Cổ Mộ Có Một Ổ Xà

Chương 14




Editor: Phoebe Irene

Beta: Thanh Du

~0O0~

Trần Bì A Tứ càng nghĩ càng thấy sợ, nhưng ông ta đã ở tuổi năm mươi gần sáu, kinh nghiệm sành sỏi chừng ấy năm đương nhiên tôi không thể so sánh. Sau sợ hãi chắc chắn sẽ là yếu đuối, ông ta tự nhủ đồ con lừa, nhìn cái gì mà nhìn, thế rồi tay nhanh như chớp lấy ra mấy viên đạn sắt, hai chân dùng lực cố định cơ thể, bắn đoàng đoàng hai phát đánh thẳng vào bức tượng La Hán mặt trắng ngước lên nhìn trời kia.

Tôi đã nói rồi đó, phương châm sống của Trần Bì A Tứ chính là tiên hạ thủ vi cường, những lời này ông nội tôi đã nhắc đi nhắc lại không dưới một lần. Có thể nói trên giang hồ vốn là như thế, đạo lý này tưởng chừng đơn giản nhưng lại vô cùng hữu dụng. Hai viên đạn sắt bắn ra không hề nương tay, bỗng nghe hai tiếng trầm đục, thì ra đã bắn trúng mắt pho tượng La Hán mặt trắng kia, vừa bắn trúng hai hốc mắt đã vỡ toác, còn viên đạn thì bật ra ngoài, rơi xuống đáy Kính Nhi Cung.

Nếu đó là người thật đảm bảo đã bị đánh mù, qua đó đủ thấy chiêu thức này tàn độc cỡ nào. Pho tượng La Hán kia tuy làm bằng đất nung cũng không chịu được va đập mạnh như thế, sau va chạm hai con mắt của La Hán đã thành hai cái hố sâu, thoạt nhìn thì thấy trống rỗng quái đản, nhưng cảm giác so với vừa rồi đã đỡ hơn rất nhiều.

Trần Bì A Tứ thở phào một hơi, trong lòng cười khẩy, thầm nghĩ mấy cha hoà thượng thối này, cái gì mà tứ đại giai không chứ, chẳng phải cũng chỉ suốt ngày ru rú trong đây bày trò quỷ để hù người sao. Nghĩ rồi lấy ra một cái vuốt thằn lằn, một đầu móc lên khung gỗ của trần cung, một đầu nối liền với sợi dây thừng đơn bằng da hải tượng buộc trên mắt cá chân rồi thả mình xuống, sợi dây đàn hồi cứ thế giãn dần ra. Dùng dây da hải tượng là kinh niệm mà Trần Bì A Tứ đúc kết ra được sau nhiều năm trộm mộ, khả năng chịu lực của nó chỉ đứng sau dây thép, hơn nữa còn có thể kéo giãn. Vả lại Trần Bì A Tứ có vóc dáng thấp bé gầy gò, cuốn dây này quanh eo cũng chỉ mất hơn mười vòng, mặc quần áo lên rồi chẳng ai nhìn ra được nữa, có khả năng đối phó với độ sâu trên dưới mười mét.

Có điều Kính Nhi Cung này đâu chỉ sâu hơn mười mét, Trần Bì A Tứ thả hết cuộn dây thì vẫn còn cách đáy cung một khoảng rất xa.

Nhưng theo những gì ông ta thấy khi hạ xuống, đã có thể nhìn được hình dạng những thứ bên dưới. Nền đáy cung hình như làm bằng cẩm thạch, trải qua nhiều năm địa chấn cộng với bong tróc tự nhiên nên bên trên rải rác vô số mảnh vụn, chính giữa đáy cung là một toà bảo tháp nhỏ xíu màu trắng không biết làm từ ngọc thạch hay là ngà voi, phía trên che một tấm “Bảo trướng” bằng sa mỏng gần như trong suốt cho nên không thể nhìn rõ bảo tháp mà chỉ thấy một màu trăng trắng mơ hồ.

Trần Bì A Tứ không hiểu biết nhiều lắm về những thứ như Phật tháp hay phù đồ, cái này liên quan tới thế hệ dân không biết chữ thời trước giải phóng. Thổ phu tử ở Trường Sa có một câu châm ngôn: Vạn hộ hầu (1) không sánh bằng phù đồ, chính là ám chỉ của báu trong mấy cái địa cung dưới tháp Phật thường thường còn xa xỉ hơn lăng mộ của vạn hộ hầu. Trần Bì A Tứ tuy đã nghe qua câu này nhưng tiếp thu không đủ sâu sắc, nếu đổi lại là tôi thì lúc đó đã đoán ra thứ trước mặt mình là gì.

Bảo tháp nhỏ xíu dưới đó chắc chắn là bát trùng bảo hàm chứa xá lợi Phật, chính là một bộ tám hộp chiếc này chứa chiếc kia, đây là đồ chuyên dụng của nhà Phật. Hơn nữa xá lợi trong đó chính là ba nghìn thế giới cùng lục đạo luân hồi, tạm thời chưa cần biết nằm trong đó có thật sự là Phật cốt không hay chỉ là cốt mô phỏng từ ngọc thạch, chỉ cần biết nó là bát trùng bảo hàm thì trời ơi… Giá trị của món này nhất định không thể tính toán.

Tôi nghe đến đó thì cảm thấy có điểm đáng ngờ, nếu quả thực Trần Bì A Tứ đã trộm Bát trùng bảo hàm ra từ trong địa cung, vậy thì tại sao những thứ này lại xuất hiện trên mặt báo? Chẳng lẽ lúc ấy ông ta chỉ cách bảo vật trong gang tấc, lại vì lý do nào khác mà buông tha? Dựa vào tính cách của hạng người này thì chuyện như thế không thể xảy ra được.

Lão Hải không thấy tôi đang thất thần, cứ thế thao thao bất tuyệt, có điều cách ông ta kể rất dài dòng. Tôi cũng không chen vào nổi, đành phải tiếp tục nghe ông ta chém gió.

Sau khi Trần Bì A Tứ nhìn thấy bảo tháp, tuy còn chưa rõ dưới đó là thứ gì, nhưng chắc chắn cũng không quá tệ. Bây giờ chỉ cần xuống được dưới đó hiển nhiên sẽ bội thu, nhưng vấn đề là làm sao mà xuống.

Chỉ tiếc ông ta không mang theo đầy đủ dây thừng, sớm biết thế này chi bằng vừa rồi cứ lui về đã, chuẩn bị chu đáo hẵng quan lại, cũng không đến nỗi rơi vào cảnh tiến thoái lưỡng nan thế này.

Ông ta lại chiếu đèn pin khắp xung quanh, trong lòng kinh hãi, không khỏi thầm kêu thôi chết mịa nó rồi.

Hoá ra đáy cung không phải đất vàng mà là một ụ đất rất lớn, vừa nhìn qua đã biết đó vốn là một cái tổ ong địa hoàng.

Nhìn theo hướng ụ đất, có thể thấy trên vách địa cung có một cửa đá cao khoảng nửa thân người, trổ ra ở vị khí rất khuất, ụ đất chính là từ nơi này tiến vào “sinh trưởng”.

Xem ra bốn phía của Kính Nhi Cung này còn phải phụ thuộc vào kiến trúc trên mặt đất, hơn nữa rất có thể cũng không hề bị phong kín, kết quả là khiến nơi này trở thành một sơn trang nghỉ dưỡng đông ấm hè mát cho lũ côn trùng. Từ nơi này nhìn xuống, tổ ong cũng không lớn lắm, chỉ e phần nấp sau cánh cửa kia mới thật sự kinh khủng. Cũng khó trách tổ ong này xây được lớn như thế, nơi đây là một công trình nhân tạo ngầm dưới lòng đất, mưa gió không lọt, quả là một “địa bàn tốt”, xem ra mấy lão ong trong tổ ong này cũng biết xem phong thuỷ.

May mà vừa rồi khi cưa thanh xà gỗ lấy đường xuống, thanh xà rơi vào khoảng giữa mấy bức tượng La Hán chứ không đụng trúng tổ côn trùng, nếu không lúc đó trông ông ta có khác gì xâu lạp xường treo lủng lẳng, có muốn trốn cũng không kịp, bị lũ ong này bu kín, chỉ e sẽ bị người đời sau đem ra làm trò cười thiên cổ.

Nhưng cứ thế này thì cũng phiền toái, chỉ cần chân vừa chạm đất, dù anh rón rén đến thế nào thì di chuyển một toà tiểu tháp trong không gian nhỏ như thế cũng không thể không kinh động đến bọn ong đất kia.

Trần Bì A Tứ cân nhắc sơ qua cũng hiểu rõ không thể đi xuống, nếu muốn lấy đồ ra thì chỉ còn một cách.

Đến đây không thể không nhắc tới lai lịch của Trần Bì A Tứ, người này thuở nhỏ lớn lên trong một làng chài ở vùng duyên hải Chiết Giang, khi người Nhật đánh đến nơi mới chạy nạn tới Trường Sa, thế nên ông ta dùng phương ngữ Trường Sa không trôi chảy chút nào. Nhưng Trần Bì A Tứ lại cực kì thông minh, từ thời xưa thổ phu tử có tục không truyền nghề cho người tỉnh khác, ông ta là một trường hợp rất hiếm hoi.

Thời gian Trần Bì A Tứ ở Hải Diêm đã luyện được một tuyệt chiêu, chính là bắt cua trên bãi bùn. Dĩ nhiên không phải dùng tay bắt, vật Trần Bì A Tứ dùng để bắt cua có tên là “Cửu trảo câu”.

Thứ này cũng giống như phi hổ trảo trong phim võ hiệp hay tam câu trảo thường được bộ đội đặc chủng dùng để leo vách núi. Nhưng loại móng vuốt này lại có tới chín móc, sắp xếp rất khít thành một vòng tròn khép kín, khi bắt cua thường sẽ lấy dây thừng cột vào phần chuôi móc, khi thấy cua ló đầu lên khỏi bãi bùn thì vung ra, một lần móc được một con cua. Sau đó kéo thêm một cái, con cua sẽ bay ngược về chui tọt vào giỏ.

Theo ghi chép trong bản bút ký của ông nội tôi, công phu này có thể chính xác tới mức người sử dụng nó khi vung ra có thể câu về một quả trứng gà cách mình 20m mà không hề làm nó rơi vỡ, quả thực rất thần kỳ. Nếu xa hơn có thể dùng gậy để vung ra, cũng sẽ vô cùng chính xác.

Trần Bì A Tứ lúc này không nghĩ ra cách nào khả thi, đành phải cắn răng quyết định thể hiện bản lĩnh nhà nghề. Đầu tiên ông ta đu vào chỗ mấy bức tượng La Hán, men theo đó mà từ từ leo xuống dưới. Đến khoảng cách hợp lý, Tràn Bì A Tứ lấy cửu trảo câu ra, vung đầu móc xuống dưới, vẽ lên một vòng cung nhỏ. Móc câu đã móc vào bảo trướng, cũng may vật này rất nhẹ, không giống với đá xanh thường thấy. Trần Bì A Tứ vung tay một cái hất bảo trướng lên, đáp xuống đầu một bức tượng La Hán. Lại thay đổi lực đạo trên tay một chút, móc câu lập tức thoát ra quay về chính chủ.

Kế tiếp là phải gỡ bỏ tháp ngọc thạch hay ngà voi gì đó đi. Có điều không biết nó là vật liệu gì nhưng dùng cửu trảo câu không tài nào kéo lên được, Trần Bì A Tứ vung cửu trảo câu móc lấy tháp báu, giật vài cái cũng không hề thấy nó xê dịch chút nào.

Kiểu này không nửa tấn thì cũng tới năm trăm cân, Trần Bì A Tứ chửi thầm một tiếng.

Ông ta đưa đèn pin quét qua thân tháp, nhìn đến chân tháp thì thấy có bốn cây cột nhỏ. Tháp này tất nhiên là một bản mô phỏng của cái tháp trên đỉnh đã sập, cấu trúc cũng không khác biệt cho lắm, bốn cây cột chống đỡ toàn bộ trọng lượng thân tháp. Bảo hàm nằm chính giữa mấy cây cột, chẳng qua là do góc độ chưa chính xác, nếu câu cẩn thận hơn thì vẫn có thể kéo lên được.

Lúc này Trần Bì A Tứ đã rất sốt ruột, ông ta đoán chừng từ lúc xuống đây cũng đã được bốn giờ. Vừa rồi loáng thoáng còn nghe thấy tiếng cười, không chừng mấy người Mèo kia đã đến gần chỗ này, không còn nhiều thời gian nghĩ cách nữa rồi.

Trần Bì A Tứ định thần lại, máu dồn lên não, ác tâm cũng bắt đầu trỗi dậy, lại vung tay “đoàng, đoàng” bắn ra hai viên đạn sắt. Viên đạn bắn trúng cây cột nhỏ dưới đáy tháp, cây cột tức khắc vỡ ra. Sau đó ông ta thả người nhảy một cái, hạ xuống một bên mép tháp, vừa yên vị lập tức mượn lực rơi của mình khiến cho tháp nghiêng sang một hướng. Hai cây cột hai bên đột nhiên phải chịu thêm lực, tức khắc gãy gập. Tháp cứ thế sụp xuống, thân tháp và nền tháp nứt bung ra.

Trần Bì A Tứ bám trên đỉnh tháp nên khống chế được lực độ, tháp nặng nên tốc độ nghiêng cũng chậm. Cho đến khi Trần Bì A Tứ nhìn thấy một góc của bảo hàm đã lộ ra dưới đáy tháp, bèn vung cửu trảo câu, thoáng cái đã kéo nó lên dễ dàng. Sau đó thu lại móc câu rồi vung ra lần nữa, móc vào một bức tượng La Hán, định giữ thăng bằng cho mình.

Những động tác này chỉ diễn ra trong ba giây, nhưng ông ta không ngờ bức tượng La Hán kia không chịu nổi sức nặng của mình và thân tháp, mới kéo một cái, tượng La Hán bắt đầu lung lay, liền đó rơi từ trên tường xuống.

Phía dưới chân hầu như chỗ nào cũng có tổ ong, nếu cứ thế này mà ngã xuống chẳng khác nào ngã thẳng vào giữa đàn ong, chỉ e khó lòng thoát chết.

Trong chớp mắt Trần Bì A Tứ dùng hết khí lực kéo tượng La Hán về phía mình, một tay ném bát trùng bảo hàm vào không trung, sau đó đổi tay nhanh như chớp, dễ dàng đỡ được tượng La Hán. Nhưng rốt cuộc ông ta lẫn không thoát, đỉnh bảo tháp đã đập mạnh vào vách tường địa cung, xô thêm nhiều tượng La Hán rơi xuống.

Lúc này Trần Bì A Tứ đã không còn kỹ xảo gì để thi triển nữa, ông ta chỉ còn biết trơ mắt nhìn một đống tượng La Hán rơi trúng tổ ong địa hoàng, tức khắc bụi đất nổi lên bốn phía, tổ ong hầu hết đều bị đập cho vỡ nát tan tành.

Trong lúc hỗn loạn ông ta đành quẳng bức tượng La Hán trong tay đi, đỡ lấy bảo hàm. Theo phản xạ ông ta chiếu đèn pin vào cái tổ ong kia theo phản xạ, trong lòng thầm nhủ thôi số mình đen, coi như đi tong cái mạng già này rồi. Thân nam nhi không chết trên chiến trường lại chết dưới địa cung, thật là ứng với lời dạy của tổ tông mà.

Đèn pin vừa chiếu qua, cái khe kia lại không có một bầy ong vàng túa ra ào ào như ông ta từng tưởng tượng, ngược lại tổ ong bên trong lại khô ráo không đọng chút hơi nước, có vẻ đây là một tổ ong đã bị bỏ hoang.

Nhưng điều khiến cho ông ta lạnh người là bên trong khe có một khối gì đó tối đen, trông như một cái tổ được xây khi đám ong tiến vào, không biết là xác người chết hay là xác động vật.

Ông ta nhảy xuống đó xem xét thì thấy đó là một pho tượng La Hán kiểu dáng tương tự những bức tượng La Hán ở đây, đã rơi vỡ thành vài mảnh, xem ra nó đã rơi xuống đây từ khi tổ ong chưa hình thành, kết quả là để cái ụ đó tiến vào.

Trần Bì A Tứ ngẩng đầu nhìn lên, vừa rồi khi nhảy xuống tuy không mấy để ý, nhưng ông ta cảm thấy hình như không có chỗ nào khuyết đi một bức tượng La Hán ngồi, vậy bức tượng này rơi xuống từ đâu mới được chứ?

———————————————————————

(1) Thời xưa phong hầu sẽ kèm theo “thực ấp”, tức là một số hộ dân giao hẳn cho người này cai quản và thu thuế. Vạn hộ hầu = tước hầu thu thuế của 1 vạn hộ, đây là con số rất lớn, trong lịch sử số người được phong hầu lên đến 1 vạn hộ rất hiếm nên vạn hộ hầu là người cực kì giàu có.

—————————————————————–

Không liên quan: Thơ của bạn tặng BV nhân dịp xuất bản Bút ký khoét đất ~~~

Mở trang Bút ký khoét đất ra

Đập ngay vào mắt: tiên cô Tà

Anh Bình Kín Miệng như hũ nút

Tên mập thường quen thói ba hoa

Ma nước ai ngờ trang tuyệt sắc

Cổ đao lấp loáng tựa sao sa

Cũng may ông nội còn nguyên vẹn

Hậu bối khỏi kêu lão cún già

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.