Chồng Ấm Giường Hay Ghen

Chương 22




Trên đường tới nhà hàng, Alice tạt vào bưu điện gửi thư cho Daldry. Lúc bước vào nhà hàng, cô nghe tiếng cãi vã kịch liệt giữa Mama Can và cháu trai. Nhưng ngay khi cô lại gần gian bếp phụ, Mama Can liền nín bặt và mở to mắt nhìn Can để anh cũng làm vậy, tuy nhiên không có gì qua khỏi mắt Alice.

- Có chuyện gì vậy? cô vừa đeo tạp dề vừa hỏi.

- Không có gì, Can phản đối trong khi ánh mắt anh lại nói điều ngược lại.

- Một bà cô hẳn có quyền la mắng đứa cháu mình mà nó không được ngước mắt lên trời rồi vô lễ với bà ấy, Mama Can cao giọng đáp trả.

Can sập cửa lại sau lưng ra khỏi nhà hàng, thậm chí quên cả chào Alice.

- Chuyện có vẻ nghiêm trọng, Alice nói tiếp lúc lại gần bếp lò nơi chồng Mama Can đang hối hả làm việc.

Ông quay lại phía cô, trên tay cầm một con dao phết rồi đưa cô nếm món ragu.

- Ngon tuyệt, Alice nói.

Người đầu bếp lau tay vào tạp dề rồi lẳng lặng tiến vào phía nhà chái để hút thuốc. Ông đưa mắt bực tức nhìn bà vợ trước khi cũng sập mạnh cánh cửa lại.

- Bầu không khí thật tuyệt, Alice nói.

- Hai người ấy luôn về phe với nhau chống lại ta, Mama Can làu nhàu. Ngày ta chết, khách hàng sẽ theo ta tới nghĩa trang còn hơn là quay lại đây để hai gã cứng đầu ấy phục vụ.

- Nếu bác nói với cháu chuyện vừa xảy ra, biết đâu cháu lại chẳng về phe của bác, hai chống lại hai, như thế cuộc đấu sẽ cân bằng hơn.

- Thằng cháu ngốc nghếch của ta là giáo viên quá giỏi, còn cháu thì học ngôn ngữ của chúng ta quá nhanh đấy. Đúng là người nào việc nấy thật. Vậy nên thay vì đứng cắm rễ ở đây, cháu hãy vào phòng ăn đi, cháu có thấy khách hàng nào trong nhà bếp này không? Dĩ nhiên là không rồi, nào đi thôi, họ đang đợi được phục vụ, và đừng có cả gan mà sập cửa nữa đấy!

Alice không để điều ấy lặp lại, cô đặt chồng đĩa mà người phụ bếp vừa lau lên kệ đầu tiên nhìn thấy rồi cắm cuốn sổ trên tay trở ra phòng ăn đã bắt đầu đông khách.

Cửa bếp vừa khép lại người ta đã nghe tiếng Mama Can hét lên đòi ông chồng dập thuốc quay trở lại chỗ bếp lò ngay.

Buổi tối tiếp diễn mà không có thêm vụ va cham nào khác nhưng mỗi lần đi qua bếp, Alice lại để ý thấy Mama Can và chồng không nói với nhau câu nào.

Tối thứ Hai Alice không bao giờ phải làm việc muộn, khoảng mười một giờ là những thực khách cuối cùng đã bắt đầu rời nhà hàng. Cô kết thúc việc dọn dẹp phòng ăn, cởi tạp dề, chào ông chồng bếp trưởng đang cáu bẳn qua loa, chào người phụ bếp và cuối cùng là chào Mama Can đang đứng nhìn cô rời đi với một vẻ lạ lùng.

Can ngồi đợi cô bên ngoài trên bệ tường bao.

- Anh đã đi đâu thế? Anh lủi đi nhanh như một tên trộm. Tóm lại thì anh đã làm gì mà khiến bác ấy thành ra như vậy? Vì những trò ngu ngốc của anh, tất cả chúng tôi đã có một buổi tối tệ hại, bác ấy vô cùng bực bội.

- Cô tôi cố chấp kinh khủng, chúng tôi đã cãi nhau, có thế thôi, ngày mai mọi việc sẽ khá hơn.

- Thế tôi có thể biết tại sao hai người lại cãi nhau không? Nói cho cùng, chính tôi mới là người phải gánh hậu quả cơ mà.

- Nếu tôi nó với cô, cô sẽ còn giận dữ hơn nữa và công việc ngày mai sẽ còn tồi tệ hơn cả tối nay.

- Tại sao? Alice hỏi. Chuyện đó liên quan đến tôi à?

- Tôi không thể nói gì thêm. Thôi, ba hoa vậy đủ rồi, tôi đưa cô về, cũng muộn rồi.

- Anh biết đấy Can, tôi lớn rồi nên không cần anh tối nào cũng phải hộ tống tôi về đến tận nhà. Vài tháng qua tôi đã có đủ thời gian để ghi nhớ đường đi. Căn nhà tôi ở lúc nào cũng chỉ nằm ở cuối phố thôi mà.

- Cô giễu tôi như thế không hay lắm đâu, tôi được trả công để chăm lo cho cô, tôi chỉ đang làm công việc của mình, giống như cô vẫn làm ở nhà hàng thôi.

- Anh được trả công là thế nào?

- Ngài Daldry vẫn tiếp tục gửi ngân phiếu cho tôi hằng tuần.

Alice nhìn Can một lúc lâu rồi bỏ đi không nói một lời. Anh bắt kịp cô.

- Tôi làm thế còn là vì chỗ bạn bè nữa.

- Đừng nói với tôi chuyện bạn bè ở đây vì anh đã được trả công, cô vừa nói vừa rảo bước.

- Hai chuyện ấy không phải là không thể cùng tồn tại, vả lại phố xá về đêm không an toàn như cô tưởng đâu, Istanbul là một thành phố lớn.

- Nhưng Uskudar lại là chốn mà tất cả mọi người đều biết nhau, anh đã nhắc đi nhắc lại với tôi cả trăm lần như thế. Giờ thì để tôi được yên, tôi biết đường về rồi.

- Được thôi, Can thở dài, tôi sẽ viết thư cho Ngài Daldry bảo rằng tôi không muốn nhận tiền của anh ta nữa, cô thấy như thế được chưa?

- Tôi sẽ thấy được hơn nếu anh nói với tôi sớm hơn rằng anh ấy vẫn tiếp tục trả công cho anh để anh chăm lo cho tôi. Tuy vậy trước đây tôi cũng đã viết thư bảo anh ấy rằng tôi không cần sự giúp đỡ của anh ấy nữa, nhưng tôi thấy là một lần nữa anh ấy lại khăng khăng làm theo ý mình và việc ấy khiến tôi bực mình.

- Sao việc một ai đó giúp cô lại khiến cô bực mình? Thật vô lý.

- Bởi vì tôi không nhờ vả gì anh ấy, và tôi không cần sự giúp đỡ của bất cứ ai.

- Như thế lại càng vô lý, chúng ta ai mà chẳng cần người nào đó giúp đỡ trong đời, không ai có thể làm được những điều lớn lao một mình.

- Vậy mà tôi thì có đó.

- Vậy mà cô thì cũng không ngoại lệ! Liệu cô có tạo ra được loại nước hoa của mình nếu không có người thợ ở Cihangir giúp sức? Liệu cô có tìm ra được căn xưởng của ông ấy nếu tôi không dẫn cô tới đó? Liệu cô có gặp được ngài tổng lãnh sự, gặp được ông Zemirli hay ông giáo già kia không?

- Đừng nói quá lên thế, anh không liên quan gì đến chuyện ông giáo già kia cả.

- Thế ai đã quyết định đi vào con hẻm trước cửa nhà ông ấy? Ai?

Alice dừng lại đứng đối diện với Can.

- Anh thật là có ác ý không tưởng tượng được. Đồng ý, không có anh, hẳn tôi đã không gặp được ngài tổng lãnh sự lẫn ông Zemirli, tôi cũng không được làm việc tại nhà hàng của cô anh, tôi cũng không sống ở Uskudar và rất có thể đã rời Istanbul.Tôi nợ anh tất cả những việc đó, anh thỏa mãn chưa?

- Và cô cũng sẽ không đi qua con ngõ cụt dẫn vào ngôi trường kia!

- Tôi đã xin lỗi anh rồi, chúng ta sẽ không mất cả buổi tối vì mấy chuyện này chứ.

- Vậy mà tôi lại không nhận ra cô đã nói xin lỗi vào lúc nào. Mà cô cũng sẽ chẳng gặp được ai, cũng chẳng có được việc làm ở chỗ cô tôi, chẳng thuê được căn phòng của cô ấy nếu Ngài Daldry không thuê tôi. Cô có thể kéo dài danh sách đối tượng được nhận lời xin lỗi của mình và cảm ơn cả anh ta nữa, ít nhất là trong tâm tưởng. Tôi chắc là chúng sẽ tới được với anh ta bằng cách này hay cách khác.

- Tôi vẫn làm thế trong mỗi lá thư tôi viết cho anh ấy, thưa “ngài thích rao giảng đạo đức”, nhưng biết đâu anh nói thế với tôi chỉ để trong thư sau tôi không cấm anh ấy gửi ngân phiếu cho anh.

- Dĩ nhiên rồi, sau tất cả những gì tôi làm cho cô, cô lại muốn để tôi bị mất việc, công việc liên quan đến chính bản thân cô.

- Tôi đã nói mà, anh thật là có ác ý không tưởng tượng được.

- Còn cô, cứng đầu chẳng kém gì bà cô tôi.

- Thôi được rồi Can, tôi đã cãi nhau đủ cho cả tối, thậm chí cả tháng rồi.

- Vậy thì chúng ta cùng đi uống một tách trà và làm hòa nhé.

Alice đi theo anh ta tới một quán cà phê vẫn còn đông khách ra vào nằm sâu trong một con ngõ cụt.

Can gọi cho họ hai ly raki, Alice thích uống trà như anh ta đã hứa nhưng anh chàng hướng dẫn viên không nghe cô.

- Ngài Daldry không sợ phải uống đâu.

- Thế anh thấy say khướt thì cam đảm lắm à?

- Tôi không biết, tôi chưa bao giờ tự hỏi mình như vậy.

- Lẽ ra anh nên làm thế, say sưa là một màn buông xuôi ngớ ngẳn. Giờ thì sau khi đã nâng ly để chiều lòng anh, anh có thể nói tôi hay vụ cãi cọ với cô anh thì liên quan gì đến tôi chứ?

Can lưỡng lự không đáp nhưng việc Alice cứ nài nỉ cuối cùng đã làm tan biến những do dự cuối cùng trong anh.

- Đó là vì tất cả những người mà tôi đã dẫn cô tới găp. Ngài tổng lãnh sự, ông Zemirli, ông giáo già, dù cho riêng với người này, tôi đã thề với cô tôi là mình chẳng liên quan gì và rằng chúng ta chỉ tình cờ đi ngang qua nhà ông ta.

- Sao bác ấy lại trách cứ anh?

- Vì đã dính vào những việc chẳng liên quan đến mình.

- Sao bác ấy lại phản đối chuyện ấy?

- Bà ấy bảo rằng khi quá quan tâm đến cuộc sống của người khác, dù cho có nghĩ là làm điều tốt đi chăng nữa, thì rồi cuối cùng ta cũng chỉ mang bất hạnh đến cho họ mà thôi.

- Vậy thì ngay ngày mai tôi sẽ làm Mama Can yên lòng và giải thích với bác ấy rằng anh chỉ mang điều tốt lành đến cho tôi.

- Cô không thể nói vậy với bà cô tôi được, bà ấy sẽ biết là tôi đã phô với cô và sẽ điên tiết lên với tôi. Hơn nữa điều cô nói cũng không hoàn toàn chính xác. Nếu tôi không giới thiệu cô với ông Zemirli, cô sẽ không phải buồn khi ông ấy qua đời, nếu tôi không dẫn cô tới con hẻm ấy, cô sẽ không bao giờ cảm thấy bối rối trước người ông già kia. Tôi chưa bao giờ thấy cô như vậy.

- Anh phải quyết đoán lấy một lần đi chứ! Hoặc là tài dẫn đường của anh đã đưa chúng ta tới ngôi trường ấy, hoặc là do tình cờ và anh chẳng liên quan gì.

- Cứ cho là mỗi thứ một ít đi, do tình cờ mà dinh thự ấy bốc cháy, còn tôi thì đã dẫn cô đến con hẻm, sự tình cờ và tôi đã kết hợp với nhau trong phi vụ này.

Alice đẩy chiếc ly đã cạn của mình ra, Can rót đầy ngay lập tức.

- Thứ này khiến tôi nhớ lại những buổi tối tuyệt vời bên Ngài Daldry.

- Anh có thể quên Daldry đi một lát được không?

- Không, tôi nghĩ là không, Can đáp sau khi đã suy nghĩ.

- Sao lại xảy ra cuộc cãi vã ấy?

- Ở trong bếp.

- Tôi không hỏi anh nó bắt đầu từ đâu, mà là tại sao cơ?

- À chuyện ấy thì tôi không thể tiết lộ được, Mama Can đã bắt tôi phải hứa.

- Vậy thì tôi giải phóng cho anh khỏi lời hứa ấy. Một phụ nữ có thể phá bỏ điều mà một người đàn ông đã hứa với người phụ nữ khác với điều kiện hai người phụ nữ ấy rất hiểu nhau và chuyện ấy không gây tổn hại gì cho cả người này lẫn người kia. Anh không biết điều ấy à?

- Cô mới bịa ra phải không?

- Mới đây thôi.

- Tôi biết mà.

- Can, cho tôi biết sao hai người lại nói về tôi.

- Chuyện ấy thì có ảnh hưởng gỉ đến cô chứ?

- Cứ thử ở vào địa vị tôi mà xem. Tưởng tượng ra cảnh anh bắt gặp chúng tôi, Daldry và tôi, giữa lúc chúng tôi đang tranh cãi về anh, anh không muốn biết là tại sao ư?

- Không, không cần. Tôi đoán là Ngài Daldry đang tiếp tục phê phán tôi, còn cô thì bảo vệ tôi và anh ta lại trách móc cô vì chuyện ấy. Cô thấy không, chẳng có gì khó cả.

- Anh làm tôi phát điên!

- Còn tôi, thì bà cô tôi khiến tôi phát điên vì cô, vậy là chúng ta hòa nhé.

- Đồng ý, có đi có lại nhé, trong thư tới tôi sẽ không nói gì với Daldry về chuyện ngân phiếu cho anh, đổi lại anh tiết lộ cho tôi nguyên nhân vụ cãi cọ.

- Cô đang đe dọa tôi và cô buộc tôi phải phản bội Mama Can.

- Còn tôi, nếu không nói gì với Daldry tức là tôi đang phản bội lại chính sự độc lập của mình, anh thấy không, chúng ta luôn hòa.

Can nhìn Alice rồi lại rót đầy ly cho cô.

- Cứ uống đi đã, anh ta nói mà không rời mắt khỏi cô.

Alice uống một hơi cạn ly rượu rồi đặt mạnh ly xuống mặt bàn.

- Tôi nghe anh đây!

- Tôi nghĩ mình đã tìm ra bà Yilmaz, Can tuyên bố.

Rồi trước ánh mắt ngây ra của Alice, anh ta nói thêm:

- Vú nuôi của cô... tôi biết nơi bà ấy sống.

- Làm thế nào anh tìm được bà ấy?

- Can luôn là hướng dẫn viên xuất sắc nhất Istanbul và điều ấy vẫn đúng với hai bờ eo Bosphore. Đã gần một tháng nay tôi đi dò hỏi chỗ này chỗ kia. Tôi đã đi khắp các con phố ở Uskudar và cuối cùng đã tìm ra một người có quen biết bà ấy. Tôi từng nói với cô rồi, Uskudar là chốn mà tất cả mọi người đều biết nhau, hoặc cứ cho là chốn tất cả mọi người đều biết ai đó biết người nào đó... Uskudar là một ngôi làng nhỏ.

- Khi nào chúng ta có thể tới gặp bà ấy? Alice sốt sắng hỏi.

- Khi thời điểm đến và Mama Can phải không hề biết gì!

- Nhưng bác ấy thì có liên quan gì cơ chứ! Thế tại sao bác ấy lại không muốn anh nói chuyện này với tôi?

- Bởi trong chuyện gì bà cô tôi cũng có lý riêng của mình. Bà ấy khẳng định rằng những gì thuộc về quá khứ phải nằm lại trong quá khứ, khơi lại chuyện cũ không bao giờ tốt cả. Chúng ta không được đào bới lại những gì thời gian đã che phủ, bà ấy khăng khăng là tôi sẽ mang họa lại cho cô nếu dẫn cô tới chỗ bà Yilmaz.

- Nhưng tại sao kia chứ? Alice hỏi.

- Chuyện ấy thì tôi mù tịt, biết đâu chúng ta sẽ biết khi tới nơi. Giờ thì cô hứa là sẽ kiên nhẫn và sẽ im lặng chờ đợi tôi sắp xếp cuộc gắp gỡ này chứ?

Alice hứa và Can năn nỉ cô hãy để anh ta đưa về chừng nào anh ta còn có thể. Với số ly raki anh ta đã nốc từ khi nãy thì tốt hơn hết là nên lên đường ngay lập tức.

Tối hôm sau, từ xưởng của người thợ ở Cihangir về, Alice chỉ tạt qua nhà thay đồ rồi tới ngay nhà hàng làm ca lúc bảy giờ.

Mọi việc trong nhà hàng của Mama Can dường như đã lấy lại nhịp điệu thường nhật. Đang hối hả bên bếp lò, ông chồng đầu bếp hét lên ngay khi một món ăn đã sẵn sàng, Mama Can đứng ở quầy thu tiền trông coi phòng ăn, bà chỉ rời đi để chào hỏi khách quen và đưa mắt chỉ những bàn cần xếp khách theo thứ bậc quan trọng của riêng bà. Alice nghe khách gọi món, đi đi lại lại giữa bàn khách ăn và nhà bếp, còn người phụ bếp thì đang gắng làm hết sức mình.

Đến khoảng chín giờ, thời điểm bắt đầu “cháy món”, Mama Can vừa thở dài vừa rời chiếc ghế đẩu của mình ra giúp mọi người một tay.

Mama Can kín đáo quan sát Alice, cô vẫn gắng hết sức không để lộ bí mật mà Can đã tiết lộ với mình.

Khi thực khách cuối cùng ra về, Mama Can cài then cửa, đẩy một chiếc ghế ra rồi ngồi xuống bàn trong khi vẫn không rời mắt khỏi Alice đang dọn bàn ăn cho ngày hôm sau, giống như mọi lần khi kết thúc ngày làm việc. Khi cô tới lột khăn trải trên bàn bên cạnh chỗ Mama Can ngồi, bà liền tước lấy giẻ lau cô đang dùng để đánh bóng mặt bàn gỗ và giúp cô một tay.

- Đi pha cho chúng ta một tách trà bạc hà đi, cháu yêu, rồi quay lại đây với hai cái cốc nhé.

Ý tưởng xả hơi một chút không khiến Alice phật ý. Cô vào bếp rồi trở ra sau một lát. Mama Can bảo người phụ bếp khép cánh cửa ngăn giữa phòng ăn và bếp lại, Alice đặt khay của mình xuống rồi ngồi đối diện bà.

- Sống ở đây cháu có hạnh phúc không? bà chủ nhà hàng vừa rót trà cho cả hai vừa hỏi.

- Có ạ, Alice bối rối đáp.

- Cháu thật can đảm, Mama Can nói, giống hệt ta khi bằng tuổi cháu, lao động không khi nào khiến ta khiếp sợ. Nghĩ kỹ thì gia đình ta và cháu đang rơi vào cảnh thật kỳ khôi, cháu không thấy thế sao?

- Cảnh nào ạ? Alice hỏi.

- Ban ngày thằng cháu ta làm việc cho cháu, còn tối đến thì cháu lại làm việc cho bà cô của nó. Gần giống như một vụ làm ăn trong gia đình.

- Cháu chưa bao giờ nghĩ như thế cả.

- Cháu biết đấy, ông chồng ta khá kiệm lời, ông ấy bảo ta không để ông ấy kịp nói, có vẻ như ta nói thay cho cả hai. Nhưng ông ấy đánh giá cao cháu và mến cháu.

- Cháu rất cảm động, cháu cũng rất mến hai bác.

- Thế còn căn phòng ta cho cháu thuê, cháu hài lòng chứ?

- Cháu thích bầu không khí tĩnh lặng ở đó, tầm nhìn thì tuyệt đẹp và cháu ngủ rất ngon.

- Còn Can thì sao?

- Sao ạ?

- Cháu không hiểu câu hỏi của ta ư?

- Can là một hướng dẫn viên tuyệt vời, chắc chắn là xuất sắc nhất Istanbul; ngày qua ngày dần dần anh ấy đã trở thành bạn cháu.

- Con gái ơi, không phải là ngày mà phải là hàng tuần, hàng tháng rồi. Cháu có ý thức được khoảng thời gian nó đã ở bên cháu không?

- Bác đang định nói gì vậy, Mama Can?

- Ta chỉ muốn cháu hãy để mắt đến nó. Cháu biết đấy, chuyện tình yêu sét đánh chỉ có trong sách vở thôi. Còn trong đời thực, tình cảm được gây dựng từ từ như khi người ta xây nhà ấy, từng viên, từng viên gạch một. Cháu đừng tưởng ta say ông chồng đầu bếp của ta ngay từ cái nhìn đầu tiên nhé! Nhưng sau bốn mươi năm chung sống, giờ ta yêu ông ấy kinh khủng. Ta học cách yêu mến những tính tốt và bằng lòng với những khuyết điểm ở ông ấy, còn khi nào tức giận ông ấy như tối hôm qua thì ta lánh đi và suy ngẫm.

- Thế bác nghĩ tới điều gì? Alice hỏi vui.

- Ta hình dung ra một cái cân; trên đĩa cân bên này, ta đặt những gì khiến ta hài lòng ở ông ấy, còn bên kia là những điều làm ta bực mình. Thế rồi khi nhìn cán cân, ta thấy nó gần như cân bằng, lúc nào cũng hơi nghiêng về bên tốt một chút. Đó là bởi vì ta đã may mắn có được một ông chồng mà mình có thể tin tưởng. Can thì dĩ nhiên là thông minh hơn ông chú của nó, và khác với ông ấy, nó cũng đẹp trai hơn.

- Mama Can ơi, cháu chưa bao giờ muốn quyến rũ cháu trai bác.

- Ta biết, nhưng là ta đang nói đến nó cơ. Nó hẳn sẵn lòng xới tung cả Istanbul lên cho cháu, vậy mà cháu không nhận thấy gì sao?

- Cháu thực lấy làm tiếc, Mama Can, cháu chưa bao giờ nghĩ...

- Ta cũng biết thế, cháu mãi làm việc tới mức chẳng có lấy một phút mà nghĩ. Cháu nghĩ tại sao ta lại cấm cháu tới đây vào ngày Chủ nhật? Để đầu óc cháu được nghỉ một ngày mỗi tuần và để trái tim cháu có cớ mà đập. Nhưng ta thấy rõ là cháu không thích Can, nên tốt hơn cháu nên để nó yên. Giờ cháu đã thuộc đường đến nhà ông thợ ở Cihangir rồi. Thời tiết cũng thuận lợi hơn, cháu có thể tự đến đó một mình.

- Ngay ngày mai cháu sẽ nói chuyện với anh ấy.

- Không cần phải thế đâu, cháu chỉ việc nói với nó là cháu không cần thuê nó nữa. Nếu đúng là hướng dẫn viên xuất sắc nhất thành phố, nó sẽ mau chóng tìm được khách mới ngay thôi.

Alice nhìn sâu vào mắt Mama Can.

- Bác không muốn cháu làm ở đây nữa ạ?

- Ta không nói thế, cháu tưởng tượng ra điều gì vậy? Ta rất thích cháu, khách hàng cũng vậy, và ta vui khi được thấy cháu mỗi tối; nếu cháu không tới nữa, ta thậm chí còn nghĩ có khi mình buồn nhớ cháu nữa ấy. Cháu cứ tiếp tục làm việc, tiếp tục ở trong căn phòng mà cháu được ngủ ngon giấc và được ngắm cảnh, tiếp tục tới Cihangir ban ngày và mọi thứ sẽ tốt dần lên.

- Cháu hiểu rồi, Mama Can, cháu sẽ suy nghĩ.

Alice cởi tạp dề, gấp lại rồi đặt lên bàn.

- Sao tối qua bác lại nổi giận với bác trai? cô hỏi lúc bước về phía cửa ra vào nhà hàng.

- Vì ta cũng giống cháu, cháu yêu ạ, tính ta rất cương quyết và ta đặt ra quá nhiều câu hỏi. Hẹn mai nhé! Cháu chuồn đi, ta đóng cửa ngay đây.

Can ngồi đợi Alice trên một băng ghế. Lúc cô đi ngang, anh ta liền đứng lên rồi tới gần khiến cô giật nảy mình.

- Tôi không nghe thấy tiếng anh.

- Xin lỗi, tôi không định làm cô sợ. Trông vẻ mặt cô lạ quá, mọi việc ở nhà hàng vẫn chưa ổn thỏa à?

- Không, đâu vào đấy rồi.

- Với Mama Can thì giông tố không bao giờ kéo dài quá lâu đâu. Đi nào, tôi đưa cô về.

- Can, tôi cần nói chuyện với anh.

- Tôi cũng thế, đi thôi. Tôi có tin mới cho cô và tôi thích vừa đi vừa nói hơn. Lý do ông giáo già không gặp bà Yilmaz ở chợ nữa là vì bà ấy đã rời Istanbul. Bà ấy quay về sống nốt phần đời còn lại ở thành phố khi xưa từng sống, giờ bà ấy ở Izmit và tôi còn có cả địa chỉ của bà ấy nữa cơ.

- Có xa không? Khi nào chúng ta có thể tới gặp bà ấy?

- Cách chừng một trăm cây số, khoảng một giờ đi tàu. Chúng ta cũng có thể đi bằng đường biển, tôi vẫn chưa đặt vé.

- Anh còn chờ gì nữa?

- Tôi muốn chắc là cô thực sự muốn gặp bà ấy.

- Tất nhiên rồi, sao anh lại nghi ngờ điều ấy?

- Tôi không biết, có thể cô tôi có lý khi cho rằng chẳng hay ho gì khi xới lại mọi chuyện trong quá khứ. Nếu cô thấy hạnh phúc với hiện tại rồi thì làm thế để làm gì? Chi bằng hãy nhìn về phía trước và nghĩ tới tương lai.

- Tôi không có gì mà phải sợ quá khứ cả, vả lại ai trong chúng ta mà chẳng cần được biết câu chuyện của mình. Tôi vẫn luôn tự hỏi tại sao bố mẹ tôi lại giấu một phần câu chuyện. Nếu là tôi, liệu anh có muốn biết không?

- Thế nếu như họ có lý do chính đáng, nếu như là để bảo vệ cô thì sao?

- Bảo vệ tôi khỏi điều gì?

- Tránh cho cô khỏi những kỉ niệm buồn chẳng hạn?

- Khi ấy tôi năm tuổi và tôi chẳng còn nhớ gì cả, hơn nữa, không biết gì còn khiến con người ta lo lắng hơn gấp bội. Nếu tôi được biết sự thật, dù nó có thế nào chăng nữa, ít nhất tôi cũng sẽ chấp nhận.

- Tôi đoán chuyến tàu đưa họ trở về nhà hẳn phải kinh khủng lắm và mẹ cô đã phải cầu trời mong sao cho cô không còn lưu giữ chút ký ức nào. Đó chắc là lý do khiến họ phải im lặng.

- Tôi cũng giả định như thế Can ạ, nhưng đó chỉ là một giả định thôi, và nói thật với anh, tôi rất mong người ta kể cho tôi nghe về bố mẹ mình, dù chỉ là những điều vô thưởng vô phạt. Mẹ tôi ăn vận thế nào, mẹ nói gì với tôi vào buổi sáng trước khi tôi đến trường, cuộc sống của chúng tôi trong căn hộ ở cư xá Roumélie ra sao, Chủ nhật chúng tôi thường làm gì... Đó giống như là một cách kết nối với họ, dù chỉ trong chốc lát. Thật vô cùng khó khăn khi phải chịu tang bố mẹ mình mà trước đó lại không thể nói lời vĩnh biệt với họ... những ngày họ mới ra đi tôi nhớ họ rất nhiều.

- Thay vì đến xưởng ở Cihangir, ngày mai tôi sẽ đưa cô đến chỗ bà Yilmaz, nhưng không được hé nửa lời với cô tôi nhé, hứa không? Can hỏi khi đã đến trước nhà Alice.

Cô nhìn anh chăm chú.

- Can, anh đã có ai trong đời chưa?

- Tôi có rất nhiều người trong đời rồi cô Alice ạ. Bạn bè tôi rồi cả một đại gia đình nữa, thậm chí còn hơi quá nhiều so với mong muốn của tôi.

- Ý tôi muốn nói người anh yêu ấy.

- Nếu cô muốn biết liệu có người phụ nữ nào trong tim tôi không thì tôi xin thưa rằng tất cả các cô gái xinh đẹp ở Uskudar vẫn ghé qua đó mỗi ngày. Như thế chẳng mất gì và yêu thầm thì chẳng ảnh hưởng đến ai, đúng vậy không? Thế còn cô, cô đã yêu ai chưa?

- Chính tôi mới là người hỏi trước chứ.

- Bà cô tôi đã kể gì với cô vậy? Bà ấy chắc sẽ bịa ra bất cứ thứ gì để tôi thôi giúp cô tìm kiếm. Khi có ý định gì thì bà ấy vô cùng ngang bướng, tới mức hẳn có lẽ đã khiến được cô tin rằng tôi đang tính chuyện ngỏ lời cầu hôn cô, nhưng tôi đảm bảo với cô là không có chuyện đó.

Alice nắm lấy tay Can.

- Tôi hứa với anh là tôi không hề tin lấy một giây.

- Cô đừng làm thế này, Can vừa thở dài vừa rút tay ra.

- Đó chỉ là một cử chỉ giữa bạn bè với nhau thôi mà.

- Có thể, nhưng tình bạn giữa hai người khác giới không bao giờ trong sáng cả.

- Tôi không đồng ý với anh, tình bạn lớn nhất đời tôi là với một người đàn ông, chúng tôi biết nhau từ thời niên thiếu.

- Cô không nhớ anh ta sao?

- Dĩ nhiên là có chứ, tuần nào tôi cũng viết thư cho anh ấy.

- Thư nào cũng có hồi đáp chứ?

- Không, nhưng anh ấy có lý do chính đáng, tôi viết nhưng không gửi.

Can cười với Alice rồi bước giật lùi ra xa.

- Thế cô không bao giờ tự hỏi sao mình lại không bao giờ gửi những lá thư đó đi à? Tôi nghĩ đã đến lúc về nhà, muộn rồi.

Daldry thân mến,

Tôi viết cho anh thư này mà lòng đầy ngổn ngang. Tôi cứ nghĩ mình đã đi đến cuối cuộc hành trình nhưng hôm nay tôi viết cho anh là để thông báo rằng tôi sẽ không trở về nữa, ít nhất là trong thời gian trước mắt. Anh sẽ hiểu tại sao khi đọc tiếp thư.

Sáng hôm qua tôi đã tìm lại được bà vú nuôi thuở nhỏ. Can đã dẫn tôi tới nhà bà Yilmaz. Bà sống trong ngôi nhà nằm ở đầu cao của một con hẻm lát đá, xưa kia phủ toàn đất. Tôi cũng phải nói với anh rằng ở hẻm ấy có một cầu thang lớn...

Giống mọi ngày, họ rời Uskudar lúc còn sớm, nhưng như Can đã hứa với Alice, họ tới ga Haydarpasa. Tàu rời sân ga lúc chín rưỡi. Kề sát mặt vào ô cửa kính trong khoang ngồi, Alice tự hỏi trông vú nuôi sẽ thế nào và liệu gương mặt bà ấy có khơi dậy kỉ niệm nào trong cô hay không. Một tiếng sau thì họ tới Izmit, sau đó bắt taxi lên khu cổ nhất thành phố nằm trên đồi cao.

Ngôi nhà của bà Yilmaz còn nhiều tuổi hơn cả người chủ sở hữu. Được xây bằng gỗ, nó nghiêng sang bên đến lạ thường và trông như sắp sập đến nơi. Lớp vữa trát mặt tiền chỉ còn được giữ lại nhờ những chiếc đinh mất mũ cũ kĩ, cửa sổ đã bị muối ăn mòn, gỉ sét nhiều năm bám chặt vào khung. Alice và Can gõ vào cánh cửa căn nhà sắp sập ấy. Trong lúc người mà cô cho là con trai bà Yilmaz dẫn họ vào phòng khách, Alice ngửi thấy mùi nhựa cây tỏa ra từ lò sưởi, mùi sách cũ ngai ngái như sữa đông, mùi đất thanh dịu, mùi mưa còn lưu lại trên đôi bốt da cũ.

- Bà ấy ở trên nhà, người đàn ông vừa nói vừa chỉ lên lầu, tôi chưa nói gì với bà ấy, cứ coi như có người đến thăm thôi.

Rồi khi bước lên những bậc thang đu đưa, Alice ngửi thấy mùi oải hương từ rèm cửa, mùi dầu lanh đánh bóng tay vịn, mùi bột hồ khăn trải giường, còn trong phòng của bà Yilmaz là mùi băng phiến tỏa ra thứ hương của sự cô đơn.

Bà Yilmaz đang ngồi đọc trên giường. Bà đẩy gọng kính trượt xuống đầu mũi rồi nhìn đôi trai gái vừa gõ cửa phòng.

Bà nhìn chăm chăm vào Alice đang tiến lại gần, nín thở sau đó buông ra một tiếng thở dài, rồi đôi mắt bà ngấn lệ.

Alice chỉ nhìn thấy ngồi trên giường là một bà cụ hoàn toàn xa lạ với cô cho đến khi bà Yilmaz nức nở ôm chầm rồi siết chặt lấy cô...

... vùi mặt vào gáy bà, tôi nhận ra vẻ thân quen tuyệt đối với tuổi thơ mình, tôi tìm lại được những mùi hương của quá khứ, hương thơm của những nụ hôn nhận được trước khi đi ngủ. Từ tuổi thơ ấy, tôi lại nghe thấy tiếng rèm cửa lạo xạo mở ra mỗi sáng cùng lúc là giọng vú nuôi kêu lên với tôi: “Anouche, dậy đi con, có một con tàu tuyệt đẹp ngoài vũng, con phải ra đây mà xem.”

Tôi tìm lại được mùi sữa nóng trong bếp, lại thấy chân chiếc bàn bằng gỗ anh đào mà tôi rất thích trốn dưới đó. Tôi lại nghe thấy tiếng những bậc cầu thang kêu kẽo kẹt dưới bước chân bố tôi, và đột nhiên trên một bức tranh mực đen, tôi lại thấy hai gương mặt mình đã lãng quên.

Tôi có hai bà mẹ, hai ông bố, anh Daldry ạ, và giờ thì không còn ai nữa.

Phải mất một lúc bà Yilmaz mới thôi rơi lệ, bà đưa tay vuốt má tôi và hôn khắp người tôi. Bà không ngừng thì thầm gọi tên tôi: “Anouche, Anouche, Anouche bé bỏng của ta, vầng mặt trời của ta, con đã trở lại thăm bà vú già này.” Và đến lượt tôi, tôi cũng khóc anh Daldry ạ. Hoàn toàn không hay biết gì, tôi khóc vì không biết rằng những người sinh thành ra mình không được nhìn mình khôn lớn, rằng những người tôi yêu thương, những người nuôi nấng tôi để cứu tôi đã nhận tôi làm con nuôi. Tên tôi không phải là Alice mà là Anouche, trước khi mang quốc tịch Anh thì tôi là người Armenia và Pendelbury không phải họ thật của tôi.

Cho tới tận khi lên năm, tôi vẫn là một đứa trẻ câm lặng, một cô bé mà người ta không hiểu tại sao lại không chịu cất tiếng nói. Thế giới của tôi chỉ có các mùi hương, chúng là thứ ngôn ngữ của tôi. Bố tôi là thợ đóng giày và ông có một khu xưởng lớn cùng hai cửa hàng nằm bên hai bờ eo Bosphore. Bà Yilmaz khẳng định với tôi rằng ông là người thợ nổi tiếng nhất Istanbul, người ta từ khắp các vùng ngoại ô thành phố đều tới chỗ ông. Bố tôi phụ trách cửa hàng ở Pe1ra, mẹ tôi quản lý cửa hàng ở Kadikoy, còn bà Yilmaz mỗi sáng đều đưa tôi tới ngôi trường nằm sâu trong con ngõ cụt ở Uskudar. Bố mẹ tôi bận nhiều việc nhưng Chủ nhật nào bố cũng đưa chúng tôi đi dạo trên chiếc xe ngựa mui gập.

Đầu năm 1914, một vị bác sĩ không biết là thứ bao nhiêu đã gợi ý với bố mẹ tôi rằng chứng im lặng của tôi không phải không chữa được, rằng một số loại cây thuốc có thể làm dịu những đêm dài tôi vẫn bị những cơn ác mộng khủng khiếp quấy rối và rằng khi giấc ngủ quay trở lại thì tôi có thể cất tiếng nói. Bố tôi có một khách hàng là một dược sĩ trẻ người Anh vẫn thường giúp đỡ các gia đình khó khăn. Thế là tuần nào bà Yilmaz cũng đưa tôi tới phố Isklital.

Ngay khi nhìn thấy vợ của vị dược sĩ ấy, người ta bảo rằng tôi đã hét tên bà lên bằng một giọng rõ ràng.

Những liều thuốc nước của ông Pendelbury mang lại hiệu quả thật kỳ diệu. Sau sáu tháng điều trị, tôi ngủ ngon như một thiên thần và từng ngày tìm lại được niềm yêu thích với ngôn từ. Cuộc sống hạnh phúc trở lại, cho tới ngày 25 tháng Tư năm 1915.

Ngày hôm ấy ở Istanbul, những người có địa vị, trí thức, nhà báo, bác sĩ, giáo viên và thương nhân người Armenia bị bắt bớ trong một cuộc vây ráp đẫm máu. Đa phần đều bị hành hình mà không hề qua xét xử, những người sống sót bị đày đi Adana và Alep.

Cuối buổi chiều, tin đồn về cuộc tàn sát lan tới tận xưởng của bố tôi. Bạn bè người Thổ tới cảnh báo ông nên đưa gia đình đi ẩn náu càng nhanh càng tốt. Người ta buộc tội người Armenia mưu toan, thông đồng với người Nga, kẻ thù của chế độ. Không có gì là sự thật, nhưng cơn giận điên cuồng của chủ nghĩa dân tộc đã kích động bao khối óc, và bất chấp làn sóng biểu tình phản đối của dân Istanbul, những vụ ám sát vẫn không hề bị trừng phạt.

Bố tôi lao nhanh về gặp chúng tôi, trên đường đi ông gặp một đội tuần tra.

“Bố con là một con người quả cảm, bà Yilmaz nhắc lại với tôi, ông ấy chạy suốt đêm để vể cứu các con. Tới gần bến cảng thì chúng bắt được ông ấy. Bố con cũng là người gan dạ nhất, khi những kẻ man dại điên cuồng kết thúc cái công việc bẩn thỉu của bọn chúng và bỏ mặc cho ông ấy chết thì bố con gượng dậy. Dù bị thương, ông ấy vẫn bước đi và tìm ra cách băng qua eo biển. Cuộc bắt bớ tàn sát chưa kịp lan đến Kadikoy.

“Chúng ta thấy ông ấy về vào lúc nửa đêm, máu me bê bết, mặt mũi sưng vù, trông không còn nhận ra được nữa. Ông ấy ghé vào phòng nơi các con đang ngủ ngon lành, rồi ông ấy xin mẹ con đừng khóc vì sợ các con tỉnh giấc. Ông ấy gọi mẹ con và ta ra phòng khách rồi giải thích cho chúng ta chuyện gì đang diễn ra trong thành phố, những cuộc chém giết, nhà cửa bị thiêu rụi, phụ nữ bị hành hạ. Những điều khủng khiếp mà bọn đàn ông có thể làm khi họ mất nhân tính. Ông ấy bảo bọn ta phải bảo vệ các con bằng mọi giá, rời thành phố ngay lập tức, thắng xe ngựa vào rồi bỏ trốn về vùng quê, chắc chắn ở đó mọi thứ sẽ yên ổn hơn. Bố con cầu xin ta cho các con trú tạm trong gia đình ta, tại đây, trong ngôi nhà ở Izmit này mà sau này các con ở lại vài tháng. Thế rồi mẹ con nước mắt lưng tròng hỏi rằng sao ông không cùng đi, ta vẫn còn nhớ rõ bố con đáp rằng:’Anh sẽ ngồi nghỉ một lát, nhưng chỉ vì anh thấy mệt thôi.’

“Đó là lòng tự tôn ở ông ấy, thứ giúp ta đứng thẳng như một cây giáo sắt, thứ buộc ta phải đứng vững, trong mọi hoàn cảnh.

“Ông ấy ngồi trên ghế, mắt khép lại, mẹ con quỳ gối ngay cạnh, ôm ghì lấy ông. Ông đặt một tay lên má bà, mỉm cười với bà, rồi ông trút một hơi thở dài, đầu nghiêng sang một bên và ông không nói gì nữa. Bố con đã chết với nụ cười trên môi, mắt vẫn nhìn mẹ con, như ông đã từng quyết thế.

“Ta vẫn nhớ khi bố mẹ con cãi vã, bố con thường bảo với ta:’Bà biết đấy, bà Yilmaz ạ, cô ấy vẫn còn giận vì chúng tôi phải làm việc nhiều quá, nhưng khi về già, tôi sẽ mua cho cô ấy một ngôi nhà thật đẹp ở nông thôn, cùng khoảng đất rộng bao quanh, và cô ấy sẽ là người phụ nữ hạnh phúc nhất thế gian. Còn tôi, bà Yilmaz ạ, khi tôi chết trong ngôi nhà là thành quả có được từ bao cố gắng của chúng tôi ấy, ngày mà tôi ra đi, vào giây phút cuối cùng, tôi muốn được nhìn thấy chính đôi mắt vợ tôi.’

“Bố con cao giọng kể với ta như vậy để mẹ con cũng có thể nghe thấy. Thế là bà ấy cứ lẳng lặng vài phút, rồi khi ông ấy mặc áo khoác, mẹ con mới đi ra cửa bảo với ông:’Thứ nhất, không ai đảm bảo được là anh sẽ đi trước em, còn em, ngày mà em chết, vì cái nghề đóng giày đáng ghét của anh rồi sẽ làm em kiệt sức, trong phút giây hoang tưởng cuối cùng em sẽ trông thấy những chiếc đế giày bằng da.’

“Thế rồi mẹ con vừa ôm hôn vừa rủa ông ấy chính là thợ đóng giày khó tính nhất thành phố, nhưng bà ấy cũng không muốn ai đó khác làm chồng mình.

“Chúng ta đã đặt ông ấy vào giường, mẹ con cài màn cho ông ấy, như thể ông ấy đang ngủ. Bà ôm hôn rồi thì thầm với ông những lời yêu thương mà chỉ họ biết với nhau. Bà bảo ta gọi các con dậy rồi tất cả cùng đi vì bố con đã ra lệnh như vậy.

“Trong lúc ta thắng xe ngựa, mẹ con chuẩn bị một chiếc vali, bà để vào đó vài món đồ cùng bức tranh vẽ bố mẹ con mà con trông thấy ở kia, trên tủ com mốt, giữa hai khung cửa sổ phòng ta.”

Anh Daldry ạ, tôi đã tiến về phía cửa sổ và cầm lấy khung tranh. Tôi không nhận ra gương mặt của cả hai người nhưng người đàn ông và người phụ nữ vẫn mãi mỉm cười với tôi kia chính là bố mẹ đẻ của tôi.

“Chúng ta chạy xe gần như suốt đêm, bà Yilmaz tiếp tục, và tới Izmit khi trời vừa rạng sáng, ở nơi đó gia đình ta đã chào đón mẹ con các con.

“Mẹ con không thể nào nguôi ngoai được. Hầu như ngày nào bà ấy cũng ngồi suốt dưới gốc cây đoạn cổ thụ mà con có thể thấy từ cửa sổ kia. Khi khá hơn, bà ấy dắt con dạo bộ trên cánh đồng, hái hoa hồng và hoa nhài. Trên đường đi, con kể với chúng ta tất cả các loại mùi mà con ngửi thấy.

“Chúng ta cứ ngỡ là được yên ổn rôi, rằng cơn điên loạn rồ dại đã lắng xuống, rằng những điều khủng khiếp ở Istanbul chỉ diễn ra trong một đêm. Nhưng bọn ta đã nhầm. Lòng hận thù lan khắp cả nước. Tháng Sáu, đứa cháu trai của ta hớt hải chạy về, hét lên rằng người ta đang bắt bớ người Armenia trong các khu thấp ở thành phố. Người ta chẳng hề nể nang dồn họ lại quanh nhà ga rồi lùa họ lên những toa tàu dành cho gia súc, đối xử với họ còn tệ bạc hơn những con vật định đưa đến lò mổ.

“Ta có một bà chị sống trong một ngôi nhà lớn bên bờ eo Bosphore, bà chị ngốc nghếch ấy lại đẹp vô cùng nên đã quyến rũ được một ông có địa vị giàu có, một người đàn ông quyền thế đến mức chỉ khi được mời, người ta mới dám bước vào cửa nhà ông. Hai vợ chồng bà ấy đều có trái tim nhân hậu và hẳn họ sẽ không để bất cứ ai vì bất cứ lý do gì mà động đến sợi tóc của một người hầu gái hoặc một trong những đứa con của họ. Chúng ta đã họp những người đứng đầu trong gia đình và quyết định ngay khi đêm xuống ta sẽ đưa mẹ con các con tới đó. Mười giờ tối, Anouche của ta ạ, ta vẫn nhớ rõ cứ như mọi chuyện mới diễn ra hôm qua thôi, chúng ta xách chiếc vali đen ra đi ẩn núp trong bóng tối của những con hẻm ở Izmit. Đứng trên cầu thang ở đầu con phố nhà ta, có thể nhìn thấy lửa bốc lên ngút trời. Nhà cửa của người Armenia ở gần bến cảng đang rực cháy. Chúng ta luồn lách cố tránh từng đoàn người hung dữ vẫn đi tìm giết cộng đồng người Armenia. Chúng ta ẩn mình trong đống đổ nát của một nhà thờ cổ. Chúng ta cứ ngây thơ tin rằng điều tệ hại nhất đã qua, thế nên chúng ta lại trở ra. Mẹ con dắt tay con rồi đột nhiên chúng ta bị phát hiện.”

Bà Yilmaz ngừng lời, rồi bà khóc nức nở, thế là tôi ôm bà vào lòng an ủi. Bà lấy khăn mùi soa lau mặt rồi lại tiếp tục câu chuyện nặng nề của mình.

“Tha lỗi cho ta, Anouche, đã hơn ba mươi lăm năm rồi nhưng lần nào nhắc đến chuyện này ta cũng không cầm được nước mắt. Mẹ con quỳ gối xuống trước mặt con, bà ấy bảo rằng con là sự sống của bà ấy, là điều kỳ diệu của bà ấy, rằng bằng mọi giá con phải sống sót, rằng dù có xảy ra chuyện gì bà ấy cũng vẫn luôn dõi theo con, và rằng con sẽ mãi mãi ở trong tim bà ấy dù con có ở bất cứ đâu.Bà ấy bảo rằng phải để con lại nhưng sẽ không bao giờ rời xa con. Bà ấy lại gần ta, nắm lấy tay ta rồi đẩy tất cả vào khoảng bóng tối của một chiếc cổng xe vào. Bà ấy ôm ta cùng các con vào lòng và cầu xin ta hãy che chở các con. Rồi bà ra đi một mình, đón lấy một quân đoàn những kẻ man dã phía trước. Để chúng không đi tới chỗ chúng ta, để chúng không thấy chúng ta, chính bà ấy đã đi về phía chúng.

“Sau khi chúng đưa mẹ con đi rồi, ta dẫn các con xuống đồi men theo những con đường mòn vốn đã quen thuộc với ta. Anh họ ta đợi chúng ta trong một vũng nhỏ, trên con thuyền câu được neo vào bến nổi. Chúng ta ra khơi và cập bến trước khi trời sáng. Sau khi tiếp tục đi bộ, cuối cùng tất cả cũng tới được nhà chị gái ta.”

Tôi hỏi bà Yilmaz xem chuyện gì xảy đến với mẹ tôi.

“Chúng ta không bao giờ biết được chính xác, bà đáp. Chỉ riêng ở Izmit đã có bốn nghìn người Armenia bị đày ải, còn trên cả nước, trong mùa hè bi thảm ấy, người ta đã giết hại hàng trăm nghìn người. Giờ đây không một ai còn nói đến chuện đó nữa, tất cả đều câm lặng. Số người sống sót được và dám đứng ra làm chứng vô cùng ít ỏi. Người ta không muốn nghe họ nói. Phải rất hạ mình và can đảm mới dám cầu xin sự tha thứ. Người ta nói đến chuyện di dân, nhưng con cứ tin ta đi, thực tế hoàn toàn không phải vậy. Ta nghe được người ta rỉ tai nhau rằng có hàng đoàn phụ nữ, đàn ông và trẻ con, những đoàn người dài đến hàng cây số, đi xuôi về phía Nam. Những người không được xếp lên các toa tàu dành cho súc vật mà cuốc bộ dọc theo đường ray, không nước, không đồ ăn. Những ai không thể cất bước nổi nữa đều bị kết liễu trong một cái hố với viên đạn găm vào đầu. Những người khác bị dẫn ra giữa sa mạc rồi bị bỏ lại cho đến chết vì kiệt sức, vì đói khát.

“Khi giữ con ở nhà chị gái ta suốt mùa hè năm ấy, ta không hề hay biết gì, dù cho ta đã e sợ điều tệ hại nhất. Ta đã thấy mẹ con ra đi và ta đoán rằng bà ấy sẽ không trở lại nữa. Ta lo sợ cho con.

“Sau hôm diễn ra thảm kịch, con trở lại với thế giới câm lặng của mình, con không còn muốn cất tiếng nói nữa.

“Một tháng sau, khi chị gái ta cùng chồng chị ấy đảm bảo rằng Istanbul đã yên bình trở lại, ta dẫn con đến chỗ ông dược sĩ ở phố Isklital. Khi con trông thấy vợ ông ấy, con lại mỉm cười, con đã dang rộng vòng tay chạy về phía bà ấy. Ta kể cho họ nghe chuyện xảy đến với con.

“Con phải hiểu cho ta, Anouche, đó là một quyết định khủng khiếp, ta chấp nhận chính là để bảo vệ con.

“Bà vợ ông dược sĩ rất quý mến con, và con cũng vậy. Với bà ấy, con còn chịu nói vài lời. Thỉnh thoảng bà ấy tới gặp ta ở vườn Taskim, nơi ta thường đưa con tới chơi, bà ấy để con ngửi cỏ cây hoa lá rồi dạy con cách nói tên chúng; con như hồi sinh khi ở bên bà ấy. Một tối lúc ta tới lấy thuốc cho con, vị dược sĩ bảo với ta là vợ chồng họ sắp về nước, ông ấy gợi ý dẫn con theo cùng. Ông ấy hứa với ta là ở đó, ở nước Anh, con sẽ không bao giờ phải lo sợ điều gì, vợ chồng họ sẽ dành cho con cuộc sống mà họ vẫn ước mơ được trao cho đứa con không bao giờ họ tự có được. Họ đoan chắc với ta rằng ở bên họ, con sẽ không còn là đứa trẻ mồ côi nữa, con sẽ không thiếu thốn thứ gì, đặc biệt là tình thương.

“Để con đi khiến ta đau xé lòng, nhưng ta chỉ là một bà vú nuôi, chị gái ta không thể giữ hai con lâu hơn nữa và ta cũng chẳng làm cách nào mà nuôi nấng được cà hai con. Con là đứa yếu ớt hơn, còn nó thì còn quá nhỏ cho một hành trình như vậy, vậy nên ta muốn cứu chính con, con gái yêu ạ.”

Daldry thân mến, sau khi nghe xong câu chuyện ấy, tôi cứ tưởng rằng mình đã khóc hết nước mắt, ấy vậy mà nước mắt tôi vẫn chưa cạn, anh có tin không.

Tôi hỏi bà Yilmaz rằng sao bà luôn nhắc tới “các con” và bà định nói tới ai khi bảo rằng trong hai đứa, tôi là đứa yếu ớt hơn.

Bà đưa hai tay ôm lấy khuôn mặt tôi rồi xin tôi tha thứ. Tha thứ vì đã chia cắt tôi và người em trai.

Năm năm sau khi tôi tới Luân Đôn cùng gia đình mới, quân đội Hoàng Gia Anh đã chiếm đóng Izmit khi Đế quốc bại trận, như vậy thật chẳng trớ trêu sao?

Năm 1923, khi cách mạng chuẩn bị nổ ra, ông anh rể của bà Yilmaz mất dần các đặc quyền và sau đó ít lâu thì qua đời.

Như bao người khác, bà vợ bỏ trốn trước cảnh Đế quốc thất thế nhường chỗ cho nền cộng hòa mới ra đời. Bà ấy nhập cư vào Anh và với gia sản chỉ có vài món trang sức, bà chuyển đến sống ở vùng ven biển Brighton.

Bà thầy bói đã nói đúng cả. Tôi được sinh ra ở Istanbul chứ không phải Holborn. Tôi đã được gặp từng người hẳn sẽ dẫn tôi tới với người đàn ông quan trọng nhất đời tôi.

Tôi sẽ bắt đầu tìm kiếm bởi giờ tôi đã biết người ấy có tồn tại.

Tôi có một người em trai đang sống ở đâu đó và em tôi tên là Rafael.

Ôm hôn anh.

Alice

Alice ở lại cả ngày với bà Yilmaz.

Cô dìu bà xuống thang rồi sau bữa trưa dưới vòm cây cùng Can và người cháu trai của bà Yilmaz, cả hai người đã tới ngồi dưới gốc đoạn cổ thụ.

Chiều hôm ấy, bà vú già đã kể cô nghe những câu chuyện của quá khứ, thời bố Anouche còn là thợ đóng giày ở Istanbul và mẹ cô bé là một người phụ nữ hạnh phúc có hai đứa con xinh đẹp.

Lúc họ chia tay, Alice hứa sẽ thường xuyên tới thăm bà.

Cô bảo Can đưa cô về bằng đường biển; lúc con tàu đưa họ về Istanbul cập bến, cô đưa mắt nhìn khắp các dinh thự bên bờ biển và chợt thấy cảm xúc dâng trào.

Tối hôm sau, cô xuống phố giữa lúc nửa đêm để tới bưu điện gửi thư cho Daldry. Một tuần sau thì anh nhận được thư và không bao giờ tiết lộ với Alice rằng mình cũng đã khóc trong lúc đọc thư.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.