Cổ Mộ Có Một Ổ Xà

Chương 41




Editor: Yoo Chan

Beta: Thanh Du

~0O0~

Rơi xuống đất được vài phút, tôi chìm vào cơn hôn mê, đầu óc không thể nhận biết đã xảy ra chuyện gì, cũng không rõ mình còn sống hay đã chết. Sau đó một thứ chất lỏng cay nồng từ yết hầu phun ra, chảy ngược vào khí quản khiến tôi ho khù khụ, máu từ lỗ mũi tuôn ra như suối, chảy xuống tận cằm.

Ước chừng phải mất thời gian tàn nửa điếu thuốc, tôi mới dần dần tỉnh lại, tri giác lần lượt quay về với cơ thể. Tôi run rẩy ngồi dậy, xung quanh tối đen như mực, chẳng nhìn thấy gì cả. Sờ lên mặt đất chỉ thấy đá tảng và cát khô, dưới đáy con sông đào này thì ra đã cạn nước, cũng may mấy tảng đá dưới đây khá bằng phẳng, gồ ghề thêm tí nữa thì tôi không ngã chết cũng dập người mà chết.

Mặt nạ phòng độc gần như đã nứt ra, mắt kính vỡ nát. Tôi sờ sờ một chút, phát hiện mặt nạ đã móp méo, lại sờ ra đằng trước, phát hiện trước mặt mình là một tảng đá rất sắc nhọn. May nhờ mặt nạ này bảo vệ, mặt tôi mới không bị cày nát, có điều lần này mặt nạ coi như vứt đi rồi.

Tôi vất vả giật cái móc sau đầu, cẩn thận cởi mặt nạ ra. Mới cầm lên tay mà mặt nạ đã nứt ra làm bốn mảnh, thế là hỏng hoàn toàn rồi.

Không còn mặt nạ, mùi lưu huỳnh trong không khí càng trở nên nồng nặc, nhưng hít vào mấy hơi cũng không quá khó chịu, xem ra Phan Tử nói khí độc nơi này rất ghê gớm cũng không đúng lắm. Hoặc cũng có thể dưới đáy con sông đào này, không khí vẫn chưa nhiễm độc quá nặng. Tôi chửi thầm trong bụng, ném mặt nạ xuống đất, nhổ máu trong miệng ra rồi ngẩng đầu nhìn lên.

Con sông đào này sâu dễ đến mười thước, bên trên là một khoảng mịt mờ, chỉ thấy ánh đèn pin của đám Bàn Tử từ trên cao chiếu xuống, lia khắp xung quanh, hình như đang tìm kiếm tôi. Tôi còn nghe một vài tiếng kêu, nhưng không biết có phải vì ngã xuống đây hay không mà tai vẫn còn ong ong, không nghe ra bọn họ đang nói gì.

Tôi thử ra sức kêu lên vài tiếng, nhưng vừa vận khí, cơn đau đến tê liệt đã lan từ lồng ngực ra xung quanh, âm thanh phát ra lập tức biến thành tiếng rên rỉ. Đến chính tôi cũng không hiểu mình đang nói gì, thậm chí còn không biết mình rốt cuộc có phát ra âm thanh hay không.

Để báo cho đám người Bàn Tử biết mình còn sống, tôi nhặt cái mặt nạ phòng độc vứt lăn lóc dưới đất lên, ra sức đập mạnh xuống mặt đất, phát ra âm thanh ‘ bịch bịch bịch’. Âm thanh không lớn nhưng vang lên dưới lòng sông yên ắng lại dội ngược trở về, nghe cực kì rõ ràng.

Gõ được một lát thì đột nhiên có cây pháo lạnh từ trên ném xuống, rơi ngay sát sườn. Tôi chửi một tiếng, nghiêng người né tránh, sau đó nhìn thấy phía trên có một mặt người ló ra khỏi đoạn cầu gãy thăm dò, xem kích cỡ cái đầu thì có vẻ là Bàn Tử.

Tôi bò đến gần cây pháo lạnh, nhặt nó lên lên khua khua trước mặt hắn. Bàn Tử lập tức trông thấy, bèn hét to một tiếng. Nhưng tôi vẫn chẳng nghe ra hắn nói gì, đành phát ra vài âm thanh vô nghĩa. Bàn Tử rụt đầu trở về, lát sau đã có sợi dây thừng được ném ra, đung đưa buông xuống tận đáy sông, Bàn Tử lưng đeo súng trường bắt đầu leo xuống.

Độ cao hơn mười thước ngang ngang tòa nhà bốn, năm tầng, bảo cao không cao, bảo thấp cũng chẳng phải thấp. Bàn Tử thoáng cái đã trượt xuống tới đáy, vừa buông dây thừng đã nâng súng xoay bốn phía, thấy không có động tĩnh gì mới chạy tới chỗ tôi, ngồi xổm xuống hỏi: “Mẹ kiếp, cậu không sao chứ?”

Tôi dùng giọng khàn khàn, uể oải nói: “Không sao hả? Anh thử ngã một lần xem?”

Bàn Tử thấy tôi vẫn còn sức để nói đùa thì thở phảo nhẹ nhõm, quay mặt lên trên huýt gió một tiếng, tức thì Thuận Tử và Phan Tử lưng đeo trang bị cũng leo xuống.

Bọn họ nâng tôi dậy, đầu tiên dìu tôi đến dựa vào một tảng đá, sau đó Thuận Tử đè chặt tôi, lấy túi thuốc, kiểm tra thân thể tôi một lượt.

Tôi nhìn thấy túi thuốc, trong lòng cũng an tâm đôi chút, thầm nghĩ may mà chuẩn bị đầy đủ. Phan Tử kiểm tra thấy tôi không bị gãy xương, bèn lấy ra một ít băng vài, giúp tôi băng bó miệng vết thương khá lớn, sau đó mắng: “Bảo cậu dừng mà cậu vẫn cố nhảy. May mà mạng cậu lớn, bằng không lỡ cậu chết thì tôi biết ăn nói thế nào với ông Ba đây?”

Tôi nghe vậy thì giận dữ mắng: “Anh còn nói à? Lúc ấy tôi đã lơ lửng giữa không trung anh mới kêu dừng lại. Bà nội nó chứ đây có phải cái băng ghi hình đâu mà đòi tua ngược lại được…….” còn chưa nói xong thì ngực đã nhói một trận, người đau đến vặn vẹo cả lên.

Phan Tử thấy thế lại càng hoảng sợ, luống cuống đè tôi lại, khiến tôi không thể nhúc nhích. Tôi nghiến răng nghiến lợi, còn muốn mắng anh thêm vài câu nhưng thực sự là đau muốn chết, muốn mở miệng cũng không nổi, chỉ đành ngồi yên thở dốc.

Bàn Tử đứng cạnh đưa cho tôi bình nước, nói: “Cậu cũng lớn mạng đấy, rơi từ tít trên kia xuống, bên dưới lại toàn đá tảng, người thường rơi xuống chắc chắn không chết cũng tàn phế.”

Tôi nhận bình nước, thầm nhủ đây gọi là số con rệp mới đúng. Vừa rồi chắc chắn là nhờ đụng vào hai sợi xích kia mới khỏi chết, cũng không biết là may mắn hay xui xẻo nữa. Gần đây tôi luôn gặp chuyện rơi từ trên cao xuống như thế này, nhưng đều không chết, thật đúng là mạng lớn.

Uống vào mấy ngụm nước, máu trong miệng đã trôi xuống, yết hầu cũng dễ chịu hơn một chút, tôi liền hỏi Phan Tử thứ vừa rồi rốt cuộc là cái giống gì. Anh nói lần này bọn họ đã nhìn rõ ràng, đó nhất định là một con quái điểu với cái đầu rất lớn, cao bằng đầu người. Tiếc là bắn không trúng, bằng không có thể xem nó rốt cuộc là cái giống gì rồi.

Bàn Tử nói: “Con mẹ nó, đúng là tà dị. Cái mặt người tôi nhìn thấy ở thần đạo có thể chính là thứ này. Đầu người mình chim, mà cũng có thể là cú mèo.”

Thuận Tử nhìn lên trên, nói: “Quái lạ, đám quái điểu kia hình như không bay xuống đây.”

Tôi cũng nhìn lên đỉnh đầu, quả thật cái áp lực vô hình vừa nãy đã biến mất, cũng không có thứ gì lao xuống đây nữa.

“Hay là dưới này có gì kỳ quặc nên chúng không dám xuống?”

Phan Tử cũng hơi hơi do dự, Bàn Tử nói: “Thế này đi, giờ chúng tôi đi vòng quanh xem xét trước đã, nếu chỗ này có vẻ có vấn đề thì chúng ta sẽ lập tức leo lên. Mọi người cứ đứng ở đây, còn Tiểu Ngô hãy nghỉ ngơi một lát đi.”

Tôi gật đầu. Phan Tử nói với Bàn Tử, tôi với cậu đi, rồi hai người đi về hai hướng.

Chẳng mấy chốc, từ hướng Bàn Tử đang tìm kiếm bỗng có tiếng hô, hình như đã phát hiện ra thứ gì.

Phan Tử giương súng, nhìn theo hướng Bàn Tử, chỉ thấy Bàn Tử đã đi một đoạn rất xa qua chiếc cầu, ánh đèn pin cũng trở nên mơ hồ. Trong quầng sáng đèn pin của hắn, chúng tôi thấy sau lưng hắn có một mảng bóng đen rất lớn, tựa như có vô số người đứng trong bóng tối đằng xa. Những cái bóng kia trộn lẫn vào nhau thành một mảng, không đếm nổi rốt cuộc là có bao nhiêu.

Chúng tôi đều bắt đầu cảnh giác. ‘Rắc” một tiếng, Phan Tử đã mở chốt an toàn khẩu súng, Thuận Tử cũng rút dao săn. Phan Tử hỏi Bàn Tử: “Có chuyện gì thế? Kia là cái gì?”

Bàn Tử ở bên kia cũng kêu to: “Các người lại đây nhìn thì biết.”

Theo ước tính của chúng tôi khi đứng trên cầu thì con sông đào này phải rộng đến sáu mươi mét, cả chiều rộng lẫn chiều dài đều rất lớn. Nếu xét theo chiều rộng lòng sông, chỗ Bàn Tử đang đứng cũng không xa chúng tôi lắm, nhưng vì bốn phía là một màu đen đặc nên chúng tôi cơ bản không nhìn rõ vật thể mà đèn pin của hắn chiếu đến. Nhưng nghe giọng điệu của Bàn Tử thì có vẻ chỗ đó cũng không nguy hiểm.

Thuận Tử liếc nhìn tôi, hỏi tôi có đi nổi không, có muốn qua đó xem không? Tôi gật đầu, hắn liền dìu tôi đứng lên, đi khập khiễng tới chỗ Bàn Tử.

Dưới đáy con sông đào này toàn là những tảng đá đen gồ ghề, một vài tảng có kích thước khiến người ta phải phát hoảng, nhìn qua đủ biết vào thời điểm xây dựng, đây nhất định là một công trình vĩ đại. Mảng bóng đen to lớn dưới ánh đèn pin của Bàn Tử nằm ngay bên dưới trụ cầu.

Đánh vật một hồi để đến chỗ Bàn Tử, những cái bóng kia cũng rõ ràng hơn. Tôi lại gần, lấy đèn pin trong tay Bàn Tử chiếu tới, mới nhìn rõ thứ đó là gì.

Nơi Bàn Tử đang đứng, giữa lòng sông xuất hiện một vết đứt gãy lớn, bên dưới vết nứt này là một con rạch sâu chừng một mét. Rạch này rộng khoảng hai mươi mét, trong rạch là vô số tượng người, ngựa cổ đại màu đen, xen lẫn với mảnh vỡ xe ngựa thanh đồng sắp xếp ngay ngắn, liên miên không dứt. Nhìn kĩ vài pho tượng sẽ phát hiện bề ngoài đã bị ăn mòn nghiêm trọng, đường nét gương mặt không rõ, ngũ quan đã không thể phân biệt. Rất nhiều tượng còn cầm đồ đồng đã lốm đốm những vết hoen gỉ màu xanh.

Những bức tượng người này đa phần là đứng thẳng, sắp xếp rất dày, nhiều tượng đã vỡ vụn, ngã xiêu ngã vẹo thành một đống. Đứng ở chỗ tôi nhìn xuống, trong phạm vi quầng sáng, nhìn hút mắt cũng chỉ thấy những vật như thế này. Một mảng bóng đen rộng lớn âm trầm nằm bên dưới hoàng lăng, nhìn thoáng qua khiến người ta không khỏi rợn tóc gáy.

“Những thứ này là gì vậy?” Thuận Tử lần đầu tiên nhìn thấy, trợn mắt há mồm vì kinh ngạc.

“Cái này hình như là tượng tuẫn táng, còn kia là tượng xe ngựa, biểu trưng cho đội ngũ đón khách hoặc tống tiễn đế vương xuất hành……..” Tôi lắp bắp nói “Quái, ở đây sao lại có mấy thứ này? Đáng ra phải đặt dưới huyền cung hoặc trong hố bồi táng mới đúng chứ?”

Bàn Tử biết mấy thứ này, cũng nhận ra điểm kì quái. Đây là hoàng lăng, không phải nơi để đùa giỡn. Số lượng vật phẩm đặt trong huyền cung và cách bài trí đồ tuẫn táng trong hố tuẫn táng đều tuân theo quy tắc nhất định, không thể tùy tiện như lăng mộ của quý tộc hoàng gia bình thường. Hoàng lăng coi trọng thứ nhất là khí, thứ hai là thế, đem đồ tuẫn táng chất đống ngoài trời có khác nào trên một khối bạch ngọc thượng đẳng lại lỗ chỗ mấy vết răng chuột, là điều tối kị trong tối kị, vào thời đó nếu để hoàng đế biết được chắc chắn sẽ bị tịch thu gia sản. Tuy lúc ấy Đông Hạ chỉ là một tiểu quốc bí ẩn nằm ven biên giới, nhưng nếu người xây lăng mộ là Uông Tàng Hải danh tiếng lẫy lừng thì chắc chắn không thể phạm phải một sai lầm ngớ ngẩn như vậy được.

Bàn Tử leo xuống con rạch, một tay giương súng đề phòng, một tay cầm đèn pin chiếu vào một bức tượng không đầu, nói với tôi: “Nhìn phục sức thì hình như là thời Nguyên, là trang phục của dân tộc thiểu số.” Nói rồi định với tay chạm vào.

Tôi nhắc nhở hắn: “Đừng có sờ lung tung, thứ này có vẻ thần bí, đặt ở đây không chừng có gì kì quặc.”

Bàn Tử cãi lại: “Sợ quái gì, chẳng lẽ mấy thứ này có thể sống lại?” Nhưng lời tôi nói vẫn có tác dụng, hắn rụt tay về, đeo súng lên vai. Một tay cầm chắc đèn pin, một tay rút con dao săn trên thắt lưng, dùng sức chọc chọc vài cái vào bức tượng. Bức tượng hình người không hề có phản ứng, hắn bèn quay đầu lại nói: “Hàng thật đúng giá, là tượng đá hình người.”

Phan Tử thấy vậy bắt đầu tò mò, cũng leo xuống con lạch, lại gần Bàn Tử. Tôi vẫn cảm thấy lo lắng, nói: “Các anh cẩn thận một chút.”

Bàn Tử khoát tay, tỏ ý biết rồi khổ lắm nói mãi. Hắn nhét dao săn trở vào bao da, thử nâng bức tượng gần nhất, hỏi: “Tiểu Ngô, cậu là dân nhà nghề, thử nói xem thứ này có đáng tiền không?”

Tôi gật đầu, cho hắn biết: “Thứ này trông cũng khá, không cần phải hoàn chỉnh, chỉ có một phần cũng đầy người muốn mua. Tôi biết đầu một tượng binh mã có giá đến 200 vạn, nữa là còn nguyên vẹn. Mà tượng ngựa còn hiếm hơn tượng người nên càng quý, giá cả chắc chắn không tệ.”

Bàn Tử tiếc rẻ nhìn quanh bốn phía, tỏ vẻ vô cùng đau xót, nói: “Đáng tiếc, đáng tiếc, thứ này lại khó mang theo.”

Trong lòng tôi vẫn thấy kì quặc, mấy thứ này thực sự không nên xuất hiện ở đây. Người ta thường nói, đằng sau mỗi món đồ trong cổ mộ đều là cả một câu chuyện. Mấy thứ này đặt ở đây hẳn phải có ý nghĩa gì, hoặc để kể lại một câu chuyện, vậy rốt cuộc người thiết kế lúc ấy có dụng ý gì đây?

Chiếu theo khoảng cách hai bên bờ sông, con rạch chứa những bức tượng này nằm chính giữa và cũng là nơi sâu nhất của con sông đào. Vào thời điểm hoàng lăng mới xây xong, mấy thứ này hẳn là đều chìm dưới mặt nước, mà gương mặt nhạt nhòa của những bức tượng người cũng là bằng chứng cho thấy chúng bị ngâm trong nước một thời gian dài. Nói cách khác, khi hoàng lăng đã xây dựng xong, người đứng bên trên không thể biết đến sự tồn tại của những vật này.

Đặt những bức tượng này ở đây là có ý gì? Chẳng lẽ đây là những phế liệu xây dựng, những bức tượng thứ phẩm, thợ xây lười vác ra nên mới nhấn chìm những thứ rác rưởi này dưới lòng sông đào? Cũng không phải, sắp xếp ngay ngắn như vậy, không giống với cách chất đống phế liệu.

Đúng là không thể phỏng đoán tâm tư của cổ nhân, trong lòng tôi thầm than thở. Nếu tôi không ngã xuống đây thì đứng trên cầu không thể nhìn thấy những vật bên dưới, cũng coi như là có duyên. Phải chăng ông trời muốn chỉ cho tôi thấy điều gì chăng?

Đúng lúc này, Bàn Tử kêu lên một tiếng, nói: “Các người có phát hiện ra không, tất cả những bức tượng ở đây đều hướng mặt về một phía, động tác như đang đi, nhìn rất khác những bức tượng được rao bán trên chợ đồ cổ.”

Tôi vốn không để ý, nhưng nghe Bàn Tử nói, tôi cũng nhìn lại một lần theo hướng hắn nghĩ thì thấy quả đúng là như thế.

Xưa nay tượng bồi táng được xếp quay về một phía vốn là chuyện thường tình, tôi cũng chưa thấy ở đâu sắp đặt mỗi tượng quay một phương loạn xà ngầu lên. Nhưng Bàn Tử nói đến động tác như đang đi lại rất kì, quả thực tôi chưa từng thấy. Tôi cầm đèn pin cẩn thận chiếu xuống chân mấy bức tượng, đột nhiên trào lên cảm giác kì quái.

“Những người này….” Tôi nhíu mày nói: “Hình như đang hành quân.”

“Hành quân?” Phan Tử nhìn tôi hỏi lại.

Tôi gật gật đầu: “Nhìn cách ăn mặc của người ngồi trên xe ngựa kia xem, đây là đội ngũ hộ tống cho đế vương xuất hành. Cậu xem mấy con ngựa này, mấy cỗ xe này, động tác của những người này nữa, bọn họ đều đi về cùng một hướng. Những bức tượng được sắp xếp như vậy, động tác của bọn họ dường như muốn biểu thị một tình huống nào đó.”

Chúng tôi đều nhìn về hướng đội quân tượng tiến đến, chỉ thấy những bức tượng quỷ dị này xếp thành một hàng dài, mất hút vào bóng đêm sâu thẳm trong lòng con sông đào, không thể nhìn thấy đích đến của chúng ở đâu.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.