy tôi hay sang nhà Bin chơi lắm, tại tôi thích em bé. Nhiều lần bảo mẹ sai con cò mang em bé xuống chơi cùng với tôi mà mẹ không chịu. Tôi thích ngắm em ấy ngủ, rồi khi em khóc thì gọi cô Hà vào cho tu ti. Tôi thích ngồi quạt xua muỗi cho em, vì khi mẹ Bin khen tôi thấy mình có công rất lớn.

- Có Ghẹ sang đây thằng Bin mới chịu ở nhà đấy!

Cô Hà vẫn hay nói với tôi như thế. Nhưng mỗi lần bà chị tôi lên cơn hấp, lại réo ầm tôi về. Bà Mít lấy lí do là tay chân tôi đầy mực, chơi với em sợ dị ứng.

Đúng là bọn tôi đi học mực ra bẩn thật, nhưng tay thằng Bin còn kinh hơn cả tay tôi. Với lại tôi chơi với em suốt, có bao giờ dị ứng đâu.

Chẳng qua là bà ấy bực chuyện gì trên lớp rồi về nhặng lên với tôi thôi.

Nhưng cũng chẳng sao, tôi về thì thằng Bin cũng lẽo đẽo sang nhà tôi, nó bảo ở nhà chán lắm:

- Thế nhỡ mẹ mày có việc nhờ mày thì sao.

- Ngày xưa đẻ tao mẹ tao vẫn nuôi tao mập ú u như này đây. Có sao đâu, bây giờ không có tao mẹ vẫn chăm em đỉnh luôn.

Tôi thấy cũng đúng, chú Thắng toàn đi làm ăn xa, không có nhiều thời gian chăm sóc gia đình. Mọi việc là một tay cô Hà làm hết. Nên chắc chắn là mọi việc vẫn ổn nếu không có tôi và Bin.

Dạo này, cái Nhím không chơi với bọn tôi nhiều. Nó bận làm cái gì ấy, à bận làm bánh "vi-da" để đi máy bay. Thấy bảo phải biết ăn bánh đấy mới đi được máy bay. Nó ích kỉ thật đấy, có đồ ăn không chịu cho tôi với Bin ăn, mặc dù có bánh Choco-Pie tôi vẫn hay cho nó mà.

Mẹ nó thuê hẳn một gia sư từ trên thành phố về để dạy nó môn Tiếng Anh. Tôi thấy thật buồn cười, trên lớp bọn tôi cũng học mà, cũng "oắt do nêm", "hau a diu" mà, không nhất thiết phải bắt nó học như vậy đâu.

Có một lần tôi hỏi Nhím:

- Mày học vậy mệt không?

Mặt nó buồn xo, đây là lần hiếm hoi tôi và Bin được chơi với nó, vì cô giáo không về kịp để dạy. Mọi buổi nó rảnh đều dành để học bài, đèn nhà Nhím luôn bật đến muộn.

- Mệt lắm, nhưng mẹ tớ bắt học. Mẹ bảo phải học mới theo ba mẹ qua Mỹ được.

Ơ, Mỹ là ở đâu nhỉ. Tôi chưa nghe thấy bao giờ, nên hỏi lại luôn:

- Mỹ là ở đâu, sao lại đi ra đấy, mày ra mấy hôm mày về?

- Mày bị hâm à, Mỹ là nước có cái tháp "Ép phen" ấy, cái tháp to ơi là to hôm nọ thấy trên tivi ấy.

Thằng Bin nhanh nhẩu nói trước, làm con Nhím phì cười:

- Tháp Eiffel không ở Mỹ, tháp đấy ở Pháp cơ. Biểu tượng của Mỹ là Tượng Nữ Thần Tự Do. Mình qua đấy chẳng biết bao giờ mình về luôn. Mẹ bảo... cũng có thể... là ở luôn.

Tôi nghe thế sốc lắm, gì mà ở luôn:

- Ơ hâm à. Mày phải về chơi với bọn tao chứ, mày phải về đi học nữa cơ mà. Mày không đi học cô giáo đánh đít đấy. Mày chỉ được đi ba ngày thôi, à không hai ngày thôi. Mày phải về chứ...

Tôi cứ ngồi luyên thuyên giữa hàng ngàn câu hỏi, mà vô tình, điều đấy làm trùng đi không khí vui vẻ vốn có. Đến mãi mãi về sau này, tôi vẫn cảm thấy hối hận, vì tôi gần như đã phá hỏng nửa buổi chơi cuối cùng giữa ba chúng tôi khi còn ngây thơ ấy.

_______________________

Hôm đấy, tôi về hỏi bà Mít:

- Chị ơi Mỹ có xa mình không?

- Có, cách mình nửa vòng Trái Đất.

- Ơ thế mà xa á, một vòng Trái Đất mới xa chứ. Thế đi từ đây đến đấy lâu không chị?

- Nhanh nhất là một ngày ngồi máy bay.

- Thế cái Nhím nó đi bao giờ hả chị.

Có những lúc mình biết câu trả lời rồi, nhưng lại vẫn muốn nghe một lần nữa. Cái thời ngây ngốc ấy, mãi tôi chẳng chịu tin ba đứa bọn tôi phải xa cách chỉ vì một cái gì đấy.

- Haha nó đi ở luôn chứ nó không về đâu. Nó về chắc là công ty ba nó phá sản thôi.

Tôi không hiểu hai chữ "phá sản" có nghĩa là gì, nhưng theo thư bà Mít thì nếu ba Nhím phá sản thì Nhím ở lại với bọn tôi. Thế nên tôi hỏi lại luôn:

- Thật hả chị? Vậy chỉ cần ba nó phá sản thì nó ở lại với bọn em?

Bà ấy phá lên cười, rồi "ừ" một câu chắc nịch. Bà ấy đâu biết rằng, câu nói ấy, vô hình chung đã nhen nhóm trong tôi một hi vọng.

Ngày hôm sau, cô chú Cường Ngọc tổ chức tiệc chia tay mọi người, cũng như cảm ơn hàng xóm đã sang giúp đỡ vận chuyển đồ. Tiệc to, mà nỗi buồn trong ba đứa bọn tôi cũng to. Tôi chẳng hiểu tại sao người lớn cứ chia rẽ trẻ con chúng tôi, họ không thấy bọn tôi còn quá bé để đón nhận khoảnh khắc chia ly à. Bạn từ tấm bé, được sinh ra cùng một năm, biết đi cùng một năm, biết nói cùng một năm. Nhớ cái ngày xưa ấy lười ăn ba bà mẹ phải dắt đi đút ăn dong khắp xóm. Nhớ cái ngày xưa Bin với Nhím kẹt xít tôi vì tôi hay tè dầm. Nhớ cái ngày xưa ấy, mà cả đời này, tôi chẳng thể quên.

Chẳng hiểu Bin với nó như nào, nhưng tôi thì buồn lắm. Dường như, trong tâm trí non nớt của tôi lúc đấy đã nhận thức được rằng: Nhím đi, chưa chắc Nhím đã về.

Trước khi đi, Nhím tặng cho tôi một bộ búp bê Barbie có khớp, và cũng nhường lại hết đám đồ chơi cũ của nó cho tôi và Bin. Nó bảo giữ làm kỉ niệm, nó chỉ cầm con gấu Teddy của nó thôi. Thằng Bin cũng được tặng quà, hộp lọ thủy tinh đựng đầy sao, nhiều màu đẹp lắm.

Được tặng quà, trẻ con ai chẳng vui. Nhưng chắc sẽ vui hơn nếu nó vẫn ở lại với bọn tôi.

Khi đi, cả xóm ra tiễn. Nhìn chiếc xe ô tô chở cả gia đình Nhím đi, ai cũng vẫy vẫy tay, nói như thể lần cuối được nói với họ:

- Cô Ngọc chú Cường đi may mắn nhé!

- Sang đấy cố gắng làm ăn thật tốt đấy, đừng quên bà con ở đây!

- Cô gắng học thật giỏi nhé Nhím!

Tôi cũng muốn, muốn nói một lời chúc, tôi đánh liều hét lên thật to:+

- Nhím đi cẩn thận nhé, ba Nhím sớm phá sản để Nhím về với bọn mình nhé.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.