Cô Gái Hung Dữ Thu Phục Lưu Manh Xấu Xa

Chương 27: Nhổ răng cửa




- Để tôi giúp cô.

Cô gái quỳ bên mương nước, cầm trong tay một cành cây, đang ra sức vớt thứ gì đó. Cô mặc chiếc áo màu vàng nhạt, dáng người nhỏ nhắn, xinh xắn. Nghe thấy có tiếng gọi, cô gái vẫn giữ nguyên tư thế chống hai tay xuống đất, chỉ ngoảnh đầu lại nhìn. Đó là một gương mặt xinh đẹp, trẻ măng, chừng mười bảy, mười tám tuổi. Nếu tách biệt riêng rẽ thì các nét trên gương mặt cô gái không có gì nổi trội, nhưng khi kết hợp với nhau, chúng lại tạo nên một vẻ đẹp hồn nhiên, đáng yêu, đôi mắt to, sáng long lanh khiến cô bé trở nên rất mực sống động, lí lắc, dễ thương.

Trái tim tôi bỗng lạc nhịp. Tôi vốn nghĩ, những người phụ nữ thuần khiết giống như mẹ tôi là rất hiếm, nào ngờ trở về thời kỳ loạn lạc của hơn một nghìn sáu trăm năm về trước, lại gặp được một thiếu nữ trong sáng, thuần khiết như bầu không khí trong vắt, không gợn chút ô nhiễm nào của thời cổ đại thế này.

Các cô gái ở thời đại của tôi rất mau già, học cấp ba đã bắt đầu tập tành trang điểm, đi thẩm mỹ viện. Nên mỹ nữ giống như sản phẩm của ngành công nghiệp, được sản xuất và cho ra lò hàng loạt. Đẹp thì vẫn đẹp, nhưng giống nhau như đúc từ một khuôn ra, nên không thể biết được, đằng sau lớp hóa trang ấy, đâu mới là gương mặt thật của các cô.

Bởi vậy, tôi cứ mê mải ngắm nhìn cô gái với vẻ đẹp hoàn toàn tự nhiên này bằng ánh mắt ngưỡng mộ. Cô gái cũng nhìn tôi chăm chú, nhưng chắc chắn không phải vì ngưỡng mộ hay thích thú gì, mà là vì kinh ngạc vô chừng. Cái miệng nhỏ xinh của cô khẽ hé mở, trông đáng yêu vô cùng. Tôi cứ nghĩ các cô gái ở thời cổ đại rất hay bẽn lẽn, thẹn thùng, thế nhưng cô bé này lại nhìn tôi chằm chằm không chớp mắt, tôi thấy rất thú vị. - Cô đánh rơi cái gì xuống mương nước thế?

Tôi đến bên cạnh cô gái, quỳ xuống giống cô, mỉm cười hỏi.

- Một chiếc còi của trẻ con.

Cô gái sực tỉnh, không nhìn tôi chăm chú nữa, chỉ tay về phía một hòn đá dưới nước, bên cạnh có một chiếc còi hình con chim.

- Nếu không vớt lên được, đêm nay hai đứa quỷ sứ ấy sẽ không tha cho tôi.

Vành môi cô gái khẽ uốn lên, vẻ mặt rầu rĩ. Tôi mỉm cười, không nghĩ ngợi gì cả, thò tay xuống nước. Mùa đông nên nước lạnh như băng, buốt đến tận xương tủy, khiến tôi rùng cả mình. Cô gái khẽ kêu lên một tiếng, không muốn cô gái phải thất vọng, tôi tiếp tục nhoài người ra phía trước. Cơ hồ, sợ tôi ngã xuống mương, cô gái kéo ngược cánh tay còn lại của tôi. Tôi cười thầm, nếu tôi mà rơi xuống nước, thì sức vóc nhỏ bé của cô gái có ngăn nổi không? Tôi tiếp tục vươn ra xa, cuối cùng thì cũng bắt được. Tôi ra sức giữ thăng bằng và thu tay về. Vẫn trong tư thế nửa quỳ nửa ngồi, tôi chìa thành quả ra trước mặt cô gái.

Cô gái mừng rỡ reo lên, cầm lấy chiếc còi trên tay tôi, rồi đột nhiên, hai bàn tay nhỏ xíu của cô gái nắm chặt lấy tay tôi, chà lấy chà để:

- Tay thầy lạnh quá, khéo ốm mất.

Cô gái cúi đầu, ra sức chà tay cho tôi, để lộ chiếc cổ ngọc ngà, xinh đẹp. Có điều gì bất thường đang xáo trộn trong tim tôi. Cô gái đột ngột ngẩng đầu trong lúc tôi đang mãi vân du trên cổ cô, khiến tôi bị bất ngờ, mặt nóng ran. Cô bé thấp hơn tôi gần một cái đầu, ngước gương mặt dễ thương lên nhìn tôi, sau đó, dường như nhận ra điều gì, thình lình buông tay tôi ra.

Cô gái lùi lại một bước, đằng hắng vài tiếng, xoay đảo đôi đồng tử long lanh, khẽ cúi xuống vái lạy tôi:

- Cảm ơn thầy!

Tôi giật mình, ngơ ngác, mãi về sau mới nhớ ra lúc này tôi đang đóng vai một hòa thượng. Tôi chùi bàn tay ướt sũng vào áo cà sa, cô gái đưa cho tôi một chiếc khăn:

- Thầy dùng cái này đi…

Giọng cô gái trong trẻo, thánh thót, rất dễ thương.

- Tên tôi là Rajiva.

Tôi không thích bị gọi là “thầy” chút nào.

- Rajiva ư?

Cô gái nghiêng đầu ngẫm ngợi:

- Không giống pháp danh chút nào.

Tôi ậm ừ một tiếng, chán nản nói với cô gái:

- Pháp danh của tôi là Đạo Tiêu. Nhưng cô cứ gọi Rajiva là được rồi.

Nghĩ một lát, tôi bổ sung thêm: - Tôi thích tên gọi ở nhà của mình hơn.

Cô gái gật đầu, tiếp tục quan sát tôi. Ánh mắt trong veo, hồn nhiên và rất mực trong sáng.

- Trông thầy rất giống pháp sư.

Đến lượt tôi sững người. Tôi cứ nghĩ, cô gái chăm chú nhìn tôi vì bị hấp dẫn bởi vẻ điển trai của tôi, giống như nhiều cô gái ở thời đại mà tôi sống. Nào ngờ, nguyên nhân chính lại là vì tôi giống cha tôi. Chúng tôi gặp nhau trong khuôn viên nơi ở của cha, vậy chắc là cô ấy biết cha. Cô ấy là ai nhỉ?

- Chị Lạc Tú!

Tiếng trẻ con lảnh lót vang lên, hai đứa bé chừng ba, bốn tuổi, ăn mặc giống hệt nhau, lũn cũn chạy đến, nhào vào vòng tay cô gái trước mặt tôi.

Vậy là tôi biết rồi. Cô ấy là Lạc Tú, thiếu nữ Lương Châu cuối cùng được mẹ giữ lại, cưu mang. Còn hai đứa bé xinh như thiên thần này, chính là cặp song sinh của Sơ Nhụy: Dung Tình và Dung Vũ. Tất nhiên là tôi chẳng thể phân biệt được hai đứa nhóc này.

Lạc Tú đưa chiếc còi cho bọn trẻ, rồi quay sang cảm ơn tôi một lần nữa. Sau đó dắt tay hai đứa bé, ra về. Tôi mỉm cười nhìn theo bóng cô gái, tiếp tục hành trình đến chùa Thảo Đường. Buổi sáng lúc tỉnh dậy, tôi thấy mình đang nằm trên giường của cha, nhưng không thấy bóng dáng cha đâu, tôi đoán là cha đã đến chùa. Tôi muốn cha nghỉ ngơi thêm một ngày vì đêm qua cha thức rất khuya, nhưng xem ra, cha mẹ giống hệt nhau, đều là những người hết lòng vì công việc.

Tôi rảo bước về phía chùa Thảo Đường, chợt nhớ ra chiếc khăn của Lạc Tú trên tay mình, bèn cất vào tay áo, cảm giác thật ngọt ngào, dễ chịu. Cứ nghĩ tới gương mặt thuần khiết, dễ thương của cô gái, tôi lại tủm tỉm cười một mình. Hình như, tôi chưa bao giờ như vậy…

Vừa đặt chân vào đại điện chùa Thảo Đường đã nhận thấy bầu không khí khác lạ. Lão Giác Hiền đang tranh luận với cha chuyện gì đó. Tôi tìm thấy Đạo Hằng ở một góc khuất, vội đến bên cậu ta hỏi han tình hình. Cậu ta cho biết, ngày mai Diêu Hưng sẽ dẫn theo Diêu Hoằng đến chùa nghe giảng kinh, Giác Hiền một mực đòi luận chiến với cha trước mặt nhà vua.

- Sư đệ Giác Hiền, việc biện luận phân tranh thắng thua có ý nghĩa gì đâu. Ta muốn dành thời gian để phiên dịch cuốn kinh “Duy Ma Cật sở thuyết”. Cuốn kinh này có ý nghĩa rất quan trọng với ta, nên ta không muốn lãng phí thời gian vào việc tranh biện.

Giọng cha được đẩy lên ở một âm vực khá cao, điều đó chứng tỏ, lòng kiên nhẫn của cha đã bị thử thách ở mức tối đa.

- Bộ kinh văn này có ý nghĩa to lớn với sư huynh ư?

Giác Hiền cười mỉa mai, cao giọng:

- Sư huynh muốn mượn gương đại sư Duy Ma Cật để biện hộ cho hành vi sai trái của mình chứ gì? Sư huynh không tuân thủ giới luật, xem thường người tu hành, lại còn đưa phụ nữ đến chốn Phật đường trang nghiêm, đó là hành vi bất kính với Phật tổ.

Cha giật mình, sắc mặt tái nhợt. Tôi bật dậy, nắm chặt hai tay, định xông lên phía trước. Nhưng Đạo Hằng kiên quyết ghìm tôi lại:

- Đạo Tiêu, sư đệ làm gì vậy? Đệ xông lên đó liệu có giúp được pháp sư không?

Lời nói của Đạo Hằng đã khiến tôi sực tỉnh, tôi ngồi phịch xuống. Đúng vậy, tôi không thể hành động lỗ mãng, làm vậy sẽ chỉ khiến cha thêm khó xử. Nhưng tôi tức phát khóc, nắm chặt nắm đấm, đập điên cuồng xuống nền nhà. Lão hòa thượng đáng ghét này, dám sỉ nhục mẹ ta ư!

Mắt cha đỏ ngầu, chân tay run lên vì giận dữ, cha gắng sức hít thở thật sâu mấy lần để giữ giọng bình tĩnh, mà rằng:

- Được, ta đồng ý tranh biện.

Tôi ghé vào tai Đạo Hằng, thì thào:

- Đệ là người thân của pháp sư, nếu sư huynh muốn nhận ngài làm thầy, đệ sẽ cầu xin pháp sư để sư huynh được toại nguyện.

- Thật chứ?

Cậu ta kêu lên sung sướng, tôi phải nháy mắt ra hiệu để cậu ta hạ thấp giọng xuống.

- Nhưng sư huynh phải giúp đệ việc này. Tôi hất hàm về phía lão hòa thượng đáng ghét đang đứng trên kia.

- Vì muốn khuếch trương thanh thế, Giác Hiền thu nhận rất nhiều đệ tử ở thành Trường An, bất kể xuất thân, tốt xấu. Vậy nên, trong số các đệ tử của ông ta, có không ít kẻ đầu trộm đuôi cướp. Sư huynh hãy vờ xin làm đệ tử của Giác Hiền, tìm ra những kẻ xấu xa đó, rồi âm thầm trình báo lên Điện hạ. Sau đó, pháp sư chắc chắn sẽ nhận huynh làm đệ tử.

- Được!

Đạo Hằng đập tay vào nhau, háo hức muốn thực hiện ngay kế hoạch.

- Giác Hiền o ép pháp sư trước mặt mọi người, thật quá quắt, chẳng có chút phong thái của bậc danh sư gì cả. Bần tăng cảm thấy rất bất mãn, bần tăng nhất định phải đòi lại công bằng cho pháp sư!

Giờ nghỉ trưa, tôi tìm gặp Tăng Triệu. Tuy không biết chính xác quan hệ của tôi và cha, nhưng thấy tôi giống hệt cha, lại được tận mắt chứng kiến cảnh cha con tôi nhận nhau, nên cậu ta đoán rằng, xuất thân của tôi rất đặc biệt, vì vậy, tỏ ra rất mực cung kính với tôi.

Tôi nghiêm nghị nói với cậu ta rằng: tám vị đệ tử của pháp sư phải dốc toàn lực đuổi Giác Hiền ra khỏi Trường An, bằng không, khi danh dự và tôn nghiêm của sư phụ bị tổn hại nặng nề, họ làm sao co thể ngẩng cao đầu.

Tăng Triệu hoàn toàn đồng tình với tôi, vì cậu ta cũng hết sức bất bình với Giác Hiền. Mẹ là ân nhân cứu mạng của Tăng Triệu, Giác Hiền sỉ nhục mẹ cũng tức là sỉ nhục mẹ nuôi của cậu ta. Chúng tôi bàn bạc chi tiết mọi việc suốt cả buổi trưa, tôi còn giới thiệu Đạo Hằng làm quen với Tăng Triệu. Kết thúc giờ tụng kinh buổi tối, tôi thấy Tăng Triệu lập tức tập trung Đạo Sinh, Đạo Dung, Tăng Duệ, Đạo Hằng, Đàm Ảnh, Tuệ Quán và Tuệ Nghiêm lại. Có vẻ như tối nay họ sẽ tổ chức một hội nghị nho nhỏ.

Trên đường trở về nơi ở cùng cha, tôi nghiến răng, thầm rủa: Lão Giác Hiền đáng ghét, ông không còn được vênh vang bao lâu nữa đâu.

Nhưng, cứ nghĩ đến việc, người đời sau sẽ đổ toàn bộ trách nhiệm trong việc xua đuổi Giác Hiền ra khỏi thành Trường An lên đầu cha tôi, tôi lại không khỏi bứt rứt. Thực tế là cha không hề hay biết chuyện này. Nhưng các học giả ngày sau đều cho rằng, chính cha là người chỉ đạo việc này. Mà thôi, lão Giác Hiền còn ở lại Trường An ngày nào, tôi còn cảm thấy tức anh ách và khó chịu ngày ấy.

Buổi tối, tôi đến tìm Lạc Tú để trả lại khăn tay cho cố ấy. Cũng mượn cớ này để chơi đùa cùng Dung Tình, Dung Vũ, để được ngắm nhìn nụ cười thuần khiết, trong sáng của cô ấy, vì mỗi lúc như thế, tôi lại quên hết mọi ưu phiền…

Đại điện hôm nay chật kín người, Diêu Hưng cùng Thái tử Diêu Hoằng và rất đông hoàng thân quốc thích ngự trên những vị trí cao nhất dành cho khách quý. Ngay khi cuộc tranh biện giữa cha và Giác Hiền bắt đầu, mọi người đều há hốc miệng, tròn xoe mắt. Bởi vì, vốn tiếng Hán của Giác Hiền rất hạn chế, ông ta chỉ có thể bập bõm được những từ đơn giản, nên ông ta yêu cầu tranh biện bằng tiếng Phạn. Nhà sư Bảo Vân, người tinh thông tiếng Phạn phụ trách việc phiên dịch. Nhà sư vừa ghi chép vừa diễn giải ý tứ của hai vị.

Theo ghi chép của Bảo Vân, thì nội dung cuộc tranh biện như sau:

“Kumarajiva hỏi: Vì sao nói rằng các “pháp” vốn là không?

Giác Hiền đáp: Vì vật chất vốn do vô số hạt bụi li ti hợp thành, mà không có bản tính, nên đều là không.

Kumarajiva lại hỏi: Nếu dùng vô số hạt bụi li ti mà hợp thành vật chất, rồi bảo rằng nó vốn là không, thì làm sao chứng minh được rằng, hạt bụi vốn không tồn tại?

Giác Hiền đáp: Nhiều người trong chúng ta thường cố gắng phá hủy hạt bụi. Nhưng tôi không làm thế.

Kumarajiva lại hỏi: Vậy thì hạt bụi có bất diệt không?

Giác Hiền đáp: Nhìn từ góc độ của một hạt bụi, thì thấy nhiều hạt bụi đều sẽ bị tiêu diệt. Nhìn từ góc độ của nhiều hạt bụi, thì thấy một hạt bụi cũng sẽ bị tiêu diệt”.

Tiếp sau đó thì không có bất cứ ghi chép nào cả. Bởi vì Bảo Vân không hiểu gì. Và hầu hết những người có mặt trong đại điện khi ấy cũng không hiểu gì. Có lẽ chỉ có tám vị đại đệ tử của cha là nghe hiểu được đôi chút. Cuộc biện luận giữa cha và Giác Hiền được coi là cuộc biện luận trừu tượng nhất, khó hiểu nhất trong lịch sử Phật giáo.

Cha và Giác Hiền, người hỏi người đáp, tranh luận suốt hơn một giờ đồng hồ, vẻ nghiêm túc trên gương mặt hai người thật đáng nể sợ. Tuy nghe không hiểu, nhưng không ai dám lên tiếng, dường như ai nấy đều nín thở quan sát biểu cảm trên gương mặt hai người. Điều mà mọi người có thể thấy rõ ràng là mồ hôi đầm đìa trên trán Giác Hiền, trong khi gương mặt cha vẫn điềm nhiên, bình thản. Nhưng cho tới khi cuộc biện luận kết thúc, hai người vẫn nhìn nhau lạnh lùng, và không ai trong số họ công bố kết quả. Cuộc biện luận ấy chỉ được ghi chép lại với đoạn hội thoại ngắn ngủi phía trên, không ai biết rốt cuộc ai thắng hay ai thua, và nó đã trở thành một nghi án ly kỳ không có đáp án của lịch sử…

- Cô thấy không, thế là hết sạch vết bẩn rồi nhé!

Tôi lắc mạnh chiếc bình gốm đựng vỏ trứng ngâm giấm, sau đó dừng lại một lát:

- Cô nhìn xem.

Lạc Tú vô cùng kinh ngạc, miệng há hốc nhìn chiếc bình trong vắt. Cô ấy lắc thử chiếc bình, rồi nở nụ cười tươi như hoa, nhìn tôi bằng cặp mắt sáng long lanh, dễ thương không tả nổi. Đột nhiên tôi rất muốn được hôn cô ấy, nhưng đã kịp kìm chế, sau đó, hướng dẫn cô ấy một cách nghiêm túc, cách lắc bình cho thật đều.

Sau khi trở về nơi ở của cha, tôi thường tìm cớ để đến gặp Lạc Tú. Tuy chúng tôi cách nhau hàng nghìn năm thời gian, và có rất nhiều suy nghĩ của tôi mà cố ấy không hiểu, nhưng cô ấy rất biết lắng nghe, và luôn khích lệ tôi tiếp tục câu chuyện bằng nụ cười thuần khiết, trong sáng của cô ấy. Mỗi lần thấy cô ấy cười, tôi cảm thấy nhẹ nhõm vô cùng, tựa hồ như được đắm mình trong làn gió mơn man, cảm giác thư thái thấm vào từng tế bào. Tôi yêu thích vô cùng cảm giác ấy.

Sau khi rửa sạch bình gốm, chúng tôi cùng rời khỏi nhà bếp, sóng bước trên hành lang dẫn về căn phòng của cô ấy. Đêm nay bầu trời lặng gió, hàng ngàn ngôi sao nhấp nháy trên nền trời xanh thẫm, mai chắc sẽ nắng to lắm đây. - Vì sao các ngôi sao lại biết nhấp nháy? Tiếng nói êm êm vang lên bên tai tôi. Tôi ngước nhìn bầu trời đêm đầy sao, đắm chìm vào thế giới tinh cầu lung linh, huyền hoặc. Lẽ ra tôi nên trả lời rằng: bởi vì ánh sáng của các ngôi sao phải xuyên qua bầu khí quyển bảo vệ trái đất vốn luôn biến động về mật độ.

- Bởi vì, các vì sao cũng giống như con người, thường chớp mắt khi gặp phải chuyện buồn.

Tôi quay sang nhìn cô ấy, trong bóng đêm tịch mịch, gương mặt của cô ấy đẹp một cách phiêu linh, lạ thường. Khi cô ấy ngẩng lên, tôi thấy rõ chiếc cằm nhọn xinh xẻo và các đường nét thanh tú trên gương mặt cô ấy. Đột nhiên, tôi có linh cảm bất ổn rằng, mình không thể tiếp tục đứng đây ngắm nhìn trời sao thêm nữa, vì rất có thể, tôi sẽ phạm sai lầm…

- Rajiva! Đó là cha! Cha đứng trên dãy hành lang nhìn tôi và Lạc Tú, giọng cha nhẹ nhàng, nhưng cũng đủ khiến tôi giật mình. Lạc Tú ngượng ngùng, cúi chào cha, rồi nhanh chóng rời gót. Tôi thấp thỏm lo âu bước về phía cha.

Hai cha con cùng nhau trở về phòng, cha không nói gì cả. Tôi cũng không biết phải nói gì lúc này, nên đành im lặng.

- Rajiva!

Cuối cùng thì cha cũng chịu lên tiếng.

- Lạc Tú là một cô gái ngoan!

- Vâng.

Tôi biết điều đó chứ.

Cha dừng bước, nhìn tôi, giọng cha thâm trầm:

- Cha không phản đối chuyện của con và Lạc Tú. Có điều, con phải suy nghĩ cho thật kỹ…

Đèn lồng treo trên lối đi soi rọi nét ưu buồn trong mắt cha, tiếng thở dài não nề vang lên:

- Liệu con có chịu đựng nổi cuộc tình mà những tháng năm chia li nhiều hơn gặp mặt, và phải dùng tính mạng của mình để đánh đổi những lần hội ngộ ít ỏi, giống như cha và mẹ con không…

Tôi đứng sững lại, ngước nhìn đôi mắt nhuốm bi thương, dâu bể của cha, tim thắt lại, tôi cắn môi, khẽ đáp:

- Con hiểu, thưa cha…

Đêm đó tôi không sao chợp mắt nổi, lời cha nói cứ quẩn quanh mãi trong tâm trí tôi. Tôi có đủ dũng cảm để sẵn sàng chịu đựng không? Tôi có dám không?

Có lẽ chuyện tình yêu của cha mẹ đã ảnh hưởng sâu sắc đến tôi, khiến tôi không sao chấp nhận được lối sống “tàu nhanh” của các bạn đồng trang lứa. Có vô số các cô gái vây quanh tôi, nhưng tôi không hề có cảm xúc với họ. Bởi vì ánh mắt họ dành cho tôi chứa nặng nhiều thứ khác, ngoài tình cảm. Mẹ tôi là giáo sư lịch sử nổi tiếng. Bản thân tôi chưa đến hai mươi tuổi đã có công ty riêng. Tôi lại cao ráo, đẹp trai. Tất cả những ưu điểm này gộp lại có thể đánh đổ bất cứ cô gái nào. Nhưng, thử hỏi có bao người trong số họ thực sự quan tâm, trân trọng con người thực của tôi, tâm hồn tôi, cảm xúc của tôi, mà không phải ngoại hình, gia thế, điều kiện kinh tế của tôi. Có ai trong số họ sẵn sàng hi sinh tất cả, bất chấp mọi khó khăn để yêu tôi giống như mẹ tôi yêu cha tôi?

Tôi đã thử hẹn hò với nhiều cô gái khác nhau, nhưng các mối quan hệ đó đã chấm dứt sau chỉ ba lần gặp gỡ. Không ai trong số các cô gái xinh đẹp, kiểu cách ấy là bóng hình thuần khiết, trong sáng mà tôi hằng mong đợi và tìm kiếm. Tôi không ngờ hình bóng ấy lại xuất hiện ở thời đại cách tôi hơn một nghìn năm về trước. Tôi nghe rất rõ tiếng trái tim mình thổn thức. Nhưng, liệu tôi có dám không? Tôi trằn trọc không yên, tôi vùng dậy, đến bên khung cửa sổ, ngắm nhìn bầu trời đầy sao. Thực ra tôi đã biết được câu trả lời: tôi không dám!

Ngay từ đầu tôi đã biết điều này, nhưng tôi cố tình né tránh câu hỏi khắc nghiệt này. Tuy tôi vô cùng ngưỡng mộ tình yêu của cha mẹ, nhưng tình yêu “sống chết có nhau” ấy có lẽ chỉ thuộc về cha mẹ mà thôi. Tôi và những người sống quanh tôi, chẳng thể học theo họ, bởi vì không ai có đủ dũng khí để làm như họ…

Đến lúc phải buông tay rồi, hãy làm điều đó khi mà cả hai còn chưa kịp sa vào lưới tình. Sau năm ngày nữa tôi sẽ ra đi. Hãy xem cuộc gặp gỡ này là một kỷ niệm đẹp trong cuộc đời. Lần tiếp theo tôi trở lại đây, cô ấy đã hai mươi mốt tuổi, chắc chắn đã có gia đình.

Kể từ buổi tối đó, tôi không đến tìm Lạc Tú nữa. Nếu có tình cờ gặp, tôi cũng chỉ chắp tay cúi chào, giữ khoảng cách nhất định với cô ấy. Tôi thấy đau lòng khi bắt gặp vẻ thất vọng trong mắt cô ấy, nhưng tôi có thể chịu đựng được. Dù sao thì cũng chỉ có vài ngày ở bên nhau. Tôi tin rằng, cô ấy sẽ dần lãng quên tôi thôi…

Đạo Hằng và tám đệ tử của cha làm việc rất hiệu quả. Chỉ vài ngày sau đó, Đạo Hằng đã điều tra ra lai lịch những kẻ phạm tội trong số các đệ tử của Giác Hiền và đã mật báo với Diêu Hưng. Diêu Hưng nổi trận lôi đình, hạ lệnh trừng phạt nghiêm khắc. Tin tức lan truyền khắp nơi trong thành Trường An. Giác Hiền bị chỉ trích nặng nề từ cả hai phía: người tu hành và dân chúng. Đám đệ tử hèn kém của ông ta, kẻ nửa đêm bỏ trốn, kẻ mai danh ẩn tích. Chỉ trong vòng nửa ngày, đã hầu như chẳng còn ai. Giác Hiền không thể tiếp tục ở lại Trường An được nữa. Đúng lúc đó, sư Tuệ Viễn ở Lô Sơn mời ông ta giảng đạo, Giác Hiền bèn dẫn theo bốn mươi đệ tử, những người bằng lòng đi theo ông ta, lên núi Lô Sơn.

Khi cha biết chuyện thì Giác Hiền đã chuẩn bị ra đi, danh tiếng đã bị hủy hoại, ông ta không còn mặt mũi nào để gặp cha nữa. Cha lập tức đến tìm tôi, tôi thừa nhận không giấu giếm. Cha biết tôi vì muốn đòi lại công bằng cho mẹ nên mới làm vậy, nên chỉ trách móc vài câu rồi thôi. Sau khi Giác Hiền ra đi, cha thường hay thở dài, lúc nào cha cũng nói hay, nói tốt về ông ta, nào là ông ta là người tinh thông Thiền pháp, và là dòng tu chính phái so với cha.

Tôi nói để cha yên tâm, rằng Giác Hiền đến Nam triều, được Lưu Dục rất mực nể trọng. Ông ấy còn hợp tác với đại sư Pháp Hiển (người vừa chu du Ấn Độ về) dịch thuật kinh Phật. Ông ấy giỏi về Thiền pháp, nên các cuốn kinh văn mà ông ấy phiên dịch đã trở thành kinh văn kinh điển của phái Du-già Đại Thừa sau này.

Cũng bởi vậy, công lao của ông ấy đối với Phật giáo Trung Nguyên nói chung và với Phật giáo Nam triều nói riêng là rất lớn.

Vì tôi khẩn thiết đề nghị, nên cha đã đồng ý thu nhận Đạo Hằng làm vị đệ tử cuối cùng. Tất nhiên, mọi người ở thời đại ấy cũng đều cho rằng tôi là một trong số các đệ tử của cha. Có người đặt cho tôi, Đạo Hằng và tám đệ tử khác của cha biệt hiệu “Thập môn thập triết”. Thấy tôi giống cha, nhiều người đoán già đoán non tôi là họ hàng thân thích của cha, nhưng không ai hay biết, tôi chính là con trai của cha.

Trước khi đi, tôi nói rằng tôi phải về Khâu Từ. Đạo Hằng đến từ biệt tôi, mặt mày ủ dột. Cậu ta bảo, vì việc mật báo kẻ gian với Diêu Hưng, cậu ta đã có cơ hội gặp mặt nhà vua vài lần. Diêu Hưng hỏi cậu ta một số câu hỏi liên quan đến việc triều chính, nào ngờ cậu ta trả lời đâu ra đấy. Diêu Hưng mừng như bắt được vàng, ép cậu ta hoàn tục, phò trợ nhà vua công việc triều chính. Mấy hôm nay cậu ta đang đau đầu vì chuyện này.

Tôi bật cười nói với cậu ta rằng, sư phụ của cậu có thể giúp cậu. Đạo Hằng ra về với gương mặt tươi cười rạng rỡ. Tôi thì thở dài ngán ngẩm, đúng là cha sẽ giúp cậu ta cầu xin với Diêu Hưng. Nhưng về sau, khi lâm vào tình cảnh quẫn bách, nhà vua đã o ép Đạo Hằng hoàn tục, khiến cậu ta không còn cách nào khác, đành phải ẩn cư trong núi sâu.

Diêu Hưng đã rơi vào tình cảnh suy vi. Hai năm trước thua trong cuộc chiến với Thác Bạt Khuê, hai năm sau, Hách Liên Bột Bột làm phản. Tuổi già của Diêu Hưng phải sống trong cảnh thù trong giặc ngoài, chẳng được yên ổn. May mà cha không phải chứng kiến sự diệt vong của nhà Diêu Tần.

- Cha viết xong chưa?

Cha ngẩng lên, xúc động, “ừ” một tiếng, đưa cho tôi tờ giấy vừa viết xong. Tôi sững sờ khi nhìn những con chữ trên giấy. Cha ngồi lặng lẽ suy tưởng cả đêm bên bàn làm việc, vậy mà chỉ viết ra hai chữ này thôi ư? Đó là hai chữ Hán rất đẹp: Chờ ta.

Tôi cứ nghĩ đó sẽ là một bức thư tình nồng nàn kia. Vậy mà, sau rốt, chỉ có duy nhất hai chữ: “Chờ ta”. Có lẽ, đối với cha mẹ, không cần phải nói thêm bất cứ lời hẹn thề to tát gì nữa. Chỉ hai chữ “Chờ ta” là đủ rồi…

Tôi thận trọng gấp gọn tờ giấy, đút vào ba lô, nở nụ cười hãnh diện:

- Chắc chắn mẹ sẽ rất thích món quà sinh nhật lần thứ năm mươi này.

Tôi tin tưởng tuyệt đối rằng, sau khi đọc được thư của cha, mẹ sẽ đồng ý tiến hành phẫu thuật cấy ghép tủy…

Tôi định đến chào từ biệt Lạc Tú, nhưng nghĩ đi nghĩ lại lại thôi. Tôi không nên làm phiền cô ấy, hai chúng tôi chưa từng bắt đầu, thì việc gì phải kết thúc?

Cha tiễn tôi đi, cha đã rất thành thạo trình tự của việc này. Ngàn vạn lời căn dặn, cuối cùng chỉ lắng đọng trong câu nói ngắn gọn này:

- Cha ơi, vì mẹ con, trong thời gian bốn năm tới, cha nhất định phải giữ gìn sức khỏe.

Cha nhìn tôi, gật đầu cả quyết.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.