Chọc Ghẹo Oan Gia Trong Trò Chơi Trốn Thoát

Chương 64: Cảm giác rung động (Hoàn)




VỚI LÒNG DẠ CỦA NÓ, NẾU ĐỂ VỢ NÓ LÀM CHỦ HỘ, TÔI CHỈ SỢ NÓ BẪY CHẾT NHÀ HỌ TRÌNH THÔI

Nhà họ Trình đã nghĩ tất tần tật rồi, Tú Anh vẫn có thể làm chủ hộ ba, bốn năm nữa. Đến thời hạn, Ngọc Tỷ cũng đã gần mười tuổi, ít nhiều gì cũng đã hiểu chuyện, hoặc Tú Anh và Trình Khiêm có thể sinh được một mống con trai theo họ Trình, nhà họ Trình xem như đã có đời sau. Khi ấy dù bà Lâm có đi theo ông Trình, Trình gia cũng đã tạm ổn định. Lúc đó có chữa thành Tố Tỷ làm chủ hộ thì chẳng qua cũng chỉ tốn thêm một khoảng thời gian, vợ chồng Tú Anh đã lập hộ nhưng con trai còn bé, pháp luật cũng có tình người, thể nào vẫn cần cha mẹ ruột chăm sóc.

Mà mấy thứ việc riêng chuyện nhà này, trước giờ dân không nêu thì quan chẳng quản, dù có kéo dài hai ba năm, không ai lên tiếng cáo trạng, hoặc quan phủ chẳng người nào làm khó, thì cứ kéo dài thôi. Nhà họ Trình lo lót trên dưới cả rồi, công tử chỗ huyện lệnh được hời hai vạn lượng bạc, vả lại nhà họ Trình cũng thực sự đáng thương, chắc chắn sẽ không có chuyện bắt bớ khó dễ. 

Lâm lão an nhân vừa nghĩ đến điệu bộ thút thít rấm rứt của Tố Tỷ đã phiền lòng, suýt nữa hít thở không thông. Tú Anh và bà Lâm vừa khéo cùng suy nghĩ, một nhà trên dưới bốn đời đàn bà, quả thật chẳng có chuyện mưu đoạt gia sản, nhưng với tính nết của Tố Tỷ, làm sao bảo người ta yên tâm cho bà làm chủ hộ được?

Tú Anh bèn hỏi: “Sao lại giở quẻ rồi?”

Bổng Nghiên đáp: “Tiểu nhân cũng không biết tình hình cụ thể, chỉ nghe huyện lệnh không cho thôi ạ, phải theo luật.”

Thì ra lão huyện lệnh này xét xử cũng có căn cứ, ông Trình mất, không có con trai ruột, không có con trai nối dòng, đến cả con nuôi cũng chẳng có lấy một đứa. Thân tộc nhà họ Trình đã mất tung tích từ sớm, chỉ có mỗi một mụn con gái là Tố Tỷ, bà không kế nghiệp, thì ai vào đây? Vả lại Trình Khiêm đã sửa khế ước với ông Trình, mười lăm năm thành mười năm, chưa đến ba bốn năm nữa, Tú Anh đã phải theo chồng quy tông, không thể tính là người nhà họ Trình, sao còn muốn nàng làm chủ hộ?

Bà Lâm hỏi: “Cô gia ngươi đâu?”

Bổng Nghiên bẩm: “Đang hầu chuyện chủ bộ, lý chính ạ, sai tiểu nhân đến đây thưa trước.”

Bà Lâm và Tú Anh chẳng nghĩ ra được cách gì, đành nén lại, chờ Trình Khiêm về nhà rồi bàn sau.

•••••

Huyện lệnh không phải người mà ai muốn gặp cũng được, Trình Khiêm đành nhờ bạn rượu là công tử nhà lão. Lại nói, vị công tử huyện lệnh này nhờ chàng mà ăn hời, lại vì chơi với Trình Khiêm thì lợi đủ đường, Trình Khiêm nhờ hắn chuyển lời, hắn không nói gì đã đồng ý. Mà trong lòng ngoài mặt công tử huyện lệnh, đàn bà phải sống nương nhờ đàn ông, dù chỉ là đàn ông ở rể nhưng Tú Anh cũng có được một người chồng, còn hơn Tố Tỷ ở góa.

Cũng không cần quà biếu quý hóa gì, trong lòng công tử huyện lệnh tự có tính toán cả. Cha hắn sinh ra trong gia đình bậc trung, tuy đậu tiến sĩ rồi làm quan, nhưng gom tài sản cả nhà lại mà tính thì không quá một, hai vạn lượng, đến Giang Châu, dù được biếu không ít thứ, song huyện lệnh còn họ hàng cần chu cấp, nghĩa là vào tay này cũng ra tay kia, dành dụm chẳng được bao tiền. Giang Châu lại là vùng đất trù phú, vật giá phải đắt hơn quê nhà nhiều, huyện lệnh lại chả phải quan tham, cuộc sống khá giả hơn hồi ở quê cũ, nhưng chẳng thư thả được là mấy nếu so với người vùng này.

Trời không tiệt đường sống của con người mà gửi một tên ngốc Dư đại lang đến biếu không cho hắn hai vạn lượng bạc, công tử huyện lệnh sao tránh được hoa mắt. Lại nói cái tên Dư đại lang này, là con cháu nhà buôn, vừa có ăn có học, trong tay vừa lắm tiền, công tử huyện lệnh là con nhà quan lại không bằng gã, nhưng chính vì quá giàu mà không có công danh nên trong mắt công tử huyện lệnh, gã quả thực chẳng là gì, còn chả bằng một tú tài nghèo. Công tử huyện lệnh là phần tử trí thức phong lưu, cài được Dư đại lang vào tròng, bạn học ai cũng bảo hắn nhanh nhạy.

Một phần cũng là do Trình Khiêm quá xấu xa —– Chuyện đến bây giờ, hắn vẫn cho là Trình Khiêm như mình, đều may mắn cả. Trình Khiêm ở rể, không được vào trường chính quy, công tử huyện lệnh thấy chàng chẳng qua chỉ bị kẹt giữa “được phép” và “không được phép” thôi, với cả tướng mạo cũng tuấn tú, làm việc lại chu đáo, nên đối xử khác với đám nịnh bợ tầm thường. Lại vì muốn thể hiện rằng mình có bản lĩnh, bèn nói giúp vài câu với cha.

Huyện lệnh nghe rồi nổi giận: “Trận đòn hôm trước ăn nhờn rồi lại thèm trận nữa phải không! Cút ra, tao tự làm chủ, mày không được chơi với mấy cái ngữ ấy nữa!”

Công tử huyện lệnh thấy ông già nhà mình nổi điên lên, không dám vun vào nữa, chạy tới chỗ mẹ tránh họa. Để lại huyện lệnh đấm ngực khóc um: “Thanh danh cả đời của tôi ơi!” Đương khóc, vợ nhà mình bênh con chạy tới, định vào thư phòng bàn chuyện với chồng, thấy lão như thế, không kìm được sẵng giọng: “Ông lại lên cơn khùng gì vậy? Con trai cũng có làm sai chuyện gì đâu! Chuyện nhà kia tôi cũng nghe vợ Kỷ chủ bộ kể qua rồi, bà mẹ kia không hiểu chuyện, chả có tý bản lĩnh của con gái…”

Huyện lệnh giận dữ: “Bà thì hiểu gì?! Đàn bà có tài thì làm được gì? Vẫn phải sống nhờ chồng, thằng rể nhà ấy khôn lỏi lắm.” 

Nương tử huyện lệnh đáp: “Ông lại định bảo chàng ta lập mưu bẫy bạc nhà họ Dư nữa chứ gì? Bẫy rồi thì sao? Dư gia cũng có phải cái ngữ gì tốt đẹp đâu! Nhà mình cũng ôm được…”

Huyện lệnh nhảy dựng lên: “Được cái gì? Được cái gì? Ừ thì được đấy! Tôi được nó bẫy quả đắng đây này!”

Mỗi lúc gia đình huyện lệnh cãi nhau, vợ lão chưa từng nghĩ rằng lão lại dám to gan nhảy dựng lên trách mắng mình, mặt tái mét rồi đỏ phừng lên ngay, vừa khéo đang ở thư phòng. Trong thư phòng huyện lệnh có một cây thước, chuyên dùng để khảo bài con trai, chẳng biết trước đây công tử nhà này đã ăn bao nhiêu roi, hôm nay nương tử huyện lệnh giật lấy thước, đuổi đánh: “Gan ông phình ra rồi nhở, dám trừng mắt với tôi cơ đấy! Trên dưới trong ngoài cái nhà này, có chỗ nào không nhờ tôi không? Nhà ông bảy bà bác, tám bà dì tới làm tiền, toàn do tôi đối phó, lấy bên này đắp bên kia, ông mới nhờ được cái tiếng tốt, giờ làm quan rồi, lại trở ngược trừng mắt với tôi! Tôi đánh chết cái đồ vong ân bội nghĩa nhà ông rồi thắt thừng treo cổ chết mẹ cho xong!”

Huyện lệnh ôm đầu, trốn xuống gầm bàn: “Vợ ơi tha cho tôi!”

Vợ huyện lệnh khom người xuống đánh, huyện lệnh tránh tới né lui dưới gầm bàn, bà vợ nóng người, vứt thước, xách váy thêu hoa lên, cởi quần lụa nâu ra, chân mang hài gấm đen đá loạn xạ vào gầm bàn: “Ông lăn ra đây cho tôi!”

Huyện lệnh đã ăn vài cú đạp, nhận mấy dấu hài từ lâu, đưa hai tay ôm mặt, hô lên: “Bà không biết rồi, nếu chỉ có tám trăm một ngàn lượng, tôi sai thằng quỷ con này trả lại ngay, vẫn còn nguyên mác người tốt, bây giờ lại là hai vạn lượng, đem trả thì đau lòng, còn không trả, lại sợ. Khó chịu hỏng người rồi! Tuy làm quan thì cũng có cái lợi, nhưng không phải lợi quá như này. Cầm nhiều tiền, bà không sợ à?”

Vừa dứt lời, thấy đôi hài thêu gấm đen kia đạp thêm hai cú, huyện lệnh ôm đầu chui ra, mặt mày khổ sở: “Hai vạn lượng, cũng vô nhà tri phủ, làm sao mà trả?” Chìa mặt ra cho vợ xem, “Nhìn đi nhìn đi, trên trán nhiều thêm vài nếp nhăn rồi, đang khó ở đấy! Coi cái thằng rể nhà Trình kia đi, được hời nhưng cũng kéo chúng ta xuống nước, chúng ta lại không nói gì được, lòng dạ nó thâm sâu biết bao nhiêu, con trai mình bị nó bán còn đếm tiền dùm nó kìa, sau này không qua lại với nó là đúng. Với lòng dạ của nó, nếu để vợ nó làm chủ hộ, tôi chỉ sợ nó bẫy chết nhà họ Trình thôi. Để mẹ vợ nó làm chủ hộ, tốt xấu gì cũng cứu vãn kịp, coi như tôi đã làm được một việc tốt, chuộc nỗi bất an trong lòng.”

Vợ huyện lệnh thò tay cầm khăn phủi váy quần: “Sao không nói sớm? Tôi ghét nhất đám trí thức bọn ông, có chuyện gì cũng phải ngắt ra ba bốn nhịp, người ta mà không vái lạy xin xỏ thì còn khuya mới thèm phun ra hết, khăng khăng chặn họng người ta, bày ra vẻ mình cao giá ai cũng phải thỉnh. Thưa sớm xong chuyện sớm, rề rà gợi đòn à! Ông là cái thứ thà đau thịt chứ không cần mặt mũi! Sau này thể nào cũng tới lúc thiệt thòi cho mà xem! Được rồi, tôi hiểu rồi, ông còn muốn để lại dấu hài cho người ta coi, để chúng bảo tôi không phải vợ hiền chứ gì?” Dứt lời lại liếc xung quanh tìm thước.

Huyện lệnh rùng mình một cái, vội vã phủi người: “Một lòng muốn giải thích với vợ mới quên chuyện này, vợ đi mạnh giỏi.”

“Biết ông chán thấy mặt tôi rồi, tôi xuống bếp xem chúng dọn bữa đây, nhà người ta đáng thương thì ông nên chăm sóc nhiều hơn.”

Huyện lệnh tiễn vợ đi, càng nghĩ càng phiền lòng, cao giọng gọi: “Đại lang đâu? Gọi nó tới đây cho ta!”

•••••

Huyện lệnh tỏ rõ ý mình, lại có luật làm căn cứ, luận tình người thì hay dở chẳng thể một chốc mà phân rõ được, còn về lâu dài thì Tú Anh vẫn phải quy về nhà chồng là sự thực, lão là chủ quan, phải kiên trì, dù là Kỷ chủ bộ cũng không muốn vì một nhà họ Trình mà đắc tội với lão. Mà huyện lệnh cũng đúng lý, Kỷ chủ bộ nghĩ: Nương tử Trình gia dù gì cũng phải làm vợ nhà họ Hồng, nếu ba năm sau sửa thêm lần nữa thì bọn tôi được thêm một đồng công cán, nhà họ cũng khó khăn thật, còn cứ y luật mà làm thì chẳng được khoản này, nhưng cũng bớt giúp nhà họ một mối rầy rà.

Mà huyện lệnh vẫn còn khúc mắc trong lòng, lão không phải kẻ ác nhưng lại chẳng phải loại thanh bạch gì, ngụp lặn trong chốn quan trường, coi như cũng là kiểu người có tý lương tâm. Hai vạn bạc, bảo lão nhả ra thì khó quá, nhưng cứ đớp cả thì lòng không yên, cứ có cảm giác mình hỏng rồi, lúc nhìn Trình Khiêm khó tránh khỏi thấy gai mắt. Nhưng mấy lời như thế, tới cả trò chuyện với vợ mình lão cũng không dám thốt ra.

Bà Lâm lại gặp cháu Lâm tú tài của mình, Lâm tú tài bảo: “Đã dốc hết sức rồi, không ngờ huyện lệnh đại nhân lại khăng khăng theo luật, nếu dông dài nữa chỉ e xảy ra chuyện. Còn may Tố Tỷ không thích ra ngoài, cô giao công việc cho vợ chồng Tú Anh cũng tiện.”

Bà Lâm buồn rầu: “Cháu biết đâu được, một con đào, một con điếm còn lừa nó xoay mòng mòng, ngay dưới mắt ta chứ đâu. Vừa sểnh ra, suýt nữa nó đã làm lỗi tày trời với vợ chủ bộ luôn rồi, sao mà dám để nó quản nhà? Sau này sểnh mắt lần nữa, nó lại gây ra chuyện gì, nó là chủ hộ, chúng ta chỉ còn nước nghe theo chịu tội thôi.”

Lâm tú tài cũng thở dài một hồi, lại chẳng có cách nào khác: “Trước giờ dân không cự nổi quan, biết tranh luận thế nào? Chuyện đã tới nước này, đừng để huyện lệnh đại nhân không vui.”

Bên kia, Trình Khiêm lại đến gặp công tử huyện lệnh, lại chỉ gặp được sai vặt của hắn chùi mắt bước ra: “Khiêm lang đừng tìm công tử nữa, ngài ấy bị ông lớn cho ăn đòn, nhốt lại học hành rồi.”

Trình Khiêm chẳng còn cách nào, lại có lý chính khuyên: “Huyện lệnh đã có lời như thế, cũng chỉ đành vậy thôi. Hàng xóm láng giềng bao năm nay, bọn ta đều trông thấy cả, mẹ vợ cậu là người không thiết công việc. Bà ấy ở mãi trong nhà, mọi việc vẫn nhờ vợ chồng các cậu lo như cũ, lại bớt được một phen lo lót khi cậu dẫn vợ quy tông, nhờ cậy càng nhiều, tốn kém càng nhiều.”

Trình Khiêm cười khổ: “Cũng đành thế thôi, có điều mẹ vợ cháu quá lành, không tiện đón đưa khách, vẫn có những bận cần chủ hộ phải ra mặt, chỉ phiền cụ đỡ đần.”

Lý chính ngẫm một hồi cũng rõ: “Có chuyện gì ta sẽ báo với vợ chồng các cậu.” Tố Tỷ quả đúng là kiểu người không thể ra mặt xử việc được.

Sau đó, lý chính lại viết giấy, cùng Kỷ chủ bộ gửi lên huyện.

Huyện lệnh giở giấy ra đọc, trong đấy đúng thực viết tên họ chủ hộ đúng là Trình Tố Tỷ, bao tuổi, tướng mạo thế nào. Đây là phương cách mà Tùy Văn Đế nghĩ ra, gọi là “đại sách mạo duyệt”, một hộ gia đình, chủ hộ là ai, mấy tuổi, bao cao, mặt mũi thế nào đều phải liệt rõ, trong nhà có bao nhiêu người, trai gái bao nhiêu, tướng mạo ra sao cũng phải kê ra, nếu có thay đổi thì ba năm năm lại sửa một lần, để dễ thu tô thuế.

Hộ tịch khắp nước đều được viết như vậy, ghi chép xong thì nộp vào bộ Hộ trong kinh, mỗi mười năm, hai mươi năm lại kiểm tra một lần, quyển mới thay quyển cũ. Càng là đất bé, thì năm tích trữ càng dài, vào đến kinh, mỗi khi đổi hộ tịch đều đốt quyển cũ, để phòng lại cho quyển mới. Cũng có vài tên tiểu lại, để ăn vài đồng hoặc bớt vài việc mà bán quyển cũ đi, có thể tận dụng giấy trắng viết chữ —– Quá nửa là những người không lấy gì làm khá giả dùng để luyện chữ. [1]

Căn cứ theo quyển hộ tịch, tháng giêng hằng năm định ra mức tô thuế phải thu của mỗi gia đình rồi báo lên trên, ấy là chính tích của quan viên địa phương mỗi cuối năm sát hạch. Đây gọi là “Thu tịch định dạng”.

Trình gia đến nay là nữ hộ, tô thuế phải nộp được giảm bớt, lại chép nhân khẩu trong nhà. Huyện lệnh làm xong thủ tục, Tố Tỷ bèn trở thành chủ hộ.

•••••

Cả nhà hay tin, bà Lâm mặt mày xám ngoét, Tú Anh thở dài thườn thượt. Tố Tỷ biết chuyện mà tưởng như có mười ngọn Thái sơn đang treo trên đầu, sợ tới mức trắng bệch cả mặt: “Sao lại thế này? Sao lại thế này? Con con con, con không được…” Bà Lâm mắng: “Hừ, có ai mong cô làm đâu, cô ra sau nhà tụng kinh cho tôi, chẳng qua chỉ treo cái tên cô lên thế thôi, việc ắt do chúng tôi làm.”

Lý chính cũng bảo: “Không dính dáng gì cả, chẳng bắt cô làm gì đâu.” Tố Tỷ mới thấp thỏm lui vào.

Trình Khiêm chỉ biết nhíu mày, thấy đám lý chính đi rồi mới nói với Tú Anh: “Ta thực sự khó mà yên lòng nổi, phải quản chặt mẹ vợ, nàng cũng phải ở nhà bồi bổ cho tốt. Nhà có tang, không tiện ra khỏi cửa.”

Tú Anh đang muốn nổi nóng, lại nhớ đến lời khuyên của bà Lâm thì nhịn vào, thầm nhủ, chăm sóc thân thể rồi sinh con trai mới là chuyện quan trọng. Bèn gật đầu đáp: “Chàng nói đúng, ta sẽ nghỉ ở nhà. Sắp đến Tết rồi, ngoài kia phải cậy chàng bươn chải thôi, ta không tiện ngược xuôi, có vài món hàng Tết cần chàng chăm kỹ.”

Trình Khiêm bảo: “Ta biết rồi, đi lo ngay đây.” Tú Anh tiếp: “Tối về nhà ăn cơm nhé, ta bảo chúng nó chần canh gà rồi.” Trình Khiêm gật đầu: “Om thêm thịt cừu nhé.”

Sau khi Trình Khiêm rời đi, Tú Anh dặn nhà bếp xong xuôi lại ngồi không chán chê, bèn hỏi Tiểu Hỉ: “Đại tỷ đâu?”

Tiểu Hỉ giương mắt ngó ra ngoài: “Đang đá banh với Đóa Nhi ngoài vườn ạ.”

“Gọi nó vào đây.”

Ngọc Tỷ và Đóa Nhi bước vào phòng, Tú Anh liền hỏi: “Con chỉ có một mình Đóa Nhi hầu hạ, mẹ mua thêm hai nha đầu cho nhé, con thích kiểu nào?”

Ngọc Tỷ đáp: “Con có Đóa Nhi là đủ.”

Tú Anh bảo: “Lại nói khờ gì đấy, thế này sao mà đủ? Chuyện gì con cũng giao cho nó, không sợ nó mệt chết à?”

Đang nói chuyện thì Tiểu Lạc vào thưa, Hà thị đến.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.